CHƯƠNG 5: TRANG.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dạ thức dậy ngày thứ hai trong khách sạn. Tối qua tìm cách gọi điện thoại cho Huy nhưng máy bận liên tục. Cuối cùng cô ngủ quên bên cạnh điện thoại. Sáng choàng dậy vì tiếng động xôn xao bên dưới cứ tưởng đang nói chuyện với Huy. Tiếng động léo nhéo từ cửa sổ. Dạ khoác đại bộ đồ che áo ngủ phong phanh ghé người nhìn thì thấy cô bé Xuân Thì đang bị lôi kéo bởi người đàn ông lớn tuổi. Dạ lật đật bấm thang máy xuống, quên cả thay đôi dép trong phòng.

Xuân Thì vẫn bị dằn co, cô bé khóc nấc lên không nghe được gì, mặt đỏ ké.

-Thả con ra. Ba thả con ra.

-Tao nói mày không được làm trò đú đởn này.

-Con đi làm lương thiện mà.

-Ăn mày thì lương thiện. Đi làm tiếp viên phục vụ cho phường nhà giàu này thì khác gì làm đĩ.

Dạ ghét nhất trên đời là sự miệt thị cay độc bằng ngôn ngữ. Những trận đòn có thể qua cơn đau lành sẹo, nhưng từ ngữ độc ác thì sẽ làm tổ trong trí não người khác, nó khiến người ta xấu hổ nhục nhã khi phải nhớ lại, danh dự bị xâm phạm hết lần này lần khác. Dạ tiến tới dằn cánh tay Xuân Thì, kéo cô về phía mình. Người đàn ông trước mặt nực nồng mùi rượu lạnh, hai mắt đỏ ngầu, ngực lép kẹp. Cô bị bất ngờ trước mùi rượu nồng nặc bước lùi về phía sau.

-Mày là ai xen vô chuyện nhà tao.

-Chú dạy con thì dạy trong nhà. Làm như vậy con nhỏ còn mặt mũi nào.

-Tao nói nó nhiều lần không tao làm cho nó hết dám ra đường nhìn người ta.

-Con có làm gì mà ba la con

Xuân Thì vừa khóc vừa nức nở.

-Tao kêu mày đi ở đợ cũng được. Mày lại chọn đi làm cho cái thằng giết người dâm dật này.

-Ba đừng nói anh Khải vậy. Người ta đàng hoàng mà ba ...

-Im ngay cái mõm chó lại tao đánh cho chết bây giờ.

-Chú còn làm dữ tôi kêu công an.

Người đàn ông nghe tới chữ công an thì trở nên kích động, xoay hẳn người trấn tới Dạ. Áo khoác bên ngoài của cô đột nhiên bị bàn tay ông ta như hai gọng kiềm kéo xệch về phía đó. Dạ chưa kịp xoay trở thì có cánh tay đẩy mạnh ông ta về phía sau.

-Công an sẽ tới ngay. Chú đi ra khỏi đây trước khi bị họ bắt.

Khải đứng trước mặt cô. Đứng gần như vầy mới nhận ra anh ta rất cao. Lưng bằng phẳng, cổ thon.

-Đụ má đồ nhà giàu ức hiếp dân nghèo. Mày kêu công an lại coi thằng nào bị cầm đầu. đồ giết người biến thái.

Xuân Thì lấy được bình tĩnh chạy xộc khỏi sự che chở của Dạ lôi người đàn ông về phía cổng.

-Ba đi về nhanh lên. Người ta gọi công an kìa.

Dạ còn chưa kịp nhìn hết sự việc trước mặt thì Khải xoay người đối diện cô, cách nhau chỉ một cái nắm tay. Cô ngước lên chỉ kịp thấy đôi mắt ấy. Màu đen sẫm lạnh lẽo có thể phát ra cái nhìn dịu dàng ấm áp, những tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào tim. Mùi hương thoảng qua từ cổ áo, vai áo, mùi hương ấm áp li ti trong không khí. Anh ta cất giọng trầm khản, dứt khoát, gãy gọn tỏ ý không có sự thương lượng nào sau lời nói của mình.

-Xin lỗi làm phiền cô. Việc của khách sạn xin cô đừng can dự vào.

Anh nhìn bộ quần áo cẩu thả cô tròng vội vào người.

-Cô lên phòng dùm được không?

-Tôi không phải là người bị hại, anh không cần khẩn trương vậy. Loại người đó tôi gặp nhiều rồi.

-Nhưng cô đứng đây chỉ làm nhân viên xao lãng...

Dạ nhìn xung quanh đúng là ba con Xuân Thì đã đi khuất nhưng nhân viên vẫn còn nán lại chỉ vì sự có mặt của cô ở quầy tiếp tân, chờ đợi thêm một tấn trò gì đó lúc này. Hơn nữa dù đã khoác áo bên ngoài nhưng Dạ lúc này trông không khác gì đang tìm cách kêu gọi sự chú ý.

Cả ngày hôm đó khách sạn có vẻ chùn lại, như mặt hồ sau trận mưa rào. Dạ thay đồ ăn sáng rồi đi ra ngoài. Trước khi đi cô ngỏ lời hỏi nhân viên về cô nhi viện XYZ.

Phải tới đó thôi. Căn nhà tuổi thơ của cô.

Cô nhi viện XYZ đã bị giải tỏa. Hình như cách đây 3 năm, sau khi không đủ nhân lực để quản lý họ đã đóng cửa, những đứa trẻ đợt ấy đi khắp nơi. Giống Dạ ngày xưa.

Cô nhi viện giải tán nhưng mảnh đất và tòa nhà còn y nguyên. Chính quyền tỉnh chưa biết phải làm gì với chúng, để một tòa nhà chơ vơ trên bãi đất trống. Dạ đi lòng vòng khoảnh sân nhỏ, cảm thấy chua chát vô cùng. Cô rõ ràng đã bỏ không ít thời gian nơi đây, vậy mà giờ tuyệt nhiên không nhớ gì về những tháng ngày ấy. Nhớ được cái tên, những buổi ăn tập thể và một vài gương mặt mờ như được nhìn qua đôi mắt người già. Có lẽ cô đã quá già để chơi trò hồi tưởng trìu mến này. Ký ức giống như đứa trẻ hư hỏng đùa cợt bộ não già nua của cô.

Trong lúc quy hàng cô nhớ ra Trang.

Trang bằng hay nhỏ hơn cô một hai tuổi, là đứa bé gái có đôi mắt nhỏ một mí, khi Trang cười đôi mắt chỉ còn lại chút xíu rất nhộn. Cứ nhìn Trang cười là Dạ vui. Trang thực sự sinh động, nồng nhiệt, còn Dạ lầm lì ít nói như một hố sâu buồn thảm. Cho nên DẠ rất thân với Trang, giống như bám lấy Trang để tìm thấy chút vui vẻ sinh khí dư thừa từ cô bạn. Trang không phải trẻ mồ côi, dì Mùi mẹ của Trang là nhân viên cấp dưỡng của trại trẻ. Chồng dì Mùi chết khi Trang còn nhỏ cho nên cũng chỉ có hai mẹ con. Cuối cùng Trang lúc nào cũng bám mẹ lúc đi làm, chỉ khi chiều tối mới về nhà. Cả ngày Dạ với Trang lân lê khắp nơi.

Sau đó, thật tình không thể nghĩ ra việc gì đã đẩy họ xa nhau. Cuộc đời Dạ như chuyến tàu xe lửa đi băng qua đêm tối, cứ người lên kẻ xuống không rõ nguyên nhân. Dạ đoán rằng họ mất liên lạc nhau sau khi cô bị thuyên chuyển sang trại trẻ khác. Những đứa trẻ bơ vơ không tìm được cách trở lại làm bạn của nhau. Có lẽ bây giờ Trang lấy chồng rồi cũng nên. Hoặc bỏ đi từ lâu.

Dạ có thôi thúc kỳ lạ muốn kiếm ra Trang. Toàn bộ chuyến đi này không có chút ý nghĩa gì vì việc cũ không thể nhớ ra, những việc mới lại quá mơ hồ kỳ quặc. Dạ đi lòng vòng khu lân cận hỏi thăm có ai từng làm việc ở đó biết tung tích cô Mùi. Hai mẹ con Trang hóa ra biến mất khỏi đây như bọt xà bông. Vỡ tan không dấu vết. Rất ít người thậm chí còn nhớ đến cô Mùi, chỉ một vài cái gật đầu công nhận nhưng cẩu thả mơ hồ vô chừng. Lời nói duy nhất nghe có phần chắc chắn, từ ông lão quét sân chùa gần đó. "Cô Mùi cô nhi viện hả? Bị điên rồi, giờ trong bệnh viện"

Còn Trang thì ông lão không biết gì hơn.

Dạ về lại khách sạn trong cảm giác khó chịu, muốn gặp mặt thằng Huy để nổi giận hay cằn nhằn vô chừng. Nhưng cô gọi bác sỹ.

-Bác sỹ, cháu về lại DT.

-À cháu đi đến đó thật hả?

-Uhm cháu nhớ ra một người quan trọng.

-Người quan trọng? Anh ta gặp cháu ở đâu?

-Bác sỹ coi nhiều phim tình cảm quá. Không có anh ta nào hết, một cô bạn cũ.

-Ah xin lỗi cháu, đoán mò linh tinh. Bạn cũ hả? Cô ta tên gì?

-Tên Trang..cháu có nhắc đến cô ấy trong những lần trị liệu không?

-Có, khá nhiều.

-Vậy..cháu đi tìm Trang được không? Tự nhiên cháu cảm thấy muốn tìm Trang.

-Dạ ah, ta không thể cho cháu lời khuyên nên hay không nên. Cháu để tự bản thân mình quyết định, việc nên nhớ hay không những chuyện này chuyện kia.

-Nhưng có cần thiết không? Tự nhiên cháu nghĩ về Trang lúc thăm cô nhi viện. Đi hỏi thăm chẳng ai biết cho nên cháu..

-Cháu thế nào?

-Cảm thấy rất bực bội khó chịu càng muốn tìm cho ra lẽ.

-Có phải Trang rất quan trọng với cháu?

-Ta không thể nói. Cháu biết là ta phải giữ bí mật tuyệt đối nội dung những buổi trị liệu, kể cả với cháu....Dạ, ký ức cũng có lý lẽ riêng nó. Cháu không cần phải giải thích tìm hiểu. Nó đưa cho cháu gợi ý, nếu cảm thấy thích thú với gợi ý thì cứ đi theo.

-Bác kêu cháu quên bớt đi bây giờ lại khuyến khích phải nhớ thêm. Rất khó làm vừa lòng bác đó bác Hà.

-Xin lỗi,cháu phải tự lo vậy. Tìm ra gì thì ghi lại hoặc gọi kể cho ta nghe ngay, biết không?

-Bác có tính tiền trị liệu nếu cháu gọi qua điện thoại?

-Cô có phải trả đồng nào chưa?

Dạ cười chào tạm biệt bác sỹ. Cô đi xuống quầy tiếp tân

-Xuân Thì có quay lại làm chưa em?

-Em không biết nữa chị ơi..bị quài hà.

-Là sao?

-Ong ba Thùy bị nghiện rượu. Rượu vô là ổng quậy tan nát, con nhỏ chuyển chỗ làm bao nhiêu lần.

-Vậy không lẽ..

-Riêng chỗ này thì hết lần này đến lần kia anh Khải cho Thì ở lại.

Khải chắc hẳn là người chủ tốt, đã thấy cách anh cư xử nhân viên, nghiêm khắc nhưng tôn trọng. Có điều bị nguyền rủa vu cáo nặng nề như thế không biết sẽ điềm tĩnh bao lâu. Cũng không rõ vì sao một người tiếng tăm lừng lẫy đạo mạo trên thành phố lại chịu sỉ vả ngay quê nhà, lại là tội lớn nhất trong cung hình phạt "giết người" không phải giựt vợ giựt nhà lừa đảo.

-Em cho chị hỏi bệnh viện tâm thần T?

-Gần bệnh viện thị xã đó chị. Cứ đi tới đó hỏi là dễ nhất.

-Em giới thiệu bệnh viện tâm thần cho khách du lịch sao Minh?

-DẠ..chị ấy.

-Tôi hỏi cậu ta

Khải lại nhìn cô xét nét. Lần nào anh ta xuất hiện cũng nhìn cô xét nét thẩm định. Dạ đã chịu nhiều cái nhìn đàn ông, phần lớn là tán tỉnh, trêu gọi, ngưỡng mộ. Chưa ai cho cô cái nhìn kiểu giáo viên gọi học trò lên trả bài như vầy.

-Chỗ đó không an toàn, cô đừng đến.

-Tôi có việc, anh không phải lo.

-Nghệ sĩ các cô không sợ chết, không muốn lo nghĩ. Nhưng chúng tôi thì có.

-Đừng lo tôi sẽ về toàn mạng không làm anh liên lụy.

-Tôi..không cản được cô phải không?

-Không.

-Vậy ghi số điện thoại lại. Gọi cho tôi nếu cô thấy cần.

Như thế nào là cần? Cô cần gì ở một đại gia? Cho cũng đã tự tiện cho cô chiếc áo dạ hội theo kiểu ép buộc, tán tỉnh thì không phải tuồng tán tỉnh.

Dạ chép số điện thoại vào máy. Ngắm nhìn anh ta lần nữa, không hề che dấu hành động của mình

-Anh đã từng giết người à?

Thật ra là câu nói đùa, cô mường tượng người bên kia sẽ thả lỏng gương mặt đang nghiêm nghị nhưng hóa ra lại chau mày, hàng lông mày của đàn ông đột nhiên cau có, ánh mắt khó chịu cảm giác như trời đang nắng đẹp lại nổi mây mù vần vũ.

-Cô muốn tỏ ra mình vui tính cũng nên chọn đúng thời điểm!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro