Gặp lại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chap này sẽ có không khí hơi khác một chút vì Lâm Lâm sẽ xuất hiện, tự nói lên tiếng lòng của mình, những gì thằng bé thấy được về thế giới xung quanh, đặc biệt là về Bảo - thằng bạn đã cùng nó trải qua không ít sóng gió.

[POV của Lâm]

Quán cơm Sương Mai, chỗ tôi làm việc, đang hoạt động rất tốt. Tuy không quá đông, nhưng lượng khách ra vào đều đặn giúp cho tôi với thằng Bảo có được sự tín nhiệm lớn của chị chủ. Hôm nay cũng là một ngày làm việc đầy hi vọng như vậy. Chị Mai chủ quán vỗ vai dặn dò tôi:

"Quán mình nay có một nhóm khách đãi tiệc sinh nhật. Bảo với Lâm cố gắng làm tốt, cuối buổi chị thưởng thêm nha."

"Dạ, chị yên tâm. Tụi em sẽ cố gắng."

Nghe đến vụ thưởng thêm, tôi không kiềm chế được sự háo hức mà trả lời thay cho cả thằng Bảo. Dù không thoải mái lắm, nó vẫn theo kế hoạch đi soạn chén dĩa, chuẩn bị đón khách.

Giờ tổ chức tiệc đã đến, chiếc bàn tròn 10 chỗ ngồi dần được lấp đầy, chỉ còn thiếu một người thôi nên chúng tôi cũng bắt đầu phục vụ đồ ăn.

Đột nhiên, trong lúc tôi đang loay hoay để bưng dĩa cơm đặt lên bàn thì một giọng nói trầm khàn vang lên:

"Con trai cưng! Chúc mừng sinh nhật."

Từ trên xe hơi, một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi với hộp quà nhỏ trên tay bước xuống, đi vào quán ăn. Ông ấy mặc vest đen, đeo cà vạt rồi còn mang giày tây nữa. Dáng vẻ này chắc phải là một doanh nhân thành đạt lắm. Tôi nhìn theo, ngưỡng mộ đến ngây ngốc. Tuy là từng bị thằng Bảo chửi cho vì thèm muốn toàn mấy món của dân nhà giàu, nhưng sống khổ quen rồi, tôi vẫn vô thức để ý tới những thứ đó.

Một món đã được dọn lên, tôi hăng hái đi vào bưng tiếp món khác thì xém va phải thằng Bảo đang đứng như trời trồng ở cửa vào khu bếp. Ánh mắt nó chăm chăm nhìn về phía bàn tiệc. Nét bình thản đối diện với mọi chuyện của thằng Bảo thường ngày đột ngột đi vắng, nhường chỗ cho sự thảng thốt và chới với đến bất thường.

Có chuyện gì vậy nhỉ? Thằng Bảo trong lòng tôi không chỉ có lý tưởng sống tích cực, mà còn là một thằng nhóc với sự lì lợm không ai sánh bằng. Nhưng ngay lúc này đây, dường như chút yếu đuối trong nó cũng lén lút bộc phát ra. Nó cầm bình trà đá với đôi bàn tay run rẩy.

Đến khi bị tôi vỗ vai, thằng Bảo mới như bừng tỉnh. Nó giật mình, ra vẻ như không có gì xảy ra mà hỏi:

"Sao á? Tao hơi buồn ngủ nên đứng hình con mẹ nó luôn."

"Thiệt hông? Sao dòm mày buồn hiu..."

"Mẹ! Chứ sao nữa ông cố. Tao có phải bà Năm đâu mà nghĩ ngợi suốt.", nó chau mày cãi cọ.

Lời qua tiếng lại chưa được mấy câu, người đàn ông trung niên kia đã khoác tay gọi thằng Bảo. Ông ta ngả lưng vào ghế, hắng giọng một cái rồi hất mặt về phía chiếc bánh sinh nhật vừa to vừa bắt mắt trên bàn, nói:

"Thằng kia! Lại bày chén dĩa ra coi. Đứng đực mặt ra vậy?"

"Tháng nào chủ cũng trả tiền cho mày mà làm ăn chậm chạp quá!".

"Bưng bê cho cẩn thận, rớt một giọt nước vô người tao, tao bẻ giò mày."

Hai thằng tôi đâu phải mới một ngày một bữa đi làm thuê. Chuyện gặp khách ăn hạch sách và sai bảo kiểu này vốn cũng chẳng lạ lẫm gì. Nhưng cả quán ít nhất có 5 đứa chạy bàn, chả hiểu sao mỗi thằng Bảo bị hành chạy té khói. Đến con bé Phương mới vào làm có vài hôm, nó trông thấy còn sôi hết ruột gan.

"Cái nhà đó bị sao vậy trời! Ở đây một đống người mà nhè anh Bảo sai vặt hoài ta?", nó bực mình nói.

Hết ông bố rồi đứa con - chủ nhân bữa tiệc sinh nhật thi nhau hoạnh họe thằng Bảo. Thằng kia trạc tuổi chúng tôi thôi, nhưng quần áo, giày và đồng hồ nó đeo trên người giúp nó nhận biết được giữa đôi bên có sự chênh lệch về tầng lớp xã hội. Nó ung dung nhếch môi cười, hất tung đống đũa dư xuống đất rồi ra lệnh:

"Quỳ xuống lụm hết lên cho tao. Xong rồi thì cắt bánh chia ra. Mày làm ẩu thì tao báo cáo cho mày nghỉ việc."

Câu nói vừa dứt, bầu không khí bỗng tĩnh lặng đến khó thở. Cũng thật lạ lùng khi những người còn lại ở bàn tiệc đều là người lớn, vậy mà chẳng có lấy một người lên tiếng giúp tụi tôi nói lí lẽ.

Bị dồn vào chân tường như thế, ai mà chịu cho được chứ. Sự im lặng của thằng Bảo càng khiến cho cảnh tượng hãi hùng trong đầu tôi hiện ra vô cùng chân thực. Thằng Bảo quậy điên lên, xông tới nắm lấy chân bàn rồi hất tung cả mâm tiệc. Mắt nó long lên sòng sọc, không ngần ngại túm cổ áo thằng oắt kia và cho nó một cú đấm răng môi lẫn lộn. Chiếc bánh kem không thoát khỏi số phận bị quăng xuống nền nhà, trộn lẫn với bụi trở thành đống bùi nhùi trong sự bàng hoàng của những người chứng kiến.

Tuy nhiên, điều khiến tôi còn bàng hoàng hơn cả, đó là những gì tôi tưởng tượng từ nãy đến giờ đều không trúng một chi tiết nào. Ngược lại, thằng Bảo nín nhịn khom lưng nhặt từng chiếc đũa lên. Sau khi chia bánh cho tất cả người trong bàn, nó nhoẻn miệng cười, vui vẻ nói mấy lời:

"Chúc mọi người ăn ngon miệng."

Tôi trố mắt chứng kiến khoảnh khắc kỳ diệu đã vượt khỏi trí tưởng tượng của bản thân.

Sống trong khu ổ chuột, tôi thừa biết thứ mà những đứa trẻ trong chỗ ấy xem trọng là Danh dự và sự tồn tại. Bởi vì sợ bị mất danh dự và để tồn tại, tụi nó sẽ dùng bạo lực quyết định cuộc chơi, không có chỗ cho sự nhịn nhục.

Thế nhưng lúc này đây, sự nhịn nhục của thằng Bảo thật sự đáng nể. Tôi đầu thai lại thêm mấy kiếp nữa cũng chưa chắc được thấy lần thứ hai. Đến thằng nhóc ranh thô lỗ kia còn phải trợn mắt nhìn đầy kinh ngạc. Nó không sai biểu linh tinh nữa, tập trung thưởng thức bữa ăn thịnh soạn đã được bày lên.

Nhân lúc gia đình đó ăn uống say sưa, tôi rón rén kéo tay thằng Bảo vào khu nhà bếp. Chủ yếu là không nỡ ngó thằng bạn cứ chạy vạy tới lui mãi, mặt mũi bơ phờ hết cả trong khi mình đứng thảnh thơi. Thằng Bảo lại chẳng lộ ra vẻ mệt mỏi gì, nó vỗ vai tôi, trấn an:

"Đừng có lo. Mấy chuyện cỏn con này đéo giết được tao đâu".

"Mày dự tính cái gì mà phải khom lưng cúi đầu chịu đựng dữ vậy?"

"Tao cần tiền.... Vậy thôi. Có tiền mới vá được cái nhà dột nát trong khu ổ chuột."

Đúng là xứng với hai chữ "đại ca". Trừ cái lần tôi bạo gan cứu nó khỏi sự truy lùng của thằng Khải, những lần va chạm khác thì nó chưa thua bao giờ. Ngoài ra, suy nghĩ của thằng Bảo cũng hơn hẳn bọn cầm đầu cũ. Nó sẵn sàng vung tay thành đấm để giải quyết ân oán khiến bọn xấu tối tăm mặt mày, cũng sẵn sàng mở bàn tay ra để kéo người khác cùng đi về phía ánh sáng.

Tuy nhiên, chuyện ngày hôm nay vẫn chưa kết thúc. Tiệc sinh nhật xong xuôi, toàn thể người tham gia đứng dậy ra về, trừ người đàn ông trung niên kia ở lại thanh toán tiền. Nhận tiền xong xuôi, lẽ ra chỉ cần mang vào quầy cất, thằng Bảo còn ngần ngừ tính làm thêm việc gì đó.

Khi người đàn ông trung niên đứng dậy, thằng Bảo bất chợt níu lấy tay áo của ông ta. Đôi mắt ánh lên nét buồn bã, môi thì ngậm chặt như thể chỉ cần một kẽ hở sẽ bật khóc. Người đàn ông nhíu mày nhìn phản ứng của nó, không chút lay động. Ông mất kiên nhẫn, hạ giọng hỏi:

"Mày muốn nói gì, nói lẹ để tao chở vợ con tao về."

Tôi sốt ruột không kém người đàn ông kia. Với những hành động đã làm, ông ta rõ ràng chẳng phải họ hàng hay người quen gì của nó. Vậy thì có gì mà phải nói với nhau chứ?

Không vội trả lời, thằng Bảo cúi gằm mặt, lẳng lặng tuột chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay trỏ rồi thả nó rơi tự do xuống nền đất lạnh.

"Chiếc nhẫn này, tui trả lại. Ông mang về cho thằng em khác mẹ của tui đi."

Thằng em khác mẹ? Vậy hóa ra người đàn ông đó chính là... bố ruột của nó. Vết thương cũ của thằng Bảo chắc đang đau nhức trở lại. Thằng Bảo không chờ để xem phản ứng của bố mình. Nó quay người bước đi thật nhanh vào bên trong.

Sự bàng hoàng xuất hiện trên mặt người đàn ông rồi lại biến mất chỉ trong một tích tắc. Ông ta đưa tay quệt đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi luống cuống nhặt chiếc nhẫn lên, nhét vào túi áo. Hành động đó như thể sợ bị người ngoài phát hiện ra quá khứ tệ hại, đáng xấu hổ của ông ta chứ chẳng có vẻ gì là hối hận hay khổ tâm cả. Với sự bạc bẽo chẳng có lấy chút tình cảm đó, ký ức đau thương của thằng Bảo cũng nên nằm lại một góc rồi.

Trên đường đi về, thằng Bảo trầm ngâm mãi không thôi. Dù vừa mới được chị chủ thưởng thêm cho tận hai trăm ngàn vì làm việc vất vả, nhưng nó chẳng lộ ra chút niềm vui trong ánh mắt. Câu cảm ơn nói ra cũng chỉ là cho có lệ.

Bình thường, tâm nó giống như một mặt hồ, luôn phẳng lặng đến mức kinh ngạc. Dù có phải ăn bao nhiêu cú đấm, mặt hồ cũng không gợn chút sóng, nó vẫn có thể bình tĩnh đối đầu. Nhưng suy cho cùng, thằng Bảo cũng chỉ là một thằng con nít mới 15, 16 tuổi. Nó bình tĩnh trước những sóng gió cuộc đời bởi vì nó cũng chẳng thể làm gì khác hơn, không phải vì nó là cát đá mà không biết buồn, đau.

Sự xuất hiện đột ngột của bố nó giống như một hòn sỏi nhỏ vậy. Khi có ai đó ném hòn sỏi xuống nước, mặt hồ sẽ ào một đợt sóng như vũ bão, khuấy động cả bầu không gian yên ả bấy lâu nay. Cảm giác được gặp lại nhưng chẳng được vỗ về, yêu thương, còn bị đối xử tàn tệ.

Thấy tôi thở dài lo lắng, thằng Bảo cố gắng cười cười. Nó vỗ đầu tôi, trề môi cợt nhả:

"Ông cố nội ơi! Bớt nhìn tao bằng ánh mắt khổ sở đó đi."

"Tao chứng kiến hết rồi. Mày cứ trút cảm xúc ra cho nhẹ cái đầu", tôi nói.

Dù hơi ngạc nhiên, nhưng giống như vừa gỡ bỏ được lớp mặt nạ nặng nề và khó chịu, thằng Bảo nhún vai, cười cay đắng bày tỏ với tôi:

"Hồi đó bố tao đối xử với tao như cứt. Vai tao còn nguyên cái vết sẹo ổng điêu khắc cho. Vậy mà giờ lại thương thằng chó nhỏ đó như vàng bạc. Sống cuộc đời sung sướng..."

"Giờ mày trả đồ lại cho ổng rồi, mày còn lưu luyến gì không?", tôi hỏi.

"Tao nghĩ chắc một thời gian nữa mới dứt điểm được...", Bảo ngập ngừng.

"Ừ! Hổng có sao đâu!!! Có tụi tao, có bà Năm ở bên cạnh mày."

Nói rồi, tôi khoác vai nó đi về hướng khu ổ chuột.

Câu chuyện vừa xảy ra cũng được tôi truyền kể lại cho bà Năm nghe. Bả biết tính tình thằng Bảo, rất ghét nhắc về bố mẹ nó nên cũng chẳng cạy miệng hỏi bất cứ gì. Bả chỉ lặng lẽ bưng tô cháo nóng hôi hổi từ trong bếp ra, xoa đầu nó rồi kêu:

"Ăn đi! Phần thưởng đặc biệt dành cho người mạnh mẽ."

"Dạ!", thằng Bảo lần đầu lễ phép đáp.

Sau mưa, cầu vồng sẽ xuất hiện. Bão đi qua, đất trời sẽ lại yên ả. Sóng gió cách mấy rồi sẽ phải có lúc ngừng. Chúng tôi, những đứa trẻ lang thang vẫn đi tiếp trên chặng đường đó. Bởi chúng tôi tin, cuối đường hầm rồi cũng sẽ có ánh sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro