Thằng Lâm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay trời phủ một màu xanh thẫm vô cùng nhẹ nhàng và mát mắt. Những áng mây trắng bồng bềnh, chầm chậm trôi. Chúng trông cứ như những viên kẹo bông gòn với đủ các hình thù ngộ nghĩnh. Tôi vươn vai, hít một hơi thật sâu, đón lấy làn gió mát rượi đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong da thịt. Không khí yên bình khác với sự hỗn độn chỉ toàn tiếng rượt đuổi, đánh nhau của mọi ngày làm tôi cũng vui vẻ hẳn.

Sự tĩnh lặng ấy khiến tôi đi dần vào giấc ngủ. Đang thiu thiu thì bỗng dưng một tiếng "bộp" vang dội đưa tôi về thực tại.

"Đậu má! Thằng ông cố nào rảnh vậy?"

Tôi vừa chửi vừa xoa xoa bên vai mới bị vỗ. Đúng là sống riết trong cái khu này, cứ mở miệng là nói bậy, thời gian mơ mộng không thể vượt quá năm phút. Thằng Lâm - thủ phạm phá rối giấc mộng đẹp dửng dưng nhìn tôi không chút dao động. Nó lặng lẽ lấy một chiếc áo thun mới toanh chẳng biết có từ đâu, dúi vô tay tôi.

"Gì đây ba? Tao đi bưng hủ tiếu thôi, cần chi mặc đồ mới", tôi nghệch mặt ra nhìn nó.

"Đi với tao! Có tiệm cơm mới mở. Chịu cực một tí thì con nít như tụi mình cũng có thể kiếm một tháng hai triệu."

Mắt thằng Lâm trở nên long lanh, sáng rỡ khi nói tới số tiền lớn. Thường ngày, nó phụ ông Hoài vác gạch, khiêng từng xô xi măng xây nhà cho người ta. Tôi thì sáng bưng hủ tiếu ở quán bà Năm, chiều tối lại tất tả qua quán nhậu làm chạy bàn. Mấy thằng trẻ con, bán mạng kiếm sống, đổi lại được vài trăm ngàn. Giờ tự nhiên phát hiện một chỗ làm để có tiền triệu, sao mà cưỡng lại được.

Tôi khoác vai thằng Lâm, không chần chừ kéo nó sang chỗ bà Năm để thông báo. Hồi đầu bả nhận tôi làm vì thương, chứ mình ên bả dư sức vừa nấu vừa bưng bê. Vậy thành ra tôi nói nghỉ làm, bả đâu bực dọc tí nào. Bả còn ôm tôi, mắt rưng rưng, bảo:

"Thằng quỷ ráng mần nhe! Mày có dư, tao cũng mừng."

Thế rồi tôi với thằng Lâm lên đường đi qua khu dân cư mới để tìm tới chỗ làm việc.

Khu ổ chuột nơi tôi ở là tập hợp những căn nhà hoang hoặc cũ kỹ. Vách tường vàng vọt, bong tróc được vá víu tạm bợ bằng những tấm ván vụn, thiếc cũ hoặc những miếng bạt cỡ lớn. Mưa xuống thì từ mát cho tới lạnh run, vì có chỗ nhà bị bung nóc, dột hết. Thứ duy nhất giúp tôi và đám đàm em cầm cự là cái mền tôi mua lúc mới tới đây. Ngày nắng thì không sao, bão giông mới lòi ra cái khổ.

Cùng một thành phố, nhưng chỉ cần đi qua ba cái ngã tư, mọi thứ đã khác nhau rất nhiều...

Từ xa đã có thể thấy những tòa nhà cao chọc trời thấp thoáng sau làn mây và dần hiện rõ trước mắt. Dòng người lẫn với dòng xe cộ đông đúc, rất náo nhiệt, cũng rất nghẹt thở. Dọc hai bên đường, nhà lầu, cửa hàng, quán ăn mọc lên như nấm. Bên trong mỗi quán đều được trang trí hoành tráng và treo những loại đèn chùm sáng chói mà có lẽ gom hết đèn ở cả khu ổ chuột lại cũng không sáng được như thế.

Cuộc sống ở chốn này, tôi đã từng trải qua, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Nhưng với thằng Lâm, có lẽ mọi thứ đều mới mẻ và gây choáng ngợp. Nó đi vài bước lại đứng sựng lại một lần. Mắt nó tròn xoe, miệng thì há hốc mỗi lần có ai đó ăn mặc sang trọng lướt ngang qua. Tôi hơi xấu hổ, khều nó để nhắc nhở:

"Ê thằng quỷ! Khoái cái gì cũng kín kẽ tí, gì mà dòm lom lom vậy?"

"Trời! Mày không thấy mấy thứ ở đây lạ quá chừng so với khu mình hả?"

"Không! Tao đã từng sống cuộc sống như thế này rồi", tôi bình thản trả lời.

Thằng Lâm nghe những lời tôi nói, ánh mắt đột nhiên thay đổi, lộ rõ sự ngưỡng mộ và mong ước. Nó khẽ mỉm cười, giọng điệu thỏ thẻ với tôi như trẻ lên ba:

"Tao thèm được giống vậy. Có nhà cao, cửa rộng, gia đình hạnh phúc..."

"Rồi sao nữa?", tôi chăm chú nghe.

"...Còn có thể ngồi trên xe hơi vừa đẹp vừa bự như chiếc màu xanh đằng kia."

Tôi nhìn theo hướng tay thằng Lâm đang chỉ, mặt đột nhiên nóng bừng. Sự bình tĩnh biến đi đâu mất, nhường chỗ cho cơn giận bất ngờ bộc phát.

"Mẹ! Có cái khỉ gì hay ho đâu."

Tôi gằn giọng giữa con phố đông nghịt người khiến thằng Lâm giật nảy mình. Nó hơi kinh ngạc, ngơ ngác nhìn tôi. Ước mơ mới nhen nhóm đã bị dập tắt, thằng bạn tôi tiu nghỉu lái sang chuyện khác trong vài nốt nhạc.

Đúng! Thằng Lâm không nên mong muốn như thế. Một đứa vừa hiền lành, tốt bụng như nó lại khao khát ngồi trên chiếc xe giống với xe của hai con người tàn nhẫn đã sinh ra tôi sao? Nghĩ đến là tôi thấy nóng máu.

Đi bộ mải miết, cuối cùng cũng tới được chỗ cần tới. Từ bên ngoài đã có thể cảm nhận sự lộng lẫy. Đập vào mắt chúng tôi khi mới bước vào là biển hiệu Quán cơm Sương Mai màu vàng tươi cùng hai chiếc "khung treo ảnh quảng cáo" cỡ lớn để giới thiệu món ăn.

Tôi đảo mắt qua một lượt, nhìn tới đâu đều phải há hốc mồm tới đó. Trên tường treo cỡ chục bức vẽ tinh xảo. Bàn ghế, chén đũa đều được làm bằng gỗ. Bốn góc của quán thì có bốn chiếc kệ, trưng những chậu xương rồng nhỏ. Đâu đâu cũng là dấu vết của tiền bạc.

Thằng Lâm chưa bao giờ đến những chỗ như thế này nên phản ứng của nó còn mãnh liệt hơn. Từ thích thú, nó chuyển sang lo lắng, liên tục kéo tay áo tôi rồi thì thầm:

"Ê! Quán sang quá mày. Người ta có nhận dân bụi đời hông?"

"Tao sợ trắng tay đi về, không xin được việc quá."

Thằng này cái gì cũng tốt, bị mỗi cái miệng thích nói gỡ. Nó mà là đàn em tôi thì bị phang chiếc dép vào mặt rồi. Cũng may mọi chuyện vẫn suôn sẻ. Chúng tôi đã được nhận vào làm. Trái ngược với sự sang trọng của quán, chị chủ rất giản dị và thương người. Vào làm mới hai tuần, tôi đã được chị ưu ái cho mang đồ ăn về nếu bán không hết.

Cảnh tượng mỗi khi tôi đem lương thực về cũng "cảm lạnh" lắm. Nghe tiếng dép lẹp xẹp của tôi từ xa là đám lâu la đã phóng ra nhanh như tia chớp. Thằng nào cũng mồm mép tép nhảy, nâng niu tôi. "Đại ca mới về! Mệt dữ hông? Tụi tao rót nước cho uống nha", sau đó "từ tốn" gỡ từng ngón tay tôi ra để lấy bịch đồ ăn đem vào trong. Một mình tôi đứng như trời trồng, bất lực nhìn theo. Chó má thật!

Những ngày tiếp theo, tôi với thằng Lâm đều đặn đi làm cùng nhau. Cũng mừng vì nó không có vấn đề gì về chuyện hôm nọ.

Nhưng dạo gần đây thằng ôn này cứ lạ lạ làm sao. Mấy bữa liền, hễ đi đến gần tiệm cà phê ở ngã tư là nó bước chậm lại, ngập ngừng như đang tìm kiếm thứ gì. Tôi tò mò, vài lần đưa mắt nhìn thử. Thằng Lâm chột dạ, cười phớ lớ khoác tay kêu tôi đi tiếp.

"Thằng này làm gì mờ ám vậy nhỉ?"

"Hay nó tính ăn cắp đồ của người ta?"

Không thể nào! Tôi nghĩ thầm rồi lại tự lắc đầu phủ nhận. Thằng này tuy sống bụi, nhưng nó đàng hoàng nhất bọn, chắc sẽ không bao giờ làm mấy trò đó.

Sau những lần tiến không tiến, lùi không lùi, lần này thằng Lâm đã dừng lại hẳn. Ánh mắt của nó hướng thẳng vào tiệm bánh kem nhỏ kế bên quán cà phê.

Bên trong, một đứa nhỏ đang tíu tít kể chuyện cho mẹ nó nghe trong khi chờ chủ tiệm lấy bánh kem. Hai bàn tay một lớn một nhỏ đan chặt vào nhau, miệng cười không ngớt. Tôi quan sát thằng Lâm xem phản ứng của nó, còn nó đã đắm chìm vào khung cảnh ấy từ lúc nào.

Bỗng dưng thằng Lâm cúi đầu, không nhìn nữa. Nó đút tay vào túi quần, khẽ mỉm cười rồi khoác vai tôi bảo:

"Chắc má tao cũng mua sẵn bánh sinh nhật rồi, chỉ là không đưa được cho tao thôi."

Nghe thảm thương không cơ chứ? Tôi tức mình, lôi đầu thằng Lâm vào tiệm bánh, mặc cho nó đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì.

"Có cái bánh sinh nhật chứ mẹ gì đâu mà thèm thuồng dữ vậy ba?", tôi trề môi. "Nhiêu dữ vậy? Để tao coi rồi mua ch-"

Sắc mặt tôi ngả vàng như nghệ. Câu nói từ miệng còn chưa thốt ra hết, đã bị cái bảng đề giá ba trăm rưỡi ngàn chặn họng. Hay là tại bánh này loại lớn? Loại nhỏ chắc vừa túi tiền hơn nhỉ? Rồi tôi vỗ lưng thằng bạn, kéo tay nó qua kệ trưng bày bánh loại nhỏ.

"Mày cũng lớn rồi. Mua cái bánh nhỏ ăn cho vui thôi, không cần mua bánh lớ-"

Vãi thật! Câm nín lần thứ hai. Cái bánh nhỏ tẹo lại được dán bảng giá hai trăm ngàn. Đéo gì mắc thế, bằng 8 tô hủ tiếu bà Năm luôn.

Cánh tay tôi từ từ rời khỏi kệ. Sự quan ngại hiện rõ trên mặt. Thằng Lâm không nhịn được, che miệng cười khúc khích. Nó ghé tai tôi nói:

"Thôi đi tiếp đi ba, đừng tự làm nhục nữa. Tao dòm chơi, chứ lớn rồi ai thèm dăm ba cái bánh sinh nhật."

Thằng Lâm bước đi rất nhanh. Từ phía sau, bóng lưng của nó trông thật cô đơn. Trước khi nó bị bạo hành đến mức phải trốn đi, có lẽ ít nhiều nó cũng từng được yêu thương nên bây giờ mới thèm tận hưởng lại cảm giác đó như vậy.

Nhắc đến thằng bao đồng nhất khu ổ chuột thì chắc hẳn phải là tôi rồi. Mấy đứa bụi đời khác thì bận gia nhập băng bảo kê cùng các anh lớn, đi đòi nợ thuê, giao hàng cấm để thoát nghèo hoặc vì cuộc đời đưa đẩy. Còn tôi, vừa tan làm là phóng cái vèo về trước để đi... lựa bánh kem tổ chức sinh nhật cho thằng Lâm. Hảo hán của thời đại con mẹ nó luôn!

Thằng Phúc ngồi dưới mái hiên nhà hút thuốc, thấy tôi cầm hộp bánh sinh nhật, nó phụt điếu thuốc văng xa mấy mét. Tiếng nói của nó lẫn với tiếng cười cười ha hả vang vọng khắp khu nhà.

"Đậu má! Nay chắc trời sập quá. Đại ca nhà mình mua bánh kem kìa bây."

Mấy thằng đàn em tôi ở trong đều chạy ùa ra hết. Tụi nó xúm nhau săm soi xem bên trong. Nắp hộp cứ thế bị mở ra từ lúc nào. Tôi nghe đám này bàn luận mà nhức hết cả đầu.

"Ê trời, bánh kem bọc socola, còn có cục kem hình chiếc xe hơi nữa. Đã vãi."

"Nhưng mà mắc lắm địt mẹ. Tao sửa xe gần một chỗ bán bánh nè, bữa vô coi giá thử muốn nhập viện."

"Thằng Bảo dạo này có tiền dữ ta!"

Ban đầu lúc trả tiền cho chị bán bánh, tôi run run không nỡ buông tờ tiền ra. Chị bán bánh nhíu mày nhìn tôi thiếu điều muốn tán tôi một cái. Giờ nghe lời vàng lời ngọc của đám lâu la này, thấy mát ruột quá, hết tiếc tiền rồi.

Giữa lúc bầu không khí đang náo nhiệt và đám nhóc vẫn luôn miệng trầm trồ trước cái bánh thì đột nhiên thằng Phúc hỏi một câu:

"Khoan! Bánh này mày mua cho ai? Tao nhớ mày nói ghét xe hơi, giờ tự nhiên...?"

"Cho thằng Lâm", tôi ngập ngừng rồi nói tiếp, "Ông cố nhỏ của tao đó."

Cả không gian lặng như tờ. Tiếng bàn tán xôn xao biến mất trong chốc lát, mặt thằng nào cũng đơ ra, mắt mở to nhìn tôi như đang coi phim kinh dị. Rồi thằng Phúc đột nhiên khoác vai kéo tôi ra một góc, nhỏ giọng giải thích:

"Trước đây, lúc thằng Khải còn cầm đầu thì thằng Lâm bị y hệt mày. Tụi tao cũng tặng nó một trận tẩm quất. Nhưng xui cho nó, te tua. Nên tính ra hai bên không thân lắm đâu."

"Địt mẹ! Đám tụi mày chó vậy? Thằng Lâm từng cứu tao một mạng đó", tôi hằn học liếc nó.

"Gì mà chửi? Thì nhờ có mày, tụi tao mới về làm con người nè."

Nói rồi, thằng Phúc trầm ngâm một lúc. Nó xoa xoa cằm có vẻ cố nhớ ra điều gì. Rồi đột nhiên nó vỗ đùi "bép" một tiếng rõ to, mắt sáng rỡ khi đã triệu hồi thành công ký ức.

"À tao nhớ ra rồi. Hèn gì lúc đánh nhau với băng thằng Hải, mày lại cảnh cáo nó không được động vào thằng Lâm."

Tôi đổ mồ hôi hột trước những câu nói của thằng Phúc và những ánh nhìn không biết là nhìn hay lườm của đám đàn em ở đằng xa... Vốn dĩ định nhờ chúng nó giúp tổ chức sinh nhật, mà tình hình này chắc tôi tự xử để bảo toàn quân số đôi bên.

Sang hôm sau, tôi bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch. Vừa đi làm về, tôi chạy tọt vào chỗ bà Năm lấy bánh đã gửi nhờ ra. Bả thấy dáng vẻ hấp tấp của tôi, phì cười rồi chọc ghẹo:

"Mới về khu này mấy tháng mà có bạn gái rồi hả? Bánh nến đồ sung túc quá."

"Bà này tào lao! Mua cho thằng Lâm."

Vừa dứt lời, tôi ôm cái bánh đi. Nhưng rắc rối một lần nữa tìm đến cái chốn xập xệ, khổ sở này. Thân tôi còn chưa lết qua khỏi cửa, thằng Cường hớt hải chạy về cắp báo: Thằng Hiển gây chuyện, đánh nhau với người ta. Chiếc bánh lại về vị trí cũ, còn thằng Cường đèo tôi đi giải quyết.

Chuyện xảy ra ở một quán nhậu nhỏ bên khu dân cư mới. Sáng nay Hiển có nói với mấy anh em là nó sẽ thử đi bán cóc ổi để giúp mọi người có thêm tiền ăn uống. Thật buồn khi lần đầu đã chật vật.

Không hề nằm trong tưởng tượng của tôi chính là sự có mặt của thằng Lâm - nhân vật chính trong dự định bất thành mà tôi xây dựng. Còn đứa đàn em quý hóa, thay cho sự khúm núm và sợ hãi là vẻ mặt lạnh như băng. Gương mặt nó bầm tím, quần áo xộc xệch nhưng biểu cảm không thay đổi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nét cứng đầu hiện rõ trong mắt thằng nhóc.

Thằng Cường vốn nóng tính, vừa gặp liền cho thằng nhóc một cú đấm, nhanh đến mức tôi và thằng Lâm chỉ kịp nhìn trong sự bàng hoàng. Vết bầm tím của thằng nhóc chắc lâu lắm mới lành. Thấy tình hình nội bộ lục đục, tôi định mở miệng can ngăn thì thằng Cường liền lôi thằng Hiển ra một góc. Nó nắm lấy cổ áo đứa em cùng băng nhóm, gằn giọng tra hỏi:

"Thằng ngu! Sao mày thiếu suy nghĩ vậy? Qua khu này gây họa, lỡ có gì tụi nó chôn xác mày."

"Em có muốn vậy đâu! Do thằng chó kia nó giật dây chuyền của em."

Âm thanh cãi cọ tắt ngúm, chỉ còn sự yên tĩnh đến ngột ngạt. Bởi vì đứa nào trong băng bảo kê cũng biết sợi dây chuyền đó là vật duy nhất giúp thằng Hiển có liên kết với người mẹ bí ẩn chưa một lần được gặp mặt. Nếu ai đó cướp lấy món đồ, nó sẽ ăn thua đủ với người ta ngay.

"Còn mày là người xúi nó đánh nhau phải không? Vì nó là người của băng tụi tao nên mày ghi thù chứ gì."

Thằng Cường nghiến răng, quay sang tra hỏi thằng Lâm. Nó xông tới định động thủ luôn vì mối quan hệ vốn dĩ đã không tốt đẹp từ ngày trước. Kẻ đứng giữa như tôi chỉ có thể mạnh tay đẩy hai thằng tách ra mỗi góc riêng rồi nạt mấy câu để trấn con quỷ hồ đồ đang trỗi dậy trong lòng nó.

Bỗng dưng thằng Hiển bật khóc. Nó bặm chặt môi cố không phát ra tiếng, nhưng những vệt nước vẫn theo nhau lăn dài trên đôi má phính đầy thẹo. Rồi giọng thằng nhóc không bình thường nữa mà gào lên như cái loa phóng thanh, xé tan bầu không gian. Nó bù lu bù loa như thể lần đầu được khóc trong mười mấy năm cuộc đời.

"Nó là khách ăn ở quán. Em mời nó mua ổi, nó không mua, còn nói em là thằng du côn súc vật, sống dưới đáy xã hội. Nó còn nói cọng dây chuyền chắc em ăn cắp mới có."

"Đụ mẹ! Thằng khốn đó..."

Tôi nóng máu chửi thề. Từng câu từng chữ được kể lại đều như cắt vào màng nhĩ của tôi. Đúng là tụi tôi thường bị coi như cỏ rác, nhưng mức độ này thật sự khiến ruột gan tôi sôi sùng sục. Tôi nhìn lại, thấy tay mình đã nắm lại thành nắm đấm từ lúc nào. Rồi thằng Lâm tiếp lời:

"Tao đi ngang thấy thằng Hiển đang lao vô đánh lộn để giành lại dây chuyền, mới kêu chủ quán cho coi camera với đòi báo công an. Thằng kia sợ nên trả lại đồ rồi."

"Mẹ! Đúng xui xẻo. Cũng may có mày cứu thằng em tao, không chắc tao lại phải lên phường rước nó."

Tôi vừa nói, vừa nhướn mày nhìn thằng Hiển. Nó cúi gằm mặt né tránh. Trời đất rộng lớn, đi lang thang thế nào lại va phải toàn dân máu chiến, hở ra là xài bạo lực.

Nhưng đấy là nói thế thôi, thằng Hiển là trẻ mồ côi được anh em trong băng bảo kê lụm về. Bạo lực là luật để tồn tại trong xã hội đối với nó rồi. Không chủ động vung đấm thì chịu ăn đấm. Tôi cũng đã phải lao đầu vào những cuộc đấu do không còn lựa chọn, có quyền gì trách cứ người khác chứ.

Sóng yên biển lặng rồi, tôi mới nhớ ra cái kế hoạch sinh nhật bị thất bại thảm hại kia, ba chân bốn căng chạy về. Cả thằng Cường cũng hối hả một cách bất ngờ. Đến khi tới nhà, tôi vọt miệng chửi vì nó tự nhiên cứ lẻo đẻo theo mình thì nó mới khai thật. Thằng Cường gãi đầu, ngập ngừng ngỏ lời:

"Tao... tao sẽ cùng đám trong băng phụ mày tổ chức sinh nhật cho thằng Lâm."

"Ăn nhầm thuốc lú hay gì mà thay đổi lẹ vậy mấy ông cố?", tôi cười nắc nẻ trước sự lạ đời.

"Đụ mẹ quê nhe! Trả ơn nó lần này giải nguy cho thằng Hiển thôi."

Đúng vậy, tôi chỉ ghẹo thằng Cường vậy thôi chứ trong thâm tâm thì biết rõ, nó thật sự nghiêm túc. Chắc tại cám ơn trực tiếp thì hơi mắc ói, hành động dễ hơn nên nó đã chọn cách này để báo đáp.

Trước kia mấy thằng đàn em tôi từng tẩn thằng Lâm một trận ra trò khiến nó sợ chết khiếp và tránh xa. Thế mà sau buổi tối hôm qua, tụi nó ngoan như cún. Bữa nay có thằng còn xin nghỉ làm về sớm. Trời chiều vừa buông xuống đã tụ họp đầy đủ ở chỗ bà Năm để chuẩn bị.

Tận dụng quán hủ tiếu của bà Năm, mọi thứ đầy đủ hết từ chén đũa tới bàn ghế. Thực đơn thì ban đầu chỉ có hai dĩa mì gói xào. Nhờ chị Mai, chủ quán cơm chỗ tôi làm, bữa tiệc có thêm chả giò tôm và súp cua. Hai món ăn đó có lẽ là thứ mà nhiều đứa nhóc trong khu ổ chuột này đến cái tên cũng chưa từng nghe qua.

Đồ ăn dọn ra xong xuôi thì thằng Lâm cùng ông Hoài có mặt. Thằng Lâm đi vào trong sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng. Nó vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra, gãi đầu khẽ hỏi:

"Bộ có ai mới trúng số hả? Sao đãi nhiều đồ ăn ngon quá vậy?"

Rồi cả đám cười ầm lên, đẩy nó vào vị trí trung tâm đứng sẵn. Trong lúc đó, tôi bưng cái bánh sinh nhật ra. Tay tôi run run cứ như đang chuẩn bị trao nhẫn cầu hôn chứ không phải tổ chức sinh nhật, làm mấy thằng đàn em thi nhau đứng cười khúc khích.

"Happy birthday to you!...Happy birthday to you...Happy birthday..."

Những chữ phát âm tiếng Anh ngọng nghịu vang lên dưới sự bắt nhịp của thằng Hiển. Tiếng vỗ tay hòa với tiếng hát, màn đêm tĩnh lặng trở nên ồn ào, náo nhiệt và sinh động hơn rất nhiều. Thằng Lâm lúc này đã nhận ra bữa tiệc này dành cho ai. Nó đứng ngay đơ ra rồi cúi gằm mặt và ngước lên với đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

Giây phút thằng Lâm ước nguyện và cắt bánh, nó đã không còn khóc mà nhe răng cười suốt. Nụ cười rạng rỡ như thể vừa mới hứng hết cả mùa nắng, cũng là nụ cười ấm áp và tươi tắn nhất tôi từng thấy trong cuộc đời mình.

Sau khi ổn định cảm xúc, thằng Lâm còn choáng hơn vì sự có mặt không thiếu một mống của đám đàn em tôi - những đứa đã "làm gỏi" nó lúc nó mới được ông Hoài cứu về đây. Nó đưa tay vỗ lên trán mấy cái, ghé tai tôi hỏi nhỏ:

"Mày quỳ lạy tụi nó hay gì mà tập hợp được cả một đám ở đây vậy?"

"Không có đâu! Tụi tao tự nguyện đó. Nhân dịp này, coi như huề nha.", thằng Phúc nhe răng cười đáp lại.

"Vậy còn chú Hoài? Ổng nói tao khoan về nhà, đợi ổng dắt tao đi qua bà Năm có tí việc. Là mày sắp xếp luôn hả Bảo?"

Tôi không nói gì, chỉ gật đầu lia lịa, một phần vì trong lòng cũng đang xúc động muốn chết. Tôi không ngờ kế hoạch ban đầu chỉ có một thành viên, cuối cùng lại có nhiều người tình nguyện giúp và giờ đông vui như thế này.

Mọi thứ đã chuẩn bị tươm tất, chúng tôi cùng ngồi xuống thưởng thức bữa tiệc hoành tráng nhất từ trước tới giờ.

Tôi mong rằng những ngọn đèn cầy trên chiếc bánh kem hôm nay không chỉ để trang trí mà còn có thể thắp lên những hi vọng, khát khao tốt đẹp trong lòng thằng Lâm và cả trong lòng tất cả chúng tôi - những đứa trẻ khác sống ở khu xóm tồi tàn, khốn khổ này.

Kết thúc bữa tiệc nhỏ...

"Mày chu đáo quá Bảo, cám ơn nha!"

"Không có gì! Sinh nhật vui vẻ!..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro