Những người qua đường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những người qua đường

Tôi đến quán ăn như những quán ăn bình thường khác. Ngồi xuống như mọi khi và gọi những món như mọi khi. Mẹ và em ngồi gần đấy, một buổi ăn sáng ra ngoài với gia đình. Vẫn sẽ là một buổi sáng bình thường, không có gì đặc biệt hết nếu như không có sự ghé thăm của hai vị khách đặc biệt. Ờ, mà chắc chỉ đặc biệt với tôi.

Nửa tô bùn riêu, tôi ăn hết cua và chỉ còn lại bánh. Thật là nhàm nếu ăn một tô bún mà chẳng có chút thịt thựa, tôi đành tưởng tượng mình đã ăn một lượng thịt không hề ít vào bụng rồi nhắm mắt dùng tiếp tô bún. Chợt một dáng người gày gò lướt qua. Một ông lão bán vé số. Ông gầy, mặc một cái áo trắng. Tôi rời mắt khỏi tô bún không còn thịt, lướt ánh nhìn sang mẹ. Mọi chuyện sau đó diễn ra như những gì tôi nghĩ. Mẹ mua một tờ vé số, biếu ông lão.

‘Bác cầm, nếu trúng thì đứng bán nữa nha bác!’- mẹ lấy mười ngàn dúi vào tay ông lão cùng tờ vé số mới mua.

Hình như có một thoáng là bất ngờ, rồi là một niềm vui nho nhỏ thoáng qua mắt ông.

‘Cảm ơn cô!’-  giọng ông vang lên rối rít.

Ông lão bước đi, mỉm một nụ cười với mẹ. Mẹ tôi cười lại.

Y xì những gì tôi nghĩ.

Đây không phải là lần đầu, không phải là lần đầu tiên tôi thấy mẹ làm những việc này. Nói bất ngờ là nói dối, vì tôi đã đoán trước mẹ mình sẽ làm gì mà. Tôi chỉ cảm thấy, xã hội còn nhiều người khổ, và tại sao họ lại không có những cơ hội được phát triển.Tôi vẫn thấy ông lão tội, vẫn thấy có cái gì đó động lòng, nhưng chắc chắn việc làm của mẹ không phải là điều khiến tôi bất ngờ hay phải suy nghĩ về. Thế thôi! Đó là cảm giác mà tôi cá rằng mười người thì hết mười người luôn có. Dễ lắm, nói tội nghiệp một người thì rất đơn giản, quan trọng là bạn làm gì sau những cảm giác đó.

Tôi có nghĩ đến ông lão, có thấy tồi tội ông, có MUỐN giúp ông. Nhưng tôi không làm gì được cả, hay cơ bản là tôi nghĩ như vậy.

Người khách thứ nhất đi qua. Tôi trở lại với tô bún riêu.

Bây giờ thì trong tô chỉ còn lại cà chua. Tô nước chua lè. Tôi vẫn húp, cố không nghĩ đến ông lão vừa ghé. Thường thì luôn là vậy, cái cảm giác khó chịu, hơi là tội lỗi, khi mình vừa gặp một mảnh đời khốn khổ và liền ngay lập tức lại bỏ thừa đồ ăn. Nhưng quả thật, tôi hơi dị ứng với những đồ quá chua.

Một cậu bé bán bánh cam đi ngang qua. Tôi cá đây là người thứ nhì. Và đúng y những gì tôi nghĩ, mẹ tôi gọi lại và hỏi về bánh cam. Tất nhiên, mẹ tôi không có hứng thú gì về món đồ ngọt đầy đường ấy, tôi biết mục đích sâu hơn của mẹ. Cậu bé ấy đến gần.

Tôi vẫn cấm đầu cấm cổ vào tôi bún riêu đầy cà chua.

‘Một cái bao nhiêu vậy con?’- mẹ rời tô bún và hỏi cậu bé.

‘Ba ngàn ạ!’

‘Cho cô một bịch  cái’- mẹ tôi nói

Cậu bé ấy cặm cụi với mấy cái bánh cam. Mồ hôi đổ đầm đìa trên áo. Khuôn mặt nhỏ.

‘Con mấy tuổi rồi?’ giọng của mẹ tôi.

‘Con mười lăm tuổi’- tôi giật mình, ra là lớn hơn cả tôi một tuổi. Mà nãy giờ…, tôi gọi bằng cậu bé!

‘Con là con thứ mấy trong nhà?’-mẹ lại hỏi.

‘Con út ạ!’- con út sao?

‘Con còn đi học không?’

‘Dạ không!’ tôi hơi nhói. Chẳng hiểu nữa, cứ nghe đến việc ai đó bỏ học là tôi hơi bị nhói lòng. Không phải là thương xót, chỉ là, chỉ là…

‘Nhà con ở đâu?’

‘Đồng Nai ạ!’- tôi rời tô bún riêu, mắt dán chặt lên anh ta. Thân hình gầy gò, chắc chỉ cao hơn em trai tôi một chút.

‘Thế con từ nhà con lên đây bán à?’

‘Dạ, con đi xe buýt’- anh ta vừa lấy đủ bánh. Mẹ ra hiệu cho việc lấy thêm một bịch nữa.

‘Một ngày con lời được bao nhiêu?’

‘Bán hết thì bảy chục ngàn, không thì vài chục ạ!’-hết cả bịch thứ nhì, mẹ tôi lại yêu cầu lấy thêm một bịch nữa. Khuôn mặt anh ta giãn ra, có chút gì gọi là niềm vui.

‘Bao nhiêu tiền vậy con?’

‘Năm mươi mốt ạ!’

Mẹ tôi đưa đưa tổng cộng một trăm bốn chục ngàn.

‘Cô cho con!’

‘Cảm ơn cô ạ’ anh ta e dè nhận lấy nhừng tờ bạc. Có chút gì là bất ngờ, xen lẫn với niềm vui. Lại đội thúng bánh lên đầu, dáng người nhỏ nhắn tiếp tục bước đi. Tôi lặng người. Tôi nhìn mẹ.

Đây là lần thứ nhì trong ngày, tôi thấy mẹ mang niềm vui đến cho những người xa lạ. Tôi chợt thấy mình mắc cười. Sao lại luôn cố bầy ra những lý do chống chế cho sự vô tâm của mình? Tại sao tôi luôn cố tỏ ra mình thông cảm với những nổi khổ của người khác khi mình lại chẳng thèm nghĩ đến việc phải làm gì sau đó? Sao tôi chỉ dừng lại ở mức động lòng mà không phải đứng lên làm gì đó? Làm gì đó…

Tôi nhìn lại tô bún riêu. Trong lúc mình đang ngồi hưởng  thụ những món ngon ở những quán ăn dễ chịu thì lại có những mảnh đời, bằng tuổi mình thôi, lại phải rong ruổi nhiều cây số để mang về miếng cơm, áo mặc. Có những người cầu mong được ngồi ở nhà mà học tập thì đôi khi tôi lại bực dọc vì việc bị bó buộc ở nhà để học những thứ bổ ích mà tôi lại không nhận ra.

Tôi thấy buồn cười với bản thân, vội đặc ra câu hỏi với lòng, mình đã làm được gì chưa? Hay chỉ biết ngồi than thở với những việc không vừa lòng chút đỉnh. Hay chỉ vì tô bún riêu đầy ắp đồ ngon mà mình không muốn ăn nữa rồi bỏ thừa?

Chợt thấy mình quá may mắn. Chợt thấy mình quá đủ đầy. Chợt thấy những thứ mình nhận thật sự là những món quà mà bản thân đôi khi lại bỏ quên. Chợt thấy mình vô tâm, chợt thấy mình hời hợt với cuộc sống quá!

Tôi chắc chắn, chắc chắn không muốn phải than thở khi nhận ra mình còn hạnh phúc hơn cả khối người. Tôi sẽ làm gì đó, tôi cam đoan là mình sẽ làm gì! Tôi sẽ không ngồi không mà nói. Tôi biết mình sẽ phải làm gì. Bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất, mà đầu tiên nhất là biết trân trọng những gì mình đang có cái đã.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro