Xóm chợ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xóm chợ.

Ngày trước nhà tôi gần sát bên chợ, một khu chợ nhỏ, nhỏ nhưng vẫn có tên. Và kì thực là nó có quá nhiều tên khiến người ta không biết đâu là tên thật của nơi ấy nữa. Như tôi gọi đây là chợ ông Hoàng, người khác gọi là ông Địa, kẻ khác lại gọi là chợ Trên, chợ Sáng, vân vân. Nhưng rồi cứ nhắc đến một trong những cái tên kia thì người trong xóm cũng vỗ đùi nói: 'Chợ đó gần sát đây nè!'

Ừ, người trong xóm đều biết có cái chợ, nó ngay sát bên mà. Nên hễ ai hỏi chợ ông Địa ở đâu là biết không phải người trong xóm rồi. Mà đâu chỉ có người trong xóm đi chợ này, ngay cả những người ở đường lớn Nguyễn Thị Nhỏ bên ngoài cũng vẫn 'chui' vào hẻm để đi chợ 'ông Địa'. Hỏi sao lại thế thì ai cũng cười khì: 'Quen rồi, ngày trước cũng đi chợ đó không chứ đâu!'

Tôi hồi đó cũng thường thích ra chợ, chủ yếu là đi theo mẹ chứ cũng chẳng biết mua sắm gì. Tôi thích ngắm người ta tất bật với những quầy hàng hơn là chăm chú xem món hàng đó ra sao; thích nghe người ta rao bán rau hơn là mua rau; thích đứng lựa kẹp hơn là đòi mẹ mua kẹp. Nói chung, tôi ra chợ chẳng phải đi chợ, chỉ để ngắm chợ mà thôi. Những gương mặt thân thuộc, những câu chào nói qua lại của những cô bán hàng, có khi còn là những lời đanh đá 'móc xỉa' nhau giữa những bà bán cá, tôi nhớ gần hết. Không phải vì tôi cố chú tâm gì, nhưng nếu bạn dành thời gian quá lâu ở một nơi nào đó, mọi thứ sẽ dần trở nên thân quen với bạn hơn rồi thì nó ghim vào tâm trí bạn lúc nào chả hay. Nhất là đứng giữa không gian chợ, phải nhớ đến người nào bán đồ ăn ngon hơn người nào, người nào dễ mặc cả hơn. Giờ thì cứ mỗi lần nhắc đến chợ, tôi nhớ ngay đến cô bán rau cho mẹ mà luôn chọn rau tươi nhất, xanh nhất. Thế đấy, tôi nào có bắt mình nhớ, nhưng cũng chẳng thể nào quên.

Nhưng thân thương nhất vẫn là lối từ nhà ra chợ. Ờ, từ nhà ra chợ thì trên dưới năm lối đi thế mà tôi lại thích cái ngõ 'cong queo' nhất, cũng là cái đối diện nhà. Đó là lối đi đầy ắp là đất đá và cứ mỗi lần mưa thì mỗi lần lội ra chợ cứ như là lội qua vũng sình. Thế mà đã có khi tôi làm rớt nguyên bịch rau mới mua vào cái đầm lầy đen xì xì đó. Và thì bị la vì bất cẩn. Nhưng vấn đề là tôi vẫn thích vọc nước trên đoạn đường ấy. Hồi nhỏ mà đi chợ về chân tay lấm lem cũng là chuyện thường. Dơ thật đấy, nhưng lúc đó lại thấy vui vui, cảm giác như Picasso vẽ đại cái gì đó lên giấy rồi bán ra được cả ngốn tiền. Cho đến khi học lớp năm rồi, tôi mới bỏ thói quen nghịch dơ ấy.

Mà đâu phải có mình tôi là yêu con đường ra chợ, cả bọn trong hẻm cũng khoái phá ra trò. Còn nhớ, tôi có hai đứa bạn thân, một trai, một gái. Đứa con gái là con của một cửa hàng thuốc tây mà hồi đó, tôi thường ghen tị về chiều cao của nhỏ. Còn thằng con trai là con của nhà đối diện, một cửa hàng tạp hóa mà tôi suốt ngày mua bánh snack. Nói chung, tôi thường đi chơi với hai tụi nó, thường là lúc sáng sớm, trước khi phải đến trường đi học. Sáng sớm thì lối ngoài chợ còn ướt, do sương, hoặc do trận mưa dăng dẳng tối qua. Tôi và nhỏ bạn sẽ dắt bộ xe đạp lên xuống cái dốc của ngõ (vì tôi lười chạy xe đạp), đôi khi chạy vấp té vào mấy cục đá lộm cộm dưới chân. Còn hôm nào mà thằng bạn chịu dậy sớm, tụi tôi sẽ lấy 'bộ sưu tầm sỏi' của cậu ta rồi quăng xuống những vũng nước đen ngầu ý. Để rồi có khi thằng bạn sẽ 'la làng' lên vì không thể tìm thấy viên sỏi quý hóa của mình trong khi tôi và nhỏ con gái chạy về nhà lo chuẩn bị đi học.

Và có lẽ chợ cũng là lớp học làm người của mẹ và tôi. Mẹ dạy phải trung thực khi mua hàng, dù người ta thối tiền dư cũng phải trả lại. Mẹ dạy tôi đạo công bằng, mượn thì phải trả và  đừng ăn gian ai, dù là nửa đồng. Có lẽ lúc đó tôi chỉ nghe, nghe nhưng không hiểu. Nhưng rồi bỗng một ngày, khi cô bán rau quen thuộc thối nhầm tiền cho tôi đến tận mười ngàn, tôi mới vỡ ra việc mình đem trả lại cho người ấy khoản tiền đó là quý biết bao. Mười ngàn, có lẽ bây giờ đối với nhiều người chẳng là bao nhiêu cả, nhưng đối với một kẻ phơi mình từ sáng đến chiều ở nơi chợ như vậy, có lẽ, tờ bạc ấy là cả bữa ăn. 

Còn nữa, còn những con người sống chung quanh xóm chợ nữa. Những người hàng xóm thân cận luôn mỉm cười khi tôi chào. Đó là những người có thể có những công việc khác nhau, cách sống khác nhau nhưng điểm chung của họ là họ sống cùng một xóm chợ. Họ có khi cho mẹ tôi mượn củ hành, có khi lại cho mượn chai dầu ăn. Ít thôi, nhưng tình người nhiều, nhưng tấm lòng lại nhiều. Ừ thì xóm nhỏ nên tình thân nó gần hơn.

Thế đó, tôi lớn lên cùng xóm chợ ấy. Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ mãi luôn nhỏ, vẫn thích để ý những cô bán hàng hay chú mài dao ngoài chợ, vẫn có thể nhớ những mẩu chuyện vụn vặt khu chợ đông. Nhưng có một điều tôi quên mất rằng, tôi đã thôi thắm thiết những trò trẻ con trên ngõ, đã thôi không chơi cùng hai đứa bạn mẫu giáo và đã thôi thích ra chợ ngắm người mua hàng. Nhiều lắm là những lần ra chợ mua đồ dùm mẹ cho có, coi như xong nhiệm vụ. Để rồi bất ngờ một ngày mẹ bảo sẽ chuyển nhà, chuyển ra khỏi cái xóm chợ thân quen. Một chút gì đó tiếc nuối, một chút gì đó mong mỏi, tôi ngỡ rằng mình chỉ đang mơ. Nhưng rồi tôi cũng rời xóm chợ, dù nhà tôi chỉ chuyển ra xa xóm chợ một tý. Tôi không còn ra chợ mua đồ vặt cho mẹ, cũng chẳng có cơ hội mua rau thường xuyên như trước. Và thời gian thì cứ trôi, để trong tôi hình ảnh về cái xóm chợ thân quen ấy cũng thôi rõ nét dần. Rồi lại có khi nhìn xuống khu phố xanh ươm mà mình đang sống, tôi tự hỏi, xóm chợ ấy bây giờ sao rồi....

Sài Gòn 21/11/14

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro