Chương 2 - Vị Khách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe một điều hết sức kỳ lạ, tới nỗi nó đòi hỏi toàn bộ lòng tin của bạn vào tính chân thực trong câu chuyện của tôi. Nó không chỉ là sự thật, tuy nhiên, còn là một sự thật mà chính mắt tôi đã chứng kiến.

Đó là một buổi chiều hè êm dịu, như thường lệ, cha đề nghị đi dạo dọc con đường phía trước tòa lâu đài, trông ra khung cảnh của khu rừng tuyệt đẹp mà tôi đã nhắc tới trước đó.

"Đại tướng Spielsdorf sẽ không thể tới thăm chúng ta sớm như dự tính," cha nói trong khi chúng tôi vẫn lần theo cuộc dạo chơi.

Đại tướng Spielsdorf phải đáp lễ chúng tôi bằng chuyến thăm hỏi trong vài tuần, và tôi đã mong đợi ông ấy sẽ đến vào ngày hôm sau. Đáng ra ông sẽ mang theo một cô gái trẻ, cháu gái của ông, tiểu thư Rheinfeldt, dù chưa có dịp gặp mặt nhưng tôi đã nghe tả là một cô gái duyên dáng, người mà tôi tự nhủ sẽ cùng có quãng thời gian làm quen vui vẻ. Tôi còn thất vọng hơn mức mà một cô gái trẻ sống trong thị trấn hay bất kì người hàng xóm om xòm nào có thể tưởng tượng được. Chuyến ghé thăm này và mối giao thiệp mà nó hứa hẹn đã từng khiến tôi phải mong đợi trong nhiều tuần.

"Vậy khi nào ông ấy sẽ tới?" tôi hỏi.

"Phải đến mùa thu. Ta dám nói là không đến hai tháng đâu,"ông trả lời. "Và ta rất vui mừng, con yêu, rằng con chưa làm quen với tiểu thư Rheinfeldt."

"Tại sao vậy ạ?" Tôi hỏi, vừa xấu hổ lẫn tò mò.

"Vì cô tiểu thư tội nghiệp ấy đã qua đời," ông đáp. "Ta quên mất không nói với con, cũng vì con đã không ở trong phòng khi ta nhận thư của đại tướng chiều nay."

Tôi thực sự sửng sốt. Đại tướng Spielsdorf đã nhắc tới trong lá thư đầu tiên của ông, từ sáu hay bảy tuần trước, rằng cô không được khỏe như mong đợi, nhưng cũng không có gì dấy lên sự nghi ngờ về bệnh tình trầm trọng.

"Đây là thư của ông," ông nói, đưa nó cho tôi. "Ta e là ông ấy đang rất khổ sở. Bức thư có cảm giác như được viết trong tình trạng quẫn trí vậy."

Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài thô sơ dưới hàng cây chanh tuyệt diệu. Mặt trời đã lặn với tất cả sự huy hoàng và u sầu của nó phía sau chân trời, dòng suối bên kia dinh thự chảy dưới cây cầu dốc cũ kĩ, mặt nước va vào hàng cây thông và suýt thì lăn tới chân chúng tôi, phản chiếu một màu đỏ thẫm của bầu trời đang dần phai mờ. Lá thư của đại tướng Spielsdorf thật kỳ lạ, thật dữ dội, và vài chỗ còn có hơi mâu thuẫn tới nỗi tôi phải xem lại lần nữa- lần thứ hai đọc to cho cha nghe - nhưng vẫn không thể lý giải được, ngoại trừ ý nghĩ rằng nỗi đau này đã khiến tâm trí ông mất ổn định.

Nó nói "Tôi đã mất đi đứa con gái mà tôi một lòng yêu thương. Trong những ngày ốm yếu cuối cùng của Bertha, tôi đã không thể viết thư cho ông.

"Trước đó tôi vẫn không hề ý thức được mối nguy hiểm này. Và giờ khi nhận ra mình mất con bé thì đã quá muộn. Nó nhắm mắt trong sự ngây thơ yên bình và cả niềm hy vọng rực rỡ về một tương lai xán lạn. Đó đều là do con quỷ đã phản bội lòng mến khách của chúng tôi. Tôi cứ nghĩ mình đã tiếp đón một người bầu bạn ngây thơ, vui tươi cho Bertha đã khuất của mình. Chúa ơi! Tôi đã ngu ngốc đến mức nào!

"Tạ ơn trời, con gái bé bỏng của tôi ra đi với không một hiềm nghi về nguyên do căn bệnh quái ác. Nó qua đời mà không phải gánh chịu thứ cảm xúc ghê tởm về tác nhân của toàn bộ nỗi thống khổ này. Tôi phải dành những ngày còn lại để theo dõi và tiêu diệt con quỷ ấy. Có người nói rằng tôi có thể hy vọng sẽ thực hiện được mục đích đúng đắn và nhân từ của mình. Hiện giờ tôi gần như chỉ còn một chút tia sáng dẫn lối. Quỷ tha ma bắt tính hoài nghi đến kiêu ngạo của tôi, sự mù quáng và ngoan cố, tất cả đều đã quá muộn. Giờ tôi không thể viết hay nói chuyện một cách bình tĩnh được nữa. Tôi đã mất trí rồi. Ngay khi hồi phục hơn, tôi tính sẽ dành thời gian để điều tra chuyện này, và có thể nó sẽ dẫn tôi tới tận Vienna. Một lúc nào đó vào mùa thu, hai tháng rưỡi nữa hoặc có thể sớm hơn nếu tôi vẫn còn sống, khi ấy chúng ta sẽ gặp lại sau - vậy thôi, nếu ông cho phép, đến lúc ấy tôi sẽ kể lại toàn bộ sự việc mà hiện giờ không thể viết ra giấy được. Tạm biệt. Hãy cầu nguyện cho tôi, ông bạn thân yêu."

Lá thư bí ẩn kết thúc như vậy. Dù chưa từng gặp mặt Bertha Rheinfeldt, tôi vẫn phải thấm đẫm nước mắt vì sự ra đi đột ngột này. Tôi cảm thấy hoảng hốt cũng như hết sức thất vọng.

Mặt trời bắt đầu lặn, đã là hoàng hôn vào thời điểm tôi đưa trả lá thư của đại tướng cho cha.

Đó là một buổi chiều yên tĩnh, chúng tôi đi tha thẩn, suy nghĩ về ý nghĩa của những câu từ oan nghiệt, rời rạc vừa đọc được. Còn gần một dặm nữa mới trở lại con đường dẫn tới cổng lâu đài, và khi ấy mặt trăng đã chiếu sáng rực rỡ. Tại cây cầu sắt chúng tôi gặp bà Perrodon và cô De Lafontaine, cả hai đều đã ra ngoài mà không có mũ, đang cùng thưởng thức ánh trăng thanh tú.

Họ đang trò chuyện một cách sôi nổi khi chúng tôi lại gần. Tôi đứng trên cây cầu sắt rồi cùng họ quay người, ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp này.

Trảng cỏ mà chúng tôi vừa băng qua giờ nằm ngay trước mắt. Phía bên trái, những lùm cây mọc sát con đường hẹp, biến mất khỏi tầm nhìn giữa rừng cây rậm rạp. Bên phải, cũng con đường ấy đi qua cây cầu dốc thơ mộng kế bên tòa tháp canh đổ nát, và đằng trước cây cầu là hàng cây cao vút, nổi bật hiện lên dưới những tảng đá vôi xám.

Trước nền cỏ thấp là một lớp sương mù mỏng, đánh dấu khoảng cách bằng màn khói trong suốt, và đây hay đó chúng tôi đều có thể thấy dòng sông lóng lánh dưới ánh trăng.

Không thể tưởng tượng ra quang cảnh nào thơ mộng hay êm dịu hơn lúc này. Tin báo tôi vừa đọc được lúc trước khiến nó càng thêm u sầu, nhưng không gì có thể phá vỡ sự thanh thản trong khung cảnh, hay sự lộng lẫy đến mê mẩn và tính ma mị của nó.

Cha vẫn tiếp tục thưởng thức cảnh tượng đẹp như tranh vẽ, còn tôi lặng lẽ nhìn ra xa. Hai vị phó mẫu đứng cách sau chúng tôi một chút bình luận về khung cảnh và mặt trăng.

Bà Perrodon mập ú khá lãng mạn trong độ tuổi trung niên, nói chuyện và thở dài một cách thơ thẩn. Cô De Lafontaine có cha là người Đức, một nhà tâm lý, siêu hình học hay gì đó đại loại đang giải thích rằng khi mặt trăng chiếu sáng một cách chói lòa, điều đó biểu hiện cho một sự tâm linh. Ảnh hưởng của trăng tròn trong trạng thái rực rỡ như vậy rất đa dạng. Nó tác động lên các giấc mơ, những hành động điên rồ hay những người dễ bị kích thích, nó đem lại ảnh hưởng kỳ lạ tới thực tế. Cô kể về em họ mình, một người làm trên tàu lái buôn, đêm đến khi đang ngủ trên boong với cả khuôn mặt hướng thẳng về phía ánh trăng, cậu bỗng tỉnh giấc sau cơn ác mộng về một bà già cào xé má mình, một bên mặt hoàn toàn co rúm lại thật khủng khiếp, và từ đó nét mặt của cậu ta không bao giờ trở về như cũ được nữa.

"Mặt trăng đêm nay," cô nói, "Có gì đó hoàn toàn lôi cuốn và quyến rũ - và trông kìa, thử quay đầu nhìn về phía lâu đài xem, toàn bộ cửa sổ đều lóe sáng lấp lánh với sự chói lọi của ánh trăng bạc, như thể có một bàn tay vô hình đã thắp sáng toàn bộ căn phòng để mời chào các vị khách cổ tích vậy."

"Đêm nay ta lại rơi vào trạng thái chán nản rồi," cha nói sau một hồi yên lặng rồi trích lại một đoạn của Shakespeare, vẫn bằng cách đó ông có thể trau chuốt thêm vốn tiếng Anh của chúng tôi, ông nói:

"'Thật lòng ta không biết sao mình lại buồn đến thế. Ta thấy mệt mỏi vì nó, và em nói em cũng mệt mỏi y vậy. Nhưng sao ta phải phiền muộn.-' Cha quên mất đoạn còn lại rồi. Nhưng có cảm giác thứ gì đó ủ rũ đang hiện hữu giữa chúng ta, có lẽ là do lá thư đau buồn của ông đại tướng tội nghiệp chăng."

Đúng lúc ấy, âm thanh bất thường của bánh xe ngựa và tiếng chân trên đường vang lên, tóm gọn sự chú ý của chúng tôi.

Có vẻ như nó tới từ mô đất cao nhìn ra cây cầu, chẳng bao lâu cỗ xe và đoàn tùy tùng đã xuất hiện ở đó. Đầu tiên là hai người đàn ông trên lưng ngựa băng qua cầu, rồi đến chiếc xe được kéo bởi bốn con ngựa và hai người nữa theo sau.

Có lẽ là chuyến du ngoạn của một người thuộc tầng lớp cao sang, và ngay lập tức chúng tôi bị thu hút bởi cảnh tượng bất thường này. Một lúc sau, nó càng đáng chú ý hơn khi cỗ xe đã lọt qua chóp của con cầu dốc, một trong hai người dẫn đường bỗng hoảng loạn, báo lại sự tình với đám còn lại, rồi sau khoảng hai cú lao, cả đoàn bị phá vỡ trong một nước phi đại dữ tợn, con ngựa xông tới giữa hai người dẫn đường, phi vút về hướng chúng tôi với tốc độ như một cơn bão.

Khung cảnh kịch tính còn xót xa hơn bởi tiếng thét kéo dài của một người phụ nữ vọng lên từ cửa xe.

Tất cả chúng tôi đều tò mò và kinh ngạc. Tôi gần như là bất động, những người còn lại thốt lên từng âm điệu hãi hùng khác nhau.

Sự hồi hộp không kéo dài là bao. Trên tuyến đường mà họ đi ngay trước con cầu sắt có một cây đoan cạnh lề đường, bên còn lại là tượng đá thánh giá thời cổ xưa, chính nó đã khiến con ngựa xổ đi với tốc độ kinh khủng làm chệch bánh xe về hướng rễ cây đoan.

Tôi biết điều gì sẽ xảy tới tiếp theo. Tôi nhắm mắt lại, không chứng kiến thêm nữa và quay đầu đi, cũng đúng lúc đó tiếng thét của hai vị gia sư vang lên khi họ đã tiến về phía trước một chút.

Tò mò, tôi lại mở mắt và trông thấy một cảnh tượng hoang mang. Hai trong đám ngựa nằm trên mặt đất, toa xe đổ về một bên còn bánh xe đều đã văng hết. Đám tùy tùng lục đục tháo dây cương và người phụ nữ với vẻ bề trên bước ra ngoài, hai bàn tay chắp vào nhau rồi đưa chiếc khăn tay chấm nước mắt.

Một cô gái trẻ được nhấc khỏi cửa xe, có vẻ như không còn chút sức sống. Người cha già đáng kính của tôi đã đứng cạnh quý cô kia tự lúc nào, với chiếc mũ vành trong tay, rõ ràng là đang đề nghị giúp đỡ. Người phụ nữ có vẻ không chú tâm đến ông, hoặc chỉ đang hướng mắt về phía cô gái mảnh khảnh nằm trên bãi đất dốc.

Tôi bước lại gần hơn. Cô gái trẻ dường như đang choáng váng, nhưng chắc chắn là vẫn còn sống. Cha đặt ngón tay lên mạch máu của cô và đảm bảo với người phụ nữ, người tự xưng là mẹ của cô gái, rằng mạch đập dù hơi yếu nhưng vẫn có thể phân biệt được. Người phụ nữ lại chắp tay và nhìn lên trên trong một khoảnh khắc như thể rất biết ơn. Nhưng rồi bà bỗng kêu lên một cách không tự nhiên như đang diễn kịch, điều mà tôi tin rằng sự điệu bộ này đã có sẵn trong một số người.

Có vẻ như bà là một phụ nữ khá sắc sảo vào thời trẻ, và chắc hẳn là phải xinh đẹp. Bà ta cao nhưng không hẳn gầy, mặc bộ đồ đen nhung, nét mặt nhợt nhạt nhưng với một vẻ tự tôn cao ngạo, dù bây giờ có hơi bị kích động.

"Tại sao lại phát sinh ra nhiều tai ương đến thế?" Tôi nghe bà nói, hai tay vẫn chắp lạy. "Ngay lúc này đây, trên hành trình giữa sự sống và cái chết, chỉ lãng phí một giờ thôi cũng có thể mất tất cả. Đứa trẻ của tôi sẽ không đủ bình phục để tiếp tục chuyến đi mà không ai biết khi nào mới kết thúc. Tôi phải để nó lại thôi: Tôi không thể, không dám chậm trễ thêm được nữa. Còn bao xa, thưa ông, từ đây cho tới ngôi làng gần nhất? Tôi phải gửi nó ở đó, và sẽ không thể gặp lại đứa con yêu dấu này, hay nghe bất cứ tin gì từ nó cho tới khi tôi trở về, ba tháng kể từ bây giờ."

Tôi kéo lấy vạt áo của cha, thì thầm một cách tha thiết nhất vào tai ông: "Ôi! Cha, hãy xin bà ấy để cô gái lại với chúng ta đi, điều đó sẽ thật tuyệt vời. Mau, làm ơn!"

"Nếu quý bà chịu giao phó đứa trẻ cho con gái tôi, hay vị gia sư tốt bụng của nó, bà Perrodon, và cho phép con bé ở lại với cương vị khách quý, dưới bổn phận trông nom của tôi cho tới khi bà trở về, điều đó sẽ thật là một sự biệt đãi. Chúng tôi sẽ đối xử với cô ấy bằng tất cả quan tâm và lòng tận tụy đáng tin cậy nhất."

"Tôi không thể làm vậy được, thưa ngài, sẽ thật độc ác với lòng tốt bụng và hào hoa của ông," người phụ nữ nói một cách rối trí.

"Ngược lại, thưa bà, đó sẽ là điều tuyệt vời nhất với chúng tôi vào thời điểm này. Con gái tôi vừa hay đang rất thất vọng về một chuyện không may, một chuyến thăm hỏi đình trệ mà nó đã rất mong đợi trong niềm vui thú. Nếu bà tin tưởng giao cô gái trẻ kia cho chúng tôi chăm sóc, ấy sẽ là sự an ủi tốt nhất cho con gái tôi. Ngôi làng gần nhất trên lộ trình của bà khá xa, và cũng không có bất kì quán trọ nào phù hợp để gửi cô bé lại. Bà không thể để con bé tiếp tục cuộc hành trình xa xăm đầy hiểm trở như vậy được. Và nếu như đã nói, bà không thể trì hoãn chuyến đi này thêm giờ phút nào nữa mà phải chia tay con gái ngay đêm nay, thì còn chốn nào để thực hiện điều đó trong sự chăm nom ân cần nhất hơn nơi đây chứ."

Có điều gì đó ở điệu bộ và dáng vẻ nổi bật, thậm chí là oai nghiêm của người phụ nữ, theo một cách quyến rũ ấn tượng khác hẳn với cỗ xe ngựa, tạo nên sự thuyết phục rằng bà ta ắt là người nắm giữ địa vị quan trọng.

Lúc này cỗ xe đã được dựng thẳng và những con ngựa giờ khá dễ bảo bắt đầu buộc lại cương yên.

Người phụ nữ ném cho đứa con một cái nhìn mà tôi cho là không âu yếm gì lắm, như mọi người có thể đoán trước từ lúc cảnh tượng này xảy ra, rồi bà khẽ ra hiệu cho cha tôi đi quá vài bước khỏi tầm nghe, nói chuyện với ông bằng gương mặt nghiêm nghị khác hẳn lúc trước.

Tôi ngạc nhiên khi cha không nhận thấy sự thay đổi đó và tò mò muốn biết bà ta đang nói gì với ông, bằng một sự nghiêm túc mau lẹ.

Bà ta vẫn như vậy tầm hai đến ba phút rồi quay người với vài bước chân về phía cô gái, đang được chăm sóc bởi bà Perrodon. Người phụ nữ quỳ xuống bên cạnh đứa con và thì thầm vài lời cầu nguyện, vội vã hôn cô gái rồi bước vào trong xe, cửa đã đóng, lính hầu cận trong bộ chế phục oai vệ cũng theo sau, người dẫn đầu vút roi, đám ngựa lao xuống và phi nước kiệu. Rồi cỗ xe dần mất hút, theo sát bởi hai người ngồi lưng ngựa phía sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro