Lỡ...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Lỡ một ngày em chết, thì sao...?"

Nắng rơi dưới bậu cửa sổ, vương trên mái tóc lẫn nửa gương mặt em một màu vàng ấm áp. Em ngồi trước bàn học, đèn không bật sáng, tay vân vê cây bút bi, trước khi để ngòi đen chạy trên giấy trắng một lần nữa. Trông em thản nhiên lạ, tựa như giây phút em thốt ra câu hỏi ấy chỉ là một thoáng ảo giác của tôi.

Tôi ngồi trên giường – chiếc giường nằm ngay cạnh bàn học của em. Tôi dựng gối dựa vào thành giường để lưng mình có thể nghỉ ngơi mà không để lại đau nhức gì, hai mắt tôi vẫn còn lướt ngang qua trang sách chi chít chữ cho đến khi em nói vậy. Tôi khựng người, nhất thời chưa biết phản ứng ra sao. Ánh mắt tôi lia qua chỗ em, và thu về dáng vẻ dửng dưng ấy. Tôi bất giác cảm thấy, chắc, có lẽ, em chỉ đang tò mò như cách lũ trẻ mới lớn tò mò về cuộc sống của người trưởng thành thứ thiệt. Dù sao thì, em cũng mới dậy thì thôi.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn hay ngẫm nghĩ về cái gọi là "cuộc sống sau khi chết". Tôi thật sự thắc mắc rằng, nếu mình bỏ mạng ở cuộc đời này, vậy rồi mình sẽ đi đâu? Linh hồn con người có thật hay chỉ là câu chuyện kinh dị truyền miệng từ người này qua người khác, từ năm này qua tháng nọ, sản sinh do nỗi sợ về những điều bí ẩn của con người? Tôi chẳng biết, nhưng vẫn giữ cho mình chút vẩn vơ thơ ngây ấy, vì chắc là chúng tạo động lực để tôi bước tiếp con đường khốn khổ này.

Tôi đoán, có lẽ em cũng thế.

Tôi phì cười, đáp lại em bằng một điệu bỡn cợt. Tôi trả lời em rằng: "Nói nhảm cái gì đấy, tập trung học đi." Tôi thấy loáng thoáng một chốc đầu bút em dừng lăn, giây lát ấy ngắn ngủi như thể tôi tưởng tượng ra. Em nhanh chóng tiếp tục vào việc của riêng em, bỏ lại tôi với nỗi bứt rứt đột nhiên dâng lên trong lòng. Tôi không rõ có phải tôi nghĩ nhiều hay không, tôi vừa trông ra chút thất vọng dưới đáy mắt em, xen kẽ cả xúc cảm mà tôi đoán giả nó bày tỏ được bằng lời thật, thì sẽ là một câu như thế này: "Cũng chẳng lạ gì." Suy nghĩ ấy cứ chiếm giữ tâm trí tôi, đến độ lòng tôi chẳng yên ả nổi để đọc cho nốt quyển sách tôi đang cầm trên tay. Tôi thở dài một hơi, quyết định thay đổi câu trả lời hồi nãy của mình cho câu hỏi của em. Giọng tôi không lớn, nhưng tôi vẫn hi vọng em nghe được rõ ràng.

"Anh không biết nữa. Đôi khi anh cũng nghĩ về cái chết, về việc anh sẽ lạc lõng ở cõi nào sau khi thân xác này mục rữa. Nhưng anh không quan tâm điều đó lắm, anh còn đang sống, và cuộc sống luôn luôn đáng sống, nên anh sẽ sống đến khi nào tổ tiên bào tới lúc gặp mặt họ thì thôi."

Không đầu không đuôi, tôi đơn phương ném bộp vào mặt em đoạn trò chuyện như thế. Và dường như cảm thấy có chút thiếu thiếu, hoặc do tôi ngờ ngợ ngẫm ra ý đồ em muốn gợi nhắc đến hơi khác so với giãi bày vừa rồi của tôi, tôi bổ sung thêm vài dòng: "Sau khi chết thì cũng hết, lòng mình thanh thản là được, em ạ, còn những ai gắn bó với mình, họ vẫn sẽ giữ mình trong tim như cách họ làm bây giờ thôi em." Tôi không để ý nét mặt em đã giãn ra thế nào, và thời điểm ấy, tôi đã không thể tưởng tượng ra được, rằng những tâm sự thật của tôi đã giúp em sống trên thế giới này thêm hai năm nữa.

"Em gái mày tự sát, vào viện không kịp, bác sĩ bảo đi rồi. Mẹ mày vừa ngất xỉu, được đưa lên giường tĩnh dưỡng, còn bố mày đang gục đầu ngoài phòng cấp cứu, vẫn chưa nhúc nhích được tí nào. Mày về đi."

Tôi nhớ, vào một ngày hè oi ả trên Hà Nội, khi tôi vừa bước chân qua mép cửa phòng trọ sau một đêm thức trắng ở công ty, dì tôi gọi điện thoại cho tôi, giọng đều đều, mà vẫn không giấu nổi nghẹn ngào trong ấy.

Sau đó, ký ức tôi mờ nhạt, tôi chỉ mơ hồ thấy bản thân mình ngồi trên chuyến xe buýt bắt vội, trên người vẫn diện quần áo công sở, sơ mi đóng thùng sơ sài, cà vạt xộc xệch, tay cầm theo độc một chiếc điện thoại cùng áo khoác bên ngoài. Tiết trời nóng bức thiêu đốt cả tâm hồn tôi, thiêu đốt cả em nữa. Cổng làng bình dị vẫn dang rộng chào đón tôi như thuở nào, vậy mà đôi chân tôi chẳng còn nhàn nhã ùa vào vòng ấm áp ấy. Tôi chạy vội về nhà – nơi đã tụ họp đủ đầy ông bà, bố mẹ, cô, dì, chú, bác, họ hàng nội ngoại, lẫn em. Cánh cửa gỗ mở toang, xe hơi đậu trước sân, bàn ghế đá dưới gốc cây sấu xanh mơn mởn. Vẫn là khung cảnh ấy, nhưng hiu quạnh lạ thường.

Suốt quãng đường từ Hà Nội về nhà, tim tôi đập loạn xạ, tôi tự trấn an mình: cuộc gọi ấy chỉ là ảo tưởng của tôi thôi, chỉ là viễn cảnh do bao nhiêu áp lực đè nặng lên lồng ngực tạo ra. Ngay khi cánh cửa quen thuộc đập vào mắt, tôi đã nhanh chóng chạy lách qua chiếc xe của bố, nắm chặt một ao ước mỏng manh là em vẫn còn sống, em sẽ ngồi trên ghế sô-pha như thường lệ, tay cầm điều khiển còn ánh nhìn bám chặt lên màn hình TV. Tôi sẽ cười và chọc ghẹo em: "Anh về nhà mà không biết chào hay sao, mồm đâu rồi?" Chắc chắn sẽ thế, mọi thứ vẫn sẽ như bình thường, vẫn một vòng lặp mỗi dịp tôi trở lại nơi này, vẫn một bình yên ôm lấy tôi mỗi khi mỏi mệt. Tôi sẽ kể em nghe, về cuộc gọi tào lao, về cơn ác mộng đột ngột lướt qua tôi dẫu tôi còn chưa kịp nằm xuống nghỉ ngơi.

Đời đâu đi theo mong ước của kẻ nào.

Cỗ quan tài sừng sững trong nhà, trước bậc cửa dẫn lên phòng khách. Người ngồi trên ghế sô-pha đối diện màn hình TV không phải là em như tôi vẫn mong chờ, mà là bố chúng ta – người đang mang sắc mặt đen kịt như thể bóng tối bám ruổi lấy cả kiếp đời. Ngồi cạnh người đàn ông ấy là một người đàn bà cũng tuyệt vọng không kém. Quây xung quanh họ, họ hàng hai bên ai cũng thả trôi tâm hồn mình theo chốn phiêu du riêng.

Tôi không dám tin. Tôi đứng chôn chân trước cửa. Tôi không hình dung ra cụ thể nổi thời khắc ấy tâm trạng tôi đã như thế nào. Tất cả những gì nằm trong hồi ức tôi là đêm đen, quánh đặc, tàn nhẫn, khủng khiếp, nhấn chìm tôi dưới đống bùn lầy không thể vẫy vùng để tìm ra một lối thoát. Bao trùm lấy tầm mắt tôi không có gì khác ngoài cỗ quan tài nâu bóng, chạm khắc đơn giản. Tôi không biết phải phản ứng thế nào, tôi còn chẳng biết tôi đang nhìn gì, mắt đặt ở đâu, hiện thực đang diễn ra thế nào. Lòng tôi rối rắm như tơ vò, như mớ bòng bong mãi mãi không kiếm ra được nút thắt.

Em đi mà không để lại gì, dẫu chỉ một lời trăng trối.

Ký ức tôi có lẽ đã thâm hụt đi vài phần, khi quang cảnh bố mẹ nói chuyện với tôi vào ngày tôi về ấy, quang cảnh cả nhà tất bật lo toan ma chay cho em, quang cảnh bác tôi bận rộn gọi điện báo cho bà con xa để họ sắp xếp thời gian đến chia buồn cùng gia đình, quang cảnh bố tôi thuê người làm tang và mẹ tôi tìm nhà làm cỗ đều không còn tồn tại trong trí óc tôi, như thể chưa bao giờ xảy đến giữa đời này mặc dù chúng chắc chắn đã phải diễn ra. Tôi bị cuốn đi như con chim ri mắc kẹt trong cơn bão, lảo đảo giữ thăng bằng cho chính mình, rốt cuộc vẫn ngã vật ra đất. Những gì tôi nhớ rõ nhất là hình ảnh em yên bình nằm trong cỗ quan tài lạnh ngắt, da tái xanh và cổ tay vẫn chi chít sẹo. Lồng ngực tôi nghẹn đắng, cổ họng chua chát, nước mắt không kìm nén được, rơi lã chã. Tôi khuỵu gối bên cạnh quan tài em, gục người khóc. Cuộc đời em – những mặt mà tôi biết, những mặt tôi đã trải qua cùng với em – lướt ngang qua tâm trí tôi như một thước phim cổ màu vàng ngà, tua nhanh và nhấn nhá vào những giây lát em cười thật tươi.

Em mới chỉ là cô thiếu nữ đôi tám trong tà áo dài mừng nhập học cấp ba, mà giờ em đã vô hồn, trong cỗ quan tài tưởng chừng còn xa lắc xa lơ nữa mới gửi đến kiếp người này của em. Em là người trẻ tuổi nhất trong nhà, cuối cùng lại ra đi sớm nhất. Tôi mặc đồ tang, trắng bệch, rỗng tuếch, một sắc màu tang thương đến đau lòng. Mắt tôi sưng đỏ, chẳng rớt được thêm giọt lệ nào. Tôi đứng bên cạnh bàn thờ, giữa tầng tầng đồ cúng là ảnh em cười, rạng rỡ như đoá hoa xuân. Tôi đã không tài nào hiểu nổi tại sao em chọn kết liễu cuộc đời mình, khi sinh mệnh em đáng lý vẫn còn trải dài mãi đến ít nhất năm mươi, sáu mươi năm nữa. Tuổi xanh em còn chưa bắt đầu, đã vội khép kín lại và không bao giờ mở ra. Những nét đẹp choáng ngợp của chốn thủ đô xa hoa tôi còn chưa kịp đưa em dạo ngắm nhìn, những vẻ lộng lẫy của miền trời phương nam em chưa từng trông rõ. Biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, những mối lương duyên, bao nhiêu thứ điều khẳng định đời này đáng tiếp diễn đã gấp gáp tiễn biệt em vĩnh viễn.

Ngọn lửa hoá thân xác em thành tro tàn, đưa em một đoạn về với trời xanh.

Sau đám ma khoảng một tuần, tôi vẫn ở lại nhà. Tôi đã báo cáo lên cấp trên để xin vài ngày nghỉ phép, nên tôi vẫn còn thời gian để nấn ná lại mái ấm của chúng ta. Nhưng tôi không đủ can đảm để ghé qua phòng em thêm một lần nào nữa. Tôi sợ khi bắt gặp được chút hơi ấm còn vương vấn thế gian này của em, lòng tôi sẽ không nén lại được mà vỡ nát. Tôi loanh quanh cách cửa phòng em ba, bốn bước chân, rồi đi đi lại lại khắp gác hai lẫn tầng trệt. Phòng tôi và phòng em đối diện nhau, tôi cứ lặng lẽ ngồi trong phòng mình và ngước mắt trông ra cánh cửa gỗ khép hờ.

Thế rồi, ngày tôi phải quay lại Hà Nội đã đến. Trước khi đi, tôi đã đứng trước cửa phòng em một hồi lâu. Những ký ức về em rong ruổi trong tâm trí tôi, trong những cơn mơ hằng đêm lẫn thực tại mỗi ngày. Tôi hít sâu một hơi, quyết định đẩy nhẹ cửa bước vào.

Căn phòng lạnh tanh. Chẳng còn hơi ấm nào từ em nữa. Trái tim tôi càng nặng nề thêm khi nghĩ về điều đó. Tôi chậm rãi tiến về phía giường, ngồi lên nệm. Chiếc chiếu trúc vốn đã mát mẻ, nay càng thêm buốt giá. Ánh mắt tôi từ từ thu lấy cả căn phòng, chốn nhỏ đã gắn bó với em cả cuộc đời, chốn nhỏ hiểu rõ về con người em nhất, chốn nhỏ lưu giữ những kỷ niệm về em. Những đồ vật còn phảng phất hình bóng em vẫn được giữ nguyên hiện trạng của nó, vị trí của nó, ngay cả bàn học bừa bộn sách vở kia cũng chưa từng bị một ai động vào kể từ ngày em đi.

Tôi định rời đi sau khi ngồi hồi tưởng về em trong căn phòng em đã dành một kiếp gắn kết, nhưng cuốn sổ nhỏ nằm trên chiếc bàn gỗ thấp gần đầu giường va phải ánh nhìn của tôi. Tôi lại gần chiếc bàn, cầm lấy cuốn sổ vốn dĩ đã mở ra. Dường như em đang viết gì đó trước khi quyết định chấm dứt sinh mạng mình. Những dòng chữ nhoè mờ đủ để tôi biết em đã khóc nức nở trong khi bộc bạch với bản thân thông qua cuốn sổ này. Có lẽ đây là nhật ký của em, tôi đoán thế. Điều tôi chuẩn bị làm tiếp đấy, xét trên bất cứ phương diện nào đi chăng nữa, đều là một sai lầm; thế mà, mỗi khi trí óc tôi mệt nhoài và vượt thời gian quay ngược về thời điểm ấy, tôi vẫn chưa một lần hối hận. Tôi từ từ mở bìa sổ, trang đầu tiên he hé lộ diện, chưa gì đã choáng ngợp lấy tâm trí tôi bởi một thoáng dày đặc chữ. Những câu từ đầu tiên chạy ngang qua đôi mắt tôi, tôi không nắm bắt hết nổi xúc cảm trút bỏ trên từng trang giấy. Tôi tưởng như tất cả những gì tôi đang đọc chỉ là tập hợp vết sọc vết ngang, một thứ ngôn ngữ kỳ lạ hệt mấy cuốn sách thần bí cổ xưa. Lòng tôi nặng dần nặng dần theo mỗi một cái quét mắt ngang qua dòng chữ, dẫu những viễn cảnh khắc lên trang giấy tồi tệ đến mức tôi đã từng chẳng thể nghĩ tới.

Rằng, em không thể theo nổi việc học trên lớp, lẫn việc học ở lớp học thêm. Các bạn đồng trang lứa dường như đều toả sáng, đều xuất sắc, đều nhanh nhẹn, đều thông minh. Em cảm giác vốn dĩ bản thân không hề có năng lực, chuyện đặt chân được vào môi trường toàn nhân tài như thế chỉ là may mắn quá cao. Hàng xóm láng giềng đều bảo nhà mình thật có phúc, nhưng chưa một ai nhắc đến nỗ lực của em.

Rằng, em đuổi theo các bạn đến kiệt quệ, rồi lại đuổi theo kiến thức đến ngất xỉu. Em đau dạ dày, buồn nôn, và chỉ hi vọng được nghỉ ngơi trong chốc lát, vậy mà đến lúc có thời gian rảnh, lòng em lại thấp thỏm lo âu. Em thật sự chưa bao giờ trải nghiệm qua hai tiếng "rảnh rỗi" rốt cuộc có màu sắc, mùi vị thế nào.

Rằng, em từng rụt rè kể mẹ nghe một chút lắng lo, một chút áp bức xoay vần em giữa đời, rồi tất cả những gì em nhận lại là: "Ngày xưa, tao vừa học vừa làm, mày bây giờ có mỗi việc học thôi cũng than thở."

Rằng, điểm số chỉ cần tụt một chút, chỉ cần không bằng các bạn một chút – ví dụ như cả lớp được chín điểm, một mình em chênh vênh con số tám; ví dụ như lần trước em đạt chín rưỡi, lần sau em nhận về con chín tròn – em liền bị mẹ thu hết điện thoại, thu hết máy tính, nhốt trong phòng làm bài tập, bố thì không quan tâm, thở dài lắc đầu, gọi em là "đồ ngu". Trên trường, vài bạn xì xào em học kém, giáo viên nhắc nhở: "Đừng làm ô uế danh dự của trường."

Rằng, có lần em từng không nhẫn nhịn nổi nữa, hét lên với mẹ: "Đối với mẹ, hạnh phúc của con quan trọng hơn hay điểm số quan trọng hơn?". Mẹ tát em một cái, trả lời: "Tao chỉ cần mày điểm cao thôi. Cái đấy còn không làm được thì đừng nói chuyện gì khác cả", và tiếp theo là một tràng sỉ vả như mọi khi.

Rằng, em thích vẽ, nhưng tất cả hộp màu đều bị bố vứt vào sọt rác, sổ vẽ thì bố xé thành từng mảnh. Em thích âm nhạc, nên lén mượn bạn một cái ukulele; em chưa kịp học được một bản nào, mẹ đã ném nó vào người em rồi bắt em trả lại bạn ngay. Em thích truyện tranh, nhưng cả căn phòng chỉ có sách giáo khoa, sách bài tập, sách hướng dẫn giải, sách bổ trợ.

Rằng, em không được phép đi chơi, về muộn năm phút thôi liền bị hỏi: "Mày đi đâu mà giờ mới về?" Dần dà, các bạn không duy trì mối quan hệ với em nữa, chỉ bởi vì em không thể đi chơi chung với họ. Em còn nghe được vài lời nói xấu sau lưng, tỉ như em đã xấu xí, còn kiêu ngạo, lúc nào cũng từ chối lời mời của người khác, như thể có giá lắm.

Rằng:

"Cứu tôi với."


"Lỡ một ngày em chết, thì sao...?"

Mắt tôi đăm đăm dán chặt lên ba từ kêu cứu của em. Tôi nhớ về áng chiều hôm ấy, khi em bất chợt hỏi tôi về cái chết. Hoá ra em đã luôn ghi dấu trong tim, em chưa bao giờ quên được câu trả lời của tôi lúc ấy. Em viết vài dòng trong nhật ký mình, ấy là lần đầu em được nghiêm túc lắng nghe, ấy là lần đầu tín hiệu em gửi đi được đáp lại. Em cảm ơn tôi, em có hi vọng, em tiếp tục chiến đấu thêm hai năm nữa trước khi những ánh sáng từ lời đáp lại của tôi tắt hoàn toàn trong cõi lòng em.

Nhìn những dòng chữ chi chít trên trang giấy đã từng trắng tinh khôi, nhìn những tờ ghi chú dán dọc trên mặt bàn, trên mặt tường, trên mặt ngoài của ngăn kéo, trên thành giường, trên tủ quần áo, tôi mơ hồ cảm nhận được áp lực của em. Tôi cảm thấy nghẹt thở khi toàn bộ chú ý đổ vào đó, giống như những câu từ có linh thể, cuộn thành vòng tròn rồi siết chặt lấy tôi. Tôi còn nhìn thấy túi thuốc em vứt trên bàn, con dao rọc giấy lăn lóc dưới chân cốc nước đã cạn. Dưới sàn, lôi thôi mấy tấm áo đồng phục trường, huy hiệu trường bị rạch tan nát. Cả tờ giấy kiểm tra sức khoẻ tâm thần, một dòng "trầm cảm nặng" khắc vào trái tim tôi nỗi đau chắc chắn không thể nào lành lại.

Tôi khóc, nức nở như một đứa trẻ, y hệt ngày đầu tiên tôi thấy xác em lạnh ngắt trong cỗ quan tài chật hẹp. Từng giọt lệ thấm vào trang giấy, chồng chất lên lớp lớp nước mắt em đã tuôn rơi. Giá như tôi sinh ra muộn hơn một chút, giá như tôi không cách em tận mười hai năm tuổi, giá như tôi thường xuyên về nhà hơn, đừng để công việc cuốn đi đến mức nửa năm mới quay lại một lần. Giá như hồi xưa tôi không quyết tâm vào Sài Gòn học thay vì ở Hà Nội, để tôi được gần em hơn, để tôi có thể cuối tuần nào cũng ghé qua nhà. Nếu như thế, có phải tôi đã cứu được em gái mình không?

Những ký ức của tôi về bố mẹ chẳng khác bao nhiêu so với em. Vậy nên tôi đã chọn rời xa hẳn, tôi chọn cách bắt buộc tôi không thể về nhà thường xuyên, chỉ để tôi né tránh những câu hỏi về vấn đề học tập, về vấn đề tương lai, về người yêu, và giờ là về vợ. Tôi cũng ít khi gọi điện thoại cho nhà, bởi mỗi lần nhấc máy lên là một lần cãi cọ với bố mẹ. Tôi đã mệt mỏi đến thế, vậy mà cuối cùng tôi lại để em đơn độc chiến đấu với nỗi khổ của tôi thay vì cùng em đương đầu bước tiếp.

Bỗng nhiên, trí óc tôi ùa về một dòng tin tức, thuật lại một án tự tử rúng động của một học sinh. Tôi chẳng nhớ được tại sao cậu trai ấy chọn cách tàn nhẫn đến vậy để từ bỏ cuộc đời, nhưng những dòng bình luận lại hiện hữu rõ ràng trong tâm trí tôi. Giả sử ở đó có một trăm lượt chú ý, thì cả một trăm lượt ấy đều hỏi: "Sao không nói ra?", "Sao không bảo bố mẹ?", "Sao không trao đổi với gia đình và nhà trường?", "Sao dại dột thế?", "Sao chẳng biết nghĩ đến bố mẹ gì cả?", "Người ở lại vẫn luôn là người đau đớn nhất..."

Không một ai để ý đến tình trạng của cậu trai kia, lý do cậu ấy đã phải đi đến bước đường cùng, y hệt em. Trong đám tang hôm ấy, người ta thì thào tám chuyện, về em, về tôi, về bố mẹ. Họ chỉ trích em bất hiếu, họ chỉ trích em ích kỉ, xốc nổi, bốc đồng, có tí khó khăn đã vội gục ngã, họ mắng mỏ em tâm lý yếu đuối quá, do mạng xã hội hiện nay, do thời đại này bỗng nhiên mọc lên như nấm mấy vụ bệnh tâm thần. Họ bảo, có ai bắt em đâu, sao không trò chuyện, bày tỏ, phải thổ lộ với bố mẹ thì bố mẹ mới biết, cứ giữ trong lòng, tự mình chịu đựng rồi làm khổ gia đình.

Người ta đâu biết, là em không cầu cứu được.

Là em đã từng cố gắng cầu cứu.

Nhưng họ không nghe.

Và không ai nghe cả. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro