𝐌𝐎𝐍𝐀 𝐋𝐈𝐒𝐀 - 𝐋𝐞𝐨𝐧𝐚𝐫𝐝𝐨 𝐝𝐚 𝐕𝐢𝐧𝐜𝐢

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

/1/. Lisa del Giocondo:

Ngoài trời, gió đã bắt đầu nổi lên. Những nhành hoa rực rỡ mới đó đã chớm nở sau chuỗi ngày mưa da diết bất chợt, rung rinh làm xao xuyến lòng người. Chúng tựa như những thiếu nữ âu yếm trong vòng tay người thương là cơn gió quen thuộc, rồi từng cánh hoa cứ thổi tung lượn lờ khắp không trung và đáp xuống bất cứ đâu. Trên chiếc tạp dề sạch tinh tươm của các bà nội trợ, trong vạt áo lấm lem cát bụi của lũ trẻ quanh ngôi làng, và cả từ mái tóc người nông dân làm ruộng cho tới bộ lông của các loài gia súc trên bãi cỏ xanh mướt, ở đâu cũng đều thấy được bóng dáng của chúng, đám cánh hoa tinh nghịch. Thật là kỳ lạ rằng dù xuất hiện nhiều như vậy, không một ai biết tên loài hoa đó. Họ chỉ biết cứ tới mùa xuân thì chúng sẽ ghé thăm vùng đất Firenze này.

Đông đã qua, nhường vị trí của mình cho mùa xuân. Thời tiết lúc này đã ấm áp đúng chất xuân sang, đủ để cây cối đua nhau nở rộ, đủ để bắt đầu canh tác, đón chào một vụ mùa mới. Ngay trên cánh đồng ngoài kia thôi, những mầm non đã nhô lên khỏi mặt đất mềm ẩm, một thứ điềm tốt lành báo hiệu rằng vụ mùa này sẽ bội thu. Mới chỉ cách đây vài ba ngày thôi chúng vẫn còn là những hạt lúa mì làm giống, thật mong đợi đến lúc được thu hoạch mà. Hình ảnh những bông lúa mì trưởng thành lấp ló trong cơn sương sớm mai hiện lên trong tâm trí, rồi cả những ổ bánh mì giòn rụm, bánh bột mì thơm dẻo, hay sandwich đủ loại nhân nữa. Chao ôi, mới nghĩ thôi đã thấy thèm rồi!

Trên chiếc ổ rơm được phủ vải để biến thành nơi nghỉ chân của nông dân trong giờ hành chính, một người phụ nữ trẻ đang ngồi nhâm nhi tách trà nóng. Đôi mắt bà lơ đãng ngắm nhìn vựa lúa mì trước mặt, thả trôi dòng suy nghĩ tới tận phương trời nào không hay. Người phụ nữ trẻ cùng vạt váy nâu giản dị, trên cổ choàng chiếc khăn lụa, đầu đội mũ vành nhỏ đính hoa trông thật đoan trang làm sao. Bất cứ ai trông thấy cũng đều sẽ cảm nhận được sự cao quý, đức hạnh toát ra từ người bà. Nhấp một ngụm, rồi lại thêm ngụm nữa, bà từ tốn để tách trà xuống chiếc đĩa lót cạnh chỗ mình đang yên vị. Bà nhắm nghiền hai mắt, cảm nhận cơn gió ghé ngang lướt qua làn da. Một cảm giác man mát, khoan khoái tới dễ chịu. Cơn mê man suýt thì ập tới nếu như mấy cánh hoa không đậu lên người bà bởi cơn gió ban nãy.

- Thưa phu nhân Giocondo, đã đến lúc về lại dinh thự rồi ạ. Ngài Vinci sắp tới, và chồng của người rất mong người trở về.

Tức thì, bầu không khí nhẹ tênh ban đầu ấy đã bị dao động bởi một người hầu gái. Người hầu gái đó chạy vội từ đâu tới, chân chưa kịp dừng thì miệng  đã bắt đầu bẩm báo. Người phụ nữ trẻ ấy đứng lên, vừa đứng vừa phủi phía sau váy của mình xuống một cách duyên dáng.

- Để ta vào chào bố mẹ đã rồi chúng ta sẽ đi. Cô hãy ra dặn dò người đánh xe trước đi, như mọi khi.

Tên đầy đủ của vị phu nhân Giocondo ấy là Lisa del Giocondo. Như danh xưng mà người hầu gái kia gọi, bà là vợ của một thương nhân tơ lụa giàu có người Florence là Francesco del Giocondo. Nơi mà bà đang đứng đây là vựa lúa mì tại nông trại Ca' di Pesa của ông nội bà. Vốn, bà thường sẽ đến đây vào mùa hè hơn, nhưng nay vì vài lý do đặc biệt, bà đã đến và ở lại nông trại hai ngày. Cũng chẳng phải lý do gì đặc biệt đáng để quan tâm lắm, và bà cũng không định kể cho ai nghe cả. Chỉ đơn giản là một chuyến về thăm nhà thôi.

Người đánh xe ngựa đã đưa Lisa về nhà một cách an toàn vào lúc mặt trời lên tới đỉnh đầu, tức giữa chiều. Thật mệt mỏi khi phải ngồi trên xe nửa ngày, vậy nhưng ít nhất lần này, người đánh xe đã không làm bà suýt thì văng khỏi xe lần nữa.

- Ồ, Lisa của ta, em đã về rồi! Có điều gì khiến em vui trong chuyến đi vừa rồi không?

- Cũng không có gì nhiều lắm đâu anh, bình thường thôi. Ngài Vinci đã tới chưa để em đi chuẩn bị trà?

Phía ngoài cổng, vị gia chủ của Giocondo đã chờ vợ mình ở sẵn đấy. Đó là một người đàn ông tầm cỡ trung niên, ngoại hình đậm đà cùng làn da bóng loáng. Một chiếc sơ mi vàng nhạt hơi bó sát người và chiếc quần âu đi kèm áo khoác dạ mỏng quàng ở tay, tuy trông có vẻ tầm thường vậy thôi, mấy ai biết được ông lại nắm một vai trò quan chức quan trọng tại Firenze ngoài việc làm thương nhân ra. Nhìn thấy bóng dáng vợ mình lấp ló từ đằng xa qua ô cửa kính xe ngựa, ông đã vui mừng khôn xiết, thiếu điều không nhịn được mà chạy ra đón bà. Chờ ngay khi Lisa xuống xe, Francesco đã vội đưa tay ra đỡ bà, đồng thời ríu rít hỏi han như thể vợ mình đã đi xa cả tháng trời. Nhìn vào thôi chúng ta cũng có thể thấy được quý ngài Giocondo yêu phu nhân của ông đến nhường nào, thậm chí có thể dùng từ "trân quý".

- Ngài ấy sớm thôi sẽ tới, em hãy vào nhà nghỉ ngơi đi, việc rót trà hãy giao cho đám hầu. Andrea với Marietta đang đòi gặp em đấy, tụi nhỏ nhớ em lắm.

Andrea, Marietta, và cả Piero, Giocondo, chúng đều được kết tinh từ tình yêu của Francesco và Lisa. Nhà Giocondo còn một đứa con nữa, vậy nhưng cô bé ấy đã mất cách đây vài năm rồi. Nhắc lại chỉ càng thêm đau buồn, mà hôm nay lại là một ngày mà sự buồn đau ấy không được xuất hiện, Lisa chỉ đành gạt đi vệt nước ươn ướt trên khóe mi. Chào mừng bà khi về nhà là sự hân hoan tới từ những cái ôm của đám trẻ thơ đã làm nguôi đi phần nào những cảm xúc lúc này.

Gia đình Giocondo đã từng sống trong một căn hộ cũ kỹ cho tới đầu tháng ba năm nay. Công việc của Francesco tiến triển thuận lợi, đủ để cả gia đình họ chuyển sang một ngôi nhà mới vẫn tại cùng một tỉnh thành. Hiện tại, họ đang sống trong một căn nhà lợp ngói đỏ hung cổ điển, tường sơn màu trắng ngà, dọc các bức tường được gắn những thanh gỗ vững chãi. Những ô cửa kính tròn rồi lại vuông cùng chiếc cửa ra vào với bậc thềm lát gạch hoa, những dây hoa leo cuốn quanh từng góc. Xung quanh ngôi nhà xinh xắn có một mảnh vườn nhỏ được trồng đủ các loại hoa màu cỏ cây. Để mừng cho ngôi nhà mới đã hoàn thành, đồng thời kỷ niệm ngày mà đứa con trai bé bỏng của ông bà Giocondo tên Andrea ra đời, ông Francesco đã quyết định đặt vẽ một bức chân dung của vợ mình, Lisa từ một vị họa sĩ nổi tiếng sống gần nhà. Một vị họa sĩ danh tiếng lẫy lừng, tên ông ta là Leonardo da Vinci.

Leonardo da Vinci, một vị họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, giải phẫu học, phát minh kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Tuy đã ngoài 50, ông lại là minh chứng sống cho câu "gừng càng già càng cay" khi tài nghệ của ông đã dần vượt xa bao con người. Bảo Leonardo là thiên tài toàn năng nhất, là niềm tự hào của cả nhân loại quả cũng thật chẳng sai. Hiện tại và mãi mãi sau này. Sau một vài biến cố cá nhân, ông đã sống cùng cha mình tại Firenze, trong một ngôi nhà cách gia đình Giocondo chẳng xa mấy. Thường ông sẽ hiếm khi nhận những đơn đặt hàng từ một cá nhân nào đó, nhưng vì đang gặp chút trục trặc nhỏ với khoản thu nhập lúc này đây, ông đã đồng ý nhận vẽ bức chân dung cá nhân cho phu nhân của thương nhân Francesco del Giocondo. Không có tiền thì kể cả có là người xuất sắc nhất thế giới cũng không thể sống nổi, vậy nên vẫn là nên lo cho bản thân trước.

Đúng ngay lúc giữa chiều, một khoảng thời gian không ngắn không dài sau khi Lisa trở về nhà, Leonardo đã tới. Khác với hình ảnh xuất hiện thường ngày lỉnh kỉnh vác theo hộp màu cùng giá vẽ to tướng, ông chỉ mang bên mình chiếc túi vải sớm đã trở thành đồ cổ. Một vài chiếc bút lông nhô lên, và vài cây than chì lấm leo góc đáy túi lộ hẳn bên ngoài, ngoài những thứ đó ra thì chắc chắn vẫn còn một vài thứ khác phục vụ cho việc vẽ. Ông bước vào nhà, từng bước chân thật khe khẽ như sợ đánh thức ai đó. Có thể thấy được, dù đã ngoài 50, Leonardo vẫn có một vẻ ngoài khá bóng bẩy. Bộ râu nhỉnh hơn cằm, mái tóc dài được buộc túm vào tiện cho công việc, đầu đội mũ vải rủ xuống. Ông ăn vận giản dị và khoác bên ngoài một chiếc áo khoác mỏng nhẹ, toát lên phong thái của những người luôn cống hiến vì nghệ thuật.

Vợ chồng Giocondo chào đón Leonardo nồng nhiệt. Sau những giây phút ngắn ngủi thưởng trà và bàn chuyện, cuối cùng ông cũng đã bắt tay vào công việc chính ngày hôm nay: phác họa lại Lisa del Giocondo. Một bức tranh về vị phu nhân ấy, điều mà ông cần khi đến đây không chỉ là bàn chuyện sòng phẳng với họ, mà còn cả lấy người phụ nữ đó làm mẫu để dựa trên đó vẽ ra được bức tranh đúng với nguyện vọng của gia chủ.

Phải nói, gia đình Giocondo có một niềm yêu thích mãnh liệt dành cho nghệ thuật, và họ bảo trợ cho chúng. Họ yêu những bức tranh. Số tiền mà Francesco đã trả để được Leonardo vẽ một bức chân dung vợ mình nhân ngày kỷ niệm nhà mới và sinh nhật Andrea đủ để dùng chữ "lớn". Họ rất chịu chi và có vẻ có tham vọng xã giao dựa trên kích cỡ bức tranh .

Lisa yên vị trên chiếc ghế gỗ, tay phải đặt lên tay trái, mỉm cười nhẹ nhàng. Cộng thêm chiếc váy tối màu mặc trên người và dải lụa rêu quàng trên vai, sự mơ hồ trong phút chốc đã bao trùm xung quanh bà. Mái tóc đã được gỡ xuống, lộ ra những lọn tóc xoăn nhẹ. Hiện, Lisa đang ở khu vườn đằng sau nhà mình, ngồi thật yên không động đậy để vị họa sĩ kia thuận tiện nhất có thể. Phía bên kia cuốn sổ vẽ bọc da cừu, Leonardo phác lại dáng vẻ bà nhanh nhất có thể. Một đường thẳng, rồi thêm đường chéo, rồi hai đường ngang xiên nhau, "quý bà Lisa diễm lệ" đã dần hiện lên qua các đường nét cơ bản nhất. Chỉ là hình phác ban đầu cho bức tranh sau này, sự diễm lệ mà bí ẩn ấy cũng đã được khắc họa một cách rõ nét. Quả không hổ danh danh họa Leonardo da Vinci nức tiếng gần xa mà.

- Ban đầu thì sẽ là như này. Hai vị có gì không vừa ý với nó không?

- Quả không hổ danh ngài Vinci, rất đẹp. Tôi rất vừa ý và vợ tôi cũng vậy, thật vinh dự cho chúng tôi khi ngài Vinci đồng ý nhận lời mời này.

- Không, vinh dự của tôi khi được vẽ chứ, có một vị phu nhân với vẻ đẹp cao quý như này, ngài quả thật rất may mắn đấy. Vậy là hai vị không có gì muốn sửa đổi thì đây sẽ là bố cục của bức tranh, vì kích cỡ to nên sẽ mất thời gian lâu đấy.

Leonardo gấp cuốn sổ lại và cho vào trong túi vải, xong quay đầu nhìn thật kỹ vị phu nhân kia lẫn cảnh vật bên ngoài. Ông lấy một vài gói phấn màu nhỏ trong túi, trộn vài nhúm lại với nhau rồi phết vài vệt lên mẩu giấy nhỏ. Có vẻ như là đánh dấu lại gam màu chủ đạo. Xong xuôi, ông lại lôi cuốn sổ ban nãy, nhét vào trang phác thảo rồi lại cất đi. Ông thu dọn gọn gàng đống họa cụ của mình, vuốt chặt đám lông trên bút và cất kỹ mấy cục chì vào hộp. Chiếc mũ ngay ngắn trên đỉnh đầu, Leonardo đeo túi lên vai, xoa xoa cái lưng của mình. Ông dứt khoát chào tạm biệt hai vị khách để ra về, mặc cho họ có mời ông ở lại ăn bữa tối.

Nhắc đến bữa tối, đúng thật trời đã chuẩn bị chuyển giao từ ngày sang đêm. Tia nắng cuối cùng trong ngày vừa lúc dập tắt, bầu trời chỉ độc một màu hồng đậm dù cho không còn mặt trời.  Vậy nhưng sự vắng mặt của nắng không khiến cho quang cảnh xung quanh thiếu đi sức sống. Gió vẫn thổi, cây vẫn rung, các loài hoa và động vật sống về đêm chuẩn bị bắt đầu một ngày sinh hoạt mới. Trong làng, nhà nhà đều đã lên đèn, hương thơm của những món ăn tối hòa quyện vào bầu không khí, lém lỉnh ghé thăm khứu giác của những chiếc bụng đói. Người dân mau chóng làm nốt phần việc cuối cùng trong ngày để có thể về nhà, dùng bữa tối nóng hổi cạnh bên gia đình. Một cảnh tượng ấm cúng khiến ai trông thấy cũng chỉ nhanh muốn về nhà, chân cũng bất giác đi nhanh hơn.

Leonardo đã về tới nhà, về ngôi nhà nhỏ nơi ông sống cùng cha mình ở Firenze. Đơn đặt hàng đầu tiên của tháng ba năm 1503, và sắp tới nữa hẳn sẽ bận lắm. Cuộc sống vẫn sẽ trôi kể cả khi bạn dừng lại, và chẳng có lấy một phút nào nhàn hạ cả.

/2/. Giai thoại tất bật, quá trình hoàn thành:

Bức chân dung của vị phu nhân Lisa del Giocondo được vẽ trong quãng thời gian có phần khó khăn của Leonardo da Vinci. Thật đáng tiếc vì cho tới hiện giờ, nó vẫn chưa được hoàn thành.

Leonardo đã nhận một đơn hàng có giá trị hơn từ Tòa Thị chính thành phố Florence vào năm 1504, giao kèo rằng sẽ hoàn thành bức tranh ấy trong tháng hai năm 1505. Một bức họa khổng lồ được vẽ trên một bức tường trong tòa nhà Palazzo Vecchio, mô phỏng lại trận chiến Anghiari. Về "Trận chiến Anghiari", đó là một trận chiến thảm khốc xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ khi lực lượng phe giáo hoàng và quân đội Florence đã tấn công chính quê hương của ông. Cuộc giao đấu quyết liệt mang tính sống còn của bốn người lính trên lưng ngựa, một nội dung đủ để diễn tả lại sự khốc liệt trận chiến Anghiari đem lại mà người nghệ sĩ đã chọn, làm cho bất kỳ ai xem cũng cảm nhận được nó. Sau này, kể cả khi thế giới đã đổi thay và nghệ thuật có thể đã theo một trào lưu mới, tất cả các nhà phê bình lẫn chức trách đều sẽ phải công nhận, rằng giai đoạn vẽ bức tranh này chính xác là một cột mốc quan trọng để đánh dấu sự thay đổi trong cách mà Leonardo da Vinci xử lý các vấn đề về cử động và hình dáng con người, tạo nên sự thay đổi đáng kể cho các kiệt tác, các đứa con của ông sau này.

Dẫu vậy đó lại là chuyện của sau này, của tương lai nơi thời thế thay đổi. Còn hiện tại, thật xúi quẩy bởi nhiều nguyên do khác nhau trong việc thử vẽ trực tiếp sơn dầu lên tường, một cơn bão lớn đã ghé qua, làm cho độ ẩm không khí tăng cao để rồi màu bị lẫn vào nhau và phá hủy tất cả. Niềm hy vọng ban đầu giờ trở thành "nỗi thất vọng", Leonardo đã bỏ dở dự án của mình vô thời hạn trong sự chán chường. Vậy nhưng sự chán chường ấy không thể làm niềm yêu thích hội họa trong ông bị từ bỏ. Ông lại một lần nữa cầm bút lên sau quãng thời gian ngắn ngủn nghỉ ngơi hồi tâm, quyết định hoàn thành "nàng Lisa diễm lệ" còn dang dở. Một tác phẩm dang dở đã là quá đủ.

Cùng cái lúc định cầm bút lên ấy, vị thống đốc vùng Lombardia của vua Pháp tên Charles d'Amboise đã khẩn thiết mời Leonardo trở về Milano. Vua Pháp Louis XII tức vị vua đương thời đã và đang trên đường tới Milano để có thể gặp được người họa sĩ. Ngài đã xem được một bức tranh Đức Mẹ nhỏ của ông ở Pháp và hy vọng sẽ nhận được từ ông những tác phẩm như vậy, ngoài ra còn mong muốn ông có thể vẽ cho mình một bức chân dung. Tất nhiên, Leonardo nào dám từ chối, ông chấp nhận lời mời tha thiết đó và ngay lập tức đến Milano. Ông còn không quên mà đem theo "La Gioconda" (bức tranh về vị phu nhân nhà Giocondo) để tiện cho việc hoàn thành nó.

Thật là một tin buồn đối với vị họa sĩ đại tài ấy, cha của Leonardo đã qua đời cách đây hai năm mà chẳng để cho ai biết, và một tờ di chúc cũng không được ông để lại.  Phải đến tận gần cuối năm 1506, Leonardo mới biết tới sự việc đau buồn này. Ông dẹp hết tất cả mọi công việc của bản thân, nhanh chóng trở về Firenze lo hậu sự cho cha. Thậm chí khi trở về, ông còn vướng vào việc kiện tụng thừa kế gia tài của những người anh em khác, và nếu không nhờ những lá thư được gửi từ vua Louis XII cùng những người thân quen, hẳn vụ kiện sẽ còn kéo dài tới tận năm ông chẳng còn trên cõi đời này.

Cuối cùng, vào năm mà vụ kiện tụng kết thúc, Leonardo da Vinci đã tới Milano để thực hiện lời mời năm đó của Charles d'Amboise, mang theo hai bức tranh Đức Mẹ mà vị vua hằng mong muốn. Vào những năm kế tiếp, đã có rất nhiều biến động ập tới trong cuộc đời ông, cả sự tốt lành lẫn những mặt tối oái ăm. Chúng cứ ập tới không để ai kịp thích ứng, như những tên trộm tự ý lẻn vào nhà người dân rồi bới tung cả căn nhà lên để tìm vật quý giá rồi cuỗm đi. Sự xáo trộn cuộc sống vốn bình lặng của Leonardo cũng giống y như sự lộn xộn của căn nhà, bãi chiến trường mà những tên trộm kia để lại vậy.

Có một điều mà ai biết hẳn đều sẽ rất bất ngờ, đó là trong suốt chuyến hành trình nhiều năm ấy của mình, Leonardo luôn mang theo "nàng Lisa diễm lệ" cạnh bên. Không lúc nào là ông rời khỏi "nàng ta" cả. Ông vẫn luôn miệt mài, chăm chỉ, cố gắng ngày qua ngày để có thể hoàn thành bức tranh thật trọn vẹn và hoàn hảo một cách đẹp đẽ nhất, kể cả khi ngày ấy chỉ hoàn thành được rất ít, hay thậm chí chỉ vẽ được thêm một nét vì công việc bận rộn. Ông mang theo nàng ta từ Ý sang tới Pháp, mang theo trong cả những giai đoạn bận rộn mà sau này đã đi vào lịch sử của mình.

Vào một vài năm cuối cuộc đời mình, vị họa sĩ đại tài Leonardo da Vinci đã hoàn thành xong "Mona Lisa". Vì đã quá chậm trễ và từng bỏ rơi bức tranh một thời gian, giao kèo giữa ông và gia đình Giocondo đã bị hủy bỏ, nên ông đã giữ lại nó cho tới tận lúc bản thân mất, để lại cho vị trợ lý của mình tiếp quản. Vậy nhưng không thể phủ nhận được rằng cho tới tận giờ phút hiện tại, ngay cái lúc các bạn vẫn đang đọc những dòng chữ này đây, "Mona Lisa" đã trở thành kiệt tác mà không một ai không biết tới cả. Người ta biết tới vì sự nổi tiếng của bức họa, những nhà phê bình nghệ thuật biết tới vì vẻ đẹp hoàn hảo của nàng Lisa, còn những vị họa sĩ, đồng nghiệp biết tới nhờ vào tài hoa của Leonardo da Vinci, về cái cách mà ông thổi hồn cho Mona Lisa.

"Mona Lisa", thực ra cái tên gọi này phải mãi tới sau này mới được người ta dùng qua những dòng ghi chép của Giorgio Vasari trong cuốn tiểu sử về Leonardo da Vinci xuất bản năm 1550. Lisa là cách gọi trìu mến của Francesco dành cho vợ mình, và "Mona" là quý bà. Cụ thể hơn, trong tiếng Ý, "madonna" có nghĩa là "quý bà của tôi", được viết gọn thành "mona" và vẫn giữ nguyên mức độ đề cập lịch sự ban đầu.

"Mona Lisa", hay đúng hơn là kỹ thuật vẽ mà Leonardo đã sử dụng cho "Mona Lisa" được coi là cú cược lớn, là một điều vô cùng mạo hiểm. Thường, khi vẽ chân dung, để có thể tập trung vào khuôn mặt của mẫu, người họa sĩ đều sẽ chọn nền là một mảng màu hoặc tường, đơn giản hết mức có thể. Không ai dám vẽ phong cảnh đằng sau cả, vì nếu vẽ xấu phong cảnh thì cả bức tranh xấu theo, vẽ đẹp thì lại khiến sự tập trung của người xem dồn vào cảnh thay vì người. Vậy nhưng Leonardo da Vinci không chọn việc vẽ nền đơn giản giống với họ, ông chọn lấy phong cảnh làm nền, chọn điều khó nhất. Một nước đi mà cho đến hiện tại vẫn thật sự được coi là rất liều, bởi không phải ai vẽ phong cảnh vào tranh chân dung cũng có thể khiến cho nó trở thành kiệt tác cả. Rất hiếm, và trong số những người rất hiếm ấy, Leonardo đã đứng đầu. Ông không vẽ phong cảnh như những họa sĩ bình thường khác, ông đã tự mình sáng tạo ra một kỹ thuật mới lạ để làm dịu phong cảnh mà không lấn át vị phu nhân diễm lệ trong tranh. Đó là kỹ thuật Sfumato, tức làm mờ, dịu, trong trẻo các ranh giới.

Bạn có thể tin được không, rằng sự kỳ diệu của Sfumato đã khiến cho Leonardo có thể vẽ được cả thứ mà phần lớn các họa sĩ đều không vẽ được là "độ dày của bầu không khí". Mờ ảo man mác, nhưng khi nhìn vào những người thưởng tranh đều cảm nhận được bằng đôi mắt, cảm nhận được cảnh vật đang nằm sau lưng của Lisa chứ không phải cùng trồi lên một lúc. Rõ nét mà lại ma mị, cộng thêm những yếu tố ảo giác đủ để chúng ta phải công nhận rằng "Mona Lisa" chính là kiệt tác có một không hai cả về hình thức lẫn kỹ thuật, và cho tới tận bây giờ vẫn chưa có ai có thể sao chép lại y hệt được cả. Đúng với câu nói "bản sao mãi chẳng thể nào bằng bản gốc".

/3/. Vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế kỷ:

Bẵng đi một cái, giờ đã là những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Cụ thể hơn nữa là ngày 23 tháng tám năm 1911. Chính cái ngày định mệnh ấy, "Mona Lisa", hay còn được gọi là "La Gioconda" đã bị đánh cắp tại bảo tàng Louvre. Sự việc lẫy lừng này đã làm chấn động khắp cả thế giới thời bấy giờ, tới độ cho tới sau này, vụ trộm này vẫn được coi là vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của thế kỷ 20. Tất cả tin tức quan trọng trên khắp mọi mặt báo đều bị dẹp hết, thay thế bởi bài báo "Mona Lisa đã bị đánh cắp" tại Châu  u, nhất là ở Pháp và Ý.

Trong tòa chung cư nhỏ ốp gạch vàng nay đã mọc rêu, qua ô cửa kính hướng về phía Bắc của một căn hộ nép ngay sát chân cầu thang thoát hiểm, một người đàn ông đang ngồi săm soi tờ báo trên tay. Nhìn thoáng qua có thể thấy được anh ta đã tầm 30 tuổi. Bộ vest nâu màu cà phê cùng chiếc cà vạt màu nhạt họa tiết kẻ sọc, cách ăn vận quen thuộc tới bình thường của những quý ông làm văn phòng tại Paris. Dưới cái thời tiết nóng nực như này, vậy mà những bộ vest lại trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết thì đúng thật rất lạ lùng. Vừa đọc báo, anh ta vừa nhâm nhi một ly cà phê.

"MONA LISA ĐÃ BỊ ĐÁNH CẮP TẠI BẢO TÀNG LOUVRE!!! RẤT CÓ THỂ LÀ VỤ TRỘM TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT LỚN NHẤT CẢ THẾ KỶ 20???", dòng chữ được in đậm ở ngay trang nhất của tờ báo, nổi bật tới độ đủ để cả người già lẫn trẻ nhỏ đều có thể đọc được. Đó cũng là dòng tiêu đề của bài báo mà người đàn ông kia đang chăm chú đọc. Khi đã cảm thấy bản thân đọc không còn sót chữ nào, anh ta ngay lập tức nhăn mặt, đồng thời vứt tờ báo xuống dưới sàn, miệng thì kêu lên một tiếng bất mãn. Tách cà phê đã bị nốc cạn trong một hơi bởi người chủ của nó, rồi bị đặt xuống một cách thô bạo.

- Eh, rubare? Senza senso. (Tạm dịch: Hừ, đánh cắp ư? Vớ vẩn.)

Đóng chặt cửa sổ, anh ta tiến về phía chiếc tủ gỗ cũ kỹ trong góc phòng. Đó là một chiếc tủ khá to so với kích cỡ căn phòng mà khi mở ra, hai bên cửa đều rít lên những tiếng "cót két" rợn cả người. Trái ngược với vẻ ngoài "bám bụi", quần áo bên trong tủ toàn bộ đều rất sạch sẽ, gọn gàng. Phía trên móc treo những chiếc sơ mi, dưới là những loại quần áo còn lại được gấp vuông vắn. Một người đàn ông độc thân sống một mình mà lại gấp quần áo gọn gàng được kể cũng đáng khen. Anh ta nhẹ nhàng bỏ từng chiếc quần âu trong góc ra ngoài, sau đó đến những chiếc áo len, khăn quàng không dành cho mùa này. Lần lượt, những bộ quần áo sâu nhất trong tủ đã bị bỏ ra, một vật cưng cứng dần xuất hiện từ phía sau chúng và áp sát vào tường. Có vẻ là một khung tranh được bọc trong lớp vải thô, và mặt tranh đã bị che đi. Anh nhấc nó ra, thật cẩn thận mà gỡ bỏ lớp vải bên ngoài xuống. Giờ thì mặt bức tranh đã được hiện ra. Trên bức tranh là chân dung của một người phụ nữ mặc chiếc váy tối màu, dáng vẻ cao quý mà giản dị, khuôn mặt mỉm cười đầy bí ẩn.

Một người phụ nữ đức hạnh, phải, đó chính là "nàng Lisa diễm lệ" cùng sự mất tích đã làm chấn động cả Paris suốt hai ngày nay. Và thủ phạm của vụ trộm ghi danh lịch sử ấy không ai khác chính là tên đàn ông đang đứng ngay đây, là anh ta, không, hắn ta. Sau khi đã xác định được rằng bức tranh vẫn còn vẹn nguyên, hắn liền thở phào một hơi rồi cất lại về chỗ cũ. Cẩn thận, chính xác như ban đầu. Xong xuôi, hắn chỉnh lại quần áo, đeo thẻ tên lên rồi chuẩn bị ra ngoài, vì kim đồng hồ đã chỉ tới số tám tức là sắp tới giờ vào làm. Trên chiếc bảng tên cài ngay ngực áo vest đó của hắn, dòng chữ "Vincenzo Peruggia" được khắc nổi.

Hôm nay, cảnh sát lại tiếp tục tới điều tra về sự mất tích đầy bí ẩn kia. Lần này, đối tượng được những quý ông mặc áo sắt đó "thăm hỏi" lại là những nhân viên của viện bảo tàng Louvre. Tất nhiên, Peruggia không phải ngoại lệ. Bởi lẽ, hắn chính là nhân viên ở đây, tại viện bảo tàng nổi tiếng bậc nhất Paris nói riêng và Pháp nói chung này. Peruggia vẫn đưa ra những bằng chứng ngoại phạm, từng câu từng chữ không khác gì hôm qua. Bằng chứng ngoại phạm của hắn ta hợp lý và hoàn hảo, đến độ viên quan cảnh sát chẳng còn gì để bắt bẻ mà lại thêm lần nữa loại hắn ra khỏi ngoài vòng nghi vấn. Loại là vậy nhưng thật ra hắn, hay đúng hơn toàn thể nhân viên vẫn sẽ còn bị hỏi ít nhất hơn tuần nữa.

Để mà nói về thứ động cơ khiến cho Peruggia lấy đi Mona Lisa, trước tiên hãy cùng nhớ lại về chuyến hành trình để bức tranh nổi tiếng toàn cầu đó về bảo tàng Louvre đã.

Sau khi đại danh họa Leonardo da Vinci biến mất khỏi cõi đời này, người sở hữu "La Gioconda" là vị trợ lý tên Salai của ông, cũng là người đã đặt tên cho bức tranh ấy. Salai đã bán "Mona Lisa" cho vị vua cai trị nước Pháp thời bấy giờ với cái giá là 4,000 € (Chưa thực sự chắc chắn về mệnh giá tiền) rồi giữ nó tại Château Fontainebleau. Về sau, cũng tại chính nơi cất giữ, bức tranh đã được trao lại cho vua Louis XIV, và được đưa tới cung điện Versailles. Sau bao lần được dịch chuyển tới vô vàn địa điểm khác nhau, qua tay bao nhiêu con người vĩ đại đứng đầu cả một cường quốc, "La Gioconda", hay còn gọi là "Mona Lisa" đã dừng chân tại bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp. Đó là cho tới khi Peruggia đánh cắp nó.

Gọi là "đánh cắp" thì cũng không đúng lắm, đối với Vincenzo Peruggia thì là thế. Leonardo da Vinci là một người Ý, Peruggia cũng cùng quốc tịch với ông. Peruggia yêu mọi thứ thuộc về Ý, và điều mà hiện tại hắn muốn nhất chính là có thể đem kiệt tác vĩ đại của vị danh nhân đại tài về lại mảnh đất quê hương, chứ không thể để một gã quân vương nước Pháp mang đi được. Hắn muốn bán nó cho một bảo tàng nghệ thuật bậc nhất không kém gì Louvre ở Ý. Có thể sẽ có người bảo hắn ta tham lam, nhưng tất cả là vì đất nước Ý yêu quý của hắn mà thôi.

Để có thể qua được mắt bảo vệ, Peruggia đã tự mình xông vào tòa nhà chứa Mona Lisa trong thời gian mở cửa, nấp trong phòng để đồ, rồi nhân cơ hội không ai trông coi đã lấy trộm bức tranh rồi giấu vào trong áo khoác, đợi đến khi bảo tàng đóng cửa thì mới về thật cẩn thận. Chỉ đơn giản vậy thôi, và còn cả việc ngụy tạo bằng chứng ngoại phạm giả cho bản thân nữa. Cũng thật may mắn khi lúc này, hệ thống an ninh chưa được chặt chẽ cho lắm, chứ không vụ trộm này khó có thể trót lọt được, và quý ông Vincenzo đây lúc này khó có thể điềm tĩnh đi trên đường được như bây giờ.

- Non sto rubando, lo sto solo riportando nella sua posizione originale. (Tạm dịch: Không phải đánh cắp, tôi chỉ đang trả nó về vị trí ban đầu.)

Hai năm trôi qua, người ta vẫn không tìm thấy "Mona Lisa", dù chỉ là một dấu vết. Đã có rất nhiều người bị liên lụy, bị suy vào diện nghi phạm dù chỉ yên vị tại chỗ như nhà thơ Guillaume Apollinaire từng một lần kêu gọi "đốt cháy" Louvre hay họa sĩ Pablo Picasso, bạn thân của Apollinaire. Vậy nhưng mặc kệ việc dư luận đang dắt mũi truyền thông về hướng nào, Peruggia vẫn sống yên ổn trong căn hộ của bản thân. Lúc này, hắn đã nghỉ việc ở Louvre. Hắn đã dần trở nên mất kiên nhẫn, và sẵn sàng để trở về quê hương, mang theo "La Gioconda" sang viện bảo tàng Uffizi ở Florence để trao đổi. Vậy nhưng hắn đã phạm phải sai lầm to lớn.

Lá thư mà Vincenzo Peruggia gửi cho các vị giám đốc ở Uffizi đã được trình chiếu trên đồn cảnh sát, khi mà hắn còn chưa kịp đặt chân về lại Ý. Tất nhiên một khi sự việc đã bị phát giác ra, hắn chẳng thể nào thoát cảnh ăn cơm tù. Lệnh truy nã nhanh chóng được gửi đi khắp mọi miền đất nước, từ Pháp sang tới Ý, và không quá lâu dài, Peruggia đã bị bắt.

- Tôi không đánh cắp, tôi chỉ trả lại nó về vị trí ban đầu. "La Gioconda" không thuộc về Louvre, không thuộc về Napoleon hay đất nước Pháp này, nó thuộc về tổ quốc vĩ đại của tôi. Nước Ý muôn năm.

Khi được đưa ra tòa, đó là những gì mà Peruggia đã thưa trước mặt toàn thể dân chúng. Có một điều quan trọng mà hắn không biết, rằng "Mona Lisa", kiệt tác vĩ đại tầm cỡ thế giới ấy vốn được Leonardo da Vinci coi như một món quà dành tặng cho Francis I khi ông chuyển tới Pháp vào thế kỷ 16, cách 250 trước khi Napoleon ra đời. Dù cho vẫn còn nghi ngờ, vì nếu như Peruggia đánh cắp bức tranh chỉ vì "lòng yêu nước" của hắn ta, vậy thì tại sao hắn còn đòi tiền chuộc từ phía Uffizi. Tất cả mọi người đều thống nhất với giả thuyết "Vincenzo Peruggia mong đợi một phần thưởng xứng đáng cho việc "trả lại bức tranh về quê hương" của hắn", đồng thời được hưởng sự khoan dung bởi lòng yêu nước của mình. Hắn chỉ phải chịu án tù hơn năm, và thậm chí còn được giảm xuống sau này.

Còn về "Mona Lisa", sau quãng thời gian thất lạc rồi lại đi khắp nước Ý, cuối cùng nó cũng đã được trở về lại mái nhà của mình, viện bảo tàng Louvre. Một kiệt tác vĩ đại mà cho tới giờ không một ai có thể phủ nhận, một kiệt tác khiến cho các lớp dưới đều phải khâm phục khi nhìn vào. Một bức họa có 1-0-2.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro