Nếu Ta Cười Nổi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện khó xử

- Chị làm biên tập viên cho một hãng phim. Công việc chính của chị là đọc và nhận xét kịch bản ở khắp nơi gửi tới rồi góp ý cho lãnh đạo xem cái nào dựng được, cái nào không. Xưa nay, phàm cứ được ngồi vào một cửa ải, được "phán xét" quyền lợi cho người khác là được "ăn".

Cái tiếng nhiễu nhương của "bọn" biên tập xem ra cũng không thua tin đồn "chủ nhiệm phim nào mà không ăn?". Có lẽ bởi vậy mà hôm rồi chị nhận được lá thư của một tác giả trẻ, lời lẽ dễ thương khiêm nhường.

Anh hỏi xem kịch bản mới gửi có dựng được không, và đặt vấn đề thẳng thắn với chị xem chị có thể giúp anh - hợp tác lâu dài - chỉnh lại các kịch bản, giao dịch với các hãng phim, nôm na là tiếp thị các kịch bản của mình vì chị quen biết nhiều.

Bù lại, chị sẽ được... ký tên chung với anh, nghĩa là được chia phần danh nghĩa và 50% nhuận bút. Rủi cho tác giả nọ, chị thuộc loại người "cõi khác". Nổi giận đùng đùng vì cảm giác bị hiểu lầm, bị xem thường, thấy tiếc cho một người viết trẻ "có ý" mà chị có cảm tình, đang định giúp đỡ lại có cách xử sự "chợ búa" đến thế, suýt nữa chị đã nhất định không gặp lại anh.

Tuy nhiên, đây là một câu chuyện có hậu vì tác giả đã lặn lội từ xa đến tìm, và biên tập viên cảm vì ý tứ của những trang viết cũng như thái độ chân thành của người viết, đã chỉ nói lên sự bực tức của mình bằng một cách nói nhẹ nhàng. Chị nghĩ âu cũng do một thứ lệ chung, bất thành văn nhưng ghê gớm quá làm người ta thấy ít nhất là phải sòng phẳng thế khi giao dịch, làm ăn. Còn tác giả nọ chắc hẳn được một phen ngại ngùng pha lẫn ngạc nhiên cực độ.

Chuyện vừa xảy ra thì tiếp ngay chuyện khác. Mà lần này "nhân vật chính" lại là chị! Số là chị đang chờ một nhân viên ngân hàng đến xem hiện trạng nhà để làm thủ tục hóa giá và lại được hẹn sẽ đến vào buổi chiều, ngoài giờ.

Có phải làm "nghĩa vụ" gì không nhỉ? Nhất là người sẽ đến có quen với một người quen của chị. Đến lượt "nhà" biên tập lúng túng phải làm sao để mình không trở thành... anh tác giả nọ, bị mát mẻ cho một trận vì cái tội "đút lót" trắng trợn, đồng thời cũng không bị áy náy vì cái tội "không biết luật chơi"? Một bài toán không lời đáp!

Ngày nay, chắc chẳng còn ai ngây ngô đến mức không biết rằng từ việc nhỏ như xin cô y công đổi tấm drap giường sạch hơn cho người thân trong bệnh viện, mong cô bảo mẫu ở nhà trẻ "để ý" nhiều hơn đến con mình, đến việc xin quota nhập xuất cho những chuyến hàng trị giá hàng tỉ, người ta đều phải tuân theo một thứ lệ bất biến.

Đương nhiên, không phải ở cửa nào người ta cũng "ăn", nhưng điều đáng nói là mức phổ biến của "cái sự ăn" khiến người người nhìn nhau dè chừng, nghi ngại. Cứ nhất nhất theo lệ thì có khi thành cố tình xúc phạm một tấm lòng thành, còn cứ tưởng được giúp "vô tư" mà quên hậu tạ có khi hậu quả lại tệ hại khó lường. Có là thầy giáo về khoa ứng xử gặp mấy trường hợp này chắc cũng phải... vò đầu bứt tai!

HOÀI HƯƠNG

Chân tu

- Chùa Kỳ Quang (154/4A Lê Hoàng Phái, Gò Vấp, TP.HCM) lúc này chỉ còn lại chiếc cổng tam quan. Ngôi chùa cũ nát đã phải hạ xuống từ tháng tư để làm mới lại. Nhưng đã hơn nửa năm rồi, nền đất nhỏ để dựng lại ngôi chùa nhỏ vẫn ngổn ngang gạch ngói, sắt thép.

Hàng trăm bức tượng lớn nhỏ vẫn... tạm trú trong căn phòng chật chội và bề bộn vật dụng của cả một ngôi chùa đã có từ 50 năm nay. Chưa có được cơ ngơi khang trang để thờ cúng thì các nhà sư thanh thản khấn Phật ở trong lòng. "Chùa đáng ra phải dựng xong rồi nhưng cái gì cần trước thì phải làm trước" - đại đức Thích Quang Hạnh bảo vậy - hướng mắt về đám trẻ nhỏ vừa tan học về đang thơ thẩn trước sân chùa.

115 trẻ nhỏ như thế đang sống ở chùa Kỳ Quang. Danh nghĩa là cơ sở từ thiện nuôi dạy thanh thiếu niên khiếm thị nhưng đã không chỉ có trẻ khiếm thị sống ở đây; trẻ bại liệt, bại não, câm điếc, trẻ sơ sinh, trẻ lành lặn bình thường bị cha mẹ bỏ rơi cũng tụ cả về nương náu cửa Phật.

Có bà ngoại tuổi 80, sau cơn lũ miền Trung ác nghiệt đã lên tàu vào Nam, đau đớn gửi lại chùa đứa cháu tám tháng tuổi vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có cả ba anh em, cha mẹ ly tán, không người nuôi dưỡng, lại tìm thấy chỗ sum họp với nhau ở nơi này. Như thể "tiếng lành đồn xa", con số trẻ bị vứt bỏ cũng tăng lên từng tháng trước cửa chùa. Mới nhất là hai trẻ song sinh trai mỏng mảnh, non dại, quẫy đạp trong cái khăn bọc ẩm ướt, cũng vừa được gửi gắm cho các thầy theo đúng cách như thế trong một buổi chiều buồn bã...

Chùa nghèo, cơ sở vật chất cũng nghèo, với tấm lòng của bà con phật tử gần xa thì dự định ban đầu năm 1995, các thầy cũng chỉ nghĩ sức mình nuôi được khoảng 40 trẻ khiếm thị. Nhưng bây giờ thì biết làm sao! Đủ loại khuyết tật, đủ loại lứa tuổi cũng là đủ loại nhu cầu ăn ở học hành, mối lo của các thầy, giờ có khác gì mối lo của những người mẹ đang nuôi cả đàn con mọn nheo nhóc.

"Đáng ra chùa phải dựng trước", các sư thầy

hơn ai hết hiểu chữ "đáng ra" ấy, nhưng rồi lại chính các thầy dốc lòng, dồn sức người sức của vốn đã hạn hẹp của chùa để lo trước bữa cơm cho hơn trăm miệng ăn, để lo làm thêm nhà cho hơn trăm cuộc đời bất hạnh. Còn ngôi chùa, kế hoạch sẽ là ba năm, đành phải từ từ từng bước dựng lại. Lòng Phật từ bi, cốt ở tấm lòng chứ cốt đâu ở lời tụng ca, nơi thờ phụng! Người đời tin thế khi nghĩ đến các bậc chân tu.

Nhưng mối lo của người thoát tục cũng đâu có vì thế mà dứt đi được. Nuôi dưỡng một con người đâu chỉ là nuôi phần xác, nên chuyện học của cả trăm con người lại càng là nỗi lo trăm bề. Chùa nghèo, các thầy chỉ đủ sức mở được tại chùa năm lớp, từ lớp 1-5 mời các thầy cô giáo về dạy. Các em lớn hơn được gửi đi học ở bên ngoài; hai em câm điếc thì gửi vào Trường Hi Vọng của quận; còn ba em tuổi mẫu giáo thì các sư thầy gửi tới lớp học của các xơ bên Công giáo...

Học ở đâu cũng là được học, nhưng nhà chùa nuôi dạy trẻ trong chùa, vậy có dạy cho trẻ giáo lý nhà Phật? Câu hỏi từng canh cánh bên lòng của người đời đã nhận được câu trả lời thật nhẹ nhõm của thầy Quang Hạnh, phó trụ trì chùa Kỳ Quang và cũng là thường trực ban điều hành cơ sở từ thiện: "Các em được dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục. Chúng tôi lấy môi trường xã hội chứ không lấy môi trường tôn giáo để dưỡng dục các em. Mình cứ sống cho thật thành tâm đi đã...".

Vị đại đức tuổi 32, tất bật và vui vẻ, bất ngờ ngoắc một bé gái chừng hai tuổi "lại đây với cha" rồi quay sang các vị khách, mặt rạng rỡ giới thiệu: "Đây là bé Mai Kiều Hạnh. Mai và Hạnh là họ và pháp danh của thầy, còn Kiều là tên của một trong chín người mẹ đang giúp chùa nuôi dạy các trẻ. Mới bảy ngày tuổi bé đã bị bỏ lại trước cửa chùa".

Bé Kiều Hạnh cứ bám chặt lấy tay "cha" không rời, còn sư thầy trẻ tuổi bất ngờ trở lại câu chuyện giáo dục đang nói dở dang: "Nói cho lắm mà các em không cảm nhận được đạo đức của mình thì cũng bằng thừa".

Và người đời, lại nghĩ đến chữ chân tu...

THÚY NGA

Cửa sau

- Ở quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén "chiều chiều ra đứng cửa sau" để "trông về quê mẹ" để "ruột đau chín chiều".

Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà, còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh.

Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văn trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái lá, trước mặt má là thúng rau cần nước, sịa ngò gai đang lặt dở. Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả. Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.

Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.

Cửa sau là nơi sinh hoạt cuối ngày của mỗi người trong gia đình. Buổi này, chim về tổ, nên với mình ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi.

Về chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau ít nhiều mang ý nghĩa khác mất rồi.

Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, "cửa sau" làm Nhà nước thất thoát hàng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). Qua "cửa sau" có người tiến thân thật cao, không qua "cửa sau", người dù có tâm, có tài cũng đì đẹt mãi. "Cửa sau" bây giờ "giá trị" ghê.

Bây giờ người ta hay vẽ một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha?

Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy.

NGUYỄN NGỌC TƯ

Nếu ta cười nổi...

Ngày xưa có anh Trương Chi

Người thì thật xấu hát thì thật hay...

- Kết thúc Con đường âm nhạc lần 5 với nhạc sĩ Phó Đức Phương, từ Sài Gòn có tin nhắn vào máy điện thoại của con tôi: "T. hỏi bố của bạn giùm, Trương Chi là thằng nào?". Chủ nhân của tin nhắn là một chàng tuổi chỉ mới 18.

1.Giải thích "lý lịch" của anh Trương Chi phải bằng một câu chuyện dài, tôi chỉ nhắn cho người hỏi "Cháu tìm đọc ở...". Nhiều người thuộc thế hệ trẻ hôm nay nếu không biết Trương Chi là ai, suy cho cùng cũng bởi cái "tội" to đùng của Trương Chi, đã xấu lại còn nghèo rách xơ mướp thì hát hay cũng chẳng ăn thua gì. Hay thế chứ hay nữa cũng chẳng thể thành ngôi sao ca nhạc được! Cụ Trương Chi bị "đề mốt"...

2. Lại một câu chuyện khác.

Ở một game show, thí sinh là một cô gái trẻ đẹp. Khi đoán ô chữ đoán mãi không ra, người dẫn chương trình gợi ý: "Đấy là tên cô gái ngồi sau lưng ngựa của vua cha, rải lông ngỗng làm dấu cho người yêu đi tìm nhưng cũng vô tình làm dấu vết cho giặc đuổi theo...". Thí sinh xinh đẹp reo lên: "A! Hai Bà Trưng!...". Mỵ Châu ôm mặt nức nở, Hai Bà Trưng cũng nức nở không kém...

3... Và một câu chuyện nữa.

Cũng ở game show. Câu hỏi "Người phụ nữ nào trong lịch sử nước ta đánh thắng giặc Ngô?" (chọn một trong bốn nhân vật được đưa tên). Thí sinh có học vị thạc sĩ nghĩ không ra phải nhờ đến quyền trợ giúp của người thân là giáo viên. Người trợ giúp trả lời "không biết". Thí sinh thạc sĩ đành tự đoán liều là Ngọc Hân...

4. Và...

Cậu con trai đi thi ĐH, môn văn. Về nhà bố hỏi:

- Làm bài thế nào?

- Dạ được ạ!

- Đề khó không?

- Không khó ạ! Về nhà thơ Xuân Diệu, con làm cũng tạm được. Cũng tội nghiệp "bà" Xuân Diệu, tài năng vậy mà bị chết vì tai nạn ôtô với chồng con, bố nhỉ?

Ông bố thở dài, thi không ăn ớt mà cay rồi con ơi. Chàng trẻ tuổi từ Xuân Diệu "quẹo cua" qua Xuân Quỳnh chẳng ai khác chính là con trai tôi.

5. Thôi thì, đành tự an ủi theo kiểu A.Q. Học vị thạc sĩ hẳn hoi còn không thuộc sử VN cấp tiểu học, trách gì cô gái chân dài tặng cho Hai Bà Trưng chiếc áo lông ngỗng, trách gì cậu trai 17 tuổi thấy Xuân nào cũng là Xuân...

Những chuyện thật mà như bịa, nó như những mẩu chuyện tiếu lâm ai nghe xong cũng cười hể hả, vui vẻ, như bây giờ trong bàn tiệc, bữa nhậu phải có dăm ba chuyện tiếu lâm mới ra tiệc nhậu. Tôi vẫn kể, vẫn có người cười nghiêng ngả...

Nhưng có lần có một người không cười sau khi nghe chuyện. Anh chỉ bảo: "Tôi cười không nổi, các anh cười được thì quả đáng phục...".

Trong tích tắc tôi nhận ra mình lố bịch.

ĐỖ TRUNG QUÂN

Chế độ

Chẳng biết từ khi nào, những người tổ chức hội nghị, hội thảo, tức là tất cả những gì có liên quan đến họp hành, thậm chí còn là những lễ kỷ niệm, đã nghĩ ra cái từ "chế độ" cho cái bao thư gửi tặng đại biểu dự họp.

Thôi thì thượng vàng hạ cám, ban tổ chức rủng rẻng thì bao thư 50.000 đồng, 100.000 đồng, mà nếu nghèo nghèo chút thì một hai chục, không thì cũng chút quà cáp sản phẩm địa phương, sản phẩm ngành, mà tốt nhất là cái bao thư dán kín cho đẹp lòng người đến dự.

Thế nhưng, cũng bởi cái tiền lệ "chế độ" này mà bao nhiêu chuyện đã xảy ra: đầu tiên là với những đại biểu đến muộn, người phát chế độ đã đi làm việc khác thì đại biểu cứ bồn chồn lo lắng ngóng ra chiếc bàn yêu quí, chả còn đầu óc đâu mà dự họp. Những nhà báo phải theo dõi viết bài cũng chẳng thể theo dõi kỹ càng được nữa, rồi có những đại biểu cứ lĩnh xong "chế độ" là... về, khiến nhiều ban tổ chức đã phải buộc đại biểu ngồi lại bằng cách phát "chế độ" khi đã sắp vãn cuộc; hoặc là đợi cho những đại biểu yên vị, chủ tọa nói cứ nói, người phát "chế độ" cứ đi lại như con thoi mà thì thầm hỏi, mà ghi chép, mà ký, cứ rối như canh hẹ, khiến cho những người đã được phát và những người sắp được phát cứ hồi hộp, chả biết trên kia ai nói gì và sắp nói gì.

Ở Hà Nội, nhiều người đã tủm tỉm cười mà bảo với nhau rằng, cái phần "chế độ" ấy là phần "tài liệu mật". Mật thì mật, nhưng phải nửa kín nửa hở, để người được nhận thấy ngay, chứ bạn cứ đến thử một cuộc họp mà xem, ngay sau phần lĩnh tài liệu là có những vị cứ dáo dác giở tung cả cặp để tìm cái phần "mật" ấy. Mà có người cũng chẳng ngại ngần gì, cứ ra tận nơi mà hỏi: có "chế độ" không, hoặc có ông cay cú lại mượn rượu mà bảo: nhà đài không có bao thơ thì nhà đài cứ nói thẳng (!).

Ngay mới đây thôi, những đại biểu đến dự lễ trao giải thưởng Vừ A Dính cho các em HS dân tộc không biết có nghĩ gì không, khi đại biểu nhiều hơn các em, khi mỗi người đến dự được nhận "chế độ" đến 50.000 đồng, trong khi có em nhỏ người Thái đã phải đi bằng thuyền, đi bằng ngựa, bằng đủ thứ phương tiện mới tới được Hà Nội chỉ để nhận 400.000 đồng cho bao nhiêu thứ thành tích: học tập, công tác đoàn thể, và phải là nhà nghèo.

Trước đây, người ta dùng từ chế độ để chỉ những người già, được về hưu sau nhiều năm cống hiến, gọi là "nghỉ chế độ". Giờ đây, từ "chế độ" lại có thêm một nghĩa nữa: lĩnh tiền đi họp. Và các ban tổ chức, sau khi méo mặt lo tiếp đón đại biểu, lo ăn trưa, lo khách sạn, là phải lo "chế độ".

Ôi, đi họp thời "chế độ"!

LAN ANH

Con dại, hay...?

Sách xưa chép rằng: "Quý Kiệt là con của Quý Đôn. Vào kỳ đệ tứ (chú thích: tức kỳ làm bài thi thứ tư, kỳ cuối cùng của khoa thi Hội), Quý Kiệt và Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho nhau, việc bị bại lộ, Đinh Thì Trung bị khép tội đày đi Yên Quảng, còn Quý Kiệt phải về làm dân thường.

Đinh Thì Trung phát giác ra bức thư gửi gắm của Lê Quý Đôn ở Lê Quý Kiệt, nhưng chúa Trịnh Sâm lấy cớ rằng Lê Quý Đôn là bậc huân thần, bỏ đi không xét, chỉ luận thêm tội cho Quý Kiệt, bắt giam trong ngục cấm ở cửa Đông". (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 44, tờ 27 và 28).

Chuyện này xảy ra từ khoa thi Hội, tháng mười năm Ất Mùi (1775). Xem ra Lê Quý Đôn phải trả giá đắt bằng uy tín của mình. Chính các sử gia nhà Nguyễn đã phê: "Hai người cùng một tội mà sao lại xử phạt khác nhau? Như vậy, gọi đó là công bằng thỏa đáng thế nào được?".

Cho nên, Thủ tướng nước Anh hôm kia đã phải nói: "Làm thủ tướng đã khó, và làm cha có lẽ còn khó hơn". Ngày 6-7-2000, ngài Tony Blair đã phải xin lỗi trước chính phủ về chuyện cậu con cả 16 tuổi đã "xỉn" ngoài đường phố, chỉ vài ngày sau khi ông tuyên bố cần phạt mạnh những kẻ say rượu. Dù sao, thái độ của ông đã đáng được xem trọng: "Tôi không hề xin chiếu cố đặc biệt gì cho nó".

"Con dại, cái mang" đó cũng là lẽ thường tình của chuyện nhân sinh. Nhưng trong nhiều trường hợp, cái dại của con cái lại bắt đầu từ cách nghĩ, cách sống của các bậc phụ mẫu.

Cô hiệu trưởng Trường Măng Non X quận Y kể: sau khi nhà trường công bố kết quả xếp loại cuối năm, có một chị cán bộ doanh nghiệp nhà nước hùng hổ chạy vào phòng hiệu trưởng mà chất vấn rằng: "Con của lính tôi được bé khỏe bé ngoan cấp TP, còn con trai tôi tại sao không được?". Cô cười buồn mà bảo: "Tôi ngạc nhiên và bất ngờ. Thú thật lúc đó cũng chẳng biết trả lời làm sao. Bởi sự học nào có cần biết đến tiêu chuẩn con sếp hay con lính!". Tại một trường tiểu học bán trú dịp đầu năm, có sếp một phòng ban cấp quận chặn đường thầy hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất, bày tỏ với thái độ quyết liệt: "Con tôi như vầy không thể ăn bát nhựa, không thể ngồi phòng quạt máy như con người ta! Thầy cần bao nhiêu tiền, tôi sẵn sàng đóng góp!". Rồi anh làm cái động tác xùy tiền ra với dáng vẻ của bậc trưởng giả.

Không cần phải bàn thêm về những hành động thiếu văn hóa kể trên. Chuyện nhãn tiền là tội ác của một số cậu ấm cô chiêu đã gây ra cho gia đình và cho xã hội hôm nay người lớn không thể bịt mắt che tai làm ngơ cho được.

Trong một tiệc cưới, sau khi nghe các vị làm cha làm mẹ ngồi cùng bàn giới thiệu về thành tích và tài năng của con cái, có anh cán bộ quận ủy giận dữ vì xấu hổ đã lôi con mình ra một góc mà quát mắng. Anh mắng con rằng: "Người ta là con dân mà học hành đến thế, còn mày là con nhà lãnh đạo, sao mà dốt nát quá vậy?". Hình như trong anh và trong một số người như anh tồn tại một chân lý: "Con quan đương nhiên hơn con dân". Kiểu tư duy ấy dĩ nhiên bộc lộ một thứ văn hóa cá nhân. Nhưng sự tồn tại của lối nghĩ ấy lại có cơ sở xã hội - khi mà chức vụ được xem trọng hơn hiệu quả công việc, và địa vị xã hội đứng trên năng lực cá nhân.

Ai mà không muốn con mình thành đạt. Nhưng "đầu tư" cho nhau kiểu ấy, thương nhau kiểu ấy thì... bằng mười giết nhau. Nguyên do, có khi không phải vì con dại, mà là...

DUYÊN TRƯỜNG

Sao mà rẻ vậy?

Qua bàn tay tổ chức của một kiến trúc sư trẻ ở TP.HCM và nhóm bạn thiện nguyện ở Đoàn Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhạc sĩ trẻ khiếm thị Hà Chương (đang học tại Nhạc viện Hà Nội) đã về Đà Nẵng hội ngộ hai bạn trẻ khuyết tật khác từ TP.HCM ra:

Thủy Tiên (bị khuyết tật môi, giải 1 cuộc thi hát nhạc Trịnh Công Sơn ở hội quán Hội Ngộ) và Thế Vinh (mất một tay, có thể vừa chơi guitar vừa thổi harmonica).

Chương trình "Món quà của sóng" do họ biểu diễn tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng và Khu du lịch Suối Lương trong hai đêm cuối tháng mười đã gây xúc động lớn cho tất cả những người tham dự. Chỉ với những nỗ lực phi thường cùng một khát vọng sống hết sức mạnh mẽ, ba bạn trẻ ấy mới có thể vượt qua những trở ngại tưởng chừng không thể để làm được một đêm nhạc tuyệt vời như vậy.

Và dù cuộc sống riêng còn rất khó khăn, cả ba đã không đàn hát vì mình. Họ đến với nhau là để hát gây quĩ làm công tác xã hội của nhóm bạn thiện nguyện: giúp các bạn sinh viên nghèo, các trẻ em mồ côi ở Đà Nẵng.

Trong giờ giải lao, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên... chẳng giàu có hơn ai nhưng cũng tấp nập lên bỏ tiền vào thùng gây quĩ. Cộng với sự tài trợ của hai doanh nhân ở Đà Nẵng, mục đích của "Món quà của sóng" (chương trình lấy tên từ một ca khúc của Hà Chương) xem như thành công cả hai mặt: vừa gây được quĩ, lại vừa là một bài học sinh động về tấm gương vượt khó cho giới trẻ. Ai ra về cũng cảm thấy những cố gắng vừa qua trong cuộc sống của mình thật chẳng đáng là bao.

Chỉ còn một điều duy nhất không thể không nói khi đã biết: nhân viên của một trong hai doanh nhân hào hiệp nói trên, sau khi hỏi kỹ và được biết tổng số tiền tài trợ chỉ đủ để ba bạn trẻ khuyết tật kia đi đường và ăn ở, đã rất thản nhiên rút lại một tờ 100.000đ đút vào túi của mình rồi mới đưa xấp tiền tài trợ cho anh sinh viên đại diện nhóm bạn thiện nguyện đến nhận! Chàng sinh viên ngơ ngác nhìn thì anh ta chỉ nhe răng cười và quay lưng đi vào trong, sập cửa lại. Cuộc sống đang tốt đẹp là thế bỗng như tối sầm lại trước mắt chàng sinh viên măng sữa kia...

-100.000 đồng! Cái giá của một nhân cách sao mà rẻ vậy? Và điều đáng thương cho anh ta là việc vượt qua khuyết tật của tâm hồn mới chính là việc khó làm hơn gấp bội phần.

NGUYỄN THANH ĐỨC

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro