Một lần nữa được sinh ra

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bùi Ngọc Loan ngơ ngác, dần lấy lại ký ức của mình. À, bây giờ phải gọi nàng là Huỳnh (Thị) Ngọc. Nàng không còn là bà cô ế 32 nồi bánh chưng nữa, mà là đứa trẻ con hai tuổi. Nàng được sinh ra và lớn lên tại cái làng quê vùng đồng bằng này, ở trong một căn phòng tường bằng đất, mái bằng rơm rạ.

Màn đêm của đất trời dần nhòe đi, ánh sáng của mặt trời khẽ chạm đến từng ngóc ngách của ngôi làng nhỏ. Tiếng gà gáy bắt đầu dồn dập, báo hiệu ngày mới lại đang đến. Có lẽ trời đương vào thu, nên đêm đến sương rất nhiều, lại se se lạnh. Huỳnh Ngọc ngái ngủ, cố gắng rúc chặt vào sau lưng mẹ, tìm kiếm chút hơi ấm, còn cha nàng sớm đã rời giường, đi ra đồng làm việc. Giờ đang bắt đầu vụ mùa của lúa, nên nông dân đều ra đồng gieo mạ, chuẩn bị cấy. Cha nàng là con trai thứ ba, tên Huỳnh Văn Lãm. Nhà ông bà nội có tổng cộng sáu người con, năm con trai, bốn con trai đầu đã lấy vợ, một chú còn đang đi học và một cô út mới mười tuổi.

Nhà đông người, lại không ở riêng, nên nàng cũng chẳng nhớ kỹ được ai với ai. Kiếp trước kiếp này đều sinh ra trong thân xác của một kẻ mù mặt mù tên.

Mẹ nàng là bà Lãm. Ở đây, con gái gả đi, là coi như mất tên mất họ, ai cũng chỉ gọi là vợ thằng Lãm, là chị Lãm, sau này, là bà Lãm. Mẹ nàng mới sinh một em trai, nên được ở cữ, cho đủ tháng đủ ngày. Còn hình như khi sinh nàng, mẹ nàng vừa sinh được tháng, bà đã bắt mẹ đứng dậy làm việc nhà, xuống ruộng gặt lúa, mẹ còn không được cho ăn nhiều, sữa đã ít lại càng hiếm, nên nàng cai sữa sớm hơn so với bình thường. Tuy chưa làm mẹ, nhưng nàng cũng từng thăm bạn bè sinh em bé, ít nhất họ cũng cho con uống sữa mẹ 6 tháng, mà nàng, chỉ vẻn vẹn được 4 5 tháng, rồi uống nước cơm qua ngày, vì mẹ nàng hết sữa. Đúng rồi, mỗi bữa được cái bát cơm độn lên độn xuống, ăn rau dại, mà mẹ nàng lại gầy nhom, thì sữa đâu mà cho con? Nói là mẹ, nhưng mẹ nàng năm nay vừa mười tám! Còn nhỏ hơn nàng kiếp trước!

A, nàng sống cũng dai, mệnh cũng dài, nên mới cố được đến năm hai tuổi đấy.

Bây giờ, mẹ nàng sinh đứa thứ hai là con trai, lại sinh cùng với bác cả, bữa nào cũng 2 3 quả trứng tẩm bổ, hè có gà hầm hạt sen, hầm lá ngải ăn, nên mẹ nàng trông cũng phổng phao hơn trước một chút, da dẻ hồng hào, thoải mái ôm đứa bé trai nhỏ trong lòng mà nâng niu vỗ về.

Còn Huỳnh Ngọc nằm mép giường.

Biết sao được. Nhà bà nội nàng, là một gia đình trọng nam khinh nữ điển hình mà.

Huỳnh Ngọc đang trầm tư suy nghĩ, thì bên ngoài vang lên tiếng chửi của bà nội. Nàng thầm đặt tên cho cái bài chửi này, là "Chào buổi sáng". Sáng nào bà cũng phải súc miệng bằng một bãi nước bọt khi chửi người. Nạn nhân thường là chị họ nàng, hình như là chị nhà bác thứ hai, tại nhà bác đẻ đến bốn cô con gái, còn bác cả thì sinh đến ba thằng quý tử rồi, chú tư thì vợ đang bầu, chưa biết sao.

Nàng ấy à, đam mê lớn nhất là hóng hớt.

- Cái con Na con Mĩ đâu rồi? Mày ngủ trương cả xác lên chửa? Mặt trời nó treo ngọn tre rồi mà chưa thấy cái con vịt giời nào ra mà làm cỏ làm vườn, cho gà ăn, để cái thân già tao khổ thế này à? Giời ơi ra mà xem! Đẻ ra toàn cái thứ ăn hại! Lớn tí thì tớn lên về nhà chồng, có được cái nết gì đâu!

Huỳnh Ngọc đứng sau cái cửa tàn tạ phòng mình, mà hé mắt ra nhìn bà nội chống tay lên eo, ra sức rủa sả vợ bác hai, cùng mấy chị họ nàng. Xem ra, kiếp trước mấy bà hàng xóm nhà nàng chửi cũng ngoa ngang bà nội nàng. Món nghề chửi người này là truyền qua từng thế hệ, đến đời chút chít cũng không thấy lụn bại đi tí nào.

Mấy chị họ nàng đã sớm dậy, việc nhà cũng thu xếp đâu ra đấy, chỉ là bà nội nàng dậy muộn hơn, các chị nàng đang khâu lại mấy bộ quần áo rách trong phòng, nên bà không thấy đâu. Chị Na là lớn nhất, vội vàng ra giải thích với bà, nhưng bà vẫn như cũ, khăng khăng các chị làm sai, ăn không ngồi rồi. Bác gái thấy thế, liền kéo tay con gái, ý nói nàng nên im lặng nghe bà chửi, nên cả đám chỉ biết cúi gằm mặt, mắt nhìn mũi, mũi nhìn chân, không nói gì nữa.

Bà nội khởi động cơ mồm xong, liền vào nhà ăn tí cháo loãng buổi sáng, rồi quai gánh ra chợ bán bánh tẻ. Bánh tẻ này trước đây bà nội làm, nhưng giờ bà có con dâu, nên mọi việc đều do con dâu thứ làm, mấy người con dâu còn lại người đang trong cữ, người bầu sắp sinh, nên cũng không giúp được gì.

Nhìn chung, cái làng này cũng trù phú, đồng ruộng khá tốt, vì gần sông lớn, phù sa nhiều. Huỳnh Loan đẩy cửa, lon ton chạy ra ngoài chơi. Đặc quyền của trẻ con là được nhảy nhót lăn lê khắp nơi mà. Nàng không dám qua bên phòng bác hai, vì nàng nghe thấy tiếng bác hai đang sa sả mắng con gái. Biết sao giờ. Bà nội ngứa mắt bác, đem bác ra làm đầu câu chuyện, làm cái gương to sáng bóng mà mọi người con gái trong làng phải né. Bác cũng biết nhục nhã chứ. Người ta gọi bác là con gà không biết đẻ trứng, đẻ ra toàn vịt giời, đến bác trai cũng muối mặt vì đi đâu cũng bị bọn trẻ con gọi là ông Mã Vịt. Nói chung, là chẳng có ngày nào bên đó được yên. Nàng vòng ra sau vườn, thó một cái cành cây khô, rồi vung vẩy trên tay, lon ton chạy đi chơi. Nàng thích hóng hớt, nhưng không thích lắm mồm lắm chuyện, nên thường tự chơi một mình. Nàng đang chơi trong sân, lấy cành cây chọc chọc mấy con gà con chạy tán loạn, thì thấy chú năm xách cái cặp vải đi học, theo đó là anh họ nàng.

Á à.

- Cha, con trai đi học.

- Ông nội, cháu trai đi học ạ.

- Ừ, đi cẩn thận không rơi mất cái cặp vải bà nó mới sắm. - Ông nội nàng ngồi trong nhà, rít một hơi thuốc lào, rồi gật gù đáp lời con cháu. Nhà ông có mỗi thằng út, với cái thằng đích tôn là được đi học, cũng là hai đứa ông ưng bụng nhất. Ông thường nhàn nhã ngồi trong nhà, hoặc ra gốc đa, ngồi sân đình, rít thuốc lào, uống nước chè, thong thả mà kể cho mấy ông bạn già cùng thôn về hai cục vàng nhà ông. Rằng chúng nó thông minh lắm ông mới cho đi học, ông đồ duy nhất của hai thôn phải đến nhà ông nói chuyện, ông mới chịu cho đi đấy. Cũng chỉ đôi ba năm nữa thôi, khéo lại thành áo gấm về làng, vinh quy bái tổ, khắc cái gì mà ngàn đời vinh phúc (khắc lên bia đá ở Quốc Tử giám).

Tất nhiên, mấy ông bạn già của ông chả biết thừa, con cháu ông làm gì giỏi giang đến cái mức độ ấy, đa phần là bốc phét, nhưng các ông cũng kệ, chả rảnh đâu mà đôi co với ông như mấy mụ đàn bà thô lỗ. Dù sao, con trai con dâu nhà đó nai lưng ra làm lụng, tiền tài đều để hết cho hai người đó ăn học, còn dư tí nào là cô út được hưởng ké. Ài, thói đời, chả đâu công bằng đâu.

Huỳnh Ngọc thì chẳng rõ mấy cái chuyện đấy. Nàng chỉ chờ cho hai chú cháu này đi khỏi nhà, là rón rén núp lùm theo sau, giả đò đi chơi.

Lớp học của ông đồ nằm trên con đường giao nhau giữa hai làng, nhưng cũng không xa nhà Huỳnh Ngọc lắm. Nàng đi bộ khoảng nửa giờ là đến. Vì là đứa nhỏ, nên không ai cản nàng, chỉ nghĩ nàng đi chơi như mọi đứa trẻ thò lò mũi xanh khác.

Nhà ông đồ có ngói đỏ, lại có hai gian lớn để học. Ông đồ còn xây thêm mấy gian đằng sau, để người nhà mình ở. Nàng đến gần lớp học, len lén nghe ông đồ giảng.

Ông đồ họ Nguyễn, tên Mạnh, năm nay mới ngoài 30. Ông vốn đã đạt cử nhân, còn có thể tiếp tục thi Hội, nhưng do nhà quá nghèo, nên từ bỏ việc đèn sách, về quê mở lớp gõ đầu trẻ, với hy vọng sẽ có thế hệ kế tiếp đề tên trên bia đá Quốc Tử giám, mãi mãi lưu danh. Ông đồ vốn tính hiền lành, tuy không thể thu học phí thấp hơn chỗ khác, nhưng nếu có ai không có tiền, mà ngồi ngoài lớp nghe ông giảng, ông cũng không quản, thậm chí có nhiều khi, ông còn gọi mấy đứa trẻ đó lại, chỉ chúng mấy chữ dễ học.

Của sổ phòng học khá thấp, nên Huỳnh Ngọc có thể nhón chân lên mà xem vào trong lớp. Quả nhiên, là chữ Nho, Hán tự. Nàng là người hiện đại, dùng bảng chữ cái latin, có học qua tiếng Trung, nhưng khổ nỗi, người cổ đại dùng phồn thể!

Quá đáng giận rồi!

Nhưng Huỳnh Ngọc vẫn chăm chú lắng nghe. Nàng chỉ tính học chữ thôi, còn mấy cái thơ văn kinh sử kia nàng chịu. Nàng rất bài xích tư tưởng Nho giáo. Tuy rằng có vài chỗ đúng, nhưng đa phần, nàng cảm thấy Nho giáo có chút cổ hủ, không phù hợp với nàng, lại nặng tư duy nam quyền, gia trưởng. Trông hơi thất học tí chứ nàng cũng là người hay đọc hay tìm tòi đó, dù chỉ là mấy năm sinh viên nàng có thời gian mới thế thôi.

Huỳnh Ngọc đứng đúng lớp vỡ lòng, nên ông đồ vẫn đang tỉ mỉ dạy chữ cho học trò của mình. Nàng thầm ghi nhớ, còn ngón tay thì không ngừng viết theo, thỉnh thoảng còn cúi xuống dùng cái que củi mang theo viết lên đất. Mấy đứa trẻ đứng cạnh nàng đã sớm chán nản mà bỏ về rồi. Chúng thích nghe ông đồ đọc sách, rồi tí tởn lắc đầu ngâm thơ giống ông, giống mấy học trò trong lớp, về nhà sẽ làm trò cho chúng bạn xem, chứ mấy cái chữ này, dễ thì chúng còn học được để khè nhau, còn khó quá bỏ qua.

Lớp ông đồ chỉ dạy đến trưa, còn chiều là thời gian tự học ở nhà, nên khi ông đồ cho tan học, Huỳnh Ngọc cũng giật mình chạy vội về nhà. Nàng lon ton chạy trước, vì nàng không muốn chú cùng anh họ biết được, lại càng không muốn gia đình mình biết. Với cái tư tưởng kia của bà cùng ông nội, nàng dám đảm bảo sẽ chết chìm trong bãi nước bọt!

Nàng chạy một mạch về nhà, rồi nằm vật xuống sân, thở phì phò đầy mệt mỏi. Cái xác này cũng quá bé rồi. Nhưng bé như vậy mới được miễn việc. Bà nội vừa lúc đi chợ về, thấy nàng như thế, rất muốn chửi, nhưng bà đã sớm hết nước bọt với mấy bà trên chợ rồi, nên chỉ đành vào nhà, cất quai gánh, làm hớp nước rồi ngồi nghỉ thôi.

Xa xa, hai chú cháu Huỳnh Văn Minh cùng Huỳnh Nhân Khôi đang nhàn nhã đi về, trông dáng vẻ nho nhã vô cùng. Cả hai vừa đi vừa đàm luận về mấy câu thơ mới học, cùng nhau tranh luận mấy vấn đề đương thời của xã hội. Vừa bước vào cổng, Nhân Khôi đã liếc thấy em họ mình đang nằm vật ra đất, đầu đầy mồ hôi, liền thể hiện sự chán ghét không thôi.

- Chú ạ, đúng là nữ nhân thôn quê. Coi em ấy cả ngày học theo mấy đứa trong làng, bộ dáng chẳng ra sao.

- Kệ nó đi. Dù sao, vịt lớn rối cũng bay cả mà. - Văn Minh cầm quạt, khẽ che miệng cười.

Huỳnh Ngọc: ...

Thôi, nàng chẳng chấp mấy đứa trẻ con.

Bà nội thấy hai cục vàng nhà mình về, liền vui vẻ gọi bọn họ vào, phe phẩy cái quạt mo mà quạt cho họ bớt nóng. Dù trời mát hơn mùa hè rồi, nhưng đi một quãng đường như thế, khiến họ cũng có chút nóng bức.

- Vợ thằng Mã đâu? Mày rót cho em mày cháu mày cốc nước xem nào. Cả ngày chỉ biết ăn rồi nằm, chả biết cái việc gì! Nhà nông chứ nhà địa chủ đấy mà chị cứ như tiểu thư ấy! - Bà nội vừa quạt, vừa gọi bác gái thứ ra. Vợ bác Mã dù bực, nhưng vẫn phải đon đả ra hãm tí chè mới hái cho chú năm cùng cháu mình uống. Chúng nó đi học mệt, còn bác ở nhà đủ thứ việc, còn phải chăm chị dâu em dâu, thì là ăn không ngồi rồi!

Huỳnh Ngọc nhìn một màn trong nhà chính, mà lòng đầy chua xót. Nàng thầm nghĩ, liệu năm sau, nàng có bắt đầu nghe những câu ác ý như thế không nhỉ? À mà, vốn dĩ, khi nàng được sinh ra, bà nội đã nói rồi mà...

Nàng thật nhớ hai vị thân sinh kiếp trước của nàng quá..

Lại mấy vị đại nhân trong nhà nàng nữa, không biết nàng đi rồi, có ai cho chúng nó ăn không, có ai hót phân cho các ngài không nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro