Onshort

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những năm gần đây, ngành Tâm lý học bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam, nhu cầu tìm hiểu về tâm lý cũng gia tăng. Nhờ đó, cảm xúc của con người được nâng niu hơn, những người bị bệnh tâm lý cũng được quan tâm và chăm sóc hơn trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận tâm lý học một cách lành mạnh. Có những người bắt đầu phân tích rồi “phán bệnh” cho những người xung quanh như một thói quen, và tệ hơn nữa là những người sử dụng kiến thức tâm lý để tấn công người khác.

Lần nọ, tôi đọc được bài viết công kích một người trên mạng. Ở dưới phần comment là hàng loạt những lời ác ý hùa theo, phân tích từng lời nói cử chỉ của đối tượng để chứng minh rằng “Dựa theo kinh nghiệm đọc sách tâm lý tội phạm của tao, con này bị đa nhân cách”, “Chắc chắn nó bị ái kỷ”, “Nó bị rối loạn nhân cách hoang tưởng đấy”, “Con này quên uống thuốc à?”...Với thứ kiến thức chắp vá của họ mà có thể chẩn đoán bệnh tâm lý cho đối tượng họ ghét sao? Chẳng qua họ đang lợi dụng các căn bệnh tâm lý để tấn công và tìm cách hạ thấp người mà mình muốn bắt nạt thôi.

Trong những vụ án được đăng tải cũng vậy, có một số người yêu thích tâm lý học tội phạm sẽ xuất hiện để bàn luận: “Tên này là kẻ thái nhân cách”, “Đây là tâm thần phân liệt”... Khi có ai đó tự tử, lại dễ thấy những khẳng định chắc nịch: “Trầm cảm đây mà”, “Rối loạn căng thẳng sau sang chấn”... Dường như tên tội phạm nào cũng có vấn đề về nhân cách, vụ tự sát nào cũng là do bệnh trầm cảm.

Thỉnh thoảng, tôi gặp những trường hợp kỳ lạ thế này: Một người liên hệ đến để hỏi ý kiến về việc ai đó xung quanh họ có vấn đề về tâm lý, như “Anh trai tôi đa nhân cách", “Bạn trai tôi bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội”, “Bạn gái mình là kẻ thao túng độc hại”, “Con tôi có phải kẻ rối loạn hành vi”... Những vấn đề đó được người hỏi đọc từ sách và một ít tài liệu tâm lý trên mạng để suy ra. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng vấn đề trong câu chuyện của họ luôn đến từ cả hai phía. Đó là những bất đồng chính kiến, những xử lý không khéo trong mối quan hệ, từ đó tình cảm rạn nứt dẫn đến những trận cãi nhau, những xích mích lớn hơn... Có thể là do một bên quá kiểm soát khiến người kia muốn thoát ra; quá cầu toàn đòi hỏi sự hoàn hảo khiến đối phương mệt mỏi; cứ ép đối phương phải sống theo cách mình muốn, cho đó mới là “tử tế” mà quên đi rằng ai cũng có cuộc sống và tính cách riêng; hoặc cũng có thể đó là lỗi từ phía bản thân ta, khiến đối phương ngột ngạt và mối quan hệ trở nên bất hòa... Những mâu thuẫn như vậy rất thường gặp trong cuộc sống. Thế nhưng khi một bên dùng các sách, tài liệu tâm lý để giải thích vấn đề theo chiều hướng có lợi cho mình và “gán bệnh” cho đối phương, thì mọi thứ trở nên thật phức tạp. Có những người cứ tự chẩn đoán mình bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, đa nhân cách, tự bắt chước các dấu hiệu trong sách, tự xác định người này người nọ quanh mình là mắc hội chứng tâm lý nọ kia... khiến cho cuộc sống và các mối quan hệ của họ không còn bình thường nữa.

Ngày nay, Tâm lý học đã trở thành một ngành học được yêu thích và chú ý trong xã hội, nhiều người tìm hiểu các kiến thức tâm lý với hy vọng có thể học được điều gì đó để cuộc sống của họ hạnh phúc hơn, như: cách giao tiếp, giữ gìn các mối quan hệ, tự chữa lành tổn thương... Bên cạnh đó, cũng có những người nuôi tham vọng sai lầm: họ nghĩ rằng nhà tâm lý có “kỹ năng đọc suy nghĩ” để giải thích, nắm bắt, nhìn xuyên thấu bản chất con người. Họ tìm đến tâm lý học vì bị quyến rũ bởi thứ quyền lực có thể nắm được người khác trong lòng bàn tay. Họ tin rằng những kiến thức tâm lý mình học được là tuyệt đối và bao trùm tất cả, liên tục áp đặt lên người khác để phân tích và đánh giá. Tự tìm hiểu tâm lý học là tốt. Đọc các sách về chữa lành nỗi đau, phục hồi tâm lý...
để tự hiểu bản thân và thấu hiểu những người xung quanh là tốt. Nhưng chẳng tốt chút nào nếu bạn sử dụng các kiến thức trong sách hay tài liệu tâm lý một cách bừa bãi, để biện minh rằng mọi vấn đề mình mắc phải là “có lý do chính đáng”, từ đó nuông chiều bản thân, coi bản thân là trung tâm. Trong khi vấn đề của người khác thì bạn lại “gán bệnh”, kết tội, lên án dựa theo những dấu hiệu nào đó đọc được trong sách, chứ không hề đặt mọi thứ vào một hoàn cảnh công bằng: người ta cảm thấy thế nào, tại sao người ta lại làm vậy, nếu mình là người ta thì cảm thấy ra sao...

Nhiều người tin rằng “Khi anh ta quát tôi, anh ta tức giận với tôi thì anh ta chắc chắn là kẻ thao túng như sách này viết. Bố mẹ mắng tôi, không dịu dàng như tôi muốn thì đây là cha mẹ độc hại như sách kia nói. Con tôi không nghe lời tôi, nó là kẻ chống đối xã hội!”. Mỗi khi thấy có dấu hiệu nào giông giống, ngay lập tức họ khẳng định xung quanh mình toàn người bệnh hoạn, họ là kẻ bị hại giữa cuộc đời ác nghiệt này. Họ quên rằng mình đâu phải bác sĩ hay chuyên gia, và điều tệ hại là cách suy nghĩ này sẽ giết chết các mối quan hệ! Rõ ràng họ đọc sách và tài liệu tâm lý để tìm cách xây dựng vun đắp tốt hơn cho các mối quan hệ, để cân bằng bản thân và hỗ trợ cho cuộc sống, nhưng vì tư duy áp dụng sai, các kiến thức của họ lại trở nên có hại, nhìn ai cũng thấy người đó có bệnh tâm lý.

Keith E. Stanovich, Giáo sư Tâm lý học Ứng dụng và Phát triển Con người của Đại học Toronto, Canada, cho biết mọi người trong xã hội đều không ngừng giải thích hành vi của nhau. Như vậy, ai trong chúng ta cũng là một nhà tâm lý. Thế nhưng một số người thích sử dụng “tâm lý học công thức cá nhân” điển hình luôn nghĩ rằng tâm lý học có thể được sử dụng để đánh giá cuộc sống của mọi người xung quanh và gán nhãn, quy chụp các hành vi của người khác. Càng ngày, “tâm lý học công thức” càng bị bóp méo và lệch lạc, nó chứa đầy những định kiến cá nhân và không tuân theo các phương pháp khoa học. Tâm lý đã bị biến thành thứ vũ khí sắc nhọn để tấn công và đánh giá con người.

Việc phân tích một người và định nghĩa đối phương bằng các biểu hiện tâm lý là một loại hành vi gán nhãn. Hành vi “gán nhãn bản chất” khiến chúng ta đóng khung cố định bản chất của một con người, giới hạn tư duy của mình trong các định kiến. Đây là một sai lầm bởi chúng ta quên rằng mình vốn không thể đọc được suy nghĩ của người khác. Đúng vậy, khi đánh giá nội tâm của ai đó, chúng ta chỉ có thể dựa vào phỏng đoán theo suy nghĩ cá nhân của mình về họ. Ai có thể nhìn thấu sự thật trong đầu người khác đây? Chúng ta không phải thần linh để biết đối phương thực sự đã nghĩ gì, làm gì; những kết luận của chúng ta không phải là sự thật khách quan, mà chỉ là thứ chúng ta tưởng là “sự thật” dựa trên suy đoán cá nhân. Và đương nhiên, suy đoán của chúng ta có thể đúng hoặc sai, khi suy đoán về một người lạ thì phần sai sẽ nhiều hơn đúng.

Thạc sĩ Chu – một giảng viên Tâm lý học của Trung Quốc có lần kể chuyện như sau:

"Một cô gái đã từng hỏi tôi: ‘Những người học tâm lý học có thể đọc được những gì người khác đang nghĩ trong nháy mắt không? Tôi trả lời cô ấy: “Tâm lý học không phải là đọc tâm trí. Những người học tâm lý học nên có khả năng chấp nhận những thiếu sót của bản thân hơn những người khác, nhận ra nhu cầu và xử lý cảm xúc.’ Cô ấy dường như không hiểu điều đó và nói thêm: Đơn vị của chúng tôi có một anh chàng hay lắm. Sau khi tự mình học tâm lý học, anh ấy đã tiến hành phân tích tâm lý mỗi khi nhìn thấy ai đó. Tất cả chúng tôi đều nghĩ anh ấy rất hài hước!’ Tôi nói với cô ấy rằng nếu anh chàng kia nghiên cứu sâu hơn một chút, thì anh ta sẽ hiểu rằng hành vi liên tục tìm cách phân tích khi nhìn thấy mọi người thực ra là để thu hút sự chú ý của người khác, đó là vì nhu cầu gây ấn tượng. Loại hành vi này không chỉ có thể khiến người bị phân tích cảm thấy khó chịu, mà nó còn rất buồn cười và vô duyên.”

Trần Hải Hiền – một chuyên gia tâm lý tại Hàng Châu từng chia sẻ rằng: Khi các chuyên gia tư vấn nghiên cứu về liệu pháp tâm lý, những gì họ phải đối mặt là các thân chủ với những vấn đề tâm lý riêng. Nhà tư vấn cần phân tích môi trường sống và các mối quan hệ xung quanh thân chủ để tìm cách chữa lành. Đây thực sự là một quá trình nghiêm túc, nhằm mục đích tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vấn đề của thân chủ, tìm ra những nút thắt để giải quyết. Nhưng các nhà tâm lý không thể làm ngược lại, không bao giờ được căn cứ theo tình huống hiện tại để khẳng định chắc chắn vấn đề tâm lý của đối phương. Nếu không, chúng ta sẽ biến những cá nhân rõ ràng là bình thường trở thành những kẻ đầy bệnh tật.

Những người thích sử dụng “tâm lý học công thức cá nhân” đã đi ngược lại logic này: Họ nhìn vào các dấu hiệu nhận biết để gán bệnh tâm lý cho người khác. Trong mắt họ, ai cũng có bệnh!

Khép lại bài viết này, tôi muốn trích dẫn phát biểu của Trần Hải Hiền: “Điều thực sự quan trọng trong việc học tâm lý không phải là bạn đã nắm được bao nhiêu kiến thức, đừng học tâm lý như học công thức nấu ăn. Nghiên cứu tâm lý là học cách nhìn mọi thứ bằng các quan điểm và phương pháp tâm lý. Đối với hành vi hiện tại của một người, nó không thể phản ánh hết bản chất của người đó. Để hiểu được mọi người, chúng ta cần phải nhảy ra ngoài khuôn khổ của kiến thức lý thuyết và nhìn nhận sự tồn tại của nhau một cách trân trọng.”

Tâm lý học là một môn khoa học giúp con người có cuộc sống tốt hơn, chứ không phải là một thứ vũ khí để đánh giá và tấn công người khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro