Đề 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề 1: Anh (chị) hãy phân tích sáu câu đầu trong bài thơ "bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ.

               Nguyễn Công Trứ xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, có điều kiện tiếp xúc với sinh hoạt hát ca trù vốn khá nổi tiếng ngay từ thuở nhỏ. Ông là người tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa đến quân sự. các tác phẩm ông để lại hầu hết viết bằng chữ Nôm và thể loại ông yêu thích nhất là thể hát nói. Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên biến hát nói từ một thể điệu của ca trù thành một thể thơ dân tộc. Trong số các bài thơ đó, "bài ca ngất ngưởng" nổi bật hơn cả, bài thơ đã thể hiện thái độ sống đầy bản lĩnh của Nguyễn Công Trứ. Nội dung đó được thể hiện rất rõ trong đoạn thơ sau:

"Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên."

           "Bài ca ngất ngưởng" được viết sau khi tác giả đã cáo quan về hưu, điều đó đã giúp ông có điều kiện nhìn nhận tổng kết, đánh giá toàn bộ về cuộc đời mình. Hơn thế nữa, ông còn thoát ra khỏi chốn quan trường để có thể sống theo sở thích cá nhân. Bài thơ được đặt tên là "bài ca ngất ngưởng" và trong đoạn thơ, từ "ngất ngưởng" đã được nhắc lại một lần nữa. Vậy " ngất ngưởng" có nghĩa là gì? Ta có thể hiểu "ngất ngưởng" là từ để chỉ một thái độ sống ngông  nghênh, ngạo nghễ.

         Tuy bài thơ được sáng tác trong lúc ông không còn làm quan nữa, nhưng ta vẫn tìm thấy được sự "ngất ngưởng" khi làm quan của ông trong đoạn thơ trên. Trước hết, thái độ đó đã được thể hiện trong lời tuyên bố:

"Vũ trụ nội mạc phi phận sự"

mở đầu bài thơ là câu thơ chữ Hán, cả câu nghĩa là mọi việc trong khoảng trời đất này đều là phận sự của ta. Điều này đã nói lên rằng, NCT tự tin đến độ cao ngạo khi vơ hết mọi việc trong vũ trụ vào phận sự của mình. Qua đó cho thấy ông là người có trách nhiệm với cuộc đời và ý thức rõ về vai trò, bổn phận của kẻ làm trai. Điều này NCT đã đề cập nhiều trong các tác phẩm khác của ông, ví như "đi thi tự vịnh", ông có nói:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất
phải có danh gì với núi sông."

tóm lại, câu thơ viết bằng chữ Hán được đặt ở vị trí đầu bài thơ cho thấy lời tuyên bố này rất trang trọng của một người tự tin, ngông nghênh, nhiệt huyết.

          Ý thức được trách nhiệm của mình với đời, ông đã tuyên bố việc ra làm quan:

"Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng"

ông đã xưng tên mình trong tác phẩm và gọi tên mình một cách rất trang trọng "ông Hi Văn". Việc xưng tên mình trong các tác phẩm xưa nay rất hiếm có, đã thể hiện cá tính mãnh liệt của mình. ông còn tự đánh giá mình là "tài bộ", ấy không phải là tự khen bản thân sao? Qua đó, một lần nữa ta thấy được tác giả đề cao cái tôi cá nhân, và trong thời đại đó được xem là rất ngạo nghễ.

          Ra làm quan, ông lại gọi là "đã vào lồng"; chốn quan trường, ông ví là cái lồng. Đây là cách nói ẩn dụ chỉ việc làm quan là điều gì đó rất gò bó, mất tự do của ông. Thế nhưng, mặc dù không thích, ông vẫn làm để thể hiện trách nhiệm của mình trước cuộc đời.

          Sau quãng thời gian làm quan, ông đã tổng kết lại cuộc đời chốn quan trường:

"Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên."

phải nói, ông có một sự nghiệp rất hiển hách, trước hết, ông giữ nhiều chức vụ, chức danh rất quan trọng. Ông đã nhắc lại sự kiện ông được giải nguyên, đó chính là "khi Thủ khoa"_ đỗ đầu kì thi lớn. Sau đó là làm quan Tham tán, chức quan quân vụ, quan Tổng đốc, cai quản cả một vùng rộng lớn. Tiếp đến, ông làm đại tướng và sau cùng là quan Phủ doãn. Qua những câu thơ đó, bằng cách liệt kê những chức danh của mình, NCT cho thấy mình là một người tài năng, nhiệt huyết, có đóng góp lớn cho đất nước.

          Sự nghiệp hiển hách không chỉ thể hiện qua nhiều lĩnh vực mà NCT còn đóng góp trên mọi miền đất nước. Song song với việc liệt kê các chức danh, đoạn thơ còn liệt kê nhiều nơi chốn. Khi làm Tổng đốc, ông làm ở "Đông" tức phía đông Hà Nội. Thêm nữa, lúc là đại tướng, ông làm ở Tây Nam Bộ. Sau cùng là quan Phủ doãn, ông làm ở "Thừa Thiên" tức là miền trung đất nước. Nhìn chung, NCT có mặt ở khắp mọi miền đất nước để đóng góp phù đời giúp từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam và cả miền Trung đất nước.

          Tóm lại, bốn câu thơ trên có âm điệu hào sảng, nhịp thơ dồn dập, tác giả đã thể hiện niềm vui sướng, phấn khởi và đầy tự hào khi nhớ về quãng đời làm quan đầy hiển hách. Cho nên ông tự tuyên bố: "đã nên tay ngất ngưởng", và "ngất ngưởng" ở đây nghĩa là thái độ sống đề cao cái tôi cá nhân trên cơ sở ý thức rõ về tài năng và sự đóng góp của mình cho xã hội.

          Đoạn thơ thành công trong việc vẫn dùng các biện pháp tu từ: liệt kê, điệp, âm điệu hào sảng. Bên cạnh đó, thể hát nói được sử dụng thành công tương đối tự do, thích hợp để thể hiện cái tôi cá nhân.

          Qua đoạn thơ này, NCT đã thổi vào văn chương Việt Nam một luồng gió khá mới mẻ cả về hình thức lẫn nội dung; đã thể hiện lối sống mới mẻ trong xã hội lúc bấy giờ, đó là thái độ tự tin, ngạo nghễ trên cơ sở ý thức về cái tôi cá nhân, về tài năng và đóng góp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro