Văn chương trong thời đại số và số hóa văn chương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Kỷ Nguyên số là một giai đoạn đảo lộn to lớn chưa từng có. Sự phát triển ngoạn mục của công nghệ thông tin với các cuộc cách mạng 4.0 mang đến nguồn lợi ích to lớn cho nền kinh tế, quân sự, ngoại thương cũng như mọi mặt trong đời sống và xã hội của các quốc gia. Internet, robot, cách thức sản xuất tự động hóa đã và đang dần thay thế sức người cùng những cách làm thủ công truyền thống, tác động không nhỏ đến cuộc sống cũng như tốc độ tăng trưởng phát triển của toàn xã hội. Câu hỏi được đặt ra là:

- Ở thời đại mà khi các cấu trúc cũ sụp đổ, các luật lệ và tiêu chuẩn mới xói mòn và cái khác thay thế thì đâu sẽ là vị trí của văn chương?  Là thách thức hay là cơ hội?
-  Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?

   Văn chương thời đại số và cách thức "số hóa văn chương' chính là câu trả lời rõ nét cho hai vấn đề này

1) Văn chương trong thời đại số:
   Văn chương là nghệ thuật. Mà một trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nghệ thuật ấy. Nên chính vì vậy bất kỳ một tác phẩm văn học dù có phản ánh ở mặt nào trong đời sống xã hội đi chăng nữa thì bản thân nó vẫn có và mang tính thời đại. Chúng tái hiện lại những thời kỳ, quá khứ, lịch sử và hiện tại từ chính trong bức tranh cuộc sống, trong nhân vật và đồng thời cũng là qua cái nhìn của chính tác giả. Những bức tranh phong kiến thối nát, mục rũa trong"Truyện Kiều" của Nguyễn Du hay hình ảnh một đất nước ngày đêm đánh giặc trong " Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật đều khắc hoạ và phản ánh các giai đoạn phát triển của đất nước mà cũng là sự đi lên trong văn chương dân tộc. Vậy, nhìn nhận dưới góc độ một thời đại số hóa đâu là hiện thực và cách thức các tác phẩm văn học đang được lưu hành?
    Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của công nghệ thông tin tới nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Bằng internet, máy tính hay điện thoại thông minh, các khái niệm như e-book, audio, smart book xuất hiện, đánh dấu một sự phát triển ngoạn mục trong văn hóa đọc, viết, cũng như tạo sự thuận tiện trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến tác phẩm cho người đọc. So sánh giữa những thế hệ nghệ sĩ Việt Nam trước và sau năm 2000 điều khác biệt có thể thấy được rất rõ là giờ đây văn chương không còn đơn thuần là bản sắc truyền thống mà tự nó, mang một điều gì đó rất khác, rộng hơn, mở hơn và " toàn cầu hoá" hơn. Đó là cơ hội, cơ hội để văn học Việt Nam vươn ra tầm quốc tế, khát khao được tiếp cận gần hơn với văn hoá đại chúng thay vì chỉ tồn tại trên sách vở. Thay vì chú trọng quá nhiều vào sách giáo khoa với hệ thống giảng dạy các tác phẩm trung đại, gò bó văn chương theo những mô-tip, lối mòn, việc đổi mới bài học, cách thức giúp học sinh sử dụng tư duy trong việc cảm thụ sẽ giúp văn học được "số hoá", thiết thực và gần hơn với cuộc sống. Việc đưa những vấn đề xã hội vào các bài thi trong nhiều năm trở lại đây là ví dụ cụ thể nhất trong việc chúng ta đã và đang thay đổi văn học. Ngoài ra cũng cần có sự thay đổi trong cấu trúc sách giáo khoa hiện thời khi đưa vào những văn bản liên quan chặt chẽ đến việc hình thành nhân cách, phẩm chất, cách tư duy của học sinh đến các vấn đề nóng trong xã hội, hơn là những tác phẩm có tính chất bó buộc, khô khan.
   Sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đồng thời cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy trong mọi mặt của đời sống xã hội ngay cả ở văn học và nghệ thuật. Những giá trị truyền thống mang bản sắc dân tộc dễ dàng bị mất đi khi thay vào đó là sự xuất hiện của các tác phẩm mang yếu tố "Tây hoá","Trung hoá". Ngôn ngữ mẹ đẻ trở thành ngôn ngữ thứ hai để nhường chỗ cho Tiếng Anh, tiếng Trung hay tiếng Nga, Pháp. Một tác phẩm được viết ra do người Việt và cho người Việt nhưng tại sao 20-30% trong đó lại không phải chữ mẹ đẻ, chữ quốc ngữ (trừ các sách hướng dẫn du lịch, sách kinh tế..)? Đi trên chính những con đường của đất nước mình mà đôi khi chúng ta cũng không hiểu ý nghĩa của những bảng hiệu đang muốn thể hiện cái gì. Bởi vì trong khi các quốc gia như Hàn quốc, Trung quốc dù có sử dụng tiếng nước ngoài nhưng vẫn là trích dẫn sau tiếng mẹ đẻ còn Việt Nam, chúng hoàn toàn được viết bằng "ngôn ngữ khác". Sự trong sáng của tiếng Việt đang mất dần vẻ đẹp thì liệu vị thế của văn chương còn được duy trì? Có một thực tế là rất ít người trẻ hiện nay chọn đọc những loại sách văn học hoặc rèn về đạo đức, lối sống mà thường ưu tiên những loại sách ít và hầu như không có ảnh hưởng và tác động có ích nào đến họ ngoài mục đích giải trí. Rõ ràng internet kết nối chúng ta với cộng đồng nhưng cũng đẩy ta ra xa khỏi cộng đồng, tự đánh mất đi những giá trị truyền thống, thói quen đọc sách, ngồi ngẫm lại giữa cuộc sống xô bồ.
    Tuy là vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận những cơ hội mà công nghệ thông tin đã mang đến cho văn học. Điều này tạo nên khái niệm về " số hoá văn chương", làm sao để văn chương Việt có thể theo kịp với những bước chuyển mình vĩ đại của đất nước?

2) Cách thức" số hoá văn chương":
   Nhu cầu của văn học là để được giải toả, được thoả mãn, được giãi bày, tự biểu hiện với chính mình mà cũng là được "chơi". Để có thể theo kịp với cuộc chạy đua 4.0 của toàn thế giới, văn chương không chỉ phải phản ánh đúng được hiện thực của đất nước mà đồng thời tự nó nên biến đổi sao cho phù hợp với thị hiếu của người đọc, cùng những mặt của đời sống xã hội, tinh thần.
    Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin dẫn đến sự cạnh tranh trong việc sản xuất và tiêu dùng, khi các vấn đề về bản quyền, chất lượng, thị trường thường gây nên nhiều tranh cãi. Sách thì vẫn xuất hiện tràn lan đến tay người tiêu dùng, nhưng đâu là sách thật và đâu là sách giả? Đâu là sách thị trường và đâu là sách văn học? Người đọc thì vẫn đọc trong khi bản quyền chất xám của tác giả không được coi trọng và có mức chi trả không xứng đáng với công sức bỏ ra. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi cũng như các tác phẩm, khi bị làm lậu và cắt chi tiết, ảnh hưởng tới nội dung mà tác giả muốn truyền tải dẫn đến nhiều ý nghĩa sai lệch. Cần và nên có những cách thức để "số hoá văn chương" sao cho vẫn giữ được cái truyền thống nhưng đồng thời cũng phát triển lên cái mới, toàn cầu hoá hơn.
    Ý kiến được đề ra là thay vì chỉ tập trung giảng dạy những bài học hệ thống trong sách giáo, mỗi thầy, cô giáo có thể liên hệ các vấn đề xã hội đang nóng trong cộng đồng vào bài học, sử dụng các video, hình ảnh để làm cho mỗi tác phẩm trở nên thực tế hơn là các mặt chữ trên giấy. Không phải văn là đọc cho học sinh viết hàng trang mà phải cho học sinh hiểu và thấy được bản chất của vấn đề, cái nên nhớ và có ích trong việc học cũng như là ngoài cuộc sống. " Số hoá" cũng không phải biến văn chương thành công thức hay mô-tip mà khiến nó trở nên ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và gần gũi với người học, cho học sinh cơ hội được sáng tạo, được thể hiện và rèn khả năng tư duy. Tức là 1 tiết học không nhất thiết giáo viên phải là người giảng dạy hay học sinh phải là người nghe mà có thể để cho các bạn trẻ tự mình tìm hiểu và nói ra cách nghĩ của mình, còn thầy, cô giáo sẽ chỉnh sửa hoặc bổ sung cho cách nghĩ ấy. Thời đại 4.0 yêu cầu chúng ta có những cách học thông mình nhất để, phù hợp nhất sử dụng các chức năng công nghệ. Ngoài việc học trên nhà trường, trên sách vở, "số hoá văn chương" còn thể hiện trong việc tự học qua mạng, qua sơ đồ tư duy, các diễn đàn trẻ     nơi người học văn có thể tranh luận, phản biện về các tác phẩm, bài học. Thay vì cấu trúc đề thi 120 phút như hiện nay với 2 bài văn nghị luận thì sao chúng ta không đổi thành 1 bài có sự tích hợp giữa cả 2 yếu tố xã hội và văn học. Điều đó sẽ cho thấy cách mà văn chương đã và đang tác động đến đời sống xã hội ra sao, ngược lại, thực tế được tái hiện trong đó thế nào.
   Cấu trúc các văn bản trong sách giáo khoa cũng nên và cần được thay đổi khi kiến thức trở nên quá nặng so với khả năng tiếp thu của học sinh. Văn chương trung đại mang đậm màu sắc truyền thống dân tộc đúng là nên tiếp tục giữ gìn nhưng thay vì chiếm tới 60-70% như trong công tác giảng dạy hiện nay, thì chúng ta có thể đề xuất những bài học gần với thời đại bây giờ hơn, như thơ ca cách mạng hoặc đương đại, các tác phẩm nước ngoài có sự ảnh hưởng đến nền văn học thế giới. Thậm chí có thể lồng vào những bài báo, xã luận cung cấp thông tin và hướng trực tiếp vào các vấn đề đang nóng trong dư luận nhưng phải với mục đích là rèn luyện, nâng cao kỹ năng cho giới trẻ. Cũng là giảm nhẹ gánh nặng trong công tác giảng dạy của giáo viên, đưa thơ văn cùng hội nhập "số hoá". Thay vì khiến học sinh phải sợ, phải ngại khi học sinh mà cũng là các thầy, cô phải học, dạy về các tác phẩm:"Truyện Kiều, Phú sông Bạch Đằng, Sa hành đoản ca..." thì hãy biến văn chương trở nên thật nhẹ nhàng, gần gũi và có sức thuyết phục.
     Cũng cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ hơn trong các vấn đề vi phạm đến bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Làm sao cho văn học vẫn giữ được nét đẹp truyền thống không bị mai một nhưng vẫn có những cái mới của thời đại số hoá, của toàn cầu? Làm sao để cho con người vẫn giữ được thói quen đọc sách, chọn sách thay vì sử dụng những máy tính, điện thoại thông minh? Câu trả lời phụ thuộc vào cách chúng ta đã và đang số hoá văn học.

3)Tổng kết: Trả lời câu hỏi:"Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người."
   Khẳng định:" sáng tạo văn học mãi là độc quyền của con người" vì dù cho có được "số hoá" văn chương thuần tuý vẫn là nhu cầu viết để giải toả, thoả mãn cảm xúc- cái mà robot mãi sẽ không bảo giờ có thể có được. Sự thăng hoa trong xúc cảm và cách tư duy của người nghệ sĩ đã tạo nên nhiều tác phẩm thời đại mang đậm dấu ấn thời gian nó ra đời.
    Có cơ hội nhưng cũng có thách thức, văn chương trong thời đại số vẫn giữ được vị trí của mình dù có phần mai một và phát triển. Cách thức số hoá văn chương ngược lại chính là câu trả lời để tìm lại những phần đã mất trong văn hoá nghệ thuật đại chúng đó.

   

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#gì