1.2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý do duy nhất làm giảm lượng nước chính là hiện tượng thay đổi khí hậu, Montana đang ngày càng trở lên nóng hơn và khô hơn. Trong khi hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng dần lên tạo điều kiện thuận lợi cũng như gây khó khăn cho các vùng khác nhau trên toàn thế giới, thì Montana thuộc số gặp nhiều khó khăn nhất bởi lượng mưa vốn dĩ gần như không đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện hạn hán đang khiến diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều ở phía đông Montana, cũng như ở vùng Alberta và Saskatchewan lân cận. Ở những vùng mà tôi thường tới nghỉ hè ở phía tây Montana, những ảnh hưởng rõ ràng của hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu là tuyết trên các ngọn núi hiện chỉ có ở những đỉnh cao và không còn được duy trì trong suốt mùa hè trên các ngọn núi vùng lưu vực Big Hole như lần đầu tôi tới đây năm 1953.
Ảnh hưởng rõ ràng nhất của hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu ở Montana, và có lẽ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, là ở Công viên Băng Quốc gia. Trong khi những tảng băng trên khắp thế giới đang tan dần – như ở núi Kilimanjaro, ở đỉnh Andes và Alps, trên các ngọn núi ở New Guinea và xung quanh Everest – thì hiện tượng này ở Montana được nghiên cứu rất kỹ bởi các nhà khí hậu học và các du khách rất dễ tiếp cận những tảng băng ở đây. Cuối những năm 1800, lần đầu tiên các nhà tự nhiên học phát hiện ra khu vực Công viên Băng Quốc gia thì vùng này có hơn 150 tảng băng, nhưng giờ chỉ còn khoảng 35 tảng, trong đó đa phần chỉ còn một phần nhỏ so với kích thước ban đầu của nó. Với tốc độ tan chảy như hiện nay, vào năm 2030 Công viên Băng Quốc gia sẽ không còn một tảng băng nào. Lượng tuyết trên các đỉnh núi giảm cũng gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống tưới tiêu, bởi vào mùa hè, lượng tuyết trên các đỉnh núi sẽ tan ra cung cấp nước cho hệ thống tưới tiêu. Nó cũng gây ảnh hưởng xấu cho hệ thống giếng khoan lấy nước từ tầng nước ngầm của sông Bitterroot, hiện lượng nước sông này cũng đang bị giảm bởi những đợt hạn hán gần đây.
Cũng như những vùng khô hanh khác ở miền Tây nước Mỹ, sản xuất nông nghiệp của thung lũng Bitterroot không thể tồn tại nếu không có hệ thống tưới tiêu, bởi lượng mưa hằng năm ở đáy thung lũng chỉ khoảng 33 xăngtimét mỗi năm. Không có tưới tiêu, thực vật trong thung lũng sẽ chỉ có duy nhất một loại cây ngải đắng có thể tồn tại, loại cây mà Lewis và Clark đã ghi chép trong chuyến đi đầu tiên tới đây năm 1805 - 1806, và hiện mọi người vẫn dễ dàng nhận ra chúng ngay khi vượt qua con kênh tưới tiêu cuối cùng ở sườn phía Đông thung lũng. Hệ thống tưới tiêu lấy nước tuyết tan từ những đỉnh núi cao ở sườn tây của thung lũng bắt đầu được xây dựng từ cuối những năm 1800 và đạt tới đỉnh điểm vào năm 1908 - 1910. Trong mỗi hệ thống tưới tiêu hay mỗi địa phận, mỗi nông trang hay nhóm nông

trang đều có quyền lấy một lượng nước nhất định từ hệ thống để tưới cho đất của mình.
Đáng tiếc là, nước luôn bị "phân bổ quá mức". Có nghĩa là – rất khó tin với tôi, một người ngờ nghệch từ nơi khác đến – năm nào tổng lượng nước phân bổ cho các nông trại cũng vượt quá lưu lượng nước có thể có, ít nhất là vào cuối mùa hè khi lượng nước do tuyết tan giảm. Một phần lý do bởi việc phân bổ nước này được tính toán dựa trên giả thiết một lượng nước được cung cấp cố định, nhưng trên thực tế lượng nước được cung cấp mỗi năm không như nhau, phụ thuộc vào thời tiết, và lượng nước giả thiết lại dựa trên giá trị của năm có thời tiết ẩm ướt. Giải pháp cho vấn đề cấp nước là phân bổ quyền ưu tiên cho các trang trại, dựa trên thời gian lập nông trại, nông trại nào thành lập sớm nhất thì sẽ có quyền ưu tiên cấp nước cao nhất. Cắt nước sẽ được áp dụng đầu tiên với nông trại có quyền ưu tiên thấp nhất, sau đó lần lượt tới những nông trại có quyền ưu tiên cao hơn khi lượng nước trong các kênh cạn dần. Nhưng chính giải pháp này cũng gây ra những xung đột bởi những nông trại lâu đời nhất, có quyền ưu tiên cấp nước cao nhất lại thường nằm ở vùng đất thấp, và rất khó cho những nông dân ở vùng đất cao hơn, có quyền ưu tiên thấp hơn, đứng nhìn nước chảy qua nông trại của mình xuống nông trại bên dưới, trong khi họ cũng rất cần nước nhưng vẫn phải kiềm chế lấy nước, bởi nếu làm vậy họ sẽ bị những láng giềng phía dưới kiện.
Việc phân nhỏ đất đai càng làm cho việc phân phối nước khó khăn hơn. Ban đầu, mỗi nông trại sở hữu một diện tích đất lớn và họ có thể lấy nước từ kênh để lần lượt tưới cho những cánh đồng của mình, và cũng chẳng ai ngốc tới mức cố tưới cùng lúc cho tất cả những cánh đồng bởi làm như vậy sẽ hết nước. Nhưng khi mỗi mảnh đất với diện tích ban đầu 160 mẫu bị chia nhỏ thành 40 căn nhà 4 mẫu, thì không còn đủ nước khi tất cả các chủ nhà 4 mẫu này cố gắng lấy nước để giữ màu xanh cho khu vườn của mình mà không nhận ra rằng 39 hàng xóm khác cũng đồng thời đang tưới nước. Nhưng vẫn còn một vấn đề khác là quyền tưới tiêu chỉ áp dụng cho mục đích sử dụng gọi là "có ích", mang lại lợi ích cho mảnh đất được quyền cấp nước. Để lại nước trong sông cho cá bơi và cho du khách đi bè trên sông không được coi là quyền "có ích". Thực tế vài mùa hè gần đây, một số đoạn sông Big Hole đã bị khô cạn. Cho tới năm 2003, những nguy cơ xung đột ở thung lũng Bitterroot vẫn được ông Vern Woolsey, ủy viên hội đồng nước, 82 tuổi, được tất cả mọi người kính trọng, dàn xếp một thân thiện trong hàng thập kỷ. Nhưng mọi người lo ngại chúng sẽ bùng phát nay mai bởi hiện ông Vern đã xin từ chức.
Các hệ thống tưới tiêu của Bitteroot bao gồm 28 chiếc đập nhỏ của tư nhân bắc qua những dòng suối, để trữ nước do tuyết tan trong mùa xuân và tưới cho các cánh đồng trong mùa hè. Những chiếc đập này nguy hiểm như những trái bom hẹn giờ. Tất cả đều được xây cách đây từ một thế kỷ với thiết kế yếu, giờ bị coi là thô sơ và nguy hiểm. Chúng ít được bảo dưỡng, thậm chí hoàn toàn không được bảo dưỡng. Nhiều chiếc có nguy cơ sụp đổ, gây ngập lụt cho những căn nhà và tài sản bên dưới. Cách đây

vài chục năm, hai con đập kiểu này đã bị sụp đổ gây ra những trận lụt tàn phá nặng nề, khiến ngành lâm nghiệp phải tuyên bố các chủ đập, kể cả những nhà thầu xây dựng đập, phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại do đập vỡ gây ra. Các chủ đập phải chịu trách nhiệm hoặc sửa chữa đập hoặc phá bỏ đập. Trong khi nguyên tắc này dường như có lý, thì có ba khó khăn tài chính khiến nguyên tắc khó có thể thực hiện được. Thứ nhất, đa số các chủ đập phải chịu trách nhiệm thường chỉ thu được một khoản lợi ích tài chính nhỏ từ những con đập, nên họ không quan tâm tới việc sửa chữa nó (do đất đai bị chia thành những lô nhỏ, và họ hiện chỉ sử dụng đập để tưới nước cho những thảm cỏ thay vì để trồng trọt như những nông dân thực thụ). Thứ hai, chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang chỉ chấp thuận trợ cấp một phần kinh phí để sửa chữa đập, chứ không phải để dỡ bỏ nó. Thứ ba, một nửa số đập hiện nằm trên những mảnh đất được xây dựng như những khu hoang dã nên không có đường vào và để sửa chữa đập chỉ có cách thuê trực thăng vận tải với giá đắt để vận chuyển máy móc.
Đập Tin Cup là một điển hình về loại bom hẹn giờ kiểu này. Nếu bị vỡ, đập này sẽ gây ngập lụt toàn bộ Darby, thị trấn lớn nhất miền Nam thung lũng Bitterroot. Hiện tượng rò rỉ nước và tình trạng kém chất lượng của đập gây ra những cuộc tranh cãi và những vụ kiện kéo dài giữa những người chủ đập, Cục Kiểm lâm và những tổ chức môi trường về việc liệu có nên sửa chữa đập và sửa chữa như thế nào, đỉnh điểm là trường hợp khẩn cấp khi đập bị rò rỉ nghiêm trọng năm 1998. Đáng tiếc là, nhà thầu được chủ đập thuê rút nước ra khỏi hồ chứa của đập đã gặp ngay phải tảng đá lớn, đòi hỏi phải sử dụng các thiết bị đào đá hạng nặng chỉ có thể vận chuyển bằng trực thăng. Tới lúc này, chủ đập tuyên bố hết tiền, và cả chính quyền tiểu bang Montana lẫn hạt Ravalli đều từ chối cấp kinh phí cho con đập, nhưng nó vẫn là một nguy cơ lớn gây nguy hiểm cho tính mạng người dân thị trấn Darby. Bởi vậy, Cục Kiểm lâm phải tự mình thuê trực thăng và thiết bị để sửa chữa đập và gửi hóa đơn thanh toán tới các chủ đập, tất nhiên chẳng bao giờ họ chịu thanh toán. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị kiện các chủ đập để đòi lại số tiền đã chi.
Bên cạnh hệ thống tưới tiêu hứng nước tuyết tan, Bitterroot còn có hệ thống giếng khoan cấp nước cho sinh hoạt từ các tầng nước ngầm. Ngay cả các tầng nước ngầm này cũng đang phải đối mặt với tình trạng cạn nước. Mặc dù dường như những đống tuyết trên đỉnh núi và các tầng nước ngầm chẳng có liên quan gì tới nhau, nhưng thực tế chúng gắn liền với nhau. Một phần lượng nước được sử dụng để tưới tiêu có thể thấm qua đất hòa vào các tầng nước ngầm, và một phần nước của các tầng nước ngầm có thể có nguồn gốc từ tuyết tan. Bởi vậy, tình trạng băng tuyết của Montana đang suy giảm nên dự báo lượng nước ngầm cũng sẽ suy giảm.
Không nghi ngờ gì, hiện nhu cầu sử dụng nước ngầm đang tăng lên. Dân số của Bitterroot bùng nổ liên tục có nghĩa cần nhiều nước hơn để người dân uống và dội nhà vệ sinh. Roxa French, người điều phối

Diễn đàn Nước Bitterroot, khuyên những người xây nhà mới nên khoan cho mình một chiếc giếng sâu, bởi có rất nhiều "ống hút trong một bình sữa", có nghĩa có nhiều giếng khoan vào cùng một tầng nước ngầm và làm giảm mực nước. Hệ thống pháp luật của Montana và những quy định của hạt về quản lý nước sinh hoạt hiện còn rất yếu kém. Giếng khoan của một căn nhà mới xây có thể làm giảm mực nước giếng của nhà hàng xóm, nhưng lại rất khó tính toán thiệt hại thực tế cho người hàng xóm. Để tính toán một tầng nước ngầm có thể cung cấp bao nhiêu nước sinh hoạt, cần phải lập bản đồ tầng nước ngầm và đo lưu lượng dòng nước chảy vào, nhưng - đáng ngạc nhiên - cả hai bước đơn giản này đều chẳng được áp dụng với bất kỳ tầng nước ngầm nào của thung lũng Bitterroot. Bản thân hạt cũng không đủ các nguồn lực để giám sát các tầng nước ngầm và không tiến hành đánh giá độc lập về trữ lượng nước khi xét cấp phép xây dựng một căn nhà mới. Thay vào đó, chính quyền hạt chỉ dựa trên cam kết của người xây dựng rằng sẽ có đủ nước giếng cho căn nhà.
Những gì tôi nói về nước tới nay mới chỉ liên quan tới lượng nước, tuy nhiên, chất lượng nước cũng có nhiều vấn đề. Phong cảnh miền tây Montana được coi như nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất bởi những dòng sông và hệ thống kênh tưới tiêu hầu như chỉ chứa toàn nước tinh khiết do tuyết tan. Mặc dù là một lợi thế, nhưng hiện sông Bitterroot đã bị liệt vào danh sách "những dòng sông đang cạn kiệt" của Montana vì một vài lý do. Lý do chính là lòng sông bị bồi lắng do xói mòn, làm đường, cháy rừng, khai thác gỗ và lượng nước của hệ thống kênh, suối bị giảm do sử dụng cho tưới tiêu. Hầu hết các đường phân nước của Bitterroot hiện đã bị xói mòn hoặc có nguy cơ xói mòn. Vấn đề thứ hai là sử dụng phân bón tràn lan. Trung bình mỗi nông dân trồng cỏ sử dụng ít nhất 900 kg phân bón trên mỗi mẫu đất, nhưng không biết trong đó có bao nhiêu phân bón bị chảy xuống sông. Chất thải từ các hố rác tự hoại cũng là một mối nguy đối với chất lượng nước. Cuối cùng, như tôi đã trình bày, các hóa chất độc hại thoát ra từ các mỏ mới là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng tới chất lượng nước, mặc dù không phải là ở Bitterroot, nhưng ở các vùng khác của Montana.
Chất lượng không khí cũng đáng được xem xét qua. Có vẻ như tôi là kẻ không biết xấu hổ khi nói về mặt tiêu cực này của Montana, bởi tôi là cư dân của thành phố Los Angeles, nơi có chất lượng không khí kém nhất nước Mỹ. Thực tế, một số vùng của Montana đang phải hít thở bầu không khí kém chất lượng xảy ra theo từng mùa, xấu nhất là ở Missoula, nơi chất lượng không khí (mặc dù đã có những tiến triển từ những năm 1980) thi thoảng vẫn xấu như không khí ở Los Angeles. Vấn đề không khí của Missoula càng trầm trọng hơn bởi những trái ngược nhiệt độ của mùa đông và bởi vị trí của nó trong thung lũng khiến không khí bị đọng lại. Bầu không khí này có chứa lượng khí thải từ xe hơi trong cả một năm, từ việc đốt củi để sưởi ấm trong mùa đông, cháy rừng và khai thác gỗ trong mùa hè.
Loạt vấn đề môi trường lớn còn lại của Montana có liên quan tới tình trạng du nhập của các loài sinh

vật độc hại ngoại lai và sự tuyệt chủng của các sinh vật bản địa có giá trị, đặc biệt là các loài cá, hươu, nai và các loại cỏ.
Thời kỳ đầu, Montana trông cậy vào việc đánh bắt các loài cá bản địa có giá trị, như cá hồi Cut-throat (giống cá đặc trưng của Montana), cá hồi Bò, cá Bắc cực và cá Trắng. Tất cả các loài cá này, ngoại trừ cá Trắng, hiện đã suy giảm do một loạt nguyên nhân với những tác động khác nhau tới các loài cá. Đó là, mực nước ở các dòng suối nơi chúng sinh sôi và phát triển xuống thấp do nước bị lấy phục vụ cho tưới tiêu; nhiệt độ nước cao hơn và lòng suối nhiều chất cặn lắng do khai thác gỗ gây ra; đánh bắt cá quá mức; cạnh tranh, và trong một số trường hợp có sự lai giống, từ các giống cá hồi ngoại lai như cá hồi Cầu vồng, cá hồi Suối và cá hồi Nâu; bị tàn sát bởi giống cá chó miền Bắc và cá hồi hồ du nhập; bị nhiễm một loại thực vật ký sinh du nhập gây ra bệnh quay cuồng. Ví dụ, giống cá chó miền Bắc, một loại cá ăn được nhiều người ưa thích, được một số ngư dân lén lút mang về thả ở một số sông hồ phía tây Montana, và chúng đã tiêu diệt tất cả những con cá hồi bò và cá hồi Cut-throat sống trong các sông hồ này. Cũng như vậy, trước đây ngành đánh bắt cá ở hồ Flathead rất phát triển dựa vào một số loại cá bản địa nhưng hiện ngành này đã bị phá sản kể từ khi du nhập giống cá hồi hồ.
Năm 1958, bệnh quay cuồng vô tình du nhập vào Mỹ qua giống cá của châu âu khi một cơ sở nuôi cá giống ở Pennsylvania nhập khẩu một số giống cá Đan Mạch đã bị nhiễm bệnh này. Hiện căn bệnh đã lan ra khắp miền tây nước Mỹ, một phần do các loài chim làm lây lan, nhưng chủ yếu là do con người (kể cả một số cơ quan của chính phủ và các cơ sở tư nhân nuôi cá giống) để quá nhiều cá nhiễm bệnh sống trong các sông hồ. Khi thực vật ký sinh đã nhiễm vào nước, hầu như không thể loại trừ được nó. Năm 1994, căn bệnh quay cuồng đã làm chết tới hơn 90% số cá hồi Cầu vồng trên sông Madison, nổi tiếng nhất Montana.
ít nhất căn bệnh này không lây sang người; tác động của nó tới ngành du lịch câu cá hầu như không đáng kể. Một căn bệnh du nhập khác là bệnh gầy mòn kinh niên (CWD) của hươu và nai, nguy hiểm hơn bệnh quay cuồng ở cá bởi chúng có thể gây ra căn bệnh chết người bám dai dẳng ở người. Bệnh CWD của hươu nai giống như các bệnh nhiễm prion ở các loài động vật khác, trong đó nổi tiếng nhất là bệnh Creutzfeldt-Jakob ở người, bệnh bò điên hay còn gọi là bệnh viêm não thể bọt biển (BSE) ở gia súc (có thể lây sang người), và bệnh thần kinh ở cừu. Những bệnh lây nhiễm này khiến hệ thần kinh bị thoái hóa mà không thể chữa trị được; trong lịch sử chưa từng ghi nhận được trường hợp bệnh nhân Creutzfeldt-Jakob nào có thể hồi phục. Bệnh CWD lần đầu tiên được phát hiện trên hươu nai ở miền bắc nước Mỹ vào những năm 1970, có thể (theo một số người cho biết) do một trường đại học phía tây nhốt những con hươu phục vụ mục đích nghiên cứu trong một đồn điền gần những con cừu đang nhiễm bệnh scrapie và thả số hươu, này trở lại rừng sau khi nghiên cứu hoàn tất. (Ngày nay, hành động đó sẽ

bị coi là phạm tội). Căn bệnh lây lan từ bang này sang bang khác mạnh hơn do việc trao đổi hươu nai nhiễm bệnh từ nông trại sinh thái này sang nông trại khác. Chúng ta vẫn chưa biết liệu bệnh CWD có lây từ hươu nai sang người như bệnh bò điên hay không, nhưng cái chết gần đây của một số thợ săn do mắc bệnh Creutzfeldt-Jakob đã đặt một số khu dân cư vào tình trạng báo động. Lo ngại tình trạng lây lan có thể phá hủy ngành công nghiệp săn hươu mang lại một tỷ đô-la mỗi năm, chính quyền tiểu bang Wisconsin đã bắt đầu tiêu diệt khoảng 25.000 con hươu trong một khu vực bị lây nhiễm hòng kiểm soát dịch bệnh CWD, (một giải pháp tuyệt vọng khiến những người liên quan chán nản).
Trong khi bệnh CWD do một loài sinh vật du nhập gây ra tạo nên một nguy cơ đáng sợ, thì sự du nhập của những loài cỏ dại cũng là một trong những vấn đề gây tốn kém nhất cho Montana. Khoảng 30 loài cỏ dại độc hại, chủ yếu có nguồn gốc âu-á (Eurasian), đã sinh sôi nảy nở ở Montana sau khi du nhập một cách tình cờ qua các giống cỏ khô hoặc do hạt cỏ bị gió thổi tới, hoặc cố ý do có người nhập về với mục đích trồng làm cảnh mà không lường hết được những thiệt hại có thể gây ra. Các loài cỏ này gây thiệt hại dưới một vài hình thức như: gia súc và các loài động vật hoang dã không thể ăn được hoặc chỉ ăn được rất ít và chúng còn lấn át những loài thực vật có thể ăn được. Vì vậy, chúng làm giảm tới 90% lượng thức ăn gia súc, thậm chí một số cỏ còn rất độc với các loài động vật và làm tăng gấp ba tỷ lệ xói mòn do rễ chúng giữ đất kém hơn các loài cỏ bản địa khác.
Xét về mặt kinh tế, hai loài cỏ gây thiệt hại nhất trong số cỏ này là cỏ Spotted Knap và Leafy Spurge hiện đã lan tràn khắp Montana. Cỏ Spotted Knap lấn át các loài cỏ bản địa bằng cách tiết ra các chất độc nhanh chóng tiêu diệt chúng, đồng thời sản sinh lượng hạt rất lớn. Mặc dù có thể nhổ bằng tay trên một vài cánh đồng nhỏ, nhưng hiện loài cỏ này đã lan ra 566.000 mẫu đất chỉ ở riêng thung lũng Bitterroot và 5 triệu mẫu trên toàn Montana, một diện tích quá lớn khiến việc nhổ bằng tay trở nên bất khả thi. Cũng có thể sử dụng thuốc diệt cỏ để khống chế cỏ Spotted Knap, nhưng loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền có thể diệt chúng thì cũng diệt luôn cả nhiều loại thực vật khác. Loại thuốc đặc biệt dành riêng để diệt Spotted Knap lại có giá rất đắt, tới 800 đô-la/gallon4. Ngoài ra, cũng không dám chắc liệu các loại thuốc diệt cỏ này cuối cùng có thấm vào sông Bitterroot hay các tầng nước ngầm cung cấp nước uống cho con người hay không, và liệu bản thân chúng có những ảnh hưởng độc hại không? Do cỏ Spotted Knap lan tràn trên diện rộng tại các khu rừng quốc gia cũng như trên các đồng cỏ, nên chúng làm giảm năng suất cỏ khô để nuôi gia súc và ảnh hưởng cả tới thức ăn của các loài động vật ăn cỏ hoang dã trong rừng. Thiếu thức ăn khiến các loài hươu nai rời rừng lần ra những cánh đồng cỏ. Cỏ Leafy Spurge hiện lan tràn ít hơn so với cỏ Spotted Knap nhưng khó kiểm soát hơn nhiều và không thể nhổ bằng tay, bởi rễ của chúng ăn sâu xuống lòng đất tới 6 mét.
Hai loài cỏ dại này và những loại cỏ khác gây thiệt hại kinh tế trực tiếp cho Montana hơn 100 triệu

đô-la mỗi năm. Sự xuất hiện của chúng còn làm giảm năng suất nông nghiệp và khiến bất động sản ở đây mất giá. Hơn tất cả, chúng là một nỗi đau lớn của những người nông dân, bởi không thể kiểm soát chúng bằng bất kỳ biện pháp riêng biệt nào mà phải áp dụng hàng loạt hệ thống quản lý thống nhất. Chúng buộc nông dân phải thay đổi nhiều biện pháp cùng một lúc: nhổ cỏ, phun thuốc diệt cỏ, thay đổi phân bón, thả côn trùng và nuôi những loại nấm thiên địch của cỏ, đốt cỏ có kiểm soát, thay đổi kế hoạch cắt cỏ, thay đổi chu trình trồng trọt và chăn thả gia súc hằng năm. Tất cả những hậu quả trên chỉ do một vài loài sinh vật nhỏ gây ra mà tại thời điểm du nhập, con người không đánh giá hết mức độ nguy hiểm của chúng và một số loài du nhập mà không bị phát hiện.
Bởi vậy, dường như Montana nguyên sơ thực tế đang phải gánh chịu những vấn đề môi trường nghiêm trọng liên quan tới chất thải độc hại, rừng, đất, nước, thay đổi khí hậu, ảnh hưởng đa dạng sinh thái và những sinh vật du nhập. Tất cả những vấn đề này đã trở thành những vấn đề kinh tế. Chúng giúp lý giải vì sao trong những thập kỷ gần đây, kinh tế Montana lại xuống dốc nhanh tới vậy, từng là một trong những tiểu bang giàu nhất, giờ tụt xuống vị trí một trong những tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ.
Liệu những vấn đề này có được giải quyết hay không và giải quyết như thế nào, điều này phụ thuộc vào những quan điểm và giá trị mà người Montana nắm giữ. Nhưng dân số Montana đang ngày càng trở nên hỗn tạp và không thể thống nhất ý kiến về một tương lai và môi trường của bang. Nhiều bạn bè tôi bình luận về sự phân cực các quan điểm ngày càng lớn này. Ví dụ, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng Emil Erhardt giải thích với tôi, "Có quá nhiều giọng nói trong một cuộc tranh luận. Những năm 1950 được coi là thịnh vượng bởi khi đó tất cả chúng ta đều nghèo, hay cảm thấy mình nghèo. Hồi đó không có ai quá giàu, hay ít nhất sự giàu nghèo khó có thể nhận thấy. Nhưng giờ chúng ta đã phân hóa thành hai tầng lớp xã hội rõ ràng, những gia đình có thu nhập thấp phải vật lộn để tồn tại ở dưới đáy xã hội, và những người mới đến giàu có ngự trên đỉnh xã hội, có đủ tiền để mua đất đai, tự tách riêng ra một nơi. Về bản chất, tiền khiến chúng ta phân hóa chứ không phải là việc sử dụng đất!".
Sự phân cực mà bạn bè tôi nói đến song hành với nhiều trục đối nhau: Giàu với nghèo, những cư dân lâu năm với người mới đến, lối sống truyền thống với những thay đổi được chào đón, những người ủng hộ phát triển với những người chống phát triển, những người ủng hộ và những người chống quy hoạch của chính quyền, những người có và những người không có trẻ em trong độ tuổi tới trường. Tiếp thêm vào những bất đồng này là những nghịch lý của Montana mà tôi đã đề cập ở phần đầu của chương này, đó là: Một tiểu bang với cư dân nghèo nàn nhưng lại thu hút những người giàu có tìm đến, thậm chí ngay cả lớp trẻ của bang cũng đang dần rời bỏ Montana sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Ban đầu tôi phân vân không biết liệu những vấn đề môi trường của Montana và những tranh chấp xung đột có liên quan tới những hành vi ích kỷ của một bộ phận cá nhân hay không, những người đặt lợi ích

cá nhân lên trên hết trong khi hoàn toàn nhận thức được rằng hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho xã hội. Điều này có thể đúng trong một số trường hợp, như những đề xuất của các nhà quản lý khai thác mỏ để thực hiện phương pháp tách vàng bằng hòa tách đống có sử dụng xyanua, mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp này sẽ làm nảy sinh những vấn đề độc hại; việc trao đổi hươu nai giữa các nông trại sinh thái của một số chủ nông trại mặc dù biết rằng hành động đó có thể làm tăng nguy cơ lây lan của căn bệnh gầy mòn kinh niên ở động vật; và việc lén lút thả giống cá chó xuống hồ của một số ngư dân chỉ để tăng thu nhập cho mình, mặc dù trong lịch sử đã có những vụ việc tương tự khiến nhiều loại cá khác bị tiêu diệt. Mặc dù trong những trường hợp này, tôi chưa hề phỏng vấn những cá nhân liên quan và cũng không biết liệu họ có trung thực thừa nhận rằng khi làm như vậy họ không biết tới những nguy hiểm sau này? Thực tế, mỗi khi trò chuyện với người Montana, tôi đều thấy hành động của họ luôn vì lợi ích cá nhân của họ, cho dù những lợi ích đó mâu thuẫn với lợi ích của tôi hay của những người Montana khác. Không phải những khó khăn của Montana khiến con người Montana trở nên ích kỷ, xấu xa, cố ý kiếm lời trên thiệt hại của hàng xóm một cách đáng trách. Thực ra, đây là xung đột giữa những người có nguồn gốc và lợi ích khác nhau; bởi vậy họ ủng hộ những chính sách khác với chính sách của những người có nguồn gốc và lợi ích khác họ. Sau đây là những quan điểm hiện đang xung đột với nhau trong định hướng cho tương lai của Montana.
Xung đột đầu tiên là giữa "những cư dân lâu năm" và "những người mới đến". Ví dụ, những người sinh ra ở Montana hay những gia đình sinh sống đã mấy thế hệ ở đây, tôn trọng lối sống và nền kinh tế được xây dựng trên ba trụ cột lâu đời là khai thác mỏ, khai thác gỗ và nông nghiệp chống lại những người mới chuyển đến hay những du khách. Cả ba trụ cột kinh tế của Montana hiện đều đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Hầu như tất cả các mỏ ở Montana đã đóng cửa do những vấn đề về chất thải độc hại, cùng với sự cạnh tranh từ các mỏ nước ngoài có chi phí thấp. Doanh thu từ gỗ hiện giảm tới 80% so với thời kỳ cao điểm, và hầu hết các xưởng cưa và các doanh nghiệp kinh doanh gỗ, ngoại trừ các công ty đặc biệt (nhất là những doanh nghiệp chuyên dựng nhà bằng gỗ), đã phải đóng cửa bởi hàng loạt yếu tố như công chúng muốn duy trì những cánh rừng nguyên vẹn, chi phí quản lý rừng và chống cháy rừng lớn và cạnh tranh gay gắt từ hoạt động khai thác gỗ ở những vùng có khí hậu ẩm ướt và ấm áp hơn gắn liền với những lợi thế so với hoạt động khai thác gỗ trong khí hậu hanh khô của Montana. Nông nghiệp, trụ cột kinh tế thứ ba của Montana cũng đang chao đảo. Ví dụ, trong số 400 nông trại sản xuất bơ sữa hoạt động tại thung lũng Bitterroot năm 1964, thì hiện chỉ còn lại 9 nông trại. Những lý do đằng sau sự suy thoái của nền nông nghiệp Montana phức tạp hơn những lý do của ngành mỏ và ngành khai thác gỗ, mặc dù về cơ bản đó là do bất lợi trong cạnh tranh trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi bò bởi khí hậu lạnh, khô của Montana.
Mặc dù tuổi đã xế bóng nhưng nhiều nông dân Montana vẫn tiếp tục làm việc, một phần bởi họ yêu lối

sống này và tự hào vì nó. Như Tim Huls đã nói với tôi: "Thật tuyệt vời khi tỉnh giấc trước bình minh và ngắm nhìn mặt trời mọc, để thấy những chú chim ưng bay lượn trên đỉnh đầu và lũ hươu hốt hoảng nhảy qua đồng cỏ, chạy trốn những chiếc máy cắt cỏ". Jack Hirschy, một nông dân tôi đã gặp từ năm 1950 khi ông mới 29 tuổi, hiện vẫn làm việc trong nông trại mặc dù đã ở tuổi 83, trong khi cha ông là Fred vẫn cưỡi ngựa trong buổi sinh nhật lần thứ 91. Nhưng "chăn nuôi và trồng trọt là công việc vất vả và nguy hiểm", theo lời của bà Jill, em gái ông Jack. Ở tuổi 77, ông Jack bị chấn thương và gãy xương sườn do bị tai nạn máy kéo, trong khi ông Fred suýt bị chết khi ngã từ trên cây xuống ở tuổi 58. Tim Huls bổ sung thêm, giọng tự hào về cuộc sống tuyệt vời này: "Thi thoảng, tôi thức dậy lúc ba giờ sáng và làm việc tới tận mười giờ đêm. Công việc của chúng tôi không phải công việc hành chính chỉ làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng trong đám con của tôi, chẳng đứa nào muốn trở thành nông dân nếu ngày nào cũng phải làm việc từ ba giờ sáng tới mười giờ đêm".
Nhận xét của Tim cho thấy một trong những lý do khiến nền nông nghiệp Montana suy thoái. Cuộc sống nông nghiệp được những thế hệ cao tuổi đánh giá cao, nhưng con cháu họ lại đánh giá khác. Chúng thích làm những việc ngồi trong nhà, trước màn hình máy tính hơn là khệ nệ khiêng những kiện cỏ, thích buổi tối và những ngày cuối tuần được nghỉ ngơi hơn là đi vắt sữa bò và cắt cỏ. Họ không muốn sống một cuộc sống, theo nghĩa đen, bắt họ phải làm việc tới gãy lưng khi đã ở tuổi 80, giống như ba ông bà già nhà Hirschy hiện vẫn đang làm.
Steve Powel giải thích với tôi: "Trước đây mọi người chỉ mong nông trại giúp họ đủ ăn; nhưng ngày nay họ muốn nhiều hơn thế; họ muốn kiếm đủ tiền để cho con cái đi học đại học". John Cook từng lớn lên trong nông trại cùng với cha mẹ, cho biết thêm: "Buổi chiều, tới giờ ăn mẹ tôi rất vui khi ra vườn cây ăn quả và nhặt măng tây. Lúc còn nhỏ, tôi cũng rất thích đi câu và đi săn, nhưng bọn trẻ ngày nay chỉ thích ăn đồ ăn nhanh và xem phim trên kênh HBO; nếu cha mẹ chúng không đáp ứng, chúng sẽ cảm thấy thua kém so với bạn bè cùng trang lứa. Thời chúng tôi, thanh niên luôn xác định sẽ phải sống nghèo khổ trong vòng 20 năm, và sau đó, nếu may mắn, có thể cuối đời bạn sẽ có cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng thanh niên bây giờ chỉ muốn sớm được sống sung túc ngay. Câu hỏi đầu tiên của chúng về công việc là: "Lương bao nhiêu, làm việc mấy giờ và nghỉ lễ như thế nào?" Tất cả những nông dân Montana mà tôi biết và yêu thích nghề nông thì hoặc rất lo lắng không biết liệu con cái họ có tiếp tục công việc đồng áng của gia đình hay không, hoặc đã biết chắc rằng không một người con nào của họ muốn nối nghiệp cha mẹ.
Những lý do kinh tế khiến người nông dân ngày càng khó sống nhờ vào đồng ruộng, bởi các chi phí nông nghiệp hiện tăng nhanh hơn thu nhập của họ gấp nhiều lần. Giá thịt bò và sữa hầu như vẫn bằng giá cách đây 20 năm, trong khi chi phí nhiên liệu, máy móc nông nghiệp, phân bón và những vật dụng

cần thiết khác cho nông nghiệp đã tăng lên. Rick Laible đưa ra một ví dụ: "Năm mươi năm trước, nếu muốn sắm một chiếc xe tải mới, người nông dân chỉ cần bán hai con bò. Ngày nay, giá xe đã lên tới khoảng 15.000 đô-la trong khi bò vẫn bán với giá chỉ 600 đô-la, như vậy phải bán tới 25 con bò mới đủ mua xe". Như thế mới có thể hiểu hết ý nghĩa truyện cười mà một nông dân Montana kể cho tôi như sau: "Một người hỏi: 'Anh sẽ làm gì nếu có một triệu đô-la trong tay'. Người kia trả lời: 'Tôi rất thích làm nông nghiệp, bởi vậy tôi sẽ ở lại đây với nông trại đang thua lỗ này cho tới khi hết chỗ tiền đó triệu đô!'"
Lợi tức ngày càng giảm sút, cạnh tranh tăng cao khiến hàng trăm nông trại nhỏ ở thung lũng Bitterroot trước đây có thể tự lực, giờ làm ăn không có lãi. Ban đầu nông dân thấy họ cần phải làm thêm những việc khác để kiếm sống, rồi sau đó họ bỏ nghề nông bởi nó đòi hỏi họ phải làm việc quá nhiều vào buổi tối và cả những ngày cuối tuần sau khi kết thúc việc làm thêm. Sáu mươi năm trước, ông bà của Kathy Vaughn tự nuôi sống mình nhờ một nông trại rộng 40 mẫu, bởi vậy Kathy và Pat Vaughn cũng mua một nông trại 40 mẫu năm 1977. Với sáu con cừu, sáu con bò và vài con lợn, Kathy vẫn phải nhận dạy thêm như một cô giáo, và Pat còn là công nhân xây dựng hệ thống tưới tiêu. Thu nhập từ nông trại đủ giúp họ nuôi dạy ba đứa con nhưng nó lại không ổn định và sau này họ sẽ không có lương hưu. Sau tám năm, họ bán nông trại, chuyển vào thị trấn và giờ tất cả đám con cái họ đã rời Montana.
Trên toàn nước Mỹ, những nông trại nhỏ đang bị các nông trại lớn chèn ép, cách duy nhất có thể tồn tại trong khi lợi tức đang ngày càng giảm sút là mở rộng quy mô nông trại. Nhưng ở tây nam Montana, hiện các nông trại nhỏ không thể mở rộng quy mô bằng cách mua thêm đất, bởi những lý do mà Allen Bjergo giải thích rất ngắn gọn: "Nền nông nghiệp của Mỹ đang chuyển dần sang các vùng như Iowa và Nebraska, nơi không ai đến đó sống vì cảnh đẹp bởi nó không đẹp như Montana! Nhưng ở Montana này, mọi người chỉ muốn sống vui vẻ nên họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền mua mảnh đất với giá cao hơn những gì nông nghiệp có thể mang lại cho họ. Bitterroot đang trở thành một thung lũng của ngựa. Nuôi ngựa hiện đang rất phát đạt bởi mặc dù giá sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào giá trị của sản phẩm đó và không phải là vô hạn, nhưng nhiều người sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì chỉ để mua những con ngựa chẳng mang lại lợi ích kinh tế thiết thực nào".
Giá đất tại Bitterroot hiện đã tăng từ 10-20 lần so với thời điểm cách đây vài thập kỷ. Với giá này, cho thuê đất còn thu nhập cao hơn là làm nông nghiệp. Đó là lý do trực tiếp lý giải vì sao các nông trại nhỏ ở Bitterroot không thể tiếp tục tồn tại bằng cách mở rộng nông trại, và tại sao chúng lại bị bán cho những mục đích phi nông nghiệp. Nếu những nông dân già cả hiện vẫn đang sống trên mảnh đất của mình, khi họ chết, con cháu họ sẽ buộc phải bán đất cho những nhà đầu cơ với giá cao hơn nhiều nếu bán cho một nông dân khác để lấy tiền trả tiền thuế bất động sản đã tăng cao hơn rất nhiều theo giá trị

đất so với thời kỳ những người nông dân già cả còn sống. Thường thì chính những người nông dân già tự tay bán nông trại. Tuy họ như muốn khuỵ xuống khi nhìn mảnh đất mà mình đã trồng trọt và thương yêu trong suốt 60 năm qua bị chia thành những lô đất chật hẹp với diện tích 5 mẫu mỗi mảnh, nhưng giá đất tăng cao khiến họ bán đi, thậm chí ngay cả nông trại nhỏ từng nuôi sống bản thân, cho một nhà đầu cơ nào đó để lấy một triệu đô-la. Để có được số tiền cần thiết tự nuôi sống bản thân sau khi nghỉ hưu, những nông dân này không còn chọn lựa nào khác bởi suốt cuộc đời làm lụng vất vả, họ không tiết kiệm được khoản tiền nào và cũng bởi con cái họ không muốn làm nông nghiệp nữa. Đúng như Rick Laible nói: "Với người nông dân, đất đai chính là khoản lương hưu duy nhất của họ".
Điều gì khiến giá đất tăng vọt như vậy? Về cơ bản, do khung cảnh đẹp đẽ của Bitterroot thu hút những người giàu có từ những nơi khác đến. Những người mua lại đất đai của các nông dân già cả hoặc là những người mới chuyển đến, hoặc là những nhà đầu cơ đất để chia lô bán cho những người mới chuyển đến hoặc bán cho những người giàu có đang sống tại thung lũng. Tỷ lệ tăng dân số 4% của thung lũng gần như hoàn toàn do những người từ nơi khác chuyển tới, chứ không phải là tỷ lệ giữa sinh và tử trong thung lũng. Du lịch nghỉ dưỡng theo từng mùa cũng tăng lên nhờ những người từ nơi khác đến (như Stan Falkow, Lucy Tompkins và hai cậu con trai của tôi) tới đây câu cá, chơi gôn hay săn bắn. Những phân tích kinh tế gần đây do chính quyền hạt Ravalli tiến hành lý giải: "Không có gì bí ẩn khi có nhiều người kéo tới thung lũng Bitterroot như vậy. Đơn giản là thung lũng này có phong cảnh tuyệt đẹp với những ngọn núi, những cánh rừng, những con suối, những bầy thú hoang, cảnh đẹp với khí hậu tương đối ôn hòa".
Nhóm cư dân nhập cư lớn nhất bao gồm "những người bán hưu trí" hay những người nghỉ hưu non trong độ tuổi 45-59, sống nhờ vào khoản tiền chênh lệch từ việc bán nhà ở những nơi khác, hoặc bằng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh ngoài tiểu bang Montana hoặc kinh doanh qua internet. Có nghĩa, thu nhập của họ không hề bị ảnh hưởng bởi những vấn đề kinh tế có liên quan tới môi trường của Montana. Ví dụ, một người California bán căn nhà tí xíu ở California với giá 500.000 đô-la, thì có thể nghỉ hưu sớm và dùng số tiền này để mua một mảnh đất rộng năm mẫu ở Montana với một căn nhà lớn để cưỡi ngựa, đi câu và sống thoải mái bằng số tiền tiết kiệm cộng với số tiền chênh lệch còn lại. Bởi vậy, gần như một nửa số dân nhập cư gần đây của Bitteroot là người California. Họ mua đất Bitterroot vì phong cảnh đẹp chứ không phải vì những con bò hay những vườn táo, vì vậy họ sẵn sàng mua đất với giá chẳng liên quan gì tới giá trị nông nghiệp mà mảnh đất có thể mang lại.
Nhưng giá nhà đất tăng vọt gây khó khăn về nhà ở cho cư dân thung lũng Bitterroot, những người phải làm việc để nuôi sống bản thân. Nhiều người tới cuối đời vẫn không đủ tiền mua nhà, phải sống trong những căn nhà di động hoặc những chiếc xe tải hay sống với cha mẹ, và phải làm cùng lúc 2-3 việc

mới đủ sống cuộc sống đạm bạc.
Đương nhiên, những sự thực kinh tế tàn nhẫn này tạo ra sự chênh lệch rõ ràng giữa những cư dân lâu đời và những người từ nơi khác đến, nhất là những người giàu có tới Montana mua căn nhà thứ hai, thứ ba hay thậm chí là thứ tư (ngoài những căn nhà họ đã có ở San Francisco, Palm Springs hay Florida). Họ chỉ tới nghỉ ở đây trong một thời gian ngắn để câu cá, đi săn hay trượt tuyết. Những cư dân lâu đời than phiền vì những chiếc máy bay phản lực tư nhân ầm ĩ cất, hạ cánh tại sân bay Hamilton để đưa các du khách tới chơi gôn vài tiếng đồng hồ ở ngôi nhà thứ tư của họ trong nông trại Stock rồi lại quay về San Francisco ngay trong ngày. Những cư dân lâu đời cũng phản đối những người ở nơi khác đến mua những nông trại rộng lớn mà họ muốn mua nhưng giờ không có đủ tiền, và trước đây cư dân địa phương được phép săn bắn và câu cá trong nông trại đó nhưng giờ những người chủ mới chỉ muốn dành độc quyền săn bắn hoặc câu cá cho mình cùng những người bạn giàu có và buộc cư dân địa phương phải đứng ngoài. Những hiểu lầm giữa hai bên xuất phát từ xung đột giá trị và những gì mà họ mong đợi. Ví dụ, những người mới đến muốn những con nai xuống núi đi về phía nông trại, như vậy trông vừa đẹp lại vừa tiện săn bắn, nhưng những người cư dân địa phương lại không muốn nai xuống ăn cỏ của họ.
Những chủ nhà giàu có từ nơi khác luôn thận trọng chỉ ở lại Montana chưa đến 180 ngày mỗi năm, để tránh phải nộp thuế thu nhập của tiểu bang Montana và cũng không phải đóng góp các khoản chi phí cho chính quyền địa phương và cho các trường học. Một cư dân địa phương nói với tôi: "Những người từ nơi khác đến có những sở thích khác chúng tôi. Họ muốn được sống riêng biệt, không bị xâm phạm đời tư và không muốn liên quan gì tới địa phương, ngoại trừ khi đưa bạn bè đến quán bar địa phương để cho họ thấy đời sống nông thôn và những người dân lạ lùng. Họ thích động vật hoang dã, thích câu cá, đi săn và ngắm nhìn phong cảnh nhưng họ không phải là một phần của cộng đồng dân cư địa phương". Hay như Emil Erhardt nói: "Quan điểm của họ là 'tôi tới đây là để cưỡi ngựa của tôi, để ngắm những ngọn núi và câu cá, nên đừng quấy rầy tôi với những vấn đề mà vì chúng, tôi phải trốn tới đây'".
Nhưng những người giàu từ nơi khác chuyển đến cũng có những ảnh hưởng tích cực khác đến cộng đồng bản địa, Emil Erhardt bổ sung: "Nông trại Stock mang lại những công việc với mức lương cao, họ đóng phần lớn thuế tài sản cho toàn thung lũng Bitterroot, họ tự trả tiền cho đội ngũ nhân viên an ninh của mình, họ không đòi hỏi gì nhiều về các dịch vụ của cộng đồng hay chính quyền địa phương. Cảnh sát trưởng của chúng tôi không bị gọi tới để xử lý những vụ ẩu đả trong quán bar và những người sinh sống ở đó cũng không cho con cái mình đi học ở đây". John Cook thì thừa nhận: "Có một điều là, nếu ông Charles Schwab, chủ nông trại Stock, không mua tất cả khu đất đó thì nhà đầu cơ bất động sản

nào đó cũng mua và chia nó ra làm nhiều mảnh, chứ khu đất đó cũng chẳng được để không để làm nơi sinh sống cho các loài thú hoang dã hay trở thành một không gian xanh".
Do bị cuốn hút bởi môi trường đẹp đẽ của Montana, nên một số người giàu từ nơi khác đến chăm sóc tài sản của họ rất cẩn thận và trở thành người đứng đầu trong bảo vệ môi trường và quy hoạch đất đai. Ví như căn nhà nghỉ hè mà tôi thuê trong suốt bảy năm qua nằm trên bờ sông Bitterroot, phía Namnam Hamilton thuộc sở hữu của một tổ chức tư nhân mang tên "Nơi ẩn náu của động vật hoang dã" Teller. Chủ của tổ chức này là Otto Teller, một người California giàu có, thích câu cá hồi ở Montana. Một ngày, ông tức điên lên khi thấy một chiếc máy xúc lớn đang đổ đất xuống hố câu mà ông ưa thích ở sông Gallavin. ông càng tức giận hơn nữa khi thấy những cánh rừng bị các công ty khai thác gỗ tàn phá hàng loạt từ những năm 1950, giờ lại phá hỏng những dòng suối đầy cá hồi mà ông yêu thích và làm hỏng chất lượng nước suối. Năm 1984, Otto mua một khu đất lớn dọc bờ sông Bitterroot và biến nó thành nơi ẩn náu cho các loài động vật hoang dã nhưng vẫn cho phép cư dân địa phương săn bắn và câu cá ở đây. Sau này ông hiến những khu bảo tồn trên đất của mình cho một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Montana Land Reliance, để đảm bảo khu đất sẽ được quản lý, trông nom mãi mãi và chất lượng môi trường được đảm bảo. Nếu Otto Teller không mua khu đất rộng 1.600 mẫu này thì có lẽ nó đã bị chia thành những lô đất nhỏ để làm nhà.
Dòng người mới chuyển đến đông, giá đất và các loại thuế bất động sản tăng, cuộc sống nghèo khổ của những cư dân lâu đời của Montana và quan điểm bảo thủ của họ về chính quyền và các loại thuế, tất cả các yếu tố này góp phần khiến các trường học của Montana, phần lớn được cấp kinh phí từ các khoản thuế bất động sản, lâm vào tình trạng khó khăn. Do hạt Ravalli có ít bất động sản thương mại và công nghiệp nên nguồn thu chính của thuế bất động sản chính là thuế nhà đất, và các loại thuế này cũng tăng lên cùng với giá đất. Với những cư dân địa phương và những người mới chuyển đến chẳng mấy giàu có thì mỗi lần tăng thuế bất động sản là một lần họ gặp khó khăn. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên nếu họ thường phản ứng bằng cách phủ quyết đề xuất phát hành trái phiếu trường học và thu thuế bất động sản bổ sung để chi cho các trường học.
Hậu quả là trong khi các trường công chiếm tới 2/3 chi tiêu công của chính quyền hạt Ravalli, chi phí này nếu tính theo tỷ lệ thu nhập đầu người thì nó đứng cuối cùng trong số 24 hạt nông thôn của miền tây nước Mỹ tương đương với hạt Ravalli, và bản thân mức thu nhập đầu người của hạt Ravalli cũng rất thấp. Mặc dù tiêu chuẩn đánh giá chi phí cho trường học của bang Montana đã là thấp, thì chi phí cho trường học của hạt Ravalli vẫn ở mức thấp của tiêu chuẩn này. Đa phần các trường học ở các quận của hạt Ravalli đều giữ chi phí ở mức tối thiểu như pháp luật Montana yêu cầu. Lương trung bình của giáo viên Montana thấp nhất ở Mỹ, và đặc biệt ở hạt Ravalli thì mức lương này cùng với giá đất tăng khiến

giáo viên khó có thể đủ tiền mua nhà.
Những người trẻ tuổi sinh ra ở Montana đang dần rời bang ra đi bởi nhiều người trong số họ thích những lối sống khác, và còn bởi những người thích sống ở Montana lại không thể tìm được việc làm ở địa phương. Ví dụ, kể từ khi Steve Powel tốt nghiệp phổ thông ở Hamilton, 70% số bạn học của anh đã rời thung lũng Bitterroot. Không một ngoại lệ, tất cả bạn bè tôi, những người chọn sống ở Montana, đều đã từng tranh luận liệu con cháu họ sẽ ở lại những nơi chúng đến hay chúng sẽ trở về. Tất cả tám người con của Allen và Jackie Bjergo, sáu người con của Jill và tám người con của John Eliel hiện đều đang sinh sống ở ngoài Montana.
Lại một lần nữa phải trích lời của Emil Erhardt: "Chúng tôi, những người sống ở thung lũng Bitterroot, đang xuất khẩu con cái mình. Những tác động từ bên ngoài như tivi đã khiến bọn trẻ biết được ngoài thung lũng có cái gì và trong thung lũng thiếu cái gì. Mọi người đem con cái tới đây bởi không khí thoáng đãng, và còn bởi đây là nơi tuyệt vời để nuôi dạy bọn trẻ. Nhưng khi chúng lớn lên, chúng không còn muốn bầu không khí này nữa". Hằng năm, hai đứa con trai tôi rất thích tới Montana câu cá trong hai tuần nghỉ hè, còn thì cả năm chúng sống theo lối sống thành thị ở Los Angeles. Tôi nhớ chúng sửng sốt như thế nào khi bước ra khỏi một quán ăn nhanh ở Hamilton và nhận ra ở đây có quá ít nơi giải trí theo kiểu thành thị cho thanh niên địa phương, những người đang rất khao khát. Hamilton chỉ có hai rạp chiếu phim, khu buôn bán lớn nhất cũng ở Missoula, cách đó 80 kilômét. Nhiều thanh niên Hamilton cũng có chung cảm nhận như vậy khi đi khỏi Montana và nhận ra những gì còn thiếu thốn ở quê nhà.
Cũng như những vùng nông thôn miền Tây nước Mỹ nói chung, người Montana có khuynh hướng bảo thủ và hoài nghi các quy định của chính quyền. Thái độ này có nguồn gốc mang tính lịch sử bởi những cư dân đầu tiên tới đây khai hoang sống trong một khu vực vắng dân cư, xa các trung tâm, xa chính quyền nên họ phải tự lập và không thể trông chờ chính quyền giải quyết các vấn đề của họ. Người Montana đặc biệt ghét chính quyền liên bang ở Washington D.C, xa cách cả về mặt địa lý và tâm lý, chỉ giáo họ phải làm gì. (Nhưng họ lại không chê tiền của chính quyền liên bang, cứ mỗi đô-la mà Montana nộp cho Washington thì họ nhận lại khoảng 1,5 đô-la từ chính quyền). Trong mắt người Montana, đa phần các quan chức điều hành chính quyền liên bang là những người sống ở các đô thị của Mỹ nên chẳng hiểu gì về những điều kiện ở Montana. Còn trong mắt của các nhà quản lý chính quyền liên bang, môi trường Montana là báu vật của tất cả nhân dân Mỹ, chứ không chỉ của riêng người Montana.
Thậm chí xét theo tiêu chuẩn của Montana, thì thung lũng Bitterroot đặc biệt bảo thủ và chống chính phủ. Điều này có thể là do nhiều cư dân đầu tiên của Bitterroot có nguồn gốc từ những bang ly khai

trong cuộc nội chiến những năm 1860, và hàng loạt những người bảo thủ cánh hữu khổ cực chạy từ Los Angeles tới sau khi xảy ra những vụ bạo loạn trong thành phố. Như Chris Miller đã nói: "Những người tự do và dân chủ sống ở đây thường nghẹn ngào khi đọc kết quả bầu cử, bởi chúng quá bảo thủ". Những người cực đoan của chủ nghĩa bảo thủ cánh hữu ở Bitterroot còn lập ra các tổ chức dân quân là những nhóm nông dân có trang bị vũ khí. Những người này từ chối nộp thuế, buộc những người khác tránh xa tài sản của họ và bị các cư dân trong thung lũng coi là những kẻ mắc bệnh hoang tưởng.
Một hậu quả của những quan điểm chính trị ở Bitterroot là sự phản đối quy hoạch hay phân vùng của chính quyền và mang đến cảm giác rằng các chủ nông trại có quyền làm bất cứ những gì họ muốn trên mảnh đất của họ. Hạt Ravalli không có luật xây dựng cũng như không có quy hoạch toàn vùng. Ngoài hai thị trấn và vài quận được những cử tri bản địa tự nguyện quy hoạch ở một số vùng nông thôn ngoại ô, thì không có bất cứ quy định hạn chế nào trong việc sử dụng đất. Ví dụ, một tối khi tôi đang đi dạo ở Bitterroot cùng cậu con nhỏ Joshua thì nó đọc được trên một tờ báo rằng bộ phim mà nó muốn xem hiện đang được chiếu ở một trong hai rạp chiếu phim của Hamilton. Khi hỏi thăm tới nơi, tôi sửng sốt khi thấy rạp này mới được xây dựng trên khu đất nông nghiệp, bất chấp một cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học lớn ngay bên cạnh. Không hề có một quy định quy hoạch nào về việc thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Ngược lại, ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, công chúng rất quan tâm tới việc sử dụng đất nông nghiệp, và những quy định về quy hoạch hạn chế hay ngăn cấm chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích thương mại. Cảnh một nhà hát với rất nhiều xe cộ lại đặt ngay cạnh một cơ sở công nghệ sinh học nhạy cảm sẽ khiến nhiều người đặc biệt lo sợ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro