PHẦN I. MONTANA HIỆN ĐẠI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1. Dưới trời Montana bao la
- Chuyện của Stan Falkow - Montana và tôi - Lý do bắt đầu với Montana? - Lịch sử kinh tế Montana - Khai mỏ - Rừng - Đất đai - Nước - Các loài sinh vật bản địa và ngoại lai - Những nhìn nhận khác nhau - Quan điểm về các quy định pháp luật - Chuyện của Rick Laible - Chuyện của Chip Pigman - Chuyện của Tim Huls - Chuyện của John Cook - Montana, hình mẫu của thế giới.
Khi tôi hỏi ông bạn Stan Falkow, vị giáo sư vi trùng học 70 tuổi của trường Đại học Stanford, gần San Francisco, về lý do ông mua căn nhà thứ hai ở thung lũng Bitterroot của Montana. ông đã kể cho tôi Montana gắn bó với cuộc đời ông như thế nào:
"Tôi sinh ra ở New York, sau đó chuyển tới đảo Rhode. Nghĩa là, khi còn nhỏ tôi chẳng biết núi là gì cả. Những năm đầu tuổi 20, vừa tốt nghiệp đại học, tôi liền nghỉ học vài năm để làm ca đêm trong phòng khám nghiệm tử thi của một bệnh viện. Với một người trẻ tuổi chưa từng tiếp xúc với xác chết như tôi thì đó quả là một công việc rất căng thẳng. Một người bạn vừa trở về từ cuộc chiến Triều Tiên và từng trải qua rất nhiều căng thẳng ở đó, nhìn tôi và nói, 'Stan, trông cậu lo lắng quá; cậu không nên căng thẳng như thế. Thử đi câu cá xem sao!'
Vậy là tôi bắt đầu đi câu cá vược. Tôi học cách buộc mồi và thực sự bị cuốn hút, nên ngày nào cũng đi câu sau khi hết giờ làm việc. Bạn tôi nói đúng: câu cá đã giúp tôi giảm căng thẳng. Nhưng trong thời gian học cao học ở đảo Rhode, công việc lại khiến tôi rơi trở lại tình trạng đó. Một bạn học lại bảo tôi rằng câu cá không có nghĩa là chỉ câu mỗi cá vược, tôi còn có thể sang bang Massachusetts bên cạnh câu cá hồi. Vậy là tôi đi câu cá hồi. Giáo sư hướng dẫn tôi là người thích ăn cá nên ông khuyến khích tôi đi câu. ông không bao giờ nhăn mặt mỗi khi tôi bỏ thí nghiệm đi câu cá.
Bước vào tuổi 50, lại một khoảng thời gian căng thẳng của cuộc đời tôi bởi cuộc ly dị khó khăn và một số điều khác. Thời kỳ đó, tôi lại dành thời gian để đi câu chỉ ba lần mỗi năm. Sinh nhật lần thứ năm mươi khiến nhiều người trong chúng ta suy ngẫm về những gì ta muốn làm với phần đời còn lại của mình. Tôi đã suy ngẫm về cuộc đời của cha tôi, và tôi nhớ rằng ông đã chết ở tuổi 58. Tôi thấy choáng váng trước ý nghĩ, nếu chỉ thọ bằng ông thì tôi chỉ còn được đi câu 24 lần nữa trước khi từ biệt cõi đời này. Tôi cảm thấy mình còn rất ít thời gian để làm điều gì đó mình ưa thích. Nhận thức đó khiến tôi bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để dành nhiều thời gian hơn cho những gì mình thực sự ưa thích trong những năm tháng còn lại, trong đó có cả câu cá.

Lúc đó, đột nhiên tôi được cử đi đánh giá một phòng thí nghiệm ở thung lũng Bitterroot, tây nam Montana. Trước đó tôi chưa từng tới Montana, thực ra tôi cũng chưa từng tới phía tây sông Mississippi, mãi cho tới năm 40 tuổi. Xuống sân bay Missoula, tôi thuê một chiếc xe lái tới miền nam thị trấn Hamilton, nơi có phòng thí nghiệm. Cách vài chục kilômét về phía Nam Missoula là một con đường dài thẳng tắp, trên một thung lũng bằng phẳng là những nông trại, cùng với rặng núi Bitterroot tuyết phủ ở phía tây và rặng Sapphire ở phía đông đột nhiên vươn lên khỏi thung lũng. Tôi thực sự sững sờ trước phong cảnh hùng vĩ này; tôi chưa thấy ở đâu có phong cảnh đẹp tới vậy. Nó mang lại cho tôi cảm giác yên bình và suy nghĩ lạ kỳ về thân phận của mình trong thế giới.
Khi tới phòng thí nghiệm, tôi vô tình gặp lại một sinh viên cũ của tôi đang làm việc ở đây và anh ta biết sở thích câu cá của tôi. Anh khuyên tôi nên quay lại vào năm sau để tiến hành một số thí nghiệm và để câu cá hồi, cá hồi sông Bitterroot rất nổi tiếng. Đúng hẹn, mùa hè năm sau tôi quay lại với ý định chỉ ở lại đây khoảng hai tuần, nhưng rồi tôi đã ở đây cả một tháng. Mùa hè sau nữa, tôi lại tới với ý định ở lại một tháng và rồi lại ở đó suốt cả mùa hè, cuối cùng vợ chồng tôi quyết định mua một căn nhà trong thung lũng. Từ đó, năm nào chúng tôi cũng tới đây và dành phần lớn thời gian trong năm cho Montana. Mỗi lần trở lại Bitterroot, khi bước vào con đường thẳng tắp ở phía Nam Missoula, hình ảnh đầu tiên của thung lũng lại khiến tôi có cảm giác thanh bình và hùng vĩ, cảm nhận mối liên hệ của tôi với vũ trụ. Ấn tượng này ở Montana lớn hơn bất kỳ nơi nào khác".
Đó là những gì mà vẻ đẹp của Montana mang lại cho con người. Từ những người lớn lên ở những nơi hoàn toàn khác Montana, như Stan Falkow và tôi, cho tới những người bạn như John Cook, từng lớn lên ở những vùng núi khác ở phía Tây nước Mỹ, đều bị Montana cuốn hút. Ngay cả những người, như các thành viên gia đình Hirschy, sinh ra và lớn lên ở Montana đều chọn đây làm nơi sinh sống.
Cũng như Stan Falkow, tôi sinh ra ở Boston, đông bắc nước Mỹ và mãi tới khi 15 tuổi mới được tới phía Tây Mississippi. Hồi đó, cha mẹ tôi đưa tôi đi nghỉ hè vài tuần ở lưu vực Big Hole, phía Nam thung lũng Bitterroot (xem hình 3). Cha tôi là bác sĩ nhi khoa điều trị cho Johnny Eliel, cháu của một chủ nông trại, bị mắc một căn bệnh nguy hiểm mà bác sĩ của gia đình ở Montana bó tay và đề nghị đưa cậu bé tới Boston để điều trị đặc biệt. Johnny là chắt trai của Fred Hirschy Sr., một người Thụy Sĩ nhập cư và cũng là một trong những nông dân tiên phong của vùng Big Hole trong những năm 1890. Thời điểm tôi tới thăm nông trại, con trai ông là Fred Jr., cũng đã 69 tuổi và vẫn điều hành nông trại của gia đình, cùng với hai con trai lớn là Dick và Jack Hirschy và các con gái là Jill Hirschy Eliel (mẹ của Johny) và Joyce Hirschy McDowell. Dưới sự điều trị của cha tôi, sức khỏe của Johnny tiến triển rất tốt, bởi vậy ông bà và cha mẹ cậu ấy đã mời gia đình tôi tới thăm nông trại.
Cũng giống như Stan Falkow, tôi lập tức bị choáng ngợp bởi phong cảnh của Big Hole: Một thung lũng

bằng phẳng bao la với những bãi cỏ và những con suối quanh co, bao quanh là những dãy núi bốn mùa tuyết phủ nổi bật trên nền trời. Montana tự gọi mình là "tiểu bang Bầu trời bao la". Đúng như vậy. Ở những nơi tôi từng qua, hoặc những tòa nhà chọc trời che khuất tầm nhìn của con người về phía chân trời, như trong các thành phố; hoặc có núi nhưng địa hình gồ ghề và thung lũng lại hẹp, bởi vậy chỉ nhìn thấy một mảng trời như ở New Guinea và vùng Alps. Có nơi bầu trời mở rộng nhưng lại chẳng mấy thú vị bởi không có những rặng núi độc đáo ở phía chân trời, như đồng bằng Iowa và Nebraska. Ba năm sau, khi đã là sinh viên, tôi lại tới nghỉ hè ở nông trại của Dick Hirschy cùng với hai người bạn và chị gái tôi. Cả đám chúng tôi cùng tham gia thu hoạch cỏ khô cho các nông trại của dòng họ Hirschy. Tôi thì lái máy cắt cỏ, chị tôi thì cào cỏ, các bạn tôi thì đánh đống cỏ khô.
Sau mùa hè năm 1956 đó, phải rất lâu sau tôi mới trở lại Montana. Những năm sau đó tôi nghỉ hè ở những nơi khác, nơi cũng có những cảnh đẹp như New Guinea và Andes, nhưng tôi không thể quên Montana và dòng họ Hirschy. Cuối cùng, năm 1998, tôi đột nhiên nhận được lời mời của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Teller, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận tại Bitterroot. Đây là cơ hội để tôi đưa hai cậu con sinh đôi tới Montana để dạy chúng câu cá hồi khi chúng vẫn còn ít hơn tôi vài tuổi so với lần đầu tiên tôi tới tiểu bang này. Lập tức các con tôi cũng bị trò câu cá cuốn hút, một đứa hiện đang học để trở thành hướng dẫn viên câu cá. Tôi lại khôi phục mối quan hệ với Montana và tới thăm lại ông chủ nông trại Dick Hirschy cùng các anh chị em của ông. Tất cả đều đã trong độ tuổi 70-80 nhưng vẫn làm việc chăm chỉ suốt cả năm, như lần đầu tiên tôi gặp họ cách đây 45 năm. Từ đó, năm nào tôi cũng cùng vợ con về thăm Montana. Tất cả chúng tôi đều bị cuốn hút bởi phong cảnh độc đáo, khó quên của vùng đất này với bầu trời bao la như đã lôi cuốn và giữ chân bạn bè tôi (Phụ bản 1-3).
Bầu trời Montana ngày càng lớn dần trong tôi. Sau nhiều năm sinh sống ở những nơi khác, tôi thấy mình bị Montana cuốn hút khiến tôi quay trở lại đây nhiều lần và trở nên quen thuộc với cảnh phía trên là bầu trời bao la, bên dưới là thung lũng với những dãy núi bao quanh. Tôi thực sự mong muốn được sống trong phong cảnh hùng vĩ này. Tôi thấy mình có thể trải lòng với Montana, cho dù đi xa nhưng tôi vẫn biết rằng một ngày nào đó mình sẽ quay trở lại. Với tôi và gia đình, Los Angeles có những ưu điểm như một nơi để làm việc, học tập và sinh sống tốt. Nhưng Montana thực sự đẹp hơn nhiều và (như Stan Falkow đã nói) rất yên bình. Với tôi, cảnh đẹp nhất thế giới chính là cảnh những đồng cỏ bao la của Big Hole với những đỉnh núi cao tuyết phủ của dãy Đại lục phân thủy1 khi nhìn từ cổng nông trại của Jill và John Eliel.
Montana nói chung, và thung lũng Bitterroot ở phía tây nam, là một mảnh đất của những nghịch lý. Trong số 48 tiểu bang ở vùng thấp, Montana là tiểu bang có diện tích lớn thứ ba trong khu vực và có số dân nhỏ thứ sáu, bởi vậy mật độ dân số thấp thứ hai. Ngày nay, thung lũng Bitterroot trông rất tươi

tốt, nhưng loại thực vật tự nhiên chính gốc ở đây chỉ có cây ngải đắng. Hạt Ravalli, nơi có thung lũng, có phong cảnh rất đẹp và thu hút nhiều người từ khắp nơi trên nước Mỹ về đây sinh sống, (kể cả những người từ những vùng khác của tiểu bang Montana). Đây cũng là một trong những hạt có tỷ lệ dân số tăng nhanh nhất nước Mỹ, nhưng 70% số học sinh tốt nghiệp trung học lại rời bỏ thung lũng, và phần lớn số này rời bỏ Montana ra đi. Mặc dù dân số của Bitterroot đang tăng, nhưng dân số ở phía đông Montana lại giảm đi, bởi vậy dân số trên toàn tiểu bang Montana ở mức cân bằng. Trong thập kỷ qua, số cư dân trong độ tuổi 50 của hạt Ravalli tăng mạnh, nhưng cư dân trong độ tuổi 30 lại giảm. Gần đây, trong số những người mua nhà ở thung lũng có những người rất giàu, như nhà sáng lập môi giới bất động sản Charles Schwab và chủ tịch Intel Craig Barrett, nhưng hạt Ravalli vẫn là một trong những hạt nghèo nhất bang Montana, trong khi Montana gần như là tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ. Nhiều cư dân của hạt phải làm tới 2-3 công việc, nhưng thu nhập vẫn chỉ ở mức nghèo khổ của nước Mỹ.
Chúng tôi gắn bó với Montana bởi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của nó. Thực tế, môi trường Montana có lẽ là môi trường ít bị tàn phá nhất so với 48 bang ở vị trí thấp, và đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người lại chuyển tới hạt Ravalli sinh sống. Chính quyền liên bang sở hữu hơn 1/4 số đất đai của tiểu bang và 3/4 số đất đai của hạt Ravalli, phần lớn là các khu rừng quốc gia. Tuy nhiên, thung lũng Bitterroot lại là một thế giới thu nhỏ hội tụ đầy đủ các vấn đề liên quan đến môi trường đang hoành hành trên khắp nước Mỹ như dân số tăng nhanh, tình trạng nhập cư ồ ạt, nước ngày càng khan hiếm trong khi chất lượng nước giảm, chất lượng không khí cục bộ và theo mùa giảm, các loại chất thải độc hại, nguy cơ cháy rừng cao, rừng bị suy thoái, đất bị xói mòn hay bạc màu, đa dạng sinh học bị tổn hại, những loài sinh vật hại ngoại lai xuất hiện nhiều cùng những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu.

Hình 3. Montana hiện nay
Montana là trường hợp nghiên cứu điển hình lý tưởng để mở đầu cho cuốn sách này về các vấn đề môi trường trước đây và hiện nay. Đối với các xã hội trước đây mà tôi sẽ thảo luận là Polynesia, Anasazi, Maya, Norse của Greenland và những xã hội khác, chúng ta biết được những hậu quả cuối cùng mà cư dân các xã hội này phải gánh chịu trước những quyết định quản lý môi trường của họ. Nhưng chúng ta không biết tên tuổi hay cuộc đời của các cá nhân, và chúng ta chỉ có thể phỏng đoán động cơ khiến họ hành động như những gì đã làm. Ngược lại, trong Montana hiện đại, chúng ta biết rõ tên tuổi, tiểu sử cuộc đời và các động cơ của dân cư. Một số người là bạn của tôi trong suốt hơn 50 năm qua. Hiểu được những động cơ của Montana, chúng ta có thể hình dung tốt hơn về những động cơ trong quá khứ. Chương này sẽ nói về các cuộc sống cá nhân, để cuốn sách bớt phần trừu tượng.
Ngoài ra, Montana còn mang lại sự cân bằng hữu ích cho những thảo luận trong các chương sau về các xã hội trước đây, bé nhỏ, nghèo nàn và xa xôi trong những môi trường dễ bị tổn hại. Tôi cố tình chọn những xã hội này để thảo luận bởi chúng từng gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng do tổn hại môi trường, bởi vậy chúng là những minh họa sống động về các quá trình mà cuốn sách này nghiên cứu. Nhưng chúng không phải là những hình thái xã hội duy nhất dễ bị tác động bởi các vấn đề môi trường nghiêm trọng, như đã minh họa với trường hợp trái ngược của Montana. Montana là một phần lãnh thổ của quốc gia giàu nhất thế giới, và cũng là vùng đất hoang sơ nhất và có số dân thấp nhất nước Mỹ. Dường như tiểu bang này cũng ít gặp các vấn đề môi trường và dân số so với các tiểu bang khác. Chắc chắn, các vấn đề môi trường của Montana ít khắc nghiệt hơn nhiều so với những vấn đề như dân cư đông đúc, khói bụi từ các phương tiện giao thông, chất lượng và trữ lượng nước, và các loại chất thải độc hại hiện đang bủa vây người dân Mỹ ở thành phố Los Angeles, nơi tôi sống, cũng như ở những đô thị khác trên toàn nước Mỹ. Mặc dù vậy, nếu thậm chí Montana có những vấn đề về dân số và môi trường, thì càng dễ đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề này ở những bang khác của nước Mỹ. Montana sẽ minh họa năm chủ đề chính của cuốn sách, đó là: tác động của con người tới môi trường; thay đổi khí hậu; quan hệ của một xã hội với các xã hội láng giềng hữu nghị (trong trường hợp Montana là quan hệ với các tiểu bang khác của nước Mỹ); một xã hội với nguy cơ ảnh hưởng từ những xã hội thù địch (như khủng bố nước ngoài và các nước sản xuất dầu lửa hiện nay); và tầm quan trọng của việc một xã hội ứng phó như thế nào với các vấn đề của nó.
Những bất lợi môi trường giống nhau không chỉ gây cản trở cho hoạt động sản xuất lương thực trên khắp vùng núi phía Tây nước Mỹ, mà còn làm hạn chế khả năng trồng trọt và chăn nuôi gia súc của Montana. Những bất lợi môi trường đó là: lượng mưa của Montana tương đối thấp nên làm chậm khả năng tăng trưởng của cây trồng; vĩ độ và độ cao của Montana cao nên mùa vụ trồng trọt ngắn và chỉ

trồng một vụ mỗi năm chứ không thể trồng hai vụ như những vùng có mùa hè dài hơn. Monata cũng nằm xa các thị trường đông dân cư khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn. Như vậy có nghĩa là những gì trồng được ở Montana thì cũng có thể trồng được ở bất cứ đâu ở Bắc Mỹ với giá rẻ hơn, sản lượng cao hơn, vận chuyển tới những trung tâm dân cư nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Bởi vậy, lịch sử Montana là hàng loạt những nỗ lực nhằm tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi cơ bản là làm thế nào để có thể sống trên mảnh đất tươi đẹp nhưng lại thiếu sức cạnh tranh nông nghiệp này.
Lịch sử tồn tại của con người Montana được chia thành vài giai đoạn kinh tế. Giai đoạn đầu là của thổ dân châu Mỹ, những người đã đặt chân tới đây từ ít nhất 13.000 năm trước. Trái ngược với những xã hội nông nghiệp mà họ đã phát triển ở miền đông và miền nam Bắc Mỹ, trước khi người châu âu đặt chân tới đây, thổ dân châu Mỹ của Montana vẫn chỉ biết săn bắn và hái lượm, thậm chí ngay cả trong các khu vực hiện nông nghiệp và chăn nuôi đang rất phát triển. Có một lý do là Montana không có các loài động thực vật bản địa hoang dã để thuần hóa, nên nền nông nghiệp của Montana không có nguồn gốc độc lập, trái ngược với tình trạng ở phía đông Bắc Mỹ và Mexico. Một lý do khác là Montana nằm quá xa hai trung tâm thổ dân châu Mỹ có nền nông nghiệp độc lập, cho nên các sản phẩm nông nghiệp ở đây không tới được Montana mãi tới khi người châu âu xuất hiện. Ngày nay, khoảng 3/4 số thổ dân còn lại của Montana sống trong bảy khu bảo tồn thiên nhiên nghèo nàn tài nguyên, chỉ có những thảo nguyên bao la.
Theo sử sách, những người châu âu đầu tiên đặt chân tới Montana là những thành viên trong đoàn thám hiểm xuyên lục địa Lewis and Clark vào khoảng năm 1804 - 1806. Họ đã dành nhiều thời gian để thám hiểm vùng đất sau này là Montana hơn so với những tiểu bang khác của nước Mỹ. Tiếp đó là giai đoạn kinh tế thứ hai của Montana liên quan tới "những người miền núi" là những thợ săn và các thương gia từ Canada và Mỹ tới. Giai đoạn tiếp theo bắt đầu vào những năm 1860 dựa trên ba trụ cột kinh tế Montana phát triển tới tận bây giờ (mặc dù tầm quan trọng đã giảm) là: khai mỏ, đặc biệt là đồng và vàng; khai thác gỗ; và sản xuất lương thực, bao gồm cả chăn nuôi gia súc, cừu và trồng lúa mì, rau quả. Những dòng thợ mỏ đổ tới mỏ đồng lớn của Montana ở Butte đã kích thích các lĩnh vực kinh tế khác phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường nội bang. Đặc biệt, nhiều cây gỗ đã bị chặt ở thung lũng Bitterroot gần đó để thợ mỏ sưởi ấm và đun nấu, để dựng nhà và để chống lò. Lương thực cung cấp cho thợ mỏ đa phần được trồng ngay trong thung lũng ở phía nam của bang, nơi có khí hậu ôn hòa (theo tiêu chuẩn của Montana) với biệt danh "Vành đai chuối của Montana". Mặc dù lượng mưa trong thung lũng thấp (33,02 xăngtimét mỗi năm) và thực vật tự nhiên chỉ có cây ngải đắng, nhưng những người châu âu đầu tiên tới đây khai hoang đã bước đầu khắc phục bất lợi này bằng cách xây dựng những con kênh nhỏ tưới ruộng lấy nước từ những con suối bắt nguồn từ rặng núi Bitterroot, ở sườn phía tây thung lũng. Sau này, nhờ có cơ khí, họ tiếp tục xây dựng hai hệ thống thủy lợi quy mô lớn

hơn, tốn kém hơn. Một hệ thống tên là Big Ditch được xây dựng vào năm 1908 - 1910 dẫn nước từ hồ Como ở sườn phía tây thung lũng, và hệ thống kia bao gồm một số kênh tưới tiêu lớn lấy nước ngay từ sông Bitterroot. Cùng với những lợi ích khác, hệ thống thủy lợi này đã làm xuất hiện hàng loạt những vườn táo ở thung lũng Bitterroot vào đầu những năm 1880 và đạt tới đỉnh điểm vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, hiện vẫn còn một số ít vườn táo trồng với mục đích thương mại.
Trong số những nền tảng kinh tế cũ của Montana, săn bắn và đánh cá đã chuyển từ chỗ là hình thức kiếm sống sang thành hình thức giải trí. Lĩnh vực buôn bán lông thú bị phá sản và vai trò quan trọng của các ngành khác như khai mỏ, khai thác gỗ và nông nghiệp đang giảm dần bởi ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế và môi trường thảo luận dưới đây. Thay vào đó, các lĩnh vực kinh tế khác hiện đang rất phát triển là du lịch, giải trí, những người tới nghỉ hưu và chăm sóc sức khỏe. Năm 1996, một bước ngoặt tượng trưng đánh dấu sự chuyển đổi kinh tế của thung lũng Bitterroot là khi ông trùm môi giới bất động sản Charles Schwab giàu có mua lại nông trại Bitterroot Stock rộng 2.600 mẫu từ nhà tư bản khai thác đồng của Montana là Marcus Daly. Ngay sau đó, ông cho xây dựng những căn nhà trên khu đất này để bán lại cho những người Mỹ giàu có muốn mua căn nhà thứ hai (thậm chí thứ ba, thứ tư) ở thung lũng xinh đẹp ấy chỉ để tới đây câu cá, đánh gôn, cưỡi ngựa, đi săn một vài lần trong năm. Nông trại Stock còn có một sân gôn 18 lỗ và khoảng 125 chiếc lều. Nói là "lều" nhưng đó là một công trình kiến trúc với 6 phòng ngủ trên diện tích đất rộng 1.800 m2, có giá bán từ 800.000 đô-la trở lên. Những người mua đất của nông trại Stock phải chứng minh thu nhập của mình, ít nhất cũng phải đủ khả năng đóng phí hội viên câu lạc bộ với phí ban đầu là 125.000 đô-la, cao gấp bảy lần thu nhập hằng năm của cư dân hạt Ravalli. Nông trại Stock có hàng rào bao quanh, và ngay ở cổng vào có dòng chữ: "Chỉ dành cho các thành viên và khách tới thăm". Nhiều chủ nhà tới đây bằng máy bay riêng, mặc dù hiếm khi đi dạo hay mua sắm ở Hamilton, nhưng họ lại thích ăn uống ở câu lạc bộ của nông trại Stock, hoặc thưởng thức hoa quả do nhân viên câu lạc bộ mua từ Hamilton. Như một cư dân Hamilton đã nói với tôi giọng chua chát: "Bạn có thể nhận ra hàng đoàn quý tộc khi họ ra thị trấn dạo chơi trong những bộ đồ bó sát người trông như những du khách nước ngoài vậy".
Một số cư dân lâu năm của thung lũng Bitterroot kinh ngạc khi kế hoạch phát triển nông trại Stock được công bố. Họ không tin sẽ có người bỏ ra số tiền lớn tới vậy để mua đất thung lũng và những lô đất sẽ chẳng bán được. Hóa ra họ đã lầm. Rất nhiều người giàu có trên khắp nước Mỹ tới xem và mua đất ở thung lũng, và sự kiện khai trương nông trại Stock trở thành một sự kiện quan trọng bởi quá nhiều người đổ xô tới mua đất ở Bitterroot cùng một lúc. Hơn nữa, nông trại Stock đã làm tăng giá trị đất thung lũng lên nhiều lần khi sử dụng vào mục đích giải trí so với những mục đích truyền thống như chăn bò và trồng táo.

Những vấn đề môi trường ngày nay của Montana bao gồm hầu như cả tá vấn đề đã tàn phá các xã hội tiền công nghiệp trước đây, cũng như hiện đang đe dọa các xã hội trên khắp thế giới. Những vấn đề môi trường nổi bật ở Montana là chất thải độc hại, rừng, đất, nước (và đôi khi cả không khí), thay đổi khí hậu, tổn hại đa dạng sinh học và sự du nhập của các loài sinh vật hại. Hãy bắt đầu với vấn đề dường như rõ ràng nhất, đó là chất thải độc hại.
Trong khi người dân Montana ngày càng lo lắng về những tác hại gây ra do rò rỉ thuốc trừ sâu, phân bón, các thùng chứa rác, thuốc diệt cỏ, thì vấn đề rác thải độc hại lớn nhất chính là các loại phế thải của ngành khai thác mỏ. Một số phế thải có từ thế kỷ trước, số khác mới xuất hiện gần đây hoặc hiện vẫn đang được thải ra. Khai thác kim loại - đặc biệt là đồng, ngoài ra còn chì, molybdenum, paladi, bạch kim, kẽm, vàng, và bạc – là một trong những ngành kinh tế truyền thống trụ cột của nền kinh tế Montana. Không ai phủ nhận tầm quan trọng của ngành mỏ với nền văn minh hiện đại và với các ngành công nghiệp phải sử dụng kim loại như hóa chất, xây dựng, điện và điện tử. Vấn đề là làm thế nào để có thể khai thác các vỉa quặng một cách tốt nhất.
Đáng buồn là, lượng quặng được mang đi khỏi mỏ quặng ở Montana để tách lấy kim loại chỉ là một phần nhỏ so với số đất đá bị đào lên. Phế thải còn lại là đất đá thải và các loại phế phẩm vẫn còn chứa đồng, thủy ngân, cadimi và chì là những chất độc hại cho con người (cũng như cho các loài thủy sản, động vật hoang dã và gia súc). Càng nguy hiểm hơn nếu các chất độc này thấm vào đất đai, ngấm vào nguồn nước ngầm và chảy ra các sông hồ. Hơn nữa, quặng của Montana thuộc loại giàu sunfua sắt, có thể tạo thành axit sunfua. Hiện ở Montana có chừng 20.000 mỏ bị bỏ hoang; một số mỏ mới bị bỏ hoang, nhưng nhiều mỏ đã bị bỏ hoang hàng thế kỷ nay, thậm chí còn lâu hơn nữa và có nguy cơ rò rỉ axit và các loại kim loại độc hại mãi mãi. Đa phần chủ sở hữu các mỏ này không còn sống để phải chịu các trách nhiệm tài chính, hoặc có còn sống thì cũng không đủ khả năng tài chính để phục hồi môi trường mỏ và xử lý liên tục hiện tượng rò rỉ axit.
Từ hơn một thế kỷ trước, người dân đã nhận ra những tác hại do khai thác mỏ từ một mỏ đồng lớn và từ nhà máy luyện đồng tại Butte, khi bò của các nông trại chết dần chết mòn và các nông dân đã kiện công ty khai thác đồng Anaconda. Công ty này phủ nhận trách nhiệm và thắng kiện, nhưng dù sao vào năm 1907, công ty cũng đã xây dựng một số bể lắng đầu tiên để giữ lại các chất thải độc hại. Bởi vậy, từ lâu chúng ta đã biết rằng các loại phế thải độc hại trong khai thác mỏ có thể được giữ lại để giảm thiểu tác hại. Hiện một số mỏ mới trên thế giới đã áp dụng các công nghệ hiện đại để xử lý chất thải độc hại, trong khi không ít mỏ vẫn cố tình lờ đi. Hiện nay ở Mỹ, theo quy định của pháp luật, khi một công ty khai thác một mỏ mới, họ phải mua một loại trái phiếu để ký quỹ đảm bảo thanh toán chi phí làm sạch mỏ trong trường hợp công ty khai mỏ đó phá sản. Nhưng có một vấn đề là chi phí làm sạch

của nhiều mỏ còn cao hơn giá trị của trái phiếu nhiều lần, đồng thời khi khai thác một số mỏ cũ hơn, họ lại không buộc phải mua loại trái phiếu này.
Ở Montana cũng như những nơi khác, nhiều công ty đã mua lại những mỏ lâu đời hơn để trốn tránh chi phí phục hồi môi trường mỏ bằng một trong hai cách. Thứ nhất, nếu công ty đó có quy mô nhỏ, chủ công ty có thể tuyên bố phá sản, một vài trường hợp thì giấu giếm tài sản và chuyển giao hoạt động kinh doanh cho các công ty khác hay cho các công ty mới thành lập không phải chịu trách nhiệm làm sạch mỏ cũ. Thứ hai, nếu là công ty lớn thì không thể viện cớ các chi phí làm sạch sẽ khiến công ty phá sản (như trong trường hợp của tập đoàn ARCO mà tôi sẽ đề cập phần sau), thì công ty sẽ phủ nhận trách nhiệm hay tìm cách giảm thiểu chi phí. Dù trường hợp nào, nếu khu mỏ hoặc nguồn nước trong khu vực vẫn bị nhiễm độc có thể gây nguy hiểm cho con người thì chính quyền Mỹ và chính quyền tiểu bang Montana (cuối cùng vẫn là những người đóng thuế) phải bỏ kinh phí để làm sạch thông qua quỹ bảo vệ môi trường Superfund của liên bang và một quỹ tương tự của tiểu bang.
Hai kiểu phản ứng này của các công ty mỏ làm nảy sinh một câu hỏi lặp đi lặp lại trong suốt cuốn sách, khi chúng ta cố gắng tìm hiểu tại sao bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trong bất kỳ xã hội nào cũng cố tình gây hại cho cả xã hội. Trong khi hành vi phủ nhận hay giảm thiểu trách nhiệm đối với các vấn đề môi trường có thể mang lại lợi ích tài chính trước mắt cho công ty khai mỏ, thì nó lại gây tổn hại cho toàn xã hội, hay cho toàn ngành khai mỏ. Mặc dù từ lâu, con người Montana đã coi ngành mỏ như một giá trị truyền thống biểu tượng của tiểu bang, thì gần đây họ cũng bắt đầu vỡ mộng với ngành mỏ và chung sức đẩy ngành này tới chỗ cáo chung. Ví dụ, năm 1998 ngành mỏ cùng với những chính trị gia ủng hộ nó bàng hoàng khi cử tri Montana bỏ phiếu thông qua quy định cấm khai thác vàng bằng phương pháp hòa tách đống (heap-leach) có sử dụng xyanua, sẽ được thảo luận kỹ hơn ở phần sau. Một số bạn bè tôi ở Montana nói: nhìn lại vấn đề, khi so sánh chi phí làm sạch môi trường mỏ lên tới nhiều tỷ đô-la là tiền thuế mà chúng ta chúng ta đóng góp với phần nhỏ thu nhập từ trước tới nay từ các mỏ của Montana, thì chúng ta sẽ thấy phần lớn lợi nhuận đã chảy vào túi cổ đông của các công ty ở miền đông nước Mỹ hay ở châu âu xa xôi. Chúng ta cũng thấy rằng, sẽ tốt hơn cho Montana nếu nó không khai thác đồng mà chỉ nhập khẩu từ Chile và cứ để lại mọi hậu quả cho người Chile gánh chịu!
Chúng ta không phải là thợ mỏ nên rất dễ căm ghét các công ty khai mỏ và coi hành vi của họ là vô đạo đức. Chả lẽ họ không biết rằng họ đang cố tình gây hại cho chúng ta và giờ đây lại trốn tránh trách nhiệm? Trong nhà vệ sinh của một người bạn tôi có gắn một tấm biển viết: "Đừng dội nước. Hãy làm như ngành mỏ: cứ để đó cho người khác dọn chất thải của bạn".
Thực ra vấn đề đạo đức phức tạp hơn nhiều. Đây là một lý giải mà tôi trích dẫn từ một cuốn sách mới đây: "... ASARCO [Công ty luyện và chế biến kim loại Mỹ, một công ty lớn chuyên khai thác và chế

biến kim loại] khó có thể bị buộc tội [vì không làm sạch môi trường tại một mỏ đặc biệt độc hại của công ty]. Các ngành kinh doanh Mỹ sinh ra là để kiếm tiền cho những người chủ, đó là một mục tiêu của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Một hệ quả tất yếu của việc kiếm tiền là không tiêu tiền vô ích... một triết lý chặt chẽ không chỉ áp dụng trong ngành mỏ. Kinh doanh thành công cần phân biệt rõ ràng giữa những chi phí cần thiết giữ lại để tiếp tục kinh doanh với những chi phí là 'nghĩa vụ đạo đức' sâu sắc hơn. Những khó khăn hay miễn cưỡng khi hiểu và chấp nhận sự khác biệt này càng làm tăng thêm sự căng thẳng giữa những người ủng hộ các chương trình bảo vệ môi trường rộng rãi và cộng đồng kinh doanh. Các thương gia hàng đầu luôn là những người thực tế chứ không phải những người chỉ thuyết giáo". Những giải thích trên không phải từ Giám đốc điều hành của ASARCO, mà là của nhà tư vấn môi trường David Stiller, tác giả của cuốn sách: Vết thương phía Tây: Montana, Ngành mỏ và Môi trường đánh giá vấn đề chất thải mỏ độc hại ở Montana nghiêm trọng như thế nào và xã hội đã thực sự làm những gì để giải quyết vấn đề này.
Có một thực tế tàn nhẫn rằng hiện không có biện pháp rẻ tiền nào có thể làm sạch các mỏ cũ kỹ. Những gì thợ mỏ đã làm trước đây là do chính phủ hầu như không buộc họ phải tuân thủ một nguyên tắc nào, và bởi họ là những nhà kinh doanh hành động theo các nguyên tắc mà David Stiller đã lý giải. Mãi tới năm 1971, Montana mới ban hành một đạo luật buộc các công ty khai mỏ phải làm sạch môi trường khu vực khai thác khi đóng cửa mỏ. Thậm chí nếu những công ty giàu có (như ARCO và ASARCO) có ý định làm sạch môi trường cũng sẽ trở nên miễn cưỡng khi thấy rằng họ bị buộc phải làm điều không thể, hoặc chi phí sẽ rất cao, hoặc có thể đạt được kết quả nhưng thấp hơn những gì mà công chúng mong chờ. Khi chủ một mỏ không đủ khả năng tài chính hay trốn tránh trách nhiệm, thì những người nộp thuế cũng không muốn tham gia và tiêu tốn hàng tỷ đô-la cho việc làm sạch môi trường. Thay vào đó, những người nộp thuế cho rằng vấn đề môi trường này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài và không ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân họ, như vậy thì có thể tiếp tục chịu đựng được. Đa phần những người đóng thuế phản đối chi tiền nếu không xảy ra khủng hoảng ngay lập tức và cũng không nhiều người phàn nàn về những loại rác thải độc hại hay ủng hộ áp dụng các mức thuế cao hơn. Về mặt này, công chúng Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm cùng với những thợ mỏ và chính quyền bởi sự trì trệ của họ; chính chúng ta là những người phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Chỉ khi công chúng gây sức ép với các chính trị gia buộc họ phải thông qua những đạo luật, quy định các hành vi mà các công ty mỏ phải thực hiện thì những công ty này mới thay đổi cách hoạt động. Nếu không, các công ty này sẽ hoạt động như các tổ chức từ thiện và vi phạm trách nhiệm của họ với các cổ đông. Ba trường hợp minh họa cho những hậu quả khác nhau của những tình trạng rắc rối tới tận bây giờ là sông Clark Fork, đập Milltown và công ty mỏ Pegasus Zortman-Landusky.
Năm 1882, các công ty mỏ, sau này trở thành Công ty Khai thác đồng Anaconda, bắt đầu khai thác tại

Butte gần thượng nguồn sông Clark Fork, một nhánh của sông Columbia. Năm 1900, Butte chiếm tới một nửa sản lượng đồng của nước Mỹ. Tới năm 1955, phần lớn các mỏ ở Butte đều là mỏ hầm lò, nhưng cũng trong năm này, Anaconda bắt đầu bóc đất đá mở một mỏ lộ thiên mang tên Berkeley Pit, hiện vẫn còn một chiếc hố lớn với đường kính hơn 1,6 kilômét và sâu gần 550 mét. Một lượng lớn các loại phế thải có chứa axit cùng với những kim loại độc hại đã bị đổ xuống sông Clark Fork. Nhưng sau đó Anaconda bắt đầu bị thua lỗ do hàng loạt vấn đề như cạnh tranh từ đồng giá rẻ của nước ngoài, các mỏ của công ty tại Chile bị sung công và công chúng Mỹ ngày càng quan tâm tới môi trường. Năm 1976, Anaconda bị công ty dầu lửa ARCO mua lại (và gần đây lại bị bán cho công ty dầu lửa lớn hơn là BP), nhà máy luyện đồng đóng cửa vào năm 1980, cuối cùng phải đóng cửa mỏ vào năm 1983 khiến hàng ngàn lao động mất việc làm và khiến doanh thu của vùng Butte giảm tới 3/4.
Sông Clark Fork, kể cả mỏ Berkeley Pit, hiện là khu vực cần làm sạch môi trường lớn nhất và tốn kém nhất của quỹ môi trường Superfund của Mỹ. Quan điểm của ARCO là không công bằng khi bắt công ty phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do những chủ mỏ trước đó gây ra, thậm chí trước cả khi ban hành luật Superfund. Chính quyền liên bang và chính quyền bang thì cho rằng ARCO mua lại tài sản của Anaconda thì cũng phải kế thừa những trách nhiệm của Anaconda. ít nhất ARCO và BP không phải tuyên bố phá sản. Như một người bạn ủng hộ môi trường nói với tôi: "Họ đang cố lẩn tránh trách nhiệm để số tiền phải trả càng ít càng tốt, nhưng còn có những công ty khác hành động tệ hơn ARCO nhiều lần". Từ nay trở đi, nước chứa axit chảy vào mỏ Berkeley Pit sẽ được bơm ra và xử lý mãi mãi. ARCO đã trả vài trăm triệu đô-la cho chính quyền tiểu bang Montana để phục hồi môi trường vùng Clark Fork và ước tính trách nhiệm xử lý môi trường sẽ khiến công ty này mất tới một tỷ đô-la, nhưng đây chỉ là con số ước tính bởi việc xử lý làm sạch khu mỏ tiêu tốn rất nhiều năng lượng, ai mà biết được giá năng lượng 40 năm sau sẽ như thế nào?
Trường hợp thứ hai là đập Milltown, được xây dựng năm 1907 qua nhánh sông Clark Fork ở Butte để phát điện cho một nhà máy cưa ở gần đó. Kể từ đó, khoảng hơn 6 triệu mét khối bùn lắng nhiễm thạch tín, cadimi, đồng, chì và kẽm bị rửa trôi từ các mỏ của Butte tích tụ trong một hồ chứa sau đập. Hậu quả, một vấn đề "nhỏ" xuất hiện là con đập ngăn không cho cá di chuyển dọc theo sông Clark Fork và Blackfoot2. Nhưng vấn đề chính xuất hiện năm 1981, khi cư dân địa phương phát hiện thấy mùi lạ trong giếng nước ăn của họ. Một lượng lớn nước ngầm có nồng độ thạch tín nguy hiểm cao gấp 42 lần so với tiêu chuẩn của liên bang đã thấm qua hồ chứa tràn ra ngoài. Do đang bị xuống cấp, không còn vững chắc và cần phải được sửa chữa, con đập lại nằm trong vùng thường xuyên có động đất và từng suýt bị băng phá vỡ năm 1996, sớm muộn gì rồi chiếc đập này cũng sẽ bị vỡ. Ngày nay chẳng ai lại xây một con đập thiếu kiên cố tới vậy. Nếu đập vỡ và cặn bùn lắng độc hại tràn ra từ hồ chứa thì nguồn cung cấp nước cho Missoula, thành phố lớn nhất ở phía tây nam Montana chỉ cách con đập hơn

mười kilômét, sẽ không thể uống được và nghề đánh bắt cá ở hạ lưu sông Clark Fork sẽ không thể tiếp tục.
ARCO gánh lấy trách nhiệm đối với các cặn lắng độc hại trong hồ chứa sau con đập khi mua lại công ty khai thác đồng Anaconda, công ty xây chiếc đập này. Vụ kẹt băng năm 1996 suýt trở thành thảm họa và cá dưới hạ lưu đã chết do nước nhiễm đồng rò rỉ từ đập chắn. Tới năm 1998, người dân trong vùng lại thấy cần phải làm gì đó với con đập. Các nhà khoa học của bang và liên bang đề nghị phá bỏ con đập và dọn sạch những cặn lắng độc hại tích tụ trong hồ chứa với chi phí khoảng 100 triệu đô-la mà ARCO bỏ ra. Suốt một thời gian dài, ARCO phủ nhận nguyên nhân khiến cá chết là do rò rỉ cặn lắng độc hại, phủ nhận trách nhiệm với việc thạch tín ngấm vào nguồn nước ngầm của Milltown gây ra căn bệnh ung thư trong vùng, phủ nhận việc tài trợ cho phong trào "dân thường" ở thị trấn Bonner cạnh đó để họ phản đối việc phá bỏ đập và đề xuất chỉ cần gia cố đập với chi phí thấp hơn nhiều, khoảng 20 triệu đô-la. Nhưng các chính trị gia, các thương gia và công chúng Missoula, mặc dù lúc đầu đã xem xét đề xuất phá bỏ đập, giờ lại chuyển sang ủng hộ giữ lại đập. Năm 2003, Cục Bảo vệ Môi trường liên bang đã thông qua phương án phá bỏ con đập.
Trường hợp cuối cùng là mỏ Zortman-Landusky thuộc sở hữu của Pegasus Gold, một công ty nhỏ do những thợ mỏ từ các công ty khai thác khác đứng ra thành lập. Mỏ này đã áp dụng phương pháp được gọi là hòa tách đống có sử dụng xyanua để khai thác những quặng vàng chất lượng rất thấp, phải 50 tấn quặng mới thu được một ounce (28,35 gam) vàng. Quặng sau khi khai thác từ mỏ lộ thiên, được nghiền nhỏ và đổ thành một đống lớn (trông như một quả núi nho nhỏ) trong một hồ khuấy và được phun dung dịch xyanua, một loại chất độc từng được phát xít Đức sử dụng để tạo khí hydro xyanua dùng trong các phòng hơi ngạt giết người và Mỹ sử dụng trong các phòng tử hình bằng hơi ngạt, nhưng lại có công dụng kết dính vàng. Dung dịch có chứa xyanua thấm vào đống quặng nghiền mịn, hòa tan trong vàng và chảy xuống một chiếc bể cạnh đó, rồi được bơm tới một nhà máy chiết xuất vàng. Số dung dịch còn lại có chứa các kim loại độc hại được thải đi bằng cách phun vào những khu rừng hay đồi núi bên cạnh, hoặc thậm chí được bổ sung thêm xyanua để phun lại lên đống quặng khác.
Hiển nhiên, trong quy trình hòa tách đống này, một số thiết bị có thể hoạt động sai, nhưng ở mỏ Zortman-Landusky (Phụ bản 4) thì tất cả đều không đúng tiêu chuẩn. Lớp lót của hồ khuấy mỏng như một tấm niken và chắn chắn sẽ bị rò rỉ bởi sức nặng của hàng triệu tấn quặng bị các thiết bị nặng đảo xung quanh, bể lắng thì có thể bị tràn như đã từng xảy ra trong một mùa bão. Cuối cùng, bản thân xyanua là một loại chất độc: Một lần mỏ bị lụt khẩn cấp, khi những chủ mỏ được phép thải số dung dịch dôi thừa bằng cách phun ra xung quanh để giữ cho những hồ khuấy khỏi bị vỡ, do không giám sát chặt quy trình phun dung dịch nên đã tạo ra khí xyanua, suýt giết chết mấy công nhân của mỏ. Rốt cục

mỏ vàng Pegasus cũng bị phá sản, bỏ lại những mỏ lộ thiên lớn, những núi quặng và những hồ lắng mà axit và xyanua sẽ rò rỉ mãi mãi. Trái phiếu ký quỹ làm sạch môi trường mà Pegasus đã mua không đủ để trang trải cho các chi phí làm sạch, khiến những người nộp thuế lại phải thanh toán phần còn lại ít nhất khoảng 40 triệu đô-la. Ba trường hợp nghiên cứu về vấn đề phế thải độc hại từ khai thác mỏ mà tôi vừa trình bày, và hàng ngàn trường hợp khác, lý giải vì sao gần đây những nhà đầu tư Đức, Nam Phi, Mông Cổ và các nước khác khi dự tính đầu tư khai thác mỏ ở đất nước họ lại tới thăm Montana để tự mình tìm hiểu về những thực tiễn rủi ro trong khai thác mỏ và những hậu quả của nó.
Loạt vấn đề môi trường thứ hai của Montana là hiện tượng chặt và đốt rừng. Nếu không ai phủ nhận khai thác kim loại là ngành kinh tế chủ chốt thì cũng chẳng ai phản đối rằng khai thác gỗ là việc làm cần thiết để lấy gỗ xây dựng và làm giấy. Câu hỏi mà những bạn bè của tôi ở Montana có quan điểm ủng hộ khai thác gỗ đặt ra là: nếu bạn phản đối khai thác gỗ ở Montana thì lấy gỗ thay thế ở đâu? Rick Laible bao biện với tôi trong một cuộc tranh luận gần đây về khai thác gỗ tại Montana rằng: "Thế vẫn còn hơn là chặt rừng nhiệt đới!" Quan điểm của Jack Ward cũng tương tự: "Nếu không thu hoạch những cây gỗ đã chết mà thay vào đó là nhập khẩu cây tươi từ Canada, thì chúng ta đã xuất khẩu cả những tác động môi trường từ khai thác gỗ và những lợi ích kinh tế sang Canada". Dick Hirschy thì châm biếm: "Có một câu nói rằng 'Khai thác gỗ là hãm hiếp đất đai' - vậy chẳng lẽ chúng ta lại hãm hiếp Canada".
Khai thác gỗ với mục đích thương mại bắt đầu tại thung lũng Bitterroot từ năm 1886, để cung cấp gỗ thông Ponderosa cho các công ty khai mỏ tại Butte. Hậu Thế chiến Thứ hai, nhu cầu nhà ở của Mỹ bùng nổ kéo theo nhu cầu tiêu thụ gỗ tăng cao, đưa doanh thu từ gỗ của cơ quan quản lý Rừng Quốc gia Mỹ đạt tới đỉnh điểm vào năm 1972, cao gấp sáu lần so với doanh thu năm 1945. Thuốc trừ sâu DDT được phun từ máy bay xuống các cánh rừng để diệt các loại sinh vật hại cây. Để trồng lại những loại cây được chọn lựa, thống nhất về độ tuổi và chủng loại để tăng tối đa khả năng thu hoạch và hiệu quả khai thác gỗ, ngành lâm nghiệp đã đốn sạch mọi loại cây thay vì chỉ chặt những cây đã đánh dấu, lựa chọn. Bên cạnh những lợi ích kinh tế thì việc đốn sạch cây đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực: Nhiệt độ nước ở các suối không còn được cây che phủ đã tăng lên mức bất lợi cho sự sinh sôi và phát triển của cá; không còn cây che phủ, mùa xuân tuyết tan rất nhanh, chứ không tan dần và chảy xuống hệ thống thoát nước trong suốt cả mùa hè như trước đây; và trong một số trường hợp, lượng bùn đất lắng đọng trong lòng suối tăng làm giảm chất lượng nước. Với những cư dân tiểu bang Montana luôn coi phong cảnh là nguồn tài nguyên quý giá nhất trên đất đai của họ, thì tác hại dễ thấy nhất khi cây bị đốn sạch chính là những quả đồi trơ trụi trông rất xấu, thực sự là xấu.
Sau đó diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt được gọi là Tranh luận Đốn sạch. Những chủ đất, nông dân và công chúng Montana tức giận lên tiếng phản đối việc chặt đốn cây. Cục Kiểm lâm Mỹ sai lầm khi

cứ khăng khăng rằng họ là những chuyên gia biết rõ phải khai thác gỗ như thế nào, và tốt hơn hết là công chúng không nên để ý tới chuyện đó làm gì mà nên giữ yên lặng. Năm 1970, báo cáo Bolle do các chuyên gia lâm nghiệp không thuộc Cục Kiểm lâm đưa ra đã chỉ trích các chính sách của cơ quan này và thổi bùng những cuộc tranh luận tương tự về khai thác gỗ ở các khu rừng quốc gia tây Virginia, dẫn tới những thay đổi trên toàn nước Mỹ, trong đó có những quy định hạn chế chặt đốn gỗ và tập trung quản lý rừng vì nhiều mục đích chứ không phải chỉ để khai thác gỗ (như mục tiêu đặt ra khi thành lập Cục Kiểm lâm năm 1905).
Hàng chục năm sau cuộc Tranh luận Đốn sạch, doanh thu bán gỗ hằng năm của Cục Kiểm lâm giảm tới hơn 80% - một phần bởi các quy định môi trường chặt chẽ trong Luật Các sinh vật đang gặp nguy hiểm, Luật Nước sạch và những quy định buộc các khu rừng quốc gia phải duy trì môi trường sống cho tất cả các loài sinh vật, và một phần bởi ngày càng khó tiếp cận những cây gỗ lớn để khai thác. Giờ đây, mỗi khi Cục Kiểm lâm đề nghị chặt gỗ để bán, thì các tổ chức môi trường lại khiếu nại và phản đối. Phải mất tới chục năm vụ việc mới được giải quyết khiến lợi nhuận khai thác gỗ ngày càng ít, kể cả khi những khiếu kiện bị bác toàn bộ. Hầu như tất cả bạn bè tôi ở Montana, kể cả những người theo chủ nghĩa môi trường, đều đồng ý rằng các tổ chức môi trường đã đi quá xa trong việc phản đối đốn chặt cây. Họ cảm thấy bực tức khi những đề nghị chặt cây, rõ ràng là rất đúng đắn (như để hạn chế nguy cơ cháy rừng sẽ được thảo luận dưới đây) lại bị trì hoãn kéo dài ở các tòa án. Nhưng các tổ chức môi trường tổ chức lại khẳng định, họ nghi ngờ tính trung thực của tất cả các kế hoạch chặt gỗ nghe có vẻ hợp lý mà chính quyền đề xuất. Hiện tất cả các nhà máy chế biến gỗ tại thung lũng Bitteroot đã phải đóng cửa, cũng một phần bởi những khu rừng tư nhân trong thung lũng đã được khai thác gỗ tới lần thứ hai. Các nhà máy này ngừng hoạt động kéo theo nhiều lao động có mức lương cao bị mất việc làm, đồng thời gây ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân Montana.
Đâu đó ở Montana, bên ngoài thung lũng Bitterroot, vẫn còn một khu rừng thuộc sở hữu tư nhân, phần lớn đất rừng này có nguồn gốc là đất của chính phủ cấp cho tập đoàn đường sắt Bắc Thái Bình Dương từ những năm 1860 nhằm khuyến khích xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa. Năm 1989, khu đất này được tách ra khỏi tuyến đường sắt và chuyển cho công ty gỗ Plum Creek có trụ sở ở Seattle, được tổ chức như một quỹ ủy thác đầu tư bất động sản nhằm hưởng các ưu đãi về thuế (như vậy doanh thu của công ty sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn như mức thuế lợi tức). Hiện đây là công ty sở hữu cánh rừng tư nhân lớn nhất Montana và lớn thứ hai trên nước Mỹ. Tôi đã đọc các ấn phẩm của Plum Creek và trò chuyện với Giám đốc Kinh doanh Bob Jirsa, người luôn bảo vệ các chính sách môi trường và các hoạt động lâm nghiệp bền vững của Plum Creek. Tôi cũng có nghe một số bạn bè ở Montana kêu ca về Plum Creek. Thường họ phàn nàn rằng: "Plum Creek chỉ quan tâm tới việc lấy gỗ mà thôi"; "họ không quan tâm tới một nền lâm nghiệp bền vững"; "họ có văn hóa doanh nghiệp riêng và mục tiêu là

'làm sao càng có nhiều gỗ càng tốt!'"; "Plum Creek kiếm tiền từ mảnh đất bằng bất cứ cách nào có thể"; "họ chỉ kiểm soát cỏ dại nếu có ai đó phàn nàn mà thôi".
Những quan điểm trái ngược này khiến bạn nhớ tới những quan điểm mà tôi đã nêu ra khi nói về các công ty mỏ? Đúng như vậy! Plum Creek được thành lập với mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận chứ không phải để làm từ thiện. Nếu các công dân Montana muốn Plum Creek thực hiện những việc ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty, thì họ có trách nhiệm buộc các chính trị gia phải thông qua và thi hành những bộ luật quy định những việc đó, hoặc mua lại khu đất và áp dụng phương pháp quản lý khác. Bao trùm lên trên cuộc tranh cãi này là một thực tế khắc nghiệt: Khí hậu khô lạnh của Montana và với vị trí cao so với mực nước biển là một điểm bất lợi cho đất đai của tiểu bang trong trồng rừng. Cây cối ở đông nam và đông bắc nước Mỹ mọc nhanh hơn cây cối ở Montana nhiều lần. Trong khi mảnh đất lớn nhất của Plum Creek là ở Montana, thì đất của công ty ở bốn tiểu bang khác là Arkansas, Georgia, Maine và Mississippi đều cho sản lượng gỗ cao hơn dù diện tích chỉ bằng 60-64% diện tích đất ở Montana. Khai thác gỗ ở Montana, Plum Creek không thể đạt được tỷ lệ hoàn vốn cao. Hằng năm, công ty đều phải nộp thuế và chi cho chống cháy rừng trong khi phải mất từ 60-80 năm mới được thu hoạch cây, mặc dù cây chỉ lớn bằng cây 30 tuổi trồng ở đông nam nước Mỹ. Khi phải đối mặt với những thực tiễn về mặt kinh tế, Plum Creek thấy rằng đất đai ở đây sẽ có giá hơn nếu kinh doanh bất động sản thay vì trồng cây lấy gỗ, đặc biệt là đất dọc theo bờ sông. Nhiều khách hàng tìm mua căn nhà có hồ nước trước mặt cũng rất ủng hộ ý kiến này. Những khách hàng này chính là sự đảm bảo lợi nhuận cho công ty, và cả chính quyền cũng ủng hộ kế hoạch. Vì những lý do này nên tương lai ngành khai thác gỗ ở Montana không bền vững như những nơi khác, cũng giống như ngành khai thác mỏ ở đây.
Liên quan tới những vấn đề của khai thác gỗ là những vấn đề khác như cháy rừng. Mức độ và phạm vi cháy tăng mạnh trong thời gian gần đây ở một số loại rừng của Montana và trên khắp miền tây nước Mỹ trong mùa hè các năm 1988, 1996, 2000, 2002 và 2003, những năm xảy ra các vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng. Riêng mùa hè năm 2000, 1/5 diện tích rừng còn lại của thung lũng Bitterroot bị thiêu trụi. Ngày nay, mỗi khi về Bitterroot, ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn qua cửa sổ máy bay là đếm số vụ cháy hay đoán số cột khói bốc lên ngày hôm đó3. Năm 2000, cháy rừng xảy ra nhiều tới mức, mỗi lần đưa các con tôi đi câu, John Cook phải kiểm tra xem có vụ cháy rừng nào xảy ra cạnh con suối đó hay không. Một số bạn bè của tôi ở Bitterroot liên tục phải di tản khỏi nhà do cháy rừng đang lan đến.
Số vụ cháy rừng tăng trong thời gian gần đây một phần do thay đổi khí hậu (với khuynh hướng mùa hè nóng và khô hơn), và một phần do hoạt động của con người, bởi những lý do phức tạp mà những cư dân sống cạnh rừng đã biết từ 30 năm nay nhưng hiện vẫn còn đang tranh cãi về tầm quan trọng của nó.

Một trong những yếu tố đó là những ảnh hưởng trực tiếp của việc khai thác gỗ thường biến rừng thành cái gì đó trông như một đống mồi lửa. Trên mặt đất rừng vừa bị khai thác phủ đầy những cành cây, ngọn cây bị bỏ lại khi những súc gỗ có giá trị đã được chở đi. Mật độ trồng mới rừng dày đặc cũng khiến rừng dễ bị cháy. Những cây gỗ bị chặt và mang đi tất nhiên phải là những cây to nhất và khó bị cháy nhất, chỉ để lại những cây nhỏ hơn, dễ cháy hơn. Một yếu tố khác là Cục Kiểm lâm Mỹ, ngay từ đầu những năm 1990, đã ban hành một chính sách dập lửa (chống cháy rừng) vì không muốn những cây gỗ có giá trị bị cháy, cũng như không để cháy rừng đe dọa tới tính mạng và nhà cửa của người dân. Cục Kiểm lâm đề ra mục tiêu: "Dập tắt tất cả những vụ cháy rừng vào 10h sáng ngay sau ngày nhận được thông báo lần đầu tiên". Thời gian sau Thế chiến Thứ hai, lính cứu hỏa dễ dàng thực hiện mục tiêu này nhờ những chiếc máy bay cứu hỏa, và hệ thống đường sá được mở rộng cho xe cứu hỏa hoạt động, cùng với công nghệ cứu hỏa tiên tiến hơn. Vài chục năm sau Thế chiến Thứ hai, số diện tích rừng bị cháy hằng năm đã giảm tới 80%.
Tới những năm 1980, tình trạng khả quan này bắt đầu thay đổi do những vụ cháy rừng lớn diễn ra thường xuyên hơn, và dường như không thể dập được trừ khi có trời mưa và gió nhẹ. Mọi người bắt đầu nhận ra chính sách dập lửa của chính quyền liên bang cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ cháy lớn này, và những vụ cháy rừng tự nhiên do sét gây ra trước đây có một vai trò quan trọng trong duy trì cấu trúc rừng. Những đám cháy tự nhiên làm thay đổi độ cao của rừng, chủng loại cây và loại rừng. Hãy lấy rừng thông Ponderosa có độ cao thấp của Bitterroot làm ví dụ. Dựa trên sử sách cùng với số thớ gỗ hằng năm của cây, và những vết cháy có thể xác định thời điểm cháy trên các gốc cây cho thấy, cứ mỗi thập kỷ rừng thông Ponderosa lại bị cháy một lần do sét đánh trong những điều kiện tự nhiên (thời điểm trước khi bắt đầu kế hoạch chống cháy rừng năm 1910 và trở nên rất hiệu quả từ sau năm 1945). Trong những vụ cháy, số cây trưởng thành của rừng Ponderosa có lớp vỏ dày tới hơn 5 xăngtimét và gần như không bắt lửa, nên rừng chỉ bị cháy ở tầng dưới với những cây thông con Douglas dễ cháy vừa mọc từ vụ cháy trước. Mặc dù đã qua một thập kỷ, nhưng loại thông Douglas này vẫn thấp đủ để ngăn lửa không lan tới tầng cây cao. Bởi vậy, lửa bị giữ ở dưới đất và tầng cây thấp. Kết quả là nhiều khu rừng tự nhiên của Ponderosa trông như một công viên, với những cây dễ cháy ở phía dưới và những cây to cao vượt hẳn lên trên, tạo ra các tầng cây rất rõ ràng.
Dù vậy, tất nhiên những người đốn gỗ sẽ tập trung vào những cây thông Ponderosa to, nhiều tuổi và có giá trị, trong khi những vụ chống cháy rừng trong thời gian hàng thập kỷ qua đã khiến những cây thông Douglas ở tầng thấp lớn hơn với mật độ dày hơn. Mật độ cây tăng từ 30 lên 200 cây trên mỗi héc ta, và khả năng cháy rừng tăng lên cấp độ 6 cùng với việc Nghị viện liên tục trì hoãn phê chuẩn kinh phí để cắt tỉa cây non. Còn một yếu tố khác có liên quan tới con người, đó là việc thả rông cừu trong các khu rừng quốc gia cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt những đám cỏ ở tầng thấp có thể gây

ra những vụ cháy ở quy mô nhỏ. Bởi vậy giờ đây, khi một vụ cháy bắt đầu từ khu rừng dày đặc những cây nhỏ, bất kể do sét hay do sự bất cẩn của con người hay (đáng tiếc là thường xuyên xảy ra) do cố tình, số cây nhỏ ở tầng thấp giờ đã cao và đông đúc sẽ trở thành chiếc thang dẫn lửa lên những tầng cao. Hậu quả cháy rừng đôi khi rất thảm khốc và không thể ngăn chặn được khi những ngọn lửa bốc tới độ cao 120 mét, lan từ tầng cao này sang tầng cao khác vượt qua những khoảng trống lớn, nhiệt độ đám cháy lên tới hơn 1.000oC, làm chết cả những hạt giống nằm sâu trong đất và có thể sẽ kéo theo lở đất và xói mòn trên quy mô lớn.
Những cư dân sống ở rừng giờ đây đã nhận ra vấn đề lớn nhất trong quản lý rừng là làm gì với những loại cây dễ cháy phát triển từ hàng nửa thế kỷ chữa cháy rừng thành công. Ở phía đông ẩm ướt của nước Mỹ, những cây chết sẽ mục ruỗng nhanh chóng hơn ở phía tây hanh khô, nơi những cây chết trở thành những que diêm khổng lồ. Lẽ ra, Cục Kiểm lâm nên quản lý và tái tạo rừng, tỉa mỏng và giảm mật độ cây bằng chặt tỉa hay tạo những đám cháy nhỏ có kiểm soát. Nhưng những hoạt động này sẽ tiêu tốn khoảng hơn 1.000 đô-la trên mỗi mẫu, với tổng diện tích rừng phía tây nước Mỹ lên tới một trăm triệu mẫu, tính ra tổng chi phí vào khoảng 100 tỷ đô-la. Không một chính trị gia hay một cử tri nào lại đồng ý bỏ ra một khoản tiền lớn tới vậy. Thậm chí, kể cả nếu chi phí thấp hơn, đa số công chúng cũng sẽ nghi ngờ một đề án lớn như vậy chỉ với lý do để lại tiếp tục khai thác gỗ trong khu rừng xinh đẹp của họ. Thay vì cấp một khoản kinh phí thường xuyên để duy trì những cánh rừng phía tây trong điều kiện ít bị bắt lửa, thì chính quyền liên bang lại để mặc chúng trong tình trạng dễ cháy để rồi mỗi khi xảy ra cháy rừng lại buộc phải chi số tiền không thể tính trước để dập lửa. Mùa hè năm 2000, chính quyền Mỹ phải chi khoảng 1,6 tỷ đô-la để dập tắt những vụ cháy rừng thiêu trụi hơn 16.000 kilômét.
Bản thân người Montana cũng có những quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về quản lý và chống cháy rừng. Một mặt, theo bản năng, một bộ phận công chúng e ngại và không thích "để rừng cháy" thì yêu cầu rằng, Cục Kiểm lâm phải dập mọi đám cháy rừng, trừ trường hợp đó là những đám cháy lớn nguy hiểm tới tính mạng lính cứu hỏa hay không thể dập tắt được. Năm 1988, những vụ cháy xảy ra ở công viên quốc gia Yellowstone đã được phép để mặc cho cháy, công luận khi đó lên tiếng phản đối mạnh mẽ mà không hiểu một thực tế rằng không thể làm gì để dập tắt được những đám cháy đó ngoại trừ trời mưa hay tuyết rơi. Mặt khác, công chúng cũng không thích những đề xuất áp dụng các chương trình chặt tỉa rừng để làm giảm khả năng cháy rừng, bởi họ thích nhìn những cánh rừng rậm rạp. Họ phản đối những biện pháp can thiệp "trái tự nhiên" vào thiên nhiên, họ muốn để rừng trong một điều kiện "tự nhiên", và chắc chắn họ cũng không muốn trả tiền cho việc chặt tỉa rừng bằng biện pháp tăng thuế. Họ (cũng như những người dân sống gần rừng hiện nay) không hiểu rằng bởi hàng loạt vụ dập lửa cháy rừng, không khai thác gỗ và không thả cừu rông trong suốt một thế kỷ qua nên những cánh rừng phía tây hiện đang trong tình trạng "rất không tự nhiên".

Ở Bitterroot, người dân dựng những ngôi nhà nghỉ gần rừng hay giữa những cánh rừng dễ cháy trên mảnh đất vừa là đất xây dựng, vừa là đất hoang dã và mong chờ chính quyền bảo vệ chúng khỏi bị cháy. Tháng 7/2001, khi đi bộ tới phía tây thị trấn Hamilton, lúc qua nơi trước đây là khu rừng Blodgett, vợ chồng tôi bất ngờ gặp một khoảnh đất toàn những thân cây cháy đen như than, chết trong một vụ cháy rừng lớn xảy ra trong chuyến nghỉ hè năm 2000 của chúng tôi mà khói tràn đầy thung lũng. Hồi đó, cư dân vùng Blodgett ngăn cản Cục Kiểm lâm chặt tỉa rừng, tới khi rừng cháy lại yêu cầu Cục này phải thuê 12 trực thăng cứu hỏa loại lớn với giá 2.000 đô-la mỗi giờ để phun nước dập lửa cứu những căn nhà của họ. Trong khi đó, tuân lệnh chính phủ, Cục Kiểm lâm đã ưu tiên cứu người, bảo vệ tài sản của dân, rồi sau đó mới tới cứu rừng nên đành để mặc ngọn lửa thiêu dần những khu rừng với những cây gỗ giá trị hơn nhiều những ngôi nhà của người dân. Sau vụ này, Cục Kiểm lâm tuyên bố từ nay sẽ không hoang phí số tiền lớn như vậy và mạo hiểm mạng sống của những người lính cứu hỏa chỉ để bảo vệ các tài sản cá nhân. Nhiều người kiện Cục Kiểm lâm nếu ngôi nhà của họ bị cháy trong một vụ cháy rừng, hay bị cháy trong vụ đốt lửa chặn mà ngành lâm nghiệp tạo ra để khống chế một vụ cháy lớn hơn, hay nếu nhà không cháy nhưng khu rừng đẹp trước nhà bị cháy khiến họ không còn được ngắm cảnh đẹp. Quá đáng hơn, một số người Montana còn không muốn đóng thuế để thanh toán các chi phí chữa cháy rừng, và không muốn cho nhân viên chính phủ tiến hành các biện pháp chống cháy rừng trên mảnh đất của mình.
Những vấn đề môi trường tiếp theo của Montana liên quan tới đất đai. Một vấn đề "nhỏ" và đặc biệt liên quan tới đất đó là sự bùng nổ của các vườn táo thương mại của thung lũng Bitterroot, mà ban đầu mang lại lợi nhuận rất lớn, giờ đã sụp đổ một phần bởi những vườn táo đang hút hết nitơ của đất. Một vấn đề lớn hơn nữa là xói mòn do bất kỳ thay đổi nào dẫn tới chặt phá cây cối đang che phủ bảo vệ đất như: chăn thả gia súc quá nhiều, sự tàn phá của những loài cỏ độc, khai thác gỗ, hay những vụ cháy rừng quá lớn tạo sức nóng khiến mặt đất cằn cỗi. Những gia đình làm nông trại lâu đời biết rõ không nên chăn thả gia súc quá nhiều như Dick và Jack Hirschy giải thích với tôi rằng: "Chúng tôi phải chăm sóc tốt mảnh đất của mình, nếu không chúng tôi sẽ bị phá sản". Tuy nhiên, một hàng xóm của Hirschy từ nơi khác chuyển đến, đã chi rất nhiều tiền để mua trang trại, nhiều hơn cả khả năng thu nhập mà công việc nông trại có thể mang lại. ông ta chăn thả rất nhiều gia súc trên đồng cỏ của mình để mong nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư. Những hàng xóm khác cũng sai lầm khi cho thuê quyền thả gia súc trên đất nhà mình, những người đi thuê thả rất nhiều gia súc để mong thu lợi nhuận cao trong thời gian thuê là ba năm mà không quan tâm rằng việc đó có thể gây thiệt hại lâu dài. Do những hành vi trên khiến đất bị xói mòn, nên hiện chỉ còn 1/3 số nguồn nước của Bitterroot được coi là trong tình trạng tốt và không bị xói mòn, 1/3 có nguy cơ bị xói mòn, và 1/3 đã bị xói mòn và cần được phục hồi.
Vấn đề còn lại với đất của Montana, ngoài cạn kiệt nitơ và xói mòn, là tình trạng mặn hóa, một quá

trình tích tụ muối trong đất và nước ngầm. Trong khi ở một số vùng, sự tích tụ này luôn diễn ra trong trạng thái tự nhiên, thì gần đây nhiều người lo lắng tình trạng mặn hóa ở Montana là do hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người gây ra (đặc biệt là hoạt động chặt phá các loại thực vật tự nhiên và tưới tiêu mà tôi sẽ giải thích ở những phần sau và trong Chương 13) đang tàn phá những vùng đất nông nghiệp rộng lớn. Ở một số vùng của Montana, độ mặn của nước ngầm thậm chí đã cao gấp đôi nước biển.
Ngoài việc muối gây ra một số tác hại nhất định cho trồng trọt, nồng độ muối cao còn có thể gây ảnh hưởng cho hoa màu trên diện rộng không kém tác động của một đợt hạn hán, nó làm tăng áp lực thấm nước của đất khiến rễ cây rất khó hút nước bằng thẩm thấu. Nguồn nước ngầm bị mặn còn có thể tràn vào các giếng nước và những con suối, bay hơi để lại lớp muối đóng thành bánh. Hãy tưởng tượng, nếu bạn uống một cốc nước còn mặn hơn cả nước biển, thì chắc bạn sẽ thấy rằng nó không chỉ có mùi rất kinh khủng và gây khó khăn cho việc trồng trọt của người nông dân mà sự phân hủy của nó thành các chất Borat, Selen và các loại chất độc khác còn có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn (và tất nhiên cho cả gia súc và những loài sinh vật hoang dã). Mặn hóa không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ mà còn với cả các quốc gia khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ và nhất là Australia (xem Chương 13). Trong quá khứ, tình trạng này từng góp phần khiến các nền văn minh lâu đời nhất thế giới bị diệt vong, trong đó có Mesopotamia. Mặn hóa được sử dụng để giải thích vì sao ngày nay sử dụng cụm từ "Tăng độ màu mỡ" với Iraq và Syria, từng là những trung tâm nông nghiệp của thế giới, sẽ là một chuyện cười chua xót.
Nguyên nhân chính gây mặn hóa ở Montana cũng là nguyên nhân gây mặn hoá đã phá hủy toàn bộ mấy triệu mẫu đất trồng trọt ở phía Bắc Đồng bằng Lớn (Great Plains), trong đó có mấy trăm ngàn mẫu ở phía bắc, phía đông và miền trung Montana. Hình thức này gọi là "thẩm thấu muối", bởi muối tích tụ trong lòng một khu đất trên cao rồi thấm xuống các khu đất dưới thấp ở cách đó tới gần 1 kilômét (thậm chí còn xa hơn). Thẩm thấu muối thường khiến mối quan hệ láng giềng xấu đi do hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông trại bên trên làm muối thấm xuống nông trại bên dưới.
Thẩm thấu muối hình thành như sau. Trong đất đá miền đông Montana có rất nhiều loại muối hòa tan trong nước (nhất là natri, canxi và sunphat magie) và còn có các mỏ muối biển (bởi phần lớn vùng này trước đây là biển). Dưới lớp đất mặt là lớp đá (đá phiến sét, sa thạch và than) có độ thấm nước thấp. Môi trường khô hanh của miền đông Montana khiến mặt đất phủ đầy những loài thực vật bản địa nên hầu hết tất cả lượng mưa rơi xuống lập tức bị rễ những loại cây này hút ngay hoặc bốc hơi trở lại không khí, dẫn tới lớp đất dưới rễ cây trở thành lớp đất khô. Tuy nhiên, khi dọn sạch đám thực vật bản địa, nông dân sẽ trồng trọt theo hình thức cách năm, có nghĩa trồng một năm (như lúa mỳ chẳng hạn),

thì lại để đất nghỉ một năm, như vậy sẽ không có loại cây nào hút nước của đất. Nước mưa được tích trữ trong đất, thấm sâu xuống dưới lớp đất mà rễ cây vươn tới, phân hủy muối làm muối dâng lên tới tầng rễ cây khi mực nước dâng lên. Do không thể thẩm thấu qua lớp đá bên dưới, nên nước mặn không thấm sâu xuống lòng đất mà chảy xuống vùng đất thấp gây ra hiện tượng thẩm thấu muối. Hậu quả là mùa màng ngày càng xấu đi, thậm chí mất mùa hoàn toàn, cả với vùng đất bên trên nơi phát sinh vấn đề và vùng đất bên dưới, nơi xuất hiện thẩm thấu muối.
Sau năm 1940, thẩm thấu muối ngày càng lan rộng ra phần lớn đất đai của Montana do những thay đổi trong cách làm nông nghiệp, nhất là việc tăng cường sử dụng máy kéo và các thiết bị làm đất hiệu quả hơn, sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để diệt lớp cỏ che phủ mặt đất trong thời gian cho đất nghỉ, và mỗi năm càng có nhiều đất bỏ hoang. Vấn đề này cần được xử lý bằng hàng loạt hình thức quản lý nông trại mạnh mẽ, như trồng các loại cây có khả năng chịu mặn ở vùng đất bên dưới bị thẩm thấu muối để phục hồi đất, giảm thời gian nghỉ của các vùng đất ở phía bên trên bằng một lịch trình gieo trồng linh hoạt, trồng cỏ linh lăng cùng các loài cây lâu năm có rễ sâu với khả năng hút nước cao để hút lượng nước dư thừa trong đất.
Ở Montana, thẩm thấu muối là hình thức chính gây tổn hại đất khiến cho đất bị mặn hóa, nhưng không phải là hình thức duy nhất. Vài triệu mẫu đất nông nghiệp phụ thuộc vào hệ thống nước tưới tiêu hơn là lượng mưa được phân bổ không đều trên toàn bang, kể cả những vùng mà tôi thường tới nghỉ hè ở thung lũng Bitterroot và lưu vực Big Hole. Mặn hóa cũng bắt đầu xuất hiện ở một số khu vực này do nước thủy lợi bị nhiễm muối. Một nguyên nhân khác gây mặn hóa là công nghiệp chiết xuất khí metan để sản xuất khí tự nhiên từ các vỉa than bằng cách khoan vào các vỉa than và bơm nước ra để khí metan thoát lên mặt đất. Đáng tiếc là lượng nước thải này cũng chứa muối đã bị phân hóa. Kể từ năm 1988, tiểu bang Wyoming bên cạnh, cũng nghèo chẳng kém Montana, đã theo đuổi chính sách phát triển kinh tế bằng cách khởi động một chương trình lớn khai thác khí metan bằng phương pháp này và bơm nước thải chứa muối vào lưu vực sông Powder, đông nam Montana.
Để bắt đầu tìm hiểu những khó khăn về nước rõ ràng làm Montana cũng như những vùng hanh khô khác của miền tây nước Mỹ điêu đứng, chúng ta hãy cùng nhau xem xét hai hệ thống cấp nước riêng biệt lớn của thung lũng Bitterroot, đó là: hệ thống kênh tưới tiêu lấy nước từ các suối, hồ hay ngay từ sông Bitterroot để cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; và hệ thống giếng nước khoan vào các tầng nước ngầm để cung cấp nước sinh hoạt. Những thị trấn lớn hơn trong thung lũng được cung cấp nước sinh hoạt đô thị, nhưng những gia đình ở ngoài thị trấn đều phải tự khoan giếng để lấy nước dùng. Cả hai hệ thống cung cấp nước này đều đang phải đối mặt với một khó khăn lớn, đó là số người dùng nước ngày càng tăng trong khi lượng nước lại giảm. ông ủy viên hội đồng nước vùng Bitterroot, Vern Woolsey,

giải thích ngắn gọn với tôi: "Bất cứ khi nào bạn tìm ra một nguồn nước nhưng lại có hơn hai người sử dụng thì sẽ phát sinh tranh chấp. Nhưng tại sao lại phải đánh nhau vì nước? Đánh nhau cũng chẳng làm cho nước nhiều hơn!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro