Bồi Hồi Tết... Heo Rừng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm ấy, nhà tôi cùng nhiều người đi kinh tế mới. Cả xóm hạ trại ở vùng đất mới. Trên hai ngọn đồi hình bát úp quay mặt vào nhau, ở giữa là con suối nước trong vắt, mọi người lục tục dựng nhà bằng tre nứa, hai dãy nhà ở hai ngọn đồi quay mặt vào nhau. Sau lưng mỗi nhà là đám rẫy mới phát, sức đến đâu phát đến đó dài đến khi chạm phải cánh rừng cây to không đủ sức chặt thì dừng lại.

Xong dựng nhà thì phát rẫy rồi chờ mưa xuống để trồng trọt, những mảnh đất ẩm sát suối thì trồng khoai lang để kịp thời có rau củ làm thực phẩm, gặp đất lạ chúng vươn ngọn phủ luống xanh mơn mởn.

Tết đã cận kề, đám thanh niên bắt đầu lo chuyện kiếm thực phẩm để ăn Tết. Suối rất sẵn cá, chưa được ai câu nên dễ bắt, lũ sóc thì sống quanh những cây có hạt để kiếm ăn nên bắt nó cũng không khó. Trên những đám khoai lang xanh tốt bầy heo rừng bắt đầu ra ủi phá, đám thanh niên xóm bàn nhau cách bẫy heo, vừa để bảo vệ hoa màu vừa kiếm con to to làm Tất Niên xóm.

Cũng nói thêm chút về những chú heo rừng thời đó, nó rất thích phá phách, và đào bới, trong một bãi cỏ rậm rạp có cả những loại cây có gai cũng bị cày xới lên, cỏ cây nhổ bị ăn sạch, chúng thường cà mình vào cây để gãi ngứa. Với đặc tính cực kỳ phàm ăn, gây hại cho những nương ngô, nương sắn, hồi đó heo rừng ở đây rất nhiều, có khi chúng kéo thành đàn mười mấy hai chục con sục sạo thâu đêm suốt sáng. Cho nên, nếu không đặt bẫy, không săn bắt thì chúng sẽ phá nát hết hoa màu.

Tháng Chạp, tháng Giêng là thời điểm nhiều lợn rừng về phá nhất, chúng đi thành đàn gần mấy chục con di chuyển từ rừng ra suối uống nước. Trên đường đi, chúng phá sạch hoa màu, ủi đất tung tóe khắp nơi.

Trong đám thanh niên xóm có những anh trước ở quê đã làm thợ sơn tràng nên biết ít nhiều kinh nghiệm bẫy heo rừng, theo anh thì có nhiều cách như bẫy kẹp, bẫy thắt, nhưng cách hiệu quả nhất là đào hố để heo lọt xuống. Cả đám thanh niên theo dõi lối heo rừng thường đi, đào hố cao quá đầu người, dài bằng chiếc chiếu hoa. Phía trên có nắp hầm, gác một ít cây mục và phủ lá lên, xung quanh rẫy rào kín mít. Chỉ chừa duy nhất một con đường độc đạo để heo rừng chui vào và đi ngang qua miệng hầm. Công việc hoàn tất, chỉ còn chờ ngày heo rớt xuống. Heo rừng là con vật rất tinh khôn, thính tai, thính mũi nên chỉ cần nghe thấy tiếng động nhỏ hoặc mùi lạ là ngay lập tức đánh động cả đàn để tháo chạy. Háo hức chờ đợi như thế vài hôm thì nghe tiếng heo rừng kêu hục hặc dưới hố sâu, đàn heo rừng sáu con nằm trọn dưới đó. Cả xóm tưng bừng hò reo, dùng lưới bóng chuyền quăng xuống trùm từng con lôi lên.

Thịt heo rừng được xẻ ra, một phần để làm Tất Niên xóm, còn bao nhiêu chia đều cho các nhà ăn Tết. Ngày Tết năm ấy trên mâm cỗ toàn những món ngon từ heo rừng qua bàn tay chế biến giỏi giang của các chị các mẹ. Từ những chiếc bánh chưng được gói bằng nhân thịt heo rừng đến các món đơn giản mà hấp dẫn là heo rừng nướng chấm muối ớt, heo rừng hấp sả, gỏi heo rừng...

Thời thiếu thốn đói kém đó chưa bao giờ chúng tôi có được cái Tết sung túc và vui vẻ như thế.

Một vài năm rồi những quả đồi ấy thành vườn thành ruộng, những quả đồi xa hơn thì thành nương, thành rẫy. Lũ heo rừng vì thế cũng di cư đi xa hơn, không ai còn thấy chúng quay về phá phách nữa, và chúng cũng khôn hơn không dễ gì dính bẫy như mùa cũ. Gia súc gia cầm cũng được xóm nuôi sinh sôi nảy nở, những Tết sau đều tự cung tự cấp được, không ai còn kiếm được thịt heo rừng như Tết cũ.

Tết năm nào tôi cũng về xóm cũ, xóm giờ trù phú và sung túc lắm rồi, những quả đồi giờ thành rừng cao su bạt ngàn, rừng lùi xa, bầy heo rừng chỉ còn trong ký ức. Tết về nhà nào cũng thấy heo gà được nhốt đầy chuồng để làm cỗ Tết, nhắc lại Tết heo rừng ngày mới lập xóm lòng ai cũng bồi hồi nhớ.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro