Bốn Củ Khoai Lang Mật Đêm Giao Thừa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày bé nhà tôi nghèo lắm. Làng ở ngoài con đê đất với cơ man tre pheo cố kết, dẫu chằng chịt vẫn không đủ ngăn cái rát bỏng của gió Lào mỗi độ Hè. Mặt trước là rừng phi lao trải dài cồn cát, nhưng cái lạnh thấu xương trong mỗi mùa Đông vẫn là nỗi ám ảnh nơi đây. Cuộc sống luôn khốn khó nơi rẻo đất được mệnh danh "chó ăn đá gà ăn sỏi".

Sản vật chẳng có gì ngoài ngô, khoai, lạc, vừng. Vì không có ruộng chiêm nên từ thuở bé, bữa ăn no cơm trắng vẫn là giấc mơ xa xỉ của lũ trẻ chúng tôi. Nếu không độn thêm ít ngô thì đương nhiên sẽ là khoai hoặc sắn.

Có lẽ Tết là dịp hào hứng nhất của lũ trẻ, cũng là dịp nhiều lo toan với người lớn. Với lũ trẻ, chúng tôi sẽ được ăn cơm no lại có thêm ít miếng thịt, thêm giò, thêm chả. Được lì xì và mua pháo đốt. Niềm vui ngày ấy thật đơn giản.

Tôi nhớ năm 6 tuổi, gia đình xảy ra biết bao biến cố. Cũng là một dịp Tết, nhưng sao mùa Đông năm ấy lạnh thế. Gió thổi thông thốc từ biển vào len lách qua rừng phi lao phủ kín căn nhà tranh vách, nền đất. Đầu tiên, bố mẹ gặp tai nạn khi chiếc xe Min-khơ chở lợn đâm phải một người đàn ông say rượu lúc đang xuống dốc Truông Vên. Chiếc xe - công cụ quan trọng nhất nuôi sống cả gia đình sáu miệng ăn bị hư hỏng nặng. Bố mẹ đa chấn thương, và điều đáng nói - người đàn ông say rượu bất cẩn ra đi sau vụ va chạm ấy. Một tai họa lớn ập xuống cả gia đình ngay trước thềm năm mới.

Bố mẹ nằm điều trị lâu dài ở bệnh viện huyện. Bà nội tất tưởi chạy vạy, vay mượn, bán chác được tất cả những gì có thể vừa để đền mạng bằng vật chất cho gia đình bị nạn vừa để lo điều trị cho bố mẹ. Chưa kể đến việc ba chị em chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn. Căn nhà vốn đã trống huơ trống hoác trước kia giờ lại lạnh lẽo hơn. Bởi chiếc ti vi trắng đen, chiếc đài cát-xét của ông nội để lại đều được đem đi cầm cố. Cả bồ thóc đến chiếc xe Min-khơ hư hỏng, rồi đến chiếc xe đạp cà tàng hàng ngày ba chị em đèo nhau đi học cũng lũ lượt ra đi. Nhưng, nỗi bất hạnh của gia đình vẫn chưa dừng ở đó.

Sau Tết ông Công, ông Táo một ngày, bà nội nhận được tin sét đánh. Chú út mất vì tai nạn sập hầm đá đỏ ở Quỳ Châu. Những tai họa liên tiếp đè trĩu tấm thân gầy còm. Tôi nhớ, bà nằm bẹp dí trên giường suốt ba ngày sau đám tang chú út. Mỗi đêm ba chị em lại ôm nhau sợ hãi khi chứng kiến cảnh bà nội quỳ trên nền đất lạnh ôm di ảnh của chú út và ông nội khóc mãi không thôi. Một buổi sáng trong lúc chơi trốn tìm, tôi quờ đổ chai thuốc sâu giấu dưới gậm giường của bà. Điều mà sau này tôi mới hiểu và ám ảnh mãi. Rất may là chai thuốc sâu đã bị đổ loang ra nền cát ẩm.

Suốt mấy ngày Tết, bữa ăn chính của bốn bà cháu là cháo ngô đặc. Món ăn được nấu chín từ bột ngô và muối trắng. Tôi phát khóc mỗi lần nhìn thấy thứ ấy trên rá, nhưng cũng may là trong nhà vẫn còn cái để ăn. Cái bụng của mấy chị em cảm thấy đỡ đói khi hầu như mỗi bữa, bà nội đều khéo léo nhường lại ít nhiều phần của mình.

Đêm 30 Tết, nhà nhà quây quần bên bếp lửa, quanh nồi bánh chưng. Nhà tôi cũng vậy, nhưng là nồi bánh ngô. Hai bà chị lớn vẽ việc ra vậy cho vui, chứ ai nấy đã phát ngán cái món ấy lắm rồi. Và việc ngồi hơ tay bên bếp củi phi lao tí tách để sưởi ấm là chính.

Trước lúc Giao Thừa, bà nội xách về một chùm khoai lang mật bốn củ to đùng. Giống khoai đặc sản quê tôi lúc bấy giờ, rất khó trồng và đang được thử nghiệm trên đất pha cát. Mấy chị em chả quan tâm đến việc từ đâu mà có. Hai bà chị nhanh nhảu nhét vào những chỗ than đượm nhất để nướng. Tôi thấy trên cổ tay phải của bà có vết xước dài rớm máu, gương mặt nhiều nét lo lắng.

Cái vị ngòn ngọt, dẻo thơm, nóng mềm như mật trong từng thớ khoai ngấm vào toàn bộ cơ thể. Có lẽ đó là món ăn ngon nhất lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức. Ba chị em lúi húi, nhem nhuốc gặm khoai không cả bóc vỏ rồi nhìn nhau, nhìn bà nội. Ánh mắt lấp lánh, gương mặt nở bừng quanh bếp lửa. Còn củ khoai thứ tư được bà bỏ vào đĩa sứ đặt lên ban thờ của chú út và ông nội thắp hương cúng đêm Giao Thừa. Hôm sau bà chia cho ba chị em một nửa.

Sáng mùng Một Tết, một bà ở làng phía trong con đê đất bế đứa cháu thè lè mũi xanh đứng sát bờ rào mà chửi. Bà chửi phải đến 2-3 tiếng đồng hồ với đủ thứ ngôn từ quê kiểng. Hai bà chị lõm bõm kể lại rằng, mụ ấy đổ tội cho bà nội xé rào trộm khoai. Riêng tôi chỉ thấy cái Tết năm ấy thật dài và cũng thật buồn.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro