Cay Cay Mùi Tắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần Tết, chồng tôi tự dưng ngẫu hứng muốn trổ tài đảm đang của mình, bằng cách đích thân làm một thứ bánh mứt đơn giản gì đấy. Anh đi chợ, mang về vài củ gừng, một túi tắc chín thật to, rồi đường cát, lại thêm cả một viên đá mài dao. Thấy tôi và hai đứa nhóc có phần nghi ngờ khả năng 'ba can cook' của mình, chồng mạnh dạn bảo: Hồi xưa ba từng nhiều năm phụ bà nội làm tắc ướp đường để bán đấy nhé.

Nhìn cách chồng loang loáng mài dao cho sắc bén, rồi nhanh nhẹn cắt tắc thành từng lát mỏng dính, tôi tin rằng anh không nói đùa. Nhất là khi chồng tự tin canh lượng đường sao cho vừa phải, thêm gừng thái sợi vào keo, rồi mang từng hũ tắc thơm nồng lên ban công sau nhà để phơi nắng, thì cả ba mẹ con chỉ còn biết ngưỡng mộ. Hai đứa trẻ hò reo khen gợi "ông ba" không tiếc lời. Chồng tôi nhìn vợ con cười vui, mà mắt lại bỗng rưng rưng.

Ba của con tôi kể, hồi xưa, nhà anh không hẳn là quá nghèo, nhưng mẹ rất tằn tiện, chịu khó. Ba anh là công chức Nhà nước, áo quần phẳng phiu, sáng xách cặp đi, chiều tối mới về. Ở một thị trấn nửa thôn quê nửa thị thành, như vậy là trông sang trọng danh giá lắm rồi. Ai cũng khen mẹ anh có phước, có chồng "đi làm cán bộ", nên vợ con không phải lo lắng bươn bả kiếm sống như người ta. Hiếm ai biết, để mấy chị em anh có thể yên tâm học hành, no đủ ấm áp như bao bạn bè trang lứa khác, mẹ anh đã thức khuya dậy sớm, vất vả thế nào.

Cứ mỗi mùa giáp Tết, mẹ lại tranh thủ làm bán món tắc ngâm đường, có xen lẫn những sợi gừng cho thêm ấm bụng. Món ấy, pha thêm nước, đập đá bỏ vào, là thành một thức giải khát ngon tuyệt. Hoặc khó ở trong người cũng có thể múc một muỗng nhỏ ra húp, bảo đảm dễ tiêu ngay. Nhìn thì thấy đơn giản, nhưng để có được những hũ tắc thơm ngon ấy, thật kỳ công vô cùng. Tắc mua về, lựa bỏ những trái hư giập hoặc chín quá, rồi rửa sạch, để ráo nước. Keo hũ thì trụng nước sôi, lau khô. Kỳ công nhất là giai đoạn cắt tắc. Trái tắc tròn nhỏ, dễ giập, để có thể đặt nó nằm yên trên thớt, rồi biến thành từng lát mỏng manh như ý, là cả một nghệ thuật. "Xử" vài trái thì không sao, chứ vài ký, vài rổ, là cả một vấn đề. Ngồi lâu mỏi lưng. Cầm dao liên tục thì nhức vai. Chưa kể, không thể đeo bao tay mà tiến hành công đoạn thủ công tỉ mẩn ấy. Nên hãy hình dung hai bàn tay của mẹ anh mỗi mùa giáp Tết là móp lại, da bị bào mòn đến tội vì cái chất chua của tắc thấm vào. Anh hay giành phụ mẹ cắt tắc, mãi sau này mẹ mới miễn cưỡng đồng ý. Bàn tay con trai vụng về, anh từng có lần lỡ cắt vào tay mình chảy máu. Anh bật khóc, không phải vì đau, mà vì xót xa thương mẹ mỗi mùa Tết về lại cắm cúi hết rổ tắc này tới rổ tắc khác.

Nhờ căn bếp thơm nồng mùi tắc ấy, mà sau Tết, mẹ có thêm chút tiền để lo cho mấy chị em anh ăn học. Mẹ chỉ lấy công làm lời, giá bán một hũ tắc ướp đường tươm mật óng ả đó chẳng đáng bao nhiêu. Nhà anh thuở đó, Tết vẫn có nhiều mùi thơm của nhang đèn, hoa quả, thức ăn. Nhưng ám ảnh khôn nguôi trong ký ức tuổi thơ anh mỗi mùa Tết, chính là cái mùi nồng nồng hăng hắc của vỏ tắc. Cái mùi Tết cực khổ, vun vén, cắc củm ấy, hằn sâu vào trí nhớ mãi không thôi. Thậm chí bây giờ, khi đã ngang dọc đây đó nhiều, chỉ cần thoảng nghe cái mùi tắc cay cay đặc trưng thôi, là cũng khiến anh giật mình thảng thốt: Ồ vậy là sắp tới Tết rồi ư?

Mẹ bấy nay đã nhiều mùa Tết không còn phải còng lưng cắt tắc nữa. Anh và các chị đã đủ sức lo cho mẹ, cùng phụ đỡ gia đình. Nhưng cuối năm, anh vẫn mãi nhớ cái mùi tắc nồng thơm rất nhẹ thoảng bay ra từ bếp, nơi mẹ anh ngồi bên những cái rổ tắc vừa chín tới, với những keo hũ nằm lặng yên chờ đợi tới lượt mình. Hình ảnh mẹ lặng lẽ và kiên nhẫn với từng trái tắc bé mọn, trong căn bếp bề bộn đầy mùi gừng mùi tắc dạy anh bài học không lời. Người đàn ông nay đã trưởng thành luôn da diết với cái mùi tinh dầu đặc trưng của vỏ tắc, cảm thấy chạnh lòng mỗi khi bắt gặp đâu đó món nước tắc mát lành. Đôi khi, người ta khó mà quên được một mùi thơm đặc biệt của ký ức, dẫu là ngọt ngào hay cay cay mùi tắc.

Tôi chỉ có thể lặng im mà nắm lấy bàn tay chồng...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro