Chiếc Áo Mới Của Mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy là một cái Tết nữa lại đến. Cứ mỗi lần đến Tết, tôi lại nhớ đến chiếc áo mà mẹ đã may cho tôi mỗi khi Xuân về. Cái hương vị của ngày Tết, mùi đặc trưng của vải mới từ chiếc áo mới mẹ may cho anh em tôi, dù đã gần 40 năm rồi mà cứ như là mới hôm qua.

Tôi thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên ở giai đoạn ngay trước ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Những năm đầu thập niên 80, cả nước đều khổ sở, chật vật với cái ăn, chứ nói gì đến cái mặc.

Quê tôi là vùng đất cuối cùng của tổ quốc, đồng chua nước lợ quanh năm, mùa màng thất bát nên với người nông dân thời ấy, lo cái ăn tươm tất cho ba ngày Tết cũng vất vả lắm rồi. Tôi còn nhớ, chỉ có ba ngày Tết (từ mồng Một đến mồng Ba) là bữa cơm gia đình mới không bị độn khoai, bo bo và có chút thịt kho. Bởi quan niệm quê tôi, những ngày đó là ngày ông bà tổ tiên về sum vầy với con cháu nên dù có khó khăn đến mấy, bữa cơm cũng phải có thịt.

Ba trăm sáu mươi mấy ngày còn lại, mang tiếng là cơm, nhưng khoai nhiều, gạo ít; mỗi bữa cơm chỉ có nửa lon sữa bò gạo, dành cho gần chục miệng ăn. Khó khăn là thế, nhưng vậy mà cái Tết nào, anh em tôi cũng được Mẹ cho một chiếc áo mới.

Tôi còn nhớ, cứ vào khoảng ngày đưa ông Táo (23 tháng Chạp) thì mẹ lại dẫn anh em tôi đến một chị thợ may trong xóm đo cắt cho mỗi đứa một chiếc áo mới để ăn Tết. Chị thợ may đo đến đâu là bọn tôi lại ngây ngất đến đó và tưởng tượng ra chiếc áo đẹp nhất mà mình sẽ mặc vào ngày Tết để khoe với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Chỉ cần nghĩ đến chiếc áo mới là tôi... quên đi cái đói.

Rồi anh em chúng tôi lớn lên, trưởng thành trong sự thương yêu, tảo tần của mẹ, sự vất vả của ba. Dù khó khăn đến mấy, vất vả đến mấy nhưng ba mẹ tôi nhất quyết không để anh em tôi nghỉ học, bằng mọi giá phải thoát nghèo bằng con chữ. Ở quê tôi thời ấy, người dân không coi trọng việc học. Những đứa bạn cùng trang lứa tôi, mới 14-15 tuổi đã nghỉ học, đi làm, phụ giúp gia đình, chỉ có anh em tôi là được đi học. Với sự quyết tâm của ba mẹ mà anh em tôi là những người đầu tiên của xã tốt nghiệp phổ thông Trung học, rồi lên Sài Gòn học Đại học.

Thời đó, được trúng tuyển Đại học là một việc hệ trọng. Khi nghe tin anh em tôi trúng tuyển Đại học, nhiều người trong xã rất đỗi ngạc nhiên pha lẫn sự ganh tỵ. Nhưng ba mẹ tôi bỏ hết ngoài tai, tiền vay bạc hỏi, vẫn lo đủ tiền cho anh em tôi nhập học. Cả ba anh em tôi đều tốt nghiệp Đại học, tôi theo nghề luật, anh tôi tốt nghiệp kinh tế, em út đang là giáo viên một trường cấp 3 của tỉnh Cà Mau. Năm đầu tiên đón cái Tết khi tôi và anh lớn tôi vào Đại học, cả nhà vui nhưng... đói vì bao nhiêu tiền có được, ba mẹ tôi gửi lên Sài Gòn cho chúng tôi ăn học. Gần 30 năm kể từ cái Tết ấy, nhưng mỗi khi nhắc lại, cả nhà tôi không ai cầm được nước mắt.

Những năm tháng sống giữa Sài Gòn, bon chen với cuộc sống của nơi phồn hoa đô hội, có lắm lúc, tôi lại quên chiếc áo mới của mẹ. May mà có Tết. Những ngày Tết được về quê, về với ba, với mẹ, tôi lại thấy ấm lòng.

Bây giờ, khi kinh tế đất nước đã khấm khá, thiên hạ không còn nghĩ đến chuyện ăn no, mặc ấm mà đã chuyển sang ăn ngon, mặc đẹp. Mỗi khi Tết đến hàng hóa dồi dào, đầy ắp, chỉ cần ra chợ, siêu thị, trong vòng mươi phút là có hàng tá chiếc áo, chiếc quần thời trang, hàng hiệu và đủ thứ thực phẩm ngon, đặc sản khắp các vùng miền. Nhưng sao tôi vẫn có cảm giác thấy thiếu cái gì đó.

Tết bây giờ không còn vui như trước, không còn nhiều ý nghĩa như thời gian khó. Tôi thèm cái cảm giác được mặc chiếc áo mới của mẹ mỗi khi Tết đến. Chính những chiếc áo của mẹ đã chắp cánh cho tôi có được thành quả ngày hôm nay. Cám ơn Tết đã cho tôi được trở về với ký ức tuổi thơ gian khó của mình.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro