Đàn Gà Tháng Chạp!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng Chạp mây mẩy gió, mây mẩy nhớ thương, mây mẩy hiu hắt. Nhìn khói tỏa ven vỉa hè, nghi ngút lá khô giòn. Ký ức không ủ mà lên men, thấy chị đương quét vườn, thấy mẹ ngồi nhóm bếp.

Con chim sẻ trên ngọn tầm vông sau hè, kêu chiêm chiếp một chiều, vừa mới trôi ngang.

1. Lâu xưa, tôi có đọc của cố thi sĩ Phùng Cung, mấy câu rất buồn. "Gót nhọc/ Men về thung cũ/ Quỳ dưới chân quê/ Trăm sự cúi đầu/ Xin quê rộng lượng/ Chút thổ phần bò xéo/ Cuối thôn..." (Ăn Năn), hay như "Tiếc - đứt - ruột/ Cái thời mũi dãi/ Ổi cỏ xùm khua nón/ Phảng mùi tóc mẹ/ Xin bố con cua kềnh/ Buộc dây chuối dắt quanh sân" (Mũi dãi).

Tôi vẫn thường nghĩ vụn vặt, trong đời sống này, điều may mắn nhất của con người là còn ký ức. Mặc cho Tam Mao, nữ văn sĩ tài hoa đoản mệnh của Đài Loan (Trung Quốc) từng luận với đại ý "Điều đáng buồn không phải là bạn đã quên bao nhiêu, mà chính là bạn phải nhớ quá nhiều".

Thế nên, mỗi lúc mỏi mệt. Tôi vẫn thoang thoảng nghe thấy tiếng má sai đi chợ, tiếng nói vọng lại từ miền quá vãng. Chợ quê, dăm quầy hàng, mùi rau cải vụn, mùi người quê, ngai ngái. Có vậy thôi mà mấy mươi năm trời không thể nguôi ngoai được.

Ấu thơ của mỗi người có lẽ đều bé mọn như thế giới của con cá bảy mầu trong hũ keo giữa trưa Hè gắt nắng, lũ bạn bè tóc khét như râu ngô, mặt lấm lem bụi đỏ, cười giòn bên hàng râm bụt đỏ au au. Miếng gỗ thừa gắn bánh xe đất sét, quay tròn vo theo vết khó nghèo.

Vụn vặt phố xá cuối năm, lại da diết nhớ ổ gà hôm nào của má.

2. Nhà ngày khó, má nuôi được cặp gà của ngoại cho. Thức ăn của gà là cơm thừa, rau vụn. Thi thoảng, lén má tôi lấy gạo vãi rồi bụm tay lên miệng gọi gà. Chái sau căn nhà cũ, còn khoảng trống. Ba má cặm cụi mấy ngày vót tre lợp lá, quây thành cái chuồng nhỏ. Mấy chị em tôi hay gọi là chuồng gà. Chuồng gà be bé, bé như tiếng gáy nấc cụt của con trống choai lông chưa đầy cánh, bé như cái mỏ hồng xinh của lũ gà ta vừa xuống tổ, bé như quả trứng âm ấm nóng còn vướng tiếng cục tác khắp ngõ sau.

Mấy tháng sau, gà mái nhảy ổ. Con gà nhảy ổ thương lắm, cứ sục sạo khắp nơi, mắt lóng lánh như sương đậu, mặt đỏ gay như trái mận chín đầu hồi.

Ba lấy cái thúng cũ, lót bên dưới vài cái bao bố mục, bên trên là rơm khô. Lừa cách bắt được gà mái, ba dùng rổ ụp gà mái vào cái thúng đã cột chặt vào vị trí phía bên trong chuồng gà. Hơn một tiếng trôi qua, thì mở rổ cho gà nhảy xuống. Phía trong cái thúng ấy, là quả trứng sạch tươm, hồng tươi.

Gà mái đẻ xong, kêu váng vất nồng trưa ngong ngóng đợi. Từ buổi đó, hôm nào cũng canh gà đẻ. Ổ trứng ngày càng đầy thêm, một trứng, hai trứng, ba trứng rồi mười hai trứng. Gà mái nằm lì trên ổ, mặc gà trống quẩn quanh, gục gặc đầu thúc giục. Lắm lúc, gà trống lấy cả con giun còn lấp lánh da mời gọi.

Vài tuần trôi qua, ổ gà có tiếng chiêm chiếp. Gà con đã nở. Những chú gà mỏ đỏ, chân hồng, vàng ươm như da ngoài của quả ổi sẻ ruột đỏ.

Chị quét một khoảng sân râm dưới tán cây, anh trai hấp tấp chạy lui chạy tới tìm lồng, tìm chum nước, tôi nắm sẵn trong tay một vốc gạo đầy tràn kẽ. Gà con xuống ổ, mắt ngơ ngác nhìn, mỏ ngơ ngác quệt đất, nhìn thương đến vô ngần.

Đàn gà cứ vậy mà nhiều lên. Tháng Chạp, má ngồi tính Tết. Trong tấm bánh pháo, bộ quần áo mới, có cả những tiếng gà phải theo má ra chợ. Tôi buồn, nhưng biết là làm sao.

Dằng dặc ấu thơ tôi, tai đã quen tiếng gà lục tục mỗi chiều về. Quen luôn cả tiếng gà tranh chỗ mổ nhau lúc mưa khuya đổ ập. Nhớ hồi chạy mưa lúa đang phơi, ba vô tình giẫm lên con gà nhỏ, ba má cứ thẫn thờ, còn tôi buồn suốt mấy đêm dài.

Ngày tháng vô tình trôi qua, cứ tự nhiên như ngày Rằm trăng sáng, tháng Bảy mưa ngâu. Muốn cưỡng lại chút hương vị ngày cũ cũng không biết cầu cạnh bằng cách nào.

Ba má xây lại nhà, cái chuồng gà phá bỏ. Mà gà cũng đã hết từ lâu, chỗ ấy để dành cất những thứ trong nhà không còn dùng nữa. Hôm phụ ba dẹp chuồng gà, thốt nhiên có nắng rọi xuống ổ gà trống. Nắng lâm thâm như lông gà mái hoa, vương bên cái thúng còn ít lông gà đã bạc.

Ký ức không cần rào đón, không cần cật vấn, cứ thảng thốt ùa về. Nhớ tiếng gà trống gáy, nhớ tiếng gà mái kêu, nhớ cả lũ gà con chiêm chiếp lạ lẫm hòa với tiếng cười của mấy chị em ngày còn khó nhọc.

3. Chắc cũng đến tuổi già rồi, như hồi thi sĩ Quang Dũng viết "Lòng người trai ba mươi/ Vui như trẻ lên mười/ Yêu như tuổi mười bảy/ Buồn như sắp năm mươi".

Vậy nên chiều nay, trót hít phải một cụm khói quê người mà tự dưng lòng lại mặc nhiên để cho cũ càng bủa vây nhiều quá, không biết thoát ra làm sao.

Tháng Chạp, phấp phới trôi không cần cơn cớ.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro