Đừng Ra Sông Giặt Mền Nữa, Nghe Má!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày cuối Đông trời lạnh tê tái. Cơn mưa lất phất rỉ rả kéo dài càng làm cái lạnh như thấm sâu thêm vào từng góc phố, con hẻm khiến người ta phải xuýt xoa "lạnh thấu xương, thấu thịt".

Hai mẹ con ngồi hơ tay trên lò than đỏ rực. Chợt thằng nhóc tíu tít đầy vẻ ngây thơ: "Mẹ ơi! Tết ni cho con về nhà ngoại chơi, mẹ nghe!".

Ồ! Vậy là Tết đã sắp về rồi ư? Tết với bao ước mơ của con trẻ đây mà. Mẹ gật gù: "Ừ! Tết ni cả nhà mình cùng về ngoại!". Lời hứa thốt ra mà sao nghe lòng đăng đắng. Đã bao lâu rồi tôi không ở bên má để tất bật, để hối hả soạn sửa cho ngày đầu năm may mắn hay đếm ngược từng khoảnh khắc vồn vã của năm tàn. Hình ảnh bến sông xưa chợt ùa về...

Tết trong tôi là những ngày má lo bỏ cho xong đám đậu ngoài vườn, giâm cho kịp đôi hàng khoai tháng Ba trong cái lạnh mướt của gió bấc, mưa phùn. Rồi, má loay hoay quét sạch mớ mạng nhện trên nóc nhà, lau chùi bộ bàn ghế. Nhưng việc mà tôi không bao giờ quên, cũng chính là việc má dạy con gái kỹ, thật kỹ: "Dù bận đến mấy đi nữa thì ngày cuối năm cũng phải giặt cho được mớ mền, mùng, chăn, chiếu. Mần đàn bà không được phép để chồng con sang năm mới vẫn phải nằm giường bẩn, nghe không con!".

Anh em tôi, đứa xách bịch xà phòng, đứa mang cây đòn gánh lẽo đẽo theo má ra sông. Vẫn thắc mắc lắm với cây đòn gánh, tôi hỏi má: "Giặt đồ thì cần chi đòn gánh hở má?". Má cười vui ơi là vui: "Xí nữa rồi biết". Tụi con nít chúng tôi có bao giờ chịu thỏa mãn với câu trả lời ấy, tôi vắt óc suy nghĩ rồi phá lên: "À! Em biết rồi Hai, má mang đòn gánh ra sông để chống cái mền cho khỏi chìm ý mà. Tại cái mền nặng trịch đó!". Như chỉ chờ có thế, Hai bĩu môi: "Sai! Cái đòn gánh ni để má gánh mền đi phơi, đòn gánh mà răng chống được cái mền khỏi chìm, có mà làm cho hắn trôi luôn thì có".

Bị một phen hớ, tôi tiu nghỉu như con Mướp mất mồi, ngoan ngoãn bước theo má mà chẳng thể nói gì nữa. Mãi đến khi má mang tất cả mớ chăn vừa xả xong cho vào chiếc thau nhôm to, trắng xóa bột xà phòng, rồi bước luôn hai chân vào đó, cây đòn gánh mới chính thức phát huy tác dụng. Thì ra, nó không dùng để chống cũng chẳng phải gánh gồng gì xấc. Nó là "cây gậy" của má.

Anh em tôi vỗ tay reo ầm lên "má giặt đồ bằng chân". Nhìn điệu bộ má cứ ghì chặt cây đòn gánh trong tay, hết nghiêng người sang bên này lại đạp chân qua bên kia trông buồn cười không chịu được, "má giống cái chèo quá, còn cây đòn gánh là cột chèo". Tôi mê kiểu giặt đồ này của má đến tít cả mắt lại.

Chốc chốc chừng không chịu nổi, tôi thò cái chân gầy tong như que nan vào thau, ngoáy ngoáy liên hồi "cho con giặt miếng!". Đến non trưa, tất cả chăn dày chăn mỏng, chiếu lớn chiếu bé, màn to màn nhỏ, mớ vỏ gối lùng tùng xèng đều đã được giặt sạch tinh, mang phơi ngay ngắn trên sợi dây tạm mới chăng ngoài mé đê.

Có năm trời cứ mưa rỉ rả suốt, vậy là má mang mớ chăn, màn giăng khắp thềm, tỉ mẩn quạt mấy nồi than to ngồi hong từng cái đến khô cong. Đứng nhìn đôi tay má cẩn thận lật từng mép vải, tự dưng nghe lòng nhẹ bâng: "Má ơi! Khi mô lớn, con giặt giùm má hỉ? Con không có chồng mô, con ở với má suốt đời luôn, nghe má!".

Thế đấy, năm nào cũng như năm nào, bất kể trời mưa hay nắng, đến ngày đầu năm mới cả nhà tôi luôn được cuộn mình trên chiếc giường ấm áp, thơm tho.

Rồi anh em tôi vào Đại học. Ngày Tết về nhà tôi vẫn mê được ra sông giặt chăn cùng má, được thò đôi chân trần vào thau bồng bềnh mớ bột xà phòng trắng xóa. Cho đến một ngày tôi chợt nhận ra tấm lưng má đã không còn đủ sức để nâng bổng chiếc chăn vắt lên sợi dây chăng nơi mé đê như ngày xưa nữa. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi giúp má giặt chăn ngày Tết.

Tôi có chồng, có gia đình riêng với những chiếc chiếu, tấm chăn riêng phải giặt vào ngày cuối năm. Hai tôi cũng thế. Nhưng má nhất quyết vẫn ở dưới quê mà không ra phố sống cùng anh em tôi. Má bảo: "Tao còn khỏe, ra đó chi cho quẩn chân quẩn giò, sống ở quê quen rồi!".

Có hôm, má còn níu tay tôi mà dặn chừng: "Mần đàn bà, lúc bận thì thôi nhưng lúc rảnh phải tranh thủ giặt đồ cho chồng con, đừng có lúc mô cũng chỉ biết đứng nhìn áo quần của chồng con mình xoay xoành xoạch trong cái lồng sắt nớ, nghe con!".

Má ơi! Con luôn nhớ lời má dạy, nhưng lòng con đau lắm khi Tết này vẫn không thể về kịp để cùng má giặt mền ngày cuối năm. Trời lạnh buốt đến từng thớ thịt, má đừng ra sông giặt mền nữa, nghe má!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro