Hương Bếp Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bắt đầu từ 23 tháng Chạp ở quê tôi không khí Tết đã có ở khắp nơi. Từ ngõ chợ ngập tràn hương sắc đến trời đất bao la, những cung đường mùa Xuân mơn mởn... Nhưng đối với tôi Tết đọng lại ở ba nơi: ngoài sân, trên ban thờ tổ tiên và trong căn bếp nhỏ.

Chẳng cần phải đến những ngày cuối năm mới có thể cảm nhận được mùi của Tết. Mà bất cứ lúc nào cũng vậy, chỉ cần nghĩ đến Tết, nhắm mắt lại là tôi đã ngửi thấy mùi của gạo nếp, đỗ xanh, hạt tiêu, hành thái nhỏ cay nồng. Mấy bó lá dong xanh dựng bên chậu cúc vạn thọ nở vàng ươm như từng vốc nắng. Con chó nhỏ chạy lăng xăng theo chân tụi nhỏ. Ở góc sân, mẹ đang chọn mấy nải chuối xanh đẹp nhất để bày mâm ngũ quả.

Trong nhà tỏa ra mùi rượu trắng, bố vừa tẩm vào chiếc khăn vải sạch để lau chùi bàn thờ. Bụi thời gian bám lại ở chân nhang cong vắt và trong mắt của người quá cố mờ ảo trên di ảnh. Mẹ mất nửa buổi sáng để cắm một lọ hoa nhỏ đặt lên bàn thờ. Thêm bông này, bớt bông kia. Sắc đỏ, sắc vàng đủ rồi ao ước thêm sắc tím. Quả bày trên ban thờ phải là quả đẹp nhất trong vườn đã được mẹ lau chùi cẩn thận. Từng nén nhang mẹ cắm bằng tất cả lòng thành kính âm ỉ tỏa ra thứ mùi hương dễ chịu. Mẹ rời gian thờ và bước xuống căn bếp nhỏ của mình. Củi chụm lại, lửa nhóm lên. Mẹ bắt đầu ngào nên vị Tết...

Tôi yêu tất cả những căn bếp Tết từng sưởi ấm mình trong suốt những năm tháng cuộc đời. Những năm tháng ấu thơ, khi còn sống trong căn nhà mái lá, tường đất thủng lỗ chỗ, gió lùa chân nhang tơi tả. Bếp Tết của mẹ nghi ngút khói, mà có khi lẫn cả sương trời. Mẹ rang lạc thơm lừng, chị em tôi ngồi xung quanh nhón vụng. Thằng Út nhảy tưng tưng vì vốc lạc vừa bốc vẫn còn bỏng đót. Tôi chờ mẹ đun mật thật già để thò đũa quấn nhiều vòng vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng. Mật mía ngọt khé trong cổ họng, Tết nhà nghèo chỉ thế mà vui. Trong lúc bố đạp xe đi tảo mộ ngoài đồng, anh em tôi quây quần bên chảo mứt. Mứt gừng, mứt bí đao, mứt cà rốt... vườn nhà thứ gì có thể làm mứt được mẹ đều ngào thành Tết. Có khi mùi mứt lẫn với mùi bùn đất rạ rơm dìu dịu trong cánh mũi. Khói lẫn trong từng sợi vải trên chiếc áo mới mẹ mua cho chị em tôi bằng đồng tiền chắt chiu khoai sắn.

Căn bếp tuềnh toàng mà đầm ấm lắm, mẹ vừa ngồi bóc hành làm dưa vừa nhìn chúng tôi cười. Khói bếp, hơi hành hay là hạnh phúc giản đơn khiến mắt mẹ cay xè. Ngồi trong gian bếp Tết qua ánh lửa bập bùng tôi nhìn rõ những vết nẻ tứa máu trên gót chân của mẹ. Trong đôi dép sứt quai mẹ thò mười ngón chân còn bám đầy phèn ruộng. Tay mẹ thoăn thoắt đảo hai chảo mứt. Miệng nhắc anh em tôi nhớ trông chừng nồi bánh chưng ngoài sân kẻo cạn nước hoặc tàn củi. Thằng Út khời than vùi vào mấy củ khoai lang mật. Trời ơi cái mùi thơm và vị ngọt bùi khoai sắn ăn cả năm mà Tết vẫn còn thèm...

Sau này, mấy anh em tôi đều đã trưởng thành. Tết đến chúng tôi mua rượu Tây, quà bánh ngoại, hoa quả đắt tiền về biếu bố mẹ. Tuy chẳng thiếu thứ gì nhưng mẹ vẫn cặm cụi làm những món mứt kẹo quen thuộc suốt bao năm. Nên trong gian bếp của mẹ vẫn có từng ấy mùi vị Tết. Cay vị gừng, mặn vị muối, ngọt ngào mật mứt. Tôi lại sà vào bếp phụ mẹ làm thịt nấu đông, giò tai, nem cuốn. Tôi vẫn thèm thuồng vị khói sau những ngày ngược xuôi phố xá. Khói xộc vào trong mũi mùi hăng hắc của củi bạch đàn. Lúc dụi bếp mẹ còn bỏ vào vài quả bồ kết nhỏ để xông, chống ngạt mũi trong mấy ngày Tết lạnh. Trong bếp mẹ, ngọn lửa trên bếp ga cũng ấm, nhưng không có được cảm giác quây quần chụm đầu bên những hòn than đỏ...

Mẹ đã gánh gần sáu mươi mùa Tết trên vai với những nhọc nhằn, chắt chiu bạc tóc. Nhưng mẹ chưa bao giờ than thở về ngày Tết. Ngay cả khi con gà cuối cùng trong chuồng để dành cúng Giao Thừa cũng phải mang bán lấy ít tiền trả nợ. Bây giờ rất nhiều người trẻ chán Tết vì sợ cảnh làm dâu vùi đầu trong bếp, sợ tốn kém tiền quà cáp biếu xén, sợ những lời chúc tụng hời hợt đầu môi, sợ rượu chè say mềm, sợ họ hàng thi nhau hỏi bao giờ lấy chồng, bao giờ lấy vợ... Chúng ta có cả tá lý do để mà sợ Tết nhưng tôi luôn vịn vào câu nói của mẹ để mà tha thiết Tết. "Nếu không có mấy ngày Tết thì người nông dân vất vả cả năm như mẹ làm sao có dịp nghỉ ngơi để con cái, anh em sum vầy thăm hỏi lẫn nhau". Thật vậy, nếu không có Tết thì trong căn bếp mẹ đến củi lửa cũng buồn. Khói của ngày vui hay những sum vầy cũng mang mùi vị khác...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro