Hương Mùa Cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lẽ, ở mỗi thời đoạn của cuộc đời, con người ta lại gắn bó với một mùi hương nhất định, nhưng có những mùi hương khiến ta cứ đau đáu nhớ về như một hoài niệm đẹp không bao giờ tan vỡ. Tôi gọi đó là hương mùa cũ.

Thực ra mà nói, chúng ta vốn nặng lòng với cuộc đời đôi khi cũng vì những điều đã cũ. Và Xuân này, trong muôn vàn hương vị mới mẻ giữa cái tiện nghi của phố phường, thoáng chốc tôi lại nhớ về một mùi vị cũ mà tôi gọi đó là "mùi Tết nhớ thương".

Gia đình tôi trước kia nghèo khó. Tết của những năm Bao Cấp không xông xênh và tiện lợi như bây giờ. Hồi ấy, cả gia đình tôi sống nhờ vào nghề ủ rượu nếp vắt – thứ rượu được làm ra từ "hạt ngọc của trời". Tôi được rèn nghề từ tấm bé dù chưa ý thức được rằng đó là thức quà mang hương vị truyền thống của ẩm thực Việt. Chỉ biết mẹ đã lấy những đồng tiền ít ỏi từ nghề ủ rượu này để nuôi năm miệng ăn, ba chị em tôi lại cùng tuổi đến trường, chật vật mãi. Tất nhiên, Tết cũng chỉ trông chờ vào chừng ấy.

Mẹ tôi học nghề làm rượu nếp từ một gia đình phía Bắc chuyển vào sinh sống cạnh nhà. Thức rượu ấy, ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe còn giúp ăn ngon miệng, làm ấm cơ thể và kích thích tiêu hoá.

Năm 12 tuổi, tôi đã biết giúp mẹ nhen bếp than, đun nước, đãi nếp và đồ nếp lên thành xôi. Tôi có thể làm thành thạo các công đoạn ủ rượu như thể hành nghề đã mấy chục năm vậy. Còn nhớ, cô bé ngày xưa cứ hì hục bới xôi ra nia, khéo léo trải đều tay cho tơi từng hạt. Đợi vài phút cho tới khi sờ tay thấy xôi âm ấm là bắt đầu rắc men. Thứ men làm từ bột gạo và một số vị thuốc Bắc ấy, đã được bố tôi tán thành bột mịn, rây bỏ trấu từ trước. Ủ trong lu kín chừng dăm ba hôm là nếp dậy mùi thơm...

Những ngày bếp dột mưa, bố tôi vác từng lọn củi, mẹ khệ nệ khiêng từng lu nếp lên nhà trên, sợ thấm nước rồi vài bữa lại mất đi "nồi gạo". Tôi ngày nào đi học cũng suýt muộn giờ vào lớp, vì vừa ủ rượu xong là ôm cặp sách lao đi, mười đầu ngón tay còn dính đầy men rượu. Thấm thoát mà đã mười mấy năm...

Tôi vẫn còn nhớ như in cái mùi vị dịu êm của nếp mới khi vừa "chín" tới, có chút ngậy của hạt nếp bung mềm, có chút cay nồng của hơi men ngấm từ đầu lưỡi vào đến tận cổ họng. Rượu nếp vắt thường đánh lừa cảm giác của người uống, ngọt đến mức tưởng không thể nào khiến cho ta say khướt nhưng lại dần làm ta chếnh choáng tự lúc nào không hay.

Vẫn bộ bàn ghế nhựa đơn sơ, vẫn chậu hoa vạn thọ vàng ưng ửng, chai rượu nếp đặt cạnh đấy là thức quà "xịn" nhất để mời khách của nhà tôi ngày ấy. Bố tôi tự hào giới thiệu "cây nhà lá vườn" mỗi khi đón khách vào mấy ngày Tết, dù khách gần gũi hay xa xôi, thân quen hay lạ lẫm. Những câu chuyện nghênh đón mùa Xuân cũng theo men rượu mà nồng lên giữa căn nhà trống hoác, cái nhọc nhằn của một năm khó khổ cũng vì thế mà được xua tan. Chị em tôi ngóng Tết từng ngày, tụm năm tụm ba lại, cười hớn hở dù chẳng được uống rượu rồi hà một hơi dài như người lớn.

Hương vị say nồng của rượu nếp là mùi hương gắn bó nhiều nhất với tuổi thơ tôi. Ngày hôm nay, khi mải lao mình ra với cuộc mưu sinh, tôi dường như quên mất gia đình mình từng sống bằng nghề làm rượu nếp, quên dáng cha ngồi khúm núm giã men trong những buổi chiều chênh chếch nắng, quên lưng mẹ đang còng đi trong từng buổi sớm tảo tần mà khăn len chẳng đủ ấm lòng gió nghiêng.

Tôi thấy mình chưa bao giờ nỗ lực để đưa hương vị tuyệt diệu đó đến với mọi người như một thương hiệu "thơm thảo" mà cha mẹ tôi đã từng dày công lưu giữ.

"Nhiều gia đình, dòng họ có truyền thống tốt đẹp về học tập, lao động, nghề nghiệp, văn hóa và đạo đức. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là tiếp nối, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống ấy". Tôi đã dạy học trò của mình những điều như thế trong bài giảng của những ngày giáp Tết. Ngẫm lại, tôi bỗng thấy hổ thẹn vô cùng.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro