Mâm Cơm Tất Niên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày ấy, cả gia đình tôi gần như suy sụp. Bố mất tích trong chiến tranh, người anh trai phẫn chí cũng ra đi biệt tăm. Một tay mẹ tôi dắt díu bảy đứa con gái từ Biên Hòa lên vùng kinh tế mới Cẩm Đường (Long Thành, Đồng Nai) tìm kế sinh nhai.

Ngày ấy, mẹ con chúng tôi phải bấu víu lấy nhau, đắp đổi qua ngày bằng những bữa ăn thiếu thốn. Tết đến, những chén cơm độn khoai mì, bo bo lại chan đầy nước mắt tủi hờn...

Cả quãng đời niên thiếu của chị em tôi gắn liền với khó nghèo, thiếu ăn, đau ốm. Vùng đất vừa khẩn hoang sau ngày giải phóng đón người vợ vừa mất chồng và đàn con gái nheo nhóc bằng sự hoang vắng, khô cằn; những cây cỏ hoang dại chen lấn, giành giật đất sống với con người. Sau này khi nhớ lại, mẹ nói với chúng tôi rằng nếu không gắng gượng vì lũ con chỉ còn duy nhất một nơi nương tựa, có lẽ mẹ đã buông xuôi, mặc cho thần trí mình phát điên, phát dại.

Trong nhà không có đàn ông, mẹ phải vừa dạy con vừa phải lăn lộn kiếm sống. Hết cuốc xới lại lao vào vác than thuê cho nông trường, cực khổ trăm bề mà thiếu đói, ốm đau vẫn cứ bám riết.

Ngày ấy, mấy đứa con gái lớn chỉ vừa đủ sức để gánh vác cùng mẹ những việc nặng nhọc nhưng không hiểu hết những nỗi cực lòng của người mẹ phải bất lực nhìn con mình rách vá, đói lòng.

Trong chòi bếp tối tăm ngày cuối năm đó cả nhà tôi chỉ có nồi khoai lang luộc để đón Tân Niên. Giao Thừa năm ấy, mẹ lặng lẽ đi theo xe máy cày cùng mấy người trong xóm ra thị trấn dự thánh lễ Tất Niên (gia đình tôi theo đạo Công giáo). Khi mẹ đi lễ về tới nhà cũng đã gần sáng mùng Một (vì đường xa, xe chạy chậm lại hay trục trặc), còn chúng tôi sau khi chia nhau mấy củ khoai lót dạ cũng đã dỗ nhau ngủ cho quên cơn đói.

Mẹ về, cố nuốt vội những miếng khoai sùng đắng ngắt mà nước mắt cứ lưng tròng. Mấy đứa con gái lớn tỉnh giấc, hoảng hồn tưởng mẹ mắc nghẹn thì mẹ cười méo xệch: "Mẹ ăn khoai mà sao thấy mình giống chị Dậu trong truyện, chỉ có điều mẹ hạnh phúc hơn là không phải bán con của mình". Nói tới đó mấy mẹ con ôm nhau oà khóc, ngoài trời tiếng gà bắt đầu gáy, những tia sáng đầu tiên le lói báo hiệu một năm mới.

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại những nồi khoai đón Giao Thừa mẹ con tôi không cầm được lòng. Mẹ kể khi ra thị trấn dự lễ bà như đi lạc vào thế giới khác. Nhà cửa, đèn điện thắp sáng cả một vùng. Những gia đình đông đủ tụ tập bên mâm cơm cúng Giao Thừa với đủ thức ngon ngày Tết: bánh chưng, gà luộc, giò chả, dưa hành... Còn mẹ, đói lòng mà cũng chẳng dám mơ đến dù chỉ là cái bánh chuối chiên của gánh hàng dạo bởi chạnh nghĩ đến đàn con đói khát ở nhà.

Và cứ thế, cả chục đêm Giao Thừa đắng cay, tủi cực như vậy đã đi qua đời mẹ. Không một lời than thở, mẹ nén lòng, tự mình cắn răng chịu đựng, mong sao mẹ con sẽ đi qua những tháng ngày cùng cực chờ đón những cái Tết no ấm hơn.

Giờ đây chị em chúng tôi đều đã trưởng thành, cuộc sống không phải giàu sang khá giả nhưng ai cũng có gia đình yên ấm, hạnh phúc. Còn mẹ, sau bao năm tháng hi sinh, sau bao đêm Giao Thừa và những cái Tết xót lòng mẹ đã ngã quỵ. Cả một thời son trẻ bán sức đổi lấy miếng ăn đến giờ mẹ leo lét như ngọn đèn trước gió dù chúng tôi hết lòng lo lắng, phụng dưỡng. Nhưng đổi lại, những cái Tết, những mâm cơm Tất Niên của mẹ và con cháu đã tràn ngập tiếng cười. "Cả đời mẹ, chỉ có những phút giây nhìn con, nhìn cháu no đủ như vầy là hạnh phúc nhất", Tết năm nào mẹ cũng nói với cả nhà như vậy.

Lại một mùa Xuân sắp đến, năm nay tôi và các chị em cũng nhất định dù đi đâu, làm gì thì Giao Thừa cũng sẽ về bên mâm cơm Tất Niên của mẹ. Mắt mẹ đã mờ đục, đôi chân tê bại không còn đủ sức nâng đỡ tấm thân nhưng mẹ vẫn chỉ một lòng ước mong, một lòng mong mỏi nhìn cháu con quây quần bên mẹ. Mẹ ơi, chúng con sẽ về, gia đình chúng con sẽ về với mẹ để mẹ thấy rằng chính nồi khoai Giao Thừa những năm xưa của mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn, thành người. Và mâm cơm Tất Niên ngày nào mẹ vẫn mơ cho gia đình mình giờ đã trở thành hiện thực.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro