Mùi Tết Của Tôi Đâu Rồi?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là gái Nghệ lấy chồng xa quê. Thỉnh thoảng, tôi hay đùa chồng: "Em lạc quê mất rồi, em dù có sống ngàn năm nữa với anh ở đất này thì lòng em vẫn hướng về mảnh đất của em. Nơi đó có ngôi nhà, mảnh vườn nhỏ, cha mẹ, các anh chị của em. Sau này, hãy cho em về, nằm cạnh cha, cạnh mẹ dù em biết đó là điều rất khó với phong tục của người Việt".

Chín năm lấy chồng xa quê, Tết vẫn rộn ràng, hối hả với mua sắm, dọn dẹp, trang trí, hoa đào, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành...; vẫn nói, vẫn cười nhưng lòng tôi dường như không còn Tết. Tết chỉ còn lại những mùi, những vị quấn quýt, vương vấn, lẩn quẩn trong tâm, trong trí.

Đó là mùi hương trầm! Thứ mùi thanh cao, thuần khiết, ấm nồng. Cha thường bảo tôi đốt cắm dưới cành đào, vào cái khe nhỏ của ô vòng xuyến trong phòng khách. Cả căn nhà ngập tràn mùi trầm. Có trầm là có Tết hay có Tết là có trầm? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết Tết và trầm cứ quấn quýt, quyến luyến vào nhau như một. Tết nay về vội, bó hương trầm chẳng kịp nghĩ đến, để rồi những ngày Tết cứ lắt lay nhớ. Nhớ da diết, nhớ quay quắt đến cháy lòng.

Đến nhà bạn chồng chúc Tết, ngửi thấy mùi trầm mà bấn loạn. Đang giận anh bạn ấy vì dám rủ chồng đi uống suốt từ sáng đến chiều nhưng mùi trầm làm tôi dịu lại, bình tĩnh và nhẹ nhàng đến lạ. Nhưng chỉ cố kìm được thế, bước lên xe về nhà thì nỗi nhớ vỡ òa.

Đó là mùi vôi! Cứ như một thói quen, cứ Tết đến là cha mẹ thay áo mới cho ngôi nhà cấp bốn, ba gian nho nhỏ. Ngôi nhà xây lên từ sự chắt chiu, mồ hôi, nước mắt của cha mẹ. Tôi và chị lui cui quét những phần thường phía dưới, phần phía trên dành cho thanh niên to khỏe hơn. Mùi vôi với tôi như mùi của sự tươi mới, của sự khang trang, chẳng cay xè, nồng nặc và dễ dị ứng như các loại sơn nhà bây giờ. Tôi tin mẹ vẫn nhớ thói quen đó. Hôm trước, mẹ tự quét vôi và hồ hởi khoe với con rể: "Hưng thấy mẹ giỏi không?". Chị tôi xót mẹ nhưng tôi hiểu đó là thói quen ám ảnh, gợi nhớ mẹ những ngày Tết cũ, những ngày Tết còn cha.

Đó là mùi thức ăn chị nấu! Các chị tôi đảm lắm. Ở đâu tôi không biết, nhưng truyền thống trong gia đình tôi, mâm cỗ Tết phải có đủ bánh chưng, thịt kho tàu, thịt đông, canh xương nấu măng khô, mộc nhĩ và giả cầy. Tôi nhớ mùi và vị bánh chưng anh tôi gói. Anh gói bằng tay chẳng cần khuôn. Nhưng chiếc bánh vẫn chặt và đẹp lắm, miếng bánh vừa vị, có cái mềm dẻo của loại nếp ngon, béo ngậy của miếng thịt, vị bùi bùi của đậu xanh.

Giờ đủ đầy, bánh chưng ngày nào chẳng có nhưng Tết nào tôi cũng dặn anh để dành cho mình. Tôi ăn nỗi nhớ, tôi ăn nỗi đau đáu cái Tết cũ khi còn cha. Tuyệt hơn cả là thịt kho tàu. Miếng thịt lợn được cắt to, vuông vắn, có nạc nhiều hơn mỡ, ngấm gia vị mằn mặn, ngọt ngọt, đủ độ mềm, vừa độ cứng để cắt thành những lát mỏng sau khi nấu. Sau khi hạ mâm cỗ, cha sẽ cắn phần mỡ và da đi, để dành tôi phần thịt nạc. Cha chiều và làm hư tôi từ bé như vậy.

Đó là mùi của nồi nước thơm tắm chiều Ba Mươi Tết! Mẹ, sau này là chị nấu một nồi nước to, có rau mùi già, lá bưởi, lá hương nhu, lá sả... Cả nhà lần lượt tắm rửa sạch sẽ trước bữa cơm Tất Niên. Cha gọi đó là gột rửa xui xẻo của năm cũ để đón năm mới nhiều may mắn. Giờ nhớ, tôi vẫn nấu thứ nước ấy cho con tắm. Một loại nước vừa chống cảm cho con vừa giúp tôi chống chọi lại nỗi nhớ nhà, nhớ Tết.

Cuộc sống trôi đi hối hả và gấp gáp. Tết vẫn đến hàng năm theo chu kỳ. Tết buông trôi vào cuộc sống. Nhiều khi, tôi rùng mình: Tết của tôi đâu rồi? Tôi thương Tết lắm, tôi nhớ Tết lắm. Những mùi, những vị ấy của Tết cũ buộc vào trí não tôi một cách ám ảnh. Tôi gọi đó là "Mùi Tết".

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro