Nghi Ngút Nồi Bánh Chưng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phố phường ngập tràn màu sắc, trong không khí hồ hởi, có phần vội vã của con người và cảnh vật những ngày cuối năm. Những phong bao lì xì màu đỏ đã được bày bán mọi nơi, hoa mai, hoa đào, lay ơn, thược dược... thi nhau khoe sắc, những cây quất cũng bắt đầu thay màu vàng áo mới. Tất cả để đón một mùa Xuân đang về.

Thời gian này những năm tháng tôi còn ở với bố mẹ là những ngày tất bật lau dọn nhà cửa, mua sắm vật dụng mới trong gia đình. Bánh trái, hoa quả, đồ ăn, thức uống trong mấy ngày Tết được lên đơn và tích trữ từ bây giờ. Thích thú nhất vẫn là khi thấy trong chiếc làn treo ghi đông của mẹ có cây giang và bó lá dong tươi. Đôi khi cả niềm vui và sự háo hức của con trẻ và cả người lớn khu tôi sinh sống là nhìn thấy nồi bánh chưng nghi ngút khói. Bánh kẹo, mứt lớn cả rồi nên chủ yếu chỉ để nhìn cho ngọt lòng ba ngày Tết. Nhưng nồi bánh chưng thì không thể thiếu, chẳng năm nào vơi phần háo hức bởi cái ấm áp, tròn đầy.

30 Tết, năm nào cũng vậy, khi mọi việc đã tương đối hoàn thành thì công việc gần như cuối cùng là gói bánh chưng, cũng là điều lũ trẻ con chúng tôi mong chờ nhất. Bé nhất nhà nên tôi được giao nhiệm vụ rửa lá bánh. Thế thôi mà cũng vui mừng khấp khởi vì được góp chút công sức nhỏ bé cho cái Tết sum vầy.

Hai chậu nước, chiếc khăn sạch và cái rổ to, tôi nắn nót rửa từng tàu lá theo lời dặn dò của mẹ. Ngon nhất là những chiếc lá bánh tẻ, không non cũng không già, không rách, xanh mướt một màu. Mẹ nói rửa lá cũng quan trọng lắm, lá có sạch thì bánh mới thơm.

Năm nào cũng vậy, mẹ là người chịu trách nhiệm ngâm nếp, đãi đậu. Nếp và đậu được bác tôi gửi tặng là loại nếp ngon nhất, được mẹ ngâm đãi cẩn thận để nếp không bị sượng, bị trân, nhân sẽ thơm và đượm. Đôi tay mẹ linh hoạt, nhanh nhẹn hết mẻ này đến mẻ khác mà không vương hạt nào. Thịt để làm nhân cũng tự tay mẹ chọn mua, thái và ướp. Là loại thịt ba chỉ, không mỡ quá cũng không nạc quá, sau khi rửa sạch sẽ, thái khổ to bản, để nguyên bì đem ướp với chút mắm, muối, tiêu. Thịt ngon thì nhân bánh vừa bùi lại vừa mềm, vừa béo. Thịt và đậu sẽ hòa quyện vào nhau tạo nên vị đậm đà cho miếng bánh thơm.

Lá dong đã róc nước, nếp, đậu cũng tinh tươm, thịt đã đượm vị, công đoạn tiếp theo là bắt tay vào gói bánh. Ấy mới là khâu khiến chúng tôi hí hửng, đứng ngồi không yên. Nguyên liệu bày hết lên chiếc chiếu cũ. Thêm cái khuôn gỗ vuông vức bao nhiêu năm nay. Bàn tay mẹ vẫn thoăn thoắt, khéo léo, một bát nếp, một chén đậu, một lớp thịt, rồi lại đậu, rồi lại nếp. Mấy lớp lá dong chèn vào bốn góc để bánh không bị vỡ, nhìn cách mẹ gói bánh, buộc lạt, tôi nghĩ đến cách mẹ vun vén cho gia đình. Cũng làm sao để ấm êm, làm sao để "lạt mềm buộc chặt".

Những chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt dưới đôi tay của mẹ lần lượt ra đời, tổng cộng 12 chiếc. Mẹ đã cân đong đo đếm, tính toán cho đủ cặp thắp hương cúng tổ tiên, cặp mang biếu, cặp cho con mang đi những ngày ra Giêng bằng cách nào đến giờ tôi vẫn chưa học được.

Hoàn tất công đoạn gói bánh, giờ thì xếp bánh vào chiếc nồi to, bắc lên bếp đỏ lửa. Những ngày cuối năm, trời càng lạnh, thi thoảng có hạt mưa, sương, ngồi bên nồi bánh chưng bập bùng sôi, nghi ngút khói nói câu chuyện năm cũ, năm mới vẫn là thời khắc tôi thấy thật ấm cúng, thảnh thơi. Bánh ninh 12 tiếng cho nếp và đậu thật rền, nhân thật bùi, thật thơm, xong cũng gần nửa đêm, tiếng pháo hoa rộn ràng, nén hương tỏa dịu, trên ban thờ tổ tiên đêm Giao Thừa, những chiếc bánh chưng vẫn còn ấm nóng, cái ấm áp vẫn được gìn giữ qua bao nhiêu năm, tinh hoa đất trời cũng hòa trong chiếc bánh, mang cả hương vị của quê hương, cho mỗi mùa Xuân lại thơm ngọt lòng người.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro