Nhớ Tết Xưa...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhìn cây đào ngoài vườn đã chi chít nụ hoa cạnh những giọt sương mai long lanh, tôi lại thấy xốn xang... Tết sắp đến rồi!

Tết đến, nghe thật quen thuộc. Nhớ lại, trước đây cứ gần Tết đến, mọi người chộn rộn hẳn lên. Nhất là bọn trẻ chúng tôi, đứa thì khoe mẹ mua cho đôi guốc mộc quai bằng cao su, thằng thì bảo bác nó ở trên tỉnh gửi về cho đôi dép nhựa màu trắng. Có thằng thì vênh mặt lên nói có bộ quần áo mới, quần bằng vải "xanh sĩ lâm", áo "phia" trắng may cổ đứng... Còn tôi, nhà nghèo nên chẳng có gì mới để khoe.

Quê tôi ở đồng bằng sông Hồng, một làng thuần nông nên người dân quanh năm đánh vật với đồng ruộng. Làng tôi nghèo lắm, nhưng ai cũng muốn cho con đến trường và muốn có một cái Tết chu đáo cho chúng tôi.

Ngay từ ngày tiễn ông Công, ông Táo lên Trời (quê tôi gọi là mạc rục) nhà nào cũng quét lại bằng vôi trắng, dọn dẹp trong sân ngoài ngõ, lau rửa bàn thờ tổ tiên. Từ sân ra ngõ được vẽ cung tên bằng vôi, giương lên bắn ra phía ngoài để trừ ma quỷ. Dân làng tập trung làm cổng chào, dựng cây nêu thật cao, trên treo cờ Tổ quốc, căng khẩu hiệu ngang đường, quét vôi những gốc cây to chạy quanh đường làng. Nhà tôi đã treo ông mũ cóc với cành đa ở cột hiên nhà lấy lộc đầu Xuân. Trước nhà bố tôi cũng trồng cây nêu nho nhỏ, trên treo cờ đỏ sao vàng, buổi tối thì treo thêm cây đèn dầu, nhìn từ phía ao vào thật lung linh.

Trước Tết, nếu như còn nợ nần nhau, dù chỉ mấy hào, hay có xích mích cãi cọ, dù nhỏ, thì cũng phải trả nợ hay làm lành trước Ba Mươi Tết, nếu để quá Giao Thừa là sẽ bị giông cả năm.

Xa quê đã lâu, nhưng không bao giờ tôi quên được niềm vui ngày còn nhỏ được theo mẹ đi chợ Tết. Chợ Tết ở quê tôi từ ngày Hai Ba tháng Chạp, ngày nào cũng có ngày trùng cả với mấy phiên. Nhưng nhớ nhất vẫn là được đi chợ Ninh (26 tháng Chạp) bởi: "Cưới con cưới cháu không bằng hai sáu chợ Ninh". Gà chưa gáy sáng, tôi đã nghe tiếng í ới gọi nhau đi chợ. Đường đến chợ Ninh khá xa, dù trời có lất phất mưa, rét, cũng chẳng ai để ý. Vừa tang tảng sáng mà chợ đã đông nghẹt người. Mẹ tôi kéo chúng tôi vào gốc cây đa. Thằng em thì ngồi hẳn vào cái thúng để coi, còn mẹ dắt tay tôi, chen vào đám đông. Hàng hóa bán chợ Tết thì đủ loại thực phẩm, hoa quả, bánh trái, tò he, tranh ảnh, lá dong, lạt giang, hương thơm các loại... Mẹ tôi mua một số thứ thiết yếu và không quên mua mấy nắm lá mùi, hương nhu mang về nấu nước cho cả nhà tắm Tất Niên. Vui nhất là mẹ tôi mua cho anh em tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới và tôi thì mua được mấy quả pháo tép...

Chẳng mấy chốc đã là Ba Mươi Tết! Ngay từ còn sớm người lớn đã bận đi mổ lợn, làm cỗ cúng. Buổi chiều Ba Mươi gói bánh chưng xong, thường các nhà dành thời gian trang trí tranh ảnh, câu đối, cây đào. Đặc biệt là ảnh Bác Hồ được dán vào khung làm bằng tre, treo ở vị trí trang trọng của nhà. Đêm Ba Mươi, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, cha mẹ nhắc nhở những điều kiêng sáng mùng Một Tết như: không được dậy muộn, quét nhà quét sân không được đổ rác đi... Nhiều nhà còn xem ai hợp tuổi thì mượn xông nhà để lấy may. Đúng Giao Thừa, cả làng dậy lên tiếng pháo nổ, những quả pháo thăng thiên bay vút lên bầu trời đen vạch chi chít đường cong sáng loáng. Tiếng mõ, tiếng trống rộn rã lẫn trong tiếng chuông chùa dóng dả điểm sang canh. Năm mới đã về...

Sáng mồng Một Tết, mẹ gọi chúng tôi dậy sớm, rửa mặt bằng nước lá thơm, ăn cơm xong mới được mặc quần áo mới. Nhìn bộ quần áo còn thoang thoảng thơm mùi vải, đứa nào cũng phấn khởi, ngắm vuốt cho nhau và vui nhất là được mẹ mừng tuổi. Nhận tờ một hào mới từ bàn tay mẹ gầy gò, cứ ngắm đi ngắm lại rồi cẩn thận cho vào túi mà xốn xang cảm xúc đến tận bây giờ.

Đi chúc Tết xong, chúng tôi lớn bé, kéo nhau ra ngoài chợ, đi xem và chơi các trò dân gian mà xã tổ chức. Chỗ thì chơi cờ tướng, kéo co, cướp cỗ. Nơi thì đu quay, bịt mắt đánh trống, ném bóng vào rổ. Gần gốc đa thì chơi đi cà kheo, đi cầu độc mộc... Rất nhiều trò, mà trò nào cũng vui như...Tết. Đến tối địa phương tổ chức văn nghệ. Sân khấu được đắp bằng đất, phông màu trang trí đơn sơ, dưới ánh sáng của đèn măng xông. Diễn viên nhạc công đều là người dân quê, ấy vậy mà khi diễn trò, những tích xưa thật nhuần nhuyễn. Tiết mục nào cũng được người xem vỗ tay tán thưởng không dứt...

Bây giờ, quê tôi khác xưa nhiều lắm. Buổi tối cuối năm, tôi thong thả đi vòng quanh bờ hồ dưới ánh sáng trắng của những ngọn đèn cao áp, nhìn hồ nước long lanh gợn sóng lăn tăn, lòng không khỏi bâng khuâng rồi miên man nghĩ về Tết ngày xưa. Phải chăng khi vật chất hàng ngày đầy đủ, câu nói "để dành đến Tết..." đã là xưa rồi, có thể nào lại quên dần đi những thuần phong mỹ tục tốt đẹp khi Tết đến Xuân về...

Chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy truyền thống đó, để giáo dục con cháu mãi mãi noi theo.

Đừng để Tết xưa chỉ là một thời để nhớ!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro