Nhớ Thương Mùi Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi tôi hỏi các con có biết ngày Tết là gì không, con gái hỏi lại: "Là ngày mình được ăn cái bánh gì màu xanh xanh phải không mẹ?". Thế là, vợ chồng tôi quyết định: "Tết ở Pháp này phải có bánh chưng" - cũng là lần đầu tiên trong đời tôi gói bánh.

Tôi leo phắt lên mạng, hỏi han bạn bè về nguyên liệu, xem các video dạy cách làm. Chạy ra cửa hàng châu Á gần nhà, may quá, anh chủ siêu thị người gốc Việt nên năm nào cũng bán lá dong, nếp và đỗ xanh. Lạt không có, chúng tôi thay thế bằng sợi thừng.

Khi tôi trải chiếu, dọn đồ đạc, "nhà mình sẽ gói bánh chưng đón Tết nhé", hai con gái hồ hởi xúm vào. Nhưng, có một sự cố không hề nhỏ. Để gói một chiếc bánh cần tới bốn-sáu lá dong, nhưng chồng tôi chỉ mua mười lá, vì "ông bà nội bảo thế". Thế mà chúng tôi định gói tới năm cái bánh. Chồng tôi loay hoay xem hết clip nọ đến clip kia dạy gói bánh, rồi lại nhìn cái khuôn bánh be bé, rồi trầm ngâm suy nghĩ: "Yên tâm, mình gói bánh mini thôi vậy". Con bé lau lá, vợ rọc sống lá, chồng cắt lá, con lớn đổ nếp, đỗ, thịt, chồng gói bánh, vợ buộc dây. Hết hai tiếng đồng hồ cũng xong. Chồng tôi phủi tay: "Hoá ra không hề khó, lúc nào muốn ăn cứ bảo anh làm, lần sau mua nhiều lá dong hơn là được".

Ngồi nhìn năm chiếc bánh chưng mini, tôi xốn xang, không ngờ mình cũng có ngày này. Điều kỳ lạ là trước đây, khi còn ở Việt Nam, tôi chưa từng thích ăn bánh chưng. Thậm chí nó còn là nỗi khiếp hãi của tôi trong những bữa ăn ngày Tết.

Một, hai năm đầu xa Tổ quốc, dịp Tết đến, các gia đình thường tụ tập để cùng nhau gói bánh chưng rồi mang về nhà tự luộc lấy. Nhưng thói quen đó cũng dần mất đi do công việc bận bịu, rồi từng nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, thế là Tết đến ai nấy tự lo.

Ở Pháp, nếu muốn có bánh chưng ngày Tết cũng dễ thôi, bạn chỉ việc ra siêu thị châu Á mua một cái về chưng trong nhà, tới mồng Một lấy ra ăn. Nhưng tôi cảm thấy chỉ thế thôi vẫn chưa đủ, dường như cái không khí Tết vẫn ở đâu đó xa xôi quá, chưa hề đặt chân vào nhà mình. Chưa nói, chiếc bánh mua từ siêu thị đó không giống những chiếc bánh ông bà tôi vẫn luộc, không có màu xanh đặc trưng, không có "mùi của Tết", không cho tôi cảm giác thân thương quê nhà. Và nếu chỉ có thế, những đứa con của tôi sẽ không bao giờ có ý niệm gì về ngày Tết Việt.

Ký ức tuổi thơ của chúng sẽ không bao giờ có không khí chúng tôi đã có khi xưa. Thậm chí nếu về Việt Nam, chúng cũng đón nhận ngày Tết với con mắt của một người khách đến từ một nền văn hóa hoàn toàn khác.

Con gái tôi từng hỏi, đêm Noel nhà mình có ăn bánh khúc cây (Bûche de Noël) không mẹ. Tôi hỏi tại sao, cô bé chắc nịch: "Vì đó là truyền thống mà". Nhưng khi tôi hỏi con ngày Tết là gì, con gái lớn hỏi lại có phải là ngày mà mình nhớ tới những người thân đã chết và mình nấu cơm mời họ ăn không; cô con gái thứ hai trả lời ngày Tết được ăn nhiều thứ ngon như là mỳ tôm.

Điều này thôi thúc vợ chồng tôi, sau gần chục năm sống tại châu Âu, tự tay gói những chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời mình. Dù ở Pháp, tôi vẫn muốn các con tôi lớn lên trong một không gian Việt tại ngay chính ngôi nhà của mình, tôi muốn các con nhớ tới ngày Tết cổ truyền, nhớ tới những món ăn, những phong tục truyền thống mùi vị Việt Nam chứ không chỉ bánh khúc cây.

Và tôi nhận ra, sau khi đã rời xa quê nhà, chiếc bánh chưng không hẳn chỉ là một món ăn truyền thống, nó đã thành sợi dây gắn bó của chính tôi với quê hương. Nếu còn ở Việt Nam, hẳn tôi và các con tôi sẽ không bao giờ biết thế nào là gói bánh, bởi nếu không có ông bà gói hộ và mang đến cho, chúng tôi cũng có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu. Tôi cũng sẽ không cần lo lắng các con lớn lên mà không hiểu được ý nghĩa ngày Tết là gì. Thế nhưng, tại một nơi cách Việt Nam 16 tiếng đồng hồ bay, việc cả nhà cùng gói mấy chiếc bánh chưng lại khiến tôi nao lòng đến thế.

Tôi đã gần như bật khóc khi cầm thành phẩm hít hà, mùi của lá dong, mùi của nếp, mùi của Tết đây rồi. Bánh dẻo, thơm mùi lá chín, bên trong đậm đà thịt và mỡ quyện vào nhau. Bọn trẻ vui tươi nhìn mâm cơm có bánh, giò, gà luộc và dưa muối: "Trông giống Tết ở nhà ông bà rồi mẹ nhỉ?".

Hóa ra, những thứ gắn kết tôi với quê hương chính là những điều nhỏ bé như việc tự tay gói chiếc bánh chưng cùng cả nhà đón Tết nơi xứ người. Khi cầm trên tay cái bánh, trái tim xa quê hương của tôi phần nào được chữa lành, được an ủi. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình thực sự là một người Việt Nam. Và tôi mong rằng, các con của tôi, dù mang quốc tịch nào, sống ở đâu, cũng sẽ luôn nhận rõ mùi vị mà chúng thuộc về.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro