Niềm Thương Hương Hoa Vạn Thọ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đâu đó trong ngày Tết, cắm bình vạn thọ lên bàn thờ, thắp một nén hương đêm Ba Mươi, thoảng mùi hương hoa còn vương nơi bàn tay mà lòng người lại thấy nôn nao.

Tôi gọi điện báo với má năm nay không về Tết. Giọng má tôi có phần chùng xuống: "Ừ, chuyện ở nhà không cần lo". Chuyện ở nhà là chuyện một thiên vạn thọ mùa Tết của má tôi. Mùi thơm the the của loài hoa dung dị ấy bỗng nhiên vướng vít nơi cánh mũi. Tết với tôi luôn gắn liền với sắc vạn thọ, ẩn chứa trong mùi thơm của loài hoa bình dân đến thân thương ấy.

Năm nào cũng vậy, cứ tầm tháng Chín là ba má tôi làm đất, tháng Mười thì trồng vạn thọ cho Tết. Đất được cuốc vỡ rồi bừa cho xốp ra, trộn với phân chuồng, tưới tẩm kỹ càng để trồng cây non. Chiều hôm trước, những cây vạn thọ con vừa tách ra khỏi giồng ươm hơi gục đầu khi chuyển về "nhà mới", thì sau một đêm uống sương và nước tưới đẫm ban chiều, sáng hôm sau đã tươi tỉnh, hớn hở như trẻ con được mặc áo mới. Những cánh lá như những bàn tay nhỏ vẫy vẫy trong gió đến dễ thương. Vạn thọ thơm cả từ cành và lá, nên chúng cũng ủ cho đất mùi thơm đặc trưng của mình. Đến không khí cũng thơm mùi của cây vạn thọ. Hương thanh tĩnh bình yên trong sương sớm, hương nồng nồng ngai ngái trong nắng trưa, hương dịu dàng nhè nhẹ trong chiều và đêm.

Hơn hai tháng sau hoa đã phổng phao trưởng thành, cành lá sum suê, thân hình cứng cáp và những chồi hoa đã xuất hiện. Người ta vẫn quan niệm cây vạn thọ nhiều hoa, nhiều lá mới đẹp. Một bình hoa đầy bông nhưng thiếu lá thì thể nào người mua cũng chê. Giữ lá vạn thọ xanh và dày dặn cũng là việc không dễ. Từ tưới nước, làm cỏ đến bắt sâu, rồi canh đến ngày ngắt ngọn để hoa đâm nhành... người trồng hoa đều phải để ý từng chút một thì mới có được một cây hoa "mười phân vẹn mười" đem bán cho người.

Đến khi tháng Chạp gõ cửa thì những bông hoa đã chúm chím trên cành như nắng. Lúc bông hoa cái phô bày vẻ đẹp rực rỡ của nó cũng là lúc chợ hoa Tết xôn xao. Thấy hoa nở là biết Tết đã về. Hoa vạn thọ nhà tôi cũng góp mặt với đào, mai, cúc, hồng, quất... từ khắp nơi đổ về chợ hoa để tạo nên hương sắc đặc biệt của ngày Xuân.

Ngoài lúc làm đất để trồng hoa thì đây là lúc cực nhất. Chị em tôi phụ má khuân hoa từ dưới vườn lên sân. Ôm những cây hoa giòn rụm, cẩn thận trong mỗi vòng tay để không làm gãy hoa, đi chừng ba vòng đoạn đường dốc thoai thoải thì ai cũng thấm mệt. Nhưng đây cũng là lúc tôi được tắm trong hương hoa. Từng bông nằm sát ngay dưới mũi, từng chiếc lá cọ vào mình, cả người như được ướp hương. Mùi thơm lúc đầu nồng nàn, lúc sau nhạt bớt, rồi thoang thoảng, cuối cùng như có như không vương vít mãi.

Với cây được trồng trong chậu thì mấy chị em tôi còn cực hơn. Chúng tôi phải khuân chậu hoa ra xe ở tận đầu ngõ, chặng đường ngót nghét nửa cây số, khuân được vài trăm chậu thì ai cũng thở phì phò. Mỗi một mùa hoa Tết, công đoạn khuân lên khuân xuống này không biết phải làm bao nhiêu lần.

Rồi hoa ra chợ, vị Tết càng thêm đậm đà. Người mua hoa, dù mua ngược mua xuôi thế nào cũng sẽ ghé lại hàng vạn thọ. Có người chỉ mua một bình để cúng ngoài sân đêm Ba Mươi. Có người mua hai chậu nhỏ để đem ra mộ phần thắp hương cho người quá cố. Có người chê hoa đắt, có người khen hoa đẹp, có người mua nhiều đòi giảm giá, có người lại hỏi han cặn kẽ cách cắm hoa, có người đòi người bán cam đoan hoa sẽ tươi được ba ngày Tết.

Từ ngày nhà tôi trồng vạn thọ, năm nào tôi cũng đi bán hoa Tết. Vận vào mình cái quần nhà nông, mượn má tôi cái áo khoác đã sờn, chụp lên đầu cái mũ rộng vành, rồi nhiệt tình: "Bông thọ đi chị ơi, bông thọ về tảo mộ, cúng kiếng đi anh, chị". Những lúc ấy, tôi hòa vào không khí tấp nập, khẩn trương, hòa vào nỗi niềm chào năm cũ đón năm mới của dòng người. Tiễn một vị khách với lời chúc: "Năm mới vui chị nhé, anh nhé", tôi thấy hơi Tết len lỏi trong lòng mình. Niềm vui chạy lan từ khóe miệng lên khóe mắt.

Hoa vạn thọ ngày Tết thường bán được giá hơn, khoảng vài chục ngàn, nhưng giá ấy vẫn rất "bình dân" so với các loại hoa khác dịp cuối năm. Nhờ vậy mà nhà tôi có tiền ăn Tết, nhờ vậy mà giữa muôn trùng đào, mai, hồng, cúc...; hoa vạn thọ vẫn chưa vắng mặt trong ngày Tết của mỗi gia đình.

Mà có thể, vạn thọ, loài hoa được mặc định để cúng kiếng, đã trở thành một nét đặc trưng cho ngày Tết trong tâm thức người Việt. Để rồi, đi dạo chợ hoa Tết, đâu đó người mua hoa vẫn vô thức tìm kiếm một sắc vàng rực rỡ dung dị. Để rồi, đâu đó trong ngày Tết, cắm bình vạn thọ lên bàn thờ, thắp một nén hương đêm Ba Mươi, thoảng mùi hương hoa còn vương nơi bàn tay mà lòng người lại thấy nôn nao.

Hương vạn thọ nơi quê nhà của tôi đã luôn gắn liền với Tết, đã trở thành một phần ký ức dịu dàng của rất nhiều người.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro