Sài Gòn Về, Tết Về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Hôm qua má mi có nghe con Bông nói bữa mô hắn về không? Răng mà lâu rứa. Bữa ni 24 Tết rồi!". Ba ngồi ở nhà trên hỏi má. Má đang thắng nước đường, chuẩn bị làm bánh khô ở nhà dưới. Chưa nghe thấy má trả lời. Tiếng bác Ba đi ngoài đường nói vô: "Mấy đứa hắn 26 mới lên xe, 27 mới về tới!".

Nhìn ra ngoài đường xe chạy rần rần. Mỗi lần nghe tiếng xe máy nổ lại gần, thấy người chở về với cái ba lô to kềnh phía sau là biết Sài Gòn về. Đón được người từ Sài Gòn về nghĩa là Tết cũng về tới quê tôi. Sài Gòn về là Tết về!

Hồi đó, làng quê tôi eo nghèo, nhà nào con cái cũng đông, nheo nhóc, không đủ cái ăn cái mặc. Mới mười mấy tuổi đầu, mấy anh trai chị gái lớn trong thôn cứ rỉ tai nhau đi. Nam tiến là hướng chọn, Sài Gòn là mảnh đất hứa cho tất cả những người trẻ xa quê thời ấy. Chị Hai tôi cũng đi. Nghe chị kể, vô đó thì đầu tiên xin ở nhà chủ, làm thêm bán hàng cho chủ; có khi ra thuê phòng trọ làm công nhân. Cũng có người đi bặt tăm, cả năm không có cuộc gọi về nhà, nhưng đa số chắt chiu dành dụm để hai - ba năm về quê ăn Tết một lần.

Hồi chạp mả giữa tháng Mười Một, chị Bông gởi thơ về, nói Tết ni về quê ăn Tết, có anh người yêu về nữa. Rứa là cả nhà tôi chờ, chờ dài cái cổ!

Rốt cuộc tôi cũng nghe tiếng trống đánh cái tùng. Tụi tôi được nghỉ Tết rồi. Lớp tôi ùa ra về như ong vỡ tổ. Tôi chạy như bay về nhà. Bữa ni ba má đi lưới gần, lên tới Đồng Trưng, Hói Ngọn, Hồng Triều, vô chợ Nồi Rang bán cá mua đồ rồi về. Ba đang giũ lưới phơi ngoài sân. Má vừa giở cái rổ ra, "anh rể" chắp tay sau đít nhòm vô: "Con cá gô, ở trong gổ, nhảy gồ gồ!". Anh chọc ba má với chị em tôi cười một trận bể bụng. Ba vô nhà rinh bao nếp ra, nói oang oang lên: "Thôi giỡn khang rứa, má mi kêu mấy đứa chuẩn bị đồ để gói bánh nghe. Tháng ni tháng thiếu đó nghe!".

Rồi má đi ngâm nếp; chị Cúc luộc rau cúc, lá bí, lá gai, lá môn; chị Bông giã đường bát với nhúm rau vừa luộc đó. Nhà tôi Tết ni có gói bánh tét, bánh sắn. Má lúc mô cũng biểu tôi phải giữ em. Tôi bồng con bé Gái lân la, chọc cho "anh rể" với chị Hai nói cái giọng Sài Gòn nghe thiệt vui: "Mày giỏi quá ha!", "Ở trỏng, tao lái xe ga phố chạy vòng vòng, vui lắm mày!", "Mày nói không gõ gàng gì hết", "Mày, mày chọc cho chúng nó chửi!", "Con nhỏ này kỳ quá!", "Tao tát cái chát vào mặt mày bây giờ"... Cái giọng Quảng của chị tôi đã bị tiếng Sài Gòn nuốt mất!

Tôi đang nhìn cái bàn ủi chị Cúc ủi qua ủi lại cái bộ đồ mới của tôi. Cái bàn ủi bằng đồng, có cái chốt khóa là con gà, má tôi nói má mua từ thời con gái, năm phân vàng hồi xưa lớn lắm. Từ sáng, ba kê ba hòn gạch, đặt cái nồi nấu bánh lên bếp rồi xếp mấy đòn bánh tét, bánh sắn vô, lấy lá chuối đắp lên trên, đổ nước xâm xấp rồi đậy cái nón cời lên trên cùng. Ba đun mấy cây củi dương, mấy cái gốc dương đã chẻ sẵn, rồi dặn dò mấy chị em tôi ngó chừng củi lửa với châm nước thường xuyên. Than củi đến chiều thì chị em tôi gạt ra để ủi đồ. Than rực hồng và đượm, ủi đồ không có chi sướng bằng.

Gần Giao Thừa, ba lấy cái dây nhợ cột vô chiếc đũa, miệng giữ đầu dây, tay trái cầm bánh tét, tay phải cầm chiếc đũa vòng rồi xiết lại. Ba cắt hết đòn bánh tét, má sắp vô dĩa; ba lấy một dây pháo ra treo trước hiên. Bịt tai lại, chị em tôi núp sau cây cột chờ... chờ cho tới khi nghe cái đùng của viên pháo trống. Pháo trống nổ xong là chị em tôi xông vô bóp bóp, lượm lượm những viên pháo tiểu. Chu choa là sướng!

Buổi sáng mùng Một tôi mặc đồ mới đi vô đàng trong đánh tôm cua, má dặn không được vô nhà ai. Mùng Hai má với mấy chị dậy nấu cơm cúng đầu năm, tôi nghe tiếng con gà kêu ót ót. Ba cúng xong, coi coi cặp chân gà, xuýt xoa rồi gói vô giấy cất trên bàn thờ. Ăn chi đó rồi ba má đi lưới mở hàng đầu năm. Mùng Ba tôi đi theo chị Hai về ngoại. Mùng Bốn đến lượt nhà tôi, ba cúng đốt giấy đưa ông bà. Ba lại khấn xin cho con cái ăn chơi, đi đường xa dặm thẳng; trời đất ngó nghĩ cho đi lưới trúng kiếm bữa cơm cho con.

Mùng Sáu, tôi đi học lại, thấy ngoài đường, người từ Sài Gòn về đã rục rịch ba lô vô lại, người xe í a í ới. Khi về, câu "Chào cô, chào bác, con mới dìa!" của họ rộn ràng bao nhiêu thì khi đi lại, cái câu "Chào cô, chào bác, con đi lại!" xốn xang bấy nhiêu. Xóm thôn bắt đầu nghe quạnh vắng.

Chị Bông tôi cũng vô lại Sài Gòn. Chị nói năm sau có hồi không về ăn Tết... Mắt tôi rưng rưng không thành lời, chị không về ăn Tết... thì biết bao giờ Tết lại về?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro