Thực Phẩm Sạch Ngày Tết Của Nhà Tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ ơi lại sắp Tết rồi nhỉ? Đó là câu tôi thường hỏi mẹ những khi mùa khô tràn về trên TP. Pleiku, Gia Lai quê hương tôi. Vào thời gian này, không khí rất lạnh và khô, mẹ tôi bắt đầu gieo vài luống rau cải cúc, xà lách, trồng bắp cải con.

Thiếu đất, mẹ tôi mua mấy thùng xốp về trồng thêm hành, rau ngò và cả rau thơm nữa. Thế là những ngày Tết, gia đình tôi đã có rổ rau sống tươi ngon, ăn kèm với nước cà chua, hay với thịt lợn luộc cho đỡ ngán. Trên mâm cơm cúng ông bà có đĩa khoai tây xào với vài nhánh ngò xanh non, cùng đĩa nộm bắp cải thật thơm với lạc rang giòn, bát canh cải cúc ngọt lừ vì rau vừa cắt trong vườn.

Ba năm vào Sài Gòn học, mỗi khi về ăn Tết, điều đầu tiên tôi bắt gặp là những luống ngò đã lên xanh, những cây bắp cải đã cuộn tròn vo trong mảnh vườn nhỏ trước nhà. Không chỉ có dịp Tết, mà mùa nào trong năm những luống rau mẹ trồng vẫn xanh tốt, bổ sung thêm nguồn thực phẩm sạch cho gia đình tôi.

Cuộc sống hiện đại, nhiều người thường ra chợ hay siêu thị mua vài cặp bánh chưng về cúng. Nhưng vào khoảng 27, 28 Tết, tôi lại được giao nhiệm vụ gói vài đồng bánh chưng, mấy cái bánh tét, tối đến lại được ngồi bếp lửa trông nồi bánh chưng sôi. Bánh chưng nấu từ trưa đến sáng hôm sau là có thể vớt, rồi đưa đi ép. Dù không được đẹp và vuông như bánh người ta gói, song mỗi lần nhìn cặp bánh chưng bày trên bàn thờ ông bà, tôi lại cảm thấy vui lạ.

Không nổi tiếng như Lâm Đồng, nhưng Gia Lai cũng là vùng trồng rất nhiều chè. Mỗi lần về, tôi vẫn phụ mẹ hãm một bình nước chè xanh. Chè cắt trong rẫy mang về, rửa sạch, vò nát, đun nước thật sôi. Ban đầu gạn nước chát đi, sau đó đổ nước đầy ấm, chờ khoảng 15 phút là đã có ấm nước chè xanh thơm lừng, dành để đãi khách trong ngày Tết. Nước chè xanh vừa thanh nhiệt giải độc, lại chống được lão hóa nên mọi người rất thích.

Khách đến nhà, không bia rượu, chỉ với ấm chè xanh mà mọi người ngồi nói chuyện rôm rả.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro