Thương Nhớ Tết Quê Xưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày cuối năm, khi mưa phùn như tơ nhện giăng giăng mù trời, khi mà ở khắp nơi nơi, người người, nhà nhà còn đang tất bật chạy đua với thời gian, thu công vén việc dang dở trong cái rét buốt của mùa Đông lạnh giá, bất chợt, nghe mùi hương trầm thơm ngát, thoang thoảng đâu đây. Bất chợt, nghe như Tết đang về thật gần.

Tết. Luôn là một cái gì đó thật thiêng liêng, là một sự kiện quan trọng nhất trong năm của người Việt.

Tết. Chỉ có mấy ngày thôi nhưng người ta phải mất cả tháng để chuẩn bị. Tất nhiên, thời buổi công nghệ cao đến mức chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc điện thoại thông minh hay bất cứ phương tiện nào có thể kết nối với internet, khi mà thế giới đã trở thành một cái chợ online không giới hạn người bán lẫn người mua, không quan trọng ngoại tệ hay nội tệ thì chỉ cần một cái chạm tay trên màn hình cảm ứng hay một cái nhấp chuột chẳng tốn mấy tí calo, người ta đã có thể có một cái Tết chẳng thiếu sơn hào hải vị nào. Nhưng phàm cái gì dễ dàng quá, đầy đủ quá, lại mang tính chất công nghiệp hóa, toàn cầu hóa như vậy cũng không hẳn là đã thú vị và đặc sắc.

Nhớ Tết xưa, Tết của cái thời Bao Cấp và hậu Bao Cấp còn nhiều thiếu thốn và khốn khó, ở thành phố còn phải xếp hàng mua tem phiếu, phân phối từng lít nước mắm, từng hộp mứt, lạng chè... Thì Tết ở nông thôn, hàng hóa càng hiếm hoi hơn. Nhưng không phải vì thế mà Tết trở nên kém vui mà ngược lại, cho đến tận bây giờ, khi sắp bước sang sườn dốc bên kia của đời người, đi qua bao nhiêu cái Tết, ăn bao nhiêu món ăn đặc sản ngày Tết, cái tôi nhớ nhất, thương nhất vẫn là Tết quê xưa.

Ngày ấy, quê tôi họp chợ theo phiên. 22 tháng Chạp là phiên chợ đông vui nhất, mua bán đồ để chuẩn bị cho lễ tiễn ông Công ông Táo vào ngày hôm sau và chuẩn bị Tết sớm. Dân làng trên, xóm dưới, làng bên, xã bên cũng đến họp chợ, mang theo đủ thứ nông sản, hàng hóa cần thiết cho ngày Tết. Nhìn từ trên cao, phiên chợ Tết quê như một tấm vải khổng lồ với đủ các họa tiết, hoa văn màu sắc độc đáo, vắt từ bên này sang bên kia của con đê ngăn lũ từ sông Đáy. Người ta ngồi mọi chỗ có thể ngồi, từ dưới chân dốc lên đến mặt đê, ngồi trên từng bậc thang lên xuống chợ, ngồi trong những dãy nhà mái ngói xen lẫn mái tranh tre, ngồi tràn ra cả sân bóng sau đình làng. Hàng hóa thì đủ các thứ. Cái gì ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất, được giá nhất thì người ta mang ra chợ bán để mong kiếm thêm chút tiền lo Tết. Từ các loại thực phẩm tươi sống như vịt, gà, tôm, cá, rau củ quả xanh non... cho đến các loại lương thực, thực phẩm khô: gạo tẻ, gạo nếp, đậu, lạc, vừng, bánh đa, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành, tỏi, mắm muối...

Lá dong đã bắt đầu được đưa từ miền ngược về xuôi kịp phiên chợ Tết sớm. Lá xanh mướt, kèm theo những bó lạt giang trắng ngà, 100 cái được chẻ đều tăm tắp. Mẹ tôi cứ hay cẩn thận, chọn mua lá dong từ bữa nay, phòng khi vài hôm nữa cháy hàng lại đắt đỏ.

Hàng quần áo đủ màu bảy sắc cầu vồng. Người nông thôn ưa màu sắc sặc sỡ, tươi tắn để ngày Tết vui vẻ và gặp nhiều may mắn. Những em bé rạng rỡ, tóc vàng hoe khét mùi nắng, cười tít mắt, mũi dãi lem nhem vội đưa tay quẹt ngang khi được mẹ mua cho quần áo mới để diện Tết. Nổi bật nhất có lẽ là khu vực bày bán tranh và đồ thờ, đồ trang trí Tết. Tranh Hàng Trống với những kiệt tác Lý ngư vọng nguyệt, Tùng - Cúc - Trúc - Mai, Tố Nữ, Chợ quê... Tranh Đông Hồ với Đám cưới chuột, Đàn gà, Đàn lợn âm dương, Hứng dừa... thật gần gũi với đời sống sinh hoạt và ước mơ, khát vọng có cuộc sống no đủ, hạnh phúc của người dân thời bấy giờ. Tranh treo trên giá, tranh bày trên chõng che. Tranh cuộn thành từng cuộn lớn cuộn nhỏ rực rỡ suốt một triền đê ngày cuối năm lồng lộng gió.

Hấp dẫn và mạo hiểm nhất có lẽ là các gian hàng bán pháo. Ngày đó còn chưa cấm đốt pháo như bây giờ. Làng tôi ở cách làng pháo Bình Đà chỉ non ba cây số nên pháo nhiều vô kể. Từ pháo tép, pháo nhỡ cho đến pháo cối đều có tất. Người ta còn bán cả thuốc pháo cho lũ trẻ trai choai choai ưa trò mạo hiểm về tự cuốn pháo đốt. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng tạch tiếng đùng, mùi thuốc pháo khen khét, thơm thơm khiến cho không khí chợ Tết càng rộn ràng hơn.

Ngày 26, 27 Tết, nhiều nhà đã rục rịch gói bánh chưng. Tùy thời tiết năm đó nóng hay lạnh mà người ta gói bánh sớm hay muộn vì thời đó quê tôi chưa có điện, chưa có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm. Bố đi công tác xa nên nhà tôi phải nhờ bác, nhờ cậu gói bánh hộ. Những cái bánh chưng được gói vo bằng tay, vuông vắn và chắc chắn. Lũ trẻ chúng tôi háo hức xin mẹ những cái lá dong nhỏ để tập tành gói bánh. Loay hoay cả buổi tối với gạo, đỗ, lá dong và lạt giang, cuối cùng mỗi đứa cũng làm được cho mình một cái bánh chưng hình chữ nhật! Cũng háo hức hồ hởi lấy lạt giang buộc đánh dấu chủ sở hữu để khi luộc chín không bị lẫn vào nhau.

Sự kiện được mong chờ nhất chính là đêm Giao Thừa. Mẹ tất bật chuẩn bị đồ lễ suốt buổi tối. Dáng mẹ tảo tần nấu chè con ong, đồ xôi, luộc gà, làm cỗ cúng Tất Niên. Năm nào cũng phải có một con gà trống luộc buộc cánh tiên, há mỏ ngậm một bông hồng quế đỏ rực còn đẫm sương đêm vừa cắt ngoài vườn, một đĩa xôi gấc đỏ cho một năm mới may mắn. Mâm ngũ quả đầy ắp trịnh trọng giữa ban thờ. Hộp mứt ngũ vị, chè Thái Nguyên, chai rượu chanh sóng sánh hanh vàng. Cành đào bích được đặt mua tại Nhật Tân bắt đầu hé nở. Chậu quất vàng rực mua từ vườn Quảng Bá quả sai trĩu cành. Một lọ hoa thược dược đủ các màu hồng, đỏ, vàng cắm xen lẫn với hoa violet tím đã trở thành một lọ hoa truyền thống kinh điển trong ngày Tết nông thôn miền Bắc một thời.

Đúng 12 giờ đêm, khi đồng hồ thả những tiếng binh boong đầu tiên, ông nội trong tấm áo the khăn xếp đứng nghiêm trang khấn vái tổ tiên, hương trầm thơm ngát. Bố vận comple thành kính dâng trà. Mấy chị em gái tóc buộc đuôi gà, thằng em đầu ba chỏm xúng xính, sột soạt quần áo mới còn thơm mùi hồ, lạch cạch đôi guốc sơn son, đôi má phính rực hồng hơi lửa. Cỗ tam cúc bày ra. Tướng ông, tướng bà, xe, pháo, mã, tốt. Râm ran đâu đây tiếng pháo đì đùng. Con vàng, con vện nhà ai giật mình sủa đôi ba tiếng rồi cúp đuôi chạy trốn vào gầm giường. Mấy chú gà trống choai nhốt trong chuồng chờ được hóa kiếp cũng vẫn kịp cất tiếng gáy le te.

Lễ xong, bố ra sân đốt pháo. Những bánh pháo hồng được bố đặt mua sẵn của người quen trên Bình Đà. Chúng tôi đứng bên hiên nhà, bịt chặt hai tai, hồi hộp chờ nghe tiếng pháo nổ. Thế mà vẫn bị giật mình bởi tiếng pháo giòn giã đinh tai. Pháo nổ giòn tan, xác pháo hồng phủ kín một góc sân là điềm báo cho một năm mới tốt lành. Ngoài trời, mưa Xuân giăng giăng như mắc cửi, đọng từng giọt li ti trên những nụ hoa phơn phớt hồng. Trong nhà, mẹ đã dọn ra đĩa xôi gấc, mỗi người ăn một vài miếng xôi đỏ đầu năm lấy may. Ông rút phong bao mừng tuổi cho con cháu. Bố mẹ chúc thọ ông và mừng tuổi các con. Cả gia đình quây quần bên nhau, trao nhau yêu thương và những lời chúc, lời cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

Có tiếng người chào từ ngoài ngõ. Là bác trai tôi hoặc là cậu, tùy theo tuổi hợp với từng năm mà được bố tôi chọn mặt gửi vàng nhờ đến để xông đất. Người được nhờ đến xông đất phải là người họ hàng thân thích, nhẹ vía, tốt bụng và có gia đình hạnh phúc đủ đầy. Sau lời chào hỏi, chúc mừng năm mới, chúng tôi lại được nhận tiền lì xì. Ly rượu được rót ra, với hộp mứt Tết đầu tiên khai Xuân.

Sau tất cả những thủ tục đó, ông nội thắp tuần hương thứ hai rồi lấy bút nghiên và mực ra mài. Ông vốn là thầy giáo trường làng suốt từ thời Nho học bắc qua thời Pháp thuộc nên ông trên thông tiếng Hán, dưới tường Pháp ngữ. Ông trịnh trọng, nghiêm cẩn viết những nét chữ đầu tiên trong năm gọi là "khai bút đầu Xuân". Chị em chúng tôi cũng mang sách vở ra ê a đọc mấy trang lấy khước. Mong một năm mới trí tuệ thông minh sáng láng, học một biết mười.

Cứ thế rồi cũng phải đến 2-3 giờ sáng mới chính thức kết thúc một đêm Giao Thừa. Cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thật vô cùng đặc biệt. Chúng tôi đi ngủ nhưng mẹ đã lại xuống bếp để chuẩn bị cho bữa cơm cúng đầu tiên của năm mới. Mẹ luôn là người bận rộn nhất trong những ngày Tết.

Mồng Một mồng Hai đi lễ Tết hai bên nội ngoại, chúc Tết họ hàng, làng xóm. Mồng Ba hóa vàng là xong Tết. Nhưng dư âm Tết thì phải dai dẳng đến hết Rằm tháng Giêng với những lễ hội nhộn nhịp vùng miền.

Tết xưa, không nhiều đồ ăn thức uống sang trọng. Cả năm trông chờ vào Tết để có mấy ngày được ăn ngon, mặc đẹp hơn ngày bình thường. Không như bây giờ, ngày nào cũng thịt, gà, cá, gỏi, quần là áo lượt nên Tết không còn là cái gì đó quá hấp dẫn nữa. Thậm chí với nhiều chị em, Tết trở thành những ngày tất bật, nhiều lo toan.

Trong những mỏi mệt, bộn bề của cuộc sống hiện đại những ngày cuối năm, chợt thả hồn mình về những ngày Tết xưa cũ. Tự hỏi: 22 tháng Chạp này, có ai muốn một lần quay trở về với những THƯƠNG NHỚ TẾT QUÊ XƯA?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro