Thương Quá Tết Xưa!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mỗi lần gió bấc về xôn xao, trước sân mai vàng hé nụ, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ Tết, nhớ day dứt những cái Tết thần tiên thời niên thiếu.

Trong ký ức xa mờ của tôi, Tết ở quê đến rất sớm. Mới nửa tháng Chạp mà nhà nào cũng chuẩn bị đón Tết, người thì sơn phết nhà cửa, dọn dẹp vườn tược, cắt tỉa lại hàng rào, người thì mua sắm, may quần áo mới cho trẻ con. Ai ai cũng tất bật, vui vẻ như ngày hội.

Sau ngày đưa ông Táo về trời, cả xóm bắt đầu vang lên tiếng quết bánh phồng, tiếng giã gạo chày đôi chày ba thình thịch. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng rộn rịp tráng bánh, làm mứt, rồi nào bà con tát đìa, quậy mương bắt tôm, người người tất bật mọi thứ. Vui nhất là sáng Hăm Chín Tết, trong xóm có vài gia đình khá giả làm heo chia thịt, nhà nhà chuẩn bị cho mâm cơm cúng rước ông bà chiều cuối năm thật sum vầy và hạnh phúc.

Quê tôi, nhà dù nghèo hay giàu, hễ Tết đến là nhà nào cũng chuẩn bị đôi câu liễn và lá bùa dựng nêu. Trên bàn thờ chất đầy bánh mứt, trà thơm, nhang đèn để dâng cúng ông bà với tấm lòng hướng về nguồn cội. Đối với bọn trẻ chúng tôi, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng, nghe tiếng cu đất kêu hòa với tiếng pháo chuột và tiếng trống lân tùng tùng là trong lòng đứa nào cũng háo hức.

Ký ức in đậm nhất trong tâm tưởng mọi người là đêm Giao Thừa. Vào thời khắc thiêng liêng đó, không khí Tết như tràn ngập, điều gì cũng đẹp, cũng trìu mến và đáng yêu. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại khắc khoải nhớ mãi, nhớ hoài cái Tết xưa êm đềm, gần gũi và quá đỗi yêu thương.

Thời gian cứ vô tình trôi mải miết, những gì gọi là Tết xưa, Tết cũ đã dần dần nhạt mờ theo tháng năm. Nhưng trong ký ức của nhiều người vẫn còn in đậm những kỷ niệm êm đềm của Tết quê. Mỗi lần Tết chạm đến nhà, tôi nhớ miên man nào mùi áo mới, mùi hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc chưng trên bàn thờ, nào mùi dưa kiệu, dưa cải, dưa hành... nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ món củ kiệu tôm khô do mẹ làm.

Ngày nay, mỗi lần thấy mấy đứa nhỏ xúng xính trong bộ đồ Tết, tôi lại nhớ đến cái thời niên thiếu mừng tuổi ông bà, nhận tiền lì xì, nhớ ơi là nhớ! Tất cả hiện về trong tôi như một giấc mơ hoa. Giờ đây, tuy Tết xưa, Tết cũ đã trôi theo dòng đời nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh ông ngoại ngồi chùi lư, bà ngoại hái trầu, trẻ con lặt lá mai hoặc chạy lăng xăng quanh xề chuối phơi khô, khiến tôi vô cùng thương nhớ Tết xưa. Càng nhớ tôi càng yêu cái nơi mình bật lên tiếng khóc đầu đời. Chính nơi đây mình đã trải qua bao cái Tết êm đềm và thơ mộng.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, nhiều cái cũ đã mất đi, cái mới lại ra đời. Tết bây giờ, chúng ta tìm đâu ra mấy cô thôn nữ ngồi lặt củ kiệu và xay bột gõ bánh in, hoặc bà mẹ quê ngồi gói bánh tét và cán bánh phồng. Đã hết rồi cái thời rơm rạ, củi đước và làn khói lam chiều vương trên chái bếp. Bây giờ phố đã gần quê, chợ sát nhà, người ta chỉ cần ra phố hoặc siêu thị là có bánh chưng, bánh tét, có dưa chua, củ kiệu, thậm chí có cả thịt kho tàu truyền thống.

Thế nhưng chúng ta vẫn nhớ thương hoài những cái Tết thời thơ ấu. Tuy Tết bây giờ không còn giữ được hồn quê, mùi xưa vị cũ nhưng Tết Việt Nam mãi mãi là Tết văn hóa. Nhiều gia đình vẫn còn tục đón Giao Thừa, tục xông đất, tục lì xì và tục kiêng kỵ ngày Tết với sắc thái đậm nhạt khác nhau. Ngày Tết vừa mang tính thế tục (ăn uống) vừa mang ý nghĩa tâm linh, mọi người chúc phúc cho nhau với niềm tin yêu và hy vọng tràn đầy.

Chính những tình cảm cao đẹp đó giúp con người phục hồi được sự cân bằng hệ sinh hóa, bừng lên sức sống mới, một thứ hạnh phúc thầm kín mà ai cũng mong đợi trong những ngày đầu năm. Những lễ tục truyền thống, những giá trị tốt đẹp sẽ tiếp tục phát huy và ngày càng khẳng định bản sắc.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro