Xuống Đồng Mùa Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhắc đến Tết tự dưng trong tiềm thức hiện ra cả một không gian rộng lớn với đủ sắc màu hòa quyện, đủ mùi hương la đà trong không khí.

Tết là lúc hội tụ linh khí của đất trời, người người nhà nhà sum họp, hân hoan rạng rỡ, đượm thơm hương trầm, ngọt hương kẹo mứt, ngất ngây hương chanh, vỏ bưởi, lá mùi già, bồ kết trong các nồi nước xông.

Nhưng đã có rất nhiều cái Tết trong ký ức của tôi lại nồng đượm mùi đất bùn ngay trong những bữa ăn Tất Niên hay những ngày Tết còn non. Đã có những cái Tết rất vội vì nông dân phải lo cày cấy, Tết này lo làm để còn Tết sau.

Chúng tôi lớn lên ở làng quê Bắc Bộ, cuộc sinh nhai xoay quanh hai vụ lúa và một mùa màu. Khi những ngày tháng Chạp sang là lúc mạ đã xanh, đủ tuổi chuẩn bị cho một vụ lúa mới. Nhưng có những năm sương giá rét buốt, ngày ông Công ông Táo đã tới mà cánh đồng vẫn trơ một màu đất nâu. Tết là dịp quây quần, ai cũng muốn thảnh thơi vui chơi, thăm hỏi người thân thế nên nhìn cánh đồng còn mênh mông nước thì ai cũng sốt ruột cảm thán "Tết này lại không được thảnh thơi rồi".

Thế là chỉ cần trời hểnh lên vài tia nắng, nhiệt độ qua mốc 15 độ C thì ai cũng vội vã xuống đồng, ngâm mình trong giá buốt, mong sao tới ngày 28, 29 Chạp đã kịp phủ xanh thửa ruộng nhà mình, để kịp gói bánh chưng, đón Giao Thừa. Có khi chiều 30 tới rồi, mà những thửa ruộng vẫn chưa cấy xong, thế là lúc đón Giao Thừa, đi lễ mùng Một cứ thấp thỏm rằng năm nay chơi Tết ít, mùng Hai, mùng Ba sẽ phải tiếp tục xuống đồng rồi. Có nhiều năm trời rét đậm, rét mãi, vụ cấy phải để hẳn ra Xuân, hoặc vì rét mà lúa mới cấy chết hết, sau Tết phải cấy lại. Mà mùa Xuân lại trùng mùa cưới, nên ai đi cấy cũng vội, tranh thủ cấy sáng sớm để kịp khi sáng bảnh chạy vội về dự đám cưới.

Có nhiều sáng mùng Hai Tết, đã lác đác các bà, các chị tranh thủ mang theo vài tóm mạ ra cấy lấy may đầu năm. Mùng Ba, mùng Bốn, khi các ông, các anh đã bớt cái mùi men rượu trên người thì cũng được các mẹ, các chị thúc ra đồng cho kịp thời vụ. Xác pháo rải rác trên đường làng đã quyện theo bước chân của người nông dân ra đồng. Có những gánh mạ còn vương những sợi giấy bóng óng ánh, lung linh sắc màu. Có những khi đang cấy giật mình nghe tiếng pháo đì đùng của đám trẻ con trong làng.

Vụ lúa mùa Xuân khác hẳn vụ mùa Hè bởi bén chút mưa Xuân là lúa lớn nhanh như thổi, mạ chạm hơi ấm ngày Xuân, không cấy nhanh sẽ già. Nhà ai có việc, lỡ cấy sau 2-3 ngày thôi sẽ biết ngay, lúa lẹt đẹt thấp hẳn xuống, không bón thúc kịp thì cuối mùa bông sẽ nhỏ, lúa chín sau dễ bị chuột phá. Thế nên có những cái Tết rất vội. Có những cái Tết chưa kịp thưởng mùi hương trầm, hoa chưa kịp tàn thì chân tay đã lấm đầy bùn đất, những bữa cơm Tết vội còn vương mùi nồng đượm bởi những bộ quần áo ướt sũng từ đồng về, chẳng kịp thay, chỉ kịp rửa qua chân tay là ngồi xuống ăn tạm, ăn xong lại đi.

Vào lúc mùa vụ, nông dân có gì ăn nấy. Nhưng bữa cơm những ngày cấy sau Tết thường sung túc hơn bởi nhà nào cũng còn nồi thịt đông kho, còn bánh chưng, còn dưa hành, dưa cải. Chỉ là lúc đó thay vì thảnh thơi nhâm nhi bữa ăn dưới mùi hương trầm tỏa ra từ ban thờ tổ tiên, mùi hoa chanh, hoa bưởi ngát từ vườn vào thì chúng tôi chỉ kịp rửa qua chân tay rồi ăn thật vội khi trên người đượm mùi đất ngâm. Có người còn chẳng về nghỉ trưa, sáng gánh mạ đi thì mang theo luôn chiếc bánh chưng, trưa đến thì lên bờ cắt bánh ăn, ăn xong lại tranh thủ cấy cho kịp, để còn chuẩn bị dự đám cưới, ở quê tháng Giêng pháo cưới đì đùng khắp nơi; để ruộng lúa nhà mình bắt kịp hơi Xuân mong cho mùa gặt bội thu. Nhưng đó có lẽ là những bữa cơm ngon nhất trong ký ức, chẳng có chút gì ngấy ngán như những cái Tết sau này. Sáng sớm lội ruộng, đến trưa bụng đói meo, không khí ngày Xuân lại mát mẻ, vài miếng thịt đông đủ để đưa cả tô cơm, dăm ba miếng dưa muối có thể dẫn dụ cả chiếc bánh chưng. Con người thật lạ, trong sự thảnh thơi hiện tại lại vẫn nhớ hoài ký ức vất vả năm nào.

Bây giờ cấy gặt đã được cơ giới hóa, máy móc thay nhiều phần việc của con người, hoạt động khuyến nông mạnh mẽ hướng dẫn lịch gieo cấy nên người nông dân đã bớt vất vả nhưng nét lam lũ vội vàng vẫn đậu đâu đó trong khóe mắt. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhắc lại với nhau "Sao ngày ấy lại tự làm khổ bản thân thế nhỉ". Nhưng nghĩ lại càng thấy thương sự lam lũ dại khờ ấy, thương những ngày Tết vội vàng xuống đồng, thương những bữa cơm ngày Tết vương mùi nồng nồng của bùn đất vì người nông dân có gì đâu, trông chờ vào những thửa ruộng, trông chờ vào đất trời mưa thuận, và cam chịu khó nhọc chỉ mong mùa bội thu, Tết này xuống đồng mong Tết sau có thêm no đủ, bầy con thơ hân hoan áo mới, người lớn không xót đắng lo toan sắm gì cho Tết.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro