Bánh Tét Chiên Tháng Giêng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có ai còn nhớ hoa cải vàng triền đê, nắng tháng Giêng dìu dịu rót mật xuống đồng, lúa miên man xanh như thể chẳng khi nào hết xanh, chân trời mơ hồ khói, và con sông nào cũng xanh biếc, sâu thẳm tháng Giêng. Và đâu đó trong cõi nhớ của tôi, những sợi khói lam, khói bay từ chiều tháng Chạp sang chiều tháng Giêng như một gạch nối giữa đất với trời, giữa lòng người đôi khi hiu quạnh với đàn trời lồng lộng thanh âm, giữa ký ức xa vắng với thực tại đôi khi cũng rất mơ hồ, đượm mùi vị và âm thanh một thuở...

Mùi bánh tét chiên tháng Giêng, thuở của đói kém nhưng ăm ắp tình người, thuở tôi còn bé và thế giới chỉ xanh và xanh, thuở tôi chưa nhìn thấy có những đứa bé đã lên mười mà hỏi về lát bánh tét chiên, chúng cứ lắc đầu như một thế giới xa lạ.

Hồi đó, nhà tôi nghèo, cái nghèo chung từ hậu quả kinh tế tập trung Bao Cấp, ba mẹ tôi bỏ nghề giáo viên đi bán bánh chưng và mở dịch vụ gói bánh tét vào dịp Tết. Hễ cứ đến tháng Chạp thì ba mẹ tôi bận lắm, vừa phải đi mua lá chuối, đi từng vườn, mua từng nhà. Mà thời đó người ta không cắt lá chuối như bây giờ, không phải cắt nguyên một tàu lá xuống rồi dùng dao rọc lấy phần lá gói bánh. Mà người ta bắt phải rọc lá ngay trên cây, chừa cọng lại để người ta dùng kẹp rau, người ta sẽ dùng dần, chính vì vậy mà mua được một ký lá chuối có khi mất cả vài giờ đồng hồ, mua đủ lá gói bánh phải mất cả tuần bươn bả khắp nơi. Khi lá về đủ, bắt đầu phân loại từng loại lá khác nhau, lá lành thì dùng gói bánh tét, lá rách thì gói bánh chưng. Và cả cái Tết của gia đình tôi sống dựa vào mấy nồi bánh tét bỏ mối cho các gia đình hàng xóm, gia đình trên phố huyện. Chiều Ba Mươi Tết, nhà nào cũng cúng đón ông bà tổ tiên, riêng nhà tôi, chỉ có bà lụi cụi dọn dẹp lá, quét dọn mọi thứ, mấy chị em tôi lau dọn phụ với bà và chờ ba mẹ đi bỏ bánh tét về. Năm nào cũng đến gần Giao Thừa thì ba mẹ về tới nhà, người lấm lem mồ hôi và bụi bặm và đôi khi ướt đẫm vì mưa chiều cuối năm. Thấy ba mẹ về, cả nhà mừng lắm vì sắp được đón Giao Thừa và sắp được ăn thịt heo cúng... Thời ấy, nghĩ lại giờ tôi thấy cay mũi, thương bà, thương ba mẹ và thương cả con Nguyệt.

Nhưng bánh tét chiên thì có gì bí quyết mà khen dữ vậy? Không phải đâu, thực ra, bánh tét chiên là cả một nghệ thuật, trong đó có cả lòng yêu thương, sự trìu mến và ân cần với đời sống. Người thiếu những yếu tố này, khó mà chiên được lát bánh tét ngon. Bánh tét chiên, nếu chiên những ngày Tết thì chẳng có gì là thú vị, chẳng ngon lành vì bánh trong thời gian này vẫn chín, vẫn xanh vỏ trắng ruột. Bánh tét chỉ chiên lên khi nào không thể tét ra để ăn ngay được nữa. Thường là khi để quá lâu, chừng Mồng Mười tháng Giêng trở đi, bánh bắt đầu cứng, nếp sống trở lại, nhai vào giống như đang ăn nếp hạt mới vo vậy. Lúc này là lúc chiên ngon nhất.

Một chảo dầu, chắc chắn phải là dầu phụng hoặc dầu mè, chỉ có hai loại dầu này khi phi hành tỏi lên xong chiên bánh tét mới không bị khét và hôi dầu. Bánh tét được cắt bằng dao, thậm chí bằng mác thành từng lát bằng với lát bánh tét bình thường và khi dầu phi hành tỏi đã thơm, thả từng lát bánh vào dầu đang sôi. Nhưng cẩn thận, đây là thời điểm mà bánh tét có thể dính vào nhau sau khi gặp dầu, và rất có thể sau khi chiên, thay vì có một dĩa bánh tét chiên thì có một cục bánh tét chiên. Lúc này, phải cho lửa thật lớn và cẩn thận dầu bắn vào người, đừng động đũa vào bánh. Cho đến khi bánh bắt đầu thơm thì dùng đũa lật bánh trở lại và đợi... Nhưng đây là chiên bình thường, ai cũng có thể chiên được.

Với bánh tét chiên của bà thì khác, trước khi chiên, bà đập dập một củ nén, vài tép tỏi, một củ hành tím và khi dầu sôi, bà cho ba thứ này vào chảo, đợi nén, tỏi và hành tím hơi bén mùi, bà dùng đũa đảo liên tục cho đến lúc các củ này vàng đi thì vớt ra ngoài, sau đó cho bánh tét vào. Bánh vào dầu, thay vì lớn lửa thì bà cho lửa nhỏ lại và cứ như vậy mà ngồi đợi cho bánh bén mùi, trở lên, trở xuống nhiều bận. Bánh chiên xong vàng ruộm, đương nhiên là sau lưng bà đã có một đám con nít đứng "phục kích". Lúc này bà la lớn: "Mấy đứa bây tránh hết ra, dầu nóng lắm! Chặp (chút) bà cho". Cả đám lui ra ngồi đợi, bà mang dĩa bánh lên chưa đầy ba phút thì hết vèo, mỗi đứa một lát hoặc hai lát... Cứ như vậy tháng Giêng trôi qua trong háo hức lúc gần giờ tan học, bụng đói meo, chỉ thấy toàn mùi bánh tét chiên của bà trong lớp và nghe trống đánh mấy tiếng thì thiếu điều hét to "bánh tét!"

Cái thời ấy giờ không còn, và có lẽ các bé bây giờ đi học cũng không phải đói bụng, thiếu ăn đến mức nghe mùi bánh tét chiên cuối giờ học. Nhưng đáng sợ hơn là cái thời ấy đi qua cũng kéo theo cả những tốt đẹp của xưa cũ. Bánh tét chiên bây giờ không còn hấp dẫn, không ngon như xưa nữa. Bởi vì khi nấu bánh, người ta đã độn hóa chất hoặc bỏ pin vào nồi để bánh nhanh chín, lợi nhiên liệu, rồi dầu để chiên cũng không còn là dầu phụng nguyên chất như ngày xưa. Mà hơn hết là thời bây giờ, tìm đâu ra người bà của thuở xa xưa, thuở mà người ta đối xử với nhau không phải vì những thứ gắn theo người đó.

Mà nói tới bánh tét chiên, có lẽ tôi không tài nào quên được con Nguyệt và dĩa bánh tét chiên, mà đúng hơn là hai dĩa chứ không phải một dĩa. Dĩa bánh bà chiên cho con Nguyệt vào tháng Giêng cuối của bà và dĩa bánh nó giật trên tay tôi ăn lấy ăn để. Cả hai dĩa bánh này đều là hai dĩa bánh cuối cùng gặp tôi của hai người. Nhưng dù sao thì tôi vẫn có quyền hy vọng dĩa bánh con Nguyệt giật trên tay tôi không phải là dĩa bánh cuối cùng tôi gặp nó!

Hồi đó, tôi lên mười, con Nguyệt sinh trước tôi mấy tháng nhưng nó chỉ ốm bằng hai phần ba tôi thôi. Nó chơi thân với tôi lắm, mà hình như ngoài nó ra cũng chẳng có ai chơi với tôi vì con nít ngang lứa tôi trong xóm chỉ có nó. Ba và dì nó đi làm lò gạch, ba nó đánh đất sét in gạch, dì nó in và bốc gạch. Mẹ con Nguyệt mất từ lúc nó lọt lòng, nó gọi mẹ kế bằng dì và giữ ba đứa em cho ba mẹ đi làm. Nó cũng được đi học nhưng bữa đi bữa nghỉ vì có bữa phải vừa giữ em, vừa nấu cơm nên không kịp đến lớp.

Con Nguyệt có một điểm rất lạ là nó hay sang nhà tôi, ngồi trước hiên nhà, vừa ẵm em vừa nhìn bâng quơ vào khoảng không trước sân nhà, nhiều khi gọi nó cũng không nghe, và nó cũng là đứa lì lợm hiếm ai bằng. Hình như là chỉ có hai lần nó khóc. Lần đầu là khi tôi đi học về, dịp tháng Giêng, bà đang chiên bánh tét, cả một dĩa bánh tét giòn rụm, vàng ươm còn bốc khói, con Nguyệt nhìn vẻ thèm thuồng nhưng cố làm bộ không để ý, cứ ẵm em ngồi trước hiên. Bà gọi tôi vào, cho tôi một lát và cho con Nguyệt một lát, nó đút cho em nó ăn và thoắt một cái thì hết lát bánh tét. Bà nhìn rất buồn, nhìn nó lâu một chặp rồi đưa nguyên dĩa bánh tét chiên cho nó, nói giọng trìu mến: "Con ăn đi!". Sau đó còn vuốt tóc, xoa đầu nó rồi thơm lên trán nó. Hình như bà chẳng để ý gì đến tôi. Tôi bực dọc, chờ con Nguyệt bốc mấy lát bánh cho nó và em nó, tôi bê nguyên dĩa bánh của nó ra trước sân ngồi ăn. Chưa kịp ăn hết lát bánh thì nghe nó khóc thút thít, tự dưng tôi thấy hối hận, bưng dĩa bánh trả nó, nó lắc đầu: "Mi đừng có ỷ mi có mẹ mà coi thường tau!". Tự dưng con bé mười tuổi trong tôi lúc đó muốn bật khóc vì câu nói này. Tôi với nó trở nên thân thiết hơn từ đó.

Tháng Giêng đó cũng là tháng Giêng cuối cùng bà chiên bánh tét cho tụi tôi ăn, con Nguyệt khóc rất nhiều khi thấy bà nằm bất động. Hình như nó thương bà còn hơn cả một đứa cháu ruột thịt của bà như tôi thì phải. Tôi lại càng thấy yêu quý nó hơn. Hai đứa thân nhau, lớn lên và chuyện đời cứ như vậy trôi cho đến lúc tôi học lớp 12. Bữa đó cũng tháng Giêng, mẹ chiên cho tôi dĩa bánh tét khi tôi vừa đi học về. Ðể dĩa bánh, chờ nguội một chút, chưa kịp ăn thì con Nguyệt chạy sang, nó bưng dĩa bánh của tôi ra trước sân ngồi ăn, không nói không rằng. Ăn lấy ăn để.

Tôi thấy lạ, hỏi nó:
"Mi đói bụng lắm hay sao vậy Nguyệt?".

Nó lắc đầu. Tôi vặn:
"Không đói bụng sao mi ăn gì mà giống như đói lâu ngày vậy".

Nó dừng ăn: "Lần này coi như huề nghe! Lần trước mày giựt dĩa bánh của tao, bây giờ tao giựt cho huề, không ai nợ ai. Mai tao đi rồi".

"Ủa, mi đi đâu? Sao giờ mới nói?".

"Tao đi lấy chồng, mai là đi rồi!".

Tôi phì cười: "Cái con khùng! Mi mới mười tám tuổi non mà lấy chồng chi! Làm chi mà nôn nóng thế, để đi học Đại học xong cũng chưa muộn!".

Nó im lặng một lúc: "Không mi à, tao phải lấy chồng, tao ăn nhờ hai ông bà như vậy là quá đủ. Mối này người Ðài Loan, dì tao dắt mối, cha tao đồng ý và quyết định. Nghe đâu họ đã nhận của nhà trai hai ngàn đô la thì phải...!".

"Vậy chồng mi làm chi?".

"Tao không biết!".

"Mi gặp chồng mi chưa? Mi có thương hắn không?".

"Tao nghe nói hắn lớn hơn cha tao hai tuổi. Thôi, tao không nói gì nữa, sống chết có số, tao trả nợ hai ông bà đã nuôi tao học hết cấp ba!".

Nó nói là làm, tính nó bướng bỉnh. Từ đó tôi cũng không được gặp nó nữa và cứ mỗi lần ăn bánh tét chiên, nghĩ tới nó là tôi muốn khóc. Nó đi biền biệt từ ngày đó. Giờ tôi đã tốt nghiệp Đại học, đi làm việc, rồi lấy chồng, có con, mỗi khi ẵm con, tôi lại nhớ tới hình ảnh nó ẵm em, rồi mường tượng nó ẵm đứa con lai, rồi dĩa bánh tét chiên, rồi ánh mắt của bà, rồi... nhiều điều nữa. Bánh tét chiên ơi, nói làm sao cho đủ!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro