Nhớ Canh Rau Muống...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Entry này lấy cảm hứng từ một entry trên blog của BS Hồ Hải, người đề nghị sử dụng rau muống làm quốc hoa. Quả thật, rau muống rất gắn bó với nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi. Đến nỗi có hẳn một câu ca dao mà ai cũng biết

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Hồi còn bé, gia đình tôi rất hay ăn rau muống. Lúc còn nhỏ, tôi rất ghét rau này vì tôi hay bị sai nhặt rau. Lúc ấy gia đình tôi nghèo, con đông, nên tôi nhớ bó rau muống mà tôi phải nhặt luôn là một bó to đùng, nhặt rất vất vả.

Thời đó, rau do chính người trồng cắt từ ruộng đem ra chợ bán, dịch vụ hồi đó còn kém, nên bó rau bao giờ cũng còn nguyên chùm rễ con, dính bùn sình bê bết. Bên cạnh các lá rau xanh tươi còn nguyên những lá bị sâu ăn thủng lỗ chỗ hoặc úa vàng, thối đen. Đôi khi trên lá còn cả trứng sâu, và cả... con sâu nữa!

Riêng khoản sâu rau muống thì phải nói là ấn tượng: con nào con nấy to khỏe, béo mập! Chắc là vì rau muống là loại thức ăn rất bổ dưỡng chăng, bổ cho con người (hình như có ai nói rau muống bổ ngang thịt bò???), nên cũng bổ cho cả sâu nữa hay sao ấy? Chợt nhớ Việt Nam có câu tục ngữ "Rau nào sâu ấy". Cái câu này chắc hẳn đã được sáng tác ra bởi một người hay phải nhặt rau muống giống như tôi. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảnh nhặt rau, thỉnh thoảng không để ý, tay cầm trúng vào một con sâu mập mạp (!), nhũn nhùn nhùn, cọ quậy ngo ngoe, ôi, cái cảm giác đó thật kinh khủng!

Nhưng còn kinh khủng hơn nếu nhặt rau, rửa rau không kỹ, con sâu "lọt lưới" được... luộc chung với rau rồi vớt ra đĩa đem lên bàn ăn. Thế nào người phát hiện con sâu đó cũng là mẹ tôi, kèm theo lời mắng tới tấp, con gái đoảng!!!! Bị mẹ mắng thì tất nhiên là không thú vị rồi, nhưng điều kinh hoàng nhất là sự tưởng tượng của tôi. Rằng nếu mẹ không phát hiện ra, thì chắng may mình gắp trúng cọng rau có con sâu đó, sẽ cắn trúng ngay giữa bụng sâu và đứt ra làm đôi... Ôi, chỉ nghĩ thôi đã thấy rùng mình kinh hãi rồi.

Lẩn thẩn, tôi bỗng thắc mắc không hiểu từ đó tới giờ có ai đã ăn nhầm sâu rau muống như vậy chưa? Hẳn là phải có chứ? Có khi tôi đã ăn vài con rồi cũng nên (!!!!). Mà biết đâu những con sâu ấy cũng đã làm tăng thêm chút chất đạm cho tôi hồi đi học Đại học, thời Việt Nam đói khổ nhất vào đầu thập niên 1980 ấy? Thôi đúng rồi, chắc là ăn nhiều sâu quá, nên từ lúc học đại học tôi đã bị mang tiếng tưng tửng bất thường, và khó chịu nổi tiếng, kéo dài mãi đến tận ngày nay như thế này đây. Khổ thật!

Nhặt rau thì như thế, còn chế biến rau muống cũng thật cực hình. Tôi nhớ có mấy món mà ở nhà tôi hay ăn, đó là rau muống luộc (of course!), rau muống xào (có hoặc không có thịt bò, xào theo kiểu Bắc, thỉnh thoảng, để đổi vị lại xào theo kiểu người Hoa mà nhà tôi gọi là món "rau muống xào tàu", rất bình dân dễ nhớ!), và còn rau muống chẻ nữa chứ, để ăn sống.

Luộc rau muống! Nhớ lại "cực hình" hồi đó, tôi chợt cất tiếng thở dài đánh sượt vốn là "bản quyền" của tôi (tôi rất hay thờ dài, bất giác thôi, nhiều người nói thế!) Để luộc được một nồi rau muống to đùng cho cả chục người ăn như gia đình tôi hồi đó, công phu lắm. Rau muống luộc phải xanh, chín vừa, lấy ra đĩa phải rời từng cọng chứ không cuộn bùi nhùi lại với nhau thành một búi, và tô nước luộc phải thật trong xanh. Vậy phải cần một cái nồi to, rộng, nhiều nước, nước sôi đều mới thả rau vào, giữ lửa to đều cho sôi ùng ục, rồi vớt ra ngay. Bây giờ nghe những cái ấy thì thấy dễ làm lắm. Nhưng ngày xưa, ngay cả đồ nghề làm bếp còn không có đủ, nồi nhỏ mà rau nhiều, lại làm biếng không luộc hai lần, rồi đun bếp củi, lửa tắt lên tắt xuống, không khéo léo, cẩn thận thì đố mà luộc được, thật đấy!

Những lỗi thông thường khi luộc rau muống: nồi nhỏ, ít nước không đủ ngập rau, nước sôi không đều, lửa nhỏ, thì luộc mãi luộc mãi, cọng rau dai nhách, đen xì, chỗ chín chỗ sống, hoặc mềm nhũn, vớt ra như một đống bùi nhùi ... Tôi chợt nghĩ, muốn biết tài khéo và sự kiên nhẫn, bền bỉ của con gái Việt (nhà nghèo đông anh em), chỉ cần xem cô ấy luộc rau muống như thế nào, từ lúc nhặt đến lúc luộc xong, đó chính là cái test tốt nhất, thật vậy.

Còn rau muống xào. Cũng vậy, sau khi nhặt, rửa, ngắt ra từng khúc (không hiểu sao mẹ tôi không cho dùng dao cắt khúc), thì phải đổ vào chảo to, nóng, đảo đều cho chín, nêm mắm muối, rồi cuối cùng giã thật nhiều tỏi thơm lừng để trộn vào trước khi xúc ra đĩa. Nếu xào thịt bò thì chế biến thịt bò riêng, xào thịt bò trước (cũng nhiều tỏi, ướp vào thịt bò), rồi xong rau thì trộn chung vào. Món này thì tôi thích, và làm nhiều nên làm cũng giỏi, không tin cứ hỏi ông xã tôi hoặc các cậu em tôi sẽ rõ! ;-)

Còn món rau muống chẻ mới là ngán ngẩm nhất nè: trước hết phải tước hết lá, sau đó cọng rau muống đã tước lá phải chẻ bằng lưỡi lam, được kẹp vào một thanh tre nhỏ hơn chiếc đũa một chút để rọc đôi cọng rau, rồi sau đó cầm hai nửa cọng rau đó chẻ tiếp ra thành những sợi nhỏ và thả ngay vào chậu nước có vắt chanh cho ra hết nhựa để cọng rau được trắng. Do rau muống rất nhiều nhựa nên khi nhặt rau xong thế nào đầu ngón tay cũng bám nhựa đen thui, mấy ngày mới rửa hết.

Cái này tôi chào thua hoàn toàn nên không có kinh nghiệm gì để kể ngoài mấy dòng như vậy. Vì ngày xưa còn bé, chỉ có bà chị khéo léo đảm đang của tôi mới thích làm thôi (mẹ tôi thì khỏi nói), còn tôi thì chắp tay vái lạy! Tôi hoàn toàn không thích ăn rau muống sống, nên đến giờ vẫn tự hỏi, tại sao người ta nhọc công và mất thời gian đến thế chỉ để chẻ ra được một dĩa rau muống sống để ăn. Nếu ăn rau muống sống bổ, thì cầm nguyên một cọng ăn sống cho rồi? (Thật đúng là con gái đoảng!!!)

Tôi còn chưa nói đến canh rau muống, là món đã được nêu trong câu ca dao. Cái này thì tôi có thể nói dài dài được đấy, đầy đủ màu sắc, mùi vị, hẳn là thi vị lắm. Thì "canh rau muống" đã được vào trong văn học rồi còn gì? Đẹp lắm chứ.

Nên tôi sẽ để dành đề tài ấy cho entry mới. Viết dài quá, Khuê đọc không nổi, lại "phew" sau khi đọc xong thì khổ! Fan ruột của blog này mà, phải chiều chớ! ;-)

Chỉ một thông tin cuối cùng trước khi kết thúc thôi: Theo hiểu biết khá hạn hẹp của tôi, một người không thuộc ngành sinh học, chuyên ngành thực vật, tôi biết rau muống tiếng Anh gọi là Water Morning Glory (còn gọi là Swamp Morning Glory), cùng họ với các Morning Glory khác như hoa bìm bìm, hoa trắng đơn sơ hay tim tím màu nhung nhớ.

Mà tên hoa đẹp quá đúng không: Niềm vinh quang buổi sáng. Còn bé, tôi rất thích hoa này, màu tím thẫm trong nhụy rồi lan ra màu phơn phớt tím, cuối cùng thành màu trắng ở ngoài cùng. Tôi rất thích nhìn sâu vào nhụy hoa và... bâng khuâng, buồn cái gì không rõ. Nhưng đây là một loại hoa rất không bền, nở đó rồi tàn đó ngay.

Ở Châu Á, người Mã Lai và Philippines cũng rất thích ăn rau muống, và họ gọi nó là Kan-kung hay Kan-kong gì đó. Hình như còn có tên Tàu là Ong-Choi (Ông Xôi, có họ với Bó Xôi, Pok-Choi?) Còn tên khoa học của rau muống là Ipomoea Aquatica.

Nhớ hồi ở Úc, tôi ở cùng nhà với một cô bạn Úc đã từng làm việc ở Mã Lai hai năm. Khi nấu cơm, bọn tôi nhặt rau muống, cô bạn người Hà Nội của tôi bỏ hết lá, chỉ lấy cọng để làm nộm rau muống, và cô bạn Úc ấy cứ tròn mắt tiếc rẻ khi bọn tôi quẳng hết lá rau đi. Cô ấy bảo, "What a waste, all the goodness thrown away like that!". Vì ở Mã, ngược lại với VN ta, người ta ăn hết lá rau muống, mà quẳng hết cọng đi, cô ấy bảo vậy. Và đến lượt tôi và bạn tôi lại tròn xoe kinh ngạc, "Trời ơi, uổng quá vậy?"

Kết luận của tôi: rau muống thì nên ăn hết cả lá, cả cọng, và có khi nên ăn cả sâu nữa cũng nên? Rau nào sâu ấy mà?

Viết thêm tí:

Đọc xong bài của SGK giới thiệu, đọc lại cái tên rau muống bằng tiếng Anh, ngắm các bông hoa trong hình, tôi bỗng thấy cái tên tiếng Anh đó phải dịch ra là "ban mai rạng rỡ" thì mới đúng điệu. Vì hoa rau muống nở vào buổi sáng sớm, và đến trưa là tàn. Thật hay, ban mai rạng rỡ, có thể là quốc hoa được quá đi chứ nhỉ!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro