Rau Của Ngày Xưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lẽ cụm từ này sẽ được nhiều người nhắc tới, khi những thông tin về "rau bẩn", rau muống nhiễm chì, tưới nhớt và những hóa chất độc hại khiến người dân ngao ngán thở dài "Biết ăn rau gì bây giờ?".

Rồi cũng như thịt, cá và các thực phẩm khác, cuộc sống càng hiện đại, người ta càng phải hoài cổ. Cái lý thuyết "Ngày xưa khổ nên thấy gì cũng ngon" dần bị lấn át bởi thực tế là ngày nay cái gì cũng có nhưng đã biến chất mất rồi.

Nhà ông bà nội tôi ngày trước làm vườn. Nơi tôi ở là khu vực chuyên cung cấp hoa và rau xanh cho thành phố. Mùa nào trồng rau nấy, Hè thì rau muống, mồng tơi, rau đay, dền...; chớm Thu thì cải xanh, cải ngọt...; sang Đông là su hào, bắp cải, cải cúc (tần ô), xà lách, rau diếp... Tuổi thơ tôi luôn được bầu bạn cùng những... loại rau, mỗi loại có một đặc điểm riêng, vẻ đẹp riêng, vị ngon riêng.

Rau muống chẳng bao giờ ngán. Lúc luộc cọng rau giòn ngọt chấm tương, nước rau luộc dầm sấu chua làm mát cả những bữa cơm trưa Hè; khi xào với tỏi đậm đà, ngon ngậy; lúc chỉ đơn giản chọn cọng non mềm thái thật nhỏ ăn cùng canh riêu, khi tỉ mẩn ngồi chẻ rau thành những sợi dài cong cong, tha hồ thể hiện cái khéo tay con gái trong khi mẹ ngồi chiên những chiếc chả giò vàng rụm, thơm lừng...

Mồng tơi dáng vẻ điệu đà với những ngọn cong cong đính những chiếc lá tựa hình trái tim, nấu canh cua cùng rau đay, mướp hương ăn "trôi nồi trôi rế".

Mùa Đông rét mướt, những củ su hào căng tròn vỏ mỏng xanh nhàn nhạt như phủ một lớp phấn nhẹ, nhổ đem về luộc chấm trứng ăn ngọt sợt khiến bữa cơm chiều đơn sơ trở nên dễ thèm.

Và những kỷ niệm tuổi thơ của tôi vì thế cũng luôn mát xanh, ngọt ngào. Những ngày phụ bà tưới rau, ì ạch xách chiếc thùng ô-doa nặng trĩu từ cái ao trong leo lẻo đi khắp các luống rau trong vườn, khi những giọt nước mát tỏa đều trên lớp lá rau xanh mơn mởn, lòng như nhẹ nhõm lâng lâng niềm vui "thay trời làm mưa", thấy những chiếc lá rung rung như vẫy chào, cảm ơn người chăm bón. Mỗi ngày ra thăm vườn, nhìn những mầm cải bé tí xíu dần trổ ra những lá xanh mướt mát, cảm nhận được công lao của mình, và thầm tự hào, dù niềm tự hào ấy thật nhỏ bé. Tôi còn nhớ những buổi đi hái trái mồng tơi tím cả ngón tay mang về cho bà làm hạt giống mùa sau, những buổi chiều ngồi tập bó mớ rau sao cho đẹp để mai bà gánh lên chợ bỏ mối, nhớ ngày sau bão xót xa khi nhìn những luống rau bị quật nát tơi bời... Với tôi, rau mát lành bao nhiêu, thân thuộc bao nhiêu!

Chẳng cần những lời khuyên của chuyên gia hay các nhà khoa học, cứ tự nhiên tự tại, ăn rau vì không có thịt cá để ăn, thế mà vẫn lớn lên, con gái nhiều đứa vẫn cao ráo, da trắng mịn màng; con trai nhiều đứa chỉ ăn rau muống mà thành bác sĩ, kỹ sư, nổi danh trong và ngoài nước. Có lẽ vô hình trung cái nghèo khó ngày xưa "trùng hợp" với nghiên cứu của các nhà khoa học: hãy ăn nhiều rau trái, hãy bớt thịt cá, bớt thức ăn nhanh, bớt đồ hộp... Một thực tế là, hiện nay, khi lướt trên mạng hay các tờ báo giấy, người ta bắt gặp những cụm từ "rùng mình, hãi hùng, kinh hoàng" gắn với loại rau thân thuộc như rau muống, và những "dưỡng chất" dành cho loại rau thủy sinh này là nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, nước thải bệnh viện, rác sinh hoạt... Vì thế các bà mẹ hoang mang, đắn đo khi "bắt" con ăn rau. Bà nội tôi mất đã lâu, khu vườn xưa đã thành phố thị. Nhưng chắc hẳn nếu còn sống, bà tôi sẽ ngạc nhiên vô cùng khi biết rằng người trồng rau bây giờ không dám ăn rau mình trồng. Hẳn bà sẽ buồn vì niềm tự hào của người sáng sáng gánh rau tươi ngon ra chợ biến thành nỗi phấp phỏng đơn thuần vì lợi nhuận. Thương cho người mua và nhớ rau ngày xưa.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro