Về Thương Bông Súng...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bàn ăn có dĩa bông súng!

Món lẩu hoa đồng nội thật đẹp mắt. Nước lẩu riêu cua đồng thơm đượm, nhưng tôi chỉ ngồi nhìn... dĩa bông súng. Trên bàn ăn của bất kỳ nơi nào, chỉ cần nhìn thấy bông súng là thấy hương vị miền Tây ở đó. Hồi còn sống trong lòng quê, tôi lội ao hái bông súng hoài mà đâu biết, tương lai của mình lúc nào đó nhìn thấy món ăn quen thuộc của con nhà nghèo này sẽ trở thành đặc sản, trở thành một miền thương như mùi của quê nhà.

Tôi hay gọi bông súng là "bông hoa tội nghiệp nhất hành tinh". Bởi chúng chẳng bao giờ được cắm trong bình, nói gì đến việc mang trưng bày ở những nơi trang trọng. Mỗi mùa người ta sẽ nhắc đến những loại hoa khác nhau, loài nào cũng kiêu sa mỹ miều: hoa hồng, hoa lan, hoa cúc, loa kèn, thạch thảo, pensee, cẩm chướng... Có chợ hoa nào bán bông súng đâu! Cùng là loài hoa mọc từ ao hồ, tỏa sắc trên mặt nước, cũng phơn phớt hồng trong nắng mai thu hút mọi ánh nhìn, nhưng loài hoa cùng "dòng họ" – hoa sen lại được tôn vinh, được trở thành biểu tượng. Người ta nâng niu hoa sen với muôn vàn ý nghĩa biểu trưng thánh thiện. Còn hoa súng rớt lại trên mặt nước quê nhà, như dáng hình cố hương.

Ngồi trên bàn tiệc chiêu đãi thịnh soạn đầy những món đặc sản của hương đồng cỏ nội, nhưng tôi chỉ ăn mỗi cơm trắng, khô cá lóc chiên và bông súng. Mùi dẻo thơm của cơm, mùi mặn mòi của khô cá quyện với mùi dân dã thanh mát của bông súng. Chỉ giản dị vậy thôi mà ăn mãi vẫn cứ thòm thèm, như thể mình hãy còn là cô bé ngày xưa ngồi bên mâm cơm nhà quê chỉ có cá khô và bông súng, canh là bát nước lã lấy từ lu nước mưa ngoài hiên. Vậy mà hồi đó có lúc tôi đã ăn được đến năm chén cơm, chỉ với "thực đơn" như vậy. Tôi ăn không phải vì đói, mà vì ăn theo cá cược của anh trai để được 12 tấm hình nghệ sĩ (anh mua ngoài chợ tốn hết 2.500 đồng). Biết tôi mê hình nghệ sĩ, anh bày trò dụ dỗ (thật ra thì cả hai anh em đều ngốc hết sức nói). Tôi ăn ngấu ăn nghiến đến no nóc vẫn còn bới được chén cơm thứ sáu. Năm đó tôi 8 tuổi, anh cũng chỉ hơn có 5 tuổi. May mà má tôi về kịp can ngăn, nếu không tôi ăn no quá rồi lăn ra bể bụng chết cũng nên. Chết vì bông súng cá khô hay vì 12 tấm hình nghệ sĩ, tôi cũng không biết nữa!

Trò chơi thuở bé ấy giữ mãi cho tôi kỷ niệm với bông súng đến tận bây giờ. Cứ nhìn bông súng là tôi nhớ. Mà cũng là nhắc về một thời bông súng là món ăn trường kỳ của cả nhà. Bên chiếc bàn tròn cũ kỹ truyền từ đời ông bà ngoại, mâm cơm dọn ra từng trưa từng chiều, có lúc chạng vạng ngồi nhai cơm nghèo bên ngọn đèn dầu leo lét nghe con ễnh ương kêu ảo não ngoài ao. Hồi ấy chỉ biết ăn cho no chứ không nghĩ đến chữ ngon. Hồi ấy làm gì dám "kén cá chọn canh" như bây giờ. Chỗ ngồi ấy, bên chái bếp, trong ngôi nhà nền đất lởm chởm ấy bây giờ còn lại trong nỗi nhớ thanh tao của những đêm trở giấc.

Cách nhà tôi một đám ruộng là nghĩa địa. Một quần thể mộ có xây bê-tông đến mộ đất nằm chen chúc nhau như gò đồi. Xung quanh là cỏ lau mọc dày, có những đêm tối không trăng sao phải đi ngang qua, tôi chỉ biết nhắm mắt mà chạy. Hồi đó không ai nói tôi biết những đốm lửa ma trơi là hiện tượng hóa học. Tôi nghĩ đó là những hình hài người chết đêm đêm được dịp tụ về, trồi lên mặt đất, lập lòe tìm kiếm người thân. Tôi sợ chết khiếp. Nhưng thời gian sau, người ta bốc mộ hết. Nghĩa địa – đến giờ tôi không biết những người nằm dưới là ai – trở thành một trũng đất sâu hơn 3 tấc. Mùa mưa về trở thành cái ao lớn của làng, nhưng không ai dám lấy nước xài. Rồi từ ao nước bỗng mọc lên cả rừng bông súng. Đến giờ, tôi cũng chưa tìm hiểu "cơ chế hoạt động" của bông súng ra làm sao nữa. Không ai gieo trồng, chẳng cần chăm sóc, rừng bông súng âm thầm đâm chồi từ đáy nước, thân vươn lên khỏi mặt ao, xòe lá và bắt đầu trổ hoa. Khu nghĩa địa hoang phế bỗng trở thành nơi để ai đi ngang qua cũng phải ngắm nhìn.

Nói gì thì nói, bông súng vẫn đẹp.

Thuở ấy, quê tôi có hai người thanh niên đầu óc không bình thường, gọi là "tưng tửng" nhưng cũng vui tính, không làm hại ai. Họ là những người đầu tiên dám lội ao hái bông súng về ăn. Rồi đến người làng, dần dà nỗi sợ ao nghĩa địa không còn nữa. Người ta đã dám lấy nước ao giặt giũ tắm rửa. Cá đồng cũng tràn về, người đi câu, người đi tắm, người lội hái bông súng... Đủ cả. Chỉ thiếu "đội ngũ" đi chụp hình. Hồi đó người quê muốn đi chụp hình phải vào các tiệm ảnh trong chợ, hoặc đi chơi nhờ thợ chụp ảnh dạo chứ làm gì có máy ảnh. Nếu là bây giờ, ao bông súng ấy hẳn trở thành điểm "check-in" lý tưởng cho giới trẻ. Thời gian mang con người ta đến những đâu quả thật chẳng thể nào ngờ đến được. Bao giấc mơ lấp lánh của tôi ngày xưa cũng không có giấc mơ nào nghĩ đến chuyện có ngày mình cầm điện thoại thông minh có chế độ tự chụp ảnh rồi "post facebook" ngay như bây giờ. Hồi đó tôi chỉ biết có... ăn bông súng và hái bông súng ngoài ao giống người ta.

Ao nhà tôi cũng có bông súng mọc, không nhiều nhưng có cả hai loại: hoa màu hồng và hoa màu trắng. Màu hồng thì cọng dày, giòn, ngọt. Loại này thì hay được lên bàn ăn. Còn bông súng trắng thì thân mảnh, nhớt và dai hơn. Ít ai ăn. Tôi hay hái bông súng ngồi tách từng lá, chơi. Thân thì tước vỏ bẻ khúc, rửa sạch và ăn sống. Ăn với cá kho tiêu hay khô cá chiên, chẳng bao giờ biết "nhúng lẩu" các loại như bây giờ. Bông súng bây giờ cũng không dễ tìm. Tôi đi chợ nhiều khi chẳng thấy ai bán. Siêu thị lại càng không. Loài hoa-rau tự mọc, không cần phải chăm sóc gì nên ở quê bán giá cũng rất rẻ, vào nhà hàng thành phố thì trở nên đắt đỏ theo giá của món ăn. Mà kỳ lạ, món quê nào lên thành phố cũng mắc tiền cả, có những món ngày xưa chỉ có nhà nghèo mới ăn giờ lên thành phố cũng thành đặc sản, ví như rau luộc chấm kho quẹt, canh chua lá me non...

Cũng bởi, thành phố cái gì cũng có nhưng lại thiếu "mùi quê". Những món dân dã cứ mãi hồn hậu ngọt lành – để trở thành nỗi nhớ da diết trong lòng mỗi người con xa. Và thực khách – cũng là những đứa trẻ quê ngày ấy – bây giờ sẵn sàng trả giá cao để được ăn kèm "ký ức". Ăn để mà còn được nhớ thương, mà thấy tuổi xưa bỗng trở về lồng lộng, xốn xang...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro