Vị Của Rau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lẽ, trong các món ăn của người Việt, khó chỉ ra được thứ gì gần gũi, phổ biến hơn rau muống. Thời chiến tranh, hay lúc cuộc sống còn khó khăn, thì hiển nhiên rau muống là một trong những thứ thức ăn chủ lực. Tôi còn nhớ những trưa Hè nóng nực, ve kêu inh ả, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, chiếc quạt tai voi quay lờ đờ vì thiếu điện áp. Thức ăn thường là rau muống luộc, chấm nước mắm ớt, chanh, thêm đĩa cà muối. Thi thoảng, hôm nào mẹ mới lĩnh lương hay nhà có khách thì thêm đĩa trứng rán, ít cá kho hay đôi chút thịt. Thời đó, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nhờ có bát nước rau luộc dầm sấu mà cơm dễ trôi hơn, và cái nóng cũng cảm như dịu đi. Hôm nào nhà ăn tươi, mua được xâu cua, nấu canh chua, ăn với rau muống chẻ, thêm ít rau thơm thì đó cũng là một "sự kiện nho nhỏ" của thời niên thiếu.

Còn mùa Đông, lúc mưa dầm, gió bấc, vị ngậy béo của rau xào, của mỡ, của tỏi cũng giúp làm giảm đi phần nào cái lạnh triền miên, phần vì khí hậu, phần vì quần áo không đủ ấm, nhà cửa tuếch toác, trong nhà cũng như ngoài trời.

Ngày nay, cuộc sống dư dật hơn, nhiều người đã không còn chỉ lo tới bữa ăn hàng ngày. Ăn nhậu, du hí đã trở thành nếp quen của nhiều người. Quán xá, hiệu ăn mọc lên như nấm. Con người trở nên "sành điệu" hơn. Nào là đặc sản thịt rừng, nào là sea-food. Bây giờ người ta chuộng những món không những ngon mà còn phải hiếm và đắt. Họ quan tâm không chỉ đến ăn gì mà còn cả đến uống gì? Bia ngoại, rượu ngoại? Ăn nhậu ở đâu, với ai, theo kiểu gì?,... Thế nhưng, công bằng mà nói, cũng không dễ gì đã đánh bật được vai trò của rau muống ra khỏi cái "nền văn hóa ăn uống" của người dân Việt.

Có không ít các bài báo, bài văn viết về văn hóa ẩm thực, về các món ăn đặc sắc của người Việt Nam. Tuy nhiên, không hiểu ngoài cụ Nguyễn Tuân đã có ai viết thêm về loài rau muống này chưa? Ít ra tôi không nhớ là đã từng gặp một bài nào đề cập đến nó. Có thể, người ta không viết vì rau muống chỉ là thứ món ăn bình dân, không được coi là hàng đặc sản. Đã nói đến cái đặc sắc của một "nền văn hóa ẩm thực" thì chí ít cũng phải nói đến cái gì "đặc biệt một chút", "hơn đời một chút". Nhưng theo tôi, người ta "quên" không viết đến rau muống, có lẽ, cũng chỉ vì nó quá quen thuộc, quá gần gũi đối với người dân Việt. Rau muống xuất hiện trong đời sống như là một lẽ tự nhiên, như là một bộ phận không thể thiếu rời của cuộc sống. Khi nói đến cái đặc biệt, tức là đã nói đến sự tách rời. Giữa "ta" và "" đã tồn tại một khoảng cách, mà nhờ vào đó "ta" có cảm nhận về cái hay, cái đẹp của "". Còn khi "" đã trở thành cái lẽ tự nhiên, một phần máu thịt của "ta" thì sẽ không còn có những cảm nhận đó. Rau muống không nhận được sự quan tâm xứng đáng của người cầm bút, có lẽ cũng chính bởi lý do này.

Ở bạn sẽ xuất hiện những cảm giác thực sự về giá trị, mùi vị của rau khi một thời gian dài không có điều kiện để thưởng thức nó. Trí nhớ của tôi lại quay về thời sinh viên, hồi mấy chục năm trước. Khi đó, việc đi lại còn khó khăn. Giao lưu quốc tế không được như ngày nay. Lũ sinh viên được gửi đi học nước ngoài hàng năm trời không một lần được thưởng thức các món ăn quê nhà. Với chúng tôi, chúng là nỗi nhớ nhà, những hồi ức, những thèm muốn không được thỏa mãn. Nhớ có dạo, phát hiện ra loài rau dại, gần giống như thứ rau ngải cứu ở ta, mấy thằng rủ nhau đi hái đầy một chậu. Rau rửa sạch, luộc qua, rồi phi tỏi xào với mỡ. Nước mắm không có thì thay bằng muối. Cái thứ rau này, xào lên ăn tựa rau muống. Đứa nào cũng xuýt xoa khen ngon. Và từ đó, trong nhiều bữa cơm lại có xuất hiện món "đặc sản" này.

Một lần khác, vào kỳ nghỉ Đông, mấy đứa bạn thân từ thành phố khác đến thăm. Chiêu đãi khách quý, tôi quyết định cho chúng thưởng thức món nem quê nhà. Tập bánh đa mẹ cho lúc lên đường đi tàu sang nước bạn, dành mãi không dám dùng nay đem ra thiết khách. Không có nguyên liệu để làm nem nhưng cũng có thể thay chúng bằng những thứ khác. Miến, giá, mộc nhĩ được thay bởi bắp cải, cà rốt, thái nhỏ trộn với fas[1]. Điều nan giải là cách chế biến như thế nào thì không ai còn nhớ. Chỉ mang máng là phải cho bột ngọt và trộn thêm với trứng, còn mấy quả thì chẳng ai hay. Sau một hồi bàn bạc, tranh luận sôi nổi, đi đến kết luận là để cho ngon, trộn hẳn mười quả trứng với nhân nem. Kết quả bữa đó là các vị khách quí được hưởng một bữa "trứng rán trộn nem". Tuy nhiên, nếu tôi nhớ không nhầm thì không một đứa nào thắc mắc về món nem "đặc sản" đó. Ngược lại, nó còn là một kỷ niệm thú vị của thời còn đi học.

Lại một lần khác, mấy đứa bạn nhắn xuống, giục lên Mat ngay để ăn Tết ta do Sứ[2] tổ chức. Nghe nói có biểu diễn ca nhạc, ca sĩ từ trong nước sang, lại cả banket với bánh chưng, giò, chả, và các món ăn Việt Nam khác. Thi hết học kỳ, chúng tôi mấy thằng mua vội vé tàu, hào hứng phi thẳng lên Mat. Chẳng hiểu tiệc Tết năm đó có những món gì, vì cái loại sinh viên quèn như chúng tôi thì còn lâu mới được giấy mời. Mà không được mời thì ai cho phép đến đánh hôi. Có điều an ủi là cũng còn được xem văn nghệ. Chẳng có ca sĩ trong nước mà chỉ là cây nhà, lá vườn, các tiết mục đều do sinh viên các trường tự biên, tự diễn. Nhưng được cái là cơ hội anh em gặp nhau. Chẳng mấy khi mà gặp được bàn bè cũ nhiều đến như vậy. Tuổi trẻ đuợc cái hồn nhiên, dễ buồn, dễ chán nhưng cũng dễ quên, mọi cái cứ thế ào đi. Nhờ vào cái sức sống đó mà năm tháng trôi nhanh, cái buồn nhớ gia đình, cái hoài tưởng nhớ đến hương vị các món ăn quê nhà cũng theo thế mà thoảng qua.

Thời gian thay đổi, vạn vật thay đổi. Cuộc sống biến đổi không ngừng. Đất nước thời mở cửa, người ta ào ào đi ra nước ngoài làm ăn kinh tế. Đỗ NCS thì phe XHCN cũng vừa giải tán. Không được "Nga quay" tôi cũng mạnh dạn bỏ Ba Lan theo bạn, theo bè quay lại nước Nga bằng đường tự túc. Vừa với mục đích kiếm mác khoa học cho bằng anh bằng em, vừa thầm hy vọng gặp cơ hội đổi đời. Nước Nga thời loạn, cái gì cũng thiếu. Đến chổi cùn, rế rách không gì là không bán được. Chạy như tôm tươi. "Hàng xịn Việt Nam": pi-lốt, gió gầy, gió béo, áo phông, thể thao Adidas, Nike,... được sản xuất chính hiệu ở Nhổn, Cổ Nhuế, hay các vùng ven Hà Nội khác đều bán được ráo. Ốp, chợ Việt Nam mọc lên như nấm. Đôm 5 cũ, đôm 5 mới, Búa liềm, Salút,... Đúng là một thời lãng mạn. Gặp luồng gió mới, mọi cái đều hứng khởi, mọi cái đều say mê. Cả một đoàn người hăng say, cuồng nhiệt đi tìm hạnh phúc. Chẳng kể dân tự do, tôi gặp không ít các giáo sư, nhà khoa học có tên tuổi đang mải mê bán hàng, từ áo giả da đến đồ phụ nữ, tại khắp các ngang cùng ngõ hẻm ở Nga, Ba-lan hay đang lang thang làm du kích đường sắt, chuyển tiền, chuyển hàng từ nước này sang nước khác. Khó khăn không nản, nguy hiểm không chùn. Mùa Đông tuyết lạnh, âm đến cả mấy chục độ vẫn bám chợ bán hàng.

Matxcơva dạo ấy trấn lột như cơm bữa. Nay bị gí bàn là, mai bị đưa ra rừng. Nhưng người ta đâu có sợ, đâu có ngượng. Tất cả cũng chỉ vì một cơ hội làm giầu, cơ hội đổi đời. Ông trời đôi khi cũng có mắt. Nhiều người mới chỉ vài năm trước, cơm không đủ ăn, nhà không có ở. Nay tiền nong xủng xoẻng, tậu nhà, tậu đất, xe hơi nhập ngoại. Các "tướng", "soái" xuất hiện nhiều nhan nhản. Đã qua rồi cái thời thiếu thốn, thèm, nhớ các món ăn Việt Nam. Bây giờ là thời buôn bán quốc tế. Cái gì cũng có. Từ gạo tám, gạo nếp, rau cải, rau muống,...đến cả ốc, ếch, lươn, cua, thịt dê, thịt chó, chẳng thiếu thứ gì. Đắt một chút, nhưng đồng tiền kiếm ra cũng dễ. Riêng về rau muống, rau đánh từ nhà sang cũng có, rau trồng ngay tại Nga cũng có. Không hiểu vì đất Tây nó tốt, rau mập, hay vì cái gì khác mà ăn miếng rau ở bên này, tôi cảm thấy cái vị thơm, ngọt đặc biệt. Đúng là, người vui cảnh cũng sẽ vui theo người. Anh bạn tôi, sau khi bảo vệ xong cái bằng Phó tiến sĩ, vừa có tham vọng muốn dấn lên làm tiếp bậc hai, vừa lại sợ sức mình không nổi. Trong bữa tiệc nhỏ mừng bảo vệ, khi được biết cậu học trò "cưng" có ý nản, không dám làm tiếp mà định đưa gia đình về nước, ông thầy hướng dẫn, viện sĩ, một nhà khoa học có tên tuổi tuyên bố thẳng là anh không được về. Phải ở lại làm tiếp, khó đâu thầy giúp. Nếu không thì ông chết, dân cả cái vùng quê của ông không biết sẽ sống thế nào. Hóa ra, vừa làm bằng, vừa làm kinh tế, anh đã tạo công ăn việc làm, biến cả nông trang, quê hương của ông viện sĩ thành một "tổ hợp trồng rau". Rau trồng được, mang lên Mát bán. Vừa có tiền gửi về mua đất, mua nhà, cho cha, cho mẹ, vừa nuôi sống cả một vùng quê Nga lúc nghèo khó.

Cuộc sống nước Nga dần dần hồi phục. Dân Mát giàu lên trông thấy. Kinh doanh ngày một khó. Hàng dởm rít, mẫu mã kém không còn ăn. Đã qua cái thời thống trị của hàng vải Việt Nam, thứ gì cũng chạy, thứ gì cũng bán. Hàng Thổ, hàng Tàu, hàng đủ các nước đánh sang. Đâu đẹp, đâu rẻ thì người ta mua. Trước đây, mạng lưới bán hàng của người nước ngoài tại Nga hầu như là do người Việt Nam chiếm giữ. Giờ đây, người Tàu tràn sang; người Ả Rập, người Ấn Độ...; người từ các tỉnh lên, từ các nước SNG đến. Thị trường thực sự là bãi chiến trường. Kẻ mạnh giàu lên trông thấy, kẻ yếu thì phá sản, bán nhà, gia đình tan nát. Mỗi đời, mỗi cảnh. Nhiều khi nhìn thấy mà ứa nước mắt, mà đau quặn lòng. Được cái, nạn cướp giảm hẳn. Có thể, đã qua rồi cái thời hỗn mang, giới tội phạm Nga hoạt động có tổ chức hơn, có quy mô hơn, không thèm ăn nhỏ. Và cũng có thể là do chính quyền làm dữ. Công an, cảnh sát, đặc nhiệm, đủ màu, đủ sắc tràn ngập. Thay vào sợ trấn, sợ cướp là sợ công an, sợ kiểm tra giấy tờ. Tôi tin rằng trong số họ vẫn còn người tốt, nhưng với số đông người Việt (và không chỉ người Việt) thì đó là bọn ăn bẩn, bọn mất tính người. Trước thì có khẩu[3] cho qua; không khẩu, nhẹ thì phạt, nặng thì lên xe, về đồn, hay đưa ra rừng, có gì móc tất. Nay thì tại các vùng điểm nóng, gần chợ, gần ốp, không khẩu cũng "nôn", mà có khẩu cũng "nôn". Tại vùng chợ Vòm, không khẩu năm trăm, có khẩu lại mất cả nghìn. Tưởng là nghịch lý, nhưng lại chẳng là nghịch lý. Có khẩu là tức có tiền, không khẩu là hàng cu li, làm ăn lụn bại. Điều này, các nhà bảo vệ pháp luật nắm quá rõ. Nếu thấy biểu hiện có tiền thì kể cả là phụ nữ, giấu kín chỗ nào cũng bị lần ra hết. Được cái cũng còn may. Nếu bị nắn hết tiền, thông thường thì cũng được vứt lại dăm ba chục rúp. Không hiểu ai dạy mà mấy ông tây cảnh sát cũng thấm nhuần được cả cái triết học Á Đông, lộc bất tận hưởng. Cũng nhờ chút lộc này mà có tiền mua vé giao thông để về nhà, lấy sức ngày mai còn chiến đấu tiếp. Làm được tiền đã khó, giữ được tiền lại càng khó hơn. Khâu phức tạp nhất là việc chuyển tiền từ chợ về nhà. Dân Việt vốn quen du kích, nghĩ ra đủ trò, đủ mẹo. Lúc thì thuê Tây; lúc dắt trẻ nhỏ đi theo, trông cứ như là hai mẹ con đi dạo chợ. Ai nghĩ là trong mình đứa trẻ có "đạn", có tiền. Một dạo, không hiểu lẽ gì mà tôi được gia đình chị bạn sống ở phòng kề bên thường xuyên cho rau. Lúc thì rau muống, lúc thì rau cải. Mà rau đâu có rẻ, được cho mãi cũng thấy áy náy. Lựa lúc hỏi thật thì ra mới biết, đó là một phương pháp chuyển "đạn" về nhà. Hôm nào cũng vậy, chị cũng làm một bó rau to, nhét kỹ tiền vào giữa, quấn chặt băng dính xung quanh. Đi làm về, tay xách túi rau, cứ như đi chợ. Bằng cách này, không biết đã bao nhiêu lần, chị vượt mắt được mấy ông cảnh sát. Thú thật, ăn miếng rau bây giờ, tôi không còn cảm thấy hưng phấn như ngày xưa, nhưng thay vào đó là niềm cảm phục khả năng kiên trì chống chọi, trí thông minh ứng xử với đời của người dân Việt.

Cho đến một hôm, không hiểu là do linh cảm, hay vì cẩn thận mà anh chị đưa cả đứa con chưa đầy sáu tuổi ra chợ. Cũng theo cách đó, hết buổi chợ, vợ chồng dắt con ra về. Tay xách túi rau, tay thì dắt trẻ. Ra khỏi chợ, đến metro thì gặp ngay thằng mặt sẹo, tay cảnh sát khét tiếng cả một vùng chợ Vòm. Kinh nghiệm bảo hắn, cứ có trẻ con là có tiền. Bắt cả gia đình lên xe, đưa thẳng ra rừng. Lần nắn từng người, cả bố, cả con, cả toàn bộ thân người mẹ. Nắn tìm không thấy, hắn bắt cả nhà cởi hết quần áo để kiểm tra, trên mình mỗi người chỉ còn có bộ đồ lót. Bố mẹ thì run, đứa trẻ thì khóc vì sợ. Sợ quá đái cả ra quần. Sau một hồi tìm kiếm không có kết quả, hắn bắt đầu cáu, văng tục như một thằng côn đồ chính cống. Bỗng như sực nhớ, nhìn thấy túi rau. Hắn giật lấy, xé bung ra. Rau văng tung tóe và trong đó là cả một búi tiền. Hắn chộp lấy, cười sung sướng một cách hoang dại, thỏa mãn như con sói vừa bắt được mồi. Nổi hứng, hắn vứt lại hẳn cả một trăm – "thôi cho chúng mày, bắt tắc-xi mà về". Kết quả là anh chị mất một khoản tiền khá lớn. Tiền bán hàng, tiền để đi lấy hàng. Có lẽ lại phải nhiều ngày lao động đầy cực nhọc anh chị mới gỡ lại được món tiền đã mất. Tiền không có thì làm lại có. Nhưng nỗi đau lớn hơn là về đứa trẻ. Cháu bị ốm, mê man mất mấy hôm. Và từ đó, cứ nhìn thấy công an với cháu là cả một nỗi kinh hoàng. Đêm nằm thường xuyên giật mình, khóc sợ thằng mặt sẹo. Lạy trời, mong sao cho cơn sốc này rồi cũng sẽ qua đi, cho tuổi thơ của cháu được trôi đi êm đềm như bao đứa trẻ khác. Và cũng từ đó, cứ nhìn thấy rau, ăn một miếng rau, là tôi như muốn nghẹn.

Không hiểu người khác có cảm nhận thế nào về mùi vị của rau muống, chứ tôi thấy đủ cả ngọt, bùi, cay, đắng. Chẳng thiếu vị gì, từ cái vị buồn của nỗi nhớ nhà, cái ngọt ngào của sự thành công, cái mùi mồ hôi mặn chát của sự vất vả, cái đắng cay của sự tan vỡ, đến cái vị tanh lợm của đồng tiền.

—————–
[1] Một dạng thịt băm của Tây nhưng trộn với bột, không tinh khiết, ngon như thịt băm nguyên chất.
[2] Sứ quán.
[3] Hộ khẩu.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro