Chương 01Dưới hoa tử đằng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tóm tắt quyển trước

Kinh Kha và Lệ Cơ vốn là thanh mai trúc mã, nhưng sắc đẹp của Lệ Cơ kinh động thiên hạ, vua Tần hay biết, ép vua Tề dâng lên. Lệ Cơ bị bắt tới cung Tần mới hay trong người đang mang giọt máu của Kinh Kha; để bảo vệ huyết mạch của Kinh Kha, Lệ Cơ đành nương thân ở cung Tần. Kinh Kha mất Lệ Cơ, sa sút tinh thần, song gặp phải dị thú trên núi đã thông suốt tỉnh ngộ, luyện thành Kinh thiên thập bát kiếm. Xuân qua thu tới, trong cung Tần, Lệ Cơ sinh hạ con trai của Kinh Kha – Kinh Thiên Minh; vua Tần yêu cây yêu cả cành, cũng coi như con đẻ. Kinh Kha tiếp nhận trọng trách thích Tần do thái tử Đan nước Yên giao phó, mang thủ cấp tướng quân Phàn Ô Kì và bản đồ Đốc Cang dâng lên vua Tần, nhân cơ hội ám sát, song không biết việc thích Tần đã bị trưởng hộ vệ Vệ Trang thông cáo cho vua từ trước. Nhiệm vụ thất bại, Kinh Kha và Lệ Cơ cùng chết trong hoàng cung. Hàn Thân được hai người cậy nhờ, dẫn Kinh Thiên Minh chạy trốn. Vua Tần hạ lệnh truy sát đứa con yêu ngày trước, phái ra bốn đại hộ vệ Phong Lâm Hỏa Sơn ngày đêm truy đuổi. Nước Dịch lạnh căm, bên bờ sông Ô, sau một trận chiến giữa bụi lau sậy, Hàn Thân bị Song Chùy Sơn trong bốn đại cao thủ ám sát, bỏ mình. May thay, Thiên hạ đệ nhất kiếm Cái Nhiếp kịp thời tới nơi, thi triển Bách bộ phi kiếm hạ toàn bộ bốn đại cao thủ, Kinh Thiên Minh mới tạm thoát nạn, song Cái Nhiếp cũng bị thương rất nặng sau trận chiến. Cuộc truy sát của vua Tần không vì vậy mà gián đoạn. Nguyện vọng của cố nhân, phó thác của kẻ đã ngã, đêm trường quạnh quẽ, tình xưa chẳng diệt, Cái Nhiếp đưa con của người xưa – Kinh Thiên Minh – tới biên cảnh nước Yên, đi về nơi vô định...

Thịnh nhất đất Tần, chính là Hàm Dương núi trải sông bọc, ngàn dặm thành trì kiên cố; ấy còn quán rượu lớn nhất trong thành Hàm Dương có một cái tên Phù Phong lâu cực kì tao nhã, trên cửa hiên có khắc hai chữ triện Phù Phong, chính là thủ bút của Lí Tư, bậc thầy thư pháp của kinh thành.

Lầu Phù Phong xây sát sông Vị, là kiến trúc nhà lầu hiếm thấy trong thành Hàm Dương. Từ trên lầu ngắm ra, sông Vị cuồn cuộn về phía Nam, núi Tông san sát hướng phía Bắc. Một quán rượu nho nhỏ thôi, đã có thể thu hết non sông nước Tần vào tầm mắt.

Khi ấy, chỉ có một người khách khuôn mặt xương gầy, phảng phất phong độ của người trí thức ở trên lầu hai rộng rãi. Nếu không có thanh kiếm báu đặt ngang trên bàn, nào ai nhận ra y chính là trưởng hộ vệ bên người Tần vương Doanh Chính – Vệ Trang.

Vệ Trang không có lòng dạ nào ngắm cảnh, cũng không buồn động đũa. Giờ phút này, chỉ có rượu mới làm y hứng thú.

Mình y ngồi một gian trang nhã của lầu Phù Phong, say lờ đờ cả mắt, tự rót tự uống.

Chưa đầy một năm trước, Vệ Trang phụng mệnh đến nước Yên nằm vùng, cản trở đại nghiệp thích Tần của thái tử Đan nước Yên. Thích khách Kinh Kha giả mạo sứ giả, mang bản đồ vùng Đốc Cang phì nhiêu cùng đầu Phàn Ô Kì phản tướng nước Tần đến yết kiến vua Doanh Chính, song hết thảy tình hình đều bị tổ chức Đồng sơn do Lí Tư thống lĩnh điều tra ra lẽ. Sở dĩ thủ lĩnh Đồng sơn để Kinh Kha vào tới cung điện Hàm Dương, chỉ vì Doanh Chính muốn gặp Kinh Kha một lần.

Lệ Cơ, ái phi của Doanh Chính vua Tần, vốn là thanh mai trúc mã của Kinh Kha, về sau vua Tần ép nước Tề hiến người đẹp, vua Tề đã bắt Lệ Cơ dâng lên, ai ngờ Lệ Cơ đã mang thai khi vào cung, sinh hạ một đứa trẻ đặt tên là Thiên Minh. Tuy vua Tần biết đứa bé là cốt nhục của Kinh Kha, nhưng yêu cây yêu cả cành, cũng coi nó như con đẻ của mình. Kinh Kha thích Tần không thành, bị thị vệ đương triều chém tan xương nát thịt, Lệ Cơ vì thế cũng uống thuốc độc tự vẫn, nhưng trước ấy đã giao con yêu Kinh Thiên Minh cho nghĩa sĩ Mặc gia Hàn Thân, đại nho Phục Niệm, gián tiếp cậy nhờ Thiên hạ đệ nhất kiếm Cái Nhiếp chăm sóc.

Không rõ vua Tần muốn nhổ cỏ tận gốc hay không cam lòng để kẻ duy nhất trên đời làm nhục được mình tiếp tục sống, sau khi Kinh Thiên Minh trốn đi đã phái Vệ Trang cùng bốn đại cao thủ ngang tài truy sát, song bốn đại cao thủ đều bị Cái Nhiếp giết bên bờ sông Ô.

Cái Nhiếp dẫn Kinh Thiên Minh trốn chạy, bặt tăm tích. Nhưng việc vua Tần muốn làm, há có thể dễ dàng bỏ qua như thế?

Nghĩ đến Cái Nhiếp, trong lòng Vệ Trang kết trăm mối cảm xúc ngổn ngang, bất tri bất giác đã ra tay phá vỡ niêm phong của vò rượu trắng thứ hai.

"Ra là anh đến trước rồi!" Hạ Hầu Ương leo lên lầu Phù Phong, nhìn Vệ Trang say mơ mắt, nói: "Chúng ta chờ một lúc nữa, đợi đứa trò Bào Dã của ta tới rồi hẵng đi, anh thấy sao?"

Vệ Trang liếc mắt nhìn Hạ Hầu Ương, không đáp lại, chỉ biết tiếp tục uống rượu. Thực chất, trong lòng Vệ Trang có ý khinh miệt Hạ Hầu Ương xuất thân cường đạo, mọi việc giết người, phóng hỏa, hiếp dâm, cướp giật đều đã làm; nếu không phải Hạ Hầu Ương báo cho y biết tung tích của tiểu sư muội, thậm chí Vệ Trang còn không muốn ngồi chung một bàn với hắn.

Hạ Hầu Ương cũng ngấm ngầm coi Vệ Trang là thù địch, chỉ không thể hiện ra ngoài. "Bằng cái gì mà kẻ này thành được trưởng hộ vệ? Bản mặt như gã thư sinh trói gà không chặt, công phu không biết đến được đâu?" Hạ Hầu Ương nhìn Vệ Trang say lướt khướt trước mặt, nghĩ: "Nhất định phải tìm cơ hội, mượn tay ai giết gã mới được." Trong lòng hạ quyết tâm, trên mặt đầy nét cười.

Chỉ chốc lát sau, đại đồ đệ Bào Dã của Hạ Hầu Ương đến nơi. Bào Dã còn ít tuổi nhưng vô cùng thân thiện, vừa lên đến lầu trên đã lập tức dìu Vệ Trang gục trên bàn dậy, gọi một tiếng đại ca, nói: "Vệ Trang đại ca, nên xuất phát thôi."

Vệ Trang đã uống hết hai vò rượu trắng lớn, say bí tỉ, không biết đâu mà để ý.

"Vệ Trang đại ca, không còn nhiều thời gian đâu, chúng ta lên đường thôi." Bào Dã lại giục.

Vệ Trang buông chén rượu, miệng lưỡi líu ríu hỏi: "...Xuất phát? ...Đi đâu?"

Bào Dã cười, nói: "Anh quên lệnh Đại vương ban rồi chăng? Đương nhiên là đi xử lí gã Cái Nhiếp."

"Giết..." Vệ Trang gằn từng chữ một, "Cái... Nhiếp..."

Nghe chính lời mình thốt ra, Vệ Trang đứng phắt dậy, ánh mắt sáng ngời, đột nhiên cầm kiếm lên, tưởng như từ nãy chưa hề uống một giọt rượu, nhìn Hạ Hầu Ương và Bào Dã, nói như đinh đóng cột: "Chúng ta đi!"

Ngoại ô thành Kì nước Sở về phía đông, bờ ruộng dọc ngang chằng chịt. Trong một ngôi nhà tranh lung lay sắp đổ, Cái Lan nhọc công cầm cái chậu gỗ nhỏ thay quạt, nỗ lực quạt lửa sắc ấm thuốc.

Cô nén khóc, khe khẽ sụt sịt. Kinh Thiên Minh tròn mắt nhìn cô, mở miệng muốn nói gì đó, cuối cùng vẫn không bật thành tiếng, nhưng Phục Niệm đang ngủ say một bên nghe thấy tiếng khóc đã vuốt râu ngồi dậy: "Lan nhi, sao vậy?" Phục Niệm hỏi.

Cái Lan lắc đầu, chỉ ngước nhìn người đang vận công dưỡng bệnh trên chiếc giường nhỏ đơn sơ bên cạnh — Cái Nhiếp.

Bên bờ sông Ô, tuy Cái Nhiếp đã dốc sức giết được bốn đại hộ vệ Phong Lâm Hỏa Sơn, bảo vệ cốt nhục của Kinh Kha, nhưng cũng phải một kiếm của Hắc Sát Phong đang hấp hối, may khi đó Cái Nhiếp vận chân khí bảo vệ nên mới không mất mạng.

Cái Nhiếp vận khí chữa thương trong ngôi nhà nhỏ đã hơn hai tháng, tuy vết thương đã dần khép miệng kết vảy, nhưng thân thể y yếu nhược, mãi không thể hồi phục. Để tránh bại lộ hành tung, Cái Lan cũng bó chân không ra ngoài, chỉ thỉnh thoảng mang tiền của trên người đến chỗ nông dân ở khu ruộng gần nhà đổi ít đồ ăn mà thôi.

Phục Niệm kéo Cái Lan ra khỏi nhà; lão biết Cái Lan không muốn nói gì đó trước mặt cha. Phục Niệm hỏi: "Lan nhi, rốt cuộc là làm sao? Thương thế của cha cháu có nặng lắm không?"

Nghe giọng điệu quan tâm của Phục Niệm, Cái Lan trả lời: "Đa tạ Phục tiên sinh quan tâm, thương thế của cha cháu không còn nghiêm trọng nữa."

"Đứa ngốc này!" Phục Niệm vờ tức giận, "Đã đến nước này rồi, cháu còn không nói thật là sao? Chẳng lẽ coi ta như người ngoài?"

"Lan nhi nào dám?" Cái Lan lau nước mắt, hít sâu một hơi rồi nói: "Thương ngoài da của cha đã lành, nhưng thân thể cứ suy yếu, cháu thấy cha điều tức ngày đêm, mãi vẫn không thể vận hành chân khí trong người một cách thông thuận, rất muốn mua thánh phẩm bổ khí như linh chi hay nhân sâm cho cha, nhưng thuốc đắt lắm, cháu sao mua nổi? Cháu hết cách rồi, lúc nãy mới khóc."

"Thế mới bảo gọi cháu là đứa ngốc chẳng sai đâu." Phục Niệm đáp, "Bàn võ nghệ, lão già bại hoại ta đây chỉ là một lão già bại hoại; nhưng mà nói tới tiền, ha ha, cháu nhìn xem, đây là gì?"

Phục Niệm móc trong đai lưng ra một thỏi vàng, đong đưa khoe trước mặt Cái Lan.

Cái Lan tròn mắt nhìn thỏi vàng sáng rực, thấy lão tiên sinh mắt hõm người còm da vàng cười hì hì, sau lại lấy ra một thỏi trong tay áo, sau lại lấy ra một thỏi trong giầy, sau lại lấy trong bím tóc đuôi sam một thỏi, vẫn lấy được từ áo trong ra một thỏi vàng nữa.

Cái Lan tuyệt đối không ngờ một nhà nho lớn còn có bộ mặt này, cố nhịn cười nói: "Cháu thật không ngờ, hóa ra Phục tiên sinh ngài lại là người có của cơ đấy?"

"Nói gì thế?" Phục Niệm cố ý nghiêm mặt lại, nói: "Cháu tưởng năm xưa ta vào cung nước Tần làm thầy dạy học, dạy Thiên Minh lâu như thế mà vua Tần còn tiếc của chỉ cho ta ăn cơm à? Tiền này mang mãi trên người, ta còn đang ngại nặng đây. Bây giờ vừa khéo, cầm vàng của vua Tần đi giúp đại hiệp, vua Tần biết được lại chẳng tức sùi bọt mép ấy chứ, ha ha ha."

Cái Lan bị Phục Niệm trêu, cũng bật cười, song lại nghĩ, nếu sau này cha biết mình dùng tiền của Phục tiên sinh, khó tránh khỏi bị quở trách, nhưng lúc này không thể nghĩ nhiều. Cái Lan hành lễ với Phục Niệm, cảm kích nói: "Vậy xin phiền tiên sinh."

Phục Niệm nói: "Dược liệu trân quý, phỏng chừng ở nông thôn không có. Xem ra ta phải đi thành Kì một chuyến rồi. Lan nhi, cháu chờ, ta đi rồi về."

Sau mấy lần Phục Niệm tới tới lui lui từ thành Kì tới ngôi nhà tranh nhỏ, Cái Nhiếp cũng dần dần bình phục. Hơn mười ngày, một già một trẻ Cái Lan và Phục Niệm đã thân thiết như đôi bạn vong niên.

Hôm ấy, Phục Niệm lại định đi thành Kì mua sắm, Cái Lan vội vàng cản lão, nói: "Phục tiên sinh, không dám phiền ngài, cha cháu đã khỏe rồi, không dám nhờ ngài mua thêm nữa!" Phục Niệm cười, nói: "Cháu đừng có nghĩ đi đâu, ta định vào thành mua ít thịt cá cho ta đấy chứ, ha ha, tất nhiên, nếu cháu giúp ta nấu nướng, ta cũng không ngại chia cho mấy người chút ít."

Cái Lan không từ chối nữa, lại nói: "Đã như vậy, Phục tiên sinh, nếu thấy có đồ chơi gì thú vị trên đường, xin hãy tiện tay mang về cho Thiên Minh một cái được không ạ?"

Cái Lan quay người trở vào nhà, vừa mở cửa đã thấy Cái Nhiếp cha cô hỏi: "Phục tiên sinh lại ra ngoài mua mấy thứ cho cha à?"

Thấy Cái Nhiếp cuối cùng cũng lành hẳn, tâm tình Cái Lan mấy ngày nay rất tốt, đã rũ sạch nỗi ưu sầu lúc trước, biết cha mình xưa nay nghiêm túc, lúc ấy cũng không đừng được, cố ý trêu: "Đúng vậy, Phục tiên sinh khoe ngài phải tậu bò về tẩm bổ cho cha đó."

Cái Nhiếp nghe vậy, cười ha ha, sực nhớ ra Kinh Thiên Minh đang say ngủ, vội im tiếng. Y quay đầu nhìn Kinh Thiên Minh một lúc, khuôn mặt đứa trẻ năm nay vừa tròn mười tuổi không hề tỏ vẻ hờn giận; song, tuy mấy tháng nay nó chưa từng than phiền gì, Cái Nhiếp biết, thực sự nó đang tủi thân vô cùng.

"Cha! Mẹ!" Trên giường vang tiếng gào lớn. Cái Lan tưởng Kinh Thiên Minh tỉnh, đi đến bên giường, chỉ thấy thằng bé đầy đầu mồ hôi, hai mắt nhắm chặt, thì ra là đang nói mơ.

"Cha! Mẹ! Vì sao cha mẹ không cần con?" Tiếng khóc nấc từng hồi của Kinh Thiên Minh khiến Cái Lan đau lòng. Cô vỗ nhè nhẹ lên lưng nó, lại lấy khăn tay lau mồ hôi cho, nhẹ giọng nói: "Thiên Minh, đừng sợ, con chỉ gặp ác mộng thôi."

Kinh Thiên Minh ngồi dậy, nhìn nhìn bốn phía, hai mắt đờ đẫn nhìn Cái Lan, lại thấy Cái Nhiếp, lúc này mới rệu rã nhớ ra hiện giờ mình đang ở đâu. Nó nhấc tay đẩy nhẹ cái khăn Cái Lan đang lau mồ hôi cho, nói: "Cô Lan đừng lo, con không sao." Nói xong quay người lại, đưa lưng về phía hai người, rúc vào chăn bông vờ ngủ say.

Trong phòng im lặng. Cái Nhiếp nhìn con gái, phát hiện Cái Lan cũng đang nhìn mình. Cái Lan nhỏ giọng nói: "Con thấy cứ tiếp tục thế này không ổn, mấy tháng qua Thiên Minh ăn không ngon ngủ không yên, khí sắc ngày càng kém, người cũng gầy đi. Cha nghĩ mình có nên đưa nó về nhà không?"

Cái Nhiếp nói: "Như vậy quá nguy hiểm. Tay sai của vua Tần thâu tóm tin tức mau chóng, bây giờ hẳn đã biết Thiên Minh đi cùng chúng ta, nhà, e là không còn an toàn nữa."

Cái Lan gật đầu: "Vậy cha có dự định gì không?"

Cái Nhiếp trầm ngâm, nói: "Vì sự an toàn của Thiên Minh, cha nghĩ chúng ta nên tìm một nơi nào đó, tạm thời ẩn náu."

Cái Lan khẽ khàng cầm tay Cái Nhiếp. Cô biết rõ, cả đời cha cô chưa từng trốn tránh việc gì, bây giờ nói ra ý nghĩ tạm lánh gió to sóng cả quả thật vô cùng, vô cùng đi ngược lại cá tính và nguyên tắc của y, không khỏi thở dài, nói: "Cha, chỉ mong Thiên Minh lớn lên có thể hiểu tâm ý của cha."

Cái Nhiếp nhìn Kinh Thiên Minh nằm trên giường, nói: "Có hiểu hay không thực ra là thứ yếu, quan trọng là Kinh Kha huynh đệ phó thác cốt nhục duy nhất của y cho cha. Giờ y đã chết dưới tay vua Tần, điều chúng ta làm được, cũng chỉ có nuôi dưỡng đứa trẻ này nên người."

"Đứa bé đáng thương, nhỏ tuổi như vậy đã trở thành trẻ mồ côi rồi." Cái Lan dứt lời đã đỏ mắt, không biết Kinh Thiên Minh trốn trong chăn vờ ngủ bấy giờ cũng nước mắt như mưa.

"Nào nào nào, ăn cá nào! Ai mà biết thành Kì to như thế lại không bán bò chứ." Chỉ thấy Phục Niệm tay xách túi lớn túi nhỏ đi vào, thả bình bịch xuống bàn, miệng cười hì hì, nói: "Con người ấy à, không cần biết là muốn làm gì, đầu tiên là phải ăn cho no đã." Phục Niệm hứng chí nói một thôi một hồi, mãi mới phát hiện Cái Nhiếp và Cái Lan đều đỏ hồng viền mắt. Lão không hiểu, bèn hỏi: "Thế này là thế nào? Giữa ban ngày ban mặt, mấy người khóc lóc là sao?"

"Đó là vì bọn chúng biết thời điểm phải chết đã đến." Một tiếng nói âm trầm vọng từ ngoài cửa vào. Ba người tái mặt, Kinh Thiên Minh trốn trong chăn cũng cả kinh. Cái Nhiếp cầm kiếm lên, thấp giọng dặn: "Mấy người đợi trong nhà, tuyệt đối không được đi ra."

Dứt lời, thét một tiếng, nhún người nhảy lên, vững vàng rơi người trước cửa lớn. Vốn Cái Nhiếp không biết có bao nhiêu thuộc hạ vua Tần phái ra đuổi giết Kinh Thiên Minh đến được đây, có ý giáng đòn phủ đầu, nào ngờ ra đến cửa chỉ gặp ba người, cầm đầu chính là Hạ Hầu Ương — kẻ thù y đã truy tìm nhiều năm. Cái Nhiếp sớm đã biết phần tử cặn bã trong võ lâm này đã nương nhờ vua Tần, nhưng người đứng cạnh Hạ Hầu Ương kia – Cái Nhiếp cơ hồ không thể tin nổi — không phải chính là Vệ Trang sư đệ y sao?

"Sư huynh, lâu rồi không gặp nhỉ." Vệ Trang chẳng mảy may sợ hãi nhìn Cái Nhiếp, hỏi, "Trưng cái vẻ kinh ngạc giả tạo đó ra làm gì? Từ xưa ngươi đã vậy rồi, luôn tự cho chỉ có mình làm đúng, ai khác làm gì cũng sai cả."

Cái Nhiếp run giọng, hỏi: "Đệ, đệ đi theo vua Tần?"

"Vua Tần là một quân chủ anh minh, ta dốc sức vì y thì có gì không hay nào?" Vệ Trang đáp.

"Vậy còn Kinh Kha? Là đệ bán đứng y?" Cái Nhiếp giận dữ, hỏi tiếp.

"Cũng không tính là bán đứng, y đâm vua Tần của y, ta chỉ làm việc ta nên làm." Vệ Trang nói, "Chẳng qua ta chỉ ngăn một dao đâm vua Tần của y mà thôi; về phần chém y thành đống thịt nát, không phải ta ra tay, ta không muốn chiếm công."

"Thật ghê tởm!" Cái Nhiếp hét lớn.

"Đủ chưa? Ta không đến để nghe các ngươi ôn chuyện đâu." Hạ Hầu Ương sốt ruột phun ra một câu, truy hỏi: "Thằng bé đó ở bên trong?"

"Đến một đứa trẻ cũng không tha." Mắt Cái Nhiếp đột nhiên lóe sáng, y đanh giọng nói, "Vua Tần quả nhiên táng tận lương tâm, tội không thể tha..." Nói chưa hết, Kinh Thiên Minh đột nhiên lao ra, mặt còn ngấn lệ, hét to: "Ta không tin! Các người đều nói láo!"

Tất cả mọi người đều sững sờ tại trận. Cái Nhiếp lập tức dang tay chắn trước Kinh Thiên Minh, miệng thét: "Lan nhi, mau qua đây!"

Cái Lan thấy Kinh Thiên Minh còn vùng vằng định đi lên, dưới tình thế cấp bách bèn trói quặt hai tay Kinh Thiên Minh ra sau lưng. Kinh Thiên Minh không thể động đậy, bấy giờ mới bị Cái Lan mang về phòng, miệng hãy còn thét: "Phụ hoàng sẽ không giết ta, ta không tin! Ta không tin!"

Hạ Hầu Ương liếc mắt nhìn Bào Dã, Bào Dã hiểu ý, lập tức sử dụng độc môn tuyệt hoạt Cửu u hàn băng chưởng đánh lén Cái Nhiếp, người hãy còn đang sững sờ.

Cái Nhiếp đột nhiên cảm thấy hai luồng chưởng phong sắc bén ập tới gáy, quay đầu nhìn, bất ngờ lại là chưởng vỗ của một người trẻ tuổi chưa từng gặp đánh về phía mình. Cái Nhiếp khen: "Chưởng pháp hay!" Lời còn chưa dứt, đã nhanh nhẹn xoay người tránh được chưởng phong, thừa cơ rút kiếm.

Để bảo vệ Kinh Thiên Minh, Cái Nhiếp muốn đánh nhanh thắng nhanh, cho nên vừa ra tay đã là sát chiêu Thảo trưởng oanh phi trong độc môn tuyệt kĩ Bách bộ phi kiếm của y. Nhát kiếm này không đâm về phía Bào Dã, mà nhằm chào hỏi kẻ thù nhiều năm của y, Hạ Hầu Ương.

Hạ Hầu Ương thấy kiếm hệt như chín chim vàng anh vừa thoắt vừa dồn dập ập đến ngực hắn, không màng rút đao, không màng sĩ diện, thình lình ngồi xổm xuống, lăn hai vòng ra sau, người đầy bụi đất, bấy giờ mới thoát được một kiếm của Cái Nhiếp. Bào Dã đứng sau lưng thấy Cái Nhiếp võ nghệ cao cường, một chiêu đã đẩy thầy hắn rơi vào thế yếu, kẻ vốn giảo hoạt hắn đã biết hôm nay đánh không xong, lập tức chú ý quan sát địa hình tứ phía, tính kế thoát thân.

Hạ Hầu Ương thấy Cái Nhiếp hết chiêu này đến chiêu khác tấn công, mình vung đao chặn trái đỡ thì phải hở, ấy mà Vệ Trang và Bào Dã vẫn như người rỗi việc, miệng không nhịn được gào to: "Vệ Trang, Bào Dã làm gì thế? Còn không mau lên đánh!"

Một kiếm của Cái Nhiếp thất bại, y bèn giật cổ tay, dùng sang Vũ đả lê hoa, bóng kiếm ngợp trời lập tức như rung chuyển thiên địa phóng tới, nhưng ánh kiếm của y lúc này đã lóe lên cả ba người Hạ Hầu Ương, Vệ Trang và Bào Dã.

Ba người hợp lực cùng chống đỡ Bách bộ phi kiếm của Cái Nhiếp, hoặc công hoặc thủ, hoặc vây hoặc chiến. Tình thế lập tức đảo ngược, Cái Nhiếp đã phải thủ nhiều hơn công. Hạ Hầu Ương tiểu nhân được thể, vừa ra chiêu vừa cười nham hiểm, gào lên: "Không ngờ trong nhà mày vẫn còn một đứa con gái như hoa như ngọc, đợi ông đây giết mày xong sẽ vào đánh giá con gái mày coi."

Cái Nhiếp vừa nghe lời ấy, lửa giận công tâm. Y tuyệt không thể ngờ, lâu năm không gặp, võ công của Vệ Trang sư đệ y lại tiến bộ nhường ấy; mỗi lần công kích, cơ hồ chiêu kiếm của y đều bị Vệ Trang hóa giải, Hạ Hầu Ương được bảo vệ. Nếu y không thể giết chết tên ác tặc này, sao có thể đối mặt với tiểu sư muội đã bị Hạ Hầu Ương hại chết?

Vốn hơn hai mươi năm trước, Vệ Trang và Cái Nhiếp có giao tình đồng môn cùng học nghệ, hai người có thiên phú cực cao, được sư phụ hết lòng chân truyền. Cái Nhiếp tính phóng khoáng, cẩn trọng trung hậu, Vệ Trang hành sự không câu nệ tiểu tiết, tính cách có khác nhau, song cả hai vẫn trở nên thân thiết.

Chẳng ngờ, về sau hai người cùng yêu tiểu sư muội, đêm động phòng hoa chúc của Cái Nhiếp và tiểu sư muội, Vệ Trang chỉ đành buồn bã rời đi, từ đó không bao giờ xuất hiện trước mặt họ.

Bây giờ anh em gặp lại, trong đầu Vệ Trang chỉ tràn ngập ý giết Cái Nhiếp, hận thù bao năm đè nén giờ đây như lũ tràn, giọng y hơi run, vừa ra chiêu vừa thét: "Cái Nhiếp, ngươi chịu chết đi! Ngươi cướp tiểu sư muội đi rồi lại giết nàng, hôm nay ta phải báo thù cho sư muội!"

Trong đầu Cái Nhiếp tức thời như nổ oành, ngực như bị ai đó giáng mấy đòn mạnh: "Sư đệ, đệ nói gì? Ai bảo đệ tôi giết sư muội?"

Vệ Trang nảy lửa trong mắt, liếc nhìn Hạ Hầu Ương đang khổ sở chiến đấu, kiếm trong tay lại quét một nhát, nói: "Ngươi cho là không ai chứng kiến ngươi hạ thủ? Chính Hạ Hầu Ương đứng ngoài phòng ngươi tận mắt nhìn thấy!"

"Gian tặc Hạ Hầu Ương, ngươi dám vu cáo hãm hại ta!" Cái Nhiếp tức giận nói.

Trong khoảnh khắc phân tâm, kiếm của Vệ Trang đã quét tứ dưới lên, "xoẹt" một tiếng cắt đứt một mảnh vạt áo trước ngực Cái Nhiếp, mũi kiếm tiến thẳng đến yết hầu y. Cái Nhiếp ngửa ra sau, tránh được kiếm, cong lưng xoay người mặt hướng xuống đất, tưởng như đã mất trọng tâm ngã xuống, cùng lúc kiếm đâm xéo về phía sau, chính là thức thứ năm trong Bách bộ phi kiếm. Vệ Trang thấy y sử dụng thành thạo, không khỏi hô lên: "Hay cho một chiêu Lạc hà tàn chiếu!"

Lại thấy thân người Vệ Trang hơi nghiêng, giống như say rượu mà ngã mạnh về trước, vai nhích, trường kiếm lật ra sau đâm xéo, cũng là một chiêu Lạc hà tàn chiếu. Một tiếng "keng" lanh lảnh vang dội, hai mũi trường kiếm vừa chạm lập tức thu về. Vệ Trang và Cái Nhiếp đang gần rạp xuống đất lại cùng lúc thuận theo trường kiếm, mượn lực mới rồi của đối phương khéo léo xoay người, song song đứng vững lại.

"Dẫu đệ hận tôi đến mấy, cũng nên biết cả đời tôi chưa bao giờ nói dối. Bây giờ tôi nói đệ hay..." Trường kiếm của Cái Nhiếp chỉ sang bên, giọng cũng hơi run: "Kẻ giết tiểu sư muội của đệ, xa cuối chân trời, gần ngay trước mắt, chính là tên Hạ Hầu Ương này!"

Hạ Hầu Ương còn chưa khỏi hết hồn — hóa ra Vệ Trang cũng biết Bách bộ phi kiếm — không biết trọng tâm câu chuyện của hai anh em đồng môn đã chuyển đến mình.

Vệ Trang nghe được lời này của Cái Nhiếp, dứt khoát thu thế. Y biết tính sư huynh Cái Nhiếp chính trực, chưa bao giờ dối gạt, liếc mắt trừng Hạ Hầu Ương, nói: "Là ngươi! Lại là ngươi giết nàng!" Gian kế bị phá, Hạ Hầu Ương cũng không bận tâm, nói: "Là ông đây thì sao? Tiểu sư muội nhà mày trẻ thì trẻ nhưng tuổi cũng đâu ít, ấy mà nom vẫn xinh đẹp thùy mị lắm, ông đây cũng chỉ... thử thử một chút, chỉ sợ ả không biết điều, bèn dứt khoát giết ả đi thôi. Nếu mày không phục, được thôi, chờ ông đây về Hàm Dương cũng cho mày thử sư muội ông đây, không phải chúng ta hòa nhau hả?"

"Là ngươi! Ngươi lừa ta khốn khổ!" Vệ Trang nổi giận, mũi kiếm đẩy nhẹ, một chiêu Thảo trưởng oanh phi bất thình lình đánh tới Hạ Hầu Ương, "Là ngươi! Ta phải lấy mạng ngươi trước!"

Hạ Hầu Ương cho rằng Vệ Trang và hắn chung chủ, Vệ Trang muốn tính sổ với hắn cũng phải giết Cái Nhiếp trước hẵng bàn, không ngờ Vệ Trang thoạt nhìn như nho sĩ trói gà không chặt lại ra kiếm thần tốc, trong chớp mắt, chín chim vàng anh vọt đến ngực hắn. Trước tình thế cấp bách, hắn kinh hãi la lên: "Bào Dã, mau giúp sư phụ!"

Đáng tiếc chính là, con người kia ngay cả bóng dáng cũng không xuất hiện trước mặt Hạ Hầu Ương.

Ngay khi Cái Nhiếp bắt đầu kể chuyện cũ, Bào Dã đã cao bay xa chạy rồi; hai người Vệ Trang, Hạ Hầu Ương lúc đó đều dồn lực chú ý lên người Cái Nhiếp, không ai phát hiện bên cạnh đã thiếu một người.

Hạ Hầu Ương nhìn trường kiếm dính đầy máu hắn trong tay Vệ Trang, thở hắt ra một hơi cuối cùng, nói: "Bào Dã, mày... Thằng thỏ đế mày..." Nói chưa xong, hai mắt trợn ngược.

"Giờ chỉ còn hai người chúng ta." Vệ Trang lùi về sau hai trượng, lấy một sợi xích bạc trong tay áo móc vào chuôi kiếm, tay để theo tư thế ban đầu của Bách bộ phi kiếm, lạnh lùng nói với Cái Nhiếp: "Lấy xích bạc của ngươi ra!" Cái Nhiếp nhìn sư đệ, bất đắc dĩ thở dài, cũng lấy ra một sợi xích bạc giống hệt trong tay Vệ Trang móc lên chuôi kiếm.

Hai sợi xích bạc này là sư phụ tặng hai người khi đã học thành Bách bộ phi kiếm. Người bình thường chỉ biết bộ kiếm pháp này chứa đựng chiêu thức tinh xảo, không biết tinh túy của Bách bộ phi kiếm chính là kết hợp kiếm pháp với tiên pháp, dùng binh khí ngắn hỗ trợ lẫn binh khí dài, lấy dài bù ngắn. Một sợi xích bạc nối liền thân kiếm, dùng xích điều khiển kiếm, có thể đoạt mạng người ngoài phạm vi trăm bước, vì vậy mới có tên là Bách bộ phi kiếm.

Hai sợi xích bạc cùng một gốc, hơn mười năm sau lại gặp nhau vì đoạt mạng, trong lòng Cái Nhiếp không khỏi than thở.

Cái Nhiếp, Vệ Trang đăm đăm nhìn đối phương, không nói gì, chỉ dùng ngón tay gõ nhẹ lên xích bạc, hai thanh trường kiếm vọt lên nhảy múa trong không trung.

Tám thức Bách bộ phi kiếm, hai người lần lượt sử dụng.

Hai thanh trường kiếm tưởng như chưa từng gặp nhau, chiêu kiếm chưa dứt đã biến đổi, dù gì hai người đều đã quá quen thuộc với kiếm pháp, cũng đã quá quen thuộc đối phương.

Cái Nhiếp dùng đến thức cuối cùng Phất tụ nhi quy, thấy vẫn không phân thắng bại, đề nghị: "Đừng đánh nữa được không, sư đệ?"

"Ai là sư đệ của ngươi?" Vệ Trang trả lời: "Hôm nay không phải ngươi chết thì ta chết; ta còn chờ mang đầu ngươi và thằng nhóc đó quay về Hàm Dương lĩnh công nữa kia."

Nghe được lời này, Cái Nhiếp đột nhiên thu trường kiếm về, nâng kiếm trước ngực, người chùng xuống, đứng vào tấn nhập môn mà bất kì người học võ nào cũng phải tu tập – trung bình tấn.

Vệ Trang thấy thế, cười ầm lên: "Công phu kém cỏi như vậy, ngươi cũng dám lấy ra dùng?" Dứt lời, giật xích bạc, dùng Thảo trưởng oanh phi bức đến Cái Nhiếp. Cái Nhiếp không tránh không né, chỉ nắm trường kiếm trong tay khoan thai đẩy ngang ra. Kiếm pháp vốn dĩ nhanh như vàng anh bay nhảy lại bị một kiếm chậm rãi ấy chế trụ, mất thế tự chủ, hóa vụng; chín đóa hoa kiếm của Thảo trưởng oanh phi chưa dùng hết, một dòng kiếm khí nặng nề đã ép tới trước ngực Vệ Trang.

Vệ Trang thầm kinh hãi, lộn một vòng qua đầu Cái Nhiếp, lập tức biến chiêu thành Mãn hà tàn chiếu, thân còn chưa nhào về phía trước thì trường kiếm đã đâm xéo về phía sau. Ai ngờ Cái Nhiếp chẳng buồn quay đầu lại, trung bình tấn bất động, toàn thân vững như núi Thái, chỉ lật trường kiếm về hai phía trước sau, lại chậm rãi quạt ngang ra dưới nách. Kiếm pháp vốn như ráng chiều chụp khắp mặt đất, lại lần thứ hai bị một kiếm chậm rì hất trượt, thế sắc bén giảm sút, "keng" một tiếng, kiếm trong tay Vệ Trang đã bị đánh văng ra ngoài.

"Từ lúc nào Cái đại hiệp đã gia nhập môn phái khác, học được thứ công phu khó coi này vậy?" Vệ Trang kéo xích bạc, thu kiếm về trong tay, nén nỗi kinh hoảng mà lạnh giọng.

Cái Nhiếp đứng trung bình tấn, từ từ duỗi thẳng cánh tay phải đặt bằng trường kiếm, trầm giọng nói: "Sư phụ về già nghiền ngẫm, lĩnh ngộ rằng vạn pháp chỉ quy về một lối, vô cùng hối tiếc tuổi trẻ năm xưa sáng tác Bách bộ phi kiếm cho hoa không quả, đem bỏ, hóa phức tạp thành đơn giản tạo ra thể võ học này; từ đó về sau, Bách bộ phi kiếm chỉ có ba thức. Tôi vừa sử dụng chính là thức thứ nhất – Nhất dĩ quán chi."

"Được! Thế thì ta lĩnh giáo cao chiêu của ngươi!" Vệ Trang dứt lời, kéo xích bạc về phía trước, vẽ thành một vòng ánh kiếm, dùng chiêu Chúng xuyên bôn hải, hét lớn một tiếng, cổ tay giật xuống, thân hình trong nháy mắt bật lên không trung, hai chân điểm nhẹ xích bạc, lật tay trái, chưởng phong và trường kiếm đồng thời bổ thẳng về phía Cái Nhiếp.

Cái Nhiếp vẫn dùng một chiêu Nhất dĩ quán chi chống đỡ. Y nói: "Sư phụ từng dặn tôi truyền thụ lại cho đệ ba chiêu kiếm này nếu có cơ hội; đáng tiếc, đệ phạm lỗi lầm mà không biết hối cải, hôm nay tôi bất đắc dĩ, chỉ có thể thay sư phụ dùng kiếm pháp này giáo huấn đệ."

Dứt lời, Cái Nhiếp giương kiếm ngang ngực đâm tới, ung dung thong thả như trâu già thủng thẳng đi bức tới ngực Vệ Trang, Vệ Trang biến đủ loại chiêu chống đỡ, nhưng kiếm ấy vẫn phi tới không mảy may bị cản trở, cuối cùng, lặng lẽ, như một chữ "nhất" đâm thẳng vào ngực phải của Vệ Trang.

Nắng chiều ngả về tây, một áng mây đỏ thẫm bao phủ bầu trời, đất vàng cũng nhuộm đỏ thắm. Vệ Trang ngã trên nền đất, máu tươi trên ngực từ từ trào ra, ướt đẫm.

"Ngươi giết ta đi!" Vệ Trang ngang ngạnh nói, "Đừng có do dự, ngươi không phải Thiên hạ đệ nhất kiếm hay sao?" Cái Nhiếp nhìn sư đệ từng cùng mình tập kiếm, cảm thấy không cách nào xuống tay nổi, thở dài nói: "Đệ đi đi!"

"Đi? Đi đâu đây?" Vệ Trang cười thất thanh, cúi đầu lấy trong ngực một cây trâm cài tóc bằng gỗ đuôi khắc hoa tử đằng, đột nhiên lộ vẻ mặt trìu mến vô hạn. Ngắm trâm này, như trong chốc lát, Vệ Trang đã trở về quá khứ, có y và Cái Nhiếp thời còn trẻ, có tiểu sư muội đáng yêu, có núi rừng um tùm nơi họ cùng luyện võ vui cười.

Vệ Trang nói khẽ, như nói với Cái Nhiếp lại như tự nhủ với bản thân: "Trâm này là tín vật ước hẹn tôi tặng cho tiểu sư muội, nào ngờ vì huynh mà tiểu sư muội đem trả lại. Nhiều năm nay, tôi vẫn luôn mang trên người."

Vệ Trang không ngẩng đầu nhìn Cái Nhiếp lấy một lần, chỉ đắm đuối nhìn trâm gỗ trong tay, ở nơi ấy, hình như có một cô nương đang nhìn y mỉm cười.

Dưới hoa tử đằng, nét cười như hoa.

Nhìn khuôn trăng của cô nương, y cũng mỉm cười: "Huynh nhớ cho rõ, tôi không chết bởi tay huynh, mà chết bởi chính tay mình."

Vệ Trang quả quyết cầm cây trâm đâm vào đầu, chầm chậm ngã xuống vũng máu của chính mình, nhưng trên mặt lại là vẻ hạnh phúc khôn nguôi.

Nắng chiều sắp tàn, cảnh còn người mất, Cái Nhiếp lao tới ôm lấy Vệ Trang, thất thanh khóc lớn.

(hết chương 01)

Bách bộ phi kiếm: Nghĩa đen là "kiếm bay ngàn bước".

Độc môn tuyệt hoạt: nghĩa đen là "môn bí truyền cắt tiệt mạng sống".

Thảo trưởng oanh phi: Nôm na là "cỏ cây xanh tốt, chim oanh bay lượn", xuất phát từ Dữ Trần Bá chi thư (Thư gửi Trần Bá) của nhà văn học Khâu Trì thời Nam triều: "Mộ xuân tam nguyệt, Giang Nam thảo trưởng, tạp hoa sinh thụ, quần oanh loạn phi" (Tháng ba cuối xuân, Giang Nam mọc cỏ, đơm hoa lên chồi, bầy oanh bay lượn), sau dùng như một câu thành ngữ chỉ thiên nhiên tươi đẹp.

Vũ đả lê hoa: Nôm na là "mưa dập hoa lê", trích từ một câu trong Tây sương kí, "Vũ đả lê hoa thâm bế môn" (mưa dập hoa lê, cửa khép chặt), dùng như thành ngữ để chỉ vẻ khóc của người phụ nữ.

Lạc hà tàn chiếu: nôm na "ánh sáng tàn của ráng đỏ hoàng hôn", có thể đã mượn từ bài thơ Bồ-tát man của nhà thơ Trương Hiếu Tường thời Tống: "Lạc hà tàn chiếu hoành Tây các, các tây hoành chiếu tàn hà lạc. Ba thiển hí ngư đa, đa ngư hí thiển ba. Thủ huề hành khách tửu, tửu khách hành huề thủ. Tràng đoạn Cửu ca trường, trường ca cửu đoạn tràng." (Tạm dịch: "Ráng chiều tàn buông, rọi ngang tòa gác phía Tây, Lan can tây tòa gác rọi ráng chiều tàn buông. Sóng khẽ mà liên tục đùa cá, nhiều cá đùa sóng khẽ. Trong tay cầm rượu của người đi đường, khách uống rượu vừa đi vừa cầm tay. Ruột đã đứt mà chín khúc hát vẫn dai dẳng, khúc hát dài chín lần đứt ruột").

Tiên: roi, tiên pháp là "phương pháp dùng roi".

Phất tụ nhi quy: Nghĩa là "vung tay áo mà quay về", chỉ sự dứt khoát quay về ở ẩn, xuất xứ từ Nhi nữ anh hùng truyện của Văn Khang thời Thanh.

Mãn hà tàn chiếu: Nghĩa là "ánh sáng tàn của ráng đỏ tràn đầy", có lẽ biến đổi từ chiêu "Lạc hà tàn chiếu".

Nhất dĩ quán chi: nhất quán, xuyên suốt từ đầu đến cuối, giống như chữ "nhất" nên gọi vậy.

Chúng xuyên bôn hải: nôm na là "mọi con sông đều đổ ra biển".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro