Chương 03Nghiên mực song cửa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thời Đại đạo thi hành, thiên hạ là của chung... Chọn kẻ có tài đức, dạy tin cậy hòa đồng... Nên người ta không chỉ yêu riêng cha mẹ mình, không chỉ yêu riêng con cái mình... Khiến kẻ già được cung phụng, trai tráng có chỗ dùng, trẻ con được nuôi lớn..." Phục Niệm đứng giữa thư viện Mộc Đồng, hai mắt lim dim đọc thong thả, chính đang dạy học trò. Kể cũng lạ, bình thường Phục Niệm nói chuyện thì thú vị dí dỏm, nào có ai không thích nghe, đến lúc dạy học thì lời giảng lại khô khan nhạt nhẽo mất sạch cái vui trên đời. Trong tiếng đọc bài của Phục Niệm, mười đứa trẻ cùng lứa trong thư viện đã đứa thì ngủ, đứa thì gục từ lúc nào.

Trừ Phục Niệm ra, trong lớp chỉ còn hai người tỉnh táo, một là lớp trưởng Lưu Tất tính tình lanh lợi thích nhất là đọc sách, thầy đọc câu nào nó cũng lẩm nhẩm đọc thuộc lòng câu ấy; người còn lại chính là Kinh Thiên Minh, vì nó đang tập trung tinh thần nhòm ra ngoài cửa sổ.

Một nhóc ăn mày gầy đét, mặt như ma lem, quần áo sắp bục đến nơi đang đứng dưới mái hiên. Kinh Thiên Minh đã để ý từ trước, ngày nào nó cũng tới, lúc nào cũng đứng ngoài cửa sổ, chăm chú nhìn chúng nó lên lớp. Bọn trẻ sợ nó bẩn thỉu, sợ có bọ chét, chẳng đứa nào muốn bắt chuyện.

"Vậy nên mưu mô không thể dùng... Trộm cắp loạn giặc không thể nổi... Mà cửa ngõ không cần đóng, gọi là thời Đại đồng." Phục Niệm ho nhẹ, hỏi: "Các trò đều hiểu cả chứ?" Lũ trẻ con đang mắt nhắm mắt mở ngái ngủ nhưng vẫn đồng thanh đáp: "Hiểu—ạ!" Phục Niệm cười cười, nói: "Vậy được, hôm nay đến đây thôi." Tiếng nói vừa dứt, bọn trẻ lập tức phấn chấn tinh thần hẳn, đứa nào cũng hồ hởi thu dọn sách bút, chuyện trò rôm rả, chuẩn bị về nhà, chỉ có Lưu Tất vẫn lưu luyến không thôi, trối chết đuổi theo Phục Niệm hỏi thêm mấy câu.

Một thằng bé nhìn ra ngoài sân, bỗng la lên: "Oa! Oai quá đi!" Bọn trẻ con nghe thấy, đứa nào cũng tò mò tranh nhào ra cửa sổ xem, chỉ thấy một đứa trẻ mày rậm mắt lớn đang bê tráp đi tới, vây quanh là tám kẻ hầu ăn mặc sang trọng.

Thằng bé mới tới tên Hạng Tịch, mấy đời trong nhà đều làm tướng cho nước Sở, chú ruột nó hay tin danh nho Phục Niệm tới dạy học ở thành Hoài Âm, tuy nhà họ Hạng xa tận Hạ Tương, vẫn nguyện lao tâm khổ tứ đến thành Hoài Âm mua nhà cho Hạng Tịch ở, để cháu trai tới thư viện Mộc Đồng học tập.

Bọn trẻ con chỉ chỉ trỏ trỏ, ngưỡng mộ mãi không thôi. Kinh Thiên Minh thấy bốn người theo cậu bé nọ có giắt đao ở hông phòng hộ bên chủ, có lẽ là tiểu đồng của nó; bốn người còn lại khiêng lễ vật bái sư, thu xếp chỗ nọ chỗ kia, chia kẹo mang đến phát cho bọn trẻ, còn lễ vật bốn thứ trình lên Phục Niệm.

Trong lòng Kinh Thiên Minh như bị ai giáng một đòn. Mắt nó nhìn thấy rõ ràng là Hạng Tịch, nhưng thật sự có cảm giác như đã nhìn thấy chính nó năm xưa trong cung Hàm Dương. Nếu lúc trước Hàn Thân và Phục Niệm không dẫn nó ra khỏi cung, chẳng phải giờ này nó vẫn đang sống cuộc sống được tiền hô hậu ủng ngày ấy? Tuy sau khi đến Hoài Âm, Cái Nhiếp, Cái Lan đối tốt với nó, nhưng sao có thể sánh với một phần vạn phụ hoàng đối với nó?

Khi được chỉ điểm, Hạng Tịch quỳ xuống khấu đầu làm lễ bái sư; đợi nghi lễ kết thúc, Phục Niệm nói: "Tốt tốt tốt, một mình trò ra ngoài ăn ở, vạn sự phải cẩn trọng, có vấn đề gì phải báo cho thầy bất cứ lúc nào." Có điều núi sông dễ đổi bản tính khó dời, nói đến đây lại chuyển sang vấn đề khác: "Chỉ là thầy thấy tùy tùng của trò đông như mắc cửi, xem ra chỉ có thầy tìm trò, không có chuyện trò tìm thầy đâu nhỉ? Ha ha ha." Hạng Tịch nhìn Phục Niệm, trong bụng nghĩ: "Lão già hỏng việc này thật sự là đại sư Nho học Phục Niệm mà chú mình nhắc đến? Không phải giả mạo đấy chứ?"

"Phải rồi, trò họ Hạng, tên Tịch, đã có tên tự chưa?" Phục Niệm hỏi.

"Học sinh chưa nhược quán, chưa có hiệu ạ." Hạng Tịch lễ phép đáp.

"Trò là con nhà thế gia nước Sở, không phải gượng ép hành lễ." Phục Niệm nói, "Đã như vậy, thầy sẽ lấy cho trò một chữ. Thế này đi, chỉ mong sau này trò có chí hướng lớn lao, nương gió cả mà lên thẳng. "Vũ", tức "cánh" vậy, chi bằng lấy chữ này, giúp trò vạch ra con đường hành sự ngày sau?"

Hạng Tịch không cam lòng, nhưng cũng chẳng biết làm sao, đành phải khom người một lạy, nói: "Đệ tử từ nay xưng là Hạng Vũ."

Lập tức phân phó người hầu chuẩn bị rượu thịt thết tiệc trong sân nhà tạ ơn Phục Niệm, nhìn mấy người hầu tất bật tới lui bày bàn chia đồ ăn, Hạng Vũ lại nhìn bọn trẻ chung quanh mình, hào phóng: "Hôm nay ta mời mọi người ăn cơm, mọi người đừng đi vội." Bọn trẻ nghe mình có thể ngồi vào mâm cỗ, ăn mấy món ăn chưa được thấy bao giờ nữa là nếm thử, tất cả đều hân hoan vỗ tay tán thưởng, nhao nhao chạy đến chỗ Hạng Vũ bắt chuyện.

Hạng Vũ lại nhìn về phía Lưu Tất đang cúi đầu đọc sách sau lưng lũ trẻ, gọi to: "Lưu Tất!"

Lưu Tất ngẩng đầu lên, nhìn nó một cái, cũng lớn tiếng đáp: "Hạng Tịch!"

"Tên nhóc thối tha! Chỉ biết đọc sách, anh đến mà cậu cũng chẳng biết." Hạng Vũ nói, "Thầy vừa chọn tên tự cho anh, sau này cậu phải gọi anh là Hạng Vũ đấy."

"Ý là sau này anh cũng phải đến đọc sách hả?" Lưu Tất cười hì hì, hỏi.

"Nói thừa! Cậu vẫn ngốc thế." Hạng Vũ cau mặt, nói, "Lưu Tất Lưu Tất chảy nước mũi". Bọn bạn nghe Hạng Vũ gọi lớp trưởng Lưu Tất như thế cũng hùa theo trêu, đồng thanh nói to: "Lưu Tất Lưu Tất chảy nước mũi! Lưu Tất Lưu Tất chảy nước mũi!" Lưu Tất cuống đến mức mặt đỏ bừng, Hạng Vũ không nhịn được cười: "Chảy Nước Mũi! Đi nào, vào sân ăn với nhau." Nói xong khoác tay lên vai Lưu Tất, hai đứa rủ rỉ mãi không thôi.

Vốn hai nhà Hạng, Lưu xưa nay qua lại thân thiết, hai nhà ở nước Sở, một nhà làm cho triều đình, một nhà buôn bán, có thể nói hai đứa Hạng Vũ và Lưu Tất đã biết nhau từ khi đang chập chững học đi.

Hạng Vũ dẫn bọn trẻ ngồi vào vị trí, đứa nào cũng hứng chí tìm chỗ ngồi xuống, chỉ có mình Kinh Thiên Minh đứng dưới gốc cây, chẳng hề nhúc nhích. Hạng Vũ liếc qua, thấy một cậu bạn dáng người dong dỏng, cử chỉ ung dung nhã nhặn đang bặm chặt môi đứng dưới tán cây, thì rất tự nhiên gọi nó lại: "Ê! Anh đến đây ngồi cùng đi? Anh cũng là học sinh ở đây phải không?"

Tuy Kinh Thiên Minh có nhìn Hạng Vũ, nhưng miệng chẳng nói lời nào, cứ đứng.

Hạng Vũ bị bẽ mặt, nhún nhún vai, hỏi Lưu Tất: "Ai thế?"

Lưu Tất đáp: "Anh ta tên Kinh Thiên Minh, học không hề kém, nhưng ít nói chuyện lắm. Bọn em không ai quá thân với anh ta." Hạng Vũ nghe vậy, lập tức thoải mái, dặn người hầu ra sân sau mời thầy đến ngồi uống rượu.

Lũ trẻ nhỏ nhòm ngó sơn hào hải vị trên bàn, đang sốt ruột chờ Phục Niệm, đột nhiên nghe một tràng tiếng "òng ọc òng ọc" cực lớn vang lên. Bọn trẻ cười ầm, ngó quanh mãi mới phát hiện nhóc ăn mày hay xin ăn ngoài cửa sổ vẫn ở nguyên chỗ cũ, bụng réo ùng ục nhìn chúng nó.

"Nhóc ăn mày ở đâu ra mà bẩn tưởi thế?" Hạng Vũ vừa cười vừa giễu. Vừa dứt lời thì thấy nhóc ăn mày nọ vốc một nắm bùn nhão ném vào mặt mình, Hạng Vũ vội vã né đi, "phụp" một tiếng, bùn nhão đã hạ cánh trên vai áo sang trọng của nó, sực mùi tanh.

"Ăn mày thối tha!" Hạng Vũ thở phì phì đứng dậy, chửi lấy chửi để cản lại: "Mi không được chạy!" Nhóc ăn mày thấy ném trúng Hạng Vũ, đã cười cười ngoái đầu chạy ra ngoài từ lúc nào.

"Hừ! Khốn kiếp." Hạng Vũ bực bội không nguôi, nhưng nghĩ hôm nay vừa mới đến, bọn trẻ con đều ở bên cạnh quan sát nó, mà thầy ở trong nhà không biết sẽ ra lúc nào, chỉ có thể nén giận ngồi xuống. Nào ngờ nó vừa an tọa, lũ trẻ đều tái mặt, cuống cuồng đứa trốn đứa núp, chỉ còn Lưu Tất ngồi cạnh kéo áo Hạng Vũ, hoảng hốt nói: "Hạng Vũ, chạy mau! Mau!"

Hạng Vũ không hiểu ngay, đang định hỏi sao phải chạy thì nhóc ăn mày đã quay lại, trong tay vốc đầy phân chó, nhắm chuẩn Hạng Vũ ném.

Vốn là trên lớp có khá nhiều đứa từng cười nhạo nhóc ăn mày, đương nhiên cũng không may mắn tránh được phân chó nó thưởng cho. Hạng Vũ trong lúc không hề phòng bị đã dính đầy người, không nén được phẫn nộ, thét: "Còn chưa bắt lại cho ta!"

Đám người hầu đứng cạnh bàn sắp đồ ăn sửng sốt, lúc này mới hiểu ý cậu chủ muốn cho nhóc ăn mày biết thế nào là lễ độ, mấy người bước nhanh về trước dang tay ra bắt. Có kẻ sắp tóm được nhóc ăn mày, trong chớp mắt lại bị một người chắn trước mặt. Kinh Thiên Minh quát: "Người lớn sao lại ăn hiếp trẻ con!"

Kinh Thiên Minh nắm cổ tay gã vặn, chân phải lùi về phía sau một bước, thân hơi nghiêng, khuỷu tay huých ra, gã người hầu còn chưa kịp phản ứng, đã bị một chiêu tóm tay quật ngã xuống đất.

Chẳng ai ngờ Kinh Thiên Minh có tài này, không chỉ Hạng Vũ mà cả bốn võ sư sau lưng nó cũng lập tức cảnh giác, bắt đầu dè chừng thằng bé. Hạng Vũ thốt lên: "Cừ lắm, thì ra anh biết võ?" Từ khi học võ với Cái Nhiếp đến nay, đây là lần đầu tiên Kinh Thiên Minh động thủ với người ta, không ngờ vừa ra tay đã quật ngã một người lớn, bản thân nó cũng bị dọa đứng người. "Biết thì sao?" Kinh Thiên Minh đáp.

Nhóc ăn mày thấy có người giúp đỡ, lại leo cao lên cột nhà, nhăn nhăn mặt nhạo báng mấy kẻ hầu: "Người lớn ăn hiếp trẻ nhỏ, vô liêm sỉ! Vô liêm sỉ!" Lại la với Hạng Vũ: "Muốn đánh người mà không tự mình ra tay? Ồ, tôi biết rồi, nhất định là anh vóc lớn sức nhỏ, chẳng trách thầy phải lấy tên chim nhỏ cho anh! Ha ha ha! Chim non họ Hạng, giống chim non nha...", vừa vỗ tay vừa không quên trốn sau lưng Kinh Thiên Minh.

"Cái gì mà tên chim non? Là tên chim đại bàng!" Phục Niệm ở sân sau nghe tiếng bọn trẻ nhốn nháo mãi thôi, từ lâu đã ra khỏi phòng đi tới nơi, song bọn trẻ nhỏ tranh nhau xem nhốn nháo, không ai để ý thầy giáo đã đứng ngay sau lưng.

Bấy giờ lũ nhỏ thấy thầy, đứa nào cũng tranh nhau nhao lên cuống cuồng giải thích mình không làm chuyện gì xấu, đầu đuôi nói loạn xạ cả, rốt cuộc vẫn là Lưu Tất tường trình lại sự việc với Phục Niệm. Phục Niệm gật đầu nói: "Thì ra là thế. Ta thấy bữa cơm hôm nay coi như không ăn được rồi, vậy đi, các trò mỗi người mang một món trên bàn về nhà ăn." Lũ nhỏ thấy thầy giáo không quở trách, còn cho mang thức ngon về nhà, đứa nào cũng vô cùng phấn khởi đi về, chỉ còn lại Kinh Thiên Minh, Hạng Vũ và nhóc ăn mày trong sân. Phục Niệm không nói là ai đúng ai sai, chỉ hỏi Kinh Thiên Minh: "Vừa rồi trò ra tay đánh người là trút giận thay người khác hay cho chính trò vậy?" Lại khuyên Hạng Vũ: "Trò nhìn người, không thể nhìn quần áo kẻ đó mặc mà phải thấu được lòng dạ kẻ đó, biết không?"

Phục Niệm đến cạnh nhóc ăn mày, ngồi xổm xuống cười hì hì, nói: "A Nguyệt, trò cũng thật lợi hại, mới thế mà đã tìm được bao nhiêu phân chó."

Kinh Thiên Minh nghĩ thầm, thì ra nhóc ăn mày ngày ngày tới dự thính tên là A Nguyệt. Lại nghe Phục Niệm nói: "Có điều, A Nguyệt à, tính cáu kỉnh của trò cũng nên sửa đi thôi. Đoạn ta bảo trò học thuộc, đã thuộc hay chưa?"

Nhóc ăn mày A Nguyệt đưa tay quệt quệt nước mũi trên mặt, ngẩng mặt đọc thuộc lòng: "...Người già neo đơn, kẻ tàn tật đều được chăm sóc, nam có phân, nữ có tiền. Người ta ghét của bỏ phế trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình..." Kinh Thiên Minh nghe A Nguyệt cao giọng đọc thuộc lòng mà cứ như Phục Niệm mượn miệng A Nguyệt nhắc nhở nó: vấn đề nó một mực cố chấp rốt cuộc có đúng hay không?

Phục Niệm ha hả cười, nói: "Xem ra A Nguyệt có chịu khó học, tốt lắm. Có điều, đàn ông người người gánh phân, phụ nữ người người có tiền thì thành được thiên hạ đại đồng ư? Phải là "nam có bổn phận, nữ có chốn nương tựa", về nhà phải ôn tập thật tốt, ngày mai lên lớp đọc lại cho thầy nghe." Hạng Vũ đứng bên cạnh trông sang đã rất không vui, lúc ấy thấy thầy vui vẻ hòa nhã nói chuyện với nhóc ăn mày, tức tối chen vào: "Nó không trả tiền, lấy gì mà đi học cùng con?"

Phục Niệm thầm cả kinh, nhìn Hạng Vũ, lúc này mới nói với nó: "Quân tử bất khí, hữu giáo vô loại. Đã hiểu chưa?"

Ngày hôm sau, Phục Niệm chuẩn bị một bộ bàn ghế cho A Nguyệt trong lớp, từ đó A Nguyệt chính thức trở thành một thành viên của thư viện Mộc Đồng. Hạng Vũ con nhà quý tộc và nhóc ăn mày A Nguyệt ở chung đương nhiên là như nước với lửa, vào lớp ầm ĩ tan học nháo nhào, mỗi lần lớp trưởng Lưu Tất tốt bụng định làm trung gian hòa giải, không bị Hạng Vũ chửi như tát nước "Chảy Nước Mũi không có nghĩa khí" thì bị A Nguyệt giễu "Chảy Nước Mũi không có cốt khí", hai đứa luân phiên xuất trận, kích động Lưu Tất đến mức đột nhiên "có chí khí" mời Phục Niệm tới, thường xuyên rơi vào kết cục tất cả đều bị xử phạt.

Sau cái ngày thi triển võ công ở trường, tuy Kinh Thiên Minh có được sự kính nể và ngưỡng mộ của một vài đứa trẻ, nhưng phần đông số còn lại đều dè chừng nó. Kinh Thiên Minh vẫn như cũ, không thích cười đùa với ai, trầm mặc kiệm lời, thui thủi đến đi một mình, đám trẻ con dám nói chuyện với nó càng ngày càng ít. Kinh Thiên Minh không hề quan tâm, chỉ riêng sự tò mò với nhóc ăn mày A Nguyệt là càng ngày càng tăng, nhưng ngoài chuyện A Nguyệt là trẻ mồ côi thì chẳng hề biết gì khác.

Hàng ngày, nó sẽ rời giường luyện võ từ lúc trời vừa hửng sáng, sau đó tới học đường, buổi trưa về nhà chợp mắt trong chốc lát, sau đó xếp bằng ngồi thiền, điều tức hô hấp, tu tập tâm pháp nội công dưới sự chỉ dẫn của Cái Nhiếp mãi đến chập tối mới nghỉ ngơi. Thông thường một ngày cũng chẳng nói được vài câu, tuy sống qua ngày vẫn đầy đủ sung túc, nhưng trong thời gian dài cũng dần cảm thấy buồn vắng.

Một ngày nọ, Kinh Thiên Minh thấy A Nguyệt vừa tan học đã lẳng lặng chạy vụt đi như thường lệ, trong lòng dao động, bèn bám theo sau A Nguyệt.

A Nguyệt đi qua ba con đường, rẽ qua hai cái ngõ thì tới khu chợ náo nhiệt nhất thành Hoài Âm. Nó chọn một chỗ tốt để đứng rồi ngó trái ngó phải, tựa hồ sợ bị ai phát hiện. Kinh Thiên Minh vội vã trốn sau cây cột dưới hiên khách sạn Hỉ Lai, cẩn trọng ló đầu ra nhìn.

Chỉ thấy A Nguyệt xõa tóc, lấy trong ngực một cái bát gốm mẻ to bằng lòng bàn tay mà bưng, chuyên chú quan sát người đi đường tới lui, bất thình lình đi nhanh tới trước mặt một gã béo ăn mặc đẹp đẽ hào nhoáng, "hư", giơ bát mẻ trước mặt đối phương xin tiền. Gã béo hơi cau mày, lấy tay ẩn ra định đi tiếp, A Nguyệt chưa chịu bỏ cuộc, lại lập tức chắn đường người ta, cố chấp ngẩng đầu nhìn gã béo.

A Nguyệt kêu một tiếng to hơn nữa: "Hư!" Còn dí bát mẻ lên cái bụng bóng mỡ của kẻ nọ.

Gã béo quát lớn: "Nhãi ăn xin, mày dám chặn đường tao? Mày muốn chết!" Một tay dùng sức đẩy ngã A Nguyệt hãy còn nhỏ tuổi xuống đất, vỗ vỗ bụng bỏ đi. A Nguyệt đương nhiên đã quen, đứng ngay dậy, tiếp tục chuyên tâm nhìn người đi đường tìm con mồi kế tiếp, không lâu sau lại nhìn trúng một thiếu phụ trẻ tuổi. Thiếu phụ ngại A Nguyệt khắp người bẩn thỉu định tránh đi, nhưng cứ bị A Nguyệt kêu "Hư, hư, hư!" dí cái bát mẻ lên người, gấp đến mức thiếu phụ vừa nói như tên bắn: "Đừng, đừng, đừng có lại gần!" vừa cuống cuồng lấy tiền đồng ném vào trong bát mẻ.

A Nguyệt tiếp tục đứng trên đường xin ăn, hơn nửa canh giờ qua đi, trong cái bát nhỏ sứt mẻ mới được thêm một đồng tiền nữa. Mùi thức ăn thơm phức từ khách sạn Hỉ Lai không ngừng bay ra, nhưng A Nguyệt đói muốn chết vẫn không chịu vào trong xin chút cơm rau. Nó quệt quệt mũi, hít một hơi sâu lại hóp cái bụng lại, không thèm nhìn khách sạn Hỉ Lai, chỉ tiếp tục lắc lanh canh hai đồng tiền trong bát.

Cảm giác này, A Nguyệt đã rất quen rồi.

Kinh Thiên Minh vừa chạy về lại phóng như bay đến, trong tay cầm một cái bánh bao nóng hổi, mặt đầy vẻ hưng phấn chạy vèo đến sau lưng A Nguyệt. Vốn nó thấy A Nguyệt xin ăn trên đường, trong lòng không đành, vừa quay về nhà xin Cái Lan bánh bao định đưa cho A Nguyệt; thở chưa ra hơi, nó giơ tay vỗ vỗ lên vai thằng bé còn lại.

A Nguyệt vừa quay đầu thì đột nhiên nhìn thấy bạn học cùng lớp, đầu tiên là sửng sốt, liền đó lập tức lộ ra vẻ mặt không vui trừng Kinh Thiên Minh, ngay sau đó lại nhún nhún vai dường như cực kì bất đắc dĩ, bỗng chốc lại thoải mái trở lại. Bao nhiêu biến hóa cảm xúc hình như đều xuất hiện trên khuôn mặt dơ bẩn trong nháy mắt, Kinh Thiên Minh nhìn vậy, cảm thấy vô cùng thú vị.

A Nguyệt chẳng nể nang gì, hỏi: "Kinh Thiên Minh, anh ở đây làm gì?"

"Bánh bao này," Kinh Thiên Minh hít sâu một hơi rồi chậm rãi thở ra, cảm thấy không bị hụt hơi nữa, bèn đưa bánh bao tới trước mặt A Nguyệt, nói: "Bánh bao này, cho cậu."

A Nguyệt chưa bao giờ thấy cái bánh bao nào vừa to, vừa béo, vừa trắng vừa thơm lại nóng như thế. Nó nhìn cái bánh bao chằm chằm, bất tri bất giác bao nhiêu nước miếng trong miệng tưởng như sắp trào hết ra ngoài, một lúc lâu sau đột nhiên trừng mắt lườm Kinh Thiên Minh cao hơn nó cả một cái đầu, nói gằn từng chữ: "Tôi-không-thèm."

Kinh Thiên Minh đứng đần ra đó, mất một lúc mới hỏi: "Không thèm? Sao lại không thèm?"

A Nguyệt nhún nhún vai, kiêu ngạo nói: "Anh đừng mơ hão, tôi không thèm người khác bố thí cho tôi."

Người này rõ ràng đứng trên phố lớn xin tiền người ta, giờ lại bảo không cần người khác bố thí, Kinh Thiên Minh nghe mà chẳng hiểu, chìa tay chỉ chỉ hai đồng tiền trong cái bát sứt, hỏi: "Thế... Đây là gì?"

A Nguyệt không hề do dự, đáp: "Là tiền tôi xin được."

Kinh Thiên Minh càng loạn, gãi gãi đầu hỏi: "Vậy, vậy không phải... Là... Giống ư?"

"...Hoàn toàn khác! Tiền đồng này là tự tôi khổ cực làm việc kiếm được." A Nguyệt hùng hồn nói với Kinh Thiên Minh, "Huống hồ, trong những kẻ cho tôi tiền, không có một ai bố thí vì thương xót đâu. Hiểu chưa?" Hai chữ "Hiểu chưa" cuối cùng này là A Nguyệt bắt chước giọng điệu của Phục Niệm, trên mặt cũng trưng ra vẻ thầy giáo dạy học trò giáo huấn Kinh Thiên Minh, dạy người ta biết đúng mà chẳng hay vì sao đúng.

Kinh Thiên Minh ấp úng trả lời: "Hiểu... Hiểu rồi..." Thật ra nó vẫn không hiểu lối tư duy méo mó của A Nguyệt, chỉ nghĩ, nếu A Nguyệt đã nói thế thì nhất định có lẽ riêng.

Kinh Thiên Minh nghĩ: "Vậy cái bánh bao này vô dụng rồi." Nó cúi đầu nhìn bánh bao trong tay, lại ngó ngó A Nguyệt, trong đôi mắt trong suốt lay láy vừa to vừa tròn của thằng bé kia là vẻ quả quyết không lung lay nổi. Kinh Thiên Minh đành trả lời: "Vậy... Vậy tôi... Vậy... Vậy được rồi." Nói xong có vẻ thất vọng, quay người định đi.

A Nguyệt thấy Kinh Thiên Minh thường ngày ở lớp học thông minh có hỏi tất đáp, lại thêm hành vi lạnh lùng quái gở, cứ tưởng tên nhóc này tự cho là thanh cao, khó bề thân cận, trong lòng đã quên hẳn việc Kinh Thiên Minh từng giúp mình. Bây giờ, thấy lời nói cử chỉ của Kinh Thiên Minh lộ ra vẻ ngô nghê, tính tình cũng thẳng thắn, không kìm được vui vẻ, đột nhiên mở miệng gọi: "Chờ đã."

Kinh Thiên Minh nghe tiếng, dừng bước, quay đầu nhìn A Nguyệt tỏ vẻ không hiểu.

A Nguyệt hất cằm chỉ bánh bao trong tay Kinh Thiên Minh, hỏi: "Nói, bánh bao của anh ở đâu ra?"

"Nhà tôi bán bánh bao mà." Kinh Thiên Minh đáp.

"À ha!" A Nguyệt buột một tiếng kì quái dọa Kinh Thiên Minh nhảy dựng, đã thế còn đong đưa ánh mắt gian tà trước mặt nó, cười: "À ha! Ta chưa bao giờ gặp con nhà bán bánh bao, không ngờ lại xinh đẹp vậy nha?"

Kinh Thiên Minh đỏ mặt, nhưng sắc mặt tự dưng trở nên hơi khó coi, nó to tiếng trả lời tỏ vẻ không vui: "Cái gì mà xinh với chả đẹp? Tôi không phải con gái, nhà tôi bán bánh bao nhưng tôi cũng không có phải con nhà bán bánh bao."

A Nguyệt nói: "Gì mà phải dữ thế?" Trong bụng nghĩ: "Anh là con nhà bán bánh bao hay con nhà bán bô thì liên quan rắm gì tới tôi?" Lại hắng giọng, tỏ vẻ nghiêm túc nói: "Vậy được, tôi đặt của anh năm cái bánh bao."

Kinh Thiên Minh nghe vậy, mặt mày lập tức tươi tỉnh hẳn. A Nguyệt nói tiếp: "Tiểu gia nói trước, tiểu gia ăn bánh bao không trả tiền đâu nhé." Kinh Thiên Minh buồn cười mà không dám cười, vội đáp: "Được, được, cậu chờ tôi ở đây." Nói xong quay người chạy biến.

A Nguyệt trơ mắt nhìn Kinh Thiên Minh chạy đi, trong lòng thầm mắng: "Đồ bánh bao thối! Tên oắt này còn chạy nhanh hơn cả mình kia!"

Vốn trước giờ nó vẫn cho là mình chạy cực nhanh, ném phân chó cực chuẩn, hai tuyệt kĩ cao thâm thần kì đáng lấy làm kiêu ngạo; bây giờ thấy Kinh Thiên Minh chạy nhanh hơn nó, không khỏi cụt hứng, nhưng lập tức nghĩ lại, Kinh Thiên Minh phải lớn hơn nó hai, ba tuổi là ít, người cao hơn nó, chân dài hơn nó, có lẽ chạy nhanh hơn nó cũng là điều đương nhiên. Huống hồ, tài ném phân chó của Kinh Thiên Minh nhất định là kém nó, nói không chừng còn là nhát cáy đến phân chó cũng không dám cầm? A Nguyệt tự an ủi một lúc mới tạm coi là thoải mái, đâu hay Kinh Thiên Minh biết nín hơi chạy nhanh, tuy tu vi nội công còn thấp, nhưng so với một đứa trẻ cùng lứa đã là vô cùng khác biệt.

A Nguyệt gãi đầu gãi tai đợi một lúc, bắt đầu hoài nghi "bánh bao thối" chắc không đến rồi thì thấy Kinh Thiên Minh từ xa phi đến, nhoắng cái tới trước mặt nó.

"Bánh bao thối!" A Nguyệt cười hì hì, vui vẻ gọi.

Kinh Thiên Minh sửng sốt, mở bọc vải ôm trong ngực, nói: "Bánh bao không thối mà, thơm lắm, bánh bao của sư... Của cô Lan nhà tôi làm là hạng nhất trong thiên hạ đó." liền đó dùng hai tay giữ năm cái bánh bao nhân thịt béo tròn đưa cho A Nguyệt.

A Nguyệt cười tít mắt định đón lấy, đột nhiên rụt tay lại, cảnh cáo: "Anh nhớ cho tôi, bánh bao này do tôi xin được, không phải anh bố thí."

Kinh Thiên Minh hơi gật đầu, trịnh trọng nói: "Tôi biết, là cậu dùng bản lĩnh có được."

"Tốt lắm tốt lắm. Là trẻ nhỏ dễ dạy vậy." A Nguyệt lại bắt chước giọng điệu của Phục Niệm, phấn khởi đón lấy năm cái bánh bao lớn, bỗng la ầm lên, vừa xuýt xoa vừa dúi lại bánh bao vào ngực Kinh Thiên Minh, "Bánh bao thối! Nóng quá!"

Kinh Thiên Minh bị dọa phát hoảng, nói: "Có... Có hơi nóng thật..." Nói xong cúi đầu thổi bánh bao.

"Thôi thôi." A Nguyệt rộng lượng xua tay, nói, "Như vậy đi, tôi cũng không định ăn không của anh, bây giờ anh giữ bánh bao hộ tôi, tôi đưa anh tới một nơi hay ho, coi như đôi bên cùng huề." Nói xong quệt quệt mũi, cất cái bát mẻ, dẫn Kinh Thiên Minh đi về phía nam, vòng qua chợ lại rẽ qua mấy con đường, không bao lâu tới vùng ngoại ô Hoài Âm. Kinh Thiên Minh lẳng lặng theo A Nguyệt trèo lên một hòn núi nhỏ, trong lòng vừa tò mò vừa hoài nghi, nhưng A Nguyệt không nói thì nó cũng không hỏi nhiều, chỉ cảm thấy ngày ấy là ngày vui sướng nhất từ khi nó rời khỏi Hàm Dương tới nay.

A Nguyệt đòi một cái bánh bao cất trong ngực Thiên Minh ăn nhồm nhoàm, còn vô cùng hào phóng bảo Kinh Thiên Minh, "Tiểu gia sẵn lòng chia cho anh một cái". Hai đứa vừa ăn vừa đi, rẽ vòng quanh co trong rừng, A Nguyệt ăn bánh bao xong còn mút sạch từng ngón tay, bấy giờ mới thỏa lòng thỏa dạ thở dài, nói: "Đây là cái bánh bao ngon nhất tôi từng được ăn trên đời." Nói xong, đòi nốt ba cái bánh bao trong tay Kinh Thiên Minh, cẩn thận gói lại giấu vào ngực.

Hai đứa băng qua rừng cây tới một dốc núi nhỏ, cạnh dốc núi có con rạch xế bóng, có thác nước ánh bạc rì rào đổ. Hiện trước mắt Kinh Thiên Minh là một cái miếu vừa bé vừa nát đã bỏ hoang, cột gỗ mục nát, gạch ngói trên nóc nhà cũng không còn trọn vẹn từ lâu.

"Đến rồi đây." A Nguyệt nói xong thì đi vào miếu nát, tự động giới thiệu với Kinh Thiên Minh, "Đây là nhà tôi. Đừng khách sáo, anh vào ngồi đi."

Kinh Thiên Minh nghẹn họng, ngó ngó tượng thần Tương quân trên bàn thờ, bấy giờ mới ngồi xuống đống rơm "vô cùng thoải mái" theo như lời A Nguyệt. Nó nhìn trước trông sau, thấy trong ngôi miếu đổ nát chẳng còn gì khác mà độc một đứa trẻ cũng ở được, trong lòng vô cùng ngưỡng mộ, đâu quan tâm đến cái bàn thờ xiêu vẹo phủ đầy tro bụi nọ? Miệng liên tục khen. A Nguyệt thấy Kinh Thiên Minh không hề chán ghét, trong lòng cũng cực kì vui sướng.

"Quạc! Quạc!" Có hai con vịt ngoáy đuôi chui ra từ đống rơm Kinh Thiên Minh đang ngồi lên. Kinh Thiên Minh thấy lạ, duỗi tay trêu con vịt lông xám, A Nguyệt ngồi cạnh lại chui xuống dưới bàn thờ xiêu vẹo loang lổ sơn, giấu bánh bao thật kĩ, còn ôm một cái túi vải khác cẩn thận bò ra. Kinh Thiên Minh tò mò, ngoái đầu ra xem, chỉ thấy A Nguyệt cực kì nghiêm túc cởi từng lớp, từng lớp bọc. Kinh Thiên Minh chỉ túi vải, hỏi: "Đây là cái gì?"

"Là trứng vịt, tôi đang ấp trứng vịt."

"Sao không để vịt mẹ ấp?"

"Trứng vịt của tôi, tự tôi ấp." A Nguyệt cẩn thận thả một quả trứng vịt vỏ vàng qua cổ áo xuống ngực, một tay chặn ở bụng nhẹ nhàng đỡ lấy. Kinh Thiên Minh khẽ gật đầu, nói: "Tôi nghĩ vịt con nở ra nhất định rất đáng yêu."

"Vịt con rất đáng yêu." A Nguyệt ngẩng đầu, đột nhiên nói, "Vịt con nở rồi, tôi sẽ giết hết bố mẹ của nó." Nói xong, dùng ánh mắt khiêu chiến nhìn thẳng vào mắt Kinh Thiên Minh, đợi Kinh Thiên Minh phản ứng. Thật ra, đây không phải lần đầu A Nguyệt làm điều này; hơn một năm trước, miếu nát vẫn còn một bà lão năm thì mười họa tới cúng bái, bà lão thấy A Nguyệt còn nhỏ, khá thương hại, mỗi lần đến đều mang cho A Nguyệt ít cơm thừa canh cặn, không ngờ có lần bà lão đến, chứng kiến A Nguyệt đang giết vịt, sau khi hỏi rõ nguyên cớ, ánh mắt nhìn A Nguyệt lập tức lộ ra sự ghê tởm và khiếp hãi, từ ấy tự không đến nữa.

Vậy mà Kinh Thiên Minh nghe xong, trên mặt lại tỏ vẻ không có chuyện gì, chỉ bình tĩnh nói: "Phải đó, thế nên vịt con cũng sẽ không có bố mẹ, sẽ giống cậu, cậu không phải cô đơn nữa." A Nguyệt thẫn thờ nhìn Kinh Thiên Minh chằm chặp, tay ôm trứng vịt không kìm được mà run lẩy bẩy, viền mắt cũng đỏ lên.

Kinh Thiên Minh tháo dải dây lưng đưa cho A Nguyệt xem, nói: "Tôi cũng không có cha, mẹ tôi trước khi qua đời đã khâu cái này lên quần áo tôi, cũng phải lớn lên tôi mới biết. Cậu xem!"

Kinh Thiên Minh lấy trong kẽ thắt lưng một miếng vải trắng gấp gọn gàng, trên vải là nét chữ đoan trang diễm lệ của Lệ Cơ viết:

"Trùng điệp non xa, trăng mây tàn
Nào biết đêm nao dạt cuối trời?
Đầy là nhung nhớ, mỏng quả đời
Nào biết bấy giờ lệ còn rưng?
Như xưa non sông, vật xoay vần
Nào biết về đâu chờ trời sáng?"

Khi Lệ Cơ được Hàn Thân báo tin Kinh Kha giả mạo sứ giả nước Yên đến ám sát Doanh Chính thì đã biết ngày lìa con yêu không còn xa, bèn viết lên tấm vải bài thơ giãi bày hết thảy yêu hận và vận mệnh một đời bà cùng hi vọng vô hạn với con trai. Còn Kinh Thiên Minh, sau khi đến Hoài Âm mới phát hiện bài thơ tuyệt mệnh của mẹ mình trên người, tất nhiên luôn mang theo.

"Trên đây viết gì?" A Nguyệt vừa nhìn mê mẩn vừa hỏi.

"Tôi cũng không rõ, chỉ biết đây là thứ duy nhất mẹ để lại cho tôi." Kinh Thiên Minh nắm mảnh vải, thẫn thờ nói.

"Thật tốt quá." A Nguyệt lại ngồi bên cạnh Kinh Thiên Minh, cùng nó thừ người, không buồn nhúc nhích.

Hai đứa trẻ mồ côi ngồi với nhau, Kinh Thiên Minh nhìn con vịt đi tới đi lui bên cạnh, trong lòng đột nhiên dấy lên cảm giác chung cảnh ngộ mà cảm thông lây. Nó đột nhiên dùng sức, xé toạc miếng vải làm hai, mặt đỏ bừng đứng dậy, nói với A Nguyệt: "Đây, cái này cho cậu! Như vậy, từ nay về sau, hai chúng mình đều có mẹ rồi."

A Nguyệt nắm mảnh vải, cúi đầu cắn chặt răng nén bật khóc, mãi lâu sau mới kích động nói với Kinh Thiên Minh: "Bánh bao thối! Tôi chưa dẫn người khác về nhà bao giờ, đây là vì năm cái... Không! Vì bốn cái bánh bao thối mới cho anh đến ngó nghiêng một lúc, anh tuyệt đối không được nói cho ai biết đấy!"

(hết chương 03)

Nguyên là đồng song cộng nghiễn, chỉ tình đồng học, đồng môn.

, , Bài học của bọn trẻ đều là lời dạy của Khổng Tử cả: "Đại đạo hành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục. Cố nhân bất độc thân kì thân, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trường, căng quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu quy. Hóa ố kì khí vu địa dã, bất tất tàng vu kỉ; lực ố kì bất xuất vu thân dã, bất tất vi kỉ. Thị cố mưu bế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bế. Thị vị Đại đồng". A Nguyệt đọc chệch "phận" thành "phẩn" và "quy" thành "tiền" nên bị sai nghĩa.

Nhược quán: lễ trưởng thành của con trai thời xưa. Ý nói chưa đến tuổi trưởng thành.

Mượn hiện tượng đồng âm: "Lưu Tất" (刘毕 Liú Bì) và "chảy nước mũi" (流鼻涕 liú bí tì).

Mượn hiện tượng đồng âm. Vế trước là "chim non họ Hạng" (项小鸟 xiàng xiǎo niǎo), vế sau là "giống chim non" (像小鸟 xiàng xiǎo niǎo).

, Hai quan điểm trong hệ thống giáo dục của Khổng Tử. Quân tử bất khí ý "kẻ học không phải đồ vật chỉ chuyên một mục đích", hữu giáo vô loại nghĩa là "dạy học trò không phân thứ bậc địa vị, hầu hết trong thiên hạ đều là những kẻ có thể dạy dỗ".

Tương quân: Vị thần sông Tương, được ghép với Tương phu nhân thành một đôi vợ chồng thần trong tập thơ Cửu ca của Khuất Nguyên.

Nguyên là "Viễn sơn trùng trùng, tàn nguyệt phá vân, kim tịch hà tịch? Thiên nhai phiêu linh. Tư chi giả chúng, đắc chi giả quả, thử lệ hà lệ? Chung vị năng đình. Sơn thủy như sơ, vạn sự bất tỉnh, quy xứ hà xứ? Tĩnh đãi thiên minh."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro