A. L. Dvořák: "Trở Về Nhà"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Trở Về Nhà" là một chương trong Bản giao hưởng số 9 "Từ Thế Giới Mới" của nhà soạn nhạc người Séc Antonín Dvořák. Ông viết tác phẩm này sau khi trở về quê hương từ chuyến thăm nước Mĩ. Thời bấy giờ, châu Mĩ thường được ví như "Tân Thế Giới".



Năm 1960.

Đại học Harvard, bang Massachusetts, Hoa Kì.

Cái nóng khô oải bao trùm lên cả đời sống học đường nơi đây, đến cái độ mà ngồi đếm ruồi bay bắt đầu có vẻ thú vị hơn là những học thuyết kinh tế của các phù thuỷ tài chính phố Wall hay là bài diễn văn sắp tới của tổng thống Hoa Kỳ. Khoảng 3 giờ chiều là chiếc cổ cồn trang nghiêm của các giáo sư bắt đầu rũ xuống vì nóng, mồ hôi hầm hập chảy ròng sau vạt áo chùng đồng phục của đám sinh viên. Các nam sinh lén lút để hở thêm vài cái khuy áo và tháo quách cà vạt ra, và tất cả bọn họ đều đồng ý rằng vì sao váy đồng phục của nữ sinh lại ngắn đi khi trời nóng còn khó giải thích hơn cả cơ học lượng tử.

Nhưng dù thời tiết có cố gắng vắt kiệt năng lượng con người ta cỡ nào đi nữa, Harvard không bao giờ ở trong trạng thái tĩnh, đặc biệt là khi chiều nay diễn ra trận đấu bóng đá kinh điển với kì phùng địch thủ là Đại học Yale - một trong những trận đấu được ngưỡng mộ và chờ mong nhất nền thể thao Hoa Kì. Sinh viên Harvard và Yale vốn làm "bằng hữu tốt" của nhau 364 ngày trong năm, lại trở thành địch thủ không đội trời chung trong một ngày duy nhất. Các cầu thủ áo xanh đội Yale Bulldog huênh hoang tuyên bố năm nay sẽ nghiền nát đội Harvard Crimson, cho đến khi họ bị những chàng trai áo đỏ bên Harvard đánh bại một cách ngoạn mục.

"Quân Anh hay quân Pháp thắng?"

"Quân Anh!"

Và thế là những sinh viên còn mắc kẹt trong các tiết học chiều ở Harvard reo ầm lên đắc thắng. "Quân Anh - Quân Pháp" vốn là một trò đùa cổ lỗ sĩ được bọn họ lưu truyền khá rộng rãi, dựa trên cuộc "Chiến tranh Trăm Năm" giữa Anh và Pháp thời Trung cổ. Sở dĩ so sánh vậy là bởi màu áo đỏ của đội Harvard giống màu giáp phục của quân Anh, còn màu áo xanh của đội Yale thì giống quân Pháp. Hai màu xanh - đỏ như nước với lửa, từ năm này qua năm khác tranh giành ngôi vị kẻ dẫn đầu.

"Cái gì thế này, Childe? Sao cậu lại ở đây?"

Cái người vừa được gọi là "Childe" tay chống đầu gối, thở hổn hển, quệt mồ hôi dưới cằm mà nhìn lên cậu bạn người Mỹ gốc Phi của mình. "Tôi ở đâu trong cái trường này mà chả được hả?"

"Không, ý tôi là vì sao một cầu thủ Harvard Crimson như cậu lại chui vào trong giảng đường vắng tanh thay vì đi ăn mừng chiến thắng với mọi người?" Nói đoạn, cậu ta ngừng lại một lúc khi tiếng đám sinh viên nghêu ngao hát "Ten thousands men of Harvard want victory today" văng vẳng vọng vào trong giảng đường.

"Tôi không thích." Childe thẳng thừng đáp. "Bọn họ bám lấy chúng tôi dai như đỉa, chật vật lắm tôi mới trốn ra được đây." Đôi mắt xanh của hắn quét một lượt qua giảng đường tối đèn và trống vắng. "Tôi lại bỏ lỡ mất lớp văn học rồi à?"

Người bạn đáp cộc lốc, miệng đầy mùi thuốc lá nhai hiệu Brown's Mule. "Phải, không chỉ có lần này đâu. Hai tiết văn trước cậu cũng bỏ nữa, nên cậu mới không nghe thấy mấy nữ sinh khúc khích cười và thì thầm tên cậu khi giáo sư giảng đến Childe Harolds."

Liếc qua Childe, ta có thể lập tức thấy ngay mẫu nam sinh nổi tiếng điển hình tại các trường đại học Mĩ: đẹp trai, tóc sáng, mắt xanh, ngôi sao thể thao. Đó là chưa kể vào được Harvard thì chứng tỏ thành tích học tập không hề xoàng. Thế mà "mẫu nam sinh nổi tiếng điển hình" này dường như lại chẳng bận tâm bản thân được yêu mến tới mức nào, mà chỉ nhướn lông mày hỏi: "Childe Harolds là gã quái nào nhỉ? Nhân vật tội phạm trong tiểu thuyết noir Mỹ à?"

"Là tay hiệp sĩ trong thơ của Byron. Chứ chẳng phải ông bà già cậu đặt tên cho cậu dựa trên anh ta à?" Cậu bạn hỏi với vẻ lạ lùng. "Cái tên nghe như thể cậu có dòng dõi quý tộc Anh, với bố là một ông chủ nhà băng còn mẹ thì làm trong Hội đồng Quản hạt ấy?"

Nhắc tới bố mẹ mình, Childe trầm mặc giây lát. Trong đầu hắn bỗng hiện ra những hình ảnh nhoè nhoẹt hỗn loạn, máu chảy lênh láng, tiếng khóc của trẻ con và căn nhà chìm trong biển lửa... Bóng tối chết chóc vụt qua đôi mắt xanh, rồi rất nhanh lại biến mất.

"Lớp văn vừa rồi học về cái gì thế?" Hắn chuyển chủ đề nhanh chớp, như thể cái bóng tối vừa bao phủ lên con ngươi hắn chưa từng tồn tại.

"Văn học Trung Quốc."

"Văn học Trung Quốc à? Chậc, tôi có dự cảm không lành rằng mình sẽ phải nợ môn..."

"Nó không đến nỗi khó nuốt như cậu nghĩ đâu. Thực ra giáo sư có giảng về 'Tam Quốc Diễn Nghĩa' và dành hẳn 10 phút chỉ để nói về một vị tướng trong 'Tam Quốc' tên là Triệu Vân. Ở Harvard chưa ai vượt được thầy về mảng này; thầy nghiên cứu về 'Tam Quốc' sâu lắm."

"Ồ, thầy ấy giảng về Triệu Vân à."

"Triệu Vân, tự là Tử Long, danh tướng Thục Hán, một trong 'Ngũ hổ tướng' của Lưu Bị..." Cậu bạn nhại lại giọng hăng hái của giáo sư khi giảng về Triệu Vân. "Lúc nói về cái đoạn Triệu Vân xông vào vòng vây địch để cứu một đứa bé, thầy ấy chỉ thiếu điều nhảy phắt lên bàn biểu diễn lại cảnh đó thôi."

Không rõ vì sao mà bỗng dưng trên môi Childe lại lẩn quất một nụ cười mơ hồ, như thể nó khiến hắn nhớ về một điều gì đó rất thú vị...

"Tôi thì hiểu vì sao thầy ấy lại phấn khích như vậy. Hình ảnh một vị tướng uy phong lẫm liệt, đơn thương độc mã phá vòng vây với một đứa trẻ được bao bọc cẩn thận trong tay chẳng phải là một hình ảnh rất đẹp sao?" Childe mỉm cười, đảo mình một cái mô phỏng lại động tác của vị tướng khi cứu đứa bé ra. Với bộ đồ thể thao, dáng người hắn trông cao thật cao, bắp tay trắng trẻo và săn chắc, khi mô phỏng lại động tác tưởng tượng, nhìn hắn chẳng khác nào một chiến binh thiện chiến.

Cậu bạn người Mỹ Phi khinh khỉnh nhìn hắn. "Thôi nào, tôi thực sự nghĩ cậu nên ra ngoài đó giao lưu với người hâm mộ thay vì ở đây làm trò con bò về một vị tướng đã chết từ 2 thiên niên kỉ trước được rồi đấy."

"Cậu cứ đi trước đi, đi ra mà ngắm mấy em 'cheerleader' xinh đẹp của cậu ấy. Còn tôi có lẽ sẽ ngồi đây... nghỉ ngơi một lát..."

Cậu ta phủi quần đứng dậy, hừ lạnh. "Tôi không có thời gian rảnh đi gặp 'cheerleader' gì sất. Cuộc tranh luận đề tài phân biệt chủng tộc sẽ diễn ra trong hai tuần nữa, tôi không còn nhiều thời gian để chuẩn bị. Thầy hiệu trưởng và những giáo sư có tiếng tăm sẽ tham gia buổi tranh luận đó cùng với hàng nghìn sinh viên có hiểu biết và nhận thức sắc bén..."

"Nghe cậu ra dáng một Martin Luther King (1) tương lai lắm đấy." Childe bật cười ha hả.

(1) Martin Luther King là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất lịch sử Hoa Kỳ, chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 1964 và bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một ước mơ".

"Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến động. Tôi thấy mình cần phải hành động ngay bây giờ, hoặc không bao giờ." Cậu sinh viên cao ngạo nói trước khi rời giảng đường. "Nhớ nhé Childe, thứ bảy tuần sau nữa, tại hội trường Boylston, cậu hãy đến nghe tôi diễn thuyết."

Giờ thì chỉ còn mình Childe ở lại giảng đường vắng tanh. Hắn ngửa cổ ra sau, dùng khăn bông thấm sạch những giọt mồ hôi lấm tấm còn sót lại sau trận đấu bóng đá. Xong xuôi, hắn bèn châm một điếu thuốc. Dư âm chấn động sau chiến thắng ngoạn mục trước đội Yale vẫn còn dai dẳng không dứt, tiếng cười đùa hò hét của sinh viên vang lên âm ỉ bên ngoài những bức tường, càng khuếch trương cái nóng điên người lên. Hắn bình tĩnh đợi cho âm thanh lắng hẳn xuống cho đến khi im bặt, rồi hắn mới đứng lên.

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, trông Childe chẳng khác nào một trong số hàng bao nhiêu sinh viên ưu tú khác của Harvard. Nhưng khi hắn đứng lên, ở hắn có gì đó đã thay đổi. Đó là cặp mắt sâu thăm thẳm và vô cùng khó đoán. Đó là vẻ từng trải hằn in trên từng đường nét trẻ trung mà ta không dễ tìm thấy ở bất cứ thanh niên nào trạc tuổi hắn. Thực chất, hắn lớn tuổi hơn khá nhiều sinh viên ở đây. Nhưng chỉ cần hắn muốn - chỉ cần hắn khoác lên mình bộ đồng phục sinh viên và chớp chớp đôi mắt xanh như ngọc - sẽ chẳng ai đoán nổi hắn đã 25 mà chỉ nghĩ hắn là một cậu ấm 18 tuổi thông minh nhưng bị nuông chiều, vừa đến tuổi trưởng thành đã được bố mẹ dùng hàng đống tiền gửi vào Harvard để tu tâm dưỡng tính. Nam sinh người Mỹ Phi ban nãy vốn đã quen với ý nghĩ hắn đến từ một gia đình giàu có ở Long Island, nhiều sinh viên khác cũng vậy - dù sao điều đó cũng là bình thường ở một ngôi trường như Harvard. Tất cả bọn họ đều không hề hay biết, đó chỉ là bằng chứng cho thấy hắn đã tạo ra một vỏ bọc vô cùng hoàn hảo.

Childe sải bước về phía cánh cửa gỗ ọp ẹp nằm khuất sau giảng đường. Vừa mới mở khoá cửa, cái mùi của nhà kho đã xộc lên mũi hắn không mấy dễ chịu, và mùi đó lại càng nồng nặc hơn khi hắn bước sâu xuống hầm.

Cạch.

Vào giây phút cánh cửa hầm đóng lại sau lưng, cái thế giới hào nhoáng, sôi động của Harvard lập tức bị bóng tối u ám đến ngạt thở nuốt chửng lấy.

Childe bước xuống hầm tối sâu hun hút. Gót giày hắn từ tốn "lộp cộp, lộp cộp" nện lên bậc cầu thang trát vữa. Với những bước chân vang lên đầy từ tính, đều đều như gõ nhịp, hắn vẫn giữ nguyên một bộ mặt bình thản, trông khác một trời một vực với ngôi sao bóng đá nhễ nhại mồ hôi trên sân cỏ Harvard-Yale hồi nãy. Đôi mắt hắn xanh và sáng quắc như hai viên ngọc chìm sâu dưới giếng cổ, cùng với chuyển động êm ái của cơ thể càng khiến hắn mang tư thế của thú săn mồi.

Cái mùi khó chịu vẫn lẩn quất trong nhà kho càng ngày càng gây mũi hơn, nhưng vẻ mặt Childe vẫn không đổi sắc. Giống như thể là... giống như thể là hắn đã quen với thứ mùi này.

Tác nhân gây mùi hoá ra là một người đang bị trói chặt vào ghế, đầu ngoẹo sang một bên, mặt mũi bầm dập đầy máu khô, lạnh ngắt không sức sống. Childe giật công tắc một chiếc đèn trần, để cho ánh đèn trắng gắt rọi thẳng xuống người kia.

"Chán nhỉ? Chết mất rồi à?" Hắn đeo găng tay vào, nắm cằm kẻ kia giật quay sang hai bên, dò xét. Nghe giọng hắn như thể đây không phải cơ thể người, mà chỉ là một món đồ chơi đã cũ hỏng. "Tiếc quá, chưa kịp hỏi mày cảm giác ra sao khi mày nghe mấy lão giáo sư và đám học sinh ra rả luận Tam Quốc trên kia trong khi mày thì mắc kẹt ở đây, không thể kêu cứu và cứ thế chết dần chết mòn không ai hay."

Ngữ điệu hắn thế mà nghe tương đối nghiêm túc, giống như hắn thực sự quan tâm cảm giác đau đớn cùng quẫn của nạn nhân là như thế nào.

Khi thấy cái xác vẫn im lìm bất động, hắn thở dài nhè nhẹ, đứng dậy bước lại gần cái buồng điện thoại cũ mèm trong nhà kho, cũ đến nỗi lớp sơn xanh bị tróc ra gần hết. Hắn nối dây, quay một dãy số. Tiếng khớp xoay điện thoại vang lên cành cạch một cách tẻ ngắt và đơn điệu. Xong xuôi, hắn nhấc ống nghe áp vào tai. Thay vì nói "Xin chào" như để bắt đầu mọi cuộc trò chuyện qua điện thoại, hơi thở lạnh băng của hắn phả vào ống nghe:

"Soyuz Sovietskikh Sotsialisticheskikh Respublik." (Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Xô Viết)

Khi còn nói tiếng Anh, giọng hắn nghe thật trẻ trung và ngọt ngào, pha chút ngữ âm New York. Thế mà giờ đây giọng hắn trầm và lạnh hơn nhiều khi thốt ra những âm điệu kì quái khó hiểu của ngôn ngữ Nga.

Mảnh ghép cuối cùng, lớp vỏ giả tạo cuối cùng của hắn, đã bốc hơi hoàn toàn khi cái giọng Nga bẩm sinh đó vừa cất lên. Nam sinh Harvard ngây thơ và ưu tú hồi nãy dường như là một bóng ma rất hư ảo, rất giả dối và chưa từng tồn tại.

Đầu bên kia ống nghe vẫn im lìm, còn hắn thì kiên nhẫn chờ đợi. Rồi đột nhiên, một giọng nói già nua và trầm tĩnh cất lên:

"Davno ne videlis, tovarisch Tartaglia." (Lâu rồi không gặp, đồng chí Tartaglia)

"Bác... Đồng chí Pulcinella." Childe - hay nói đúng hơn, Tartaglia - nhanh chóng sửa lại xưng hô cho đúng mực. Bờ vai hắn thả lỏng dần khi hắn nói. "Thật sung sướng khi lại được nghe tiếng Nga và được nói tiếng Nga. Bác nói gì đó cho cháu nghe nữa đi."

Người tên Pulcinella ở đầu bên kia bèn phụt cười. "Cái thằng nhóc này... Không huyên thuyên nữa, công việc của cháu ở đó sao rồi?"

"Đã xong cả rồi bác. Đều nằm trong dự tính của cháu." Hắn cong môi cười ngạo, liếc về phía xác chết kẻ xấu số đang bị Tử thần ôm chặt bằng những sợi xích. "Tuy là vẫn phải tốn công dọn dẹp hiện trường một chút..."

"Hiện trường có ngổn ngang không? Phải mất bao lâu để giải quyết xong?"

"Ước chừng một tháng là cùng."

"Một tháng là đủ. Dọn dẹp hậu hoạn quan trọng chẳng kém gì chính bản thân nhiệm vụ đâu, cháu phải hết sức cẩn thận."

"Cháu nhớ mà, các đồng chí ở Tổng cục có thể đặt trọn niềm tin nơi cháu. Bác biết đấy, nếu như đám FBI không sục mõm vào mọi ngóc ngách và bắt giết nhiều người đồng đội của chúng ta đến vậy, thậm chí cháu còn có thể giải quyết xong nhanh hơn." Giọng Tartaglia trầm hẳn xuống, dường như lạc hẳn đi trong cơn giá lạnh cuộn lên từ trái tim.

Pulcinella thở dài. "Bây giờ còn đỡ, chứ cái hồi cách đây 7-8 năm, khi chủ nghĩa McCarthy (2) còn hoành hành ở Mĩ, các đồng chí của chúng ta phải chịu khốn khó hơn nhiều."

(2) Chủ nghĩa McCarthy là phong trào cáo buộc và xét xử ai đó tội phản quốc mà không cần bằng chứng khi người đó bị nghi vấn dính líu tới chủ nghĩa cộng sản, thịnh hành ở Hoa Kì vào thập niên 50.

Pulcinella (dĩ nhiên đây không phải tên thật của ông) là cấp trên của Tartaglia tại Uỷ ban An ninh Liên bang Xô Viết (KGB), đồng thời cũng là một nhân vật kỳ cựu trong ngành tình báo, có công lớn trong việc sáng lập và đưa tổ chức này đi vào hoạt động. Ông đã theo Xô Viết từ năm 1917 khi Cách mạng Tháng Mười nhuộm đỏ tuyết Petrograd với tư cách là một chiến sĩ Hồng vệ binh, và kể từ đó chứng kiến và tham gia vào bao biến sự thăng trầm của nước Nga suốt nửa đầu thế kỉ 20. Ông cũng chính là một trong những người đã góp phần huấn luyện Tartaglia từ một đứa bé mồ côi ở Mãn Châu thành thành một sĩ quan tình báo xuất sắc ở Tổng cục I - cơ quan tuyến đầu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây, phụ trách những mạng lưới điệp viên và các chiến dịch ngầm đầy mạo hiểm ở nước ngoài. Bằng năng lực và sự chu đáo, Pulcinella đã khiến một Tartaglia hầu như không thân cận với ai liệt vào danh sách "có thể tin tưởng".

"Sao, thế nào, cháu không định hỏi tình hình ở quê nhà ra sao à?" Giọng nói Pulcinella pha chút ý cười.

"Dù đang ở trên đất của kẻ thù, không lúc nào cháu không nhớ về Nga. Cháu vẫn theo dõi tình hình nước mình hằng ngày qua báo đài và các nguồn tin mật. Nghe nói bác sắp được chuyển công tác đi Leningrad?"

"À, phải rồi, Leningrad." Pulcinella khịt mũi. "Thực ra bác phải chuyển hẳn sang ở Leningrad, nơi đó đang cần bác. Căn nhà của bác ở Mát-xcơ-va thế là đổi chủ. Cháu biết không, bác ở căn nhà đó gần bốn mươi năm nay rồi, từ hồi mới cách mạng. Hồi đó bác còn trẻ măng, một tay cầm giấy chứng nhận của Xô Viết, tay kia cầm khẩu súng của Uỷ ban Cách mạng... Thế mà thấm thoắt đã  bốn mươi năm, gần như cả đời người."

"Vậy ạ..." Nói đoạn, giọng Tartaglia chậm lại một chút, có vẻ thận trọng. "Đồng chí Pulcinella, bác được chuyển công tác về Leningrad có phải do chuyện xảy ra với hạm đội của ta ở Thái Bình Dương?"

Nghe vậy, đầu bên kia đột nhiên im lặng. Một sự im lặng mỏng và sắc như lưỡi đao vô hình trong không trung.

"Tovarisch Tartaglia."

"Vâng, cháu đây." Tartaglia lễ phép đáp một cách máy móc.

"Cháu phải hiểu là bác buộc phải làm vậy, không còn cách nào khác." Pulcinella nói với giọng lạnh lùng và nghiêm nghị. Lúc này đây, ông đang bộc lộ phẩm chất của một nhà lãnh đạo máu lạnh và đầy toan tính. "Đó là sự hy sinh cần thiết nhằm phục vụ lợi ích lớn lao hơn, các đồng chí đã hy sinh ở Thái Bình Dương ắt hẳn cũng hiểu điều này."

"Vâng, cháu cũng hiểu." Tartaglia gật đầu, ánh mắt hiếm hoi lộ ra vẻ mệt mỏi, nhưng hắn cẩn thận không để sự mệt mỏi đó lây sang giọng nói mình.

"Vậy là tốt." Pulcinella nói với vẻ hài lòng. Ông vốn biết Tartaglia luôn là người có thể tin cậy được. Nghĩ vậy, ngữ điệu của ông quay trở lại sự thân mật vốn có. "Chà, vậy là không lâu nữa cháu sẽ kết thúc chuyến công tác ở Hoa Kì và trở về nước... Chúng ta sắp được gặp lại cháu rồi."

"Thưa, vâng."

"Sao nghe giọng cháu buồn rầu thế? Lẽ nào ở Mĩ có ai khiến cháu quyến luyến rồi sao?"

"Tuyệt đối không có chuyện đó thưa bác." Tartaglia dứt khoát nói. "Dĩ nhiên là vẫn có một số người cháu có thiện cảm..." Hình ảnh cậu bạn sinh viên người da màu vụt qua tâm trí hắn. "... nhưng nhìn chung cháu không khoái người Mĩ cho lắm. Cung cách của họ với cháu không hợp nhau."

"Cháu không thích người Mĩ." Pulcinella trầm ngâm lặp lại lời khẳng định vừa rồi. Đột nhiên ông nói. "Thế cháu có thích người Trung Quốc không?"

Tartaglia cau mày. "Ý bác là?"

"Có một người Trung Quốc rất đặc biệt đang ở Mát-xcơ-va. Nếu bác không lầm, tên anh ta là Chung Ly."

"..."

Chung Ly...

Pulcinella thấy đầu dây bên kia im lặng lâu thật lâu, thậm chí đến cả tiếng thở cũng không nghe thấy. Ông lắc đầu, thở dài, thằng bé ngỡ ngàng đến nỗi không nói nổi thành lời...

"Thế nào?" Ông cười. "Đừng nói với bác là cháu đã quên 'Chung Ly' là ai rồi đấy."

Mãi đến lúc này, Tartaglia mới khàn khàn cất tiếng, giọng nói cố làm ra cái vẻ bình tĩnh. "Dĩ nhiên là cháu không quên... Cháu có thể quên cả tên mình, nhưng sao cháu quên được tên anh ấy..."

"Thế sao hồi giờ cháu lại im lặng? Làm bác còn tưởng cháu đang cố nhớ lại Chung Ly là ai..."

Tartaglia vội vàng thanh minh. "Không! Cháu... cháu..." Hắn nuốt nước bọt, cố nuốt xuống luôn cả sự run rẩy trong giọng nói mình. "Bác có chắc chắn không, bác Pulcinella? Nhỡ đâu đó không phải anh ấy? Trung Quốc rộng lớn lắm, chắc hẳn có không ít người tên Chung Ly..." Mà không gì trên đời khủng khiếp hơn là trao vào tay một người niềm hi vọng lớn lao nhất, để rồi đẩy kẻ đó từ đỉnh cao xuống đáy vực sâu bằng cách vạch trần ra tất cả chỉ là lầm tưởng...

"Vớ vẩn. Cháu nghĩ bác chỉ dựa vào cái tên để khẳng định thôi à?" Pulcinella làu bàu. "Bác là ai, đang ở cương vị nào, mà lại hồ đồ thế chứ? Dựa trên tất cả những gì cháu kể về Chung Ly của cháu năm xưa, dựa trên cuộc điều tra và kiểm chứng cẩn mật của bác, bác khẳng định chính là người đó. Vả lại, có phải bác chưa từng gặp anh ta bao giờ đâu? Bác báo tin này cho cháu làm quà mừng cháu kết thúc nhiệm vụ ở Mĩ và trở về Nga."

"Cháu... cháu không biết phải cảm ơn bác thế nào cho đủ..."

"Có gì đâu mà khách sáo, tovarisch Tartaglia. Cháu là một sĩ quan tình báo xuất sắc và mẫn tiệp, hàng bao nhiêu năm nay cống hiến cho đất nước mà không đòi hỏi gì, món quà nhỏ này của bác có xá gì đâu. Hơn nữa, hình như bác chưa bao giờ thấy cháu thật tâm vui vẻ... Bác nghe các đồng chí ở Tổng cục nói rằng cháu có kiểu cười rất lạ lùng, ý vui không bao giờ chạm lên được đáy mắt. Được gặp lại ân nhân xưa kia sau 15 năm bặt vô âm tín có lẽ sẽ khiến cháu vui vẻ chăng?"

Tartaglia chống một tay lên buồng điện thoại, đầu gục xuống, mất một lúc lâu không nói năng gì, chỉ có mi mắt hơi run run. Mãi rồi hắn mới ngẩng đầu lên, tay siết chặt ống nghe đến trắng bệch.

"Anh ấy... Chung Ly... Anh ấy vẫn còn độc thân, hay đã có gia đình rồi?"

Pulcinella thở dài. Tartaglia mà ông biết luôn quyết đoán, tự chủ, kiêu hãnh và không ưa dài dòng lôi thôi, chứ chưa bao giờ mềm giọng cảm ơn, nói năng không mạch lạc và đặt câu hỏi thừa thãi thế này. Nếu không phải ông biết rõ trăm phần trăm đây là Tartaglia và hiểu được nguyên nhân sự bất thường của hắn, ông sẽ nghi ngờ liệu đây có phải kẻ giả mạo do CIA gài vào.

"Sao cháu không về Mát-xcơ-va để tự kiểm chứng tình trạng hôn nhân của anh ta nhỉ?" Ông khích lệ. "Về Mát-xcơ-va đi, đồng chí Tartaglia. Về mà gặp Triệu Vân của cháu đi."

Trước khi Pulcinella cúp máy hẳn, ông còn buông một câu đầy ẩn ý.

"Khoảng thời gian cháu về là mùa ngân hạnh ở Mát-xcơ-va đẹp lắm đấy."



Thời điểm sĩ quan tình báo Tartaglia đặt chân về nước Nga, mùa ngân hạnh ở Mát-xcơ-va đẹp đến nao lòng.

Sau khi xếp gọn hành lí vào ngôi nhà ở phố Gersen, Tartaglia thả bộ xuống những con đường Mát-xcơ-va quen thuộc, bước đi theo trí nhớ.

Lại được gặp người, Mát-xcơ-va, hắn nghĩ, với hai chữ "Chung Ly" hiện lên trong đầu. Có phải hay không người đang ôm giấu điều tôi luôn ao ước?

Bấy giờ trời vào tiết thu. Bao nhiêu năm qua, hắn đã từng bí mật hoạt động ở không ít nơi trên thế giới, từ Afghanistan, Hy Lạp, Tây Đức cho đến vùng Mĩ Latin và cuối cùng là Hoa Kì. Nhiều mùa thu đã lướt qua trên những đất nước ấy, nhưng không mùa thu nào sánh được với mùa thu Nga.

Trước khi những đợt gió buốt ào ạt thổi đến, mùa thu ban tặng cho Mát-xcơ-va một "khoảnh khắc vàng" đẹp đẽ mà mong manh, ấy là sắc vàng của cây ngân hạnh. Lá ngân hạnh trải thành tấm thảm vàng óng trên đường phố và trong công viên. Lá rơi lên đầu những bức tượng bằng đồng kiêu hãnh ở Quảng trường Cách mạng, hoặc bị gió cuộn lên thành một vũ điệu, quay cuồng giữa không trung trong một khắc, rồi nhẹ nhàng đáp chân xuống bậc thềm ngôi nhà cũ, hệt như một vũ công ballet. Khi hoàng hôn buông xuống, sắc vàng của lá thẫm lại trong ánh chiều. Những gốc ngân hạnh đổ bóng bên vệ đường, nghiêng mình đầy đăm chiêu tư lự... Khắp đường phố Mát-xcơ-va, người ta gắn những tấm biển nhỏ lên các thân cây đang trút xuống lá vàng: "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"

Ánh vàng ngân hạnh, thứ đã khoác lên vẻ nguy nga đường bệ cho thủ đô Mát-xcơ-va, chỉ chịu lụi tắt khi đêm buông xuống. Vào ban đêm, Mát-xcơ-va mang một thứ ánh sáng hoàng kim khác.

Tối hôm ấy, khách khứa tụ tập rất đông trước cổng Nhà hát Bolshoi, trung tâm trình diễn ballet, opera, giao hưởng cổ điển trên toàn Liên Xô. Phàm là nghệ sĩ sân khấu, ai cũng nuôi ước mơ cháy bỏng được biểu diễn ở Bolshoi một lần trong đời, được tắm mình trong ánh đèn sân khấu lung linh huyền ảo, được cúi thân thể nhễ nhại mồ hôi trịnh trọng chào trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng nghìn khán giả yêu nghệ thuật, bởi đây là nơi có thể khiến tên tuổi họ danh bất hư truyền. Tối nay, dòng người đổ về Nhà hát Bolshoi để xem một nghệ sĩ vĩ cầm người Trung Hoa biểu diễn.

Tartaglia bước vào nhà hát, phủi vài phiến lá ngân hạnh vương trên vai áo xuống đất. Nhân viên soát vé lịch sự hướng tay về phía dàn ghế ngồi đồ sộ. "Hàng thứ hai, ghế số 18, thưa anh."

"Cám ơn cô." Hắn gật đầu, bước thẳng một mạch xuống vị trí sát sân khấu mà ngồi. Ở vị trí này, người ta có thể quan sát nghệ sĩ biểu diễn rất rõ.

Cổng nhà hát Bolshoi. Chụp bởi Vladimir Stepanov, thập niên 1950 hoặc 1960.

Tartaglia vốn không phải một tín đồ của giao hưởng cổ điển, nếu không muốn nói là dốt nghe. Đây mới là lần thứ hai hắn ghé thăm Nhà hát Bolshoi. Lần đầu tiên xảy ra khi hắn 11 tuổi và vừa mới được đưa trở về Liên Xô để bắt đầu quá trình đào tạo làm cán bộ tình báo của KGB. Pulcinella đã dẫn hắn đi Nhà hát Bolshoi để chứng kiến nơi đây đã bị chiến tranh tàn phá khủng khiếp đến thế nào. Dường như ông muốn khắc sâu vào tâm trí hắn một nước Nga kiệt quệ và tang thương đằng sau ánh hào quang chiến thắng, để rồi từ đó đặt lên vai hắn những viên gạch đầu tiên của nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau chuyến đi ấy, hắn chưa từng quay trở lại Nhà hát Bolshoi, dù hắn vẫn biết Bolshoi đã được phục dựng và trùng tu để quay trở về thời đại huy hoàng vốn có của nó. Chẳng trách mà Yuri, cậu điệp viên tóc đỏ trẻ tuổi ở KGB, lại mắt tròn mắt dẹt khi thấy bậc tiền bối đáng ngưỡng mộ này mua vé Bolshoi và ngồi đăm chiêu hàng giờ nghe nhạc cổ điển.

"Có còn là anh đó không, đồng chí Tartaglia?" Cậu ta nâng tay đỡ trán. "Rốt cuộc người Mĩ đã làm gì anh rồi?"

"Người Mĩ? Chú mày đánh giá anh hơi thấp quá đấy." Hắn giễu cợt Yuri. Chẳng hiểu sao mà hắn rất nhanh mất kiên nhẫn trước những thắc mắc ngớ ngẩn của cái cậu Yuri này. "Người Mĩ mà thực sự đã làm gì được anh, thì bây giờ anh đang ở sàn chứng khoán phố Wall đếm tiền của tư bản chảy vào túi mình chứ không ngồi ở đây tiếp chuyện cậu đâu."

"Bộ người Mĩ chăm nghe nhạc cổ điển lắm hả?"

"Có nghe đâu. Họ chủ yếu chỉ thích Elvis Presley và Ray Charles thôi."

Yuri đã lầm hoàn toàn về nguồn cơn hứng thú bất chợt của Tartaglia với nhạc cổ điển. Người Mĩ không phải nguyên nhân, mà là một người duy nhất đến từ đất nước cách Mĩ nửa vòng địa cầu.

Bên cạnh ghế ngồi của Tartaglia, một cặp vợ chồng đang sôi nổi bàn tán về nghệ sĩ vĩ cầm Trung Hoa nọ nhân lúc buổi biểu diễn chưa khai mạc.

"... Điều phi thường ở chỗ, anh ta là một nghệ sĩ châu Á. Tính tới thời điểm hiện tại, âm nhạc cổ điển phương Tây chưa bao giờ là thế mạnh của các nước châu Á, đó là chưa kể những định kiến khó bỏ về chủng tộc đã trường tồn bao đời nay. Anh không thể tưởng tượng nổi tất cả những rào cản mà một nghệ sĩ vĩ cầm cổ điển người phương Đông phải đối mặt để có được một chỗ đứng nơi tháp ngà âm nhạc phương Tây. Chẳng những thế nghệ sĩ âm nhạc vốn là một con đường chông gai và đầy rẫy rủi ro. Anh ta có thể là thiên tài của thời đại này, hoặc chẳng là gì hết."

"Nhưng có hề gì đâu? Anh ấy đã chứng minh được mình tài giỏi đến mức sau khi tốt nghiệp xuất sắc ở Nhạc viện Bắc Kinh, anh ta đã sáng lập và điều hành một dàn giao hưởng, tổ chức thành công nhiều buổi biểu diễn và gây được tiếng tăm. Anh ta được chính phủ Trung Quốc cử sang Liên Xô học tiến sĩ tại Nhạc viện Mát-xcơ-va và giành được nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế lớn. Hôm nay là buổi diễn đầu tiên của anh ta ở Mát-xcơ-va kể từ sau chuyến công diễn ở Bỉ..."

"Âm nhạc của người đó là thứ âm nhạc có sức mạnh, vượt lên trên mọi rào cản. Khi anh ấy đứng dưới ánh đèn sân khấu với cây vĩ cầm trong tay, người ta không còn nghĩ tới xuất thân, màu da hay những định kiến nữa, chỉ có âm nhạc, âm nhạc và âm nhạc mà thôi."

"Em còn nghe nói anh ta rất đẹp. Là người Á Đông, nhưng lại có một đôi mắt hổ phách vàng kim. Đó là sắc tố mống mắt rất hiếm thấy ở người Trung Hoa..."

Tiếng trò chuyện của cặp vợ chồng nọ nhỏ dần khi khách khứa đã ổn định chỗ ngồi, ánh đèn khán phòng mờ đi, báo hiệu buổi biểu diễn sắp bắt đầu.

Khi đèn sáng rực trở lại, rèm sân khấu được kéo sang hai bên, cả dàn nhạc cổ điển và nhạc trưởng bắt đầu di chuyển từ sau cánh gà ra sân khấu trong tràng vỗ tay của khán giả. Tất cả họ đều vận đồ đen thanh lịch và trang trọng, tay ôm lấy nhạc cụ của mình mà cúi chào. Và rồi bọn họ lần lượt ngồi xuống ghế, đồng đều và đúng trật tự như thể ta đang xem một buổi duyệt binh trong quân đội. Họ ngồi ngay ngắn, im lặng, nét mặt trang nghiêm, mắt nhìn thẳng vào giá đỡ bản nhạc, dường như đang chờ đợi điều gì đó - sự xuất hiện của mảnh ghép quan trọng cuối cùng, linh hồn của buổi biểu diễn.

"Và cuối cùng, vừa mới trở về từ 'Trái tim châu Âu', vương quốc Bỉ - nghệ sĩ vĩ cầm Chung Ly."

Một người đàn ông bước ra từ sau cánh gà. Ánh đèn sân khấu chiếu theo từng bước chân từ tốn anh đi, mái tóc đen dài sau tấm lưng rất thẳng nhẹ nhàng đung đưa theo quán tính. Bước chân của anh, không giống như những người khác, không hề phát ra tiếng động trong thính phòng rộng lớn mà mọi âm thanh đều vang dội này.

Ngay sau đó, sự tĩnh lặng huyền ảo anh tạo ra lập tức bị phá vỡ bởi tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả. Nghệ sĩ vĩ cầm nghiêng mình đáp lễ những tình cảm mọi người dành cho anh, kiên nhẫn chờ đợi cho tiếng vỗ tay ngớt dần. Đến khi cả khán phòng rơi lại vào trong sự yên lặng hồi hộp, sục sôi hơn cả lúc trước, anh mới thẳng người lên, đôi mắt hổ phách kì dị quét một lượt qua toàn bộ khán phòng. Nhiều người bị ánh mắt ấy quét qua không khỏi rùng mình - phải, anh ta quả là rất đẹp, nhưng đồng thời cũng gây cảm giác thật đáng sợ... Trong cả khán phòng rộng lớn này, có  một người không nghĩ rằng đôi mắt anh kì dị và đáng sợ. Người đó cảm thấy đôi mắt anh hao hao như màu ngân hạnh rực rỡ...

Theo hiệu lệnh của nhạc trưởng, tất cả nghệ sĩ trên sân khấu bắt đầu thử nhạc cụ. Đây là khâu rất quan trọng trước khi biểu diễn, khi mà nghệ sĩ thử chạy và lên dây cho nhạc cụ mình. Âm thanh du dương và kì bí của nhiều loại nhạc cụ khác nhau lần lượt vang lên. Dù thứ âm thanh đó rời rạc, không đồng đều, người ta vẫn cảm thấy nó mang một sức quyến rũ rất khó giải thích.

Và rồi tất cả lại rơi vào im lặng. Khán giả có thể nghe thấy tim họ đập, sờ thấy sự hồi hộp của chính họ và các nghệ sĩ lượn lờ trôi trong không trung.

"Mở đầu buổi biểu diễn - "Zigeunerweisen" (Khúc hát Di-gan), sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha Pablo de Sarasate."

Nhạc trưởng giơ cao gậy chỉ huy như vị pháp sư giơ cao quyền trượng thần. Như có phép màu, cả khán phòng lập tức được rót đầy bởi những hoà âm du dương và tráng lệ, nổi bật hơn hết thảy là tiếng vĩ cầm của Chung Ly.

Từng khắc đồng hồ trôi qua mà chẳng ai hay... Cả Nhà hát Bolshoi bị bỏ bùa mê bởi âm nhạc.



Đêm hôm ấy, khi buổi biểu diễn đã kết thúc và thành công vang dội, rất nhiều món quà từ người hâm mộ được gửi đến phòng nghỉ riêng của nghệ sĩ vĩ cầm Chung Ly. Trong số đó là một lẵng hoa hồng trắng, với những búp màu trắng tinh khôi và hương thơm dịu dàng. Kẹp trong lẵng hồng là một lá thư tay được niêm phong đỏ chói, thấm đẫm hương thơm của những bông hồng. Với nét chữ nắn nót và rắn rỏi, lá thư được ghi bằng tiếng Trung Hoa:

自我上次听到你抚琴以来已经过去很多年了。你演奏的每个音符我都会在我的余生中记住。

一个希腊战士。

Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối tôi được nghe tiếng đàn của anh. Từng nốt nhạc anh chơi tôi sẽ ghi nhớ tới tận cuối đời mình.

Từ một chiến binh Hy Lạp.




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro