F. Mendelssohn: "Giấc Mộng Đêm Hè"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Giấc Mộng Đêm Hè" là một tựa khúc sáng tác năm 1826 của nhà soạn nhạc người Đức F. Mendelssohn, dựa trên vở kịch cùng tên của nhà viết kịch người Anh W. Shakespeare. 




Những buổi biểu diễn của Chung Ly không phải lúc nào cũng diễn ra ở thính phòng bề thế và sang trọng. Đôi lúc, tiếng vĩ cầm của anh cũng cất lên trong những nhà máy Liên Xô cao lớn lừng lững đã trở thành đặc trưng của một thành phố công nghiệp Mát-xcơ-va hiện đại.

Sáng hôm ấy, anh được mời đến biểu diễn tại một buổi sinh hoạt văn hoá ở một nhà máy sản xuất bánh kẹo. Lần này anh không chơi những bản nhạc bác học và cao siêu nữa, mà thay vào đó là những giai điệu du dương và gần gũi. Ban đầu, những người công nhân Nga cao ráo, cổ tay thơm mùi sô-cô-la hãy còn e ngại anh, bởi anh là một nghệ sĩ vĩ cầm tầm cỡ thế giới và khuôn mặt anh gây ấn tượng ban đầu tương đối đáng sợ - đặc biệt là đôi mắt vàng với đường viền đỏ. Nhưng dần dà, nỗi e ngại đã được thay thế bởi lòng yêu mến nhiệt thành khi họ thấy anh không hề tỏ ra cao ngạo và xa cách, chẳng những vậy âm nhạc của anh không hề kén người nghe, mà vô cùng rộng lớn và hướng tới mọi đối tượng. Họ còn cao hứng đến độ đồng loạt vỗ tay theo nhịp, thậm chí là hát theo tiếng vĩ cầm. Buổi biểu diễn mãn nguyện ngoài mong đợi, Chung Ly được tặng rất nhiều sô-cô-la Nga, và hôm ấy anh tuyệt nhiên không lấy một xu tiền công nào. Anh định bụng khi về nhà sẽ đưa sô-cô-la cho Hồ Đào, con gái anh hẳn sẽ vô cùng thích chúng.

Buổi diễn vừa kết thúc, một nữ công nhân trẻ vội vàng chạy đến chỗ anh. Trên tay cô là... một lẵng hoa hồng trắng.

"Có... có ai đó gửi cái này cho anh." Đứng trước Chung Ly, cô nàng dường như hồi hộp đến nghẹt thở. Vừa chạm phải đôi mắt vàng kì dị của anh, cô bèn nhanh chóng quay mặt đi. "Tôi thấy lẵng hoa này được đặt ngoài hành lang nhà máy. Không... không thấy người gửi đâu, chỉ thấy một tấm thiệp nhỏ ghi tên anh, bên dưới là ký tự tiếng Trung rất lạ..."

Chung Ly cảm ơn cô gái, đỡ lấy lẵng hoa hồng, im lặng nhìn nó đăm đăm.

Anh còn lạ gì những bông hoa này nữa. Những anh chị em của chúng vẫn còn đang toả hương thơm lừng trong lọ hoa nhà anh, luôn luôn chào đón anh trước phòng nghỉ sau mỗi buổi diễn. Có vẻ như ai đó không chỉ trân trọng những buổi hòa nhạc hào nhoáng ở nhà hát lớn, mà trân trọng tất cả những lần anh đem âm nhạc đến cho mọi người.

Chung Ly ôm lẵng hoa đi ra ngoài nhà máy. Tuyệt nhiên chẳng có gì ngoài cái tổ hợp công nghiệp xi măng cốt thép rộng mênh mông với công nhân đi lại nườm nượp. Anh lại đi ra xa hơn nữa, ra tận bãi đỗ xe. Và rồi anh thấy hắn, ngồi một mình trong chiếc xe Volga GAZ đen bóng đậu ngay bên dưới tấm biển áp-phích tuyên truyền sặc sỡ kiểu Liên Xô kèm dòng chữ đỏ chói: "Bằng tất cả sức mạnh của công nhân Xô Viết." Màu đen của chiếc xe hơi và gam đỏ của tấm áp phích tạo nên một sự tương phản màu sắc gay gắt và sắc lạnh.

Tartaglia đang chống tay lên cửa xe, chăm chú nghe cuốn băng cassette quay một giọng ngâm thơ tiếng Pháp trong đài, trên sống mũi cao và mảnh của hắn là một cặp kính râm. Bài thơ tiếng Pháp vốn là tín hiệu mã hoá được thu lại từ đài phát thanh của một nước thuộc phe đối địch, và Tartaglia - một kẻ chẳng đam mê gì thơ Pháp - phải tua đi tua lại cái giọng đọc thơ dài lê thê và đầy âm mũi ấy hòng mò ra mật mã. Cái công việc tẻ ngắt này chỉ bị gián đoạn khi hắn thấy Chung Ly xách lẵng hồng trắng tới gần.

"Đồng chí Tartaglia."

"Đồng chí Chung Ly." Tartaglia lập tức vươn tay tắt cuốn băng đi. Giọng nói dịu dàng và lành lạnh của anh quả là cứu rỗi cho đôi tai hắn sau hàng phút đồng hồ phải nghe thơ Pháp rên rỉ ỉ ôi.

"Tôi có thể vào trong ngồi chứ?"

Im lặng một lúc.

Cạch. Đó là tiếng Tartaglia mở chốt khoá cửa xe. Hắn vẫn chống khuỷu tay lên cửa sổ, đôi mắt ẩn sau cặp kính râm không nhìn sang bên cạnh khi Chung Ly mở cửa xe, tiếng quần áo anh nhẹ nhàng sột soạt khi anh ngồi vào ghế phó lái, và cả khoang xe được lấp đầy bởi mùi hoa hồng trắng cùng mùi hương của anh.

"Cảm ơn cậu vì những lá thư và hoa hồng."

Tartaglia chưa cất lời vội, đợi anh nói nốt điều anh muốn nói.

"Và xin lỗi cậu... vì những gì xảy ra hôm nọ."

Hắn nhìn vào gương chiếu hậu. Dù cách một lớp kính râm, hắn vẫn có thể thấy phản chiếu trong gương là một cặp mắt vàng đẹp đến nín thở và viền mắt như đường chỉ thêu màu đỏ. Một đôi mắt cổ tích rất đỗi kì lạ trên một gương mặt Á Đông... Lúc nào đôi mắt đó cũng đượm vẻ gì đó rất buồn, nhưng vào đúng thời điểm này... thì nét buồn đó quả là chí mạng.

"Sao anh lại muốn ngồi vào xe tôi?" Tartaglia gỡ kính râm xuống, hạ giọng dịu dàng, đôi mắt xanh và sâu chạm vào đôi mắt vàng qua gương chiếu hậu. "Lỡ đâu tôi là điệp viên, chuẩn bị phóng xe bắt cóc anh đi trong vòng năm giây nữa?"

Chung Ly dường như không nghe thấy vế "bắt cóc" đằng sau mà chỉ nghe thấy vế trước, ngạc nhiên hỏi. "Cậu là điệp viên?"

Câu hỏi ngây thơ này khiến hắn không thể tin nổi. "Dĩ nhiên là không phải! Anh có hiểu thế nào là 'Lỡ đâu' không?"

"Nếu không phải điệp viên thì cậu làm gì?"

"Tôi là Trung tá Không lực Hải quân Liên Xô (AV-MF)."

Đây không phải là lời nói dối. Hắn thực sự đã tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan Không lực Hải quân của Liên bang Xô Viết, và khi được giao nhiệm vụ làm mật thám ở Hoa Kỳ, hắn đã trắng trợn trà trộn làm phi công NATO và bay sang Mĩ bằng máy bay của NATO, khiến cho Pulcinella khi biết tin phải dựng ngược lông mày lên. Thân phận sĩ quan tình báo KGB khét tiếng phiêu lưu này rõ ràng không thể tùy tiện nói ra, cho nên hắn đã chọn cho mình vỏ bọc "Trung tá AV-MF" sáng ngời không tì vết cho Chung Ly xem.

"Tôi cũng từng ở trong quân đội. Nhưng đó là thời rối ren loạn lạc." Chung Ly vén tóc qua vành tai. Anh có những cử chỉ bằng tay rất uyển chuyển - đặc trưng của người hay chơi vĩ cầm. "Đã ngót 15 năm tôi không cầm cây súng, mà thay vào đó chỉ cầm cây vĩ mà thôi."

Hình ảnh người lính Giải phóng quân Chung Ly 15 năm trước hiện lên trong tâm trí Tartaglia, và hắn tự hỏi liệu anh có ngờ được rằng cậu bé Ajax năm ấy sau này trở thành sĩ quan một phần là muốn giống như anh.

"Ồ, cậu nhỏ hơn tôi những 10 tuổi."

Chung Ly nheo mắt nhìn tấm thẻ danh tính quân đội của hắn, nơi ghi năm sinh của hắn mà tính cho đến giờ được 25 tuổi. Nghe giọng anh như thể cái việc hắn nhỏ hơn anh 10 tuổi là cái gì đó rất khôi hài, rất đáng bị cười. 

Đã thế anh còn nhạo thêm. "Bé xíu vậy sao?"

Chưa gì Tartaglia đã thấy máu nóng bốc lên mặt. Anh ta lại đang nói năng bậy bạ gì đây! Chưa ai từng nói với hắn bằng cái giọng đó, kể cả cấp trên. Lần xúc phạm hắn nghiêm trọng nhất là khi lão trưởng phòng CIA chửi đổng vào bộ đàm "Mả cha con cáo Nga chết giẫm!" Thế vẫn chưa nghiêm trọng bằng việc anh cười hắn bé. Ai đã tiếp xúc với Tartaglia đều biết hắn căm ghét những tay lớn tuổi hợm hĩnh hay phủ nhận công lao và tài năng của hắn chỉ vì hắn hãy còn rất trẻ. Đặc biệt là anh - người đã chứng kiến hắn lúc hắn thực sự bé xíu - khiến cho hắn cảm giác mình lùn đi hàng chục phân. "Này, anh đừng có..."

"Đồng chí Tartaglia à."

"..."

"... Vâng?"

Giọng anh rất từ tốn và nhẹ nhàng, như thể anh với hắn là hai người cao tuổi quen nhau lâu năm đang nói chuyện phiếm. "Cậu có thích chạy bộ vào sáng sớm không?"

"Thích."

Chung Ly không để bụng câu trả lời cụt ngủn như trẻ con của hắn. "Cậu hay chạy bộ ở Quảng trường Đỏ chứ?"

Mặc dù Tartaglia hay chạy bộ ở Quảng trường Lubyanskaya, hắn vẫn nói dối không chớp mắt. "Có."

"Vậy thì sáng sớm mai, tại Quảng trường Đỏ, đối diện với tháp Spasskaya." Anh không nhìn vào gương chiếu hậu nữa, mà nghiêng đầu nhìn thẳng vào mắt hắn, mỉm cười. "Khi tôi nói 'sớm', thì tức là rất sớm đấy. Lúc đó chúng ta có thể trò chuyện một chút về âm nhạc."

Hắn còn chưa kịp phản ứng ra sao trước lời mời này, anh đã mở cửa xe, bước ra ngoài, đến cả cơ hội từ chối lời mời anh cũng còn không cho hắn. Trước khi đi, anh ghé mình xuống cửa xe, uể oải đưa tay chào theo kiểu quân đội.

"Au revoir, Commandant." (Tạm biệt, ngài Trung tá)

Và rồi anh đi mất, đôi chân dài sải những bước đường hoàng thẳng tắp mà không hề phát ra tiếng động. Mỗi lần anh xuất hiện chóng vánh rồi rời đi, anh ta đều để lại sự tàn phá khủng khiếp sau gót giày nhẹ tênh của mình.

Chỉ thế thôi ư? Ô rơ voa, và thế là hết?

Tartaglia thầm toan tính, lần sau sẽ không để anh ta ngồi vào xe hơi nữa, mà lừa anh ta lên hẳn con MiG-21 (1) rồi hắn phóng thẳng lên trời, cho anh ta "chơi" balalaika thay vì violin xem anh ta còn "Ô rơ voa" được nữa không. Hắn đã đến đây, đã mong chờ, đã ao ước đủ điều... Thế mà bằng cái chất giọng trầm và khàn khàn ấy, anh ta lại "Ô rơ voa" ! Cái từ tiếng Pháp nghe mới ngô nghê làm sao, và dù cho khi công tác tình báo hắn dùng nó như hơi thở, giờ đây hắn vẫn thấy căm ghét nó thậm tệ!

(1) MiG-21 (tên kí hiệu của NATO - Cá hoá thạch) là máy bay tiêm kích phản lực của Liên Xô, còn được gọi là "Cây đàn Balalaika của bầu trời" bởi hình dáng giống balalaika - nhạc cụ dân tộc Nga.

Vừa nghĩ, Tartaglia vừa kéo cửa kính che kín mít xe hơi, nhốt chặt mùi hương của anh, dư âm sự hiện diện của anh vào trong đây, không cho thoát ra ngoài.

Trong đài xe, cuốn băng cassette ghi âm thơ Pháp được mã hoá lại lạch cạch vang lên. Hắn cảm thấy sau khi nói chuyện với cái con người khó hiểu tên Chung Ly kia, không thứ mật mã chết tiệt nào trên đời còn gây rối rắm cho hắn được nữa.

Giọng đọc nữ bắt đầu ngân nga những vần điệu âm mũi, nghe thật lạc điệu giữa ban trưa Mát-xcơ-va chói sáng và se lạnh.

Nghe hết một lần cuộn băng, Tartaglia ngồi im lặng trong xe một lúc. Rồi đột nhiên, hắn mở tủ lấy giấy bút ra sột soạt viết gì đó rất nhiều. Xong xuôi, hắn xé roạt tờ giấy khỏi cuốn sổ, kết nối bộ đàm về Trụ sở KGB.

"Алло, алло. Mau nối máy đến Tổng cục VIII. Tôi đã giải ra cái mã chết tiệt này rồi..."



Au revoir, Commandant.

Đó là câu cuối cùng Tartaglia nghe thấy trước khi hắn choàng tỉnh khỏi một giấc ngủ lắm mộng.

Còn về những gì hắn vừa mơ đêm qua... thì hắn hơi ngượng để nhớ lại.

Tartaglia mở mắt ra, và lần đầu tiên sau một thời gian rất dài hắn không thấy một sĩ quan tình báo KGB, mà thấy Trung tá Không lực Hải quân. Hắn đã bắt đầu quay trở lại với thân phận này.

"Khoảng thời gian cháu về là mùa ngân hạnh ở Mát-xcơ-va đẹp lắm đấy."

Câu nói của Pulcinella cách đây không lâu vọng về trong tâm trí hắn bằng cái giọng già nua trầm khàn. Lúc ấy ông ta hoàn toàn không có ý định thông báo cho hắn về mùa màng Mát-xcơ-va... mà thực chất câu nói đó là một ám hiệu.

Cậu bị buộc phải trở về Mát-xcơ-va. Ngay lập tức.

Nói cho hắn biết Chung Ly đang ở Mát-xcơ-va, lặp đi lặp lại việc trở về... Tất cả những hành động ấy chứng tỏ phía bên trên đang cần hắn trở về nước ngay, nếu không... ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra với người quan trọng của hắn - Chung Ly? Và khi động đến Chung Ly của hắn, thì sao mà hắn có thể không về được?

Phải dùng ám hiệu để ra lệnh cho hắn về, điều này chỉ có duy nhất một ý nghĩa: phía bên trên đang nghi ngờ lòng trung thành của Tartaglia.

Hắn đã dành nhiều năm trời ở nước ngoài, thực hiện nhiều phi vụ thành công, nắm trong tay quá nhiều bí mật... Đến nỗi phía bên trên phải nghi ngờ liệu lòng trung thành của hắn có còn đặt ở Liên bang Xô Viết.

Vừa mới trở về Mát-xcơ-va, ngay lập tức hắn đã phải xuất trình và trả lời từng câu chất vấn một trước Ban Lãnh đạo Tình báo Xô Viết. Trải qua nhiều bài kiểm tra gắt gao, cuối cùng hắn đã được xóa bỏ mọi nghi ngờ và được phục hồi danh dự. Tuy nhiên, hắn vẫn chưa thể công tác lại được ngay, mà nghỉ phép một thời gian, thỉnh thoảng làm vài việc bên lề cho KGB như giải một số mã cho Tổng cục Mật mã số VIII. Trong thời gian "nghỉ ngơi", hắn quay trở lại với thân phận Trung tá AV-MF.

Chung Ly không hề biết trên đời có sự tồn tại của điệp viên tình báo Tartaglia - kẻ đang đi cà kheo trên lằn ranh lơ lửng giữa hai bờ chiến tuyến của cuộc Chiến tranh Lạnh. Đối với anh, chỉ có "Au revoir, Commandant". Chưa ai trên đời từng gọi hắn là "trung tá" bằng giọng nhẹ nhàng đến thế, đã vậy còn vô tư coi hắn "bé xíu", thản nhiên ngồi vào chiếc Volga GAZ của hắn mà trò chuyện... Hắn quyết tâm sẽ giữ gìn vỏ bọc ấy đến cùng.

Chiếc khăn mặt trượt xuống cổ, và Tartaglia thấy trong gương một cặp mắt xanh sâu thẳm và lạnh lùng, cặp mắt mà vẫn hay bị thì thầm sau lưng là vô cảm như mắt búp bê matryoshka. Nó "phát sáng", chứ không hề "sáng ngời". Liệu con người ta còn giữ được ánh sáng tâm hồn trong đôi mắt nếu họ phải trải qua tất cả những gì Tartaglia đã trải qua?

... Không còn quan trọng nữa. Giờ đây hắn đã có Chung Ly, chừng nào hắn ở đây anh vẫn còn được an toàn, dù rằng dường như anh vẫn chưa nhận ra hắn là cậu bé Ajax ngày nào.

Đúng nửa tiếng đồng hồ sau, hắn rời căn nhà ở phố Gresen, chạy bộ ra Quảng trường Đỏ.

Bấy giờ trời đã sắp vào đông. Ở một thành phố lệch hẳn về phía cực Bắc như Mát-xcơ-va, vào thời điểm này trong năm ban đêm dài hơn ban ngày. Khi hắn vừa chạy đến Quảng trường Đỏ, trời vẫn còn nhá nhem tối, đèn đường chưa tắt. Cái bóng sẫm màu sừng sững của Điện Kremlin choán trọn cả nửa bầu trời. Bầu trời Mát-xcơ-va lúc này mang một màu sắc mà ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế gian: xanh xanh tím tím màu đá thạch anh, với sương đêm từ hôm qua toả khói mờ ảo, tạo độ sâu thăm thẳm và trầm mặc như thể ta đang ở dưới biển chứ chẳng phải mặt đất. Những vì sao đều đã tắt, chỉ còn một ngôi sao duy nhất còn chói sáng trên đỉnh tháp Spasskaya bất kể ngày đêm. Vẻ huyền bí, thinh lặng của thời khắc trước bình minh, vẻ tráng lệ, thâm nghiêm của những cung điện, nhà thờ, lăng tẩm bao quanh bề rộng mênh mông của quảng trường làm sống dậy trong tâm hồn ta những câu chuyện cổ về thảm bay và hiệp sĩ, những cảm thức lịch sử xưa lắc xưa lơ...

Ngay giữa cái xứ sở kì bí ấy, một giọng nói trầm trầm mơ màng cất lên trong không trung.

"Bonjour, Commandant."

Âm thanh mơ hồ lãng đãng đến nỗi trong nửa khắc Tartaglia đã tự hỏi hắn đang thức hay còn mơ. Hắn đi về phía bóng người màu trắng đang đứng đợi dưới chân tháp Spasskaya - Chung Ly, nhợt nhạt và huyền bí, tựa như ballerina Giselle trong vở vũ kịch.

"Đồng chí Chung Ly đến đây từ bao giờ thế?"

"Ba giờ sáng."

Ba giờ sáng. Chắc hẳn anh ta điên. "Vậy đồng chí mặc đồ trắng là muốn dọa ma ai?"

"Tôi không dọa."

"Ồ? Vậy thì chắc đồng chí là ma?"

"Sao lại không nhỉ?"

Cặp mắt vàng rực của Chung Ly nheo lại trong cái tù mù nhập nhoạng, hệt như mắt mèo Cheshire trong truyện Alice ở Xứ sở Diệu Kỳ.

Quảng trường Đỏ cùng ngôi sao trên tháp Spasskaya. Chụp bởi Boris Kosarev, thập niên 1950.


"Biết đâu tôi lại là ma thật thì sao?" Anh chậm rãi đi vòng quanh người Tartaglia. "Một bóng ma đã chết trong đám cháy từ thế kỉ 15, từ đó đến nay đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử diễu hành qua quảng trường này, để rồi đến khi thấy một cậu nhóc 25 tuổi đi lạc tới, thì... Hù!"

Tartaglia cười lạnh, gỡ đôi tay Chung Ly xuống khỏi mắt mình, nhưng tay hắn không hề gỡ ra khỏi cổ tay anh.

"Thế đồng chí đã từng nghe nói tới những bóng ma của bầu trời bao giờ chưa?"

Hắn cầm cổ tay anh rất nhẹ nhàng, nhưng một lực mạnh kinh người đang ẩn mình chực chờ sau đó khiến anh vô thức rùng mình.

"Anh có thể cảm nhận được chúng khi đang bay trên không bằng chiếc MiG vào ban đêm." Hắn dịu dàng nói. "Tưởng tượng anh đang lao đi với tốc độ trên 800km/giờ. Áp suất lực bay đè ép lên anh, phổi bị nén lại, não chảy máu, đầu óc anh sẽ trở nên mờ mịt, nhìn cái gì cũng như ảo giác. Trong khi đó, lẩn khuất sau bóng tối vô tận là những con ma... là máy bay địch."

Bàn tay hắn bắt đầu siết chặt lấy cổ tay anh hơn. Nhưng Chung Ly không bận tâm. Đôi mắt hẹp dài của anh mở to nhìn hắn, và anh lắng nghe hắn vô cùng chăm chú.

"Khoan... Có phải ý cậu là thế này không?"

Và rồi anh đặt lên vai... một cây đàn violin. Có trời mới biết anh cầm theo violin tự bao giờ!

"Máy bay... Bầu trời đêm... 800km/giờ... Những bóng ma phe địch..." Anh lẩm bẩm, hai mắt nhắm nghiền.

Cây vĩ đặt lên dây đàn, bắt đầu chuyển động. Những âm thanh trầm trầm dữ dội bắt đầu rung lên, lúc thì nghẹt thở, khi thì kịch tính, lúc thì chết lặng trong mối hiểm nguy rình rập... Tất cả tổ hợp âm thanh tưởng chừng hỗn loạn ấy, thế mà lại ăn khớp với nhau một cách khó tin.

Tartaglia nhìn Chung Ly với cây violin, cảm thấy thực sự ngỡ ngàng - Anh ta đang ngẫu hứng một đoạn nhạc mang chủ đề Máy bay MiG và những bóng ma! Nó gợi nhiều cảm xúc đến nỗi khiến hắn lặng lẽ rùng mình... Âm nhạc bắt đầu dâng trào, và hắn nghe thấy những vòng xoáy thanh âm lạnh lẽo, dữ dội, và chơi vơi... Hơn hết thảy đó là chính bản thân Chung Ly; tư thế chơi vĩ cầm của anh, nét mặt và mái tóc anh có gì đó quyến rũ đến không thể rời mắt được...

Rồi bỗng nhiên anh dừng lại, với cây vĩ lơ lửng trên không trung, hai mắt nheo lại nhìn hắn.

"Cậu cảm thấy thế nào?"

"Rất ấn tượng, anh Chung Ly." Hắn thở gấp.

"Và?"

"Đoạn nhạc đằng trước là anh tự ngẫu hứng sáng tác... Còn đoạn nhạc đằng sau, tôi nhận ra đó là bản concerto "Mùa Đông" của Vivaldi. Rất nhiều bão táp."

"Đúng thế." Anh gật đầu. "Chúng ta đang bước đi trong cơn bão táp của thế kỉ hai mươi."

Nhận thấy câu bình phẩm này có quá nhiều ẩn dụ, Tartaglia phải hỏi lại. "Bão táp thế kỉ 20?"

"Đó là cái chúng ta đang sống trong mà, phải không? Chiến tranh Lạnh đang bao phủ cả thế giới. Cả tôi và cậu đều đang đóng băng trong một mùa đông kéo dài hàng chục năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Thế giới của cậu, thế giới của máy bay MiG và bóng ma kẻ địch, chẳng phải đều đang chịu tác động của cuộc chiến này sao?"

Tartaglia im lặng. Sự sắc sảo của anh hệt như một mũi dao bén nhọn vô hình đâm vào không trung.

"Thế giới của một sĩ quan Không lực Hải quân như cậu, Tartaglia, là thế giới dưới phần chìm của tảng băng trôi, nơi có một cuộc chiến tranh đang ngấm ngầm diễn ra." Anh nói với vẻ bình thản. "Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cậu thực sự là một điệp viên làm nhiệm vụ giám sát một nghệ sĩ vĩ cầm người Trung Quốc đang cư trú trên đất Nga đâu, Commandant."

Trong một khoảnh khắc, Tartaglia đã cảm thấy việc che giấu thân phận sĩ quan tình báo khỏi Chung Ly dường như chẳng còn ý nghĩa gì nữa, bởi cặp mắt hổ phách đáng sợ kia như xoi thủng mọi tấm màn. Ngược lại, chính hắn cũng bắt đầu chuẩn bị tinh thần để không bất ngờ nếu chẳng may một ngày phát hiện ra anh là mật thám của Druzhby. (2)

(2) Phố Druzhby (Mát-xcơ-va) là nơi đặt Đại sứ quán Trung Quốc.

Nhưng rồi Chung Ly đột ngột mỉm cười, vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay hắn. "Đừng nhìn tôi lạnh lùng thế chứ. Tôi chỉ đùa thôi."

... Tartaglia rất muốn nói là trò đùa của người cao tuổi không hài hước chút nào.

"Thôi nào." Chung Ly giơ hai bàn tay trắng trơn lên, tỏ vẻ vô tội. "Tôi biết nó hơi nhạt nhẽo... Con gái tôi cũng hay nói với tôi rằng cha đùa chả vui gì cả..."

Không phải hơi nhạt nhẽo, mà là rất nhạt nhẽo.

"Hơn nữa, cậu hãy quên tất cả những gì tôi vừa nói, về các thứ gọi là 'ý nghĩa, ẩn dụ' của bản nhạc đi." Anh cất cây vĩ cầm vào trong hộp đàn. "Nếu có ai đó cố kể lể với cậu về ý nghĩa của âm nhạc như tôi làm vừa nãy, cậu hãy để nó chui vào bằng tai này và chui ra bằng tai kia. Âm nhạc hoàn toàn không ẩn chứa ý nghĩa cao siêu gì hết, nếu có thì nó chỉ 'bổ sung', chứ không phải chính bản thân âm nhạc. Âm nhạc chỉ là chính nó mà thôi, là những nốt nhạc chồng lên nhau, nối tiếp nhau tạo thành chùm âm thanh ấn tượng đến nỗi ta không thể diễn tả bằng từ ngữ và lắng nghe đến quên cả thở. Sẽ thật thô thiển nếu cố lồng ghép cái thứ như 'Chiến tranh Lạnh' vào bản 'Mùa Đông' của Vivaldi."

Tartaglia bực bội nói. "Tôi hiểu rồi. Tức là đó lại là một trò đùa kém hài hước khác của anh phải không?" Thật không thể tin được một sĩ quan tình báo như hắn lại để cho anh dắt mũi như thật...

"Được rồi, xin lỗi vì đã đùa không hài hước... Cậu nhìn kìa, bình minh đang đến kìa."

"Anh đánh trống lảng hay lắm, đồng chí Chung Ly."

"Không... Bình minh thực sự đang đến."

Sắc màu rực rỡ của hừng đông đang dần xua tan đi bóng tối. Ánh sáng đi đến đâu, những dãy phố cổ kính lặng yên trở nên sáng bừng tới đó. Những cung điện, nhà thờ, lăng tẩm quanh Quảng trường Đỏ vốn đang ẩn mình sau bóng tối thâm nghiêm đang dần bộc lộ vẻ nguy nga tráng lệ của chúng, hệt như một xứ sở thần tiên được hoá giải lời nguyền thiên cổ.

"Đẹp quá..." Chung Ly thì thầm. "Tôi sẽ không chơi đàn nữa. Những lúc thế này, âm nhạc tốt nhất là nên im lặng."

Hắn nghiêng đầu sang bên cạnh, ngắm nhìn ánh bình minh chiếu lên khuôn mặt anh như sóng triều dâng. Bình minh dâng lên cái cằm thon thon, lên đôi môi mềm mại, sống mũi thanh mảnh và cháy đỏ mãi trong cặp mắt hổ phách viền son diễm lệ. Hắn phải siết chặt tay thành nắm đấm để ngăn tay mình khỏi run lên... Âm nhạc liệu có diễn tả được tất cả những điều này, tất cả những cảm xúc này không?

"Này anh Chung Ly, hình như anh quên mất chúng ta đến đây làm gì thì phải."

Nghe tiếng gọi, Chung Ly quay sang bên cạnh. Anh chưa kịp nhìn gì thì một luồng gió đã phất qua người anh; nháy mắt đã thấy Tartaglia ở cách anh rõ xa.

"Anh từng nói rằng cách đây 15 năm anh là một quân nhân, phải không đồng chí Chung Ly?" Tartaglia vừa chạy lùi vừa nói với anh, cả khuôn mặt đẹp như búp bê của hắn ánh lên vẻ thách thức ngạo mạn. "Lâu đến thế rồi thì làm sao chạy kịp được với 'cậu nhóc' 25 tuổi này đây?"

Chung Ly lắc đầu cười, thầm cảm thán trước sức vóc tuổi trẻ nhiệt huyết, rồi cũng bắt đầu chạy bộ theo Tartaglia. Tất cả những Chiến tranh Lạnh, bóng ma quân địch và những âm mưu hung hiểm lập tức bị bỏ quên, lùi lại nơi bóng tối đang khép dần...

Hai người họ vừa chạy bộ, vừa vui vẻ chuyện trò... Có lẽ đúng vào buổi sáng hôm ấy, một tình bạn hết sức kì lạ - quá nhiều bí mật và khởi đầu chẳng mấy dễ chịu, nhưng bằng cách thần kì nào đó mà vẫn vô tư - bắt đầu nảy nở giữa hai người, hồi sinh lại sau 15 năm dài ngắt quãng. Chỉ là người trẻ tuổi hơn ôm trong lòng nhiều tâm tư hơn, nhưng với bản năng hay che giấu bí mật của một sĩ quan tình báo, hắn vẫn chưa thể nói ra... Chưa phải lúc. Chỉ là chưa thôi.

Họ chỉ dừng chạy bộ vào lúc 7 giờ sáng, khi người ta phát Quốc ca ở Quảng trường Đỏ. Không chỉ Tartaglia và Chung Ly, mà tất cả những ai đang đi lại trên Quảng trường, dù thong thả hay vội vã, đều đứng lại trang nghiêm hát Quốc ca. Quốc ca Liên Xô vẫn luôn là một trong những bản quốc ca ấn tượng nhất thế giới, giai điệu hùng tráng và khiến người ta muốn hát mãi không thôi.

"... Những bài hát cách mạng của Liên Xô luôn hay, cậu có cảm thấy vậy không?" Chung Ly nói sau khi bản Quốc ca kết thúc, lấy khăn thấm mồ hôi ở cổ.

Tartaglia cười chế giễu. "Tôi là người Liên Xô, tôi không thấy nó hay thì còn ai thấy hay nữa?"

Chung Ly không thấy khó chịu trước cái lối xưng hô nói chuyện thẳng thừng này của Tartaglia, trái lại anh còn mỉm cười. Tartaglia đã nhiều lần quan sát anh trên sân khấu; trông anh lúc nào cũng nghiêm nghị chứ không có cười như thế này. Anh ngừng lại để lấy hơi, rồi bắt đầu hát. "Dù sương gió tuyết rơi..."

"Dù đêm vắng ngôi sao giữa trời..." Gương mặt Tartaglia bỗng sáng bừng lên khi nhận ra bài hát quen thuộc.

"... Hoà trái tim với tiếng ca..."

"... Thúc ta nhịp chân bước đường xa."

Rồi đột nhiên chẳng hiểu vì sao, vừa mới dứt tiếng hát bài "Thời thanh niên sôi nổi" xong, cả hai bỗng bật cười lớn.

"... Được rồi, hôm nay đến đây thôi." Chung Ly là người nghiêm mặt lại đầu tiên, tuy khoé môi giần giật đã trắng trợn tố giác anh. "Một buổi sáng khó quên, Tartaglia. Hẹn cậu một hôm khác."

"Đừng nói là chạy bộ nữa chứ? Anh không thắng nổi tôi đâu."

"Được rồi, cậu là giỏi nhất." Anh thoải mái đáp, khoác hộp đựng vĩ cầm qua vai. "Au revoir, Commandant."

"Au revoir, mon musicien." (Tạm biệt, nhạc sĩ của tôi)

Chiều hôm đó, trên đường từ Trụ sở KGB về, Tartaglia có ghé qua một hiệu sách. Đây là một việc khá hiếm hoi, vì ngoại trừ sách giáo khoa đào tạo sĩ quan, sách dạy ngoại ngữ và sách ở Harvard, thì hầu như hắn chẳng động đến sách bao giờ. Nhưng đó là trước kia thôi. Giờ đây hắn đã có một lí do, một động lực để ghé hiệu sách thường xuyên.

"Xin chào! Quý khách muốn mua sách gì?"

"Bất cứ sách gì liên quan đến âm nhạc."

"Có ngay, có ngay đây!"

Đúng lúc Tartaglia cảm thấy giọng nói cao vút này có gì đó quen quen, thì nhân viên hiệu sách bước ra... Quả đúng là người quen thật.

"Ồ, xem chúng ta có ai này." Hắn nheo mắt nhìn Hồ Đào. Vẫn chiếc kẹp tóc hoa mộc qua, vẫn đôi bàn tay sơn móng đen, chỉ có điều hôm nay cô mặc đồ trắng dành cho nhân viên cửa tiệm. Nghe hắn gọi, cô nàng bật cười thích thú.

"Anh Tartaglia, phải không nhỉ? Mới vài ngày không gặp mà trông anh khác quá. Dường như anh... vui vẻ hơn." Cô ta săm soi hắn từ chân lên đầu. Cái con bé sắc sảo tinh vi này. Giờ thì Tartaglia biết cái tính này của cô ta giống ai rồi.

"Mắt nhìn của cô chuẩn xác đấy. Cha cô và tôi đã thành bạn rồi." Hắn tháo kính râm xuống, cặp mắt xanh lam quét qua khắp những giá sách thơm mùi gỗ và những cuốn sách ngăn nắp gọn gàng. "Cô giữ gìn chỗ này rất tốt, tiểu thư."

Công khai tuyên bố bản thân vừa trở nên thân thiết với một người ngay trước mặt con gái anh ta là điều rất không nên làm, nhưng biết sao được, hắn là Tartaglia, khác người đã quen thành thói rồi.

Hồ Đào chống tay lên hông, giọng vô cùng thâm sâu. "Mới đầu tôi còn tự hỏi một chiến binh Hy Lạp thì cần gì ở sách âm nhạc, giờ thì tôi rõ rồi." Nói đoạn, cô lấy cây chổi lông thoăn thoắt phủi bụi khỏi giá sách. "Sao, anh thấy cha tôi thế nào?"

"Rất dễ làm người khác phát điên."

Tốc độ quét của cây chổi lông dần chậm lại. Hồ Đào mỉm cười, nhưng nụ cười kém tươi tắn hơn trước. "Phải nhỉ, chính tôi cũng không nghĩ ra tính từ nào khác phù hợp hơn."

Rồi bỗng cô chuyển chủ đề. "Sách vở có mùi hương thật dễ chịu. Chẳng rõ vì sao mà sách càng nhiều kiến thức thì mùi càng thơm. Anh xem này, anh Tartaglia, nguyên một giá thơm lừng này chỉ toàn sách của Sofia Vasilyevna Kovalevskaya, nữ giáo sư toán học đầu tiên của châu Âu..."

"Cô Hồ, tôi chỉ cần sách âm nhạc mà thôi."

Lần này thì cây chổi lông dừng hẳn lại. Hồ Đào quay sang nhìn Tartaglia từ đầu xuống chân, và cô thấy một người đàn ông tự chủ và quyết đoán, biết rõ bản thân muốn gì và sẽ kiên trì theo đuổi điều đó, không hề lép vế chút nào so với cha cô. Nụ cười trên môi cô đã sớm không còn nữa.

"Đồng chí Tartaglia." Giọng cô chợt hạ xuống, và Tartaglia bỗng cảm thấy lúc này cô ta giống cha mình y xì đúc.

"Nếu anh đơn thuần là ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cha tôi, thì tôi chân thành khuyên anh không nên đến gần người quá."

"Anh biết định luật bất thành văn này mà, phải không? Con người ta mang trong mình bao nhiêu ngưỡng mộ cùng kì vọng đối với thần tượng của mình, cho nên họ chỉ lung linh đẹp đẽ khi ta đứng nhìn họ từ xa. Còn càng lại gần... thì ta càng phải thấy những điều ta không muốn thấy và không muốn tin."

Rồi cô ngừng lại, chờ đợi phản ứng của Tartaglia.

Nhưng tất cả những gì Tartaglia làm là bật cười, với cái giọng âm cổ họng lanh lảnh trẻ trung nghe vừa ngọt ngào vừa sắc cạnh. Hắn ta chẳng e ngại chút nào hết, mà cười như thể coi khinh tất cả mọi thứ trên đời - tất cả, trừ điều hắn muốn.

"Thế nếu tôi không chỉ đơn thuần là ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cha cô thì sao?"

Hắn mang vài cuốn sách âm nhạc đến quầy thanh toán tính tiền. Toàn là tiểu luận, bài giảng của những nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng.

"Cuộc đời tôi, nếu có ai đó chịu khó tóm tắt lại, thì nó gói gọn trong hai chữ 'rủi ro', quý cô à." Giọng nói hắn nghe nhẹ nhàng và bình thản đến lạ lùng. "Rủi ro này tôi cam tâm tình nguyện đón nhận."

Đáp lại hắn, Hồ Đào chỉ đơn giản nói. "Của anh hết 75 rúp."

"Tôi sẽ còn ghé lại hiệu sách, cô Hồ."

"Tuỳ anh."

Hắn xưng "cô Hồ" rất ngọt, rõ ràng là muốn lấy lòng con gái Chung Ly...

Vừa mới ngẩng đầu lên, Hồ Đào đã không còn thấy bóng dáng Tartaglia đâu nữa. Bốn bề hiệu sách thinh lặng, cửa đã đóng tự bao giờ, chuông cửa treo bất động, cứ như thể hắn chưa từng xuất hiện nơi đây. Cô không khỏi cảm thấy hứng thú; hành tung của con người này chẳng khác nào một bóng ma...

Sau khi Tartaglia đã rời đi, chuông nhỏ treo trên đầu cửa hiệu sách còn reo lên mấy lần nữa, báo hiệu một buổi chiều làm việc bận rộn. Lượt khách cuối cùng rời đi cũng là lúc hoàng hôn đã buông xuống. Hồ Đào đang dọn dẹp hiệu sách, chuẩn bị đóng tiệm ra về, thì tiếng chuông cửa lại một lần nữa reo lên.

"Xin lỗi quý khách, hiệu sách giờ này đã đóng cửa"

"Đóng cửa cả với một người cha sao, tiểu Đào Đào?" Một giọng nói thật trầm vang lên bằng tiếng Trung Quốc.

Hồ Đào lập tức buông giẻ lau xuống, lao ra cửa đón, cũng đáp lại bằng tiếng Trung.

"Cha!"

Chung Ly ôm con gái vào lòng, để mặc cho cô bé đánh đu lấy người anh như con khỉ con. Ráng chiều rọi ánh sáng đỏ au vào trong hiệu sách cũ, nhuộm nơi đây trong một thứ màu sắc rất ư là Trung Hoa. Chẳng còn người Nga nào ở cái hiệu sách ngay giữa lòng thủ đô Mát-xcơ-va này nữa, chỉ có hai cha con người Trung Quốc mà thôi. Tiếng khách quê người cũng được bỏ qua một bên, thay vào đó là những cuộc đối thoại thân mật gần gũi bằng tiếng Trung Quốc.

"Con có vẻ thích làm việc ở chỗ này." Chung Ly trầm ngâm nhìn quanh hiệu sách ngăn nắp và gọn gàng, chứng tỏ con gái anh yêu quý và chăm chút nó bao nhiêu. Rồi anh khẽ thở dài. "Bao giờ con mới chuyên tâm vào học nhạc đây?"

Nghe tới học nhạc, Hồ Đào đang tựa cằm lên vai anh bỗng thở "phì" một cái. "Con nói bao nhiêu lần rồi, con không thích học nhạc. Con muốn vào khoa Văn học của Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va. Cha à, con muốn trở thành một nữ văn sĩ, như Virginia Woolf hay Trương Ái Linh."

Nhắc tới văn học, Chung Ly liền hơi nhăn mặt. "Con muốn làm nữ văn sĩ à... Ừ thôi thì cũng..."

"Đi mà..."

"Chúng ta sẽ phải bàn lại chuyện này. Dù sao con cũng 17 tuổi rồi."

"Được thưa cha." Cô thản nhiên nói. "Mà cha có biết ai vừa mới ghé hiệu sách này không? Là cái anh chàng Tartaglia đó đấy. Anh ta đến mua toàn sách âm nhạc."

Ngón tay đang nhẹ lướt dọc dãy sách của Chung Ly chợt ngừng lại.

"Sách âm nhạc à..." Anh thở dài. "Cái cậu bé này..."

"Anh ta có vẻ không giống những người khác - ý con là những người đến nhìn vào mắt cha cũng chẳng dám nhìn ấy."

"Không, cậu ấy không giống."

"Điều này sẽ kéo dài chứ? Cha có thể giữ anh ấy lại không?"

Chung Ly mân mê gáy cuốn tiểu thuyết mang tựa đề "Trái tim máu" trong bàn tay, một nụ cười mơ hồ, thậm chí là hơi tàn nhẫn cong lên sau những lọn tóc đen rủ xuống hai bên má.

"Sao lại không? Ta có thể mê hoặc một đám đông hàng nghìn người chỉ bằng một cây vĩ cầm, nói gì đến một chàng sĩ quan?"

Hồ Đào lẳng lặng đoạt cuốn sách khỏi tay cha cô, cất lại vào giá sách.

"Cha lại đang viết nhạc phải không?"

"Ừ, cũng lâu rồi ta không sáng tác... Ta đang soạn ra một Suite (3), lấy chủ đề Tình yêu."

(3) Suite (Tổ khúc) là một bộ các tác phẩm khí nhạc được sắp xếp theo thứ tự nhằm để biểu diễn riêng một mạch.

Tình yêu? Nhưng người chưa từng yêu, làm sao để lấy cảm hứng sáng tác?

Rủi ro này tôi cam tâm tình nguyện đón nhận, chàng sĩ quan tóc hung mắt xanh biếc đó đã nói với cô như vậy.

Cặp mắt nâu của của Hồ Đào hơi nheo lại - À, thì ra là thế...

"Cha à, tối nay ta đừng về nhà nữa, ra ngoài ăn tối đi. Con biết có một nhà hàng làm món Cheburek (3) rất ngon ở đường Pankratyevksy."

(3) Cheburek là món ăn truyền thống của dân Tartar vùng Crimea, trước đây thuộc Liên Xô. 

"Được. Nhưng tối mai là phải ở nhà đấy. Mai là ngày giỗ của ông nội con."

"Con biết rồi..."

Hồ Đào tắt đèn, đóng cửa hiệu sách và khoá lại. Rồi hai cha con, một người đàn ông cao lớn thanh lịch và một cô thiếu nữ dung dăng dung dẻ, cùng bước đi trong ánh đèn đường phố đang lần lượt sáng lên... 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro