G. T. Holst: "Người Bí Ẩn"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Người Bí Ẩn" là một tác phẩm trong tổ khúc "Những hành tinh" của nhà soạn nhạc người Anh G. T. Holst. Bản nhạc được sáng tác với sự lạ lùng, khó hiểu, khiến chính nhà soạn nhạc mô tả ông đã rùng mình khi viết nó ra. 




Trong thời gian dài tiếp theo, những lẵng hoa hồng trắng kèm bức thư bằng tiếng Trung luôn luôn được gửi tới phòng của Chung Ly sau mỗi buổi diễn của anh, lần nào lá thư cũng chỉ đề biệt danh "Một chiến binh Hy Lạp". Hồng trắng đẹp đến nỗi khiến các nữ nghệ sĩ phải xuýt xoa - búp hồng nào cũng to, cánh hoa dày dặn mịn màng, xếp thành tầng tầng lớp lớp, toả hương êm dịu, lúc nào cũng được gửi đến trong trạng thái còn tươi nguyên, chứng tỏ người tặng đã bỏ ra không ít tâm tư vào đó. Nếu chỉ gửi một, hai lần thì không ngạc nhiên, đằng này mỗi khi biểu diễn xong, mọi người đánh mắt về phía phòng nghỉ của Chung Ly, để rồi trông thấy một lẵng hồng trắng lặng thinh ở đó tự bao giờ, nằm trên bàn một cách ngay ngắn và trắng phau.

Đó là một cô gái! - Người ta bàn tán. Có thể là người tình của Chung Ly chăng? Nhưng rồi ai đó lại phản bác - Không thể là phụ nữ được! Rõ ràng thư đề tên "chiến binh Hy Lạp" kia mà. Nhưng chẳng lẽ phụ nữ không thể làm chiến binh được ư?... Ngoài biệt danh của người hâm mộ tặng hoa hồng trắng, họ không được biết gì về nội dung thư, cho nên chẳng thể phỏng đoán xa hơn được nữa. Vài người đã cố ý canh me để bắt quả tang người tặng hoa, nhưng kẻ đó xuất quỷ nhập thần, hành tung bí ẩn như "Bóng ma trong Nhà hát Opera", không có cách nào bắt thóp được. Và thế là chủ nhân của lẵng hoa và bức thư vẫn được bao quanh bởi tấm màn bí ẩn.

"Ô! 'Chiến binh Hy Lạp' đã đi đánh trận về rồi đấy à!" Vài nghệ sĩ cánh violin tủm tỉm cười mỗi khi trở về từ sân khấu và trông thấy lẵng hoa quen thuộc. "Không biết đã hạ được quân Ba Tư nào chưa mà đã vội vàng gửi hoa tặng người ta rồi!"

Ngỡ rằng hoa hồng trắng chỉ được gửi tới nhà hát Bolshoi ở Mát-xcơ-va, ai mà ngờ được, khi Chung Ly đi diễn ở thành phố Leningrad và Kyiv vẫn xuất hiện những bông hoa hồng! Hoa hồng trắng rải theo dấu chân âm nhạc của Chung Ly khắp các thành phố lớn ở Liên bang Xô Viết, tựa như tấm lòng nhiệt thành và bền bỉ của người chiến binh Hy Lạp...

Về phần Chung Ly, họ không thấy anh biểu hiện gì đặc biệt ra bên ngoài, nhưng vẫn biết anh trong lòng rất đỗi trân trọng bức thư và lẵng hoa. Trên thực tế, anh trân trọng tất cả những món quà mà người hâm mộ tặng anh và coi chúng quý giá như nhau. Một lần, sau buổi biểu diễn bản Concerto số 2 của Prokofiev tại Bolshoi, vài người thấy anh đứng một mình trước lẵng hoa với lá thư trên tay, hàng mày cau lại trên gương mặt nghiêm cẩn tựa hồ như rất đăm chiêu...

"Chiến binh Hy Lạp" dường như sẽ không từ bỏ ý định tặng hoa cho Chung Ly, mà cứ đều đặn gửi hoa và thư tới. Dù không rõ đối phương là ai, cũng chưa từng gặp mặt qua bao giờ, giữa họ dần hình thành một liên kết vô hình nào đó... Cho đến một ngày, Chung Ly quyết định rằng không thể làm thinh mãi, anh bèn viết một lá thư hồi đáp đặt ngay ở vị trí lẵng hoa hồng thường được gửi tới. Xong xuôi, anh vuốt phẳng lại bộ dạ phục, chuẩn bị cho buổi hòa nhạc sắp bắt đầu...

"Mau khai ra nhanh lên nào, để tối nay tôi còn đi Bolshoi xem hoà nhạc chứ." Tartaglia lấy tay vỗ vỗ lên má tên gián điệp bại lộ đang bị trói dưới hầm. Y khạc một ngụm máu đỏ lòm xuống đất, nhìn hắn gầm gừ.

Tartaglia cúi xuống xem đồng hồ đeo tay. Đồng hồ điểm 7 giờ tối. Hàng lông mày đỏ au lập tức cau lại không hài lòng - Buổi biểu diễn đã bắt đầu, xem ra hắn trễ mất rồi...

Hắn bèn rút bộ đàm từ trong túi, bỏ ra ngoài ban công bắt tín hiệu.

"Đồng chí Yuri, Tartaglia đây. Anh vừa tình cờ tóm được hai gã mật thám NATO (3) lởn vởn ở Đại sứ quán Trung Quốc, đang nhốt dưới hầm. Cậu ra đây xử lí nốt vụ này đi." Tartaglia ngừng một lúc, lại nhớ ra rằng Yuri còn quá trẻ, tuổi nghề còn ít, vẫn chưa quen với bóng tối đẫm máu sặc mùi bạo lực của giới tình báo. "Không, gọi đội khác ở Tổng cục II tới đây. Cậu ở yên đó. Cái gì? Hai tên mật thám này ấy hả? Liếc qua thì anh đoán là tép riu thôi, hai mắt xích của một đường dây lớn... Phải ép chúng khai ra bằng được kẻ đứng đầu đường dây, nếu không sợi xích của chúng sẽ thít lấy trái tim Mát-xcơ-va..."

(1) NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) là tổ chức được thành lập năm 1949 bởi Mỹ, Canada và một số nước Tây Âu nhằm chống lại Liên Xô, làm gia tăng sự đối đầu căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh.

Khi người ở Tổng cục II đã tới, hắn bèn kiếm một nhà vệ sinh công cộng, chỉnh đốn lại quần áo tóc tai... Trước khi bước vào nhà vệ sinh, hắn mang dáng vẻ lôi thôi lếch thếch của một gã sĩ quan tình báo vừa gô cổ hai kẻ phản gián; giờ đây, khi bước ra khỏi nhà vệ sinh, ta thấy một quý ông Mát-xcơ-va gọn gàng và nhàn hạ đang chuẩn bị đi xem hòa nhạc... Cứ như thể cái buồng vệ sinh công cộng nhếch nhác nọ là tủ quần áo thần kì.

Buổi hòa nhạc hôm đó vẫn như bao buổi hòa nhạc trước hắn từng tham dự. Chung Ly vẫn đứng đó, vẫn xinh đẹp một cách siêu thực như thế, tiếng đàn vẫn như dung nham nóng chảy, khiến trái tim người nghe phải bỏng rát... Hắn nhân cơ hội cả nhà hát đang đắm chìm trong âm nhạc, thừa cơ ẩn mình sau cánh gà, bí mật đặt lẵng hoa hồng trắng trước cửa phòng nghỉ của Chung Ly như mọi lần...

Không, lần này không như mọi lần.

Bởi vì hắn thấy ở ngay nơi thường để lẵng hoa hồng trắng... một phong thư.



Кому, чьи письма и белые розы

Если не возражаете, пожалуйста, встретимся в 8 часов послезавтра в доме № 5 по Петровскому проспекту.

Чжун Ли.

Gửi chủ nhân của những lá thư và hoa hồng trắng,

Nếu không phiền, 8 giờ sáng ngày kia hãy gặp tôi tại nhà số 5, đại lộ Petrovsky.

Chung Ly.

Tartaglia gấp lá thư lại, cẩn thận cất gọn vào trong vạt áo, tiếp tục lái xe.

Hàng đoàn xe hơi chạy bon bon trên đường phố Mát-xcơ-va, bóng xe ngày càng kéo dài theo ánh bình minh đổ. Chạy song song với làn xe cộ và những con tàu điện nhỏ xình xịch, qua cửa kính tàu có thể lờ mờ trông thấy những gương mặt tuy còn ngái ngủ nhưng đầy phấn chấn của các công nhân. Lá cờ đỏ chói đang dần được kéo cao lên. Một ngày làm việc mới.

Tartaglia phanh xe lại trước một ngã tư, để cho một đoàn người băng qua đường. Đó là một nhóm nữ sinh khoảng 13, 14 tuổi, dẫn đầu bởi một cô giáo. Các nữ sinh đều để tóc gọn gàng, mặc đồng phục chỉn chu, khăn quàng đỏ chói trên ngực, lần lượt bước đi theo lề lối thẳng hàng. "Bảo tàng Pushkin ở hướng này, các em!", và thế là các cô nhanh nhẹn theo chân cô giáo. Nắng bình minh làm bừng sáng lên những mái đầu rực rỡ.

Một vài nữ sinh đã trông thấy Tartaglia cách một lớp kính xe hơi. Dung mạo hắn bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi vậy mà các cô kéo tay nhau liếc về phía hắn, khúc khích cười. Cử chỉ này khiến hắn phải tháo kính râm xuống, trừng mắt nhìn - Đám trẻ con thời nay bị cái gì thế! Bọn chúng mấy tuổi, còn hắn thì đã bao nhiêu tuổi rồi?

Nhưng rồi hắn bỗng nhớ tới lá thư nóng hổi đang nằm yên trong ngực, tới lí do vì sao sáng nay hắn lại lái xe đi. Cuối cùng hắn mỉm cười tự giễu - Mình có khác gì chúng nó đâu...

Mát-xcơ-va. Không rõ người chụp, năm 1953.

Con xe Volga GAZ lại tiếp tục chuyển bánh, không hề dừng lại lần nào nữa cho đến khi tới ngôi nhà số 5, đại lộ Petrovsky như được ghi trong thư. Đó là một căn đầu hồi ba tầng kiểu cổ, dây leo vàng hoe phủ kín một mảng tường, nằm tương đối khiêm tốn bên vệ đường trồng đầy cây ngân hạnh.

Tartaglia liếc nhìn đồng hồ đeo tay, 7 giờ 59 phút. Theo tác phong đúng giờ khó bỏ của sĩ quan, khi kim đồng hồ chỉ đúng 8 giờ, hắn nhấn chuông cửa. Nhấn ngòi kích nổ cũng không làm hắn hồi hộp như nhấn cái chuông cửa này. 

Tiếng chuông ngân vang dội vào trong lồng ngực hắn, càng khiến cho trái tim càng đập mạnh như cánh chim hoảng hốt...

Sau cánh cửa gỗ sồi vang lên tiếng bước chân khe khẽ. Tartaglia nhíu mày; nghiệp vụ điệp viên nói cho hắn biết, đây không phải tiếng bước chân của đàn ông, mà là...

"Cho hỏi anh là...?"

Một giọng tiếng Nga chưa được tròn vành rõ tiếng lắm cất lên. Đứng trước ngưỡng cửa là một cô gái Trung Hoa rất trẻ, vận đầm đen toàn thân. Trên mái tóc nâu óng là một cây kẹp tóc gắn những bông hoa mộc qua màu thạch lựu, đặc biệt cô ta có một bộ móng tay dài, đen sì và được tỉa tót rất kĩ, một bộ móng quá già dặn so với khuôn mặt trẻ trung của cô. Trông cô ta rất gothic, thậm chí là hơi lập dị. Ánh mắt cô nhìn Tartaglia cho thấy chủ nhân của nó rất sắc sảo, thậm chí là tinh quái. Phản ứng đầu tiên của Tartaglia khi trông thấy cô là điếng người - Lẽ nào anh ấy thực sự đã có gia đình riêng?...

"Tôi đến đây theo hẹn." Hắn rút lá thư trong vạt áo ra, chìa trước mặt cô gái. Cô ta lắc đầu, cười khúc khích, che miệng bằng bàn tay sơn móng đen.

"Tôi hỏi anh là ai, chứ có hỏi anh đến đây làm gì đâu?"

Tartaglia nhướn mày. "Tốt thôi, thưa tiểu thư, phiền cô hãy nói lại với anh Chung Ly là có một chiến binh Hy Lạp tới ghé thăm."

Thiếu nữ nhìn hắn đăm chiêu. "Anh là người Hy Lạp thật à?"

"Đúng rồi, tôi thích uống rượu nho, cha tôi là Zeus, còn tôi là Alexander Đại đế. Giờ thì cô có thể chuyển lời tới anh Chung Ly giúp tôi được không?"

Cô ta không trả lời hắn mà vẫn kiên trì với chủ đề của mình. "Nếu anh là người Hy Lạp, vậy nói thử đôi ba câu tiếng Hy Lạp cho tôi nghe đi."

"Eísai ikanopoiiménos tóra?" (Giờ thì cô đã vừa lòng chưa?)

"Naí, naí!" (Rồi, rồi!) Dường như hiểu được hắn nói gì, cô bèn mau mắn đáp lại bằng tiếng Hy Lạp, hai mắt bừng sáng như bắt được vàng.

"Kalós. Kai min xechnáte to aítimá mou, kyría." (Tốt. Và đừng có quên yêu cầu của tôi đó, quý cô.)

Giờ thì gương mặt cô gái bỗng ngẩn tò te; có vẻ trình độ nghe hiểu tiếng Hy Lạp của cô chỉ đến đây là tắc tị.

"Thôi được, tôi tạm coi như anh đúng thật là người Hy Lạp." Cô ta lại nói bằng tiếng Nga. "Trông anh có vẻ giống một vị thần nào đó trong thần thoại Hy Lạp, tóc đỏ chói và mắt biếc xanh - Ares thì phải. Nhưng mà anh đến không đúng lúc rồi. Người anh muốn gặp đang không ở đây, mà đang tập đàn ở công viên nhỏ cách đây hai con phố."

Với một người có khả năng "nhìn qua là nhớ" như Tartaglia, đây là lần đầu tiên hắn phải giở một lá thư ra đến lần thứ mười để chắc chắn mình không đọc nhầm. 8 giờ sáng, đại lộ Petrovsky. Không có gì nhầm lẫn ở đây cả. Vậy thì đúng giờ hẹn sao anh ta không ở đây mà lại chạy đi nơi khác tập đàn? Tính ẩm ương của giới nghệ sĩ là thế này ư?

Sau 15 năm đằng đẵng mới được gặp lại anh, cộng thêm một thời gian dài âm thầm gửi tặng hoa hồng trắng, bao nhiêu mong mỏi chờ đợi dồn nén đến không thể chịu nổi... Để rồi đến lúc được gặp nhau, anh ta lại... không ở đây. Anh ta là Triệu Vân của hắn, chứ đâu phải Gia Cát Khổng Minh mà Lưu Bị ba lần lên núi đều không gặp được?

"Công viên mà cô nói nằm ở chỗ nào?" Hắn nén giận hỏi.

Theo chỉ dẫn của cô gái Trung Hoa, Tartaglia lái xe đến một công viên nhỏ nằm cách đại lộ Petrovsky đúng hai dãy phố.

Đây không chỉ là công viên, mà còn là đài tưởng niệm chiến tranh. Đài tưởng niệm những binh lính Nga đã ngã xuống trong Chiến tranh Nga - Nhật 1904-1905.

Có hai trận chiến ở Mãn Châu, Trung Quốc mà người Nga không bao giờ quên, đó là Chiến dịch Mãn Châu năm 1945 khi Hồng quân Liên Xô đại thắng trước Đế quốc Nhật, và Trận Mãn Châu diễn ra 40 năm trước đó khi Đế quốc Nga đại bại trước Đế quốc Nhật. Một thời kì tăm tối... Sa hoàng bấy giờ vẫn thống trị Đế quốc Nga, và chịu trách nhiệm cuốn nước Nga vào vòng chiến với Nhật để rồi cuối cùng thất bại cay đắng. Tartaglia vẫn còn nhớ Pulcinella đã từng nói: "Những viên đạn của Nga hoàng năm 1905 không chỉ bắn vào đoàn biểu tình hòa bình, mà là bắn vào cả nước Nga."

Hắn đậu xe vào trong công viên, đúng lúc động cơ xe vừa tắt thì hắn thoáng nghe thấy tiếng vĩ cầm. Hẳn là Chung Ly đang kéo đàn đây. Hắn bèn men theo tiếng vĩ cầm mà đi. Càng đi, tiếng đàn càng vang to và rõ hơn... Cho đến khi nó đủ rõ để hắn nắm bắt được giai điệu, hắn liền sững người.

Không ai trên đời rõ giai điệu này hơn hắn. Sao mà rõ hơn hắn được, khi mà hắn đã nhẩm đi nhẩm lại hàng bao nhiêu lần, và cũng chừng ấy lần hắn nghe thấy giai điệu trang nghiêm và âm trầm ấy trong mơ?

Có phải hay không, bản "Trên núi đồi Mãn Châu"?

Và kia là người hắn đang tìm, đứng kéo đàn dưới chân tượng đài chiến tranh Nga - Nhật. Hắn ngỡ ngàng tháo kính râm xuống, đứng sững ra, không thốt được thành lời.

Bấy giờ đang là độ đẹp nhất của mùa ngân hạnh. Cả bầu không gian được dệt nên bởi những giấc mộng vàng, vàng đến độ làm mòn mỏi con mắt, đặt tâm trí ta chơi vơi giữa thực tại và mộng ảo. Gió lạnh đầu mùa nhuốm theo hơi may ào ạt thổi qua, chớp mắt cả thế gian xào xạc rung động...

Dưới hàng ngân hạnh Mát-xcơ-va, Chung Ly đứng đó ôm cây đàn nâu nhỏ, đẹp như trong bức tranh "Mùa thu vàng" của Levitan.

Vóc người anh cao lớn, dưới chân đài tưởng niệm dáng đứng của anh hệt như một pho tượng uy nghi mà đẹp đẽ. Lá vàng khô reo quanh nơi anh đứng, cùng với tiếng đàn tạo thành một bản hoà ca của thiên nhiên và con người. Mỗi lần lá vàng cuộn bay, đến cả gió cũng như được nhuộm vàng. Đó hoàn toàn chẳng phải sắc vàng tươi mới, chói mắt như ta vẫn nghĩ, mà là một sắc vàng tĩnh lặng và nghiêm cẩn.

Hai mắt Chung Ly nhắm nghiền, hàng lông mày hơi cau lại. Cây vĩ cầm ngả đầu lên bờ vai rộng của anh, tay áo sơ-mi được xắn cao, để lộ bắp tay săn chắc, di chuyển nâng lên hạ xuống trong những chuỗi động tác mềm dẻo, để rồi từ cây vĩ mà âm nhạc tuôn chảy, hùng tráng nhưng trầm buồn. Những nốt nhạc của anh có độ kết dính bền chặt, dù kéo giãn tới mức nào cũng không rời rạc, lại được nhấn nhá uyển chuyển bằng những lần ấn vĩ táo bạo mà không kìm lại sức rung tự nhiên của cây đàn. Ngón tay anh lướt đi thật nhanh, đến độ những âm phô hoàn toàn lặn mất tăm dưới những đầu ngón tay thanh mảnh xinh đẹp. Cằm anh tì lên đàn, đầu ngả xuống như đang chăm chú lắng nghe... Âm nhạc của anh như một sinh vật sống và có sức quyến rũ đáng kinh ngạc. Hơi thở của nó phả vào từng khóm cây ngân hạnh, khiến cho chúng rùng mình sống dậy và đung đưa theo tiết tấu waltz như được yểm phép màu... Một phép màu được tạo ra từ đôi bàn tay trắng gầy, một phép màu buồn man mác và đầy hoài niệm...

Тихо вокруг, ветер туман унёс,

На сопках маньчжурских воины спят

И русских не слышат слёз.

Đây đó lặng im, gió thổi mù sương xa mãi,

Trên núi đồi Mãn Châu, bao chiến binh đang say ngủ

Nào đâu nghe thấy những giọt nước mắt Nga?

Tartaglia đứng nhìn cây cối và lá vàng nhảy điệu waltz trên nền của bản nhạc đã trở thành một phần linh hồn hắn, đứng nhìn Chung Ly tạo ra thế giới của riêng anh và cả của hắn chỉ bằng cây đàn vĩ cầm. Hơi thở của hắn nghẹn lại nơi cổ họng, bởi vì e rằng chỉ cần một hơi thở mạnh thôi, tất cả vẻ đẹp huyền diệu trước mắt hắn đây sẽ tan biến như một cơn giật mình làm sực tỉnh mộng.

Пусть гаолян вам навевает сны,

Спите герои русской земли,

Отчизны родной сыны.

Hãy để hàng cao lương ru người vào giấc ngủ

Ngủ trong an bình, những người hùng của đất Nga

Những người con yêu dấu của Đất Mẹ Nga.

Hắn đang nghe thấy gì đây?

Một tiếng hát.

Tiếng hát vọng về từ cõi xa vắng, với những âm Nga chưa hoàn chỉnh, lồng lên trên tiếng đàn vĩ cầm, trộn lẫn, chồng chéo vào nhau. Tiếng hát từ xưa rất xưa đến nỗi nó nửa rõ nửa nhoè, đâu chừng như 15 năm về trước. Giọng hát đó quyến rũ hắn, đè trĩu lên mi mắt hắn sức nặng của hồi ức. Không, giọng hát này quá dịu dàng để là tiếng hát thông thường, mà phải là lời hát ru...

Em đã suýt quên mất, anh đã từng hát hay đến thế nào... Chung Ly.

Đến tận khi tiếng vĩ cầm đã ngừng lại, hắn vẫn còn nghe thấy tiếng hát ru ngân nga trong đầu. Hắn bước lại gần anh, bước lại gần cái sinh vật đẹp đẽ nhưng đáng sợ kia, cố phá tan tấm màn huyền ảo phủ lên thực tại và hồi ức do anh giăng ra. Gót giày hắn nghiến rào rạo lên thảm lá ngân hạnh.

"'Trên núi đồi Mãn Châu' là bản nhạc Nga đầu tiên tôi từng nghe." Đột nhiên, Chung Ly cất tiếng.

Ở đây ngoài hai người ra thì chẳng còn ai khác, nên hắn đoán là anh đang nói với hắn, mặc dù mắt anh vẫn đang đăm đăm nhìn đài tưởng niệm chiến tranh. Anh nói bằng thứ tiếng Nga lưu loát và dịu dàng.

"Tình cờ nghe được những người Nga hát đi hát lại bản nhạc này trong một quán rượu ở Paris, lúc đó tôi đâu hiểu họ hát gì. Sau này khi được học tiếng Nga và nghe lại bài hát đó, tôi lại càng khó hiểu hơn nữa: vì sao những người Nga đó phải canh cánh mãi trong lòng một cuộc chiến đã trôi qua từ rất lâu về trước?"

Tartaglia không nói gì, chỉ im lặng nghe anh nói.

"Cho đến khi đã sống ở Liên Xô được một thời gian, tôi mới dần dần hiểu ra phần nào tâm tính của người dân Nga." Anh nói tiếp, nhìn lên đài tưởng niệm bằng ánh mắt xa xăm và khó đoán. "Dường như đối với phần lớn người Nga, thái độ với chiến tranh, thái độ đối với hành vi của con người trong chiến tranh, đối với những mất mát và khổ đau, đã trở thành thước đo phẩm giá con người. Họ muốn quá khứ được nhìn nhận một cách nghiêm khắc, không một nét tô hồng - đặc biệt là trong thời bình, khi con người ta không có cảm quan trực tiếp về chiến tranh, họ lại càng nghiêm khắc để bản thân không được phép quên. Đó chính là lí do những đài tưởng niệm như thế này mọc lên."

Nó vẫn không thể bào chữa cho việc anh không xuất hiện đúng giờ hẹn, Tartaglia ngang bướng nghĩ. Nhưng hắn vẫn bước lên bên cạnh anh, trang nghiêm đứng trước đài tưởng niệm và chào theo kiểu quân đội.

Bên cạnh hắn, khoé môi Chung Ly nhếch lên thành một nụ cười.

"Thì ra là một sĩ quan." Bấy giờ anh mới nghiêng đầu sang nhìn hắn. "'Chiến binh Hy Lạp' không chỉ là một mật danh, mà thực sự là một chiến binh."

Tartaglia nheo lại cặp mắt xanh đẹp chết người. "Không những vậy còn là một chiến binh rất đỗi say mê âm nhạc của anh đó, đồng chí Chung Ly." Hắn nói với anh bằng tiếng Trung Quốc.

Nghe thấy tiếng cố hương ở trên môi một người Liên Xô, đôi mắt Chung Ly mở lớn. Trông anh hơi ngỡ ngàng.

"Cậu không chỉ thạo viết bằng tiếng Trung, mà còn thực sự nói được tiếng Trung." Anh vẫn đáp lại bằng tiếng Nga. "Thật kì lạ khi cậu nói ngôn ngữ của tôi, tôi nói ngôn ngữ của cậu, và chúng ta vẫn hiểu được nhau."

Tartaglia bật cười, tiếp tục nói bằng tiếng Trung Quốc. "Anh Chung Ly có muốn chúng ta giữ kiểu nói chuyện này không? Tôi tin rằng tiếng Trung của mình đủ giỏi để trò chuyện với anh đến chừng nào anh muốn."

Chung Ly không đáp gì, thay vào đó anh lặng lẽ quan sát hắn với vẻ mặt đăm chiêu. Khi nhìn vào khuôn mặt anh, câu đầu tiên bật ra trong đầu người ta là "Đẹp quá!", và câu thứ hai là "Đáng sợ!" Không giống Tartaglia, người có khuôn mặt xinh đẹp như một con búp bê Nga, dung mạo Chung Ly lại mang cái đẹp đi đôi với dữ dội. Có lẽ là bởi đường nét góc cạnh của gương mặt, bởi đôi mày kiếm và khoé mắt sắc như được mũi dao chạm nên - đặc biệt là cặp mắt màu hổ phách kì dị với viền mắt đỏ tươi tạo nên cái vẻ sơn son thếp vàng của những cung điện đền đài Bắc Kinh - khiến cho diện mạo Chung Ly tuy đẹp đẽ mà trông hơi ghê gớm, dữ dằn.

Nhưng chỉ cần nhìn vượt qua cái vẻ gai góc dữ dội ấy và nhìn lâu thêm chút nữa... ta sẽ thấy nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh được người người ca tụng ấy có một đôi mắt thật buồn. Một cái gì đó rất riêng tư và kín đáo lẩn khuất sau hết thảy sắc nhọn.

Tartaglia chính là kẻ nhìn thấy được điều đó ở anh, và nó đã gần như bóp chết tim hắn.

"Này chiến binh Hy Lạp, tôi nên gọi cậu là gì đây?"

"Tartaglia, đó là tên tôi." Hắn không nhìn vào mắt anh nữa mà ngoảnh đi nơi khác.

"Kì lạ... Kì lạ..." Chung Ly lặp lại thêm vài lần, trầm ngâm. "Một chiến binh Hy Lạp tự xưng, nói và viết bằng tiếng Trung Quốc, thực chất là người Nga, nhưng lại có tên tiếng Ý."

"Cậu làm tôi... hơi bối rối." Anh lẩm bẩm.

"Vậy hử? Thế anh có biết điều gì gây bối rối hơn thế không?" Hắn hỏi anh bằng giọng êm ái.

Chung Ly hơi cau mày lại. Dường như anh đã bắt đầu nhận ra chàng trai Tartaglia trẻ này đang không vui.

"Điều gây bối rối hơn là, có một người hâm mộ nọ rất say mê tiếng đàn của anh, đúng 8 giờ sáng nay đến gõ cửa nhà anh tại số 5 đại lộ Petrovsky như đã hẹn trong thư, nhưng anh lại không hề ở đó. Cậu ta đã phải đi đến địa chỉ khác để tìm anh với giờ hẹn đã muộn, và cậu ta đã tình cờ may mắn được nghe một bản nhạc rất xúc động... nhưng vẫn không nhận được lời giải thích nào."

Môi Chung Ly mím chặt thành một viền, hai mắt mở lớn, hoàn toàn không ngờ được và không chuẩn bị để tiếp nhận tình huống này. Tartaglia tiếp tục nói, nụ cười đã bắt đầu nhuốm hơi lạnh.

"Đây là buổi hẹn đầu tiên giữa tôi và anh, đồng chí Chung Ly." Cặp mắt xanh vô cảm như mắt búp bê xoáy chặt vào Chung Ly, hơi thở lạnh băng. "Tôi cảm thấy rất khó hiểu, vì sao một người có thể tạo ra những thanh âm mãnh liệt và giàu cảm xúc như anh đây lại lạnh lùng tới mức hoàn toàn ngó lơ buổi gặp mặt hẹn trước với người khác, không những thế còn chẳng cảm thấy chút áy náy nào vì đã cho người ta leo cây. Thiết nghĩ dù là nghệ sĩ nổi tiếng hay người vô danh, thì đều phải có sự tôn trọng đúng mực."

Giọng nói của hắn như có gai nhọn, tuy ngữ điệu vẫn trong trẻo và bình thản. Hắn đã giận lắm rồi đây. Nhưng Chung Ly không có tâm thế đối mặt với cơn giận của người mới gặp lần đầu. Anh nghiêng đầu đi, không nhìn hắn nữa, mà chỉ nhẹ nhàng nhưng lạnh lùng nói một câu.

"Chúc buổi sáng tốt lành, đồng chí Tartaglia."

Và rồi anh ôm cây vĩ cầm rời đi mất.

Bị bỏ lại một mình dưới chân đài tưởng niệm trong rừng ngân hạnh, Tartaglia rút bao thuốc trong túi, châm một điếu. Lá ngân hạnh giờ đây chỉ còn là... lá ngân hạnh. Hết thảy những mộng ảo huyền bí đã theo gót chân người tên Chung Ly kia mà biến mất.

Điếu thuốc chưa tàn được một nửa, hắn thấy có một bóng người bước tới. Đó là cô gái gothic người Trung Hoa hắn gặp ở nhà Chung Ly vừa nãy, mái đầu tóc nâu đội một chiếc mũ beret nhỏ. Cánh tay cô khoác theo giỏ đồ mua sắm - phô mai, củ cải và rất nhiều hoa lily. Trông cô có vẻ hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy hắn.

"Lại là anh!" Cô thốt lên.

"Ừ, lại là Ares đây." Thấy cô đi tới, hắn lập tức bỏ điếu thuốc lá xuống.

"Thôi nào, lúc đó tôi chỉ đùa thôi, anh đừng để bụng đấy." Cô ta cười khanh khách. "Chà, tôi vừa đi mua sắm, nghĩ rằng hai người đang ở đây nên tiện ghé qua, ai ngờ lại thấy nghệ sĩ yêu thích của anh đi về hướng ngược lại."

Hai mắt cô nheo lại nhìn Tartaglia, giọng hạ xuống đầy tinh quái.

"Có vẻ như ai đó vừa bị giận rồi thì phải..."

"Phải đấy, chồng cô đang giận tôi đến mức không thèm nói gì mà bỏ đi luôn." Hắn chán nản và buồn rầu đáp, dùng mũi giày dí tắt điếu thuốc.

"Chồng tôi...?" Cô gái ngạc nhiên đến nỗi suýt đánh rơi cả giỏ đồ. "Anh bạn thân mến, anh nhầm to rồi. Người đó là cha tôi." Rồi dường như sợ đối phương thắc mắc vì sao Chung Ly lại có đứa con gái lớn đến thế (quả là thắc mắc thật, vì một bên lông mày của Tartaglia bỗng dựng ngược lên), cô ta bèn lật đật bổ sung. "Con gái nuôi. Người nhận nuôi tôi từ khi tôi còn ẵm ngửa cơ. Nhân tiện, tên tôi là Hồ Đào."

Rồi cô chìa một tay không cầm giỏ đồ ra. "Tartaglia." Hắn xưng tên và bắt tay cô, mặc dù hắn vẫn còn chưa hết sững sờ.

Là Hồ Đào đấy ư? 15 năm đã trôi qua, đứa trẻ đó đã lớn thế này rồi sao?

Hồ Đào đặt giỏ đồ xuống, nhìn theo hướng Chung Ly vừa đi khuất mà thở dài.

"Chuyện lần này xuất phát từ cha tôi, phải không? Tôi cũng không rõ là người đãng trí hay cố tình nữa... Thỉnh thoảng người cũng đãng trí thật, như quên lịch trình hay quên mang tiền chẳng hạn. Mà cũng rất có thể là người cố tình... Đừng nhìn tôi bằng ánh mắt đó, đồng chí Tartaglia. Đến tôi cũng chẳng hiểu nổi vì sao người làm vậy đâu."

Tartaglia mỉm cười. "Cô có đúng là con gái anh ấy không thế?"

"Sao lại không?... Dù là con gái người, tôi vẫn phải thừa nhận, cha tôi là một người... không phải ai cũng chịu nổi."

Hồ Đào nói điều đó với vẻ thản nhiên, như thể đó là sự thật không sớm thì muộn cũng phải chấp nhận.

"Người dễ khiến kẻ khác si mê... chứ không hề dễ yêu."

Vừa nói, cô vừa lắc đầu, khiến cho những lọn tóc nâu nhung mượt khẽ khàng đung đưa. Tartaglia không nói gì, chỉ đăm đăm nhìn hàng cây ngân hạnh đang trút lá xuống. Có gì đó khiến hàng lông mày hắn cau chặt lại, suy nghĩ rất lung...

"À! Đúng rồi!" Cô chợt giơ một ngón trỏ lên. "Vừa nãy tôi có gặp cha tôi đi về hướng ngược lại. Người bảo tôi bao giờ gặp anh chàng tóc hung trong công viên thì đưa cho anh ta một nhành hoa lily."

Cô rút một nhành lily trong giỏ đồ, nhét vào tay Tartaglia. Hai mắt hắn trợn trừng nhìn nhành hoa thơm lừng trong tay.

"Nghĩ đi nghĩ lại thì... cũng không khó yêu lắm nhỉ?" Đôi mắt nâu của cô ta hấp háy nhìn hắn đầy ý nghĩa, rồi thoáng chốc cô đã nhảy chân sáo rời đi, thảm lá ngân hạnh vàng óng xào xạc dưới chân cô.

"Con bé kì quặc!" Tartaglia lẩm bẩm.

Lại một lần nữa, hắn bị bỏ lại một mình dưới chân đài tưởng niệm, cảm giác như vừa bị hai cha con người Trung Hoa nọ chơi cho một vố. Đây là một cảm giác rất hiếm hoi, rất quái gở đối với một sĩ quan tình báo lúc nào cũng chỉ toàn đi lừa kẻ khác và dễ dàng lọt qua mạng lưới tai mắt dày đặc của phe địch như hắn, làm hắn phải nghiêm túc suy nghĩ lại toàn bộ sự nghiệp ở KGB của chính mình.

Và ban đêm của cái ngày gặp mặt kì lạ ấy, Tartaglia đã không thể ngủ được. Hắn đã khoác áo chạy bộ 10 vòng quanh khu phố ngay giữa đêm hôm khuya khoắt, đến độ bị cảnh binh chặn lại vì nghi ngờ là trộm. Chả có lẽ nào! Chả có lẽ, nhà tù của FBI chưa bao giờ nhốt nổi hắn, nhưng giờ hắn đang có nguy cơ phải vào nhà tù tổ quốc vì tội danh hắn không hề phạm phải... Khi trở về nhà và đặt lưng lại lên giường, hắn vẫn không thể chợp mắt.

Anh ta khiến hắn không thể ngủ nổi. Chính anh ta, cái con người tên Chung Ly ấy. Mà đây cũng chẳng phải lần đầu tiên, hay lần thứ một trăm.

Sau khi xác định rằng đêm nay anh ta sẽ không tha cho hắn, hắn bèn không cố ngủ nữa. Thay vào đó, hắn xỏ dép ngồi dậy, thắp đèn bàn làm việc lên. Ánh đèn vàng nhẹ rọi lên lọ hoa màu ngọc bích cắm một cành lily duy nhất. Hàng bao nhiêu lẵng hoa hồng trắng - đổi lấy một cành lily duy nhất.

Tartaglia ngồi xuống, lấy từ trong ngăn kéo tủ ra một cái túi da cũ kĩ. Trong túi là một xấp thư viết tay, được bọc kín bằng một lớp giấy xốp và được buộc lại cẩn thận bằng ruy-băng. Hắn rút bức thư nằm trên cùng ra, soi dưới ánh đèn. Trên phong bì thư vẻn vẹn một dòng chữ Nga:

Gửi Ajax tuổi 18.

"Ajax" là tên thật của Tartaglia. Cha ruột hắn từng kể rằng, thời trẻ khi ông còn là một thuỷ thủ ở Malacca, tàu của ông đã được một con tàu tên "Ajax" cứu thoát khỏi sự tấn công của một thiết giáp hạm Đức, cho nên ông mới đặt tên cho con trai mình là "Ajax" để tri ân. Đúng như trên phong bì đã ghi, hắn chỉ mở lá thư này ra đọc vào sinh nhật lần thứ 18 của hắn.

Kể từ sau sinh nhật 18 tuổi, hắn đã giở lá thư này ra đọc lại nhiều lần, đến nỗi hắn thuộc luôn từng câu từng chữ trên thư. Lúc này đây, ngồi dưới ánh đèn bàn trong một đêm thu lạnh Mát-xcơ-va, hắn vẫn còn nhớ rõ như in cảm xúc của chàng thanh niên Ajax 18 tuổi khi tháo bỏ niêm phong và đọc bức thư này lần đầu.

Ajax thân mến,

Đây là lá thư cuối cùng anh Chung Ly viết cho em, nếu chúng ta không bao còn gặp lại. Anh cũng đã viết những lá thư gửi Ajax tuổi 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17. Em có còn giữ chúng không? Và em có chỉ mở chúng ra đọc khi em vừa tròn đúng số tuổi được đề trên phong thư không? Anh mong là có, vì điều này chứng tỏ em vẫn còn nhớ lời anh dặn.

18 tuổi, cũng là tuổi trưởng thành. 8 năm đã trôi qua kể từ lần cuối anh nhìn thấy em, khi em được đưa khỏi Mãn Châu để trở về Liên Xô. Anh tự hỏi bây giờ em đang làm gì? Một thanh niên sắp bước vào giảng đường đại học với tiền đồ rộng mở? Một người thợ học việc chăm chỉ và đã có bạn gái? Em muốn làm kĩ sư, công nhân, nghệ sĩ, phi hành gia? Hay em làm việc cho những người Nga đáng sợ đã đem em rời khỏi Mãn Châu? Dù em đang làm gì, anh vẫn mong em hạnh phúc với nó, và không phải đơn độc...

Tartaglia ngồi đọc nốt phần còn lại của lá thư, đọc cả những lá thư trước đó... Sĩ quan tình báo KGB 25 tuổi tròn bỗng trút từng lớp vỏ bọc ra, thu nhỏ thành chàng thanh niên 18, rồi thiếu niên 17, 16, và cứ thế bé dần, bé dần thành cậu nhóc 12, 11 tuổi... Qua dòng chữ ngày càng mờ theo thời gian, khoảng thời gian sống cùng anh ở Mãn Châu hiện ra ngày càng rõ. Khoảng thời gian thật ngắn ngủi, nhưng kí ức về nó đã trở thành chỗ dựa tinh thần duy nhất của hắn suốt những năm tháng tiếp theo, khảm sâu vào tâm hồn hắn và khiến hắn suốt đời cũng không quên được.

"Người dễ khiến kẻ khác si mê... chứ không hề dễ yêu."

"Anh Chung Ly, không hề dễ yêu ư?" Hắn thì thầm trong đêm tối. "Thế mà sao em vẫn...?"

Nhành lily trong lọ tựa mình bên cửa sổ, ngẩng đầu lên trời ngẫm nghĩ.

Một cánh hoa trắng muốt lặng lẽ rơi lên bàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro