J. S. Bach: Khúc dạo đầu cung Đô trưởng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


BẢN GIAO HƯỞNG MÁT-XCƠ-VA

Thân tặng anh Rinko.

Thân tặng chị Lilium.


"Truyện ngắn là khúc độc tấu. Tiểu thuyết là bản giao hưởng."

- Paul Bourget -




Khúc dạo đầu cung Đô trưởng là một sáng tác cho dương cầm năm 1772 của nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach. Một thế kỉ sau, nó được nhà soạn nhạc người Pháp Charles Gounod phát triển thành bản "Ave Maria". 



Tay gác lên thành xe, đầu không đội mũ, cô lái con xe Ferrari mui trần đỏ chói trên con đèo dốc sát bờ biển Côte d'Azur, miền Nam nước Pháp. Dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải, chiếc xe màu đỏ thẫm rực lên một cách hào nhoáng. Con đường trải nhựa trơn láng cứ thế bị ăn dần ăn mòn theo từng vòng bánh xe lăn, còn bờ biển xanh biếc bên dưới cứ thế nhô dần lên, với bãi cát trắng xoá còn loá mắt hơn cả ánh mặt trời. Cô vén một lọn tóc đang bị gió thổi ngược ra sau gò má, vặn to đài trong xe lên. Nó đang phát một cuộn băng nhạc cổ điển; lần cuối cùng cô nghe những bản nhạc này là từ cái thời xưa rất xưa. Được nghe lại chúng, cô cảm thấy như tìm lại được một phần tốt đẹp nào đó của bản thân đã bị bỏ quên, phủ bụi, hoặc bị làm cho khô quắt đi. Đã lâu lắm rồi, cô mới có cảm giác mình đang thực sự sống.

Sau bao nhiêu những bộn bề của công việc, cô đã tự thưởng cho mình một chuyến du lịch đến Côte d'Azur. Tính ra cô rất khi đến nước Pháp; cô mới chỉ ghé thăm Paris đúng một lần vào một ngày mưa tầm tã. Có lẽ thành phố của tình yêu không phải nơi dành cho cô, bởi vậy nên cô chỉ ở đó đúng 30 phút để trung chuyển chuyến bay. Nhưng trái tim cô mách bảo ở Côte d'Azur sẽ khác. Vừa đặt chân xuống khỏi phi cơ, ánh nắng nhập nhoạng của chiều hè Địa Trung Hải đã dịu dàng đổ lên người cô, khiến cho cô không khỏi sực nhớ: Thì ra ta đã luôn ao ước được đặt chân đến đây từ rất lâu rồi, từ thời còn thiếu nữ, chỉ là ta đã quên. Cô thậm chí còn thuê được một căn biệt thự ở "Riviera", nơi nhà văn Francis Fitzgerald cùng vợ là Zelda từng nghỉ dưỡng và chắp bút nên cuốn tiểu thuyết vĩ đại "Đại gia Gatsby".

Nếu ta là Zelda - cô thầm nghĩ, thì ta phải tìm cho được Francis của ta. Căn biệt thự này vẫn trống trải sao đó.

Trong lúc cô mải mê suy nghĩ, chiếc xe xóc lên vài lần như cán phải đá và lọc cọc chạy chậm lại. Cô tháo kính râm, dừng xe xuống kiểm tra. Không thể tin được một cái lốp xe lại bị xịt. Ngay giữa con đèo dốc của Côte d'Azur! Chuyến hành trình trong mơ bị phá ngang chỉ vì một cái lốp hỏng!

Cô mở cửa xe ra, chán nản ngã ngồi vào trong. Đúng lúc ấy, từ dưới con đèo văng vẳng vang lên tiếng động cơ xe mô-tô. Ai đó đang phóng xe tới đây. Cô bèn bật dậy, vẫy tay ra hiệu chiếc xe phân khối lớn vừa hiện ra từ khúc cua đường đèo. Người đó phanh xe lại, đỗ bên cạnh chiếc Ferrari của cô. Cặp chân thẳng tắp, dài miên man gác xuống khỏi yên xe.

"Ôi chà, xem xe ai bị xịt lốp này." Một giọng đàn ông cất lên từ trong chiếc mũ bảo hiểm kín mít trước cả khi cô kịp nói gì, nghe có chút bông đùa chế giễu.

Sẵn tâm trạng bực bội, cô cộc lốc đáp lại mà không suy nghĩ. "Ừ, thế đấy, xe anh cũng bị xịt lốp mà nhỉ?"

"Mắt nhìn của cô lạ lùng thật đấy."

"Thôi đi, chính anh châm chọc tôi trước kia mà!"

"Cô nói gì cơ?" Hắn ta gắt lên. Cô tỏ vẻ khinh khỉnh.

"Anh bỏ mũ bảo hiểm ra nói chuyện với tôi đàng hoàng xem nào. Đội mũ kín mít thế là ngại lộ mặt sao?"

Như để chấp nhận lời thách thức của cô, người đàn ông nọ nhanh như chớp lột mũ bảo hiểm xuống, để lộ một khuôn mặt khá trẻ và cực kì đẹp trai với mái tóc màu hung và cặp mắt xanh ngời như cái sắc xanh của Địa Trung Hải mà cô đã say mê ngắm nghía kể từ khi đặt chân tới đây. Phản ứng đầu tiên của cô khi thấy mặt hắn là vừa kinh hoảng vừa mừng rỡ mà nghĩ: "Sao hắn ta đẹp trai thế nhỉ." Chắc là hắn có ý thức về quyền lực của khuôn mặt mình nên mới đội mũ bảo hiểm kín mít từ đầu.

"Này, tôi xuống xe là có ý định giúp cô đấy nhé." Hắn ta tỏ vẻ kiêu kỳ, tự dưng rút ra một điếu thuốc châm lên hút.

"Nếu vậy sao anh không giúp nhanh lên để khỏi tốn thời gian của hai ta?"

Qua cuộc trò chuyện kì quái này đều có thể thấy cả hai đều khá lỗ mãng, liên tục văng ra những từ cụt lủn như "Ôi chà", "Thế đấy", "Này", "Thôi đi"... Rõ ràng là cả hai đều có thể nói chuyện theo cách khác lịch sự hơn, nhưng vì một lí do bí hiểm nào đó mà họ không làm vậy. Mình quá lời rồi, cô thầm nghĩ, cho rằng hắn ta sẽ leo lên xe bỏ đi luôn. Ai mà ngờ được hắn giơ một bàn tay đeo găng bảo hộ, chỉ vào cốp xe Ferrari. "Cô thử kiểm tra xe cô có cờ-lê vấu và lốp dự phòng không. Nếu có thì tôi có thể thay lốp cho cô được."

Cô vòng ra phía sau cốp xe để kiểm tra. May sao, cờ-lê vấu và lốp dự phòng đều có đủ cả. Người đàn ông tóc hung cầm lấy chiếc cờ-lê, quỳ một gối xuống và thoăn thoắt tháo lốp. Trong khi thao tác, những đường gân xanh xao trên bắp tay trắng trẻo của hắn cuộn lên. Chỉ trong chưa đầy năm phút, lốp xe hỏng đã được thay bằng lốp xe mới nguyên. Đây rõ là một người tháo vát và sành sỏi về xe cộ.

"Lốp dự phòng tôi vừa thay cho cô chỉ chạy tốt trong 30 cây số nữa thôi." Sau khi cất chiếc cờ-lê vấu và lốp hỏng vào cốp xe cô, hắn lấy khăn lau sạch vết bẩn trên tay. "Rất tiếc phải thông báo cô cần hoãn lại chuyến du ngoạn ngắn ngủi lên đường đèo để trở về thay lốp khác."

"Tôi..." Trước giọng nghiêm túc bất ngờ của gã đàn ông - thậm chí còn có vẻ đáng tin cậy nữa - cô ấp úng ngập ngừng, không biết phải đáp lại ra sao. Mọi thứ về người đàn ông này đều quá nhanh gọn và dứt khoát, khiến cho cô có chút thích ứng không kịp. Mãi rồi cô mới nói được ra, gần như ngạt thở trước đôi mắt xanh biếc của đối phương. "Này, làm sao ngay từ đầu anh đã biết lốp xe của tôi bị hỏng?"

Lần đầu tiên, cô thấy hắn mỉm cười. "Khi một cô gái phải dừng xe ngay giữa lưng chừng con đèo, thì chỉ có thể là bạn trai vừa bỏ cô ấy lại hoặc lốp xe của cô ấy bị hỏng thôi."

Và hắn ta nói điều đó bằng một giọng ngữ âm Pháp không chê vào đâu được. Thoáng chốc cô đã thấy má mình nóng bừng lên.

"Này cô, cô không thể nào đỏ mặt lên với bất kì người đàn ông nào thay lốp xe cho cô và biết nói tiếng Pháp được!" Dường như cảm thấy trêu chọc cô rất thú vị, hắn ngửa đầu ra sau bật cười thoải mái.

"Cám ơn rất nhiều vì đã hạ cố thay lốp cho tôi. Giờ thì tôi đi ngay đây." Cô nói qua kẽ răng nghiến chặt, nhưng làn da mặt vẫn trắng trợn phản bội thân chủ mà ngày càng đỏ hơn nữa. Khoé môi người đàn ông nọ vẫn chưa chịu hạ xuống, chẳng chừa lại chút mặt mũi nào cho cô hết. Đây là minh chứng rõ ràng cho lời dặn dò của mọi bậc phụ huynh châu Âu với con gái yêu của mình: hãy cẩn thận trước đàn ông Pháp!

Cuốn băng cassette nhạc cổ điển đang chạy trong xe cô lạch cạch chuyển bài. Vì đang mắc kẹt trong một tình huống khá là khó xử, thoạt tiên cô không hề chú ý tới bản nhạc. Cô chỉ mới bắt đầu chú ý tới nó khi mà giai điệu vừa ngân lên, vẻ mặt người đàn ông tóc hung lập tức biến đổi: nụ cười mỉm bỡn cợt trên môi hắn nhạt dần như có một màn sương mờ ùa đến, cặp mắt xanh lấp lánh dần rơi vào biển trầm tư. Trông hắn lúc này dịu dàng đến lạ.

"Cô cũng nghe nhạc của Shatrov ư?"

Đến cả giọng hắn cũng thay đổi lạ kì, cô thầm nghĩ. Con người này biến hoá quá nhanh, từ một người qua đường tuy thô lỗ mà nghĩa hiệp cho đến một lãng tử đào hoa, rồi chỉ trong nháy mắt biến thành một kẻ sâu sắc.

"Vâng, tôi có nghe. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe chúng, nên chỉ có giai điệu với tôi là quen thuộc, còn tên bản nhạc thì tôi đã lãng quên rồi." Cô thú nhận.

"Tôi thì nhớ đấy. Tên bản nhạc là 'На сопках Маньчжурии' - Trên núi đồi Mãn Châu."

Khi hắn phát âm từ "Mãn Châu", cô liền cảm thấy hai âm tiết ấy như phát ra một luồng điện, tuy rằng rất nhẹ thôi, nhưng đủ để khiến một bề mặt vô hình nào đó trở nên rung rinh xao động...

Và đó là lời cuối cùng của hắn dành cho cô trước khi đội mũ bảo hiểm và leo lên xe mô-tô. Hắn rạp mình thành một đường cung tuyệt đẹp, khởi động con xe đen bóng đồ sộ, nhấn ga mà phóng vụt đi như một mũi tên, giống như một hiệp sĩ sau khi làm xong phận sự của mình liền đi mất mà không chờ đợi một lời cảm ơn. Riêng cô vẫn còn nuối tiếc mãi vì chưa cảm ơn được hắn, bần thần đứng đó nhìn theo bóng hắn và chiếc xe dần mất hút trong ánh mặt trời loá mắt miền Địa Trung Hải.

Trong chiếc xe Ferrari, cuốn băng cassette vẫn chầm chậm quay bản "Trên núi đồi Mãn Châu". Một bản nhạc cổ điển Nga cất lên giữa ban trưa miền Nam nước Pháp, đồng điệu với âm thanh những con sóng biếc xanh vỗ ào ạt vào bờ biển - kì dị hệt như cách người đàn ông xa lạ nọ xuất hiện và biến mất.



Ngày hôm sau, cô lại gặp nam thần tóc hung tại một quán cà phê Hy Lạp ở thành phố Nice. Lúc đó hắn đang ngồi vắt chân đọc báo, trước mặt là tách cà phê và vài lát bánh quy, còn dắt theo một con chó trắng đốm đen rất xinh. Vừa trông thấy cô, hắn đã nhận ra cô ngay và mỉm cười chào.

Khoảnh khắc môi hắn cong thành một nụ cười, bao nhiêu mộng tưởng về Francis và Zelda, về cuộc gặp gỡ định mệnh, những chung đụng ngắn ngủi, chóng vánh, về mối tình với một người đàn ông xa lạ, không biết tên, bỗng xâm chiếm lấy linh hồn cô.

Cô bước về phía cái chìa tay của hắn, ngồi xuống bên cạnh hắn và con chó nhỏ. Hắn bế con chó đặt lên đùi cô, cho phép nó đùa nghịch với cô và để cô vuốt ve, nựng nịu nó. Khi tách cà phê của cô được đem tới, họ đã trò chuyện với nhau rất mực thoải mái. Vẻ lúng túng, gượng gạo hôm qua của cô đã tan biến đi đâu mất, thế vào đó là một cung cách dễ chịu, tự nhiên của một người phụ nữ biết rõ mình phải nói gì, đối xử ra sao. Về phần nam thần tóc hung, hắn tỏ ra lịch sự hơn hôm qua nhiều, khiến cho cô chẳng cần phải lo bản thân bị chọc tức hay khó xử nữa. Cô buộc phải thừa nhận, trong diện mạo, cốt cách của hắn có một cái vẻ gì đó quyến rũ rất khó nói - ngoại trừ đôi mắt xanh như bể sâu, không một tia sáng khiến cô hơi nhờn nhợn. Giờ đây cô mới có dịp quan sát kĩ, tuy hắn vẫn cười nói, vẫn tuỳ tiện, bâng quơ, đôi mắt hắn vẫn giữ nguyên một trạng thái sâu thẳm và lạnh lùng.

"Chúng ta đã nói chuyện lâu đến thế rồi mà tôi vẫn chưa biết tên anh."

"Hãy cứ gọi tôi là Tartaglia."

"Tartaglia? Anh là người Ý à?" Cô tròn mắt nhìn hắn, hỏi lại với giọng ngạc nhiên. Cô đã ngỡ hắn là người Pháp với cái thứ tiếng Pháp điêu luyện mà hắn nói, hoặc chí ít cũng phải là dân Ireland hay Bắc Âu với mái tóc hung cam và cặp mắt xanh biếc kia chứ?

Hắn mỉm cười, những ngón tay thon dài đan vào nhau. "Tôi có thể thấy trong ánh mắt cô bao nhiêu thứ quốc tịch vừa lướt qua. Tiếc rằng tất cả đều không phải. Tôi là người Nga."

"Người... người Nga?"

Một nỗi e ngại dè chừng vô hình bỗng bóp nghẹt lấy tim cô.

"Phải, tôi đến từ cái đất nước mà các cô hay cho là tàn bạo và thù địch đấy." Hắn cong môi lạnh lùng. "Giờ thì cô có sợ hãi chạy đi không nào?"

"Dĩ nhiên là không." Cô thở dài để trấn tĩnh chính mình, cảm thấy hơi xấu hổ vì phản ứng thái quá vừa nãy của bản thân. "Tôi không muốn tuỳ tiện đánh đồng anh chỉ vì quốc tịch của anh. Anh đâu nhất thiết phải giống hệt như những đồng hương của anh, phải không?"

Một tia chớp lạnh đến thấu xương chợt vụt qua cặp mắt kia, nhanh đến nỗi ngay cả cô cũng không thể thấy được. Ngay sau đó, đôi mắt ấy lại khôi phục trạng thái vốn có, tưởng như tia chớp kia chưa hề tồn tại...

Sau khi ăn sáng và uống cà phê, họ cùng nhau dạo bước trên Promenade des Anglais (Con đường đi dạo của người Anh) dọc ven bờ biển. Một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng vô tư bắt đầu - cuộc trò chuyện của những người khoan khoái và tự do, nói chuyện gì cũng được, thả bộ bao lâu cũng được, với con chó trắng đen nhỏ xinh lăn như một trái bóng sau gót chân. Họ nói với nhau về nguồn gốc bí hiểm của cái tên Côte d'Azur, vốn được đặt cho bởi một nhà thơ Pháp, người mà sáng tác bao tác phẩm thi ca cũng chẳng nổi tiếng bằng đặt một cái tên cho một bờ biển xanh. Họ bàn luận về những sắc độ của biển, lúc thì xanh như ngọc, lúc thì tim tím màu hoa oải hương, biến hóa khôn lường tuỳ vào độ sâu của biển và ánh sáng của mặt trời. Họ tán gẫu đôi chút về lịch sử con đường họ đang đi, rằng vào thế kỉ trước nơi đây từng là chốn nghỉ dưỡng của giới quý tộc Anh quốc.

Thỉnh thoảng, cô không kìm được đánh mắt sang dò xét hắn. À, thì ra cô đang tiếp xúc cùng một người Nga thứ thiệt. Sao hắn không đội mũ Ushanka nhỉ? Có phải hắn bí mật giắt một khẩu súng trong người không? Nghe nói người Nga có một bộ mặt lạnh tanh và chẳng cười bao giờ, nhưng người này vẫn cười được đó thôi? Chẳng qua là ý cười không chạm tới đáy mắt... Bao nhiêu nghi vấn mơ hồ vụt qua tâm trí cô, nhưng dần dần chúng cũng dịu đi phần nào. Tâm lý dè chừng người Nga vẫn còn đó, nhưng từ khi thấy hắn có vẻ không khác là bao những người châu Âu cô thường tiếp xúc, cô mới cảm thấy an tâm hơn.

Khi hoàng hôn buông xuống, Tartaglia gợi ý đưa cô đến xem buổi trưng bày "100 bức ảnh vĩ đại của thế kỉ 20" diễn ra ở Cannes tối nay. Cô liền đồng ý không chút chần chừ. Hắn lái xe đưa cô qua những con phố cổ kính rêu phong để đến nơi trung tâm hội nghị sang trọng trải thảm đỏ. Đây là một sự kiện tầm cỡ lớn, nhiều hãng thông tấn và người nổi tiếng cũng đến tham dự buổi triển lãm, trong đó có chính tác giả của những tấm ảnh được trưng bày và người xuất hiện trong ảnh.

Vừa bước chân vào sảnh trưng bày, trước mắt họ là rợp mắt muôn sắc độ đen trắng của những tác phẩm thuộc "môn nghệ thuật thứ bảy". Những hình ảnh giàu tính nghệ thuật và nhân văn nhất của thế kỉ này dập dềnh chuyển động như những dòng chảy của đời người.

"Để xem nào, những công nhân làm việc trong hầm mỏ, người đàn bà mù, nước mắt thuỷ tinh, Hội nghị Hague,... Những năm đầu thế kỉ kĩ thuật chụp ảnh còn chưa phát triển mà họ chụp được nhiều thước ảnh quý thật. Ôi trời, bức ảnh này thì có gì mà vĩ đại?"

Bức ảnh đen-trắng mà cô vừa nói đến chụp một cô gái đẹp khoả thân, chìa tấm lưng trần về phía ống kính. Trên lưng cô gái là là hai dấu cuộn xoắn ốc thường thấy trên thân đàn violin, hàm ý muốn nói thân thể cô gái đẹp như cây vĩ cầm. Hiển nhiên đây là một bức ảnh rất gợi cảm và thu hút đàn ông. Cô kín đáo quan sát biểu hiện của Tartaglia khi nhìn bức ảnh. Trái với suy nghĩ của cô, trông hắn hoàn toàn dửng dưng, nhìn siêu mẫu khoả thân như thể cô ta là một cái cây. Hắn xem bức ảnh không quá hai giây rồi thản nhiên chuyển sang bức ảnh khác.

Theo chiều dài của thời gian, kĩ thuật chụp ảnh phát triển, những bức ảnh cũng trở nên phong phú và đặc sắc hơn nhiều. Từ đây, chúng bắt đầu phản ảnh những biến cố thăng trầm của lịch sử. Có ảnh chụp Quốc trưởng của Đức Quốc xã, đôi mắt u tối và sắc như dao. Người lính gục ngã hy sinh trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Khói hình nấm cuộn lên ở Nagasaki sau vụ thả bom nguyên tử. Nụ hôn của một lính thuỷ thủ và một nữ y tá trên Quảng trường Thời Đại mừng ngày chiến tranh kết thúc... Những tấm ảnh tuy chỉ có hai màu đen-trắng nhưng vẫn sống động như thật, khiến người xem có cảm giác chính mình cũng dự phần vào cái thế giới xa xôi đó. Cô dừng lại một lúc khá lâu trước bức ảnh Marilyn Monroe trong tà váy trắng cho đến khi nhận ra bạn đồng hành của cô đang không đi cùng cô.


Nụ hôn trên Quảng trường Thời Đại. Chụp bởi Alfred Eisenstaedt, năm 1954.


"Anh Tartaglia?"

Do mải mê ngắm ảnh, cô đã bỏ Tartaglia lại phía sau một đoạn khá xa. Hay nói đúng hơn - hắn đã bỏ cô lại. Hắn đang đứng đối diện với một bức ảnh được trưng bày trong góc, dáng đứng bất động như pho tượng đá cẩm thạch. Những bức ảnh khác hắn đều chẳng nán lại lâu, vậy bức ảnh này có gì đặc biệt mà giữ chân hắn lâu đến vậy?

"Anh Tartaglia?"

Vừa gọi tên hắn, cô vừa bước lại gần hắn, nhưng hắn vẫn không hề quay đầu về phía cô, cứ như là hắn đã quên mất sự hiện diện của cô vậy. Từ khi gặp hắn đến giờ cô chỉ thấy ở hắn sự tự chủ tuyệt đối, chứ không phải vẻ mặt thất thần này. Trong mắt hắn giờ đây chỉ có tấm ảnh nhỏ mà cô đã phải ghé đầu xuống để quan sát cho rõ.

Bức ảnh chụp một người lính đang phá vòng vây, một tay ôm súng trường, tay còn lại bế một đứa trẻ trông khoảng 9, 10 tuổi. Môi anh mím chặt thành một đường mỏng tang, và bất chấp khuôn mặt u tối lấm lem, đôi mắt anh vẫn sáng quắc lên như hai hòn đạn, thu trọn vào trong ống kính. Toàn bộ con người anh - từ đôi môi, ánh mắt cho đến tư thế - đều toát lên một vẻ đẹp lẫm liệt ngang tàng chỉ thấy ở những kẻ cảm tử sẵn sàng đánh liều sinh mạng ở nơi mưa sa trận mạc. Một vết cắt khiến má anh chảy máu đầm đìa, nhưng nó chỉ càng gióng cao lên cái vẻ đẹp tàn khốc ấy như nốt forte trong một bản nhạc. Một đứa bé được cố định trên lưng anh bằng dây bao đựng súng, sợ hãi nép sát vào anh, đôi cánh tay nhỏ gầy vòng quanh cổ anh như bám lấy tia hy vọng duy nhất trên đời. Tròng mắt nó nở ra thật to, và cô nhìn thấy mọi nỗi kinh hoàng của chiến tranh được phản chiếu trong đôi mắt giàu biểu cảm ấy.

Một bức ảnh thật đẹp, cô rùng mình nghĩ, một trong những bức ảnh ấn tượng nhất của buổi triển lãm này. Xung quanh cô, nhiều người tham quan cũng bị bức ảnh làm cho thán phục. Thán phục cả hai con người trong bức ảnh, thán phục cả người chụp. Dòng chú thích bên dưới tấm ảnh cho cô biết, đây là một người lính Trung Quốc và một cậu bé Nga trong Chiến dịch Mãn Châu, Thế chiến II, được chụp lại bởi một phóng viên chiến trường. Điều này có nghĩa cảnh tượng được ống kính ghi lại đã diễn ra hàng chục năm về trước. Ôi, Đại chiến Thế giới lần hai...! Nó diễn ra và kết thúc khi cô còn quá nhỏ, thế mà cô vẫn còn nhớ nó chẳng khác nào một đám mây u ám phủ lên tuổi thơ cô...

Bên cạnh cô, Tartaglia vẫn chưa hề nhúc nhích. Nếu có gì đó thu hút cô không kém gì bức ảnh người lính và cậu bé, thì đó chính là vẻ mặt hắn lúc này đây.

Vẻ mặt hắn giờ đây giống hệt như lúc hắn vô tình nghe thấy bản "Trên núi đồi Mãn Châu", chỉ có điều trông hắn bị xúc động mạnh hơn lúc đó nhiều. Mắt hắn vốn đã lạnh và sâu, giờ cái chiều sâu đó lại càng hun hút hơn gấp trăm lần, chừa chỗ cho cơn sóng đại dương hất tung cảm xúc lên rồi lại nhấn chìm chúng xuống. Cô vẫn thường nghe nói trong trái tim người Nga tiềm tàng những rung chấn cảm xúc vô cùng dữ dội, hoá ra là thế này đây ư? Nét mặt hắn dịu dàng đến nỗi gần như là đau đáu khi hắn nhìn người lính Trung Quốc trong bức ảnh - nét mặt mà cô không tưởng tượng nổi lại có thể xuất hiện trên gương mặt ấy bao giờ.

Rồi đột nhiên, hắn thở dài. Ngọn đèn vàng rọi xuống bức ảnh và xuống Tartaglia, khiến cho hắn cùng bức ảnh như chìm trong một thế giới riêng mà cả cô lẫn những vị khách tham quan khác đều không được phép xâm phạm - một thế giới rất dịu dàng, kín đáo và cô độc, mà ngoài nó ra, hết thảy những điều khác đều tối dần và nhoè đi, chẳng còn quan trọng nữa. Không biết từ lúc nào mà hắn đã chậm rãi giơ bàn tay lên, những ngón tay thon dài và hơi thô ráp chạm nhẹ lên gương mặt người lính Trung Quốc trong thước ảnh đen trắng như muốn chạm vào bong bóng mà không làm vỡ nó. Hắn thở dài một lần nữa, môi khẽ động đậy thì thầm:

"Чжун Ли, любимый." (Chzhun Li, lyubimiy.)

Hắn nói bằng tiếng Nga, một thứ tiếng hoàn toàn xa lạ với cô. Những âm tiết đó nghe mới lạ lùng làm sao. Hắn đang nói gì kia? Đó hẳn phải là một từ rất đỗi trìu mến. Đột nhiên cô ước gì mình biết tiếng Nga để hiểu được ý nghĩa ẩn sau lời nói đó.

"Trông anh ấy chẳng khác nào một vị tướng phải không? Vậy mà khi đó anh ấy mới chỉ là một thiếu uý thôi." Mãi rồi cô mới nghe thấy hắn nói lại bằng tiếng Pháp, giọng trầm hơn bình thường và lạc hẳn đi, giống như hắn vừa mới từ thế giới xa xôi của hắn bị kéo trở về thực tại.

Vừa sực tỉnh khỏi hồi ức của chính mình, dường như Tartaglia có vẻ bực bội vì đã để lộ ra sự mềm yếu của mình trong giây lát. Cái vẻ trầm ngâm mơ màng như màn sương bao phủ quanh hắn khi ngắm bức ảnh lập tức bị hơi lạnh của chính hắn làm cho tan biến. Hắn dứt ánh nhìn khỏi tấm ảnh, không nói không rằng quay người bước đi.

"Đợi tôi với, anh Tartaglia!"

Hắn vẫn phăng phăng bước đi, chẳng thèm quay đầu lại.

"Bước chậm lại thôi chứ, có phải ai cũng chân dài như anh đâu!"

Những bước sải chân của hắn xa đến nỗi cô phải chạy bộ để theo kịp. Cô nhận ra bọn họ đang đi hướng về cửa ra của khu triển lãm.

"Này, Tartaglia, Tartaglia... Đứa trẻ trong bức ảnh có phải là anh không?"

Tartaglia chợt khựng lại, quay ra nhìn cô. Trước đó cô đuổi theo hắn hăng hái bao nhiêu thì giờ đây chính cô phải lùi lại vài bước. Bao nhiêu cảm xúc mà cô thấy ở hắn hồi nãy đều không còn - giờ đây cô nhìn chằm chằm vào mắt hắn và không thấy gì hết. Lòng dạ cô chợt hẫng một cái như thể cô vừa suýt ngã xuống một vực sâu cheo leo không thấy đáy...

"Tôi muốn chúng ta đi khỏi đây." Hắn ta nói với vẻ chán ghét kinh tởm, thậm chí còn hơi chút mất mát. "Tôi không thể chịu đựng được chỗ này thêm một khắc nào nữa. Cái đám đông ồn ào, bày trí dung tục, ánh đèn nhức mắt này... Thế mà bọn họ dám trưng bày ảnh anh ấy ở cái chỗ như thế này đây!"

Dân Nga người nào cũng dễ bùng phát và khó lường thế này sao? Cô cảm thấy đây là một con người có thể làm ra những điều rất bạo lực, và không khỏi cảm thấy mơ hồ sợ hãi. Giọng nói của cô bất giác trở nên thận trọng hơn. "Chúng ta có thể đi nhà hàng ăn tối. Tôi cũng không muốn ở chỗ này nữa."

Gã đàn ông Nga quái gở, cô thầm nghĩ khi cả hai cùng bước ra ngoài. Hắn là kẻ ta vốn dĩ không nên dây vào từ đầu.

Không, không...

Hắn ta đẹp trai quá, và hấp dẫn không sao cưỡng lại nổi. Ta chưa muốn rời xa hắn. Thật tai hại, tai hại biết chừng nào...

Hai người họ cùng đi ăn tối. Bồi bàn dọn ra những món ăn đặc sản Địa Trung Hải thơm ngon với giá cắt cổ, cô thì ăn khá nhiều vì đói, còn hắn lại chẳng ăn mấy. Có lẽ một người Nga như hắn ăn không quen với ẩm thực Nam Âu.

"Vậy là... cậu bé trong bức ảnh đúng là anh."

Tartaglia nhìn cô giây lát, rồi chậm rãi gật đầu. Cô đặt món bouillabaisse xuống, hai tay đan vào nhau.

"Dòng chú thích nói bức ảnh được chụp trong Chiến dịch Mãn Châu năm 1945. Nếu tôi nhớ không lầm, vào giai đoạn sắp kết thúc Thế chiến, Hồng quân Liên Xô đã tấn công quân Nhật ở Mãn Châu và giành chiến thắng..."

"Đó không phải những gì tôi nhận thức được hồi ấy." Hắn lạnh lùng nói. "Tất cả điều tôi biết là gia đình tôi đã phải lưu lạc tị nạn suốt bao năm tháng chiến tranh, từ địa phận Liên Xô bị đẩy tới Mãn Châu Quốc. Ngoài chị cả qua đời vì bệnh thương hàn và anh thứ chết trong trận Stalingrad, còn lại cả gia đình tôi đều đã chết trong Chiến dịch Mãn Châu. Chính tôi đáng lẽ cũng phải chịu chung số phận... nếu không nhờ có một người lính Giải phóng quân Trung Quốc."

"Chính là người lính trong bức ảnh?" Cô định nói gì đó an ủi đại loại như "Tôi rất tiếc", nhưng lại ngần ngại vì cho rằng một người như Tartaglia căm ghét sự xót thương.

"Chính là anh ấy." Nói đến đây, hắn chợt ngừng lại mất một lúc. Nhịp thở hắn chậm lại, giọng nói trầm hẳn xuống... Hắn gầm nhẹ, gay gắt nhưng âu yếm. "Chung Ly."

Cách hắn phát âm hai chữ "Chung Ly" kia nghe rất đỗi trìu mến, vừa buồn cười, lại vừa đáng yêu. Nhắc tới người này, đôi mắt xanh và lạnh của hắn cũng bất giác mềm hẳn đi, khiến cho hắn hiền lành như một cậu bé... hoặc ít ra là vẻ bề ngoài hắn trông như vậy.

Và thế là đột nhiên, tất cả mọi thứ đều ăn khớp hoàn chỉnh với nhau: biểu hiện lạ lùng của hắn khi nghe thấy bản nhạc "Trên núi đồi Mãn Châu", những tình cảm không thể gọi tên dành cho người lính Trung Quốc trong tấm ảnh, phản ứng bỏ ra khỏi buổi triển lãm bất thình lình... Tất cả, tất cả dường như đã sáng tỏ.

"Chung Ly?" Cô lặp lại cái tên, cảm thấy máu trong người bắt đầu sôi sục. "Này, anh Tartaglia... Trên đời này tôi chỉ biết duy nhất một người tên Chung Ly. Ngài ấy đã từng là một nghệ sĩ vĩ cầm đại tài, và là một trong những nghệ sĩ đi đầu nền âm nhạc cổ điển thế giới kể từ sau Thế chiến II."

"Đã từng?" Tartaglia lắc đầu. "Anh ấy luôn luôn là nghệ sĩ vĩ cầm đại tài. Nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lòng tôi."

"Anh không đùa tôi đấy chứ... Vậy là người trong ảnh thực sự là nghệ sĩ Chung Ly? Chung Ly đã từng đi lính sao? Hồi trước tôi đã từng tận mắt xem ngài ấy kéo vĩ cầm trong chuyến công diễn ở Hoa Kì. Tôi vẫn nhớ rõ hồi đó ngài ấy kéo bản Vocalise của Rachmaninoff, từng nốt ngài ấy chơi hãy còn để lại ấn tượng trong tôi một cách sâu đậm... Tiếc rằng người ta lại gọi Chung Ly là ngôi sao băng của giới vĩ cầm. Ngài ấy từng có một sự nghiệp vô cùng sáng chói và đầy hứa hẹn trong vài năm ngắn ngủi, để rồi sau đó... đột nhiên biến mất."

Vừa nghe tới từ "biến mất", những ngón tay Tartaglia khẽ giật lên. Gương mặt hắn lộ ra cái vẻ thật bướng bỉnh và dường như không chịu chấp nhận sự thật. "Ai cho cô nói...? Anh ấy không biến mất, không hề biến mất... Anh ấy vẫn luôn ở trong tôi. Ở đây, ở trong đây này... Cô hãy xem đây."

Nói đoạn, hắn xoay mình lục tìm gì đó trong chiếc cặp táp, cứ như thể hắn chuẩn bị lôi Chung Ly bằng xương bằng thịt từ trong đó ra. Thế mà không phải, thứ hắn lấy ra lại chỉ là một cuốn sách nhỏ. Ở trang đầu tiên của cuốn sách có một dòng đề từ tiếng Nga được viết tay bằng mực đen, nét bút thanh mảnh và duyên dáng. Sau khi nghe hắn phiên dịch, cô liền hiểu dòng chữ đó viết rằng:

Gửi tặng Ajax một kỉ vật

để nhớ về em, về tôi, về thành phố Mát-xcơ-va thân yêu của chúng ta.

20.07.1965.

Lời đề từ đầu trang sách! Cô sực nhận ra, người thời nay dường như đã lãng quên cái cảm giác sung sướng, hồi hộp khi lật giở trang sách đầu tiên và đọc lời đề từ như một bức thư tay của người tặng. Đó là thói quen của thế hệ trước - lưu giữ những dấu vết trường tồn theo tháng năm trên những trang sách ngả vàng. Quyền lực mềm của những con chữ mới lớn lao làm sao! Có lẽ Tartaglia cảm nhận được cái quyền lực đó lớn hơn ai hết, cho nên mắt hắn mới ghim chặt lên dòng chữ mãi không rời.

"Cô có hiểu không, chỉ cần trông thấy vẻn vẹn dòng chữ này thôi mà tôi như thấy cả Mát-xcơ-va của chúng tôi hiện lên trong đó. Mát-xcơ-va, nơi mà sau 15 năm kể từ trận chiến Mãn Châu, tôi và anh ấy gặp lại. Cuốn sách này là món quà anh ấy tặng tôi nhân dịp sinh nhật tôi. Tôi... " Bỗng nhiên trông hắn ta thất thần và hơi bối rối. "... vẫn luôn luôn giữ vật này bên mình." Bàn tay cầm cuốn sách của hắn có chút run run...

Có gì đó trong cô vụn vỡ và mất mát khi trông thấy hắn như vậy. Giờ đây cô đã biết, con người này không dành cho mình, và sẽ mãi mãi chẳng thuộc về mình. Nghệ sĩ vĩ cầm Chung Ly khi còn là một người lính Trung Quốc trong bức ảnh vĩ đại của thế kỉ 20, dù mắc kẹt trong hai gam màu đen trắng và chẳng rõ còn sống hay đã chết, mới là người có được Tartaglia. Nhưng một cái gì đó khác trong cô lại bướng bỉnh lên tiếng, nếu người này không dành cho mình, ít nhất cô cũng phải nắm được chút gì đó về hắn ta - cái gã đàn ông Nga hết sức quái đản nhưng hấp dẫn này. Thế là cô dồn hẳn người về phía hai khuỷu tay đặt trên bàn, ngỏ ý với người đàn ông mới quen hãy kể cho cô nghe câu chuyện của hắn.

Nước Mĩ, năm 1960, hắn đáp, và đó là nơi mọi chuyện bắt đầu...

Bên ngoài nhà hàng Pháp, trời bắt đầu mưa lâm thâm. Mưa rơi dai dẳng không dứt - một câu chuyện dài. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro