L. Beethoven: "Định Mệnh"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Bản giao hưởng số 5 "Định Mệnh" là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven, được coi như đỉnh cao của thời kì Cổ điển. 




"Cậu có nhìn thấy những đường vân gỗ này không, Tartaglia?"

"Có." Tartaglia nhẹ nhàng rà ngón tay lên bề mặt láng bóng của cây đàn violin, nơi có những đường vân xinh đẹp màu nâu nhạt.

"Cậu thấy hình dạng của chúng thế nào?"

"Chúng... thẳng đứng."

Chung Ly mỉm cười. "Không hoàn toàn là thẳng đứng đâu. Những đường vân gỗ này thực chất là vòng tuổi của cây gỗ làm đàn. Vòng tuổi của cây có hình tròn phải không? Vậy nhưng vòng tuổi trên thân đàn lại gần như thẳng đứng. Mà cậu biết đấy, độ cong càng nhỏ..."

"... thì kích thước càng lớn?" Tartaglia tiếp lời anh, sự thích thú đối với nhạc cụ nhỏ bé này tăng cao rõ rệt. "Giống như là Trái Đất hình cầu, nhưng mặt đất ta đi vẫn bằng phẳng là bởi kích thước của Trái Đất quá lớn phải không? Cây gỗ làm đàn phải lớn đến mức nào để những đường vân gỗ gần như thẳng đứng như vậy?"

"Đường kính ước chừng lên đến cả chục mét, thường là những cây gỗ lâu năm sinh trưởng dọc vùng biên giới Pháp - Ý. Đàn violin tốt thường có tuổi đời hàng trăm năm, ví dụ dụ như cây đàn này của tôi được sản xuất từ thế kỉ 18 bởi một gia tộc nghệ nhân có truyền thống làm violin lâu đời ở Cremona, Ý. Chế tác vĩ cầm không chỉ là một bộ môn khoa học, mà là cả một bộ môn nghệ thuật, chính vì thế mà trên thế giới có rất ít gia tộc nắm giữ nghệ thuật làm đàn, như gia tộc Guarneri hay gia tộc Stradivari... Đàn mà họ chế tạo là những kiệt tác nghệ thuật cổ kính; chúng có thể tạo ra những thanh âm siêu phàm mà mọi cây vĩ cầm bình thường khác không bề nào sánh nổi. Nhưng chớ hiểu lầm ý tôi nhé, Tartaglia. Một cây đàn violin quý là điều rất quan trọng để làm nên một nghệ sĩ vĩ cầm, nhưng đó không phải tất cả. Hơn hết thảy là chính đôi tay người nghệ sĩ."

Nói đoạn, anh tháo bỏ găng tay len, xòe hai bàn tay mình ra. Sự chú tâm của Tartaglia về giai thoại của những cây đàn violin lập tức nhảy xuống đôi bàn tay ấy, lăn ngược trên mu bàn tay trăng trắng với những đường gân xanh xao và nấn ná lại thật lâu trên những ngón tay dài mảnh. Chỉ trong một giây, vết chai mờ mờ ở những ngón tay của bàn tay trái - đặc trưng của người chơi vĩ cầm, lập tức được thu hết vào trong đôi mắt màu lam. Chẳng mấy chốc, hơi lạnh khiến cho đôi bàn tay trần của anh đỏ ửng lên. Tartaglia nhìn không đành lòng, bèn vội cầm tay anh lên, lồng găng len vào.

"Cậu thấy ngón tay tôi hơi dài phải không?" Chung Ly nhẹ nhàng cựa quậy ngón tay mình khi Tartaglia cẩn thận xỏ từng ngón găng vào tay anh. "Ngón tay của người chơi nhạc cụ thường vậy đấy. Thế này còn chưa là gì so với ngón tay các nghệ sĩ dương cầm đâu; cậu cứ thử xem ảnh chụp bàn tay Franz Liszt mà xem, ngón tay ông ta thực như chân nhện... Đối với nghệ sĩ chúng tôi, Tartaglia ạ, đôi bàn tay còn quý giá hơn cả đôi mắt. Bởi vì chỉ cần chẳng may có chuyện gì xảy ra với đôi tay này thôi, toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của chúng tôi coi như tan thành mây khói. Rất may mà hồi đi lính tay tôi không bị gì..."

"... nếu không thì tôi đã chẳng bao giờ trở thành nghệ sĩ violin." Hồ Đào lẩm bẩm nốt câu nói của Chung Ly như đã thuộc nằm lòng chúng, tay chống dưới cằm, con mắt đảo tròn một cách chán chường. Ba người họ - Chung Ly, Hồ Đào, Tartaglia - vốn là cùng đi chơi công viên Maxim Gorky, thế mà chưa được bao lâu hai người kia đã dính chặt lấy nhau, thản nhiên vứt cô sang một bên tự chơi một mình. Xem họ thân thiết chưa kìa - cô nàng khinh khỉnh nhìn hai người đàn ông ngồi ghế đá đối diện đang say sưa trò chuyện trong hơi lạnh và tuyết trắng Mát-xcơ-va - mới vài tháng trôi qua mà trông họ như đã là cố nhân của nhau nửa đời người rồi. Giờ đã thân đến cái mức mà lần trước Hồ Đào còn bắt gặp Tartaglia hôn lên môi cha cô (1) sau buổi biểu diễn của anh. Tartaglia đúng là chẳng ngại cái thá gì trên đời hết; bất chấp lời cảnh báo của cô, hắn ta vẫn thản nhiên đâm đầu vào rủi ro. Mà cái "rủi ro" to đùng kia, mang hình hài của một người đàn ông sở hữu tất cả mọi thứ trên đời để mê hoặc kẻ khác, thì lại vờn hắn ta bằng chiếc khăn choàng đỏ chói hệt như một đấu sĩ bò tót ở Tây Ban Nha. Cách so sánh hơi thô thiển, nhưng nó phản ánh chính xác những gì Hồ Đào đang nghĩ lúc này.

(1) Ở Liên bang Xô Viết thời xưa, nam giới có thể hôn lên môi nhau khi chào hỏi để bày tỏ tình thân. Kiểu hôn này không mang ý nghĩa lãng mạn mà thuần túy thể hiện tình đồng chí, sự bình đẳng giữa những cá nhân không phân biệt cấp bậc, tuổi tác, giới tính, sắc tộc.

Đài tưởng niệm Maxim Gorky. Chụp bởi Nizhny Novgorod, năm 1958.


"Ông có thấy không, ông Gorky?" Cô chống cằm thì thầm với bức tượng văn hào Nga Maxim Gorky sừng sững chôn chân trong tuyết. "Cha cháu khó mà thân thiết được với ai, cho nên những chuyện kia người chỉ toàn nói cho mình cháu nghe mà thôi, không những vậy còn nói nhiều đến phát chán lên được. Giờ thì cha cháu đã tóm được ai đó khác sẵn sàng chịu lắng nghe rồi."

Vị văn hào vĩ đại của nước Nga mang vẻ mặt như thể ông không thể hiểu được tất cả những chuyện lằng nhằng rắc rối này có liên quan gì tới ông, nhưng dù sao ông cũng yên lặng lắng nghe cô thiếu nữ nọ tâm sự. Chẳng mấy khi con người ta chịu ngồi xuống nói chuyện với bức tượng một nhà văn đã chết đâu, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh như thế này.

"Tuy rằng nhiều khi cười cha cháu nhàm chán, nhưng thực lòng cháu rất yêu thương người. Người không thực sự thân thiết với ai; họ luôn ngưỡng mộ và nể sợ người, trước mặt người họ luôn giữ kẽ, không dám to tiếng và thậm chí còn chẳng dám nhìn vào mắt người. Trước giờ người vẫn luôn cô độc, chỉ có mình con gái là cháu thôi. Vào buổi tối, trong lúc người nấu ăn còn cháu thì ngồi bàn ăn đọc tạp chí, người rất hay lẩm bẩm: 'Tiểu Đào Đào, ta có chuyện này muốn kể con nghe...' Giờ đây khi cháu chứng kiến cha cháu nói điều y hệt với kẻ khác, chẳng rõ vì sao mà cháu cảm thấy muốn bắt nạt cái anh chàng Tartaglia kia ghê gớm... Đó, họ đứng dậy rồi kìa. Ông Gorky, ông hãy xem cháu bắt nạt anh ta đây... Cha. Con muốn đi mua bánh Giáng sinh."

Chung Ly cau mày. "Giờ cha phải lái xe ra Nhạc viện có việc. Con không đi cùng cha tới đó ngồi chờ một lát được sao?"

"Không, ở đó chán lắm."

"Nhưng cha phải tới Nhạc viện bây giờ, ai chở con đi mua bánh được...?"

Tartaglia vừa mới khoác áo đứng dậy liền sững người. "Hai người nhìn gì tôi?"

Chỉ hai phút sau, một Hồ Đào vô cùng đắc thắng đã ngồi chễm chệ trên xe Tartaglia thẳng tiến tới tiệm bánh.

"Nói cho cô biết, được ngồi ghế phó lái của tôi là vinh hạnh lắm đó. Vốn chỗ này tôi chỉ dành cho bạn đời tương lai của mình thôi." Tartaglia đặt vào lòng Hồ Đào túi sưởi ấm hắn cất trong tủ xe, sau đó ghé trán về phía gương chiếu hậu, vừa lái xe vừa chỉnh lại tóc mái đã bị mũ len làm cho rối loà xoà.

"Đáng lẽ anh không nên tiết lộ thông tin đó. Anh làm tôi muốn trèo xuống ghế sau ngồi rồi." Sau khi thấy Tartaglia liếc mắt lạnh lùng như muốn nói "Mời cô xuống", Hồ Đào liền rụt cổ, hối hận vì đã 'gài' hắn ta phải đưa cô đi mua bánh. "Không xuống, không xuống nữa... Mà nãy hai người nói chuyện gì ở công viên đấy, cho tôi nghe với."

Tartaglia không đáp lời cô ta, chỉ im lặng lái xe. Dường như hắn đang suy nghĩ gì đó rất lung.

"Nghệ sĩ violin... có vẻ giàu nhỉ." Mãi một lúc sau, khi Hồ Đào đã sắp quên chủ đề nói chuyện của cô rồi, Tartaglia mới ngập ngừng cất tiếng. Không rõ vì sao mà trong giọng nói hắn có đôi chút mất mát, đôi bàn tay giữ vô-lăng cũng vô thức siết chặt hơn.

Tuyết trắng xóa phủ hai bên vệ đường, rất lạnh. Bấy giờ đương là độ lạnh nhất của Mát-xcơ-va, người ta phải làm ấm bụng bằng vài hớp chè rót từ ấm samovar, để rồi sau đó hà hơi thành sương vào không trung. Những hàng cây ngân hạnh, bạch dương như đắp lên mình tấm chăn bông. Trong cái sắc trắng mơ màng lãng đãng của mùa đông Mát-xcơ-va, những ngôi nhà phủ tuyết và cụm khói phả nhẹ nhàng, người ta thường không nghĩ đến hiện tại mà nghĩ về quá khứ. Hồ Đào nhắm mắt lại, nhức nhối vì ánh sáng được tuyết phản quang, và trong tâm trí cô hiện lên một mùa đông tăm tối và khắc nghiệt hơn thế này nhiều.

"Anh nghĩ vậy là bởi cha tôi đã nói với anh đàn violin quý giá đến mức nào phải không?" Cô lặng lẽ nói.

"Chẳng lẽ không phải à?"

"Tôi... tôi tưởng anh phải khác. Đồng chí Tartaglia, anh nhìn thấy giá trị của cây đàn violin, thấy ánh đèn sân khấu rọi xuống nơi cha tôi biểu diễn, nhưng lẽ nào lại không nhìn thấy những vết chai xước trên bàn tay cha tôi?"

"Dĩ nhiên là tôi có thấy." Bàn tay cầm vô-lăng lại càng siết chặt đến trắng bệch - chặt đến phát đau.

"Cây đàn violin đó vốn không phải của cha tôi, mà nó được lấy ra từ bộ sưu tập đàn quý của chính phủ Liên Xô. Chính phủ cho cha tôi mượn đàn với điều kiện người phải đủ xuất sắc để có tư cách mượn, sau đó người phải kiếm tiền trả cho chính phủ đến khi nào bù đủ bằng giá trị cây đàn thì nó mới chính thức trở thành của người. Mà anh biết đấy, cha tôi là một nghệ sĩ lớn. Một nghệ sĩ lớn không thể biểu diễn bằng một cây đàn xoàng; nó sẽ làm giảm đi giá trị âm nhạc mà người đó tạo ra. Ta chẳng thấy David Oistrakh dùng đàn Conte di Fontana Stradivarius, Leonid Kogan dùng đàn Guarneri del Gesù đấy ư?"

Tartaglia lại im lặng. Hắn đã đi qua mấy tiệm bánh rồi mà không để ý. Một giọng nói trong quá khứ bỗng vang lên trong đầu hắn, xen lẫn những tiếng vĩ cầm ngắt quãng.

"Nhìn xem, Ajax, cây violin này không còn chơi được bao lâu nữa rồi. Thế mà có những cây violin chơi được mãi mãi đấy, chỉ là chúng ở rất xa..."

"Giờ cha cô còn thiếu bao nhiêu?"

"Người không bao giờ nói cho tôi số tiền." Hồ Đào đáp. "Nhưng tôi biết chắc phải đến cuối năm sau mới trả đủ. Cây đàn đó hiếm lắm, quý lắm, bao nhiêu giải thưởng âm nhạc quốc tế, bao nhiêu chuyến công diễn còn chưa đủ... Tôi thực tình lo lắng cho sức khỏe của người."

Đôi bàn tay cô bỗng níu chặt lấy chiếc túi sưởi của Tartaglia.

"Có lẽ cha tôi đã sở hữu được cây đàn đó rồi... nếu như không phải nuôi nấng tôi."

Qua tấm gương chiếu hậu, cô thấy hàng mày mảnh dẻ của Tartaglia cau lại. "Cô không nên nói thế. Anh Chung Ly rất yêu cô."

"Yêu tôi?... Phải rồi nhỉ, chắc hẳn là người rất yêu tôi. Tôi đâu phải con gái ruột người, mà chỉ là cháu gái của vị tướng tá họ Hồ qua đời trong lúc người còn tại ngũ, thế mà người vẫn yêu tôi. Hồi tôi nhỏ xíu, còn người thì mới đầu hai mươi, đất nước đang có nội chiến, người phải vừa đi dạy đàn, vừa đi làm ở dàn nhạc mới đủ cho hai cha con tôi sống được. Rồi cái năm người được cử đi Liên Xô, lúc đó tôi đã lớn hơn nên nhớ được nhiều hơn. Người nói với chính quyền là nếu không được mang tôi đi cùng thì người cũng sẽ không đi, cuối cùng họ cũng phải xuống nước cho tôi theo, với điều kiện người phải lo hết toàn bộ chi phí của tôi. Tàu rời ga Bắc Kinh, tới ga Nhị Liên rồi tiến vào Mông Cổ cũng vào mùa đông rét mướt như thế này, nhưng khắc nghiệt hơn nhiều. Khi đi qua Ulaanbaatar thì tôi trở ốm nặng, còn bao nhiêu tiền phòng thân người đem mua thuốc cho tôi hết. Chúng tôi phải đi nửa tháng trời mới tới được thủ đô Mát-xcơ-va... Ôi! Sao bỗng dưng tôi lại kể cho anh nghe những chuyện này!"

Hồ Đào thả túi giữ nhiệt xuống, trông có vẻ tự giận mình ghê gớm. Vừa lúc đó xe dừng lại trước một cửa hiệu bán bánh sau hàng tá cửa hiệu bị bỏ lỡ, cô nàng bèn không nói không rằng mà mở cửa xuống xe luôn, đi thẳng một mạch không ngoái đầu lại vào hiệu bánh và chỉ quay trở ra sau nửa tiếng đồng hồ.

Khi ngồi vào lại trong xe, thái độ của Hồ Đào khác hẳn. Trông cô ta rất đỗi vui vẻ với bọc bánh to đùng nóng hổi trong tay, và rõ ràng là không còn cần túi giữ nhiệt làm gì nữa. Nhìn cô là Tartaglia đã ngầm hiểu, là đừng có nhắc tới chuyện hồi nãy với cô. Hẳn lái xe chở cô về nhà ở số 5 đại lộ Petrovsky, suốt dọc đường cô ta líu lo kể đủ thứ chuyện trên đời (tính giống ai thế không biết?), thỉnh thoảng hắn chỉ ừ hử mấy tiếng để xác nhận là hắn có nghe cô.

"Tặng anh."

Khi về đến nhà mình, Hồ Đào nhét vào tay Tartaglia đến một nửa số bánh cô vừa mua được. Rồi chẳng thèm đợi hắn có đồng ý hay không, cô ta chạy tốc biến vào nhà luôn.

"Con bé này ngộ thật," Tartaglia nghĩ thầm, cắn một miếng bánh rồi thả lại vào trong bọc, khởi động xe. Sắp tối rồi mà Chung Ly vẫn chưa về nhà nữa... Giờ làm gì đây? Đến Trụ sở KGB, như thường lệ? Thế nhưng khi con xe Volga GAZ tiến ra khỏi đại lộ Petrovsky, nó không hướng về phía Trụ sở KGB như dự tính, mà là hướng về phía Học viện Âm nhạc Mát-xcơ-va.

Học viện Âm nhạc Mát-xcơ-va, Nhà hát Bolshoi, Phòng hoà nhạc Tchaikovsky, đại lộ Petrovsky, Quảng trường Đỏ, công viên Maxim Gorky,... tất cả đều là những địa điểm nối dài những cung đường chằng chịt rối như tơ lòng, chăng nên thành tấm bản đồ Mát-xcơ-va trong lòng Tartaglia, để cho con xe Volga GAZ lao vút như bay trên những xa lộ nửa hiện đại nửa cổ kính.

Chỉ cần những nơi đó có anh, thì trong tim hắn còn Mát-xcơ-va.



... nói tóm lại, một cuộc thanh trừng ngấm ngầm nhưng quyết liệt đang diễn ra trong toàn nội bộ KGB theo chỉ thị của Ban Lãnh đạo Liên Xô. Tuy cháu đã được gỡ bỏ mọi cáo buộc liên quan đến quãng thời gian hoạt động ở Hoa Kì, cháu vẫn phải hết sức cẩn thận. Theo bác biết, cháu vừa mới bay trở về từ Sevastopol sau khi Không lực Hải quân gọi cháu tới đó. Bác không rõ họ gọi cháu đi Sevastopol để làm gì, nhưng chắc chắn điều này không bình thường. Cháu trở về được Mát-xcơ-va không có nghĩa là cháu đã tuyệt đối an toàn đâu. Bên cạnh đó, hãy cảnh giác cao độ với các mối quan hệ cá nhân của cháu, mong cháu hiểu bác đang muốn nói tới ai. Dù là một người đồng chí xã hội chủ nghĩa, anh ta vẫn không phải người Liên Xô, mà là người Trung Quốc. Mà cháu cũng biết trong những năm này mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng thế nào rồi đấy.

Còn một việc nữa, cháu dạy dỗ lại thằng nhóc Yuri đi. Cậu ta quá ngây thơ và hay hấp tấp, rất có thể sẽ bị thải loại trong cuộc thanh trừng.

Hãy thận trọng trong mọi đường đi nước bước. Tin tưởng ở bác, và cháu sẽ không làm sao cả.

Gửi lời chào Cộng sản

Pulcinella.


Khi tia nắng yếu ớt xuyên qua khe rèm cửa xếp mà rọi xuống dòng chữ cuối cùng, Tartaglia mới gập bức điện lại. Trước mặt hắn, cách một cái bàn làm việc, là Yuri đang ngồi với tâm trạng lo âu.

Đối với vị cấp trên, một thần tượng trẻ tuổi của tình báo KGB này, Yuri vẫn luôn ấp ủ một lòng nể vì xen lẫn kính sợ. Từ lâu cậu ta đã biết tới biệt danh "Kẻ không có bóng" của hắn qua miệng các đồng chí ở Tổng cục bởi hành tung không để lại một chút vết tích của mình. Cậu ta đã được nghe kể nhiều về người này từ khi mới chân ướt chân ráo bước vào đây - những câu chuyện mà nghe chẳng khác nào truyền thuyết, từ việc người này từng hoạt động trên 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, tốt nghiệp khoá đào tạo tình báo ở Tây Đức để không bị nghi ngờ, ám sát thành công hai lãnh đạo phiến quân chống phá ở Trung Đông, bay sang Mĩ bằng máy bay của NATO cho đến những việc mờ ám như "sáng tạo" ra phương pháp gắn thiết bị nghe lén vào dụng cụ tình dục. Mật danh của kẻ đó là "Tartaglia", chính là người đàn ông đang ngồi ngược hướng ánh sáng trước mặt Yuri đây. Cái cách mà hắn ta ngồi im lặng không hơi thở và nhìn chòng chọc Yuri bằng cặp mắt vô cảm như mắt búp bê khiến cậu ta ước gì mặt đất bỗng nứt ra một cái lỗ nẻ để có thể trốn xuống.

Cậu chàng Yuri tội nghiệp đã không phải chờ lâu; sau khi đã bị "khủng bố ánh nhìn" đủ để nhớ mãn kiếp, cậu ta lập tức bị "tặng" cho một màn thẩm vấn và răn đe tơi bời. Đến khi Tartaglia chốt hạ bằng câu "Hãy liệu hồn nếu không anh cho cậu đi chở phân cừu ở thảo nguyên Azerbaijan" thì mồ hôi đã rịn ướt cả lòng bàn tay Yuri. Sẽ có những khoảnh khắc ngẫu hứng mà hắn cho phép Yuri nói chuyện thoải mái với mình, còn lại thì cậu ta vẫn phải đối mặt với một cấp trên nghiêm khắc và đáng sợ.

"Nhắc lại xem phù hiệu của KGB mang hình dáng gì."

"Là... là hình thanh kiếm và tấm khiên, thưa đồng chí Tartaglia."

"Cơ quan chúng ta chính là thanh kiếm và tấm khiên của Tổ quốc. Hãy tỏ ra xứng đáng với phù hiệu cậu đang đeo trên ngực. Đừng làm anh thất vọng lần nữa."

"Vâng!!!"

"Cậu có thể đi."

Yuri lập tức đứng dậy, nghiêm trang chào rồi xoay gót chuẩn bị rời đi. Cậu ta còn chưa kịp mừng vì được "tha bổng" thì giọng nói kia lại vang lên một lần nữa. "Yuri."

Tartaglia kéo ngăn bàn làm việc, lấy ra một mảnh giấy vuông vức và đặt trước mặt cậu ta. "Cho cậu."

Vẫn còn bán tín bán nghi, Yuri cầm mảnh giấy lên xem. Hoá ra đó là vé vào cửa một chương trình biểu diễn tại Phòng Hoà nhạc Tchaikovsky tối nay. Cậu ta chẳng hiểu gì cả, xoa đến rối cả mái tóc đỏ au. "Sao đồng chí lại cho tôi vé xem hòa nhạc của nghệ sĩ Chung Ly?"

"Không nhiều lời. Cầm lấy và đi đi."

Khi cậu chàng Yuri đã mừng rỡ cầm vé xem hoà nhạc đi rồi, chỉ còn lại một mình Tartaglia với căn phòng trống. Ngoài kia tuyết đang rơi ngày càng dày, một bầu không khí cận kề Giáng sinh đang bao trùm khắp thủ đô Mát-xcơ-va. Dường như không thể ngồi đây lâu thêm nữa, hắn khoác áo choàng lông đứng dậy. Trước khi đi, hắn vẫn còn nhìn xuống dòng chữ lạnh lùng được Pulcinella đánh trong bức điện.

Hãy cảnh giác cao độ với các mối quan hệ cá nhân của cháu, mong cháu hiểu bác đang muốn nói tới ai.

Cháu tin bác mà, bác Pulcinella, hắn thầm nghĩ. Nhưng lý trí của cháu tồn tại độc lập với tình cảm của cháu dành cho anh Chung Ly.

Rồi hắn cất bức điện vào ngăn kéo tủ, đóng sập vào và khoá lại. Năm giờ đồng hồ sau, hắn có mặt tại Phòng Hoà nhạc Tchaikovsky. Ngồi bên cạnh Tartaglia là Yuri diện bộ đồ trông như đi ăn cưới, nửa mừng nửa sợ, hồi hộp không thể tả; ở hắn vẫn tỏa ra một khí chất rất đáng sợ... Tartaglia cười bảo:

"Cậu cựa quậy cái gì, anh có ăn thịt cậu đâu mà lo?"

Nghe vậy, Yuri lập tức ngồi nín khe, không dám cựa quậy gì nữa, dù trong lòng vẫn thắc mắc vì sao cấp trên bỗng nhiên lại hào phóng tặng cho cậu ta vé đi xem hòa nhạc của một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Mãi rồi cậu ta mới đánh bạo cất tiếng. "Hồi nãy tôi đã thấy đồng chí Chung Ly ở ngoài phòng hòa nhạc."

"Cậu đến sớm tới mức thấy được cả Chung Ly cơ à?"

"Vâng... Là lần đầu tiên trông thấy tận mắt. Anh ấy quả là đẹp như lời đồn, bước xuống từ xe ô tô mà cứ như từ một cỗ xe sang trọng được kéo bởi những con ngựa trắng vậy."

Nghe Yuri bày tỏ niềm ngưỡng mộ với vẻ đẹp của Chung Ly, không hiểu sao Tartaglia lại cảm thấy bực dọc. "Xe kéo bởi ngựa trắng? Vớ vẩn."

Rõ ràng vừa mới hứa không ăn thịt tôi cơ mà, Yuri rầu rĩ nhủ thầm. Cậu ta lại phải lật đật chuyển chủ đề. "... Vậy là hôm nay họ biểu diễn Violin Concerto của Felix Mendelssohn. Anh thích tác phẩm âm nhạc này lắm sao?"

"Anh có thích đâu. Đã nghe thử vài lần qua băng cassette rồi nhưng không đọng lại được ấn tượng cho lắm."

"Nhưng... Violin Concerto của Mendelssohn là một trong những bản concerto dành cho violin nổi tiếng nhất..."

"Anh biết nó nổi tiếng. Joseph Joachim xếp nó vào trong bộ tứ Violin Concerto huyền thoại của nước Đức của Beethoven, Brahms, Bruch và Mendelssohn. Anh biết cả tiểu sử nhà soạn nhạc, tempo và giọng mà từng chương được chơi... thế mà anh vẫn không cảm được nó. Cậu nên biết anh vốn không phải người sành nghe cổ điển."

Yuri ngạc nhiên. "Nếu đã không thích nhạc cổ điển thì sao dạo gần đây anh lại chăm nghe và chăm tìm hiểu về nó như thể Mozart tái thế? Mà chẳng phải dạo gần đây đâu, anh đã như vậy kể từ khi vừa mới từ Mĩ về rồi."

Anh làm vậy là vì Chung Ly, Tartaglia thầm nghĩ, nhưng hắn không muốn nói điều này ra, vậy nên rốt cuộc chỉ im lặng.

Buổi hòa nhạc cuối cùng cũng bắt đầu. Chung Ly bước ra từ sau bức màn sân khấu, đẹp đẽ và trịnh trọng như mọi khi. Anh vừa mới xuất hiện, dàn nhạc giao hưởng đã lần lượt nâng nhạc cụ của mình lên, sẵn sàng để biểu diễn khi có hiệu lệnh của nhạc trưởng.

Ngay từ nốt nhạc đầu tiên, toàn bộ thính phòng đã rúng động trong những âm sắc dày đặc và mãnh liệt. Bên cạnh Tartaglia, Yuri không nhịn được mà cảm thán.

"Trời đất ơi! Đoạn chạy nốt của anh ấy mới trong làm sao, thuần khiết không pha lẫn chút tạp âm thừa thãi nào, các nốt tuy có độ kết dính nhưng không nhiễu vào nhau... Cả cái cách mà anh ấy nhấn những nốt cao, sao con người ta lại có thể làm được điều ấy? Anh có nghe được lúc anh ấy chơi những nốt cao vút ấy không, đồng chí Tartaglia?"

"Có chứ."

"Tôi đã từng nghe nói Violin Concerto của Mendelssohn là một trong những bản nhạc khiến người ta biết được trình độ của người nghệ sĩ ngay từ đầu bài. Giờ đây khi chiêm ngưỡng tài năng của Chung Ly, tôi mới hiểu được điều họ nói..."

Tartaglia cau mày lại, dần cảm thấy điều Yuri nói có lý. Hắn thôi không còn chỉ chăm chăm ngắm nghía Chung Ly và hời hợt với âm nhạc nữa, mà bắt đầu thực sự tập trung lắng nghe. Anh đang chơi với một nhịp độ kì lạ mà hắn chưa từng nghe thấy ở các bản thu âm của nghệ sĩ khác bao giờ, một nhịp độ khiến trái tim con người ta hồi hộp run rẩy. Từng nốt nhạc anh tạo ra đều trau chuốt tỉ mỉ và sáng rực rỡ, đánh mạnh vào tri giác. Đây là điều vô cùng khó với Violin Concerto của Mendelssohn, bởi không giống những bản nhạc khác, đoạn nào cũng là đoạn cao trào, ta không thể nhấn cho xong vài nốt nhạc để đảm bảo đúng kĩ thuật, mà phải chịu áp lực liên tục hết từ cao trào này đến cao trào khác, vừa phải chơi bằng độ chính xác lạnh lùng vừa phải tô đậm tính chất "lãng mạn" của bản nhạc. Thiếu đi xúc cảm lãng mạn, Violin Concerto của Mendelssohn sẽ chỉ là một chuỗi âm thanh vô hồn, bởi dù sao thì thời kì của Mendelssohn cũng là thời kì đỉnh cao của trào lưu Âm nhạc Lãng mạn (2). Với chừng ấy độ khó và áp lực dồn nén, cây vĩ cầm của Chung Ly vẫn thở ra những thanh âm mềm mại và tự nhiên như thể đây là cách nó hô hấp để sinh tồn. Độ cố kết giữa những nốt nhạc tinh tế đến nỗi nếu ví âm nhạc của anh là món mì, thì toàn bộ bản nhạc sẽ chỉ là một sợi mì duy nhất, tuy có chỗ mỏng chỗ dày nhưng vẫn liền một mạch từ đầu chí cuối. Tâm trí và cảm xúc của người nghe cũng liền mạch như thế, bị hút chặt vào tiếng đàn của anh không một khắc sao nhãng.

(2) Trào lưu Lãng mạn là một trào lưu âm nhạc lãng mạn thịnh hành ở châu Âu sau Cách mạng Pháp 1789. Khác với tính điều độ của phong cách cổ điển Vienna, các nhạc sĩ thời kì Lãng mạn coi trọng tính bốc đồng và mới lạ.

Bản violin concerto, trước đây vốn bị Tartaglia cho là khó ngấm, giờ đây từng nốt từng nốt dưới đôi bàn tay của Chung Ly rơi vào lòng hắn, lặn xuống thật sâu nơi đáy lòng và không bao giờ ngoi lên nữa. Hắn bị đắm chìm vào bản nhạc tới nỗi không nghe thấy Yuri bên cạnh đang thì thầm bình luận gì đó. Mãi tới khi toàn bộ concerto đã kết thúc, hắn mới sực tỉnh khỏi bùa mê, vừa lúc kịp nghe thấy tiếng thở dài của Yuri. "Đấy, đồng chí cứ bảo không thích nghe nhạc cổ điển đi, giá như mà đồng chí trông thấy vẻ mặt của chính mình lúc này."

"Vẻ mặt anh như vậy chẳng qua là do phong thái biểu diễn của Chung Ly thôi."

"Ô, sao anh Chung Ly lại đặt đàn lên vai nữa kìa? Anh ấy định chơi thêm bài nữa à?"

"Đó gọi là bài bis, là bản nhạc ngẫu hứng mà nghệ sĩ dành tặng cho khán giả. Bài này không có tên trong tờ chương trình." Tartaglia bèn giải thích với sự am hiểu của một người đã đi nghe hoà nhạc nhiều lần. "Hình như là bản Humoresque của Dvorak, khúc số 7, poco lento e grazioso (3)..."

(3) Poco lento e grazioso (tiếng Ý) có nghĩa là một chút chậm rãi và duyên dáng, vui tươi, được ghi ở góc trái trên cùng bản Humoresque số 7 của Antonin Dvorak.

Nhưng rồi khi nốt nhạc đầu tiên cất lên, Tartaglia lập tức im bặt. Hắn không thể hiểu nổi hôm nay hắn bị làm sao mà bỗng dưng trái tim lại nhạy cảm đến thế. Có thể là do bản Violin Concerto của Mendelssohn đã thu hút hắn ngay từ đầu, sôi nổi và dữ dội y hệt như cá tính của hắn, có thể là do không khí Giáng sinh đã khiến hắn lâng lâng suốt mấy ngày nay, hay do sáng nay hắn nhận được đôi găng tay len Hồ Đào đan tặng... Mà cũng rất có thể đơn giản là do hôm nay hắn bỗng thấy Chung Ly đẹp một cách bất thường. Hắn đã bao giờ thấy Chung Ly không đẹp đâu, nhưng riêng hôm nay thì hắn ý thức vẻ đẹp ấy một cách rõ rệt, như thể hắn là một nhà thiên văn học đang quan sát ngôi sao yêu dấu của mình qua lăng kính thiên văn.

Tóc anh hôm nay đẹp và mềm mại quá, hắn nghĩ, bộ dạ phục ôm sát lấy thân hình cao và cân đối của anh, còn gương mặt anh thì đỏ bừng lên trong niềm say mê âm nhạc. Giờ đây, hắn không chỉ nhìn anh như là "anh Chung Ly" mà suốt 15 năm nay hắn khắc ghi trong lòng, mà còn là "nghệ sĩ Chung Ly" - người tạo ra âm nhạc và là một phần của bản nhạc anh chơi. Cuối cùng Tartaglia cũng hiểu được khi nhìn anh dưới ánh đèn sân khấu, rằng tại sao suốt bao nhiêu lâu nay, trong cả thơ ca nhạc hoạ lẫn trong đời thường, người ta lại dễ dàng phải lòng nghệ sĩ. Lần đầu tiên hắn không cảm thấy khó chịu với những gương mặt thẫn thờ say mê của khán giả nơi đây, mà bắt đầu trở nên đồng cảm với họ.

Và rồi đột ngột, các kontsertmeyster (4) nhấn mạnh cây vĩ cầm, nghệ sĩ piano và cello chơi những nốt thật tráng lệ, nhạc trưởng giơ cao gậy chỉ huy, bàn tay của nghệ sĩ solo violin là Chung Ly rung thật mạnh, bản nhạc đổi từ giọng Sol giáng trưởng sang giọng Fa thăng thứ, Tartaglia cảm thấy một đợt rùng mình chạy dọc từ chân lên đầu và cơ thể như bị đóng chặt vào ghế. Hắn sững sờ đến điếng người, vì đoạn nhạc đặc biệt này gợi cho hắn liên tưởng mạnh mẽ về những kí ức tưởng chừng hắn đã quên.

(4) Kontsertmeyster (tiếng Nga), hay còn gọi là concertmaster trong tiếng Anh, là người chỉ đạo cánh nhạc cụ dây trong một dàn nhạc.

Fa sol la sol la, sol fa mi si, do re... Tartaglia không biết Dvorak đã cảm thấy gì khi ông soạn ra bản nhạc này, cũng không rõ ý tứ ẩn đằng sau nó, như Chung Ly đã từng nói với hắn: "Hãy vứt hết ý nghĩa của âm nhạc đi. Âm nhạc chẳng có nghĩa vụ phải truyền tải thông điệp gì đâu." Hắn chỉ biết rằng đoạn nhạc này khiến hắn nhớ về thời thơ ấu, xưa rất là xưa. Trong cái thời thơ ấu ấy, Ajax bé cùng các anh chị em của mình, anh Vanya, anh Seryozha, chị Elizaveta và thằng em trai Teucer (hắn nhớ lúc đó Anton còn quá bé và Tonia thậm chí còn chưa ra đời) cùng dạo chơi trên những cánh đồng Nga rộng lớn vào hoàng hôn. Nhất định phải là hoàng hôn, vì đoạn nhạc này mang màu sắc của ráng chiều thẫm đỏ, mang cái bình yên tha thiết và tĩnh lặng cuối ban ngày. Từ trên mỏm đồi nhìn xuống thấy cả một miền đồng bằng xanh biếc và lộng gió. Rồi Ajax cùng các anh chị em trở về nhà, trông theo cột khói nghi ngút bốc lên từ chòi bếp của mẹ mà đi, những nốt nhạc này sao mà giống giai điệu mà mẹ ngâm nga trên môi lúc làm bữa tối đến thế... Rồi khi bàn tay mẹ chầm chậm mà nhẹ nhàng đặt lên đầu Ajax bé mà xoa lên, xúc cảm giống hệt như lúc nghe đoạn nhạc ngân dài này...

Đây không phải điều mà ngôn ngữ có thể diễn tả, mà chỉ có thể là âm nhạc.

Hắn không ngờ tiềm thức của bản thân còn giữ lại những mẩu kí ức ấy, vì chúng quá bình dị, quá ngắn ngủi để tồn tại qua những giông tố ập vào cuộc đời hắn sau này. Chớp mắt một cái, 20 năm đã trôi qua, hắn ngồi ở thính phòng hoa lệ bậc nhất Liên Xô, nhưng những dáng hình thời ấu thơ thì từ lâu đã chẳng còn bên cạnh, âm nhạc là thứ duy nhất trên đời có thể hồi sinh những dáng hình ấy trong chốc lát. Và thế là hắn thẫn thờ, tê liệt, không còn cảm thấy được sự tồn tại của bất cứ thứ gì trên đời ngoài Chung Ly và dòng chảy suy ngẫm cuồn cuộn của chính hắn. Bên cạnh hắn, Yuri đã đứng lên từ lâu, dùng một tay lay nhẹ vai hắn mà gọi. "Anh Tartaglia, anh Tartaglia..."

Bấy giờ hắn mới nhìn thấy thế giới thực tại, liếc sang bên cạnh thì đã thấy đôi mắt Yuri ngân ngấn lệ...

"Buổi diễn kết thúc rồi, đồng chí ạ. Chúng ta nên về thôi nhỉ." Yuri xấu hổ lấy ống tay áo chùi mắt, quay mặt đi.

Tartaglia im lặng nhìn cậu ta loay hoay chùi tới chùi lui, cuối cùng đột ngột nói. "Đi."

"Anh nói đi đâu? Đi về à?"

"Không, anh dẫn cậu đi gặp Chung Ly."

Yuri trố mắt nhìn. "Nhưng anh có quen người ta đâu mà đòi gặp..."

Tartaglia cười khẩy. "Không quen à? Cậu chắc là anh không quen chứ?"

Năm phút sau, hắn đã dẫn một tên Yuri ngơ ngác len qua đám đông để tới gặp Chung Ly ngoài sảnh. Bảo vệ thấy hắn là người quen của anh nên không cản hắn lại. Vừa nhác thấy bóng dáng hắn, Chung Ly đã mỉm cười "A, Tartaglia!" như thể anh đã chủ tâm chờ hắn từ lâu, nhưng ngay sau đó anh liền cau mày ngạc nhiên khi nhìn vào gương mặt hắn. Anh muốn nói gì đó, nhưng Tartaglia đã đẩy Yuri lên trước giới thiệu cậu ta.

"À... Ơ... Xin chào... thưa anh..." Đứng trước một nghệ sĩ bậc thầy trong giới vĩ cầm cổ điển, Yuri lắp bắp không thành lời, mồ hôi rịn ra trên trán, tay chân quéo hết cả lại. Cậu ta chỉ nhìn vào mắt anh vài giây rồi e ngại liếc sang nơi khác, bởi giống như bao người, cậu ta cũng thấy Chung Ly có một đôi mắt đặc biệt và đáng sợ.

Trái ngược với nỗi lo lắng bồn chồn của Yuri, Chung Ly mỉm cười chìa tay ra với cậu ta. Nghĩ tới việc bàn tay này vừa làm điều gì với cây đàn violin, cậu ta thực sự không dám sờ vào, nhưng vì sợ làm phật lòng anh nên vẫn chìa tay ra bắt... Trò chuyện dăm câu được một hồi, chớp mắt đã không thấy bóng dáng Tartaglia đâu nữa. Hắn đã để Yuri lại với Chung Ly rồi bỏ ra ngoài phòng hoà nhạc.

Ngoài trời tuyết đang rơi mỗi lúc một dày. Hắn dựng cổ áo bành tô thật cao để che kín xương quai xanh, hai tay cất sâu vào túi áo. Tuyết đọng trên áo hắn mãi chẳng chịu tan. Dòng người đi ra khỏi phòng hoà nhạc hoà với dòng người và dòng xe cộ chảy trôi trên đường phố, bước đi trong tuyết rơi, tạo thành những mảng màu trắng đen nhoè nhoẹt quyện vào nhau như được quẹt bởi một cây cọ đã cũ. Ánh sáng đèn đường và ánh sáng đèn xe hắt lên những tầng băng trắng xoá bám lên cành cây trụi lá khiến chúng lóng lánh như những hạt nữ trang.

Mùa đông ở Mát-xcơ-va rất đẹp. Ở đây, dễ thường con người ta không còn tơ tưởng tới biển cả, cát trắng hay núi rừng nữa.

Tartaglia ngửa đầu ra sau, nhắm mắt lại. Hơi thở của hắn tạo thành một cụm khói mờ đục trong không trung. Không biết là do trời lạnh hay do cái gì đi nữa mà hắn cảm thấy lòng mình tê dại. Hắn cứ chôn chân đứng đó với một tẩu thuốc trên môi, tuyết đọng đầy vai áo, lơ đãng nhìn những người lao công đang loay hoay chăng đèn lên cây thông lớn sừng sững trước cổng thánh đường. Giáng sinh! - hắn nghĩ, hai mắt khép hờ, nếu như ý nghĩa của Giáng sinh là sự quây quần, thì dường như đã lâu lắm rồi ta chưa thực sự trải qua Giáng sinh. Bản Humoresque và những hồi ức nó đem lại tiếp tục cất lên trong đầu...


Mùa đông Mát-xcơ-va. Chụp bởi Boris Kosarev, năm 1961.


"Tartaglia!"

Đó là giọng Chung Ly. Anh đã tìm hắn tới tận đây rồi.

"Tartaglia." Anh dừng bước, chìa ô che tuyết cho hắn, giọng tỏ ra rất không hài lòng. "Cậu chẳng ở phòng hoà nhạc chờ tôi."

Một khoảng thời gian quen biết Chung Ly là đủ để Tartaglia nhận ra những tật xấu của anh, ví dụ như ngấm ngầm thích kiểm soát. Anh ta bảo bọc Hồ Đào khủng khiếp, và thích Tartaglia hướng mọi sự chú ý của hắn về phía anh, cứ như thể sự chú ý của khán giả thôi chưa bao giờ là đủ vậy. Anh yêu cầu hắn đúng giờ là phải ra sau cánh gà chờ anh sau mỗi buổi diễn - tệ hơn nữa, anh không yêu cầu bằng cách thẳng thừng ra lệnh, mà dùng lời lẽ dịu dàng nhưng không thể chối từ, để rồi kẻ bị dụ dỗ dễ dàng bùi tai và răm rắp nghe lời anh. Dĩ nhiên, điều này không phải là vấn đề với Tartaglia; sự chú ý của hắn lúc nào mà chẳng đặt lên anh. Thế là hết lần này tới lần khác hắn dung túng cho quý ngài Nokken (5) xinh đẹp một cách tồi tệ này, để cho anh ta khoanh tay rõ chặt trước ngực và quai hàm cứng ngắc: "Hôm nay sắc mặt cậu rất lạ. Tôi chơi đàn dở lắm à?"

(5) Nokken là một loài thuỷ quái đầm lầy trong thần thoại, thường xuất hiện dưới hình dạng nam nhân trẻ đẹp kéo vĩ cầm để mê hoặc con người.

"... Tôi không sao mà anh Chung Ly. Trước khi tới đây tôi trót nốc vodka quá chén... nên giờ hơi ngà ngà say."

Chung Ly vốn biết tửu lượng của Tartaglia có thể đánh gục một con bò mộng nên nhướn mày bán tín bán nghi. "Cậu say?"

"Vâng, tôi say." Hắn nhẹ nhàng đáp.

Không phải do vodka hay do thứ rượu bia nào trên đời hết. Hắn đã say, say nghiêm trọng rồi.

Chung Ly nhìn bước chân Tartaglia trong cơn say để lại những dấu ấn dài trên nền tuyết, khoét thành một vòng tròn bao quanh anh như quỹ đạo trái đất quay quanh mặt trời, quai hàm anh vẫn chưa hề giãn ra tẹo nào. Mỗi khi giận, anh thường lạnh lùng im lặng như vậy đấy.

"Thôi nào, tôi xin lỗi mà." Sau khi thấy trái đất đã quay hết được một vòng quanh mặt trời mà mặt trời trông vẫn khó đăm đăm, trái đất bèn cúi mình theo kiểu quý tộc thời xưa. "Làm thế nào thì anh mới hết giận đây?"

Chung Ly nhất quyết không thèm nói gì, tay vẫn khoanh trước ngực chặt cứng. Tartaglia thầm nghĩ, hắn mới dễ mềm lòng trước anh làm sao... Lần đầu tiên gặp mặt và anh chọc giận hắn, anh chỉ cần xin lỗi một câu và rủ đôi mắt buồn xuống là bao nhiêu giận dữ trong hắn đều tiêu tan. Thế mà giờ đây cái tên cao ngạo và cứng đầu này mãi không chịu tha thứ cho hắn.

"Hay là tôi nhảy ra trước mũi xe ô tô cho anh nhé?" Hắn chỉ vào xa lộ đông đúc nơi xe cộ đang lao vút như bay. "Giống như Anna Karenina ấy?"

Thật độc ác, ngay cả khi hắn đã nói vậy, anh ta vẫn không chịu nhúc nhích, thậm chí còn không thèm giả vờ tỏ ra hoảng hốt.

"Chà, vậy là tôi không được tha thứ rồi... Nhớ chơi bản nhạc nào đó thật hay trên mộ phần của tôi nhé, đồng chí Chung Ly." Hắn chỉ đơn giản nói có vậy, rồi hai tay cất túi áo, lùi bước dần...

Đúng là Chung Ly đang giận thật. Trông vẻ mặt của hắn lúc ở phòng hoà nhạc khiến lòng anh chùng hẳn xuống, đã vậy hắn còn bỏ đi thẳng mà chẳng nói một lời. Nhưng anh đâu có ngờ được khi anh quay người lại, chân hắn đang thực sự lùi dần về phía lòng đường theo điệu tango, đâu có ngờ được nụ cười điên rồ trên môi hắn khi một chiếc ô tô lớn sượt qua người...

"AJAX!"

Hai âm sắc vọt thẳng lên không trung rồi vỡ vụn trong tuyết đông rét lạnh. Một câu nói làm thay đổi tất cả mọi thứ. Một cái tên - cái tên duy nhất đã gắn chặt cả quá khứ của họ lại với nhau.

Tartaglia lập tức khựng lại, nụ cười trêu tức trên gương mặt hắn cứng đờ khi hắn cảm thấy trái tim mình như đứt lìa khỏi lồng ngực.

Chung Ly cũng đã nhận ra anh vừa nói gì đó bất thường. Nhưng anh không bận tâm, chỉ dứt khoát bước lên, túm lấy cổ tay Tartaglia và kéo hắn trở lại vùng an toàn.

"Tôi đã cứu cậu một mạng ở Mãn Châu, Ajax ạ." Anh quày quả phủi sạch tuyết khỏi ống tay áo. Chung Ly luôn rất dịu dàng, cho nên thật hiếm khi thấy anh giận đến mức sắt đá như thế này. "Tôi không muốn 15 năm sau đó vẫn phải nhìn thấy cậu chơi trò tung hứng với Thần Chết đâu. Làm thế khi nào không có mặt tôi ấy, ít ra khi nằm yên dưới mồ rồi cậu mới phải nghe tôi trách mắng. Đúng là nghịch dại."

Tartaglia dường như không hề nghe thấy anh nói. Hắn để mặc cho anh kéo mình vào vệ đường, đăm đăm nhìn anh bằng đôi tròng mắt bằng sứ xanh của búp bê matryoshka như thể hắn chưa từng thấy ai như anh trên đời. Chung Ly không thể nhìn vào đôi mắt ấy; chúng chẳng biết làm gì khác ngoài thiêu đốt anh.

"Đã... đã 15 năm rồi."

Mãi rồi hắn mới tìm thấy lại giọng nói của mình.

"Đã 15 năm trôi qua, kể từ lần cuối cùng ai đó gọi tôi là 'Ajax'."

Giọng hắn vang lên thật sâu, thật trầm, như một bức bình phong để che giấu sự run rẩy trong đó. Vô vàn cảm xúc bồng bềnh trong đôi mắt Tartaglia, khiến cho hình ảnh phản chiếu của anh nơi đáy mắt hắn trở nên rung rinh xao động. Mọi vỏ bọc bằng sắt bằng thép hắn dựng lên quanh mình đã vì một tiếng "Ajax" đó mà bị đánh cho vỡ tan, để lộ phần nhỏ bé, yếu ớt nhất bên trong, trần trụi, không có gì để che giấu trước mặt Chung Ly.

Chung Ly không nói gì cả, chỉ im lặng, như thể anh sợ rằng chỉ cần anh cất tiếng là sẽ phá hỏng cái gì đó. Cái lạnh của mùa đông Mát-xcơ-va khiến hai tay anh co lại vào trong túi áo choàng lông.

"Anh đã biết từ bao giờ?..." Tartaglia khàn khàn cất tiếng, giọng trầm và nhỏ tới nỗi hầu như không nghe thấy gì. Chung Ly bỗng cảm thấy thương hắn không sao tả xiết, và tự trách mình thật nhẫn tâm khi đã giận dữ trước một đứa trẻ.

"Vào ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau, tôi đã có cảm giác lạ lùng là cậu đã biết tôi rất lâu về trước, từ khi tôi còn chưa là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng - chưa là ai cả. Hơn nữa cậu còn tự xưng trong thư là 'chiến binh Hy Lạp', làm tôi bắt đầu hơi ngờ ngợ. Thời gian dần trôi, bỗng một ngày tôi chợt nhận ra, một cách rất tự nhiên, không sớm thì muộn... À, thì ra đây là cậu bé năm ấy."

Vừa nghe thấy từ "cậu bé" thốt ra từ miệng anh, Tartaglia đột nhiên rùng mình, như thể đã bị vạch trần chân tướng. Hắn có vẻ tự giận mình, đôi bàn tay siết chặt lại như đang cố kiềm chế điều gì đó. Chung Ly rất tinh ý nhận ra biểu cảm này của hắn.

"Sao cậu lại muốn che giấu?" Anh bước lại gần hắn, giọng mềm hẳn đi. "Ajax, trái đất này thật tròn. Sau bao nhiêu năm trời, tưởng chừng như không bao giờ gặp lại, thế mà chúng ta đã gặp lại nhau. Rõ ràng cậu đã biết đó là tôi ngay từ đầu, thế nhưng sao cậu không nói?"

Tartaglia lắc đầu, mi mắt rũ xuống.

"Nói để làm gì...? Nói cũng có thay đổi được gì đâu, giữa chúng..." Hắn nuốt từ 'chúng ta' xuống. "Giữa tôi và anh vẫn là 15 năm khoảng cách. Tôi đã thay đổi quá nhiều, anh cũng chẳng còn như xưa. Tôi đâu thể hy vọng mình nói ra và anh sẽ lại gần gũi với tôi như thể 15 năm qua chưa từng tồn tại... Làm thế chỉ khiến tôi và anh gượng gạo hơn mà thôi..."

"Vậy nên cậu im lặng, và chờ đợi?"

"Vâng, tôi kiên nhẫn chờ."

"Nhỡ đâu tôi không bao giờ nhận ra cậu là Ajax?"

"Thì tôi sẽ buồn một chút thôi, chẳng sao cả." Tartaglia thản nhiên đáp. "Tôi muốn anh quý mến tôi vì chính bản thân tôi hiện tại, chứ không hề muốn anh miễn cưỡng quý mến tôi chỉ vì tôi là phiên bản trưởng thành của cậu bé năm xưa."

Qua làn tuyết rơi trắng xoá, hắn thấy Chung Ly mỉm cười.

Tartaglia không bao giờ có thể hiểu được những nụ cười của anh; với hắn, chúng còn bí ẩn hơn cả nụ cười Mona Lisa và hàm chứa ý nghĩa sâu xa gì đó mà ta không thể đoán được. Trong đầu hắn vụt lên một cái tên, nghe như tên một bức tranh, hoặc tên một cuốn tiểu thuyết, "Mona Lisa ở Mát-xcơ-va"... Nghe thực có chút ngô nghê...

"Đi nào."

Tartaglia ngạc nhiên nhìn anh nắm lấy cổ tay áo hắn mà kéo đi. "Đi? Đi đâu?"

"Về nhà tôi. Tôi có cất một ít canh giải rượu ở nhà. Chẳng phải cậu vừa bảo bị say rượu sao?"

Dối trá đến thế mà anh ta cũng tin. "Nhưng còn khán giả của anh, rồi phóng viên, nhà báo, nhà phê bình ở phòng hoà nhạc?" Hắn vờ vĩnh thắc mắc.

"Mặc họ. Tôi muốn đưa cậu về hơn."

Rồi anh nhét hắn vào con xe Volga GAZ quen thuộc, dường như không để tâm hắn đang đờ ra vì sững sờ trước câu nói "Tôi muốn đưa cậu về hơn" của anh đến thế nào. Anh thành thực tin rằng hắn bị say rượu, nên đêm hôm ấy anh không để hắn lái xe nữa, mà anh thay thế vị trí của hắn. Chung Ly không có kiểu lái xe như tay đua giống Tartaglia. Anh lái khá chậm và vững vàng, dễ dàng gây cảm giác yên lòng.

Sau một hồi im lặng, Tartaglia chợt lấy từ trong hộc tủ xe một cuốn băng cassette cũ, trông như đã được sử dụng rất nhiều lần. Vài giây sau, giai điệu du dương của bản nhạc "Trên núi đồi Mãn Châu" rè rè vang lên...

Qua tấm gương chiếu hậu, hắn thấy cặp mắt vàng kim kì lạ của Chung Ly khẽ cau lại, như đang cố nhớ ra điều gì... Rồi bỗng cặp mắt ấy giãn ra thật to, đầy ngỡ ngàng như muốn nói - À, thì ra là thế, thì ra là thế...

Tartaglia làm bộ như chẳng để ý gì, chống khuỷu tay lên thành xe, mắt nhìn thẳng. Nếu như trong xe không quá tối, có thể dễ thấy vành tai hắn đang lặng lẽ đỏ lên.

Giai điệu "Trên núi đồi Mãn Châu" hoà trộn với tiếng động cơ xe hơi êm dịu dần đưa cả hai người họ về với những hồi ức cũ...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro