L. Beethoven: "Gửi người yêu phương xa"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Gửi người yêu phương xa" là tập liên khúc duy nhất của nhà soạn nhạc người Đức L. Beethoven, thường được cho là liên khúc đích thực đầu tiên trong thể loại lied, mang đầy sức mạnh nội tâm. Liên khúc được sáng tác dựa trên chùm thơ của bác sĩ, nhà văn Alois Isidor Jeitteles. Bản thân Beethoven cũng có một một bức thư nổi tiếng, "Người tình bất tử": "My angel, my all, my very self—"

Một thời gian dài sau đó, Tartaglia và Chung Ly không gặp lại nhau. Những chính biến nảy lửa ở Mỹ Latinh đã không còn giữ Tartaglia ở Mát-xcơ-va thường xuyên được nữa, còn Chung Ly cũng bận rộn với sự nghiệp âm nhạc của anh khi mà giờ đây đang gặp nhiều khó khăn do căng thẳng chính trị giữa Liên Xô và Trung Quốc. Đã vài lần anh tính đến chuyện rời hẳn Liên Xô về nước, nhưng ở đây vẫn còn quá nhiều việc, anh chưa thể về được. Hơn nữa biên giới Xô - Trung đang bị kiềm toả, người Liên Xô sẽ không để một người đàn ông Trung Quốc đã sống lâu năm ở Nga trở về nước đối địch. Hồ Đào có lẽ là một trong những người Trung Quốc cuối cùng có thể thuận lợi về quê hương.

Vào dịp năm mới âm lịch của Trung Hoa, Chung Ly đột ngột mời Tartaglia qua nhà ăn tối. Ngôi nhà xinh đẹp trên đại lộ Petrovsky được tô điểm bởi những chùm hoa mộc qua, song chấn hình chữ triện tráng men, tường phòng khách treo những câu đối đỏ thẫm như vạt tay áo của hoàng hậu Trung Hoa. Hương vị của bình rượu Mai Quế Lộ như muốn níu chân vị khách Liên Xô vốn chỉ quen với thứ rượu Nga mạnh và nồng. Chung Ly ngồi cong mắt thích thú xem Tartaglia chật vật loay hoay dùng đũa gắp há cảo, rồi sau đó mới từ tốn gắp từng miếng cho hắn ăn như hồi hắn còn thơ bé. Trong lòng Tartaglia bồi hồi xúc động, nếu đây chính là phần thưởng cho việc dùng đũa thì hắn sẵn sàng ăn bằng hai cái que chết tiệt ấy cả đời.

"Tôi không nhớ được là làm sao hồi xưa cậu lại có thể sống ở Trung Quốc lâu đến vậy mà không biết dùng đũa." Chung Ly bật cười, dịu dàng gắp thức ăn vào đầy một bát hắn. "Cậu ăn tiếp đi. Hôm nay tôi cố tình nấu nhiều đấy."

Tartaglia lập tức phản bác, nhưng miệng bị nhét đầy thức ăn, ú ớ không thành tiếng. Hắn tính nói là do hồi đó còn khó khăn túng thiếu, cả lúc còn sống với gia đình lẫn lúc sống với Chung Ly, đồ ăn thức uống xuề xoà nên quẳng đôi đũa đi vẫn ăn được.

"Anh Chung Ly, tôi thích ăn món này."

"Đây, gắp cho cậu đây."

"Cả món kia nữa."

"Có ngay."

Đôi mắt biếc xanh cong lại như vầng trăng khuyết, phấn chấn như chú cáo nhỏ đã với được chùm nho xanh... Quả nhiên là Ajax rất thích được ăn ngon, từ nhỏ tới giờ không thay đổi. Chung Ly vẫn còn nhớ, cách đây rất nhiều năm, có một dạo Ajax thường xuyên gặp ác mộng. Cậu mơ thấy mình lớn lên, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, cậu phải dắt các con mình đi khắp nơi kiếm kế sinh nhai, hệt như chính gia đình cậu khi trước. Những đứa con liên tục kêu đói, còn cậu thì trấn an chúng "Cha sắp có bánh mì cho các con đây", nhận ra cậu đang lặp lại lời nói dối của chính cha mình. Ngoảnh đầu lại, cậu thấy các con mình bỗng chết hết; khói lửa, bom đạn đã giết chúng, cậu chỉ còn một mình... Đó là những gì Ajax kể lại khi nằm run rẩy trong lòng Chung Ly, níu lấy anh như thể anh là hy vọng duy nhất trên đời.

Ăn đi, ăn tiếp đi, chỉ cần em vui lòng, tôi có thể làm tất cả, Chung Ly thầm nghĩ. Ít nhất hãy cho phép mình làm một đứa trẻ lúc này. Em bị buộc phải lớn lên nhanh quá, phải trưởng thành, phải gan góc sớm quá, cho nên tôi hiểu khi có một phần nào đó trong tâm hồn em không lớn kịp với tất cả những gì em đã trải qua. Tôi ước gì em mãi ngây thơ, nhưng có lẽ tôi tham lam quá rồi...

"Chung Ly, sao anh không ăn mà nhìn tôi mãi thế?"

Khuôn mặt xinh đẹp như búp bê kia lộ ra vẻ bối rối. Bấy giờ Chung Ly mới nhận ra nãy giờ anh đang nhìn hắn đăm đăm.

"Không có gì, chỉ là có mảnh xương cá bỗng mắc vào răng tôi."

Bữa tối tiếp tục trong tiếng động đũa và tiếng trò chuyện nhẹ nhàng. Chiếc đĩa than lạch cạch chạy trong máy hát, phát lại những giai điệu cổ nhạc truyền thống của Trung Hoa. Không khí phảng phất mùi hương trầm. Họ cùng nhau cụng chén, uống cùng một lúc, hệt như những hào kiệt thời cổ uống rượu luận anh hùng. Rồi anh đọc cho hắn nghe thư Hồ Đào gửi, đặc biệt chú ý những đoạn cô nhắc đến "Ares". Khi bình rượu đã vơi được quá nửa, Chung Ly đột ngột thú nhận:

"Sắp tới tôi sẽ đi xa."

Một bên lông mày đỏ au nhướn lên. "Đi xa là xa thế nào? Nhật Bản, Venezuela, Nam Cực?" Hắn đột nhiên chắp hai tay vái một cái. "... Hay là lên trời?"

"Bậy nào, tôi già thật nhưng không có chết sớm vậy đâu." Anh cười, hoàn toàn không phật lòng gì cả. "Không, tôi cùng các đồng chí nhạc sĩ, vũ công của tôi sắp sửa đi tour diễn. Chúng tôi sẽ đi Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iraq, Iran,... giới thiệu với họ nền âm nhạc cổ điển và nghệ thuật ballet. Người Mĩ cũng đang tung các ban nhạc jazz của họ ra khắp thế giới, chúng ta không thể thua họ được."

Thảo nào dạo gần đây anh luôn bận rộn. "Anh phải đi nhiều đến vậy ư?"

"Vậy đã là gì. Chúng tôi chỉ đang noi gương Anna Pavlova và vũ đoàn Ballet Russe xưa kia mà thôi."

"Tôi chỉ lo anh vất vả."

Chung Ly mỉm cười. "Tôi sẽ thường xuyên viết thư cho cậu."

Chừng đó hứa hẹn vẫn chưa đủ để thoả mãn Tartaglia. Hắn giận dỗi nắm lấy tay anh thật chặt, bướng bỉnh không chịu rời, lòng tràn ngập sự ích kỉ đầy trẻ con... Anh sẽ đặt chân đến những vùng đất xa xôi, gặp gỡ những sự kiện mới, con người mới. Bản thân hắn đã từng hoạt động ở nhiều nơi, cho nên hắn hiểu rõ cái cám dỗ của cuộc phiêu lưu nay đây mai đó có thể mê hoặc trái tim con người ta đến mức nào. Và hắn điên máu lên được khi tưởng tượng ra cảnh Chung Ly sẽ phải lòng một người đẹp Ba Tư nóng bỏng nào đó để rồi bỏ quên mình trong rượu và thơ Rubaiyat. Rồi lỡ chẳng may anh bị lạc? Ngay trong chính Mát-xcơ-va mà ông thần ấy còn lạc cho được, chứ đừng nói tới vùng Tây và Trung Á đầy sóng gió phức tạp... Lỡ một đám cướp hung hãn nào đó bất ngờ nhảy xổ ra từ sau một caravanserai trên sa mạc và bắt anh đi? Lúc ấy thì anh sẽ cầu cứu hắn "Ajax, tôi sai rồi, đáng lẽ tôi nên ở lại Nga với em và không bao giờ rời xa em nữa." Còn hắn, người hùng ra tay cứu mĩ nhân, vốn đã đợi anh nói câu này từ lâu rồi, sẽ hừ lạnh trả lời "Tôi không dám giữ anh, người đẹp ngốc nghếch của tôi ạ, anh muốn đi đâu thì cứ đi, chỉ cần anh nhớ lấy tên Commandant Nga Xô này không ngại giết người để anh được an toàn." Ngẫm cái kịch bản tưởng tượng ấy khiến hắn đắc ý nhủ thầm: "Phải rồi, ai cũng không bằng được gã Commandant người Nga này đâu!"

Nhưng cái kịch bản ấy mãi mãi chỉ nằm trong tưởng tượng của Tartaglia, chứ không hề trở thành sự thực. Chuyến tour diễn của các nhạc sĩ và vũ công diễn ra tương đối thuận lợi, gây được nhiều tiếng tăm vang dội. Hàng triệu người trên thế giới lại có dịp được tiếp cận với nền âm nhạc cổ điển và nghệ thuật ballet phong phú, từ những thành phố lớn đông đúc cho đến những ngôi làng nhỏ nơi âm nhạc chạm đến trái tim của cả những người dân ít học. Chung Ly giữ đúng lời hứa của mình, đều đặn viết thư cho chàng Commandant mong nhớ của anh. Những lá thư mới đã thổi luồng gió mới vào ngăn kéo bàn của Tartaglia, nơi hàng chục năm nay chỉ cất giữ mãi những lá thư cũ anh gửi cho cậu bé Ajax từ mười một đến mười tám tuổi.

"... ánh trăng ở vịnh Bosphorus quả thực tuyệt đẹp, Ajax ạ, còn mặt biển thì rung rinh chuyển động khiến cho ánh sáng nhấp nháy như sao xa. Tôi rất muốn một ngày nào đó sẽ cùng cậu tới đó; tôi đã tìm được vị trí hoàn hảo để ngắm mặt trăng treo trên đỉnh Hagia Sophia trong màn đêm màu tím. Cậu biết đấy, đêm ở Istanbul luôn tím thẫm. Có lẽ đây là lí do vì sao quân đội Ottoman xưa kia sống chết phải cướp bằng được Istanbul khỏi Đế quốc Đông La Mã, hiện thực hóa giấc mộng xâm chiếm "Quả Táo Đỏ". Ngắm nhìn vẻ đẹp của nó, cuối cùng tôi đã hiểu được ý Napoleon Bonaparte khi ông ta nói: 'Nếu cả Trái đất là một quốc gia duy nhất, thì Istanbul sẽ là thủ đô.' Ở đây tôi đã gặp một vị giáo sư người Anh chuyên nghiên cứu về âm nhạc Thổ Nhĩ Kì và có một cuộc thảo luận sâu với ông ta.

Khi ghé thăm một phiên chợ bazaar, kẻ nào đó đã móc lấy của tôi một ít tiền. Phải nói đó là một tên trộm rất khôn khéo. Bù lại tôi đã mua được một cái mũ mà tôi nghĩ trông sẽ rất hay nếu đội lên đầu cậu. Cái mũ kì khôi đó sẽ khiến cậu trông giống như một sultan..."

Yuri kín đáo quan sát anh trai mình đọc thư, nhìn thật kỹ có thể thấy khóe miệng hắn hơi cong nhẹ thành một nụ cười. Xung quanh phi trường là các phi công đang bối rối nhìn chỉ huy của họ bị chảy máu mũi từ lúc nào mà mải đọc thư đến quên cả chùi, bồn chồn muốn nhắc khéo lắm mà sợ làm phiền đến hắn. Thay vào đó họ chỉ lặng lẽ đưa cho cậu chàng Yuri tội nghiệp một cái áo khoác mặc cho đỡ lạnh. Yuri đón lấy chiếc áo khoác, rùng mình trong trận gió buốt lạnh thấu xương từ biển Baltic thổi vào, lòng tràn đầy ngưỡng mộ nhìn ông anh trai lẫn những phi công trẻ khỏe tỉnh bơ mặc áo ba lỗ.

Tartaglia vốn được một Đô đốc Không lực Hải quân mời đi huấn luyện một nhóm phi công trẻ xuất sắc cho nhiệm vụ hiếm hóc sắp tới. Sau 2 tuần huấn luyện, chính hắn đã thực hiện một đường bay hiểm hóc trên chiếc tiêm kích phản lực MiG-21 để làm mẫu cho học viên. Tartaglia thường được các quân nhân gọi bằng biệt danh "Người chơi đàn" bởi vào cái cách mà hắn ung dung điều khiển "Cây đàn balalaika của bầu trời" MiG-21, con quái vật Pterosaurus cổ đại sải cánh lượn lờ trong cơn ác mộng của Không quân Mĩ.

Ấy thế mà vừa bước xuống khỏi con quái vật yêu dấu, chưa kịp hồi sức lấy phút nào vị chỉ huy nọ đã vội giở ngay lá thư Yuri vừa đem đến ra đọc chăm chú. Các phi công nuốt nước bọt nhìn nhau; đây trông không giống một người vừa mới phải chịu gấp đôi trọng lực trong cơ thể chút nào, ngoại trừ chút xíu máu đỏ tươi vừa chảy xuống khỏi cái mũi cao cao...

Yuri quyết định đứng ra nói hộ điều khó nói của các phi công, bèn đằng hắng giọng.

Tartaglia vẫn không phản ứng gì, mắt dán chặt lên lá thư.

Đằng hắng đến lần thứ hai, Tartaglia đột nhiên quay phắt đầu ra nhìn với ánh mắt sắc lạnh của kẻ phải tập trung thị lực cao độ trên chiến đấu cơ, khiến Yuri không khỏi giật mình hoảng hốt. "Đồng chí Tartaglia!"

"Cái gì?"

Yuri rụt cổ. "Máu mũi... Đồng chí đang chảy máu mũi..."

Bấy giờ hắn mới sực nhận ra tình huống oái oăm của mình, bèn rút khăn quệt sạch máu để khỏa lấp cơn ngượng.

"Xin lỗi, tôi vừa mất tập trung một lát. Chúng ta tiếp tục chứ?"

Nói đoạn hắn gấp lá thư lại, cẩn thận cất vào vạt trong của áo khoác. "Như các đồng chí đã thấy, tốc độ bay của tôi là Mach 1 (1) và đạt mục tiêu trong vòng hai phút tám giây. Ở nhiệm vụ sắp tới, các đồng chí phải đạt được ít nhất là thành tích này hoặc thậm chí hơn..."

(1) Mach 1: khoảng 762 dặm/giờ.

Yuri nhìn anh trai mình huấn luyện những phi công chiến đấu giỏi nhất Liên bang Xô Viết, nghe tiếng những chiến đấu cơ của họ xé gió lao đi trong không trung đâm thẳng vào màng nhĩ, lòng thầm nhủ: kể cả khi đã biết huyền thoại mình luôn ngưỡng mộ bấy lâu nay là anh Ajax của mình, cậu ta vẫn không thể loại bỏ nỗi kính sợ nguyên thuỷ dành cho người này. Một phần vì anh cậu đã quen sống trong môi trường quân đội, quen đặt áp lực lên mình, quen đặt áp lực lên người khác. Dẫu vậy, cậu vẫn xin được làm trợ tá của anh, mặc dù làm trợ tá của một Trung tá Không lực Hải quân hoạt động kép như một sĩ quan tình báo thực chẳng dễ dàng chút nào.

Ban đầu, Tartaglia rất kiên quyết không muốn cậu dấn sâu thêm vào giới tình báo; cậu hiểu là anh trai đang muốn bảo vệ mình. Nhưng chính Yuri cũng mạnh dạn tỏ ra kiên quyết không kém muốn được giúp đỡ anh trai. Cho đến một ngày nọ, anh trai đã gọi cậu ra và hỏi: "Teucer, em có chịu được gian khổ không? Nếu bỗng một ngày em chợt không còn nhận ra thằng này là thằng anh trai em nữa, em vẫn tiếp tục làm việc được cùng anh chứ?" Chỉ khi cậu đáp có với tất cả sự nhiệt thành, anh cậu mới gật đầu cho phép. Tuy công việc bề bộn, lại phải chịu sự chỉ giáo nghiêm khắc của anh trai, nhưng thâm tâm Yuri cảm thấy rất tự hào. Nếu có gì đó vượt lên trên cả nỗi sợ, thì đó là tình yêu thương dành cho anh. Cậu luôn cố tỏ ra hữu ích hết sức đối với người thân ruột thịt duy nhất cậu còn lại trên đời này, và cậu hay thích mường tượng vị trí của mình với anh cũng quan trọng như consigliori (cố vấn) với don (ông trùm) trong giới giang hồ miền Nam nước Ý.

"Đồng chí Yuri." Anh trai cậu gọi.

"Vâng, tôi đây."

"Dạo này cậu có nghe được tin gì từ đồng chí Pulcinella không?"

Yuri giở cuốn sổ tay lật lại một lượt. "Tất cả những gì tôi biết là đồng chí Pulcinella đang tập trung cao độ vào Cuba. Họ đang ngấm ngầm lên kế hoạch trả đũa Hoa Kì, mà như đồng chí đã nói hôm nọ - rất có thể là một dự án hạt nhân. Ngoài ra thì gần đây đồng chí Pulcinella không hề liên lạc với tôi."

Sau khi hai anh em gắn bó với nhau, thái độ của Pulcinella đối với Yuri trở nên lạnh nhạt dần. Cậu không thể biết được cái con người khó đoán ấy nghĩ sao về điều này, miễn là ông ta không gây khó dễ là được. Dù sao thì cả hai anh em cậu đều mang ơn Pulcinella. Chính ông đã nhặt cậu về từ Mãn Châu và đem tới trại mồ côi, và cũng một phần nhờ ông mà Tartaglia đã rèn nên được con người hắn ngày hôm nay. Ông là một trong số hiếm người mà anh trai cậu thực sự kính trọng.

"Tạm gác lại chuyện bác Pulcinella đã; không sớm thì muộn họ cũng sẽ lôi tôi vào Cuba. Vé máy bay và vé tàu đi Kosh-Agachsky cậu đã đặt chưa?" Tartaglia cởi áo khoác quân nhân sậm màu mà buộc quanh hông, đôi cánh tay trần rắn chắc không hề run rẩy trước cái giá buốt của căn cứ quân sự vùng biển Baltic.

"Tất cả đã sẵn sàng, thưa đồng chí. Sáng ngày kia máy bay sẽ cất cánh từ Mát-xcơ-va." Yuri cau mày - cái kiểu cau mày giống hệt anh trai cậu ta - không kìm được thắc mắc. "Đồng chí có thể cho tôi biết vì sao anh đột nhiên lại muốn tới nơi xa xôi hẻo lánh ấy không?"

"Chẳng qua ở đó có người tôi muốn gặp."

"Đó hẳn là một người rất quan trọng?"

"Quan trọng ư? Không hề." Tartaglia cười nhạt, ngửa cổ tu một hớp nước trước khi quay trở lại phi trường. "Nhưng người đó có liên quan tới người quan trọng của tôi."

Người rất quan trọng...

Vị Trung tá vẫn tiếp tục bước đi, đầu không ngoảnh lại. "Không quan trọng hơn em đâu, Teucer."

Kosh-Agachsky là một huyện thuộc Liên bang Nga tiếp giáp biên giới với Mông Cổ, Trung Quốc và Kazakhstan, nằm ở phía Nam của vùng Altai. "Altai" trong các ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kì có nghĩa là "những ngọn núi vàng". Khi Tartaglia đi qua vùng này, hắn có dịp được chiêm ngưỡng đủ các loại cảnh quan tự nhiên mà trời đất ban tặng cho miền Trung Á trù phú: sa mạc, thảo nguyên, thảo nguyên rừng, rừng taiga, đồng cỏ núi cao,... Trên xe chạy qua những con đường nhỏ xám xịt ăn quanh sườn núi, hắn thấy dòng sông Katun mờ mờ hiện ra giữa những dãy núi trùng điệp, hệt như vết cắt biếc xanh trên gương mặt xinh đẹp của Trung Á, được gây nên bởi một thanh kiếm bằng ngọc bích.

Hắn cũng đi qua cả hẻm núi Kokorya, và lần đầu tiên trong đời (hay đây chỉ là một trong rất nhiều những "lần đầu tiên"?) hắn cảm thấy rùng mình rúng động trước vẻ đẹp tráng lệ hùng vĩ của thiên nhiên nước Nga. Bầu trời được nhuộm bởi màu vàng khô của cát sa mạc xen lẫn màu xám lạnh của giấy thiếc, ánh sáng rọi qua những tầng mây khiến đất trời nửa sáng nửa tối, rọi xuống những đỉnh núi đẫm tuyết sương như phủ một tấm khăn voan. Dãy núi đen vàng đồ sộ ấy, kì tích do hàng triệu năm chuyển động trồi ép của những mảng thạch quyển bồi đắp nên; có những khoảng núi tối thẫm lại do bị bóng mây khổng lồ che khuất ánh mặt trời, lại có những mảng núi sáng bừng lên thứ ánh sáng được thiên đàng rót xuống. Thời gian hay không gian dường như chẳng còn nghĩa lí gì nữa. Nơi đây không đem lại cảm giác thuộc về Trái Đất, mà giống cảnh quan trên một hành tinh kì bí cách xa Trái Đất cả triệu năm ánh sáng, hoang dã, nguyên sơ, chưa từng bị can thiệp bởi dòng giống tham lam mang tên "con người".

Ấy thế mà vùng đất này vẫn có dấu hiệu sự sống con người, chính là một ngôi làng nhỏ - điểm dừng chân cho hành trình vượt vạn dặm trường của Tartaglia. Sau vài lần dò hỏi, hắn cùng Yuri rẽ vào ngôi nhà trông có vẻ bề thế nhất ở đó. Một thằng bé chăn cừu với đàn cừu cả trăm con lặng lẽ liếc nhìn hai kẻ lạ mặt tiến về phía ngôi nhà. Đứng trên ngưỡng cửa là một người đàn ông với nét mặt Đông Á, cùng một người phụ nữ Kazakh có lẽ là vợ anh ta.

"Đồng chí Osial."

Thoạt đầu nhìn vị sĩ quan nọ, gương mặt trẻ măng và tinh tế như tạc lên pha lê, người đàn ông tên Osial không khỏi ngỡ ngàng. Bất chấp vẻ ngoài, cấp bậc của kẻ này ắt hẳn là không nói dối.

"Mời đồng chí các vào nhà."

Nhìn cái cách Osial vừa sốt sắng vừa lo âu tiếp đón vị sĩ quan cấp cao từ thủ đô, ta có thể đoán được chuyến ghé thăm này đã được thông báo từ trước. Osial mời Tartaglia và Yuri ăn bữa chiều do gia đình anh ta thịnh đãi, nhưng Tartaglia dứt khoát từ chối, vào thẳng vấn đề.

"Cảm ơn lòng hiếu khách của đồng chí, nhưng tôi sẽ không ở lại lâu." Hắn lịch sự đáp lại bằng một nụ cười kiểu cách, ý cười không chạm tới mắt. "Tôi đến đây chỉ vì một mục đích duy nhất mà thôi."

Hắn tháo mũ xuống, đôi mắt xanh rực như sao chổi Halley vụt thẳng vào tâm can người đối diện.

"Áo Tây Nhĩ, không dưới ba lần tôi đã nghe thấy tên đồng chí được thốt ra từ miệng anh Chung Ly. Đồng chí là người duy nhất trên đời được biết về Chung Ly thời niên thiếu."

Hàng lông mày Osial hơi giật nhẹ. Gương mặt rắn như đá của anh ta bỗng vặn lại một cách kì cục, rồi bất giác mềm hẳn đi.

"Cậu ấy vẫn còn nhắc đến tôi ư?"

"Anh ấy vẫn còn, dù chẳng phải vui vẻ gì." Ngữ điệu của Tartaglia thoáng lành lạnh.

"Cậu ấy vẫn chưa hề biết là tôi còn sống?"

Tartaglia lắc đầu xác nhận. Đầu người đàn ông nọ hơi cúi xuống, vẻ buồn bã. Anh ta thở dài não nề.

"Năm 1937, ấy là năm lần đầu tiên chúng tôi gặp Chung Ly."

"Năm 1937?" Tartaglia cau mày. "Là năm diễn ra Biến sự Lưu Câu Kiều ở Bắc Bình và thảm sát ở Nam Kinh?"

Osial thở dài chua chát. "Tôi ước có thể gặp cậu ấy ở một nơi nào đó tươi đẹp hơn, vào thời bình, chứ không phải Trung Quốc những năm 30 đầy bão tố và khổ đau."

"Chung Ly vốn là con trai độc nhất của một thương nhân giàu có ở Bắc Kinh, vào cái thời mà nó được gọi là 'Bắc Bình'. Mẹ cậu ấy mất sớm, thê thiếp không sinh được con. Tuy là cậu ta là con trai đích tôn nhưng người cha không đoái hoài gì mấy tới đứa con; ông ta lúc nào cũng bận rộn chuyện làm ăn hoặc chuyện gì đó lớn lao hơn thế. Từ khi Chung Ly còn rất nhỏ ông ấy đã gửi con trai sang Pháp học vĩ cầm, thụ hưởng nền giáo dục phương Tây, nếp sống sang trọng của phương Tây.

Chẳng may cha cậu ta lâm bạo bệnh rồi qua đời, cũng có lời đồn là bị kẻ phản gián hãm hại, sau khi mất toàn bộ tài sản bị quân phiệt Nhật tịch thu. Nghe tin dữ, Chung Ly không thể ở Pháp được nữa, trở về nước chịu tang cha. Nhưng bọn chúng đâu để cậu ấy được yên. Cha Chung Ly bị truy ra là thương nhân ái quốc, lén lút chi viện cho quân kháng chiến; bấy giờ người cha đã mất, người con phải thay cha chịu tội. Đó là lí do vì sao cậu ta bị bán như một món hàng vào phủ của một tên quan lại Hán gian thân Nhật, một kẻ rất mê nghe nhạc. Ở cái đất Trung Quốc rối ren loạn lạc thời bấy giờ, từ giàu sang phú quý nháy mắt sa xuống đáy vực không phải chuyện lạ.

Tôi không thể quên được cái lần đầu tiên chúng tôi gặp Chung Ly. Đó là một con thiên nga - con thiên nga chẳng may gãy cánh rơi xuống thành Bắc Bình đầy khói lửa chiến tranh, bị gót giày quân xâm lược giẫm nát. Mắt cậu ta như hai đồng tiền vàng, mà chúng tôi hồi ấy nào có biết rối loạn sắc tố mống mắt là gì, chỉ cảm thấy cậu ta không phải người, ai cũng ngạc nhiên khi cái miệng ấy lại thốt ra được tiếng Trung Quốc. Đến cả cái cách cậu ấy phát âm tiếng Trung cũng có cái gì đó là lạ do đã quen nói tiếng nước ngoài quá lâu. Đồng chí là người Nga, không rõ đồng chí có biết truyền thuyết Nữ Oa của Trung Quốc tạo ra con người bằng bùn và đất sét không? Trông cậu ấy như thể được chính bàn tay Nữ Oa tỉ mẩn nặn nên, còn hết thảy những kẻ khác là do Nữ Oa nhúng dây thừng vào bùn mà vảy thành người.

Chúng tôi không ai dám động vào thiên thần tóc nâu ấy. Cậu ta đẹp quá, nhưng lại rất xa xôi. Đó là cái đẹp xa lạ của người sinh ra và lớn lên trong sung sướng. Da dẻ cậu ấy trắng ngần, bàn tay thì như búp hoa bách hợp, trắng và mềm mại, không như đôi bàn tay chai sạm của tôi. Trông cậu ta lệch pha một cách kì cục với bộ quần áo bằng vải thô, bởi vốn cậu chỉ hợp với lụa là gấm vóc. Cậu ta khác hẳn chúng tôi, những kẻ xuất thân bần hàn. Tôi và một cô bé tên là Quy Chung vốn thuộc về một gánh hát, sau này bị ông chủ gánh bán vào biệt phủ, cô ấy hát vai đán, tôi kéo hồ cầm, ngày ngày hát cho tên quan nghe. Nhược Đà là con trai của một nô tài trong phủ, mẹ mất thì thân phận nô tài tiếp tục truyền xuống cho đứa con. Cả đời chúng tôi chưa từng nghe đến "Paris" là gì, cũng chẳng biết cây vĩ cầm trông ra làm sao. Khi cậu ấy đặt cây vĩ cầm lên vai và chơi, tôi chỉ biết há hốc miệng nhìn. Đến giờ tôi vẫn còn láng máng nhớ một số bài cậu ấy thường chơi, nào là "Träumerei" (Giấc mơ thời thơ ấu), "Má vlast" (Tổ quốc tôi), "На сопках Маньчжурии" (Trên núi đồi Mãn Châu)...

Tôi không biết bây giờ Chung Ly thế nào, chứ trước kia cậu ta vụng về kinh khủng. Quen sống trong nhung lụa, hồi đầu cậu ta chẳng biết làm lụng cái gì hết, chúng tôi phải dạy cậu tất cả mọi thứ. Nhược Đà vốn là một người tháo vát nên cực kì không ưa cậu ta, cho cậu ta là tên công tử nhà giàu hợm của. Chỉ có Quy Chung là rất mực vô tư hồn nhiên mà chơi với Chung Ly. Cô ấy có trái tim nhạy cảm, cái năm Bắc Bình tan hoang cô đã trèo lên tường thành đổ nát mà hát lên nỗi nhục của người mất nước. Khúc hát đó đã lay động Chung Ly dữ dội, khiến cho cậu càng cảm mến cô. Có những hôm cô ấy song ca vở "Thanh Xà Bạch Xà" cùng nữ đán Ca Trần ở gánh hát bên kia, cô ấy vai Thanh Xà, Ca Trần vai Bạch Xà, còn Chung Ly là khán giả. Tiếng vỗ tay của cậu ấy khiến tôi kéo đàn nơi góc sân khấu cũng vui lây... Cậu ấy thích nhất là xem diễn những giai thoại lịch sử Trung Quốc. Quy Chung và Ca Trần tài hoa lắm. Họ diễn những Lan Lăng Vương, Hạng Vũ, Ngu Cơ, Dương quý phi, Tiết Bình Quý, Vương Bảo Xuyến,... mà cứ y như những nhân vật thiên cổ đó mượn xác họ để mà sống dậy..."

"Vậy còn đồng chí thì sao?" Nghe đến đây, Tartaglia không khỏi cảm thấy hơi tội nghiệp người đàn ông này. Nãy giờ anh ta toàn nói về những người bạn cũ của mình, mà hầu như chẳng hề nhắc qua bản thân.

"Tôi ư? Hồi đó Chung Ly rất thân thiết với tôi." Osial vừa nói dứt lời, Tartaglia lập tức hối hận vì đã cảm thấy tội nghiệp anh ta. "Chúng tôi hay tráo đổi nhạc cụ cho nhau. Tôi chơi vĩ cầm, cậu ấy chơi hồ cầm."

Rắc. Tartaglia thấy trái tim mình sứt mẻ một chút; Chung Ly còn chưa từng cho hắn đụng vào cây vĩ cầm của anh ta...

Osial không hề để ý thấy tổn thương nội tâm của vị sĩ quan cấp cao nọ, tiếp tục chậm rãi kể.

... Trong khi đó Nhược Đà vẫn một mực không vừa mắt Chung Ly, vẫn tỏ ra xa cách, lạnh lùng, Cậu ta cho rằng Chung Ly không thuộc về nơi đó và sẽ không bao giờ trở thành một trong số chúng tôi. Một ngày nọ, cậu ta bị bỏng than, da tay tấy đỏ lên trông rất dễ sợ. Chung Ly lại gần hỏi có đau lắm không thì bị Nhược Đà gắt gỏng:

Còn hỏi tôi đau lắm không à? Cứ thử bị như tôi rồi biết.

Và Chung Ly làm thật. Trong lúc chúng tôi cuống cuồng tìm thuốc đắp cho Nhược Đà, cậu ấy mím môi, lẳng lặng dí tay mình vào lò than cho phải bỏng. Chúng tôi được một phen hết hồn, Nhược Đà sầm mặt xuống mắng cậu ta điên. Với đôi bàn tay sưng đỏ vì bỏng và run rẩy vì đau, cậu ấy chỉ nghiêm nghị gật đầu:

Ừ, tôi điên. Có vậy mới biết cậu đau thế nào.

Vết bỏng của Nhược Đà chóng lành, nhưng lại gây ra điều khủng khiếp hơn thế với da tay mềm mại của Chung Ly. Suốt mấy ngày tiếp theo cậu ấy phải chơi đàn cho tên chủ với đôi bàn tay bị thương, thực tình thì tôi không hiểu sao cậu ấy làm được. Thế nhưng một tình bạn sâu sắc đã nảy nở giữa hai người họ kể từ lúc hai bàn tay bị bỏng ấy bắt lấy nhau. Nhược Đà ngoài mặt lúc nào cũng tỏ ra bất đồng với Chung Ly, nhưng vẫn ngầm quan tâm và chăm sóc Chung Ly. Cậu ta còn hay trêu Chung Ly là 'cô em gái tôi', vì quả thực Chung Ly thời niên thiếu xinh như một cô gái. Nhờ Nhược Đà mà Chung Ly từ một cậu ấm vụng về trở thành một người bỏ đâu cũng sống được."

Tartaglia trong lòng khó chịu nhưng cố không biểu hiện ra ngoài. 

"Tình bạn đó sâu sắc đến mức nào?" Hắn nói khẽ.

Dù đã chuẩn bị tinh thần trước, trái tim hắn vẫn không khỏi nhói lên khi nghe câu trả lời.

"Đến mức khi nghe tin Nhược Đà làm Hán gian theo Nhật, Chung Ly gần như tan vỡ."

Osial nói bằng ngữ điệu hết sức từ tốn, nhưng những lời anh ta nói có tác động khủng khiếp lên vị sĩ quan đối diện anh ta.

"Vì sao các anh lại phản bội?"

Osial không dám nhìn thẳng vào vị Trung tá của Không lực Hải quân Liên Xô, người mà có lẽ tột cùng căm ghét và khinh bỉ hai chữ "phản bội". Nhưng anh ta đã không đọc được sự phán xét nào trong đôi mắt màu xanh ấy.

"Đó là một thời kì loạn lạc và lầm than, nhưng chính chiến loạn đã đưa bốn đứa trẻ chúng tôi đến với nhau. Những tưởng chúng tôi chỉ cần có nhau, chúng tôi sẽ cùng sống sót qua chiến tranh một cách an ổn. Nhưng không, chúng tôi đã quá ngây thơ. Hay nói đúng hơn - tôi và Nhược Đà đã quá ngây thơ."

"Còn anh Chung Ly và người con gái tên Quy Chung..."

"Họ thì biết. Cả hai con người quật cường đó đều biết rõ chúng tôi không thể tiếp tục cảnh sống như thế này được - sống như một nô lệ trong một đất nước bị xâm lăng, ngày ngày phải đàn hát mua vui cho đám quân phiệt Nhật và Hán gian thân Nhật. Quy Chung bị bắt hát kinh kịch cho giặc, đã mượn lời cổ nhân hát bóng hát gió "thiếp đợi giang sơn sạch bóng quân thù", sau đó cô ấy bị lão chủ đánh rất đau. Chung Ly còn ghê gớm hơn; những tưởng cậu ta hiền lành, thế mà cậu ta làm công việc tuồn những thông tin cơ mật trong phủ cho quân kháng chiến, chẳng may bại lộ thì chỉ còn đường chết. Dưới gối cậu ta nhét đầy những tờ báo cả tiếng Tây lẫn tiếng Tàu mà cậu ta gom nhặt được, đó là cách cậu ta nắm bắt tình hình thế giới bên ngoài lồng giam... Cậu ấy không giống đám trí thức nhà giàu đi học ở Tây rồi quay lưng với đất nước."

Ngoài nhà, mặt trời đã sắp lặn sau lưng núi. Sự im lặng đột ngột của Osial đã phủ một tấm màn đen của dự cảm không lành.

"Nhưng vậy thì sao chứ?" Anh ta mỉm cười chua chát. "Chúng tôi vẫn chỉ là những thiếu niên. Ban đầu tôi và Nhược Đà cũng bị cuốn theo lòng quả cảm liều lĩnh của họ... Cho đến khi cái chết của Quy Chung tát cho chúng tôi tỉnh ra."

Bàn tay Osial siết chặt lại trên đùi. Trông anh ta giống như một tội nhân đang sám hối trước mặt vị quan tòa nghiệt ngã là Tartaglia.

"Người ta nói, phủ Thanh Châu năm ấy có hai vật báu: một thiếu niên đẹp như thiên nga chơi vĩ cầm, và một thiếu nữ mắt biếc có giọng hát như chuông. Người Nhật tôn sùng cái đẹp, cho nên mỗi lần hai người họ biểu diễn, trong phủ lại đầy ắp những sĩ quan Nhật với bộ quân phục đen tuyền, hông giắt thanh kiếm katana. Họ say mê cô, mê đắm giọng hát siêu thực của cô. Giới quân phiệt Bắc Bình phát sốt lên với một kỳ nữ tài hoa trong phủ của một quan chức Hán gian thân Nhật.

Quy Chung không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những lời tán tụng của kẻ thù. Đó là một con người nồng hậu, tâm hồn trong trẻo như một tấm gương. Tính tình hồn nhiên và trẻ con như thế... không biết nghĩ sao khi một ngày nọ, tên chủ gả bán cô ấy cho một tướng soái Nhật?

Quy Chung làm sao có thể chịu được nỗi nhục ấy? Cô ấy bật khóc cầu xin lão nhưng vô ích. Tất cả đào hát trong phủ được gọi ra xếp quỳ thành hàng, còn tên thống soái Nhật Bản ngồi chễm chệ với toán lính đằng đằng sát khí sau lưng, chỉ tay chọn Quy Chung, tên quan Hán gian không dám trái lệnh. Trước mặt bao nhiêu người, trước mặt tên quân phiệt Nhật, Quy Chung tuyên bố cô ấy thuộc về tổ quốc, thà chết chứ không theo giặc. Tức giận, nhục nhã và quá sợ hãi làm phật lòng viên tướng soái, tên chủ lấy súng bắn chết cô ấy ngay lập tức. Không ai dám lên tiếng. Người dân Bắc Bình đã quen với súng đạn và chết chóc. Tên thống soái chẳng tức giận vì cái chết của cô, mà y còn lạnh lùng bảo: 'Nàng đã muốn chết, thì giờ nàng đã toại nguyện.' Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt của Chung Ly khi cậu ấy chôn cất cô. Năm ấy cô tròn 15 tuổi.

Một tháng sau, thành Bắc Bình xôn xao với cái tin chủ nhân phủ Thanh Châu đột tử. Liền sau đó, kho bạch phiến (thuốc phiện) của lão ta bị quân kháng chiến phá huỷ ngay trong đêm.

Tôi không biết liệu Chung Ly có dính dáng gì tới vụ phá kho bạch phiến không; dù sao tên chủ cũ của chúng tôi cũng làm tay sai cho chính quyền Nhật trong việc buôn bán thuốc phiện, tiêm nhiễm cái thứ độc hại đó vào nhân dân. Nhưng tôi biết chắc Chung Ly đứng đằng sau cái chết của lão. Cậu ta hạ độc lão. Mỉa mai thay, Chung Ly vẫn luôn là món đồ lão nâng niu nhất. Không hiểu cậu ta làm cách nào - hàng bao nhiêu tầng bảo vệ, tuỳ tùng, vệ sĩ... vậy mà người ta không thể truy tìm ra dấu vết thủ phạm. Chung Ly cũng không bao giờ hé ra lời nào với chúng tôi. Kể từ khi Quy Chung qua đời, cậu ấy im lìm như một pho tượng đá. Cũng phải thú nhận với đồng chí, cũng kể từ khi ấy tôi bắt đầu hơi sợ cậu ta.

Sau biến sự đó, Chung Ly dắt theo tôi và Nhược Đà bỏ trốn khỏi phủ và nhập ngũ. Không phải lúc nào chúng tôi cũng ở cạnh nhau; được một thời gian, chúng tôi được thuyên chuyển nhiệm vụ và tách nhau ra, tôi và Nhược Đà ở lại miền Bắc, Chung Ly xuống Giang Nam..."

"Và đó là lúc các anh bắt tay với Nhật." Tartaglia nói. Không có sự cáo buộc trong ngữ điệu hắn, mà đó chỉ đơn giản là một lời khẳng định.

Đầu Osial hơi cúi xuống. Tiếng thở dài của anh ta nghe mới thật nặng nề.

"Cái chết của Quy Chung đã tác động lên chúng tôi theo những cách khác nhau. Với Chung Ly, khi cậu ấy quỳ trước mộ phần Quy Chung, cậu đã thề sẽ không bao giờ ngơi nghỉ cho đến khi đất nước được giải phóng. Nhưng còn chúng tôi, đặc biệt là Nhược Đà lại nghĩ khác. Khi ấy phe Trục Đức - Ý - Nhật thế đang mạnh như vũ bão, tưởng như chúng tôi không bao giờ có thể đánh bại Đế quốc Nhật Bản được. Họ quá mạnh, còn đất nước này thì tan nát, những cuộc đấu tranh liên tiếp bị đàn áp đẫm máu. Chúng tôi đã nghe và chứng kiến kết cục thảm khốc của những kẻ chống Nhật, cho nên chúng tôi nghĩ phản kháng chỉ tổ đưa đầu vào chỗ chết. Nhược Đà hành động dứt khoát theo Nhật, còn tôi... hèn nhát và lưỡng lự, nên chỉ dám theo chân cậu ta, không dám dấn sâu. Còn về quá trình chúng tôi bí mật cộng tác với Nhật thế nào, tôi đã trình bày tường tận khi bỏ sang Liên Xô, hẳn đồng chí đã đọc qua trong báo cáo.

Tuy làm gián điệp hai mang cho Nhật, nhưng cả tôi và Nhược Đà không bao giờ tố giác vụ ám sát của Chung Ly, không bao giờ hé ra điều gì bất lợi cho cậu ấy. Nhược Đà còn bảo, gì cũng được, chiến tranh hay hòa bình, trung thành hay phản bội, chỉ cần không động đến Chung Ly.

Sau một thời gian dài, chúng tôi gặp lại nhau ở Mãn Châu. Chung Ly khi ấy đang đóng quân ở lữ đoàn X. Chúng tôi rất mừng vì cậu ấy còn sống, lại rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay đổi của cậu ấy; sau vài năm tại ngũ, Chung Ly không còn cái dáng vẻ công tử ăn trắng mặc trơn hồi trước nữa, mà đã là một thanh niên dày dạn phong sương. Vẫn xinh đẹp, vẫn nụ cười ấy, vẫn cây vĩ cầm nâu. Lần đầu tiên cậu ấy xưng hô với chúng tôi là 'đồng chí'. Nhược Đà ngoài mặt tỏ ra bất cần, nhưng tôi biết trong lòng cậu ta vui mừng chết đi được khi gặp lại Chung Ly. Tôi không nhìn lầm ánh mắt đó, cậu ta quả thực rất nhớ 'thiên thần tóc nâu'...

Nhưng thiên thần tóc nâu đã hóa thành quỷ dữ khi phát giác ra tội phản bội của hai người bạn cậu ấy tin yêu nhất."

"Tôi không thể ngờ được, cũng không bao giờ quên được... một người luôn luôn trầm tĩnh như Chung Ly lại có thể trở nên khủng khiếp đến thế khi nổi giận. Có thể sự nghiệt ngã đó tiềm ẩn trong cậu ấy từ lâu rồi, hoặc là chiến tranh đã làm thay đổi tâm tính cậu ấy."

"Chẳng có sự nghiệt ngã gì ở đây cả." Tartaglia lành lạnh nói. "Chung Ly là một người yêu nước. Anh ấy vẫn luôn luôn là một người yêu nước. Nếu tôi là người Trung Quốc và phản bội dân tộc, tôi sẽ thà tự sát còn hơn là đối diện với anh."

Osial quay mặt đi. "Đó chính là cảm xúc của tôi lúc ấy. Tôi đã thực sự muốn chết. Nhưng tôi không dám đối mặt với Chung Ly, chỉ ngồi thu mình trong một góc phòng giam. Nhược Đà thì dám, và cậu ta hứng chịu tất cả.

Chung Ly tôi không có người bạn nào như cậu. Tôi coi cậu như chết rồi. Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về lời nói cuối cùng của Chung Ly, trằn trọc không sao ngủ được. Tôi biết cậu ấy buồn khổ vô cùng nên mới có thể thốt ra những lời lẽ như đao kiếm ấy. Bốn người chúng tôi, Quy Chung thì chết tức tưởi, tôi và Nhược Đà thì phản bội, chính tay cậu ấy phải tống hai người bạn yêu quý nhất vào nhà giam.

Cơn thịnh nộ, nỗi thất vọng, sự khinh miệt của Chung Ly đã bức Nhược Đà phát điên. Đêm hôm ấy, cậu ta hạ gục tên lính gác mà vượt ngục, còn bắt cóc theo đứa cháu gái còn ẵm ngửa của một viên đại tá già làm con tin. Khốn khổ thay cho viên đại tá tuổi già sức yếu, nghe tin dữ xong thì đột quỵ mà qua đời. Ngay trong đêm, Chung Ly dẫn một toán quân đuổi theo chúng tôi, nhằm cứu lại cô bé gái. Cậu ấy hiểu rõ bạn mình, hiểu rõ Nhược Đà sẽ chạy đi đâu, tung quân ra, vây chặt lấy kẻ đào tẩu. Chẳng mấy chốc Nhược Đà bị dồn vào đường cùng, tay ôm chặt lấy đứa bé đang khóc lớn vào lồng ngực. Chung Ly lệnh cho toán lính không được làm hại cậu ta, thận trọng gọi tên Nhược Đà như thể đang cố thuần hoá một con thú dữ. Nhược Đà, Nhược Đà, cậu ấy gọi, trầm trầm và từ tốn. Cậu ấy nhìn thẳng vào mắt Nhược Đà. Đồng chí Tartaglia, đồng chí có biết sức mạnh huyền hoặc nơi đôi mắt vàng rực của Chung Ly, một đôi mắt nói lên biết bao nhiêu điều?

Tha thứ cho tôi nhé, Chung Ly.

Đó là lời cuối cùng của Nhược Đà trước khi cậu ta tự sát bằng một phát súng vào thái dương."

Osial khẽ rùng mình. Trông anh ta như đang bị tra tấn trong tâm tưởng.

"Hành động anh hùng duy nhất và cuối cùng của cậu ta trước mặt thiên thần tóc nâu - cậu ta đã tế sống mình để đổi lấy sự thứ tha của thiên thần. Có lẽ lúc ấy Nhược Đà đã nghĩ, ta không cần quân Nhật, không cần tổ quốc, không cần cả mạng sống và danh dự, chỉ cần đôi mắt ấy vẫn có thể nhìn ta như trước kia. Máu và óc cậu ta phọt ra, bắn một ít lên mặt đứa bé gái. Lúc ấy tôi đã nghĩ thế giới này điên rồi, chiến tranh là điên rồ, nhân loại là điên rồ, chính bản thân tôi điên rồ, kinh hoàng nối tiếp kinh hoàng. Đêm đó, tôi đã bỏ chạy đi thật xa, thật xa, cho đến khi ngón chân tôi bật cả máu... Tôi sống được đến ngày nay là một kì tích, và âu cũng là bản án dành cho tôi."

"Đó là toàn bộ câu chuyện, đồng chí Tartaglia."

Tartaglia ngồi lặng im, ẩn nửa mình trong bóng tối. Hắn nhớ tới lời Chung Ly nói cách đây không lâu. Hai cha con chúng tôi đến với nhau trong một tình cảnh rất éo le. Tôi bế con bé lên ôm vào lòng mình, trong khi máu người bạn thân nhất của tôi hãy còn dính trên mặt con bé. Khi hắn gặng hỏi thêm, thì anh lại không nói gì nữa.

Mặt trời đã lặn từ lâu, phủ bóng tối vô biên lên miền đất Trung Á. Trong màn đêm dày đặc, chỉ có vài đốm sáng nhỏ rải rác từ ngôi làng thưa thớt như đom đóm lạc bầy. Người phụ nữ Kazakh thắp sáng gian nhà bằng đèn dầu, từ dưới bếp vọng lên tiếng lục tục nấu bữa tối. Đứa bé chăn cừu bước tới bên Osial, nói chuyện với anh ta bằng một tràng thổ ngữ Altai. Đây là cuộc sống mà anh ta đã chọn khi chạy trốn khỏi quê hương mình - nhập tịch Liên Xô, trở thành đặc vụ ngầm canh giữ biên phòng ở Kosh-Agachsky, chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường nơi thưa thớt quạnh hiu này, tránh xa mọi nhân tình thế thái.

"Sống ở nơi này, cảm giác như hết thảy đều là phù du, những gì đã trôi qua chỉ như một giấc mộng dài." Anh ta thở dài, nhìn khắp gian nhà gỗ treo đầy hoạ tiết sặc sỡ được soi sáng bởi ánh đèn. "Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến cuộc sống cũ. Đồng chí Tartaglia, tôi vẫn thường nhớ tới Chung Ly. Nhớ tới tiếng vĩ cầm êm dịu của cậu ấy. Chung Ly hay cười với tôi, nhưng những bản nhạc cậu ấy chơi lại thường là nhạc buồn, hệt như chính nội tâm cậu. Chúng da diết, khắc khoải, gợi lên ảo ảnh mơ hồ và dị hình. Tôi đã quên giai điệu từ lâu, nhưng cảm xúc mà nó đem lại lúc ấy thì tôi vẫn nhớ như in. Và nếu tình cờ được nghe lại, chắc chắn tôi sẽ nhận ra. Như vài lần tôi nghe cậu ấy chơi đàn trên đài phát thanh, tôi đã nhận ra được."

"Tôi thấy mừng là Chung Ly đã trở thành một nghệ sĩ lớn. Cậu ấy giờ đây đã có một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện. Bóng ma quá khứ đã không còn phủ lên cậu ấy nữa. Chung Ly đã nói đúng: mọi chuyện tốt hơn khi cậu ấy coi như không có hai người bạn nào như chúng tôi tồn tại..."

"Osial, anh làm tôi cảm thấy khinh bỉ."

Đối diện anh ta, Tartaglia đang mỉm cười. Bên cạnh hắn, Yuri hơi co mình lại; đây chính là một trong những biểu cảm mà cậu ta sợ ở anh trai mình nhất.

"Anh đã bỏ trốn khỏi đất nước mình vì hổ thẹn. Anh không dám đối mặt với tổ quốc và nhân dân anh, cả những người đã ngã xuống lẫn những người chiến đấu đến cùng như Chung Ly. Vậy mà anh vẫn chỉ nghĩ đến bản thân mình."

Gương mặt Osial trở nên xoắn vặn đến méo mó. Dưới ánh đèn dầu trông anh ta tái nhợt như ma.

"Anh nghĩ chỉ cần biến mất khỏi cuộc đời Chung Ly là những vết thương các anh gây ra cho anh ấy sẽ biến mất ư? Anh nghĩ Chung Ly dễ dàng quên các anh đến thế à? Lẽ nào trong mắt anh, anh ấy lúc nào cũng là một 'thiên thần tóc nâu' hoàn mĩ, mình đồng tim sắt, không biết đau, không biết tổn thương, và nếu có, thì nỗi đau ấy sẽ nhanh chóng nhẹ tựa như sợi lông vũ trên cánh thiên thần?"

Bầu không khí đông cứng lại trong câm lặng. 

"Không, Osial, anh không phải người duy nhất chịu đựng."

"Không được xúc phạm chồng tôi!" Người phụ nữ Kazakh chợt xộc ra phòng khách, đôi mắt xinh đẹp của cô long lên. Osial giơ tay ra hiệu cho cô bình tĩnh lại.

"Tôi trân trọng sự quyết liệt bảo vệ chồng mình của cô." Trước ánh nhìn và nụ cười nửa miệng của hắn, gương mặt giận dữ của cô chợt đỏ lên. "Thứ lỗi cho tôi vì đã làm cô phật lòng ngay dưới mái nhà cô, nhưng chồng cô làm tôi bực mình."

"Chung Ly vẫn còn đau lòng vì chúng tôi ư?" Anh ta khe khẽ thì thào.

Tartaglia không trực tiếp trả lời, mà chỉ lạnh lùng đáp.

"Mồ chôn kí ức về các anh bên trong Chung Ly vẫn chưa từng yên nghỉ."

Nói đoạn, hắn đứng dậy, đeo găng tay vào. Yuri cũng đứng dậy theo cấp trên. Đây là dấu hiệu cuộc gặp mặt đã đến hồi kết thúc.

"Rồi sẽ đến lúc nó phải yên nghỉ." Osial lẩm bẩm một cách gay gắt, như đang cố thuyết phục chính mình.

"Tôi biết."

Osial đứng lên, nhìn thẳng vào mắt Tartaglia. "Đồng chí Trung tá, tôi không biết đồng chí là gì của Chung Ly, nhưng xin đồng chí hãy giúp tôi khiến nó được yên nghỉ."

"Tôi vẫn sẽ làm kể cả nếu đồng chí không nhờ." Tiếng "soạt" của áo choàng đi đường vang lên dứt khoát. "Đây không phải vì đồng chí, mà là vì anh Chung Ly."

"Và còn... mong đồng chí đừng nói với cậu ấy là tôi vẫn còn sống."

Đôi mắt Tartaglia xoáy chặt vào mắt Osial như muốn soi thấu tâm hồn.

"Anh chắc chứ?"

Ánh nhìn chòng chọc của Tartaglia đã khiến Osial nao núng. Hắn có thể cảm thấy bao sự mâu thuẫn lướt qua tâm trí người đàn ông này; hẳn là phần nào đó trong anh ta khao khát được hét lên với Chung Ly "Tôi vẫn còn sống! Và vẫn chưa từng quên cậu!" Liệu khao khát đó có chiến thắng không...?

"...Tôi chắc chắn." Cuối cùng, anh ta đáp lại quả quyết. Mọi sự đã an bài.

Đêm hôm ấy, Tartaglia và Yuri ngủ lại ở nhà trọ, để rồi khởi hành vào sáng sớm hôm sau. Ánh bình minh rọi lên gương mặt ngái ngủ của cao nguyên Trung Á, rực rỡ và diễm lệ. Khác với những thành phố lớn, nơi con người cố xây công trình nhân tạo thật to đẹp như muốn thách thức thiên nhiên, thì ở đây nhà cửa đơn sơ giản dị để nhường chỗ cho vẻ đẹp của đất trời.

Trước khi rời đi, Tartaglia thoáng thấy bóng dáng Osial. Anh ta mặc như người du mục, cưỡi trên lưng ngựa, một tay đưa ra đón lấy con chim diều hâu đang tung cánh sà xuống. Trông dáng vẻ anh ta thật cô độc và tư lự.

"... chuyến lưu diễn đã kết thúc tốt đẹp. Tạm biệt Iran cổ kính với những cung điện đền đài tráng lệ, cát bỏng và sa mạc đầy nắng gió, với ngọn lửa trong ngôi đền cháy suốt 1400 năm không tắt, chúng tôi lên tàu thuỷ vượt biển Caspi để trở về Nga. Penza sẽ điểm dừng chân cuối cùng. Có thể cậu sẽ thấy lá thư này có vị mặn, ấy là bởi khi viết thư cho cậu tôi đang ngồi trên boong tàu.

Hồi còn ở Iran, tôi đã đi qua một thành phố tên là Shiraz và gặp phải những chuyện li kì... Ngay tại nơi này, khả năng chơi nhạc của tôi đã bị thách thức bởi một nghệ sĩ thổi rắn trong một phiên chợ bán trang sức và thảm cổ, và am hiểu về thơ phú của tôi trở thành trò trẻ con trước những bà lão Iran dù không biết chữ nhưng thuộc làu bộ thi ca đồ sộ của Hafez. Tương truyền người dân nơi đây thụ hưởng một cuộc sống hoan lạc, đắm mình trong rượu và thơ. Họ có một tập tục rất thú vị: đến một ngôi đền thiêng, cầm theo tập thơ của một thi sĩ thông thái thời xưa và mở một trang bất kì; lời thơ trong đó chứa đựng thông điệp bí mật của cuộc đời ta. Tôi đã không cưỡng nổi tò mò, cầm theo cuốn 'Rumi tinh tuyệt' và làm theo tập tục đó. Trong cuốn sách xưa, Rumi đã nhắn nhủ tôi rằng:

Chốn này là một giấc mơ

Chỉ kẻ mơ ngủ mới coi là thực

Đêm nay, cậu hãy mơ về tôi nhé, Tartaglia."

Tartaglia đặt lá thư xuống bàn làm việc, lấy tay che dòng cuối cùng lại. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để sắc đỏ tía trên đôi má nọ rút đi...

"Yuri."

"Vâng, thưa đồng chí?"

Hắn liếc xuống lá thư tay, nơi có dòng chữ "Penza sẽ là điểm dừng chân cuối cùng".

"Cậu hãy lên lịch cho tôi đi Penza. Tôi có công chuyện ở đó."



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro