teop loi the sa sanh 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TỪ LỢI THẾ SO SÁNH ĐẾN LỢI THẾ CẠNH TRANH

Trương Quang Hùng

& Phan Thị Thu hương

Nâng cao lợi thế cạnh tranh của một quốc gia là một đề tài đang được nhiều người quan tâm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Một số các quốc gia trên thế giới đang cố gắng nhận ra những điểm yếu và những điểm mạnh của họ so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế để nhằm đưa ra chính sách kinh tế thích hợp cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, đã nổ ra một cuộc tranh cãi khá gay gắt giữa một số các nhà kinh tế khi họ cố gắng chỉ ra vị trí cạnh tranh của một quốc gia trong quá trình toàn cầu hoá. Một số các nhà kinh tế (P.Krugman, 1994) cho rằng đây là nỗi ám ảnh nguy hiểm bởi vì có sự nhầm lẫn về những gì mà người ta nói về lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh của một quốc gia. Có gì khác nhau giữa lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh quốc gia? Liệu lợi thế cạnh tranh của một quốc gia có giống như lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp không? Nếu chúng ta không có câu trả lời đúng đắn cho vấn đề này, thì có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với những rủi ro do các biện pháp chính sách nhầm lẫn gây ra.

Lý thuyết về lợi thế so sánh

Cuộc thảo luận về cạnh tranh có thể bắt đầu bằng lý thuyết về lợi thế so sánh cuả một quốc gia. Lý thuyết này dựa vào sự khác nhau về các yếu tố sản xuất như lao động, vốn, tài nguyên giữa các quốc gia cũng như sự khác biệt về công nghệ giữa các ngành. Lý thuyết này cho rằng một quốc gia sẽ có lợi thế so sánh trong những ngành sử dụng nhiều yếu tố sản xuất mà quốc gia đó dồi dào. Chẳng hạn như Việt Nam dồi dào tương đối về nguồn lực tự nhiên và lao động bán kỹ năng nên có lợi thế so sánh về các ngành thâm dụng nguồn lực tự nhiên như gạo, cà phê hoặc thâm dụng lao động bán kỹ năng như dệt, da, may mặc. Lý thuyết ngoại thương chỉ ra rằng một quốc gia chỉ cần có lợi thế so sánh thì có thể thu được lợi ích từ ngoại thương cho dù năng suất của quốc gia đó thấp trên tất cả các ngành. Về mặt trực quan, lý thuyết này khá lý thú, nó giúp cho những nhà làm chính sách xác định những ngành hoặc những sản phẩm mà quốc gia họ có lợi thế để phân bổ một cách có hiệu quả nguồn lực trời cho trong nền kinh tế và lý thuyết này cũng cho thấy rằng mậu dịch quốc tế mang lại lợi ích cho các nước tham gia cho dù năng suất trong các ngành của quốc gia đó thấp hơn so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên những giả thiết làm cơ sở cho lý thuyết này không thực tiễn trong hầu hết các ngành như giả thiết về công nghệ đồng nhất giữa các quốc gia, không có lợi thế kinh tế theo quy mô, các yếu tố sản xuất không dịch chuyển giữa các quốc gia. Với lý thuyết về lợi thế so sánh, mậu dịch và sự chuyên môn hoá dựa vào nguồn lực (lao động, vốn, tài nguyên) giúp cho một quốc gia đạt được sự thịnh vượng. Trong một thế giới mà thị trường phân khúc, có sự khác biệt sản phẩm, khác biệt về công nghệ và các ngành có lợi thế kinh tế theo quy mô dường như lý thuyết lợi thế so sánh không đủ để giải thích tại sao các công ty lại thành công trên thị trường thế giới và đạt được mức tăng trưởng cao.

Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh

Lý thuyết lợi thế cạnh tranh đề cập đến một cách tiếp cận mới nhằm để trả lời những câu hỏi sau: Tại sao một số doanh nghiệp cạnh tranh thành công trong khi một số doanh nghiệp khác thì thất bại trong một ngành? Chính phủ cần phải làm gì để cho doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế? Trong lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia được đề xuất bởi M.Porter (1990), chúng ta thấy ông đã tập trung vào việc giải thích những vấn đề trên. Với lý thuyết này, M.Porter cho rằng sự gia tăng mức sống và sự thịnh vượng của quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào khả năng đổi mới, khả năng tiếp cận nguồn vốn và hiệu ứng lan truyền công nghệ của nền kinh tế. Nói tổng quát hơn, sức cạnh tranh cuả một quốc gia phụ thuộc vào sức cạnh tranh của các ngành trong nền kinh tế. Sức cạnh tranh của một ngành lại xuất phát từ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành: khả năng đổi mới công nghệ, sản phẩm, cung cách quản lý của ngành và môi trường kinh doanh. Các đầu vào quan trọng đối với hoạt động sản xuất của nền kinh tế không phải chỉ thuần là lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên mà còn là những đầu vào do chính doanh nghiệp hoặc chính phủ tạo ra. Với cách nhìn nhận như vậy, M.Porter (1990) cho rằng bốn yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia là :

1.Chiến lược của doanh nghiệp, cơ cấu và sự cạnh tranh: Những ngành có chiến lược và cơ cấu phù hợp với các định chế và chính sách cuả quốc gia, hoạt động trong môi trường có cạnh tranh trong nước căng thẳng hơn sẽ có tính cạnh tranh quốc tế mạnh hơn. Chẳng hạn như ngành sản xuất xe hơi của Nhật có một số công ty cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới một phần là do các công ty này đã cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước, luôn suy nghĩ và hành động mang tính chiến lược.

2.Các điều kiện về phía cầu: Những ngành phải cạnh tranh mạnh ở trong nước thì mới có khả năng cạnh tranh quốc tế tốt hơn. Thị trường trong nước với số cầu lớn, có những khách hàng đòi hỏi cao và môi trường cạnh tranh trong ngành khốc liệt hơn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Chẳng hạn như ngành chế biến thức ăn nhanh của Hoa Kỳ có khả năng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế bởi lẽ người tiêu dùng Hoa Kỳ là những người đòi hỏi tốc độ và sự thuận tiện nhất thế giới.

3.Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan: Tính cạnh tranh của một ngành phụ thuộc vào sức mạnh của các nhà cung cấp các nhập lượng và các dịch vụ hỗ trợ. Các nhà cung cấp nhập lượng có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu có thể mang lại cho doanh nghiệp - khách hàng của họ lợi thế về chi phí và chất lượng. Các ngành có quan hệ ngang cũng mang lại lợi thế cạnh tranh thông qua sự lan truyền công nghệ. Sự hiện diện cụm công nghiệp tạo ra cho doanh nghiệp lợi thế kinh tế theo quy mô. Ví dụ như ngành sản xuất máy tính của Hoa Kỳ là ngành đầu đàn vì các công ty có nhiều sáng kiến trong ngành công nghiệp bán dẫn, vi xử lý, hệ thống điều hành và dịch vụ vi tính

4.Các điều kiện về các yếu tố sản xuất: bao gồm chất lượng lao động, vốn và lao động rẻ, cơ sở hạ tầng mạnh và công nghệ cao sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành và của các quốc gia. Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến chất lượng của các yếu tố đầu vào được tạo ra chứ không phải là nguồn lực trời cho ban đầu. Chẳng hạn như ngành sản xuất thép ở Nhật bản có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới dù họ không có tài nguyên về sắt hoặc than, mà bởi vì họ có công nghệ sản xuất tốt.

Một quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong những ngành mà người ta tìm thấy bốn yếu tố cơ bản trên khá mạnh. Đây là những khu vực mà chính phủ nên tập trung nỗ lực của họ nhằm để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của quốc gia.

Cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia

Một vấn đề tranh luận hiện nay là có gì khác nhau giữa lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia? Khái niệm lợi thế cạnh tranh đầu tiên được sử dụng trong lý thuyết tổ chức công nghiệp. Lý thuyết này cho rằng một doanh nghiệp được coi là có sức cạnh tranh khi nó có thể đứng vững trên thị trường bằng cách sản xuất ra những sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn, hay bằng cách cung cấp các sản phẩm tương tự với các đặc tính về chất lượng hay dịch vụ cao hơn, đáp ứng được thị hiếu khách hàng trong môi trường cạnh tranh (không có trợ cấp hay bảo hộ). Một doanh nghiệp cạnh tranh không thành công sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường nếu như doanh nghiệp đó không cải thiện được hoạt động của nó. Lợi ích mà một doanh nghiệp đạt được trong cạnh tranh sẽ không tránh khỏi việc gây ra tổn thất cho doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh cuả nó. Cạnh tranh của doanh nghiệp trong một ngành nào đó mang tính sống còn và được đặc trưng bởi trò chơi mà một bên được thì bên kia phải mất (zero-sum game).

Gần đây người ta mở rộng khái niệm cạnh tranh cho một quốc gia. Khó khăn nhất là không có sự nhất trí về định nghĩa này, lợi thế cạnh tranh của một quốc gia không thể định nghĩa như lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp. Rõ ràng là cạnh tranh quốc tế không thể đẩy một quốc gia ra khỏi hoạt động kinh doanh nếu họ không thành công giống như doanh nghiệp trên thị trường. Chính vì lý do này nên một số các nhà kinh tế (P.Krugman, 1994) cho rằng không tồn tại khái niệm cạnh tranh quốc gia. Một số các nhà kinh tế khác (M.Porter, 1990) tìm cách phân biệt giữa cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia. Cạnh tranh doanh nghiệp chủ yếu tồn tại và tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở cạnh tranh quốc gia hay quốc tế. Trong khi đó đối với quốc gia, cạnh tranh được thể hiện là nâng cao mức sống dân cư bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất trong môi trường đó. Theo đó, một quốc gia có khả năng cạnh tranh khi quốc gia đó có được các định chế, các chính sách hỗ trợ cho mức tăng trưởng kinh tế cao trong trung hạn (J. Sachs, 1996). Định nghĩa này bao hàm khả năng của một quốc gia trong việc đạt được thành quả cao về gia tăng mức sống dân cư. Khả năng này phụ thuộc vào khả năng của các doanh nghiệp trong một quốc gia đạt được năng suất cao và gia tăng năng suất liên tục trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Việc gia tăng năng suất liên tục yêu cầu không những phải cải thiện năng suất cuả các doanh nghiệp trong ngành hiện hữu bằng cách gia tăng chất lượng sản phẩm và công nghệ, mà nó còn đòi hỏi môi trường kinh doanh của nền kinh tế phải được cải thiện một cách liên tục nhằm tạo ra động cơ cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường đó phải liên tục có sự đổi mới và cải thiện công nghệ.

Một số vấn đề về lợi thế cạnh tranh

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng cạnh tranh của một quốc gia được thể hiện ở khả năng sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu sàng lọc của thị trường cạnh tranh quốc tế. Điều này có nghĩa là quốc gia có lợi thế cạnh tranh nếu lượng hàng hoá xuất khẩu tăng đáng kể, và người ta sử dụng thước đo liên quan đến mậu dịch quốc tế như thặng dư cán cân ngoại thương để đánh giá khả năng cạnh tranh của quốc gia. Một số quốc gia tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách trợ giúp cho khu vực xuất khẩu như phá giá đồng bản tệ hay trợ cấp xuất khẩu. Thực ra đây là một sự nhầm lẫn bởi vì: thứ nhất biện pháp trợ giúp này của chính phủ chỉ có tác động làm tăng xuất khẩu trong một số ngành, chứ không hề làm cho ngành trở nên cạnh tranh hơn; thứ hai một sự điều tiết như vậy còn tiết lộ một điều nữa là những ngành được trợ giúp thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nên các ngành đó không thể đứng vững bằng đôi chân của mình; thứ ba việc trợ giúp của chính phủ đối với một số ngành đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các ngành bên trong nền kinh tế trong việc sử dụng nguồn lực khan hiếm của quốc gia. Việc ưu ái cho ngành này có thể đẩy các ngành khác vào thế bất lợi và hậu quả có thể là nguồn lực trong nền kinh tế bị sử dụng lãng phí một khi chính phủ ưu ái cho những ngành thiếu khả năng cạnh tranh. Thực ra mậu dịch quốc tế chỉ đề cập đến vấn đề trao đổi có lợi cho cả các bên tham gia giao dịch. Vấn đề tăng năng suất cuả các doanh nghiệp mà cuối cùng nó dẫn đến sự thịnh vượng của một quốc gia không phải chỉ phụ thuộc vào thặng dư mậu dịch. Dường như không có giới hạn từ sự thịnh vượng hay tăng trưởng mang lại từ sự cạnh tranh của một quốc gia. Môt số quốc gia vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, mức sống của người dân được nâng lên đáng kể cho dù tỷ trọng ngoại thương cuả họ không đáng kể và ngay cả khi mà cán cân mậu dịch của họ âm.

Có thể nói rằng nguồn gốc của mức sống tăng lên không những được quyết định bởi năng suất mà nó phụ thuộc vào giá trị sản phẩm (liên quan đến chất lượng và sự khác biệt sản phẩm) và hiệu quả hoạt động sản xuất. Năng suất của một quốc gia không phải chỉ thể hiện ở các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mà quan trọng hơn nó còn được thể hiện trong tất cả các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thị trường trong nước. Vấn đề quan trọng của tăng năng suất là làm thế nào để các doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh với nhau và doanh nghiệp nào có năng lực thực sự có thể đứng vững được trên thị trường.

Một vấn đề nữa là lợi thế cạnh tranh cuả một ngành hay quốc gia có phải chủ yếu dựa vào giá lao động rẻ không? Câu trả lời có thể thông qua việc so sánh sự khác nhau giữa lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh dựa vào mậu dịch như là một cách thay thế cho sự di chuyển các yếu tồ sản xuất như vốn, lao động giữa các quốc gia. Lợi thế cạnh tranh tập trung vào toàn bộ phía cung của nền kinh tế. Điều kiện nhập lượng như giá nhân công rẻ thể hiện chỉ một phần đặc trưng của lợi thế cạnh tranh. Năng suất cao là một khái niệm bao quát nhất liên quan đến lợi thế cạnh tranh của quốc gia, khái niệm này bao gồm không những là giá nguồn lực rẻ mà nó còn bao gồm chất lượng của các yếu tố sản xuất, cơ sở hạ tầng và cả việc lựa chọn các địa điểm đầu tư của các doanh nghiệp. Năng suất của quốc gia cũng được thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chọn lựa vị trí để tiến hành hoạt động kinh doanh (lựa chọn vị trí đầu tư). Như vậy, cạnh tranh đề cập không những mậu dịch mà nó còn đề cập đến đầu tư.

Các giai đoạn phát triển và lợi thế cạnh tranh

Khả năng cạnh tranh mang tính động. Ở các giai đoạn phát triển khác nhau thì lợi thế cạnh tranh cũng bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau, đó là :

1. Trong giai đoạn phát triển dựa vào nguồn lực, cạnh tranh được quyết định bởi điều kiện các yếu tố sản xuất cơ bản như giá nhân công rẻ và khả năng tiếp cận các nguồn lực tự nhiên, vị trí địa lý. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác nguồn lực có sẵn, và các ngành công nghiệp chế biến thâm dụng lao động, chứ chưa tạo ra các mắt xích giá trị với các doanh nghiệp của các quốc gia khác nên nền kinh tế rất nhạy cảm đối với chu kỳ kinh doanh thế giới, sự dao động trong giá hàng hoá và tỷ giá hối đoái. Công nghệ trong giai đoạn này chủ yếu được lan truyền thông qua nhập khầu và FDI. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn này chủ yếu là giá, dường như các nhà sản xuất chưa có khả năng tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

2. Trong giai đoạn phát triển dựa vào đầu tư, lợi thế cạnh tranh được quyết định thông qua việc cải thiện hiệu quả trong sản xuất đối với những sản phẩm tiêu chuẩn. Công nghệ của quốc gia vẫn còn phụ thuôc bên ngoài và được chuyển giao thông qua mua bằng phát minh, FDI và khả năng cải thiện công nghệ nước ngoài cho phù hợp với điều kiện của quốc gia. Trong giai đọan này, quốc gia có sự đầu tư rất lớn trong cơ sở hạ tầng (cảng, bưu chính viễn thông, đường sá...) cùng với sự đổi mới định chế liên quan đến thủ tục thuế quan, luật thuế, luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh v.v... nhằm để cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoà nhập vào thị trường thế giới cũng như thu hút đầu tư. Nền kinh tế vẫn tập trung vào một số ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ.

3. Trong giai đoạn phát triển dựa vào đổi mới, cạnh tranh nằm ở khâu sản xuất ra những sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến nhất được thị trường chấp nhận. Sức mạnh của quốc gia được đặc trưng bởi sức mạnh trong tất cả các khu vực cùng với sự hiện diện của các cụm ngành công nghiệp được chuyên môn hoá sâu. Nền kinh tế có tỷ phần dịch vụ khá cao và ít bị tổn thương khi có những cú sốc từ bên ngoài.

Kết luận

Trong khái niệm về cạnh tranh quốc gia có hai cách tiếp cận khác nhau đó là lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Lợi thế so sánh chỉ ra một quốc gia có lợi thế so sánh đối với những ngành sử dụng nhiều yếu tố sản xuất mà quốc gia đó dồi dào. Trong khi đó lợi thế cạnh tranh nhấn mạnh đến cạnh tranh toàn cầu liên quan đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp và của ngành, bao gồm không chỉ mậu dịch mà còn cả đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp cạnh tranh trên các thị trường được phân khúc với những sản phẩm khác nhau và được quyết định bởi sự đổi mới về công nghệ. Trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhằm giúp cho thị trường hoạt động hiệu quả, hơn là can thiệp vào doanh nghiệp một cách trực tiếp. Chính phủ có thể hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu cơ bản, xúc tiến thương mại và đầu tư. Chính phủ không nên can thiệp trực tiếp vào thương mại quốc tế, hoặc ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ hoặc điều tiết cạnh tranh trong ngành thông qua các biện pháp như thuế quan, hạn ngạch, phá giá, trợ cấp ...ª

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro