Chương 2.1: Đấu sĩ ở Cao Nô

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở phía Tây Ngân Thành có một khu ấp trại chuyên buôn bán nô lệ. Từ trẻ con cho tới người già, hễ còn sức lao động đều trở thành món hàng buôn bán trong trại Cao Nô. Buôn bán sức người là việc đã có từ nghìn năm trước ở Mộc Quốc, ban đầu tầng lớp này gồm những người phạm pháp, bị triều đình trừng phạt đẩy xuống vị trí thấp kém nhất trong xã hội, chịu cảnh cả đời phục dịch người khác. Về sau, thành phần nô lệ ngày một đa dạng hơn, có người là tù binh chiến tranh, lại có kẻ do túng thiếu phải bán thân lấy tiền, cũng không ít người bị lừa đem đi bán, buộc làm thân trâu ngựa cả đời. Ở Mộc Quốc, một khi đã là nô lệ thì con cháu sinh ra cũng sẽ chịu chung số phận này, bị đóng ấn lên người, không có bất kỳ cơ hội nào đổi đời.

Khi đám người Mộc bỏ xứ chạy lên Kim Điền lập quốc đã mang theo không ít nô lệ, họ cũng là những người bỏ mạng nhiều nhất trong những trận chiến với nước Mộc. Để cổ vũ lòng dân, Kim Vương khai quốc đã mở ra một cánh cửa hẹp, cho phép các nô lệ nước Kim nếu có công cứu quốc, hoặc đủ tiền chuộc thân thì sẽ được xóa bỏ đi thân phận hèn kém. Tuy đã có sắc lệnh là vậy, nhưng con đường chuộc thân của họ thật chẳng dễ dàng, có những người được chủ mua về với giá chục đồng Kim tiền, đến khi gom góp tiền bạc chuộc lại thân phận thường dân lại bị hét giá gấp cả trăm lần. Còn những nô lệ tự nguyện đi chinh chiến, thường là để nhường lại cơ hội chuộc thân cho vợ con hoặc người thân, vì một khi ra trận, trước cung tên kiếm giáo, tự do chẳng phải là cái khiên giúp họ được an toàn.

Người Kim cũng như người Mộc và các nước láng giềng xung quanh nhìn mặt trăng mà tính số ngày quy ra tháng, dựa mặt trời và sự biến thiên của cảnh sắc khí hậu để quy định tiết khí, mỗi một tiết khí kéo dài trong khoảng mười bốn đến mười sáu ngày. Cứ đủ hai tư tiết khí được coi là một năm. Lịch mặt trăng và lịch mặt trời cùng lúc được sử dụng, theo năm tháng dần dần quy định thành một năm có mười hai tháng, mỗi tháng có hai chín hoặc ba mươi ngày.

Mỗi tháng, vào ba ngày trăng sáng nhất, trại nô lệ Cao Nô lại nườm nượp kẻ ra người vào, náo động cả một góc phía Tây thành. Trong ba ngày này Cao Nô dừng mọi hoạt động buôn bán nô lệ để tập trung cho một việc duy nhất: mở đấu trường tỉ võ.

Trong Ngân Thành, đấu trường ở Cao Nô là lớn nhất, đấu sĩ của họ đều là những nô lệ được tuyển chọn kỹ càng trước mỗi cuộc đấu nên dù là những cuộc đấu vòng ngoài cũng đều đáng xem. Nếu thắng hết các vòng, đấu sĩ sẽ được chủ nhân Cao Nô trả lại tự do, lại còn tặng thêm một nghìn Kim tiền để bắt đầu một cuộc đời mới nên ai nấy xung trận đều dốc hết sức mình hòng thoát khỏi chốn địa ngục trần gian. Sự hăng máu của họ lại càng cổ vũ sự ăn thua của đám người xem đặt cược vào mỗi ván đấu. Sức hấp dẫn của đấu trường nô lệ thu hút đủ mọi hạng người trong kinh thành, từ quý tộc, công tử cho tới thường dân, miễn trả đủ tiền vào cổng là đều có thể vào xem, tuy nhiên còn tùy vào độ chịu chi của mỗi người mà vị trí ngồi của họ sẽ được sắp xếp khác nhau.

Đấu trường Cao Nô được dựng trên một khu đất rộng, sàn đấu so với mặt đất cao tới ngang thân một nam giới trưởng thành. Để mọi người đều nhìn được diễn biến trên đài đấu, người ta đặt những bậc gỗ dốc theo chiều thẳng đứng giúp những người ở xa cũng xem được từ góc trên cao. Lấy đài đấu làm trung tâm, ở hai phía Bắc, Nam dựng lên hai lầu đối diện nhau. Lầu Cao Sơn nằm hướng Bắc, lầu Quan San nằm hướng Nam. Mỗi lầu chứa được khoảng hai mươi người, có ghế tựa rèm che, ngồi ở nơi đây không chỉ quan sát được mọi diễn biến trên sàn đấu mà còn nhìn bao quát được một góc rộng quanh đấu trường, trong khi người bên ngoài lại không thể biết có ai ngồi trong đó. Chủ nhân của Cao Nô còn cho xây hai lối riêng dẫn đến Cao Sơn và Quan San, đảm bảo kín đáo cho những vị khách không thích bị nhòm ngó.

Tuy hai vị trí này đều có giá cao ngất nhưng tháng nào cũng trong tình trạng cung không đủ cầu, nhất là trong ngày đấu trận cuối cùng, chỉ riêng chuyện lắc đầu từ chối cũng đủ khiến mấy gã quản nô lo việc xếp chỗ mỏi nhừ cổ. Biết vậy nên ngay từ đầu Lý Đàm cũng chẳng hi vọng gì vào chuyện giành được chỗ nơi lầu cao giá chát. Chỉ là chàng ta không ngờ tới chuyện ngay cả kiếm một chỗ bình thường ngồi xem tỉ võ cũng khó khăn.

Lúc tới đây, trông thấy cảnh tượng cả trăm con người đang đứng trông lên đài đấu, trong khi khán đài đã kín chật, Đàm không ngừng lẩm bẩm thầm trách Quyên. Con bé đó biết Đàm rủ hai vị sư huynh tới Cao Nô xem trận chung kết, liền nhì nhèo với cha đòi đi cùng khiến anh ta không thể từ chối. Tối qua Đàm đã dặn Quyên phải đi nghỉ sớm để sáng nay còn lên đường. Chẳng biết có chịu nghe lời hay không mà sáng nay gọi mãi không nổi, cuối cùng mọi người đành phải bỏ Quyên lại.

Vì khởi hành trễ nên lúc bốn thầy trò tới trại Cao Nô còn đang loay hoay tìm chỗ thì trận đấu đầu tiên đã xong. Thật may lúc ấy có kẻ tinh mắt nhìn ra bốn người mới vào sân ăn vận sang trọng liền chạy tới gạ họ mua lại chỗ ngồi của hắn ở khá gần đài đấu, tuy vị trí này không được tốt, nghểnh cổ mới xem rõ nhưng cũng còn hơn phải đứng đến nửa buổi. Đàm nghe thuận tai, bèn móc hầu bao trả tiền, lập tức có bốn gã ăn vận nhếch nhác đứng dậy nhường chỗ cho bọn họ.

Một lát sau, chỗ ngồi cạnh Đàm cũng lại đổi chủ, chàng ta tò mò hỏi người vừa đến thì mới biết kẻ gạ mua chỗ khi nãy đích thị là cò mồi chuyên nghiệp. Chỉ trừ khi xuất phát từ tinh mơ, còn không rất khó có được chỗ tốt trong ngày có trận đấu cuối. Nhiều kẻ cơ hội đã phục sẵn ngoài cổng trại Cao Nô từ sẩm tối ngày hôm trước, chỉ chờ trại mở là họ sẽ xông vào cướp lấy những vị trí đẹp, ép người đến sau phải mua lại với giá cao. Đã vậy, so với mặt bằng chung, chỗ ngồi Đàm mua còn bị đội giá lên gấp đôi, xem ra đó là khoản phụ phí dành cho trai đẹp mặc đồ sang.

Mải nghe người bên cạnh nói chuyện, đến lúc nghe tiếng cồng rền vang trên đài đấu, Đàm mới giật mình nhìn lên thì hiệp đấu thứ hai đã kết thúc, chàng ta còn chẳng kịp nhìn rõ mặt kẻ bại trong trận vừa rồi, chỉ thấy người thắng là thanh niên trạc độ hai mươi, tóc tai luộm thuộm phủ gáy, mặc áo vải gai có vương máu khô đóng kết lại trước ngực, quần màu tối bạc phếch xắn đến bắp chân. Trong thời gian nghỉ giữa hiệp, người của trại Cao Nô lại lăng xăng chạy khắp nơi để nhận bạc ghi thẻ cá độ cho trận kế tiếp. Trò vui này thực sự khiến Đàm ngứa ngáy, nhưng chàng ta đâu dám xuống tay trước mặt sư phụ nên vờ xin phép ra ngoài làm chuyện cá nhân, rồi chạy thẳng một mạch đến quầy chưởng quỹ trút bạc ghi thẻ. Đang dở tay thì có người vỗ mạnh vào vai, ngẩng lên thấy Viết Lãm, Huỳnh Phan đều đang đứng cạnh, Lý Đàm cười hì hì, thành khẩn khai báo: "Em chọn người số một, các anh chọn số mấy?", nói đoạn nhón tay lấy thêm hai thẻ nữa cho các sư huynh. Thấy hai người họ chần chừ, Lý Đàm liền giục giã: "Cầm lấy đi, còn chờ gì nữa? Nhanh rồi còn vào!"

Chàng ta vừa nói dứt lời, bên tai liền vang lên một giọng trầm trầm quen thuộc khiến trai đẹp mặc đồ sang xém ngất ngay ở quầy chưởng quỹ. "Sao chỉ có hai? Thiếu mất thẻ của ta rồi..."

(Còn tiếp)

- Rei -

Fanpage: facebook.com/thanhxuandimong

Ảnh: Internet

-------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro