Chương 2.3: Trận đấu cuối cùng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ trên cao nhìn xuống, đấu trường Cao Nô lúc này chẳng khác nào một đàn ong vỡ tổ. Ấy vậy mà kẻ trong cuộc lại hết sức bàng quan. Gã tìm một góc khuất trên đài đấu, cởi chiếc áo vải gai màu vàng đã bị đối thủ khi nãy xé toạc một mảng sau lưng, rồi ngồi dựa lưng vào cột đài, nhắm mắt nghỉ ngơi. Chỉ còn một trận nữa thôi, gã sẽ được tự do, hoặc là chết. Ý nghĩ về cái chết thoáng lướt qua, một gương mặt mờ ảo lại hiện lên trong đầu gã. Theo năm tháng, hình dung về người ấy càng lúc càng mờ nhạt, nhưng dáng vẻ của người đó, những gì người đó nói, cho đến giờ gã vẫn ghi tạc trong lòng. "Hãy dùng sự giận dữ của ngươi để đoạt lấy tự do". Vì câu nói ấy mà gã trôi dạt đến Cao Nô, cũng vì câu nói ấy mà gã đã cố trụ vững cho đến giờ phút này. Đối với những kẻ nô lệ, tự do tựa như trời xanh, có thể nhìn thấy nhưng khó lòng với tới. Giờ bầu trời ấy còn cách không xa, liệu gã có thể nắm nó trong tay?

Một tiếng cồng dài vang lên, báo hiệu các giao dịch đặt cược chấm dứt, khán giả bắt đầu lục tục quay trở lại chỗ ngồi. Lúc này, đám gia nhân Cao Nô mới bắt tay vào chuẩn bị đài đấu cho trận cuối cùng, họ cố tình không tận dụng thời gian nghỉ để tránh lộ manh mối về đấu sĩ đặc biệt. Một khi để khách xem đoán được sẽ rất ảnh hưởng đến tỉ lệ đặt cược ván cuối.

Lúc vào trường đấu, bốn thầy trò Nguyễn Thuần đã thấy giữa đài đấu và khu vực đứng xem phía dưới có một con hào sâu ngăn cách, giữa hào có các cột sắt dựng thành hàng rào chạy thành một vòng khép kín, họ đều cho rằng sắp đặt này là để tránh người phía dưới tiếp cận với sàn đấu. Nhưng đến lúc này, khi hàng rào sắt đội đất chui lên, cao thêm so với lúc trước một khoảng gấp đôi thân người lực lưỡng thì họ mới biết hóa ra đài đấu nằm trên một cơ quan khổng lồ ẩn dưới lòng đất. Một khi rào sắt được căng cao hết cỡ, đài đấu giống như lọt thỏm trong một chiếc chuồng thiếu nắp che. Dù biết trình độ cơ khí của người Kim hết sức tiến bộ, nhưng ngay đến cả Nguyễn Thuần cũng không hiểu nổi làm cách nào mà đám người Cao Nô này có thể đưa các cột sắt to bằng cổ tay người xuống sâu dưới lòng đất, cơ quan phía mặt đất hoạt động thế nào để đẩy các cột sắt lên?

Trong lúc người của Giao Hầu Phủ nhăn tít mặt mày thì phía Cao Nô lại tiếp tục dựng thêm bốn vọng gác thô sơ, tương ứng với bốn góc đài đấu, mỗi vọng gác vừa đủ cho hai người. Nhìn thấy bố trí này, nhiều người tỏ ra thất kinh, ngay cả người đàn ông ngồi cạnh Đàm cũng thành lắp bắp: "Bọn họ... bọn họ định giết người ư?"

Gã nô lệ ở trên đài đấu vẫn không hề suy chuyển dáng ngồi. Gã cũng không biết chuyện gì đang diễn ra. Người ta không bao giờ cho nô lệ xem những cuộc đấu cuối cùng vì sợ độ tàn khốc sẽ khiến họ mất đi nhuệ khí. Một khi biết tự do là điều vô vọng thì làm gì còn kẻ nào bán mạng muốn chiến đấu?

Người của Cao Nô còn chưa sắp xếp xong xuôi, trận đấu còn chưa bắt đầu nhưng nhiều người cảm thấy kết cục đã được định đoạt. Một vài kẻ còn chán nản vứt thẻ bài đi về. Lý Đàm rốt cuộc cũng không nén nổi tò mò, quay sang người ngồi cạnh, dò hỏi: "Trận chút nữa sẽ ác chiến lắm sao? Đã tốn một đống tiền rồi, sao người ta có thể không xem mà cứ thế bỏ về?"

Người đàn ông này thở dài: "Cậu không biết đó thôi. Một khi Cao Nô dàn trận như thế này, chắc chắn sẽ có người chết đó". Đoạn ông ta nhìn một lượt bốn người. "Nếu trong số các vị có người yếu tim, ta thật lòng khuyên nên về ngay từ lúc này còn kịp. Một khi trận đấu đã bắt đầu thì sẽ rất tàn khốc". Những lời này đều xuất phát từ đáy lòng, nhưng ông ta nào biết những người đứng cạnh mình đều là cao thủ của Mộc Quốc, càng úp mở thì họ càng muốn biết rốt cuộc đám người Cao Nô này độc ác đến đâu.

Lý Đàm còn định hỏi thêm, nhưng chưa kịp mở miệng, đáp án đã xuất hiện khiến ai nấy đều bàng hoàng.

Tấm ván gỗ bắc qua hào sâu nối giữa đài đấu và mặt sân của đấu trường lúc này đã bị tháo ra. Để lộ ra bên dưới là một chiếc chuồng sắt khổng lồ. Gia nhân Cao Nô vận hành cơ quan phía bên dưới lòng đất dần đẩy chiếc chuồng sắt từ từ nhô lên khỏi mặt đất. Chiếc chuồng này ba mặt bịt kín, mặt còn lại gồm những song thưa, hướng thẳng đến đài đấu. Chúa sơn lâm bị giam lâu trong bóng tối, lúc này khi ánh mặt trời rọi tới, nó liền gầm một tiếng rúng động đấu trường.

Ngay cả một người lạnh lùng như Huỳnh Phan cũng mặt mày biến sắc. "Đấu sĩ đặc biệt của bọn họ là hổ sao?"

Đáp lại tiếng hổ gầm là một hồi dài tù và cất lên. Tất cả mọi người không ai bảo ai, nhất thảy đều hướng về phía người thổi tù và làm bằng ngà voi. Đó là một người đàn ông khoảng độ tứ tuần, mặt mày căng tròn như một quả bóng da, mặc trang phục trắng của người Kim có thêu hình dã thú chi vương bằng chỉ vàng trước ngực, trên người lấp lánh các món trang sức, ngọc thạch quý hiếm, ngay cả chiếc kiệu bốn người khiêng mà ông ta đang ngồi cũng có gắn tay vịn bằng huyết ngọc được chế tác tinh xảo.

"Người đó chính là Cao Gia Ngọc, chủ nhân của trại Cao Nô này", người đứng cạnh Lý Đàm cũng tỏ ra bất ngờ, "Ông ta thường ít khi xuất hiện, ngay một người hay đến đây như ta, đây mới là lần thứ hai nhìn thấy người đó. Xem ra mấy người các ngươi hôm nay đến đây rất may". Lời nói vừa vuột ra khỏi miệng, ông ta lại thấy mình hàm hồ khi nghĩ đến gã nô lệ đang trên đài đấu, sao có thể coi việc nhìn kẻ khác chết đi từ từ là chuyện may cơ chứ. Phải nói là Cao Gia Ngọc là một vận xui mới đúng, các đấu sĩ đánh trận đặc biệt không phải lúc nào cũng thành tử sĩ, chỉ cần họ chịu thua là có thể giữ mạng, nhưng cứ mỗi lần Cao Gia Ngọc xuất hiện, người chấp nhận thách đấu chỉ còn mỗi đường chết.

Chiếc kiệu của Cao Gia Ngọc đi đến đâu, đám người đứng gần đài đấu lại dạt ra đến đấy. Chẳng mấy chốc Cao Gia Ngọc được đưa đến gần cột đài, chỗ gã nô lệ đang đứng.

Cao Gia Ngọc chống tay trái lên má, tay phải chỉ về phía lồng sắt giam hổ, cất giọng ẽo uột: "Ngươi nghĩ rằng ngươi có thể thắng nó sao?".

"Phải thử thì tôi mới biết được", giọng gã nô lệ khàn đặc.

Cao Gia Ngọc cười váng. Nãy ông ta còn tưởng lúc nhìn thấy "đấu sĩ" mà đích thân ông ta chọn, gã nô lệ này nếu không đái ra quần thì cũng sẽ sụp lạy xin tha mạng, không phải kẻ nào đứng trước hổ trắng cũng giữ được bình tĩnh như người này, sống chết của gã ta giờ chỉ như sợi tơ mỏng, vậy mà vẫn giữ được khẩu khí như vậy cũng thật đáng khen. Người như thế để chết cũng đáng tiếc, nhưng ai bảo gã ta đêm qua nhất quyết không chịu tới hầu hạ làm Cao Gia Ngọc tức chết, bằng không xuất hiện trên sàn đấu đặc biệt hôm nay đã là một lão bà.

(Còn tiếp)Tranh: Internet[Tiểu Thuyết]: Thanh Xuân Dị Mộng Tác giả: Rei D Fanpage: fb.com/thanhxuandimong

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro